Giáo Dục Lịch Sử Trong Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông:
CẦN NHÌN VÀO MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA GIÁO DỤC
Phạm Thị Ly (2015)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần 23.11.2015).
Cũng như nhiều người khác, tôi chia sẻ mối lo ngại của các nhà sử học khi họ băn khoăn về phương án dạy tích hợp môn Sử trong bộ môn Công dân với Tổ quốc. Tôi cũng đồng ý rằng hiểu biết về lịch sử và cội nguồn là một thành tố không thể thiếu tạo nên một con người có giáo dục và có năng lực công dân. Tuy vậy, liệu điều này có mâu thuẫn với việc dạy tích hợp môn Sử hay không, thì cần phải xem xét từ nhiều phía. Bài này góp một góc nhìn từ cách tiếp cận mục tiêu.
Trước hết, chúng ta cần trả lời một câu hỏi kinh điển: học Sử để làm gì? Nếu như câu trả lời chỉ là học để biết về quá khứ, để bồi đắp tinh thần yêu nước, thì câu hỏi tiếp theo là, với thời lượng dành cho môn Sử và cách dạy Sử hiện nay trong chương trình hiện hành, chúng ta có đạt được mục tiêu đó hay không?
Có lẽ mọi người còn chưa quên hình ảnh học sinh trường trung học Nguyễn Hiền vứt tài liệu học thi môn Sử trắng một góc trời trong sân trường để bày tỏ sự vui mừng khi được biết Sử không phải là môn thi tốt nghiệp trung học. Mọi người có lẽ cũng chưa quên hình ảnh có những hội đồng thi không một thí sinh thi môn Sử, và có những hội đồng 66 giám thị nhân viên chỉ phục vụ có một thí sinh độc nhất thi môn Sử trong kỳ thi vừa qua chỉ cách đây vài tháng. Hình ảnh đó nói lên rằng học sinh chán ghét học Sử như thế nào và cách chúng ta đang dạy Sử trong trường phổ thông đã thất bại ra sao. Có người sẽ nói: vậy thì phải bắt buộc học, bắt buộc thi môn Sử mới có thể cứu cái thảm trạng ấy. Chúng tôi tin rằng dù có tăng gấp đôi số giờ dạy Sử, dù có bắt buộc học và thi môn Sử cũng không thể nào giải quyết được sự chán ghét hiện nay của học sinh, và không thể đạt được mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho việc dạy Sử, thậm chí nó còn có tác dụng ngược.
Tất cả những ý kiến không đồng tình việc tích hợp môn Sử đều dựa trên quan điểm truyền thống về việc dạy học xưa nay, coi giáo dục là truyền thụ kiến thức, và dựa trên quan điểm thiết kế chương trình nhằm trả lời câu hỏi “Chúng ta muốn học sinh biết cái gì?”. Có lẽ chúng ta chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu những quan điểm làm nền tảng cho việc xây dựng Chương trình GDPT mới, hoặc lỗi do Bộ GD-ĐT đã chưa truyền thông đầy đủ để mọi người hiểu rõ những quan điểm này.
Chương trình GDPT mới đã được xây dựng trên nền tảng tầm nhìn biến một nền giáo dục nhồi nhét thành một nền giáo dục nhằm vào xây dựng năng lực. Điều này, nói thì dễ mà làm thì khó. Để làm được điều đó, tức là để thay đổi mục tiêu của giáo dục, cách tiếp cận của tất cả các bộ môn đều phải thay đổi, trong đó có môn Sử.
Môn Sử trong chương trình GDPT các nước
Ở Mỹ, giáo dục tiểu học nhấn mạnh kỹ năng xã hội và hiểu biết cơ bản về khoa học và cuộc sống. Các môn học cụ thể khác nhau tùy từng bang, thông thường là Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Xã hội, và Nghệ thuật.
Môn Xã hội (Social Studies) được định nghĩa là “môn học tích hợp các khoa học xã hội và nhân văn nhằm thúc đẩy năng lực công dân”, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, chứa đựng những hiểu biết, khái niệm cơ bản trong lịch sử và địa lý Hoa Kỳ, và có khi là lịch sử và địa lý của địa phương. Ở bậc trung học, những chủ đề này bao gồm phân tích những sự kiện lớn trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như những chủ đề rộng hơn như nguồn gốc và văn minh phương Tây, toàn cầu hóa, chủ nghĩa thực dân, và những mâu thuẫn quốc tế.
