Tiếp cận liên ngành trong việc nghiên cứu những vấn đề xã hội: Những quan điểm lý thuyết của Mỹ  về thời kỳ chuyển tiếp từ niên thiếu đến trưởng thành

Tác giả: Mary Elizabeth Collins, A.M., Ph.D.
Giáo sư, Khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Boston
Học giả Chương trình Fulbright, Trường ĐHKHXHNV, ĐHQG-HCM

Người dịch: Phạm Thị Ly (2012)

Tóm tắt

Các học giả ngành công tác xã hội có một vị trí tuyệt vời để đóng góp cho cuộc thảo luận về tri thức liên ngành trong KHXH và NV. Trọng tâm của nghề công tác xã hội là trình bày những vấn đề xã hội mà những vấn đề ấy thì thường đòi hỏi cái nhìn liên ngành để có thể tiếp cận một cách thấu đáo, nhờ đó có thể hiểu đúng và xây dựng những cách can thiệp có hiệu quả. Trong bài này tôi sẽ dùng ví dụ về “sự tổn thương trong quá trình chuyển từ thời niên thiếu đến giai đoạn trưởng thành”, vốn là lĩnh vực cốt yếu mà tôi đã nghiên cứu nhiều năm qua. Tôi sẽ tổng thuật những lý thuyết có liên quan trong ba chuyên ngành KHXH: tâm lý học, xã hội học, và khoa học chính trị. Tôi cũng sẽ bình luận vắn tắt về khả năng ứng dụng những lý thuyết này trong bối cảnh Việt Nam.

Từ khóa:  mô hình sinh thái học, chuyển tiếp đến tuổi trưởng thành, lý thuyết gắn kết, lý thuyết mạng xã hội, lý thuyết lên chương trình

Các học giả ngành công tác xã hội có một vị trí tuyệt vời để đóng góp cho cuộc thảo luận về tri thức liên ngành trong KHXH và NV.  Khoa học nghiên cứu về công tác xã hội  có mục đích thực hiện những nghiên cứu nhằm giúp chúng ta hiểu rõ và cải thiện những vấn nạn xã hội. Là một nghề nghiệp chuyên môn, ngành công tác xã hội cũng rất gắn bó với việc sử dụng những tri thức dựa trên kết quả nghiên cứu để hành động nhằm ngăn chặn và làm dịu những vấn nạn xã hội trong mỗi cá nhân, trong các gia đình, ở cấp độ các nhóm người cũng như ở cấp độ xã hội. Ngành công tác xã hội rất phát triển ở Hoa Kỳ, nghề nghiệp này khởi nguồn từ đầu những năm 1900.  Dù còn khá mới ở Việt Nam, Taylor, Stevens, và Nguyen (2009) xác định rằng công tác xã hội đã là một nghề nghiệp vững chắc ở 84 nước trên toàn thế giới.

Trọng tâm của nghề công tác xã hội là trình bày những vấn đề xã hội mà những vấn đề ấy thì thường đòi hỏi cái nhìn liên ngành để có thể tiếp cận một cách thấu đáo, nhờ đó có thể hiểu đúng và xây dựng những cách can thiệp có hiệu quả.  Một trọng tâm quá hẹp, chú trọng chỉ một bộ khung chuyên ngành, sẽ đem lại một bức tranh thiên lệch cao độ về các hiện tượng xã hội. Hơn thế nữa, mô hình sinh thái học (Garbarino, 1982) là một bộ khung được sử dụng rộng rãi trong ngành công tác xã hội.  Mô hình sinh thái học chiếm một vị trí trung tâm trong những phân tích về công tác xã hội như một phương tiện khảo sát mối quan hệ qua lại giữa cá nhân và các hệ thống xã hội, tổ chức và bối cảnh văn hóa.

