Các tác giả: Đào Văn Khanh, Phạm Thị Ly, Nguyễn Văn Tuấn

(Trình bày tại Hội thảo Toàn cầu hóa GD Việt Nam do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7.11.2012) 

TÓM TẮT

Gần đây, có nhiều quan ngại về chỉ số nghiên cứu cạnh tranh thế giới của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư cùng với khoảng trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước ASEAN. Trong thời gian 10 năm (từ 1996 – 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san bình duyệt quốc tế theo chỉ số ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore. Ngoài ra, trong thời gian từ 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế. Bài viết sau đây sẽ phân tích những nguyên nhân dẫn đến năng suất yếu kém trong việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp chiến lược để nâng cao tính hiệu quả trong việc nghiên cứu. Chúng tôi xác định 5 nguyên nhân chính trực tiếp ảnh hưởng đến vấn đề nghiên cứu khoa học ở Việt Nam: (i) sự bất cập, chồng chéo trong quản lý; (ii) sự thiếu hụt về nhân sự giỏi; (ii) sự tách rời giữa giảng dạy và nghiên cứu; (iii) sự bùng nhùng trong việc đầu tư và phân bổ kinh phí nghiên cứu; và (iv) sự yếu kém trong đánh giá kết quả và chất lượng nghiên cứu. Dựa trên việc phân tích những nguyên nhân, chúng tôi đề xuất các giải pháp sau: (i) xây dựng lại hệ thống điều phối giáo dục đại học và nghiên cứu nhằm mục đích đổi mới quản lý hệ thống, gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu và xây dựng nền văn hóa nghiên cứu; (ii) sửa đổi chính sách thu hút nhân tài; (iii) hoàn thiện cơ chế tài chính lành mạnh theo cách làm của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia; (iv) cải cách phương thức bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Abstract (Scientific Research in Vietnam: Contemporary Issues and Proposed Strategic Solutions)

The global competitiveness of scientific research in Vietnam has recently become an issue of concern. Despite a scientific workforce of 9000 professors/associate professors and more than 24,000 individuals with doctorate degrees, Vietnamese scientific output has consistently lagged behind major ASEAN countries. Between 1996 and 2005, Vietnamese scientists 3456 original papers in international peer-reviewed journals indexed by the Institute of Scientific Information. This output was only one-fifth of Thailand’s, one-third of Malaysia’s and 1/14 of Singapore’s. Moreover, between 2006 and 2010, Vietnamese scientists had registered only 5 patents in the United States. In this paper, we seek to identify contemporary issues that were associated with the low scientific output, and to propose strategic solutions to rectify the problem. Based on review of literature, we identified 5 factors that directly affect the research performance in Vietnam: (i) responsibilities overlap between ministries in terms of science management; (ii) shortages of highly qualified scientists; (ii) separation of research and teaching in universities; (iii) lack of transparency and democratic distribution of research funding; and (iv) lack of objective criteria for research assessment. We propose the following strategies to improve Vietnamese scientific output and research performance: (i) re-organizing research centers to create centers of excellence within universities, modernizing the management and evaluation of science, creating the scientific culture within universities and research community; (ii) attracting talented scientists from Vietnam and overseas to universities and research centers; (iii) radical reform of research funding to make the distribution of research support more transparent and democratic; and (iv) developing policies and procedures of academic promotion to be consistent with international convention and criteria. We consider that the proposed measures will help improve the research performance in Vietnam and hence its global competitiveness.


Nguyên nhân 1: Sự bất cập và chồng chéo trong quản lý

Như chúng ta đều biết, do hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam sao chép từ mô hình của Liên Xô cũ nên các hoạt động nghiên cứu phần lớn có tính chất hàn lâm và đơn ngành. Công tác nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở các viện nghiên cứu quốc gia như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trực thuộc Chính phủ cùng với các viện nghiên cứu về những chuyên ngành hẹp trực thuộc các Bộ ngành chủ quản. Song song đó, NCKH cũng được thực hiện ở các cơ sở GDĐH trực thuộc Chính phủ, các trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác. Theo thống kê, đến năm 2011, cả nước có trên 1.600 tổ chức khoa học và công nghệ (tăng 8 lần so với năm 1996), trong đó có 2 viện quốc gia (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), 433 tổ chức thuộc các Bộ, ngành, 340 tổ chức thuộc các Hội và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức ở địa phương và doanh nghiệp[1].

Tuy có phát triển về số lượng nhưng các tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) chưa tạo thành một mạng lưới mạnh theo quy hoạch, phân bổ còn bất hợp lý giữa các vùng, miền và lĩnh vực hoạt động, còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Các viện nghiên cứu lớn chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. HCM, trong khi các địa phương nghèo còn rất thiếu các tổ chức KH-CN mạnh. Hai viện nghiên cứu quốc gia (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) “chưa thực sự trở thành hạt nhân thúc đẩy và lan tỏa phát triển KH-CN trong ngành cũng như lĩnh vực trọng điểm”. Điều này thể hiện qua việc “chưa có viện nghiên cứu, trường đại học (ĐH) nào của Việt Nam đạt trình độ quốc tế, kể cả trong khu vực ASEAN. Hiệu quả hoạt động của đa số tổ chức KH-CN thấp, chưa thoát khỏi thói quen được bao cấp, ngại chuyển đổi; số đã chuyển đổi thì vẫn gặp nhiều trở ngại trong hoạt động tự chủ; phân bố và cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động”[2]. Chẳng hạn như về thực trạng tổ chức KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, GS Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam) nhận xét: “Tính riêng khối nông nghiệp thì viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. Ở khối thuỷ lợi, có 8 viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành. Vì các tổ chức cồng kềnh, chồng chéo và nhiều tổ chức trung gian; các bên không kết hợp được nghiên cứu với đào tạo và chuyển giao công nghệ, cơ chế tự chủ bị phớt lờ, không tạo được sản phẩm quốc gia”[3].

Nguyên nhân 2: Thiếu hụt các nhà khoa học tài năng

Đội ngũ nhân lực KH-CN trong nước tuy gia tăng về số lượng, nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế. Có một nghịch lý rất đáng suy gẫm là Việt Nam có số giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), tiến sĩ (TS) nhiều nhất khu vực ASEAN nhưng số bài báo trong một năm lại không bằng một trường ĐH uy tín của Thái Lan. Theo Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” của Bộ KH-CN, quả thật chúng ta đang rất thiếu các nhà khoa học, tổng công trình sư có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế.

Tình trạng hụt hẫng về thế hệ trong các viện nghiên cứu, trường ĐH tiếp tục gia tăng, số cán bộ KH-CN đủ năng lực chủ trì những nhiệm vụ KH-CN lớn ngày càng giảm sút. Các trường ĐH trong nhiều năm gần đây không tuyển được học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội (KHXH) và nhân văn; thiếu sinh viên giỏi để đào tạo thành các nhà khoa học tài năng trong tương lai. Việt Nam chưa sử dụng và phát huy được trí tuệ lực lượng trí thức, chuyên gia khoa học Việt Nam ở nước ngoài vốn lên 400.000 người có trình độ từ ĐH trở lên.

