Phạm Thị Ly (2015)
(Bài đăng báo Người Lao Động ngày 11.04.2015)
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tien-co-mua-duoc-su-uu-tu-20150411214539662.htm
Có một quan điểm khá phổ biến cho rằng các trường ĐH Việt Nam đã làm được quá nhiều so với nguồn lực mà họ được cung cấp; và quả là không thích hợp khi so sánh kết quả mà các trường ĐH Việt Nam đạt được với kết quả của những trường ĐH lừng danh trên thế giới, khi các trường ĐH VN đang vận hành trong một điều kiện khắc nghiệt về nguồn lực và về nhiều mặt khác. Phải chăng nhiều tiền hơn thì các trường sẽ làm tốt hơn, sẽ đạt được những gì chúng ta mong muốn?
Nhu cầu đạt tới sự ưu tú
Từ năm 2011 đến nay, số lượng SV vào ĐH đang giảm dần trong toàn hệ thống, vì nhiều lý do: học phí tăng, chất lượng giảm, triển vọng việc làm u ám. Hiện tượng này cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút nghiêm trọng. Việc mở rộng tự chủ ở trường công sẽ đặt các trường công vào một vị trí năng động hơn, tăng cường sự cạnh tranh có tính chất thị trường hơn; bởi lẽ khi ngân sách nhà nước cấp cho các trường giảm đi, cũng đồng nghĩa với việc nhà trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí nhiều hơn và sẽ phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trong lúc đó, trường ngoài công lập (NCL) vốn đã khó khăn, nay càng thêm khó trong bối cảnh trường công được mở rộng tự chủ (nghĩa là có thêm lợi thế cạnh tranh và ưu thế so với trường tư).
Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các trường phải chủ động thay đổi, cả trường công lẫn trường tư. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày nay là năng lực thích ứng với những thay đổi của môi trường. Do bản chất hướng tới thị trường và phụ thuộc vào thị trường, các trường NCL nhận ra điều này rất nhanh, và là những người năng động nhất với việc cải thiện hoạt động. Họ biết rằng có một thời bằng cấp là mục tiêu chủ yếu của người học và là sản phẩm chính mà các trường đem lại, cái thời ấy đã qua rồi. Hiện nay, bằng cấp không đủ để đảm bảo cho một chỗ làm và một tương lai đáng mong muốn. Người học giờ đây cần nhà trường mang lại nhiều hơn chứ không chỉ tấm bằng. Họ muốn được trang bị những kiến thức, kỹ năng, cách ứng xử và tư duy mà thị trường lao động đòi hỏi, những thứ sẽ theo họ cả cuộc đời và làm thay đổi hướng đi, lối sống, cách làm việc của họ, những thứ tạo ra năng lực cạnh tranh của họ và mang lại thành công trong bất cứ bối cảnh nào.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều trường NCL, mặc dù ý thức rõ nhu cầu cải thiện và khao khát hướng tới sự ưu tú nhằm thu hút người học, lại có rất ít nhận thức về việc bằng cách nào có thể đạt được sự ưu tú ấy, và họ sẽ có thể đạt được điều đó với giá nào. Nhiều trường ý thức được tầm quan trọng của tài năng, và đang cạnh tranh giành người tài bằng những điều kiện lương bổng hấp dẫn. Một vài trường tư đang trả lương cho giới quản lý cấp cao ở mức rất cạnh tranh, thậm chí không thua kém mức lương của các CEO trong những doanh nghiệp nước ngoài. Hầu như lương cao là chiến lược duy nhất của họ để thu hút người tài. Nhưng liệu điều đó có tạo ra được sự ưu tú của các trường?
Theo quan điểm của người viết bài này, câu trả lời là không! Nguồn lực là điều rất quan trọng, tài năng là điều rất quan trọng, đúng thế. Nhưng điều còn quan trọng hơn thế nữa, là cái đã nối kết những nguồn lực và tài năng ấy, tức là những nguyên tắc và giá trị thể hiện trong cấu trúc tổ chức và quan hệ công tác của nhà trường, là điều sẽ tạo ra hay xói mòn động lực làm việc tích cực của từng cá nhân. Hơn bất kỳ một tổ chức nào khác, trường ĐH không thể có được sự ưu tú nếu mọi cá nhân trong trường không có động lực đạt tới sự ưu tú, bởi lẽ một trường ĐH được định nghĩa bởi chính những người làm việc cho nó. Chính cái cơ chế quản trị của nhà trường sẽ quyết định cách xử sự của từng cá nhân. Giới quản lý cao cấp của trường, dù có tài năng đến đâu đi nữa, cũng không thể làm thay công việc của người thầy, hay của những nhân viên khác. Tất cả công việc của họ là tạo ra một thiết chế nhằm kích thích động lực làm việc tích cực của từng cá nhân, và hướng mọi người về một mục tiêu chung, trên cơ sở cùng chia sẻ những giá trị chung, lợi ích chung và tương lai chung. Nếu người chủ sở hữu của các trường NCL không nhìn thấy điều ấy, mà trái lại, đòi hỏi những người quản lý cấp cao của mình phải đi trên con đường cũ và tạo ra một kết quả mới, thì dù họ trả bao nhiêu tiền lương cho những người quản lý ấy, kết quả đó vẫn là điều bất khả.
Nếu không phải là tiền, cái gì tạo ra sự ưu tú?