Trong bài này tôi sẽ dùng ví dụ về “sự tổn thương trong quá trình chuyển từ thời niên thiếu đến giai đoạn trưởng thành”, vốn là lĩnh vực cốt yếu mà tôi đã nghiên cứu nhiều năm qua. Có rất nhiều minh chứng trong các tài liệu nghiên cứu cho thấy rằng một tiền sử có vấn đề trong quá trình chăm sóc thời thơ ấu có thể dẫn đến kết quả không hay trong tuổi trưởng thành. (Collins, 2001). Trong bài này tôi tận dụng nhiều khung lý thuyết của khoa học xã hội, cơ bản là tâm lý học, xã hội học và khoa học chính trị để xem xét vấn đề. Ví dụ này sẽ bao gồm quan hệ giữa đứa trẻ và cha mẹ (lý thuyết gắn kết về tâm lý học phát triển), ảnh hưởng của mạng xã hội (lý thuyết chuyển biến của xã hội học), và một bối cảnh chính trị và xã hội rộng hơn (lý thuyết về lên chương trình của khoa học chính trị).  Trong phần kết luận tôi sẽ bình luận vắn tắt về việc ứng dụng những lý thuyết này trong bối cảnh Việt Nam.

Thuyết gắn kết [1].  Độc lập về văn hóa hay về môi trường xã hội gần như bao giờ cũng cho thấy mối quan hệ giữa trẻ em và một người lớn có vai trò là người cho đi sự chăm sóc thương yêu, thường là cha mẹ, có tầm quan trọng nổi bật trong việc phát triển nhân cách. Thuyết gắn kết (e.g., Bowlby, 1969; Ainsworth et al., 1978) có một vai trò to lớn để hiểu sự phát triển của trẻ em. Lý thuyết này cũng rất quan trọng để hiểu những khó khăn mà trẻ em phải đối mặt khi sự gắn kết của đứa trẻ với hình ảnh của cha mẹ bị đổ vỡ hoặc thiếu vắng (như bị bạo hành thời thơ ấu, bị bỏ rơi, hay cha mẹ qua đời).

Thuyết gắn kết miêu tả tương tác giữa người trưởng thành với vai trò cho đi sự chăm sóc và đứa trẻ, cũng như ảnh hưởng của những tương tác này trong thời thơ ấu và sự phát triển của đứa trẻ. Trẻ thơ trở nên gắn kết với những người lớn nhạy cảm và đáp ứng với những nhu cầu của nó,  những người luôn nhất quán với vai trò cho đi sự chăm sóc đối với đứa trẻ. Khi đứa trẻ lớn lên chút nữa (như bắt đầu biết lẫy rồi biết đi) nó dùng hình ảnh gắn kết ấy như một cái nền an toàn cho mình. Cái nền đó cho phép nó khám phá thế giới từ một vị trí an toàn. Sự đáp ứng của cha mẹ có một vai trò tối quan trọng đối với sự phát triển mô hình gắn kết này. Những mô hình ấy dẫn đến một mô thức làm việc nội bộ định hướng cho sự phát triển nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ và kỳ vọng của đứa trẻ trong những mối quan hệ về sau.

Lawler, Shaver, & Goodman (2011) lưu ý rằng có những nghiên cứu nổi bật đã chứng minh rằng sự phát triển lành mạnh và an toàn của trẻ thơ tùy thuộc vào việc có một hay nhiều “hình ảnh gắn kết”, những người có thể đọc được tín hiệu cần giúp đỡ của trẻ và đáp ứng bằng sự hỗ trợ và ủng hộ cần thiết. Hành động đáp ứng và bén nhạy của những người này dẫn đến kết quả khuyến khích sự phát triển năng lực của đứa trẻ trong việc kiểm soát cảm xúc và xây dựng những kỹ năng xã hội. Ngược lại, nếu nhân vật này không đáp ứng với những tín hiệu cần giúp đỡ của đứa trẻ (ví dụ như tiếng khóc), hay không sẵn sàng về mặt cảm xúc (do sự trầm cảm của cha mẹ chẳng hạn), hay tỏ ra có những xử sự bạo hành, đứa trẻ sẽ rất có thể hình thành một mô hình gắn kết mang tính bất an, và điều này có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển lành mạnh về tâm lý của trẻ.