Một bộ phận không nhỏ nhân lực KH-CN trình độ cao trong nước không trực tiếp làm nghiên cứu và phát triển, nhất là các GS, PGS và giảng viên trong các trường ĐH. Tình trạng cán bộ KH-CN không cập nhật được các thành tựu mới của KH-CN thế giới và trở thành lạc hậu kiến thức, một số khác đang nghiên cứu những vấn đề thời sự của khoa học nhưng thiếu tâm huyết xây dựng nền khoa học Việt Nam tiến kịp các nước tiên tiến trong khu vực, ít quan tâm đến hiệu quả thực sự của nhiệm vụ KH-CN là khá phổ biến. Ở Việt Nam hiện nay, nếu muốn tìm các GS đầu ngành, có uy tín, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, có khả năng làm việc độc lập và với các đối tác nước ngoài cũng như tập hợp nguồn lực và thu hút các dự án tài trợ quốc tế lớn là rất ít. Bên cạnh đó, có thể thấy phần lớn số nhân lực KH-CN hiện nay đang tập trung làm việc ở khu vực nhà nước, trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp còn rất thấp. Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm trong các cán bộ KH-CN còn chưa cao nên khó hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành. Ngoài ra là thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học đứng đầu các nhóm nghiên cứu và các viện trường[4].

Nguyên nhân 3: Sự tách rời giữa giảng dạy và nghiên cứu

Một nguyên nhân khác dẫn đến những thách thức lớn đối với sự phát triển của KH-CN của Việt Nam là sự tách rời giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu. Có thể nói việc này đã tạo nên sự lãng phí rất lớn về nguồn lực và làm hạn chế chất lượng đào tạo và nghiên cứu ở các cơ sở GDĐH. Số kinh phí mà Bộ KH-CN quản lý được phân bổ cho các viện nghiên cứu nhưng những cơ sở này có rất ít gắn bó với hoạt động đào tạo. Gần đây, một số viện nghiên cứu lớn ở Việt Nam xúc tiến thành lập đơn vị đào tạo sau ĐH trong đơn vị nhưng đây chỉ là những bước khởi đầu. Ở các quốc gia tiên tiến (Bắc Mỹ, Úc và Tây Âu), các viện nghiên cứu và trường ĐH gắn liền với nhau về đào tạo và nghiên cứu. Chẳng hạn như ở Úc có viện ngoài trường ĐH nhưng GS của viện xuất phát từ các trường ĐH và bằng cấp đào tạo do trường ĐH cấp chứ không phải do viện. Việc đào tạo và nghiên cứu giữa viện với trường ĐH trên thực tế là chặt chẽ và không tách rời nhau.

Do Việt Nam ta theo mô hình của Liên Xô cũ nên các viện nghiên cứu hoàn toàn độc lập với các trường ĐH. Trong khi đó, các trường ĐH chủ yếu tập trung cho giảng dạy và ngay cả ở những trường có thực hiện việc nghiên cứu thì cũng có rất ít nghiên cứu thực sự có tác dụng dẫn đến phát triển công nghệ, công bố khoa học hoặc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập (Ca & Hung 2008: 6). Bảng 1 cho thấy năng suất nghiên cứu chủ yếu tạo ra ở các viện nghiên cứu chứ không phải ở các trường ĐH. Theo thống kê của GS. Phạm Duy Hiển, năm 2004, 4 cơ sở GDĐH hàng đầu của Việt Nam (tức 2 ĐH Quốc gia và hai trường ĐH trọng điểm khác) chỉ có 83 bài báo quốc tế trong khi chỉ riêng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 82 bài[5].

Ngoài ra, trong khi chỉ có 44 trường ĐH được phép đào tạo và cấp bằng tiến sĩ thì có đến 71 viện nghiên cứu được làm việc này. Đây là một nghịch lý không giống ai nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy khá nhiều viện nghiên cứu uy tín có chất lượng cao hơn hẳn so với các trường ĐH! Dĩ nhiên, không loại trừ những viện nghiên cứu “dỏm” vốn được thành lập chỉ để lấy kinh phí nhà nước. Mặc dù vậy, ở Việt Nam hiện nay có hiện tượng “loạn học viện”, chẳng hạn như Viện Kế toán và Quản trị Doanh nghiệp (IABM) thành lập được khoảng 6 năm nay nhưng theo “thú nhận” của Viện trưởng Trần Văn Rũng thì “từ lúc thành lập đến giờ viện chủ yếu hoạt động ở mảng đào tạo các khóa ngắn hạn là chính, còn việc nghiên cứu thì lâu lâu mới tham gia một vài đề tài chung với Viện Kinh tế, nhưng chủ yếu để học hỏi”[6].

 

Bảng 1: Tổng số công bố quốc tế của các trường nghiên cứu và phát triển hàng đầu của Việt Nam và Thái Lan năm 2004

Các cơ quan nghiên cứu Tổng số công bố quốc tế Số lần được trích dẫn trung bình Tác giả tương ứng trong nước Tác giả tương ứng nước ngoài
Tổng số công bố quốc tế Số lần được trích dẫn trung bình Tổng số công bố quốc tế Số lần được trích dẫn trung bình
Bốn trường đại học Việt Nam hàng đầu 83 6.6 44 4.5 39 8.8
Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 82 6.3 31 4.9 51 7.5
Việt Nam (tổng số cả nước) 403 10.0 117 6.6 286 14.1
Trường ĐH Chulalongkorn 416 12.0 295 7.1 121 15.3
Trường ĐH Mahidol 465 13.9 320 8.3 145 16.9

Nguồn: Phạm Duy Hiển (2010: 620)

Ở Việt Nam hiện nay có đến 71 viện nghiên cứu được phép đào tạo bậc thạc sĩ và cấp bằng tiến sĩ trực thuộc chính phủ và các bộ ngành khác nhau nhưng các viện nghiên cứu này không có dính dáng gì với các trường ĐH. Hai tuyến nghiên cứu bậc cao ở Việt Nam cùng tồn tại song song và hầu như không gặp nhau. Gần đây, nhà nước kêu gọi sự gắn kết hơn nữa giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu nhưng do chưa có hành lang pháp lý phù hợp cũng như chưa có cơ chế khuyến khích nên việc hợp tác này cũng chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi cán bộ thỉnh giảng. Một số ý kiến đề xuất sáp nhập các viện nghiên cứu vào các trường ĐH để nâng cao năng lực nghiên cứu và tận dụng nguồn lực hiện có nhưng việc này không thể thực hiện được vì vấp phải sự phản ứng gay gắt của các viện. Việc phản đối này cũng không có gì khó hiểu vì phần lớn các trường ĐH ở Việt Nam chưa xây dựng được văn hóa NCKH cũng như chất lượng nghiên cứu còn yếu kém nên thường bị các viện nghiên cứu đánh giá thấp. Chính vì sự quá tải trong đào tạo (do số sinh viên tăng nhanh) trong khi số giảng viên và cơ sở vật chất không theo kịp nên tất cả đều dẫm chân tại chỗ, thậm chí còn tụt hậu so với trước. Hiện tượng dạy sinh viên theo lối “đọc- chép” và sau đó là “nhìn-chép” nhìn chung là rất phổ biến ở rất nhiều trường ĐH. Ngay cả ở một số trường ĐH trọng điểm, việc một giáo viên phải dạy trên 1.000 giờ/ năm, thậm chí 2.000 giờ/năm, đặc biệt đối với các ngành khoa học xã hội (KHXH) không còn là hiện tượng cá biệt.

