Tác giả: TS. Carolyn Bishop
Chủ tịch, Consortium for Global Education

Người dịch: Phạm Thị Ly (2008)

 Tóm tắt

Trong thực tế, nước nào nắm được tri thức nhiều nhất là những nước thành công nhất. Giờ đây thành công nổi bật nhất, lớn lao chính là sự xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển cũng như trong việc tạo ra tri thức mới (Shenkar, 2005). Trong báo cáo này tác giả sẽ trình bày 3 vấn đề trong việc xây dựng một cơ sở tri thức có thể áp dụng cho giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa: 1) Xây dựng một nền tảng tri thức trong cơ cấu trường đại học vừa có tính chất toàn cầu vừa gắn với những vấn đề của khu vực, 2) Ứng dụng những tri thức chuyên ngành của giảng viên và sinh viên, và 3) Xây dựng những ngành đào tạo bậc đại học có thể thúc đẩy những điểm mạnh trong cơ sở tri thức của nhà trường.

Vì các trường đại học khắp nơi trên thế giới đều đánh giá tương lai của họ trên cơ sở số sinh viên theo học và sự phát triền của các chương trình đào tạo cấp bằng, nên các nhà quản lý và giảng viên đều thấy họ nhất thiết phải xác định trọng tâm toàn cầu cho công việc của mình. Toàn cầu hóa có thể thúc đẩy các trường tự đánh giá điểm mạnh của mình trong việc tạo ra tri thức cho khu vực và tham gia hợp tác với những trường đại học hàng đầu của các quôc gia khác. Sinh viên Việt nam đang cung cấp cho chúng ta nhiều bằng chứng về việc học tập tốt trong việc phát triển tri thức và học vấn chuyên môn của họ.

Xây dựng một nền tảng tri thức có tính toàn cầu và gắn với những vấn đề của khu vực 

Ba vấn đề được trình bày ở đây sẽ đóng góp cho việc phát triển một nền tảng tri thức có thể áp dụng được cho giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. 1) Xây dựng một nền tảng tri thức có tính toàn cầu và gắn với những vấn đề của khu vực từ trong cơ cấu trường đại học, 2) Tận dụng những tri thức khoa học của các giảng viên và sinh viên đã tốt nghiệp , và 3) Tạo ra những ngành đào tạo mới khả dĩ giúp cho cơ sở tri thức của nhà trường khẳng định được những điểm mạnh. Sinh viên thường là có tính hiếu kỳ hơn, có tinh thần chấp nhận rủi ro hơn, mong muốn năng động hơn so với thế hệ cha mẹ hay ông bà, bởi vậy họ muốn tìm kiếm những cơ hội học tập tốt nhất và có thể kết hợp việc học tập tại Việt Nam với việc học tập tại một nước khác.

Để tận dụng tài năng của những sinh viên hàng đầu trong 200 trường đại học công lập và 23 trường đại học tư, các trường cần tập trung vào những chương trình từng bước mở rộng thế mạnh của họ trong cơ sở tri thức toàn cầu hóa.

Những cơ hội lựa chọn khác nhau bao gồm nhiều ngành đào tạo cấp bằng rất đa dạng và sự phát triển mạnh mẽ của internet đã khiến 1,540,201 sinh viên Việt Nam thành ra quý báu đối với các trường đại học trong nước và ngoài nước. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ một nửa sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Các cơ sở đào tạo Việt nam đang đứng trước nhiều thử thách trong việc đem lại cho sinh viên những cơ hội việc làm hấp dẫn.

Những mối liên hệ toàn cầu

Quốc tế hóa, một thuật ngữ phổ biến khác của toàn cầu hóa, đã tạo ra một thế giới phẳng khi việc giao lưu học thuật quốc tế được xem như một việc sống còn của các trường, và ai cũng thấy càng đạt được nhiều tri thức trong các chương trình hợp tác đào tạo với các nước khác càng tốt (Friedman, 2005). Toàn cầu hóa có thể thúc đẩy các trường tự đánh giá điểm mạnh của mình trong việc tạo ra tri thức cho khu vực và tham gia hợp tác với những trường đại học hàng đầu của các quốc gia khác.

Trong diễn văn khánh thành Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Mai Trọng Nhuận nói: “Toàn cầu hóa đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh. Khoa học và kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng. Hiện đại hóa, công nghiệp hóa, và hội nhập quốc tế đang thay đổi đất nước chúng ta từng ngày. Những thử thách này tạo ra bối cảnh cho việc phát triển giáo dục đại học, làm gia tăng những cơ hội quan trọng trong thị trường nhân lực và thị trường cho những sản phẩm khoa học chất lượng cao. Nó cũng đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác và cạnh tranh giữa các trường đại học”.