Thuyết gắn kết do vậy đặc biệt quan trọng trong ứng dụng để giải quyết trường hợp đứa trẻ không có được cơ hội tạo dựng sự gắn kết an toàn. Thiếu gắn kết đã được xác định là một mối nguy đối với sự phát triển sau này của trẻ, trong thời kỳ dậy thì và trưởng thành. Chẳng hạn, nhiễu loạn gắn kết là một trong những vấn đề lớn được nêu ra ở những đứa trẻ phần lớn thời niên thiếu sống trong một tổ chức thay vì một gia đình, và trong những đứa trẻ làm con nuôi ở một nước khác (Rutter,2006; 2008).

Thuyết Mạng xã hội- Tâm lý học.  Phát triển con người cũng là một khái niệm của xã hội học. Gia đình là một lực lượng xã hội hóa chủ yếu nhưng những yếu tố khác của mạng lưới đồng đẳng và của cộng đồng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên. Với những thanh niên trưởng thành trong một gia đình khó khăn, vai trò hỗ trợ của xã hội từ những người đồng lứa và từ những thành viên khác trong cộng đồng có thể đặc biệt quan trọng.  Ở một mức độ nhất định, những hỗ trợ ấy có thể bù đắp cho những hoàn cảnh gia đình dẫn tới sự trục trặc trong sự gắn kết của trẻ thơ với hình ảnh cha mẹ.

Những quan điểm lý thuyết liên quan cụ thể là nền tảng trong bối cảnh sống và chuyển đổi  (Shanahan, 2000) trong các bối cảnh văn hóa và xã hội (Côté, 1996). Những lý thuyết này xác định các xu hướng văn hóa và xã hội đang thay đổi đã ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực) đến viễn cảnh thành công và hạnh phúc của một người trưởng thành như thế nào.  Ở Mỹ, đối với hầu hết thanh niên, quá trình trưởng thành độc lập diễn ra từ từ, họ nhận ít nhiều hỗ trợ từ gia đình trong giai đoạn chuyển tiếp thành người trưởng thành. Họ có thể có được những nguồn lực khác nhau từ gia đình nếu họ gặp khó khăn, và ở những gia đình có cương vị cao, thanh thiếu niên được chuẩn bị cho sự độc lập ấy bằng sự đầu tư của gia đình vào việc học và bằng kinh nghiệm sống. Nhưng những người thuộc nhóm trẻ không được bảo vệ lại có thể không có được những lợi thế xã hội ấy.  Nhiều người bước vào tuổi trưởng thành đột ngột với rất ít hỗ trợ của gia đình. Hơn thế nữa, họ còn có thể phải gánh chịu một lịch sử nghèo đói, bị ngược đãi, bị sử dụng, hay bệnh thần kinh.  Trong nhiều trường hợp, họ có rất ít cơ hội để xây dựng nguồn vốn con người của bản thân (như giáo dục, kỹ năng làm việc, kinh nghiệm) và nguồn vốn xã hội (bạn bè, những mối quan hệ, kỹ năng xã hội) để có thể thành công như một người trưởng thành.

Một công trình nghiên cứu về khả năng phục hồi (e.g., Masten, 1994) đã khơi dậy sự chú ý đối với những nhân tố bảo vệ mà thanh thiếu niên có được hay từng trải nghiệm, giúp họ đạt được một mức độ thỏa đáng về sự ổn định lành mạnh trong buổi đầu của tuổi trưởng thành. Nếu gia đình ban đầu không sẵn sàng đem lại cho họ những hướng dẫn cần thiết trong điểm nối then chốt của quá trình phát triển nhân cách, những nỗ lực nhằm thực hiện vai trò ấy có thể do họ hàng, gia đình cha mẹ nuôi hay cha mẹ tinh thần, hệ thống dịch vụ xã hội hay các tổ chức phục vụ giới trẻ đảm nhiệm. Cụ thể hơn,Wolkow và Ferguson (2001), lưu ý rằng sự hỗ trợ của cộng đồng dưới hình thức tương tác có sự quan tâm chăm sóc giữa người lớn và trẻ em (những người không có mối quan hệ cha mẹ và con cái), đã rất ít được chú ý trong việc tìm hiểu về những cách xử sự cần thiết và quá trình bên trong hình thành nên cách xử sự ấy.