Do tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao (thậm chí có trường tỉ lệ giảng viên/sinh viên lên đến 1:90), nhiều giảng viên bận chạy show ở các cơ sở khác nhau nên họ có rất ít thời gian dành cho việc nghiên cứu kể cả khi có bằng tiến sĩ. Điều bất thường là khoảng gần 2/3 số cán bộ ở Việt Nam có học hàm học vị cao (GS, PGS, TS) làm cán bộ quản lý ở các cấp chứ không trực tiếp tham gia việc giảng dạy và nghiên cứu. Trong tổng số khoảng 8.300 GS sư và PGS (số liệu năm 2007), chỉ có hơn 1/4 là giảng viên ĐH, gần 3/4 còn lại phần lớn là các quan chức![7] Ngoài ra, vấn đề mà ít người ở Việt Nam hiểu được là các nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ chỉ là những người mới bắt đầu sự nghiệp NCKH, vì bằng cấp tiến sĩ chỉ là hành trang ban đầu giúp họ đặt chân vào con đường NCKH. Mặc dù mục tiêu của Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2010 là “đến năm 2010 có ít nhất 40% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 25% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt trình độ tiến sĩ”[8] nhưng thống kê gần đây của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ có khoảng 14% giảng viên có bằng tiến sĩ quả là một hồi chuông báo động. Tuy nhiên, chất lượng tiến sĩ thật ảo như thế nào cũng như những hệ lụy từ việc mua bằng từ các trường ĐH “quốc tế” ở Việt Nam là điều mà bài viết này chưa bàn đến.

Bảng 2: Tỉ lệ sinh viên/giảng viên ở 4 nước châu Á

Quốc gia Tỉ lệ sinh viên/giảng viên
Philippines 23:1
Malaysia 20:1
Indonesia 15:1
Vietnam 30:1

Nguồn: Harman & Nguyễn (2010:78)

Nguyên nhân 3: Đầu tư và phân bổ kinh phí nghiên cứu

Về ngân sách nghiên cứu, Việt Nam rõ ràng là kém xa so với một số nước trong khu vực. Đầu tư cho KHCN ở Việt Nam trong năm 2006 là 428 triệu USD, chiếm khoảng 0,17% GDP; năm 2012 tăng lên 653 triệu USD (13.000 tỷ VND), chiếm khoảng 0,27% GDP. Mặc dù tỉ lệ này cao hơn so với mức độ đầu tư ở Indonesia (0,05% GDP) và Philippines (0,12% GDP), nhưng thấp hơn so với Thái Lan (0,3% GDP, 1,79 tỉ USD), Malaysia (0,5% GDP, 1,54 tỉ USD) và Singapore (2,2% GDP, 3 tỉ USD) (Nguyễn Văn Tuấn & Phạm Thị Ly, 2011:611). Tính trung bình cứ một triệu USD thì Việt Nam công bố được 8 công trình khoa học trên các tập san quốc tế. Hiệu suất này tương đương với Thái Lan và Indonesia, có phần cao hơn so với Malaysia và Philippines (6 bài/1 triệu USD), nhưng thấp hơn Singapore nơi có hiệu suất cao nhất với 13 bài báo/1 triệu USD (Tuan Nguyen & Ly Pham, 2010: 673).

Nghị quyết 14/2005 về đổi mới toàn diện GDĐH qui định cần phải tăng nguồn thu từ NCKH và các dịch vụ liên quan lên đến 25% trước năm 2020 nhưng không rõ là tham vọng này được đặt trên cơ sở nào và tính khả thi của nó đến đâu trong khi hiện nay nguồn thu ấy chỉ chiếm 3,4% (Wilkinson & Chirot, 2010).

Theo báo cáo của Bộ KH-CN, đầu tư của xã hội cho KH-CN còn thấp, chưa đến 1,5% GDP theo kế hoạch đến năm 2010[9]. Thật vậy, đầu tư cho KH-CN trên đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 11 USD (2010), trong khi của Trung Quốc là 53 USD, Hàn Quốc là 647 USD/người/năm[10]. Ngân sách Nhà nước dành tới 40% cho đầu tư phát triển nhưng còn sử dụng chưa đúng mục đích, cơ cấu phân bổ giữa trung ương và địa phương còn bất hợp lý (trung ương 43%, địa phương 57%). Nhiều địa phương sử dụng kinh phí dành cho KH-CN chưa đúng mục đích, hiệu quả kém. Việc đầu tư từ ngân sách nhà nước còn dàn trải, phân tán, hiệu quả sử dụng chưa cao. Sự phân cấp quản lý nguồn ngân sách đầu tư cho KH-CN hàng năm còn bất hợp lý, phân tán giữa Bộ quản lý ngành KH-CN, Bộ quản lý chuyên ngành, quản lý tài chính và kế hoạch, đầu tư. Chưa có tiêu chí xác định tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư một cách hợp lý khi triển khai nhiệm vụ KH-CN giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, tổ chức KH-CN[11].

Song song đó là việc chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN; chưa quy định rõ việc trích lập, chi cho hoạt động KH-CN tại các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn, quy mô nhỏ, đặc biệt do không tìm được đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nên không quan tâm đầu tư cải tiến và đổi mới công nghệ. Trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới, vốn đầu tư của tư nhân luôn chiếm tỷ trọng cao hơn rất nhiều so với nhà nước. Chẳng hạn như Mỹ, vốn đầu tư của tư nhân là trên 63%, Nhật Bản gần 80%, Hàn Quốc trên 75% còn đầu tư cho KH-CN ở Việt Nam thì 70% là từ vốn nhà nước chỉ có 30% là của tư nhân[12]. GS Nguyễn Đăng Vang ước tính “chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp tư nhân mỗi năm sẽ có 14 tỷ đô la cho phát triển KH-CN. Đây là số tiền rất lớn giúp đổi mới công nghệ một cách mạnh mẽ”[13] nhưng rất tiếc chưa huy động được.

Mặc dù vậy, do “thói quen bao cấp dựa vào nhà nước đã tồn tại từ lâu” nên việc “Nhà nước thúc đẩy xã hội hóa việc đầu tư cho KH-CN bằng cách tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tự đầu tư đổi mới công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển KH-CN là 10% thu nhập doanh nghiệp” cũng chẳng mang đến hiệu quả cao. Điều không rõ là 10% thu nhập doanh nghiệp dành cho phát triển KH-CN được thực hiện thế nào theo Luật KH-CN năm 2000 vì như trên đã đề cập, phần lớn các doanh nghiệp của ta là vừa, nhỏ và siêu nhỏ với thiết bị công nghệ yếu kém nên 10% lợi nhuận trước thuế cũng chẳng có ý nghĩa gì. Hiện ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp đầu tư một bộ phận nghiên cứu phát triển, nếu có chỉ là nghiên cứu nhỏ như thay đổi mẫu mã, bao bì, còn nghiên cứu công nghệ cao hầu như không có. Thật vậy, “trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nước ta đa phần ở mức trung bình và lạc hậu, khoảng 80%-90% công nghệ nhập ngoại, trong đó 75% máy móc dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 1980-1990, 75% thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang”.[14]