Khác với những doanh nghiệp thông thường, trường ĐH là nơi mà các giá trị tinh thần là cột trụ sống còn của nó, là lý do tồn tại của nó, là sản phẩm chủ yếu của nó. Nếu các trường đối xử với giảng viên của mình như những người thợ dạy, thì họ sẽ xử sự như những người thợ dạy, soạn bài như một việc bất đắc dĩ, lên lớp như để trả nợ quỷ thần, không cần biết đến kết quả đối với sinh viên. Trong một bài viết đăng trên The New York Times ngày 11.9.2012, Thomas L. Friedman cho rằng, chỉ ở những xã hội con người tin cậy nhau, người ta mới cảm thấy an tâm chia sẻ ý kiến và tư tưởng với nhau, mới sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mở ra một con đường mới mẻ, mới chịu hợp tác với nhau một cách tích cực và lâu dài, từ đó mới dẫn đến những sự sáng tạo bất ngờ và lớn lao. Chia sẻ ý tưởng là một nội dung cốt lõi của hoạt động học thuật, vì ngày nay việc nghiên cứu khoa học và quản trị đại học đã trở nên phức tạp và ngày càng có tính chất liên ngành, khiến mọi công trình hay hoạt động đều cần phải có nhiều người tham gia. Nếu ai cũng có tâm trạng lo sợ người khác ăn cắp ý tưởng của mình, nếu ai cũng luôn luôn sợ người khác nổi bật hơn mình, nếu họ không cùng nhìn về một mục tiêu chung, không có sự tin cậy với nhau, thì không thể có bất cứ một sự dấn thân hay cam kết trọn vẹn nào. Tình trạng mạnh ai nấy làm, với động cơ duy nhất là những lợi ích ngắn hạn trước mắt cho cá nhân mình tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả là người ta không thể làm được những việc lớn.
Sự tin cậy được xây dựng trên tinh thần cộng sự là điều có khả năng gắn kết những con người đang làm việc cùng nhau lại với nhau, khiến mỗi người không chỉ cố gắng hết sức để làm trọn phần việc của mình mà còn tôn trọng phần việc và sự đóng góp của người khác, và do đó mỗi người đều là một phần không thể thiếu của tổ chức. Chìa khóa tạo ra tinh thần cộng sự ấy, chính là sự trao quyền. Trao quyền (empowerment) là chia sẻ thông tin, cung cấp cho những người cấp dưới kỹ năng, nguồn lực, thẩm quyền, động cơ để họ thực hiện phần việc được giao, đồng thời đòi hỏi ở họ trách nhiệm giải trình đối với những quyết định, hành động, và kết quả công việc của họ. Triết lý cơ bản của sự trao quyền là người ta làm việc tốt hơn khi hứng thú với công việc của họ, và sự hứng thú này được tạo ra khi ta được quyền quyết định những việc thuộc phạm vi của mình và thấy được quyết định của mình đã mang lại được kết quả ra sao.
Đó là những điều hiện còn đang rất thiếu ở các trường ĐH Việt Nam. Mặc dù về bản chất các trường NCL năng động hơn và có động lực đổi mới hơn, trong thực tế họ hình thành và vận hành với những người xuất thân từ trường công và mang theo kinh nghiệm cũng như mô hình vận hành của trường công với tất cả những hạn chế của mô hình này. Các trường hình thành trong giai đoạn về sau với sự tham gia sâu của giới doanh nghiệp thì vận hành theo mô hình doanh nghiệp nhiều hơn, nhưng không phải điều gì thích hợp với doanh nghiệp thì cũng thích hợp với các trường đại học.
Tương lai của các trường NCL
Tình hình khó khăn trong tuyển sinh của các trường NCL mấy năm qua sẽ còn tiếp diễn, và trong tương lai chúng ta sẽ chứng kiến sự đào thải tự nhiên khi một số trường buộc phải đóng cửa hoặc sáp nhập do không tuyển được sinh viên. Bài toán lẩn quẩn hiện nay là khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng còn thấp, do đó khó lòng tăng học phí đại trà mà vẫn giữ được quy mô tăng trưởng; không thể tăng học phí thì cũng khó mà tăng cường chất lượng, và đã không có chất lượng tốt thì càng không thể tăng học phí. Trong lúc đó, phân khúc của người giàu thì đã lọt vào tay những trường có yếu tố nước ngoài, là những người dày dạn kinh nghiệm trong việc tạo ra một môi trường quốc tế và vận hành các cơ sở đào tạo với các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận.
Bởi vậy, bài toán sống còn đặt ra cho các trường ĐH Việt Nam hiện nay, là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Điều đáng tiếc là nhiều trường tư quan niệm hiệu quả quản lý tài chính là giảm chi và tăng thu, mà không thấy rằng bài toán không chỉ là giảm chi bao nhiêu, mà chủ yếu là giảm chi như thế nào, và phải tăng chi ở chỗ nào để có thể tạo ra uy tín, chất lượng, và nguồn thu trong tương lai. Điều này đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, và một chiến lược đúng đắn trong việc đo lường kết quả hoạt động.
Trong bối cảnh cạnh tranh giành tài năng, những trường có thể thu hút được người tài, là những trường không chỉ trả một mức lương xứng đáng, mà còn tạo ra được một môi trường khích lệ sự ưu tú, duy trì sự tin cậy và tinh thần cộng sự; một môi trường kích thích đổi mới, khuyến khích sáng tạo và ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân. Một môi trường như vậy không mua được bằng tiền, mà phải vun đắp và xây dựng, với một sức mạnh lãnh đạo thích đáng và một quyết tâm không lay chuyển. Có rất ít tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo trường tư ở Việt Nam đang đầu tư cho những nhân tố “vô hình” tạo ra sự ưu tú này. Phần lớn đang chú trọng vào cơ sở vật chất hào nhoáng và truyền thông rầm rộ. Chiến lược đầu tư cho sự hào nhoáng bề ngoài có thể thu hút người học trong ngắn hạn nhưng chắc chắn không thể thay thế cho chất lượng đào tạo và do vậy không thể duy trì sự phát triển bền vững của nhà trường.
0 Comments