Ở Anh, Lịch sử cũng không phải là môn bắt buộc ở bậc trung học, kết quả là 25% tổng số trường trung học không còn dạy môn lịch sử sau năm lớp 7.
Hàn Quốc cũng không dạy môn Lịch sử như một môn học riêng biệt ở tiểu học. Chương trình tiểu học bao gồm Tiếng Hàn, Tiếng Anh, Giáo dục Đạo đức, Xã hội, Toán, Khoa học, Nghệ thuật, Âm nhạc, và giáo dục thể chất. Bậc trung học (tương đương lớp 7-9 trong hệ thống Bắc Mỹ và lớp 8-10 trong hệ thống Anh) học các môn Tiếng Hàn, Toán, Tiếng Anh, Xã hội và Khoa học. Học sinh cũng được dạy các môn tự chọn âm nhạc, nghệ thuật, thể dục, lịch sử, kinh tế gia đình, công nghệ và Haja (viết chữ Hàn theo lối Hán tự). Ở trung học phổ thông các môn chính là Tiếng Hàn, Tiếng Anh và Toán, trong tổng số 16 môn học và chương trình bắt đầu được phân hóa thành các luồng hàn lâm và hướng nghiệp. Trước năm 2013, môn lịch sử là môn tự chọn ở Hàn Quốc, và chỉ 10% học sinh chọn học môn này. Do bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Nhật và Trung Quốc, công luận đòi hỏi tăng cường giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, và Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định đưa lịch sử thành môn bắt buộc, tuy vẫn không phải là môn thi. Bộ trưởng Giáo dục Lee Jo Hoo nói: “Chúng ta phải tiếp cận vấn đề giáo dục lịch sử với một quan điểm mới, thay cho cách tiếp cận nhằm vào thi cử như trước đây”.
Hiện nay, chương trình phổ thông trung học Hàn Quốc bao gồm 10 môn bắt buộc và 10 môn tự chọn. 10 môn bắt buộc là: Tiếng Hàn, Đạo đức, Xã hội (trong đó bao gồm Lịch sử), Toán, Khoa học , Công nghệ, Kinh tế Gia đình, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Nghệ thuật, và Tiếng Anh.
Trong lúc đó, ở Singapore Chương trình phổ thông được xây dựng với ba vòng đồng tâm: vòng trong cùng là cốt lõi của giáo dục nhằm bảo đảm giúp học sinh đạt được những giá trị và kỹ năng sống cơ bản, những thứ sẽ theo họ suốt đời và giúp họ trở thành một người trưởng thành có trách nhiệm và một công dân tích cực. Vòng này bao gồm các hoạt động nằm ngoài việc học tập kiến thức, tức những hoạt động được thực hiện đồng thời trong chương trình, không thi và không nhất thiết diễn ra trong lớp học. Đó là những hoạt động như làm dự án, xây dựng giá trị trong hành động, xây dựng tính cách, giáo dục tinh thần công dân. Vòng thứ hai nhằm vào những kỹ năng trong việc thụ đắc kiến thức, nhằm phát triển kỹ năng tư duy và giao tiếp. Vòng thứ ba nằm ngoài cùng mới là các môn học và chỉ bao gồm ba nhóm: Ngôn ngữ (Tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ); Toán và Khoa học (bao gồm Toán và các lĩnh vực tự nhiên); Nghệ thuật và Nhân văn (bao gồm Xã hội, Nghệ thuật, và Âm nhạc).
Tất nhiên vẫn có những nước coi lịch sử là một môn học riêng và là môn cơ bản, như Úc hay Trung Quốc. Ở Úc, chương trình giáo dục quốc gia bao gồm 5 môn: Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa. Tuy vậy rất nhiều giờ học/bài học được thiết kế liên môn, tức là tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ở Trung Quốc, chương trình học phổ thông bao gồm các môn: Tiếng Trung, Toán, Tiếng Anh, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử, Chính trị, Nhạc, Họa, Kỹ thuật và Vi tính. Ba môn thi tốt nghiệp là Tiếng Trung, Toán và Tiếng Anh. Ở nhiều tỉnh, học sinh còn phải thi thêm một trong hai môn, hoặc là môn Tự nhiên (tích hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc môn Xã hội (tích hợp Sử, Địa và Chính trị). Do học sinh phổ thông bỏ học nhiều, ở nhiều vùng nông thôn, nhà trường dạy một chương trình chỉ bao gồm ba môn là tiếng Trung, Toán và Đạo đức.