Về tình hình kinh phí, Bộ trưởng Bộ KH-CN nhìn nhận: “Nhiều năm qua, trong 2% kinh phí dành cho KH-CN (khoảng 13.000 tỷ đồng) có khoảng 40-43% là kinh phí đầu tư phát triển và Bộ KH-ĐT trực tiếp phân bổ khoản kinh phí này cho các bộ ngành, địa phương”. Điều đặc biệt đáng quan tâm là “Bộ KH-CN hoàn toàn không nắm được tình hình phân bổ cũng như hiệu quả sử dụng của khoản kinh phí đó. Các bộ ngành, địa phương khi nhận trực tiếp kinh phí từ Bộ KH-ĐT gần như không báo cáo với Bộ KH-CN”. Song song đó, Bộ trưởng cho biết thêm: “Kinh phí còn lại khoảng 57-60% là dành cho kinh phí sự nghiệp KH-CN, Bộ KH-CN với Bộ Tài chính thỏa thuận thống nhất phương án phân bổ cho các bộ ngành, các địa phương nhưng hầu hết khoản tiền này được dành cho chi thường xuyên, tức là nuôi bộ máy cán bộ khoa học cũng như các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu trong cả nước. Một phần rất ít ỏi chiếm khoảng hơn 10% mới dành cho nghiên cứu, tức là các đề tài từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước”[15]. Lương bổng và chế độ cho cán bộ nghiên cứu thì không cần phải nói vì quá thấp so với tốc độ tăng giá hiện nay. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất NCKH của Việt Nam trở nên thấp kém. Việc hợp tác hữu hiệu giữa các tổ chức nghiên cứu khác nhau bị hạn chế do mỗi nhóm trực thuộc các bộ chủ quản khác nhau. Thực tế cho thấy cách tổ chức hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) quốc gia, cách quản lý và cấp ngân sách hiện nay không khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và các trường ĐH.

Nguồn tài chính ở cấp cơ sở khá hạn hẹp và vẫn chưa có cơ chế khích lệ nhằm tưởng thưởng cho sự hợp tác (Harman & Ngoc 2010: 89-90). Trong bối cảnh NCKH chuyển từ mô thức 1 (dạng truyền thống – traditionally disciplinary based) sang mô thức 2 (đa ngành gắn với giá trị tri thức thương mại – applied and commercially valuable knowledge) như hiện nay (Gibbons et al, 1994, Nowotny et al., 2001), đây là một thách thức rất lớn đối với việc phát triển KH-CN và NCKH quốc gia.

Song song đó là chính sách của Nhà nước về việc đầu tư nhiều cho khoa học ứng dụng hơn khoa học cơ bản. Thậy vậy, hiện có sự sụt giảm về đầu tư ngân sách nhà nước về khoa học cơ bản cho các cơ sở nghiên cứu quốc gia (Harman & Le, 2010). Gần đây nhất là Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 về qui hoạch chiến lược cho việc phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, trong qui hoạch này không thấy nói đến việc tập trung đầu tư cho khoa học cơ bản mà chỉ có một dòng ngắn đề cập đến việc “nâng cao năng lực của các trường đại học về nghiên cứu cơ bản”. Nâng cao bằng cách nào, việc đầu tư ra sao cho các trường ĐH vẫn còn bỏ ngõ. Hơn nữa theo báo cáo của Bộ KH-CN về việc thực hiện các đề tài khoa học trọng điểm cấp quốc gia 2001-2005, khoảng 75% ngân sách đầu tư dành cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một quốc gia muốn phát triển mạnh về R&D mà chỉ tập trung nghiên cứu về phần ngọn (ứng dụng) và bỏ qua phần gốc (cơ bản) thường chạy theo đuôi các nước và thiếu tính bền vững.

Như trên đã đề cập, việc phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho KH-CN còn nhiều bất cập bởi chưa dựa trên các tiêu chí cạnh tranh minh bạch cũng như dựa trên nền tảng của nhu cầu thực tiễn. Tuy nhà nước có chủ trương ưu tiên phát triển hoạt động KHCN nhưng quản lý và phân bổ bất cập nên 2% ngân sách dành cho hoạt động KHCN thường không sử dụng được hết nên đành phải trả lại. Đến nay, dường như chưa có khảo sát có uy tín nào về tính hiệu quả cũng như tính ứng dụng cao của các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, và cấp đơn vị vì phần lớn các đề tài nghiên cứu sau khi được nghiệm thu thường được cất vào hộc tủ và ít khi được đưa vào sử dụng. Thời gian qua, có khá nhiều báo cáo nghiên cứu của các tổ chức, cơ quan trong nước và quốc tế có uy tín về tình hình kinh tế, tài chính, ngân hàng, xã hội, đất đai, môi trường, giáo dục, y tế… ở Việt Nam nhưng những báo cáo này thường ít được lắng nghe và thực thi vì có ý kiến cho rằng “chưa phù hợp” với tình hình ở Việt Nam. Ở các quốc gia quốc gia phát triển, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, nhà nước thường dựa vào các kết quả nghiên cứu khảo sát độc lập của các nhóm chuyên gia uy tín để làm cơ sở nhưng ở ta, việc này được xem như “chưa cần thiết” vì mọi việc đã được chỉ đạo.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt nội dung nghiên cứu đáng lẽ phải do giới khoa học chủ động nhưng lại được quyết định từ trên xuống; kinh phí nghiên cứu được giao cho các Bộ ngành khác nhau không dựa trên những tiêu chí rõ ràng; các quy định về thanh quyết toán không hợp lý và mất nhiều thời gian làm nản lòng người nghiên cứu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-CN nhận xét: “Cơ chế tài chính cũng như cơ chế quản lý về KH-CN của chúng ta cho đến thời điểm này chưa hội nhập được với thế giới mặc dù chúng ta là thành viên của WTO. Các nước đều làm việc theo nguyên tắc, các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ vào lúc nào sẽ được cấp kinh phí và được tổ chức thực hiện ngay lúc đó, như vậy mới có tính thời sự. Nhưng chúng ta thường phải lập kế hoạch KH-CN trước hơn một năm. Cho đến khi được giao tiền thì thường các nhiệm vụ KH-CN ấy đã trở nên lạc hậu. Đấy là chưa nói đến việc điều chỉnh nội dung và điều chỉnh kinh phí… rất phức tạp về mặt thủ tục. Cho nên khi các nhà khoa học nhận được kinh phí nhiều khi cũng không thực hiện được bởi với tốc độ trượt giá và lạm phát của chúng ta, sau một đến hai năm những dự toán đó không có ý nghĩa nữa. Đồng thời chúng ta cũng không sử dụng cơ chế của quỹ cho cấp phát tài chính đối với các đề tài nghiên cứu mà cấp phát qua kho bạc. Vì thế khi các nhà khoa học có ý tưởng nghiên cứu sẽ phải chờ đợi rất lâu mới hoàn thành thủ tục và được cấp kinh phí”[16]. Điều quan trọng là Việt Nam đang thúc đẩy nền “kinh tế thị trường nhưng tư duy bao cấp”[17] nên tiềm năng NCKH vẫn chưa được phát huy. Điều quan ngại là do tất cả vì lợi nhuận nên khá nhiều nghiên cứu không mang tính khoa học và thiếu khách quan, việc lắp ghép và sao chép máy móc các báo cáo là điều không còn cá biệt. Sự kiện báo cáo đánh giá tác động môi trường ở thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua là một minh chứng hùng hồn cho sự yếu kém về NCKH ở Việt Nam bởi sự tác động và chi phối rất lớn của các nhóm lợi ích.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, với mức chi 2% tổng chi ngân sách cho KHCN thì Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ chi cao, thậm chí cao hơn cả các nước có nền khoa học phát triển. “Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là nguồn chi cho KHCN của nước ta chủ yếu do ngân sách nhà nước, trong khi các nước khác đầu tư ngoài ngân sách rất lớn, thường gấp 3-5 lần, thậm chí có nước gấp 10 lần nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước”[18]. Điều đáng quan tâm là “tiền ít, nhưng khi phân bổ về địa phương thì “gần một nửa bị chi sai mục đích, số còn lại chi dàn trải, hiệu quả không cao”[19]. Đã thế, Bộ trưởng cho biết thêm, “điều mà các nhà khoa học thấy nhức nhối nhất là cơ chế chi tiền: Ở các quốc gia khác, khi các nhà khoa học đề xuất hoặc có ý tưởng nghiên cứu vào lúc nào thì sẽ được nhận tiền lúc đó; còn ở ta thường hai năm sau khi đề xuất mới nhận được kinh phí”. Về việc này, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Đặng Hữu bình luận:“Cơ chế như vậy làm nản lòng các nhà khoa học. NCKH mà cứ phải dự trù như các dự án khác, nghĩa là chỉ được sáng tạo trong những nội dung đã được giới hạn, đăng ký trước thì làm gì có sáng tạo”[20].