Bởi vậy, những lý thuyết xã hội về “nguồn vốn xã hội” rất quan trọng để giải thích vai trò của các mạng lưới xã hội. Chẳng hạn như Bourdieu (1977) đã nhấn mạnh rằng nguồn vốn xã hội có thể làm cho những bất công xã hội nảy nở như thế nào, ví dụ, những người có quan hệ xã hội mạnh mẽ và nhiều quyền lực có thể tiếp cận với những nguồn tài nguyên củng cố thêm cho vị trí xã hội đặc quyền của họ. Ở Mỹ, Putnam’s (2000) nghiên cứu về vốn xã hội và những hình thức khác nhau của nó trong việc “liên kết” và “bắc cầu” đã làm hồi sinh mối quan tâm với việc nghiên cứu vai trò của các mạng xã hội và liên hệ giữa các mạng ấy với sự lành mạnh nói chung của cả cộng đồng. Những nghiên cứu về các đặc điểm cốt yếu của những mạng xã hội hữu ích đang trở thành ngày càng mạnh (Thompson, 1994). Điều quan trọng là, mạng xã hội không phải lúc nào cũng đem lại sự hỗ trợ có tính xã hội; và một số kiểu hỗ trợ mà các thành viên mạng xã hội đem lại có thể còn làm tăng thêm nỗi đau khổ (Lincoln, 2000).

Những tri thức như vậy đã đem lại nền tảng lý luận cho việc can thiệp đối với cha mẹ và trẻ em. Cu thể là đối với nhũng người mà mối quan hệ gắn kết bị đổ vỡ, những cơ chế bù đắp trong môi trường xã hội có thể cần phải được tận dụng. Người ta cũng thường bàn đến những chương trình hướng dẫn khi thảo luận về việc phát triển lớp trẻ. Những chương trình như vậy có mục đích tăng cường các mạng xã hội của tuổi trẻ bằng nhiều cách dựa trên mối quan hệ với một người lớn cụ thể có vai trò hướng dẫn. Những cá nhân này (và những chương trình xây dựng, hỗ trợ mối quan hệ hướng dẫn)  có thể nhấn mạnh hỗ trợ tình cảm, giúp đỡ việc học tập, làm gương, hay giúp tiếp cận với những mạng việc làm hoặc những cơ hội khác.  Những công trình trong lĩnh vực này đang tiếp tục phát triển nhằm xác định những chương trình tốt nhất có thể thúc đẩy tuổi trẻ phát triển, dẫn tới những kết quả tốt đẹp và không gây ra tổn hại cho họ (Spencer, Collins, Ward, & Smashnaya, 2010).

Thuyết lên chương trình[2].  Bộ khung lý thuyết định hướng chính sách cũng rất cần để hiểu quá trình xây dựng chính sách, những lựa chọn về chính sách, và việc thực hiện những chính sách can thiệp để trợ giúp những thiếu niên không được bảo vệ.  Thuyết lên chương trình nói về việc một vấn đề nhất định nào đó đã giành được vị trí trong lịch trình xây dựng chính sách như thế nào, chẳng hạn như “danh sách những chủ đề hay vấn đề mà các viên chức chính phủ, hay những người ngoài chính phủ thường xuyên làm việc với những viên chức ấy, sẽ dành cho nó sự chú ý ở bất cứ thời điểm nào” (Kingdon, 2003, p.3). Bộ khung của thuyết lên chương trình sẽ chỉ khảo sát về việc bằng cách nào một số vấn đề trở thành hàng đầu trong các cuộc thảo luận về chính sách; nó không trình bày về việc các quyết định đã được hình thành như thế nào hoặc việc thực hiện những quyết định về chính sách. Thuyết lên chương trình của Kingdon’s (2003) cho rằng có một quá trình cụ thể đã tạo điều kiện (hay ngăn cản) những bối cảnh cho việc đưa ra một kế hoạch làm việc về chính sách công. Lý thuyết của ông nêu ra ba quá trình: xác định vấn đề, chính sách, và chính trị.