Mục tiêu dạy Sử trong trường phổ thông
Trở lại mục tiêu cơ bản nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng tới xây dựng năng lực thay cho nhồi nhét kiến thức. Vậy chúng ta mong đợi môn Lịch sử hình thành năng lực gì cho người học?
Hẳn nhiên chúng ta không mong đợi học sinh trở thành những quyển từ điển sống có thể kể vanh vách ngày nào tháng nào sự kiện gì đã xảy ra trong quá khứ dân tộc hay trên thế giới. Chúng ta không đào tạo tất cả học sinh trở thành những nhà sử học. Chúng ta không muốn dùng lịch sử để dạy lòng tự hào dân tộc theo lối biến nó trở thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Chúng ta biết là lịch sử Việt Nam, cũng như bất cứ nước nào khác, không hoàn hảo. Có những sự kiện đáng tự hào, có những năm tháng tủi nhục, có thắng lợi huy hoàng và có mất mát đau thương. Có những chiến thắng thần thánh, và những sai lầm thảm hại, có vua sáng tôi hiền và có những kẻ mãi quốc cầu vinh. Chúng ta không chỉ muốn học sinh biết điều gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn là học được tư duy phân tích để hiểu bản chất của lịch sử và suy nghĩ về những sức mạnh nào đã chi phối cuộc sống của chúng ta, sức mạnh nào đã giữ cho chúng ta còn tồn tại như một quốc gia thống nhất, và cái giá mà chúng ta đã trả cho độc lập tự do. Học sinh sẽ có thể đạt được năng lực ấy khi tiếp xúc với những cách diễn giải khác nhau về lịch sử, để từ đó hiểu sâu hơn về những giá trị đã làm thành bản sắc của một quốc gia.
Năng lực này đạt được thông qua thảo luận, tranh luận, làm dự án, tham quan bảo tàng, xem phim, diễn kịch, đóng vai, và nhiều hoạt động khác. Nó phải gắn với môn Công dân và Tổ quốc vì mục đích trực tiếp nhất của môn Lịch sử là góp phần hình thành năng lực công dân, tức là khả năng đánh giá được những giá trị của quá khứ, hiểu được những gì đã định nghĩa nên một dân tộc, một quốc gia, những gì đã gắn bó bản thân mình, gia đình mình, dòng tộc mình với tổ quốc, và hiểu được vinh nhục của việc là một người Việt, và là một công dân toàn cầu, thì có ý nghĩa như thế nào.
Có lẽ chúng ta dễ dàng đồng ý rằng nếu không thay đổi cách dạy Sử hiện nay thì dù có tăng bao nhiêu giờ, mục đích này cũng khó lòng đạt được. Đề xuất dạy tích hợp chính là dựa trên tiếp cận mục tiêu, trong đó kiến thức lịch sử chỉ là chất liệu, chứ không phải là mục đích.
Bản chất của lịch sử là một sự kiện bao giờ cũng có thể được diễn giải và đánh giá một cách khác nhau tùy theo góc nhìn, quan điểm và lập trường chủ quan của từng người. Giá trị của việc giáo dục lịch sử chính là cho thấy sự phức tạp ấy và giúp học sinh hình thành năng lực đánh giá. Bối cảnh xã hội bây giờ rất khác với cách đây vài chục năm: trước đây nhà trường là nguồn cung cấp kiến thức gần như duy nhất. Ngày nay, nhà trường dù có muốn cũng không thể ngăn chặn học sinh tiếp xúc với một khối lượng thông tin đa chiều cực lớn trên mạng xã hội, trong đó có tốt có xấu, có đúng có sai. Áp đặt một quan điểm trong nhà trường không phải là cách tốt để đáp ứng với thực tế này. Vì vậy, điều tối cần đối với giáo dục lịch sử ngày nay là huấn luyện tư duy lịch sử và khả năng phân tích đánh giá, chứ không phải là nhồi nhét càng nhiều kiến thức càng tốt.
Chỉ khi nào học sinh cảm thụ lịch sử bằng sự trải nghiệm và đánh giá của riêng mình, thì ký ức chung với những người cùng nguồn cội mới thành hình và tình cảm yêu nước mới nảy nở một cách lành mạnh. Dạy lịch sử bằng phương pháp nhồi nhét và áp đặt như chúng ta đang làm trong chương trình hiện hành là cách nhanh nhất giết chết hứng thú học môn Sử và ý nghĩa của việc giáo dục lịch sử. Đó mới là thực chất của vấn đề, chứ không phải là bắt buộc hay không bắt buộc, thi hay không thi, tích hợp hay không tích hợp.
0 Comments