Để kết luận, Bộ trưởng Bộ KH-CN thẳng thắn nhìn nhận: “Lỗi tư duy. Chúng ta đã sống trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng tư duy quản lý thời bao cấp. Chúng ta vẫn lập kế hoạch, chờ cấp tiền, đến khi có tiền thì có thể đề tài đã lỗi thời, mà KHCN trên thế giới phát triển như vũ bão. Lỗi thứ hai là lỗi cơ chế chính sách chưa khuyến khích giới khoa học và doanh nghiệp đầu tư cho KHCN. Thứ ba là một phần lỗi thuộc về các nhà khoa học vẫn có tâm lý trông chờ nhà nước”[21].

Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định: “Hằng năm chúng tôi luôn dành đủ 2% tổng chi ngân sách và tiền luôn nằm ở kho bạc chờ các nhà khoa học. Nếu có đề tài, có nhiệm vụ KHCN được phê duyệt thì ra kho bạc lấy tiền. Cái khó ở đây là làm sao để tiêu được đồng tiền đó. Vướng mắc ở chỗ nhà khoa học có ý tưởng, nhưng chúng tôi không thể cấp tiền cho ý tưởng mà phải có đề án, có nhiệm vụ rõ ràng. Như vậy các đề tài, nhiệm vụ khoa học cần được phê duyệt sớm, chứ như Bộ trưởng Nguyễn Quân nói là mất hai năm thì có lẽ do quy trình tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt đề tài. Năm 2012 cũng vẫn đang còn 400 tỉ đồng nằm chờ”[22]. Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp (Bộ Tài chính) giải thích “chuyện khá ngược đời là ngân sách đang chạy theo các đề tài, công trình khoa học chứ không phải đề tài khoa học chạy theo kinh phí” bởi theo ông, “theo Luật Ngân sách, Bộ Tài chính không có chức năng cấp phát kinh phí mà chỉ là cơ quan thông báo kinh phí cho khoa học đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định. Vấn đề chậm hay không chậm kinh phí cho khoa học là do các Bộ chủ quản, cơ quan chủ quản quyết định phân bổ và giải ngân”[23]. Quả bóng của việc quản lý và “phân công phối hợp” giữa các bộ ngành, một lần nữa, được chuyền cho nhau một cách khéo léo.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, hiện nay cứ đến ngày 31/7 hằng năm Bộ phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ KH-CN để gửi Bộ Tài chính dự trù ngân sách, mỗi năm chỉ phê duyệt một lần. Có nghĩa là những đề xuất sau ngày này phải chờ thêm một năm nữa. “Cơ chế chi của chúng ta không giống nước nào. Tất cả các nước đều dùng cơ chế quỹ KHCN, những đề xuất hợp lý là được cấp tiền ngay, tiền tiêu chưa hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, không phải theo năm tài chính. Chúng ta thì chi theo dự toán nên các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ, trong khi nghiên cứu đề tài là một quá trình chứ không phải sau mỗi công đoạn nào đấy là có đủ chứng từ được”[24].

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) ra đời năm 2008 và gần đây (2011) là Quỹ Đổi mới Công nghệ được thành lập mang đến một luồng gió mới, bổ sung cho cơ chế phân bổ kinh phí hiện hữu nhằm khắc phục các nhược điểm của hệ thống này. NAFOSTED hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, giúp hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh có năng lực nghiên cứu ở trình độ quốc tế, gắn kết hoạt động nghiên cứu với doanh nghiệp, đầu tư cho nghiên cứu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Quỹ này tài trợ nghiên cứu theo những tiêu chuẩn minh bạch và dựa trên cơ chế bình duyệt, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, kinh phí nghiên cứu được cấp qua quỹ này còn ở quy mô nhỏ và cần được mở rộng, đồng thời cần cải tiến hơn nữa cách thức quản lý và cấp phát kinh phí (sẽ được đề cập ở phần giải pháp).

Dự án Tài trợ Nâng cao Chất lượng do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ (Quality Improvement Grant – QIG) tiến hành năm 2000 đã giúp các trường ĐH xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, nguồn tài chính này đã được định hướng vào việc mua sách mới (cả bản in và bản điện tử), phần mềm cho thư viện, thiết bị thí nghiệm, trang thiết bị dạy học (chiếm khoảng 85% kinh phí của dự án). Dự án Tài trợ Đổi mới Công tác Giảng dạy và Nghiên cứu (The Teaching and Research Innovation Grant -TRIG) tiếp nối dựa trên những kết quả của Dự án Tài trợ Nâng cao Chất lượng, và đã phân bổ 60 triệu USD (2008) cho 22 trường ĐH tham gia dự án (dự án kéo dài từ cuối 2008 đến tháng 6/2012). Nguồn tài trợ này cũng được sử dụng cho việc mua sắm trang thiết bị thí nghiệm, phần mềm dạy học, thiết bị vi tính, trang thiết bị dạy học (50% tổng kinh phí); sách và tạp chí (cả bản in và bản điện tử chiếm khoảng 4% kinh phí), đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ ở nước ngoài, các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước; đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài; các chuyến tham quan học tập nước ngoài; tham gia hội nghị hội thảo quốc tế; cải tiến chương trình đào tạo; viết sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; kiểm định ngành với những tiêu chuẩn được quốc tế công nhận (chiếm khoảng 35% kinh phí); và chì có 10,74% cho nghiên cứu [25].

Hiệu quả của những hoạt động này cần được đánh giá và cần có những chiến lược tiếp theo nhằm bảo đảm tiếp tục những thay đổi mà các dự án này đã tạo ra sau khi dự án TRIG kết thúc (Harman & Nguyen 2010: 82). Một vấn đề quan trọng cần phải xem xét trong tương lai sẽ là làm thế nào sử dụng các nguồn tài trợ một cách có chọn lọc hơn để xây dựng năng lực nghiên cứu theo những tiêu chuẩn quốc tế ở một số ít trường ĐH, nhất là vì thành tích nghiên cứu của Việt Nam trong tương quan so sánh với nước khác còn khá nghèo nàn[26]. Hy vọng sang giai đoạn 3, Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung tài trợ cho các dự án nghiên cứu liên ngành có chất lượng cao sau khi giai đoạn 1 và 2 kết thúc.