Giờ đây sau hơn một thập kỷ, các trường đại học Việt nam đang gặt hái nhiều lợi ích từ những thay đổi tập trung vào việc củng cố các trường đại học trong nước để cạnh tranh với các trường nước ngoài. Khi các giảng viên và sinh viên tiếp tục hợp tác và cạnh tranh, các trường nước ngoài buộc phải chú ý tới những chuyên ngành đào tạo mới đang hình thành trong hệ thống đại học Việt Nam.

Có nhiều ví dụ tích cực về hợp tác toàn cầu trong hệ thống đại học Việt Nam. Một trong số đó là một chương trình được IBM công bố vào tháng 5 năm 2008. IBM cho biết họ sẽ cùng với các trường đại học công lập của Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo về Khoa học Dịch vụ, Quản lý và Kỹ thuật, một chuyên ngành mới hình thành kết hợp các phân ngành khoa học máy tính, kỹ thuật, khoa học quản lý, chiến lược kinh doanh, và khoa học xã hội. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ là nơi đầu tiên trong cả nước tiếp nhận chương trình này với sự hợp tác của IBM và một vài trường liên kết khác trong tương lai.

Các trường khác có thể tham gia những chương trình liên kết đào tạo cấp bằng hai bên như 2+2, 1+2+1, những chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên, những dự án hợp tác nghiên cứu nhằm đạt được sự tín nhiệm về khoa học cũng như tạo cơ hội làm việc và học tập cho giảng viên và sinh viên. Các trường đại học ngoài nước trong đó có các trường ở Hoa Kỳ đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến giá trị của việc trao đổi sinh viên và của các chương trình liên kết đào tạo.

Việc gia nhập WTO của Việt Nam vào tháng 1 năm 2007 đã tạo điều kiện cho gia tăng hàng hóa nhập khẩu, kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ cho phát triển giáo dục đại học. Hiệp định chung về Thương mại và dịch vụ (the General Agreement on Trades and Services- GATS), đại diện cho thỏa thuận thương mại đa phương của hơn 100 quốc gia dưới sự điều hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization -WTO). Giáo dục là một trong những dịch vụ nằm trong phạm vi điều chỉnh của GATS. Sẽ có ngày càng nhiều những trường nước ngoài tiếp tục kết hợp với các trường trong nước như những nhân tố toàn cầu làm tăng giá trị của tri thức

Một chi tiết thú vị là cùng trong năm 2007, Hội đồng các Trường Đào tạo Sau đại học Hoa Kỳ lần đầu tiên thu thập những dữ liệu về các chương trình cấp bằng liên kết và cấp bằng song song ở bậc đào tạo sau đại học. Trong 10 trường đào tạo sau đại học lớn nhất ở Hoa Kỳ, 56 % đã xây dựng những chương trình đào tạo cấp bằng hợp tác liên kết với một hoặc nhiều cơ sở đào tạo ở ngoài nước. Một điểm cũng rất thú vị trong bản báo cáo là 39% trong số 50 trường lớn nhất được khảo sát, và 21% trong tổng số các trường được khảo sát, cho biết rằng họ có kế hoạch xây dựng những chương trình hợp tác đào tạo với một hay nhiều trường nước ngoài trong vòng hai năm tới (Tobenkin, 2008).

Những liên hệ trong khu vực

Khi một trường đại học xây dựng một ngành đào tạo với tiêu điểm toàn cầu, việc chuyên môn hóa cơ sở tri thức trong khu vực có thể giúp phát triển sự trưởng thành trong chuyên môn của nhà trường và của sinh viên. Có thể kể ra một số tổ chức trong vùng ASEAN là:

  1. Tổ chức Các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network – AUN) thành lập năm 1995. Thành viên của tổ chức này là 17 trường đại học hàng đầu của 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác của Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn độ và Nga. Mục tiêu trọng yếu của AUN là đẩy mạnh hợp tác và thống nhất giữa các nhà khoa học của các trường trong mạng lưới ASEAN, xây dựng nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học, và đẩy mạnh việc phổ biến tri thức và thông tin trong cộng đồng khoa học ASEAN

Vào năm 2000, các thành viên AUN đã đồng thuận tập trung vào hệ thống Bảo đảm Chất lượng vì tri thức dựa trên cơ chế duy trì, cải tiến và đẩy mạnh chất lượng giảng dạy và nghiên cứu cũng như các tiêu chuẩn chung về tổ chức. Ủy ban AUN cũng nhận ra sự khác biệt của các trường thành viên trong đó có các nhân tố về văn hóa cũng như những nguồn lực cơ bản. Trong tinh thần hợp tác, các trường thành viên đã đồng ý xây dựng các tiêu chuẩn áp dụng cho việc Bảo đảm Chất lượng.