“Xác định vấn đề” tập trung vào bản chất của vấn đề và cách đưa vấn đề ấy vào một bộ khung nào đấy nhằm giành được sự chú ý của các nhà lãnh đạo, những người có quyền quyết định. Quan điểm này thừa nhận rằng trong lúc có vô số vến đề cạnh tranh với những vấn đề khác để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo, nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng vẫn còn chưa hề được trình bày. Một số lĩnh vực phải đấu tranh chật vật để giành được một vị trí trên bàn nghị sự vì những nhân vật chủ chốt chưa giành được sự đồng thuận trong việc định nghĩa rõ ràng vấn đề.  Định nghĩa một vấn đề không phải là chuyện khách quan; nó là một định nghĩa có tính xã hội và diễn giải (Cobb & Elder, 1983). Những đặc điểm cụ thể làm gia tăng khả năng xảy ra một điều gì đấy có thể được nhận diện như một vấn nạn thì đều đòi hỏi chúng ta phải chú ý. Một nhân tố trọng yếu là phạm vi hay mức độ mà người ta tin rằng hiện tượng ấy xúc phạm tới những giá trị xã hội.  Ví dụ như, nếu có một sự khác biệt lớn giữa những điều kiện quan sát được (như số lượng trẻ nghèo đói) và quan niệm về một nhà nước lý tưởng (một quốc gia có quan tâm đến trẻ em) thì điều này có thể sẽ giúp cho vấn đề ấy trở thành chủ đề trên bàn nghị sự. So sánh quốc tế cũng đem lại cơ hội để định nghĩa vấn đề trong tương quan với nước khác (ví dụ, tỷ lệ trẻ nghèo đói so với những quốc gia khác có cùng mức độ phát triển).

Nhận thức về những kiểu nhóm người nhất định cũng có ảnh hưởng tới việc xác định vấn đề và hậu quả kéo theo là khả năng khác nhau của các nhóm người khác nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực xã hội ưu tiên và giành được sự chú ý của xã hội. Chính sách nhắm vào những nhóm tiêu cực (như tội phạm chẳng hạn) thường cố gắng điều chỉnh hành vi của họ qua những phương tiện cưỡng bức, trong lúc những chính sách nhắm vào các nhóm tích cực hơn (như các doanh nhân chẳng hạn) thì có xu hướng dựa vào sự khích lệ (Schneider & Ingram, 1990). Cũng vậy, những nhóm yếu thế về mặt chính trị (chẳng hạn, những người vô gia cư), những người bị nhìn nhận một cách tiêu cực trong xã hội, sẽ ở thế bất lợi trong quá trình xác định vấn đề mà ta đề cập ở phần trên.

Kingdon (2003) nêu rõ rằng để giành được một vị trí trong nghị trình chính sách, vấn đề cần phải đi đôi với các giải pháp về chính sách. Những người tìm cách đưa vấn đề của mình vào nghị trình phải đưa ra câu trả lời khả thi để giải quyết vấn đề. Các nhà lãnh đạo đã phải gánh vác vô số vấn đề cần giải quyết, và người ta mong đợi họ chọn những vấn đề đã kèm theo giải pháp sẵn sàng. Bởi vậy, những người chủ trương vấn đề, nếu có khả năng đề xuất giải pháp bên cạnh việc xác định vấn đề một cách rõ ràng dựa trên các khái niệm vững chắc thì sẽ có nhiều khả năng chắc chắn hơn giành được một vị trí trong nghị trình cho vấn đề ấy. Những đặc điểm về chính sách tăng cường khả năng để vấn đề được lựa chọn là:  tính khả thi về mặt kỹ thuật, thích hợp với các giá trị của cộng đồng, có dự kiến thỏa đáng về những khó khăn trong tương lai (chẳng hạn về ngân sách hay về thái độ chấp nhận hay không chấp nhận của công chúng).