Nguyên nhân 5: Đánh giá kết quả và chất lượng nghiên cứu

Có thể nói việc đánh giá kết quả nghiên cứu ở các cơ sở GDĐH Việt Nam chưa được thực hiện bài bản và ứng dụng trong hoạt động sản xuất còn khá hạn chế. Việc nghiệm thu các đề tài nghiên cứu thường được thực hiện theo quy trình, nhưng quy trình đánh giá chưa đòi hỏi cụ thể về công bố khoa học, đặc biệt là công bố trên các tạp chí uy tín thế giới. Chẳng hạn như ngay cả những tiêu chí đã có trong quy trình đánh giá quy định về hướng dẫn nghiên cứu sinh thì các đề tài vẫn được thông qua kể cả khi không đạt tiêu chí hoặc các thành viên hội đồng miễn cưỡng cho qua vì tâm lý “dĩ hòa vi quí”[27]. Thời gian qua, có khá nhiều bài báo và câu chuyện đề cập đến những khôi hài trong việc đánh giá và chấm điểm luận án tiến sĩ mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có[28]. Được biết hội đồng đánh giá kết quả NCKH ở trường ĐH thường bao gồm đại diện ban giám hiệu nhà trường, ban chủ nhiệm khoa, hội đồng khoa học đào tạo, đơn vị quản lý khoa học của đơn vị, và một số thành viên từ bên ngoài trường nhưng có thể nói số thành viên có đủ kiến thức chuyên sâu để phản biện một đề tài nào đó theo chuẩn mực quốc tế là không nhiều.

Đối với các ngành KHXH, việc này trở nên khá hình thức vì NCKH ở Việt Nam thường không theo chuẩn mực thế giới do những hạn chế về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, và nguồn lực. Chúng tôi đã có dịp đọc một số luận án và luận văn thuộc các ngành KHXH. Ở chương viết về phương pháp nghiên cứu, phần lớn các ứng viên thường viết đề tài nghiên cứu được thực hiện theo “phép biện chứng duy vật với quan điểm toàn diện, phát triển và lịch sử cụ thể; cơ sở lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học”, hay “trên cơ sở vận dụng phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử…, luận án sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, diễn giải, quy nạp và phương pháp chuyên gia để nghiên cứu”[29]. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, khi nghiên cứu về KHXH, đặc biệt là khoa học giáo dục, giới học giả thường sử dụng các phương pháp như điều tra tự nhiên (naturalistic inquiry); nhận thức vấn đề (epistemology), điều tra hiện tượng (phenomenology), tìm hiểu hiện tượng văn hóa/ vấn đề (enthnography), nghiên cứu thông qua từng trường hợp cụ thể (case study) v.vv.. để đi sâu đến từng chân tơ kẽ tóc của vấn đề thông qua việc tóm tắt tổng quan các xu hướng và quan điểm, phản biện, phát hiện, nghiên cứu dựa trên một khung ý tưởng hoặc lý thuyết (conceptual or theoretical framework), thảo luận vấn đề, đưa ra đề xuất, và gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo chứ không hề thấy sử dụng phương pháp “duy vật biện chứng” vì thuật ngữ này quả thật rất mơ hồ.

Điều đặc biệt là mục tiêu của NCKH là tìm ra sự thật và sáng tạo ra cái mới, phục vụ cho lợi ích của xã hội chứ không gắn vào mục đích chính trị. Đối với các ngành kinh tế ở Việt Nam, tiêu đề nghiên cứu thường na ná nhau ở chỗ đề xuất “giải pháp” một cách hết sức hời hợt. Việc hình thành các chợ luận án, luận văn trên mạng thông qua việc thuê mướn, sao chép và cắt dán càng làm cho tình hình NCKH, đặc biệt là các ngành KHXH ngày càng trở nên hỗn loạn. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu ngay trong giới NCKH cũng rất hạn chế bởi tâm lý e sợ copy ý tưởng. Nếu có tìm ở web site của các trường ĐH Việt Nam thì cũng không thể nào biết được giảng viên nào có chuyên môn sâu và nghiên cứu về đề tài gì trong khi ở các nước, việc này là rất dễ dàng nên các nghiên cứu viên và sinh viên rất dễ tiếp cận học hỏi và có thể tham gia vào mạng lưới nghiên cứu liên kết. Ở Việt Nam, cho đến nay, việc gắn kết các nhóm nghiên cứu liên ngành là không phổ biến và việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở Việt Nam thường ít được chú ý.

Về số lượng bài báo quốc tế, mười năm trước (năm 2002), số ấn phẩm khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế (trong hệ thống ISI) là 362 bài. Trong cùng thời gian, Thái Lan công bố được 1.705 bài, cao hơn ta gấp 4,7 lần. Mười năm sau (2011), Việt Nam công bố được 1.389 bài, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2002. Nhưng 10 năm sau, Thái Lan công bố được 5.721 bài, hơn Việt Nam 4,1 lần. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, khoảng cách giữa Thái Lan và Việt Nam càng ngày càng lớn (xem Biểu đồ 2).[30]

Biểu đồ 2: Số ấn phẩm khoa học từ Việt Nam và Thái Lan 2002-2011

Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng (về số ấn phẩm khoa học) của Việt Nam là 15,2%, tức tương đương với tỉ lệ của Thái Lan (15,1%). Nhưng vì Thái Lan xuất phát từ một cơ sở cao hơn ta gấp 4 lần, nên trong những năm sau Thái Lan vẫn còn cao hơn ta. Về việc này, có thể dùng phương trình toán học để dự đoán số ấn phẩm khoa học cho Việt Nam và Thái Lan từ năm 2012 đến 2020. Kết quả như sau:


Năm Việt Nam Thái Lan
2012 1600 7055
2013 1840 8121
2014 2119 9350
2015 2440 10760
2016 2811 12386
2017 3237 14258
2018 3729 16412
2019 4295 18892
2020 4947 21746

Bảng 3: Dự đoán số ấn phẩm khoa học cho Việt Nam và Thái Lan từ năm 2012 đến 2020

Nguồn: So sánh ấn phẩm khoa học Việt Nam và Thái Lan 2002-2020, Nguyễn Văn Tuấn[31].

Nếu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong giai đoạn 2001-2010, số bài báo quốc tế của Việt Nam tăng 3,43 lần, từ 2.398 lên 8.220 bài, trong khi Thái Lan tăng 4,22 lần, từ 6.673 lên 28.148 bài; Malaysia tăng gấp 3,95 lần, từ 5.366 lên 21.203 bài. Nhìn chung, trong số 10 nước ASEAN, số bài báo của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Brunei, và Philippines.

Bảng 4: Thống kê số ấn phẩm khoa học của Việt Nam và các nước ASEAN

(Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn, nd)

Một vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả NCKH là tự do học thuật (academic freedom). Ở các quốc gia tiên tiến, một trường ĐH có thể không được tự chủ về tài chính (trường hợp giả định) nhưng tự do học thuật là điều được xem như một quyền hiến định. Ở Việt Nam ta, mặc dù Luật Giáo dục Đại học 2012 qui định “cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học” (điều 32) nhưng quyền tự do học thuật, đặc biệt đối với các ngành KHXH là còn rất hạn chế (Bauer, 2011:212). Mặc dù mục tiêu của hoạt động KH-CN được qui định là “tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới để phát triển khoa học và giáo dục, góp phần phát triển kinh tế – xã hội” (điều 39, khoản 3) nhưng những vấn đề được xem là “nhạy cảm” cũng như tiếng nói phản biện không được trân trọng lắng nghe…đã làm nản lòng biết bao chuyên gia và các nhà nghiên cứu. Tư duy “ổn định để phát triển” theo tư tưởng của Khổng Giáo chứ không phải “phát triển để ổn định”[32] thường được xem là “định hướng” cho các hoạt động nghiên cứu.