  1. Tính cơ động của các trường đại học trong vùng châu Á- Thái Bình Dương- từ năm 1995 UMAP đã tạo điều kiện cho sự luân chuyển giảng viên và sinh viên giữa các trường đại học cả ở trường công và trường tư. Một trong những sáng kiến rất thành công của họ là hợp tác với các trường đại học Úc để xây dựng sự phối hợp trong việc chuyển đổi tín chỉ, nhằm chuyển giá trị và điểm số của các môn sinh viên đã học ở một trường khác trong chương trình giao lưu sinh viên vào trong chương trình học tập chính của họ tại trường trong nước.
  1. SEAMEO – Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á thành lập năm 1965. Sự hỗ trợ của tổ chức này đối với việc đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục, khoa học, văn hóa trong vùng là một yêu cầu của các chính phủ. Mười thành viên của các nước Đông Nam Á là Brunei, Cambodia, Lao PDR, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Vietnam, và Thailand. Sáu thành viên liên kết là Australia, Canada, France, Germany, Netherlands, và New Zealand.

Ứng dụng những kiến thức chuyên môn của giảng viên và sinh viên

Điểm nhấn thứ hai cho giáo dục Việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa là nguồn lực quý giá về giảng viên và sinh viên

Ứng dụng tri thức thông qua phân tích dữ liệu hoặc phát triển sáng tạo của giảng viên có thể gia tăng tiềm năng của nhà trường trong việc thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Cách đây hai năm tác giả bài này có tiến hành một khảo sát về đề tài lãnh đạo trong các giảng viên đại học ở châu Á mà tác giả có cơ hội làm việc chung và nhận được câu trả lời như sau. Năm mục được các giáo sư trong cuộc phỏng vấn nhắc đi nhắc lại là:.

  • Học tập suốt đời – vấn đề và xu hướng hiện nay
  • Phát triển lãnh vực chuyên môn
  • Tự trọng
  • Tạo ra một mạng lưới trong và ngoài trường
  • Tham gia vào việc lãnh đạo- chấp nhận rủi ro.

Có vẻ như họ hiểu rằng đạt được tri thức là một việc phải theo đuổi cả đời do vậy vai trò của họ là xây dựng một lãnh vực chuyên môn hẹp trong thời gian sinh viên theo học bậc đại học. Như đã nêu phần trên, sinh viên có vẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn, tuy rằng khi các giảng viên bước ra để lãnh đạo việc xây dựng các ngành học có tính chất toàn cầu, họ thường trở thành những người dám chấp nhận rủi ro và thử thách, những người quý báu và cần cho thành công của một trường đại học.

Việt Nam đang đổi thay. David Heenan trong cuốn sách in năm 2005 Flight Capital cho biết có tới 300,000 người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam hàng năm để tận dụng sự tăng trưởng của thị trường việc làm. Hãy tận dụng họ và các bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ kinh nghiệm của họ.

Trong một bài báo của Nigel Andrade (2008) và hai tác giả khác, tiêu đề “Các khách hàng trẻ tuổi có thể định hình cho hoạt động của các ngân hàng Việt Nam như thế nào”, họ đã cho thấy khoảng cách thế hệ rất rõ trong thái độ đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Việt nam lớn hơn bất cứ nước nào trong vùng Châu Á. McKinsey nghiên cứu về 400 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng như một phần trong công trình nghiên cứu về dịch vụ ngân hàng cá nhân ở châu Á năm 2007, cho biết rằng khoảng 70% dân thành thị có thu nhập hàng năm khoảng trên 57 triệu đồng- hay 3,500 USD.

Khách hàng của các ngân hàng Việt nam trong khoảng 21-29 tuổi, tính trung bình sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn những người lớn tuổi. 90% những người trẻ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, so với 55% ở những người trên 30 tuổi. 89% có thẻ tín dụng, so với 40% những người còn lại trong cuộc khảo sát. Thêm vào đó, những người trẻ tuổi sẵn sàng hơn nhiều so với những người lớn tuổi trong việc dùng các kênh dịch vụ ngân hàng trực tuyến, hoặc từ xa như qua điện thoại hay internet.