“Chính trị” là chiều hướng thứ ba trong mô hình Kingdon. Nhân tố quan trọng của chiều hướng này là bầu cử, là tâm trạng của cả nước, và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.   Cụ thể là, mỗi cuộc bầu cử mang lại một cơ hội để thảo luận về nhiều vấn đề và chính sách. Thái độ của cả nước khó mà đo được một cách định lượng, nhưng có những thời điểm mà tâm trạng của cả nước có thể tạo điều kiện cho việc trình bày một vấn đề nào đấy mà lúc khác thì không thể.  Chẳng hạn, những nỗ lực gần đây để cắt giảm ngân sách quốc gia ở Hoa Kỳ và Châu Âu dường như có thể thực hiện được trong môi trường hiện tại, dù rằng vào lúc khác thì việc đó có thể là bất khả thi.

Ở Hoa Kỳ chúng tôi đã dùng mô hình lên chương trình của Kingdon để khảo sát vấn đề bằng cách nào chủ đề về những người trẻ tuổi không được bảo vệ đã trở thành một vấn đề nổi bật trong một số bối cảnh; cũng như sự chế ngự các kiểu can thiệp đã được thảo luận trong môi trường chính sách như thế nào (Collins & Clay, 2009).  Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định nhiều định nghĩa khác nhau về vấn đề này (ví dụ như những yếu tố nguyên nhân có tính cá nhân so với yếu tố hệ thống), xác định giải pháp chung do nhiều bên liên quan đưa ra (e.g., phản ứng tập thể ), và những yếu tố được xác định trong môi trường chính trị (e.g., thành lập một Tổ Công tác) khiến vấn đề này chiếm được một vị trí quan trọng trong nghị trình chính sách.

Ứng dụng đối với Việt Nam

Ba bộ khung lý thuyết được miêu tả vắn tắt trong bài này có thể có một số ứng dụng đối với Việt Nam nhưng đồng thời cũng đòi hỏi điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh. Đây là một câu hỏi có tính kinh nghiệm về mức độ mà những bộ khung lý luận như thế có thể giải thích hoàn cảnh của những người trẻ không được bảo vệ ở Việt Nam.

Thuyết gắn kết:  Khái niệm về sự gắn kết của trẻ thơ và thiếu niên với những người trưởng thành có vai trò cho trẻ sự chăm sóc thương yêu, và tầm quan trọng của mối gắn kết này đối với sự phát triển rất có thể là một vấn đề có ý nghĩa thiết yếu trong mọi nền văn hóa và mọi quốc gia. Tuy vậy, những biểu hiện cụ thể có thể khác nhau ít nhiều. Những mô thức nhất định về cách nuôi dạy trẻ và phong tục tập quán coi trọng gia đình biểu lộ những khác biệt văn hóa ấy. Bởi vậy, hiểu rõ ý nghĩa của mô hình gắn kết trong các gia đình Việt Nam, sự phương hại của những gắn kết bị đổ vỡ, và tiềm năng của những cơ chế bù đắp nhằm sửa chữa những mối gắn kết ấy sẽ là điều vô cùng hữu ích.  Nhiều học giả (như Lawler, et al., 2011) đã nhận ra rằng hầu hết các tác phẩm về thuyết gắn kết đã được xây dựng và thử nghiệm trong các nền văn hóa phương Tây. Trọng tâm ban đầu về bộ đôi mẹ và con về cơ bản là trong các nền văn hóa phương Tây, đã dẫn tới mối quan ngại trong tư liệu thành văn về việc ứng dụng thuyết gắn kết vào những nền văn hóa bên ngoài phương Tây và những môi trường có nhiều người đóng vai trò cho đi sự chăm sóc thương yêu đối với đứa trẻ. Những nghiên cứu về sau này đã lưu ý rằng ngừơi ta quan sát thấy hành vi gắn kết trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau và do đó nó được xem là một phổ niệm toàn cầu. Tuy vậy cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để tiếp tục khẳng định điều này.