Thực tế cho thấy nhiều kết quả nghiên cứu thường không được xem trọng và bị xem là “phạm húy” nếu có kết luận nào “không khớp” với đường lối chính sách của Nhà nước. Theo đó, quyết định thường dựa trên mệnh lệnh hành chính và ý chí chính trị hơn là những điều tra, khảo sát mang tính duy lý và con số thống kê. Sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển, cơ quan nghiên cứu xây dựng theo mô hình think-tank[33] đầu tiên ở Việt Nam, với sự tập hợp của nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, quyết định tự giải thể vì Quyết định 97/2009/QĐ-TTg quy định “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ” cho thấy tự do học thuật và trọng dụng trí tuệ của đội ngũ cán bộ tài năng là điều gì đó xa vời với các nhà khoa học, đặc biệt đối với các ngành KHXH.

Về chất lượng và hiệu quả nghiên cứu, tác giả Nguyễn Văn Tuấn giải thích là: không có cơ chế khuyến khích các công bố quốc tế được bình duyệt; sự nhầm lẫn phổ biến giữa khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản về mặt bài báo khoa học. Ngoài ra, cũng theo Nguyễn Văn Tuấn, “trong thời gian 10 năm (từ 1996 – 2005), các nhà khoa học nước ta công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Đặt mối tương quan giữa con số này với số lượng GS và PGS (những người đáng lẽ phải NCKH), trung bình mỗi GS và PGS nước ta công bố 0,58 bài báo trong vòng 10 năm qua! Nói cách khác, cứ hai GS mới có khoảng một công bố quốc tế trong vòng 10 năm. Các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia và Singapore, các ĐH đặt ra tiêu chuẩn hay khuyến khích mỗi GS cần có ít nhất một công bố quốc tế trong vòng hai năm. Ở các nước tiên tiến hơn, mỗi giáo sư phải có ít nhất hai công bố quốc tế trong một năm, nếu không thì chức vụ GS có thể lung lay”[34].

Nhìn vào biểu đồ 3, có thể thấy số lần trích dẫn ở Việt Nam chỉ cao hơn Brunei và Malyasia. Riêng chỉ số H chỉ hơn Campuchia, Lào, Miến Điện, Brunei và tương đương với Indonesia. Chỉ số H được tính toán dựa vào số công trình công bố và số lần trích dẫn. Mục tiêu của chỉ số H là đo lường mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học. Chỉ số H được định nghĩa như sau: Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 có nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần[35]. Theo dữ liệu từ Thông tin Khoa học Thomson Reuters ISI, năm 2009, số lần trích dẫn trung bình của Việt Nam là 4,79 trong khi chỉ số H là 24[36].

Biểu đồ 3: Chất lượng nghiên cứu ở các nước ASEAN (Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn, n.d)

Trở lại vấn đề hướng dẫn nghiên cứu sinh, ở Việt Nam, việc này thường không theo chuẩn mực quốc tế vì theo qui định chỉ cần có bài báo trong nước trong khi ở một số trường ĐH lớn ở Trung Quốc, nghiên cứu sinh phải có ít nhất 2 bài báo trên các tạp chí trong danh sách ISI hoặc SCI. Phần nhiều các nghiên cứu ở Việt Nam thiên về mô tả, hoặc quá đơn giản, và có chất lượng khoa học thấp. Quả thật bất bình thường khi có luận án tiến sĩ về “tắm giặt cho chiến sĩ miền núi”. Về việc này, tác giả Uyên Na nhận xét: “Sở dĩ có những câu chuyện hài hước trên là bởi trong số hàng ngàn giáo sư, tiến sỹ thì những nhà khoa học thực sự đi vào nghiên cứu học thuật rất ít – chỉ chiếm khoảng 30%. Và trong số này, họ lại là những người “thợ giảng” với hàng ngàn tiết học mỗi năm thì không thể lấy đâu ra thời gian nghiên cứu khoa học. Còn lại, một số lượng lớn trong họ là quan chức, bằng cấp là để thăng tiến chức vụ, không phục vụ cho hoạt động khoa học”[37]. Quả thật với khoảng 6.000 GS, PGS (số liệu năm 2007) nhưng chỉ có 2.400 bài tạp chí quốc tế, 800 bài trong nước thì trung bình mỗi GS, PGS công bố gần 1/2 bài ở tạp chí quốc tế trong 10 năm. Vì vậy có thể thấy “cách phong GS, PGS tiềm ẩn nguy cơ dẫn một số đông không phấn đấu cho các kết quả nghiên cứu chất lượng cao nhưng hướng đến số lượng sao cho đủ điểm” (GS Nguyễn Văn Chiển).

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn nhận xét tổng quan:

Con số ấn phẩm khoa học từ nước ta đã ít, so với các nước khác trong vùng thì thuộc vào hàng thấp nhất. Thật vậy, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học nước ta chỉ bằng 1/5 số lượng từ Thái Lan (14.594 bài trong cùng thời gian), 1/3 Malaysia (9.742 bài), 1/14 Singapore (45.633 bài). Ngay cả so với Indonesia (4.389 bài) và Philippines (3.901 bài), con số công bố quốc tế nước ta cũng thấp hơn. Lĩnh vực nghiên cứu nào mạnh và yếu của nước ta? Khoảng 1/5 các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam liên quan đến các ngành y sinh học. Con số này ở Thái Lan là 43%. Các công trình nghiên cứu khác có thể thuộc vào lĩnh vực yếu của Việt Nam là: môi trường (chiếm 4% tổng số công bố quốc tế), kinh tế (2,5%), công nghệ sinh học (1,3%) và nhân văn – xã hội học (1,6%). Tuy nhiên, số lượng công trình liên quan đến ngành toán và vật lý từ Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng số bài báo khoa học và đây là lĩnh vực mạnh của nước ta so với các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines, con số này chỉ dao động từ 0,5 – 4%. Trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất nghiên cứu và thiếu thốn chuyên gia, phần lớn (khoảng 80%) các nghiên cứu khoa học ở nước ta đều phải hợp tác với nước ngoài. Chỉ có 20% các công trình nghiên cứu từ Việt Nam là do nội lực (tức hoàn toàn do người Việt thực hiện)[38].

Để minh chứng, chúng tôi đã thống kê số lần trích dẫn từ ngoại lực và nội lực cho các ngành nghiên cứu ở Việt Nam thì chỉ có ngành toán là số lần trích dẫn từ ngoại lực và nội lực là tương đương nhau (3,6). Riêng ngành công nghệ sinh học thì thì trích dẫn từ nội lực là 0. Điều này cho thấy việc Việt Nam còn rất kém cỏi khi phải đứng một mình. Tuy nhiên, việc học tập kinh nghiệm và xuất bản chung với các tác giả nước ngoài là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Do chất lượng NCKH yếu kém nên chẳng có gì ngạc nhiên khi năm 2012, thứ bậc trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu, Việt Nam tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới, thứ 76 trên 141 quốc gia. Về việc này, tác giả Trần Xuân Hoài nhận xét: “Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì tình hình còn bi đát hơn, chẳng những kém cỏi mà xu hướng là suy giảm liên tục” và “thứ bậc của mỗi nước hàng năm được quy thành số phần trăm trên (+) hoặc dưới (-) trung bình. Nói một cách hình ảnh, nếu thường xuyên ngụp lặn ở dưới mức trung bình thì nguy cơ được xem là một quốc gia thiểu năng trí tuệ chắc khó tránh khỏi”[39].