Sinh viên Việt Nam đang hỗ trợ cho kỹ thuật thế kỷ 21. Họ khao khát ứng dụng các kỹ năng vi tính khi tìm trường để học hay khi tìm việc làm. Có thể thấy một thế giới mới trong các ngành như tài chính và ngân hàng đang nở rộ ở Việt nam và các ngành này đang được thúc đẩy bằng số lượng lớn khách hàng là sinh viên trong tuổi học đại học.

Xây dựng những ngành đào tạo bậc đại học có thể thúc đẩy những điểm mạnh trong cơ sở tri thức của nhà trường.

Khi nhìn vào sự ổn định hiện tại và tương lai của mình, các nhà quản lý và các giảng viên bất cứ trường đại học quốc gia nào ở Việt Nam cũng đều phải thường xuyên xem xét lại hiện trạng. Đây là một điều cốt yếu, để chúng ta bao quát được một phạm vi rộng các cơ hội toàn cầu và lựa chọn những cơ hội nào có thể làm mạnh hơn các ngành đào tạo sẵn có của mình và tập trung vào những mục tiêu hiện tại để phát triển một môi trường toàn cầu cho sinh viên trong việc chiếm lĩnh tri thức.

Chẳng hạn như ở Thái lan gần đây, các nhà giáo dục đã xác định con đường của họ trong việc cạnh tranh toàn cầu là củng cố hệ thống giáo dục quốc gia và các ngành đào tạo đang có của họ.

Trong một bản báo cáo trình bày tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo Giáo dục Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12 tại Đại học Kỹ thuật NanYang ở Singapore, một diễn giả đã đưa ra Sáu Đặc điểm của Các ngành Đào tạo Đại học Thái Lan (Chang, 2006) như sau:

Quản lý chương trình học Chất lượng và Hiệu quả

Cấu trúc chương trình đào tạo đạt Tiêu chuẩn quốc tế

Đội ngũ giảng viên có trình độ/bằng cấp và đa dạng

Đội ngũ sinh viên bao gồm nhiều sinh viên quốc tế và đa dạng về văn hóa

Môi trường học tập có tính chất quốc tế

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế

Bốn trong số sáu đặc điểm trên đây là có liên quan tới trọng tâm quốc tế trong việc xác định đặc điểm của một trường đại học, và hai đặc điểm còn lại liên quan tới các nguồn lực quý báu về cán bộ quản lý và giảng viên.

Cá trường đại học châu Á khác và bất cứ trường nào đặt trọng tâm quốc tế hóa đều có thể xem xét sáu đặc điểm trên đây để đánh giá những điểm mạnh trong các ngành đào tạo của mình. Tầm vóc toàn cầu của những sinh viên tốt nghiệp sẽ chứng nhận cho những tuyên bố của chúng ta.

Lãnh đạo của các trường đại học, cũng như các giảng viên, cần nhấn mạnh việc quan tâm tận dụng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cho những công việc ở tầm vóc quốc gia và quốc tế.

Darlene Bremer trong số tháng 5 &6 của Tạp chí Các nhà Giáo dục Quốc tế cho biết thuật ngữ “Phát triển Công tác Toàn cầu” (Global Work Development – GWD) có nghĩa là “nắm vững về hệ thống toàn cầu, những vấn đề toàn cầu, động lực của những mối quan hệ tương liên trên thế giới, và bằng cách nào xã hội có thể giải quyết tốt nhất những vấn đề toàn cầu” .

Để khép lại bài này, có thể nói các nhà giáo dục trên toàn thế giới tự tin rằng vai trò có tính toàn cầu của các trường đại học là điều quyết định tương lai của tất cả chúng ta. Giữa những mâu thuẫn toàn cầu, khủng hoảng toàn cầu, những mối quan ngại toàn cầu, có bốn cơ hội đang hình thành cho các trường đại học Việt Nam trong thế kỷ 21:

  1. Xây dựng cơ sở tri thức phù hợp với từng trường

Các trường đại học cần hiểu rõ điều gì họ có thể làm tốt nhất, và tìm cách làm tốt hơn bất kỳ ai khác trong lãnh vực ấy trên thế giới. Thận trọng trong việc hiểu rõ và thúc đẩy những điểm mạnh của mình khi hợp tác với người khác. Trong thế giới phẳng của cuộc cạnh tranh toàn cầu, các nhà quản lý, các giảng viên phải trở thành những chuyên gia trong việc xác định những điểm mạnh của các khoa, các ngành đào tạo, cũng như của các cá nhân liên quan, tin cậy vào họ và dùng những điểm mạnh ấy để giải quyết mọi vấn đề liên quan.