Mạng xã hội:  Quá trình tổng quát của việc đạt được thành công trong tuổi trưởng thành chắc chắn là khác nhau nhiều trong những điều kiện văn hóa xã hội khác nhau. Trong một bối cảnh văn hóa cụ thể, vai trò của gia đình và các tổ chức xã hội khác có thể được khảo sát về sự chuẩn bị có tính quy chuẩn cho trẻ em bước vào tuổi trưởng thành. Bạn cùng lứa và mạng lưới cộng đồng có thể mạnh hơn và được dựa vào nhiều hơn ở Việt Nam và ở những nước có lịch sử về gia đình nhiều thế hệ. Thêm vào đó, sự quan tâm chú ý to lớn của Việt Nam đối với những hoạt động hướng về giới trẻ cho thấy những mạng lưới này có thể đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều so với ở nước Mỹ. Hơn nữa, quan sát sự vận hành của những mạng lưới xã hội khác nhau và ghi lại đặc điểm của nó (như quy mô, thành phần, mức độ lỏng lẻo hay mức độ trao đổi giữa các thành viên) có thể mang lại những thông tin quy phạm cho sự vận hành mạng xã hội ỏ Việt Nam. Sau đó, khảo sát tiềm năng của những kiểu mạng lưới khác nhau nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên đạt được sự trưởng thành lành mạnh sẽ đem lại những thông tin hết sức quan yếu cho việc xây dựng và thực hiện những chương trình xã hội khác nhau cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Thuyết lên chương trình : Ở nước nào cũng vậy, không phải tất cả mọi vấn nạn xã hội đều có thể đem ra trình bày cùng lúc. Bởi vậy, có nhiều khả năng là những quá trình tương tự như thuyết lên chương trình đã nêu thì cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam. Khảo sát các nhân tố gây ra hiện tượng một số vấn đề này thì giành được vị trí trên bàn nghị sự trong lúc những vấn đề khác thì không, là một sự vận dụng hữu ích mô hình Kingdon. Các biến tố liên quan đến hệ thống chính trị rõ ràng là rất khác và duy chỉ có trong bối cảnh của Việt Nam. Thêm nữa, quá trình “định khuôn” cho một vấn đề có thể có nhũng tính chất khác biệt trong bối cảnh văn hóa của Việt Nam.

Kết luận

Toàn cầu hóa đã mang lại vô số cơ hội để chia sẻ học hỏi giữa những người nghiên cứu và các học giả. Hơn thế nữa, bối cảnh toàn cầu sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng thực tế để so sánh và tìm hiểu những cấu trúc, khái niệm và phương pháp khác nhau trong những nỗ lực tìm kiếm tri thức. Rất có thể là một bộ khung lý thuyết nhất định sẽ thích hợp với nền văn hóa và quốc gia này hơn là với nền văn hóa hay quốc gia khác.  Nhưng một số khái niệm cốt lõi – như sự gắn kết, mạng xã hội, và lên chương trình nghị sự – là những khái niệm có tính quan yếu với bất cứ bối cảnh văn hóa nào. Việc tìm kiếm tri thức có thể là khảo sát bản chất cụ thể của nhũng khái niệm ấy trong những môi trường chính trị, văn hóa và xã hội khác nhau.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Ainsworth, M.D., Blehar, M., Waters, E., &Wall, S. (1978). Patterns of Attachment: A Psychological Study of the Strange Situation.Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum Associates.

Bourdieu, P. (1977).  Outline of a Theory of Practice. Cambridge and New York: Cambridge University Press.

Bowlby, J. (1969).  Attachment and Loss, Vol. 1: Attachment. New York: Basic Books.

Cobb, R., & Elder, C. (1983). Participation in American Politics: The Dynamics of AgendaBuilding.Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press.

Collins, M.E.  (2001).  Transition to adulthood for vulnerable youth: A review of research and implications for policy.  Social Service Review, 75 (2), 271-291.

