Lời nói đầu của người dịch (LP): Năm 1940, sau một loạt các cuộc hội thảo vốn bắt đầu từ năm 1934, các đại biểu của Hiệp hội các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ và Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ đã đồng thuận đưa ra bản Tuyên ngôn đã được soạn thảo dựa trên Tuyên bố Hội nghị về Tự do Học thuật và Biên chế năm 1925. Bản Tuyên ngôn này về sau được gọi là “Tuyên ngôn năm 1940 về Những Nguyên tắc của Tự do Học thuật và Vấn đề Biên chế”. Bản Tuyên ngôn này sau đó đã được diễn giải và điều chỉnh đôi chút trong các cuộc họp của Hiệp hội các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ và Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ vào tháng 11-1989, tháng 1-1990. Sau đây là toàn văn bản tuyên ngôn đã được điều chỉnh.

Mục đích của bản Tuyên ngôn này là nhằm đẩy mạnh sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng đối với tự do học thuật, vấn đề biên chế và tán thành những quy trình nhằm bảo đảm việc thực hiện nó ở các trường đại học. Các trường đại học hoạt động vì lợi ích chung chứ không vì lợi ích của các cá nhân giảng viên hay lợi ích của từng trường[1]. Lợi ích chung phụ thuộc vào việc tự do tìm kiếm sự thật và tự do trình bày sự thật.

Tự do học thuật là điều cốt yếu đối với những mục đích này và cần được áp dụng cho cả giảng dạy và nghiên cứu. Tự do trong nghiên cứu là nền tảng của những tiến bộ trong nhận thức về chân lý. Tự do học thuật trong giảng dạy là cơ sở để bảo vệ quyền của giảng viên trong giảng dạy và quyền tự do của sinh viên trong học tập. Những quyền này gắn với những bổn phận tương ứng.

Biên chế là một phương tiện với những mục đích nhất định, cụ thể là: (1) bảo đảm tự do trong giảng dạy và nghiên cứu, cũng như trong các hoạt động ngoại khóa (2) bảo đảm một sự an toàn tài chính đủ cho những người có năng lực có thể toàn tâm toàn ý cho công việc chuyên môn. Quyền tự do và sự an toàn về tài chính, sau đây gọi là biên chế, là tuyệt đối không thể thiếu đối với một trường đại học nhằm bảo đảm cho nó hoàn thành nghĩa vụ với sinh viên của mình và với xã hội.

Tự do Học thuật

  1. Giảng viên có toàn quyền tự do trong việc nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, dựa trên những hoạt động phù hợp với bổn phận nghiên cứu của họ, nhưng những nghiên cứu mang lại kết quả về mặt tiền bạc cần phải dựa trên nhận thức về thẩm quyền của nhà trường.
  2. Giảng viên có toàn quyền tự do trong lớp học về những nội dung đem ra thảo luận, nhưng họ cần thận trọng không đưa ra những vấn đề có thể gây ra tranh luận mà không liên quan đến lĩnh vực chuyên môn họ đang giảng dạy. Những giới hạn của tự do học thuật có lý do tôn giáo hoặc do những mục tiêu khác của nhà trường cần được nêu rõ ràng bằng văn bản tại thời điểm bổ nhiệm giảng viên.
  3. Giảng viên đại học là những công dân, đồng thời là thành viên của những tổ chức nghề nghiệp, là cán bộ của một tổ chức giáo dục. Khi họ phát ngôn hay viết với tư cách công dân, họ phải được tự do không bị kiểm duyệt hay bị kỷ luật, nhưng cương vị đặc biệt của họ trong cộng đồng xã hội đòi hỏi ở họ những nghĩa vụ đặc biệt. Với tư cách học giả và chuyên gia giáo dục, họ cần nhớ rằng công chúng có thể đánh giá nghề nghiệp của họ, hay đánh giá về nhà trường thông qua những phát biểu của họ. Vì vậy họ luôn luôn cần sự xác đáng, cần sự kềm chế, cần bày tỏ sự tôn trọng với ý kiến của người khác, cần lưu ý người nghe rằng họ không phát biểu nhân danh nhà trường.

Biên chế giảng viên

Sau khi hết thời gian tập sự, giảng viên hoặc nghiên cứu viên được quyền vào biên chế chính thức hoặc hợp đồng dài hạn, và việc phục vụ của họ chỉ có thể bị chấm dứt với những lý do đích đáng, trừ trường hợp nghỉ hưu theo tuổi, hoặc trong những hoàn cảnh ngoại lệ do tình trạng khẩn cấp về tài chính của nhà trường.