  1. Tổ chức những chương trình /ngành đào tạo cấp bằng liên kết về những ngành học có tính cạnh tranh trong nước và toàn cầu.

Đánh giá những ngành đào tạo cấp bằng nào có thể đóng góp cho sự phát triển chuyên môn ở Việt Nam và tham gia hợp tác với những trường đại học mạnh về ngành ấy để đem lại cho sinh viên Việt Nam thế mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực chuyên nghiệp này. Nghiên cứu những chương trình liên kết đã có ở Châu Á và trên toàn cầu để có thể dùng một chương trình làm khuôn mẫu sao cho phù hợp với điểm mạnh sẵn có của các bạn.

  1. Đặt trọng tâm vào giao lưu văn hóa và học thuật đối với giảng viên và sinh viên.

Các nhà lãnh đạo giáo dục và hiệu trưởng các trường đại học có thể tăng cường số lượng khách mời thăm viếng giao lưu, khởi sự những chương trình trao đổi có lợi cho cả hai bên với các đối tác quốc tế, tạo ra một cánh cửa cho các sinh viên quốc tế tham gia vào những chương trình đào tạo cấp bằng của các bạn, gửi nhiều hơn giảng viên và sinh viên của các bạn ra nước ngoài để họ làm đại sứ cho nhà trường. Họ sẽ gặt hái được nhiều kết quả qua những hoạt động ấy và xây dựng lòng tự tin cũng như sự tín nhiệm trong nước và trên trường quốc tế.

  1. Hợp tác vói các trường khác và những tổ chức khác của cộng đồng xã hội

“Những công ty tốt nhất chính là những người hợp tác tốt nhất” Friedman viết trong cuốn Thế giới phẳng. “Những giá trị sáng tạo trong tương lai, dù là trong lĩnh vực kỹ thuật, tiếp thị, y sinh, hay sản xuất- đang trở thành phức tạp đến nỗi không có một công ty hay hãng xưởng nào có thể đơn thân làm chủ được nó”

Andy Westmoreland, Hiệu trưởng Trường Đại học Samford University, thành viên của Hiệp hội Giáo dục Toàn cầu, nói trong diễn văn của ông tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Trường Jakarta’s Univeristas Pelita Harapan, “Để có thể hợp tác trong thực tế ngày càng phức tạp ngày càng cần sự hiểu biết thấu đáo về quản lý. Khi việc hợp tác trở thành dấu hiệu xác nhận tiêu chuẩn của nền kinh tế mới, các trường đại học buộc phải là khuôn mẫu cho thực tiễn.”

Mong cho tất cả các trường đại học Việt Nam thành công trong việc xây dựng nhà trường dựa trên một cơ sở tri thức khả dĩ cạnh tranh được trong nước, trong khu vực, và trong toàn cầu.

REFERENCES

Andrade, Nigel P., Lottner, Jens and Roland, Christian (2008) “How Young Consumers Could Shape Vietnam’s Banks”, McKinsey Quarterly, May. http://e.mckinseyquarterly.com/W0RT01CD1C3A42C523C30357B471E0

Bremer, Darlene (2006) “Wanted: Global Workers”, International Educator, May-June.

Chang, China Tejavanija, (2006) “Regional Cooperation: Key Strategy for Internationalization Development” 12th Asia Pacific Professional Leaders in Education Conference at Nanyang Technological University, Singapore.

Friedman, Thomas L. (2005). The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-First Century, New York, NY: Farrar, Straus and Giroux.

IBM Press (2008, May) “Vietnam National University First to Adopt New Initiative for Service Innovation.” http://www-03.ibm.com/press/us/en/pressrelease/24147.wss

Heenen, David (2005 ). Flight Capital, Davies-Black Publishing.

Nhuan, Mai Trong, (1993). “Inaugural Address”, Hanoi’s Vietnam National University. www.vnu.edu.vn/en/contents/?ID=859

Shenkar, Oded, (2004) The Chinese Century, Wharton School Publishing.

Tobenkin , David ( 2008) “Degrees of Success”, International Educator, May/June.

Westmoreland, Andy. (2005) “Empowering Universities for Success in an Age of Global Competition” Remarks to the Graduates of the Universitas Pelita Harapan Jakarta, Indonesia, June 16.