Collins, M.E. &Clay, C.M.  (2009).  Influencing policy for youth transitioning from care:  Defining problems, crafting solutions, and assessing politics.  Children and Youth Services Review, 31 (7), 743-751.

Côté, J.E. (1996).  Sociological perspectives on identity formation: theculture–identity link and identity capital.  Journal of Adolescence, 19, 417–428

Garbarino, J. (1982).Children and Families in the Social Environment. Hawthorne, N.Y.:Aldine.

Kingdon, J.W.  (1995).  Agendas, Alternatives, and Public Policies.  New York:  Harper Collins.

Lawler, M.J., Shaver, P.R., & Goodman, G.S. (2011).Toward relationship-based child welfare services.  Children and Youth Services Review, 33 (3), 473-480.

Lincoln, K.D. (2000).  Social support, negative social interactions, and psychological well-being. Social Service Review, 74, 231–52.

Masten, A. S. (1994).  Resilience in individual development: Successful adaptation despite risk and adversity.  InWang, M.C. &Gordon, E.W. (Eds.).  Educational Resilience in Inner-City America: Challengesand Prospects, (pp. 3-25). Hillsdale, N.J.: Erlbaum.

Putnam, R. (2000).  Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community.  New York:  Simon and Schuster.

Rutter, M. (2006). The psychological effects of institutional rearing. In Marshall, P.& Fox, N. (Eds.), TheDevelopment of Social Engagement: Neurobiological Perspectives(pp. 355–391). New York: Oxford University Press.

Rutter, M. (2008).  Implications of attachment theory and research for child care policies. In Cassidy, J. &Shaver, P.R. (Eds.).  Handbook of Attachment: Theory, Research and Clinical Applications(pp. 958-74).   New York and London: Guilford Press.

Schneider, A., & Ingram, H. (1990). Social construction of target populations:Implications for politics and policy. The American Political Science Review, 87(2),334−347.

Shanahan, M.J.  (2000).  Pathways to adulthood in changing societies:  Variability and mechanisms in life course perspective.  Annual Review of Sociology, 26(1), 667-692.

Spencer, R., Collins, M.E., Ward, R., &Smashnaya, S.  (2010).  Mentoring for youth leaving foster care: Promise and potential pitfalls.  Công tác xã hội, 55 (3), 225-234.

Taylor, R., Stevens, I., & Nguyen, L.  (2009).  Introducing vocational qualifications in care to the Socialist Republic of Vietnam.  Công tác xã hội Education, 28(1), 29-41.

Thompson, R.A. (1994).  Social support and the prevention of child maltreatment.  In Melton, G.B.&Barry, F.D. (Eds.).  Protecting Children from Abuse and Neglect: Foundations for a New NationalStrategy(pp. 40-130).  New York: Guilford.

Wolkow, K.E. &Ferguson, H.B.  (2001).  Community factors in the development of resiliency: Considerations and future directions.Community Mental Health Journal, 37, 6, 489-498.

[1]Thuyết gắn kết” tạm dịch từ thuật ngữ “Attachment Theory”, là một lý thuyết liên ngành miêu tả về sự vận động của những mối quan hệ dài hạn giữa người với người.  Nguyên lý quan trọng nhất của lý thuyết này là một đứa trẻ cần xây dựng quan hệ với ít nhất một người chính yếu cho nó sự chăm sóc quan tâm, để có thể phát triển một cách bình thường về mặt cảm xúc và về mặt xã hội (Chú thích của người dịch).

[2] Thuyết lên chương trình tạm dịch từ thuật ngữ Agenda-Setting Theory, một học thuyết cho rằng những phương tiện truyền thông tin tức có một ảnh hưởng to lớn với người nghe nhìn, theo nghĩa chuyện gì được coi là tin tức đáng giá để đưa lên mặt báo và tầm quan trọng của tin tức ấy được thể hiện qua thời lượng hay không gian dành cho tin tức ấy là lớn tới cỡ nào  (Chú thích của người dịch).