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện, nguyên tắc này được hiểu như sau:

  1. Các điều kiện, điều khoản tỉ mỉ của mọi hợp đồng làm việc phải được trình bày rõ ràng bằng văn bản để nhà trường và giảng viên mỗi bên giữ một bản trước khi thực hiện việc bổ nhiệm.
  2. Trong việc khởi sự bổ nhiệm một giảng viên cơ hữu, thời gian tập sự không nên vượt quá bảy năm, bao gồm cả thời gian làm việc toàn thời gian tại cả những trường khác; nhưng còn tùy thuộc vào những điều khoản cụ thể trong hợp đồng làm việc, chẳng hạn sau hơn ba năm làm việc như một giảng viên tập sự ở một trường nào đó, giảng viên được mời đến một trường khác, có thể thỏa thuận bằng văn bản rằng thời gian làm việc với tư cách tập sự ở trường này sẽ không quá bốn năm, dù là như vậy thì tổng thời gian tập sự của người ấy có thể dài hơn mức tối đa thông thường là bảy năm[2]. Giảng viên cần được thông báo trước ít nhất một năm trước khi hết hạn tập sự, nếu họ không được tiếp tục làm việc sau khi hết hạn hợp đồng[3].
  3. Giảng viên trong thời gian tập sự cũng có quyền tự do học thuật như mọi giảng viên khác.
  4. Việc hủy bỏ có lý do đối với những hợp đồng dài hạn, hoặc sa thải có lý do đối với giảng viên trước thời hạn hợp đồng, nếu có thể nên được cả cơ quan quản trị của nhà trường và hội đồng giảng viên xem xét. Trong mọi trường hợp khi các sự kiện còn chưa ngã ngũ, người bị buộc tội cần được thông báo trước khi nghe kết luận chính thức bằng văn bản và cần được tạo cơ hội để trình bày những luận cứ bảo vệ mình trước những tổ chức có trách nhiệm phán xét sự việc. Họ nên được phép chọn người tư vấn để bàn bạc việc giải quyết vấn đề. Cần có đầy đủ biên bản hồ sơ cho tất cả các bên liên quan xem xét. Khi nghe đọc lời buộc tội về việc không đủ năng lực hoặc thẩm quyền tiếp tục thực hiện việc giảng dạy, cần có sự chứng thực của các giảng viên và học giả khác trong và ngoài trường. Giảng viên trong trường hợp hợp đồng liên tục nếu bị sa thải vì những lý do không thuộc về đạo đức sa đọa nên được nhận tiền lương ít nhất là một năm sau ngày thông báo sa thải dù họ có tiếp tục làm việc tại trường hay không.
  5. Việc hủy những hợp đồng dài hạn vì lý do khẩn cấp về tình trạng tài chính của nhà trường cần được thực hiện một cách minh bạch, ngay tình và không lừa dối.

Diễn giải về Tuyên ngôn 1940

Tại hội nghị các đại diện Hiệp hội các Giáo sư Hoa Kỳ và Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ ngày 7-8 tháng 11 năm 1940, bản Diễn giải sau đây về Tuyên ngôn Những Nguyên tắc của Tự do Học thuật và Vấn đề Biên chế đã được thông qua:

  1. Bản tuyên ngôn này không có tính chất hồi tố.
  2. Tất cả các yêu cầu về biên chế đối với giảng viên được bổ nhiệm trước khi có bản tuyên ngôn này cần được xem xét theo các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị về Tự do Học thuật và Biên chế năm 1925.
  3. Nếu các nhà quản lý của trường đại học cảm thấy giáo viên đã không tuân theo những nhắc nhở ghi trong đoạn 3 phần Tự do Học thuật và có lý do để tin rằng những phát biểu bên ngoài trường đại học của giảng viên đã gây ra những ngờ vực nghiêm trọng về việc liệu họ có thích hợp với vị trí người thầy của mình hay không, thì điều này có thể dẫn đến hồ sơ kết tội theo đoạn 4 trong phần Biên chế Giảng viên. Để đưa ra những kết tội như vậy, các nhà quản lý cần nhớ rằng giảng viên là những công dân và cần chấp nhận quyền tự do của họ với tư cách một công dân. Trong những trường hợp như thế, các nhà quản lý phải thừa nhận đầy đủ trách nhiệm của họ, và Hiệp hội các Giáo sư Hoa Kỳ, Hiệp hội các Trường Đại học và Hoa Kỳ có toàn quyền điều tra vụ việc.

Việc chuẩn thuận

Tuyên ngôn năm 1940 về Những Nguyên tắc của Tự do Học thuật
và vấn đề Biên chế Giảng viên
đã được hơn 200 tổ chức giáo dục và khoa học xác nhận tán thành.

 

[1] Từ “giảng viên” được dùng trong văn bản này bao gồm cả các nghiên cứu viên làm việc trong các trường đại học mà không có bổn phận giảng dạy.

[2] Xem thêm “Về thời gian phục vụ nơi khác trong việc tính thời gian tập sự”” Policy Documents and Reports, 10th ed. (Washington, D.C., 2006), 55–56.

[3] Để thảo luận câu hỏi này, xem thêm “Báo cáo của Ủy ban Đặc biệt về những cán bộ khoa học không đủ tiêu chuẩn để được công nhận Biên chế”. Policy Documents and Reports, 9th ed. (Washington, D.C., 2001), 88–91.