Biểu đồ 4: Số lần trích dẫn cho mỗi bài báo từ ngoại lực và nội lực (Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn)

Bảng 5: Thứ bậc, Điểm đánh giá Chỉ số Đổi mới /Sáng tạo của Việt nam và các nước ĐNA[40]

Năm Số nước Điểm cao nhất Việt Nam Malaysia Singapore Thái Lan
Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc
2008 153 5.8 2.38 65 3.47 26 4.1 7 3.01 34
2009 130 5.28 2.97 64 4.06 25 4.81 5 3.4 44
2010 132 4.86 2.95 71 3.77 28 4.65 7 3.06 60
2011 125 74.1 36.71 51 44.05 31 74.11 1 43.33 48
2012 141 68.2 33.9 76 45.9 64.8 64.8 3 36.9 5

Về chỉ số kinh tế tri thức (thông qua các chỉ số về kinh tế tri thức, kiến thức, động lực kinh tế, đổi mới, công nghệ thông tin), Việt Nam xếp hạng 100 trong khi Thái Lan là 63, Malaysia 68, Phillipines 89, Singpaore 19.

Bảng 6: Chỉ số kinh tế tri thức (Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn, n.d)

Riêng chỉ số cạnh tranh toàn cầu, bảng 7 dưới đây sẽ cho thấy các chỉ số cạnh tranh thế giới của Việt Nam năm 2012:

Chỉ số Giá trị/ Số điểm Vị trí (trên 144 quốc gia)
Chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo 3,7 72
Chất lượng quản lý nhà trường 3,2 125
Chất lượng toán học và khoa học 4,1 58
Sinh viên đăng ký (tỉ lệ %) 22,3 87
Dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo 3,1 126
Mức độ đào tạo cán bộ 3,3 116

Bảng 7: Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam 2012 (Nguồn: Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu, 2012:377).

Như vậy, với chất lượng quản lý nhà trường hạng 125, dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu- đào tạo hạng 126 và mức độ đào tạo cán bộ hạng 116, Việt Nam nằm ở tốp 10% các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới.

Tất cả những phân tích và minh chứng trên cho thấy sự yếu kém của năng lực NCKH ở Việt Nam; hệ thống tổ chức quản lý hoạt động NCKH có nhiều bất hợp lý; chồng chéo quản lý giữa các bộ ngành; kinh phí nghiên cứu được cấp phát không theo những tiêu chí rõ ràng và còn thiếu một cơ chế cạnh tranh minh bạch; hiệu quả của đầu tư cho nghiên cứu KHCN chưa được đo lường đánh giá cụ thể; năng lực NCKH của giảng viên và nghiên cứu viên còn rất hạn chế; chế độ lương bổng thấp; sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, hạn chế về tự do học thuật; trang thiết bị và nguồn lực còn yếu đã không khuyến khích được việc NCKH trong các trường ĐH và các viện nghiên cứu.

Đề xuất các giải pháp chiến lược

Về mặt tổ chức hệ thống quản lý hoạt động KH-CN

Có thể nói dự thảo Luật KH-CN sửa đổi và đề án đổi mới của Bộ KHCN có rất nhiều tiến bộ trong việc đề xuất đổi mới cơ chế hoạt động phối hợp giữa các bộ ngành và cấp kinh phí hiện tại chứ dường như chưa đi sâu vào giải quyết những rào cản của hệ thống, tức sự chồng chéo về chức năng quản lý của bộ chủ quản, sự tách rời giữa hai hệ thống đào tạo và nghiên cứu cũng như làm thế nào để gắn kết hơn nữa giữa các doanh nghiệp, trường ĐH và các viện nghiên cứu.

Theo dự thảo Luật KH-CN sửa đổi, mặc dù “Bộ KH-CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước” và “xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước” cũng như “xây dựng và phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm năm và hàng năm” kết hợp với “thống nhất quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp” thông qua việc “xây dựng, đề xuất cơ cấu, tỉ lệ chi ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ làm căn cứ cho việc giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm” (điều 76) nhưng Bộ KH-ĐT lại là cơ quan “lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo đề xuất của Bộ KH-CN”, đồng thời “phối hợp với Bộ KH-CN trong việc xét duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho KH-CN; đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ”.

Tại sao Bộ KH-ĐT lại “lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo đề xuất của Bộ KH-CN” trong khi Bộ KH-CN là cơ quan chủ trì về KH-CN của cả nước? Phải chăng có sự không tin tưởng lẫn nhau hay việc phối hợp giữa các bộ thường chồng chéo dễ dẫn đến việc “đá lộn sân” nên cần có sự kiểm tra chéo thông qua việc “phân công phối hợp”?

Riêng Bộ Tài chính thì “lập và trình Chính phủ dự toán chi sự nghiệp KH-CN theo đề xuất của Bộ KH-CN về cơ cấu, tỉ lệ chi ngân sách nhà nước dành cho KH-CN”. Ngoài ra là việc “cân đối và bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời theo dự toán kinh phí đã được phê duyệt” cũng như “phối hợp với Bộ KH-CN đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đúng mục đích và có hiệu quả”. Đối với Bộ Nội vụ thì “chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ”; đồng thời “chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT xét giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học”.

Chỉ riêng việc quản lý KH-CN nhưng cùng lúc lại có đến 05 bộ tham gia chưa kể UBND các tỉnh, thành phố! Việc phân công phối hợp trên lý thuyết có vẻ hợp lý nhưng thực tế hiện nay cho thấy những vấn đề KH-CN có liên quan đến các bộ, ngành khác nhau cũng như những chồng chéo về quản lý, nhất là vấn đề tài chính thì còn rất mù mờ và thiếu sự gắn kết.

Chẳng hạn như “để có được các nhiệm vụ (đề tài, dự án NCKH) thực hiện trong năm 2012, thì ngay từ tháng 3-4/2011, các nhà khoa học đã phải gửi ý tưởng khoa học đó lên bộ, ngành của mình. Sau đó, bộ, ngành chủ quản tiến hành rà soát, gửi công văn kèm theo các ý tưởng được chọn lên Bộ KH-CN. Khi nhận được hồ sơ do các bộ, ngành gửi đến, Bộ KH-CN bắt đầu thực hiện các thủ tục về quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ KH-CN cấp nhà nước từ khâu tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, thẩm định… rồi mới ra quyết định kinh phí cho từng nhiệm vụ được chọn. Sau ngày 31/7/2011, Bộ KH-CN phải có trách nhiệm gửi kết quả tuyển chọn đề tài, nhiệm vụ đến Bộ Tài chính. Căn cứ trên kết quả đó, Bộ Tài chính phê duyệt kinh phí để các nhà khoa học thực hiện đề tài, dự án đã được Bộ KH-CN tuyển chọn, nhưng đến tận tháng 8/2012 Bộ Tài chính mới phê duyệt kinh phí này. Theo quy định tài chính, đến ngày 31/12/2012, các đơn vị phải thực hiện thanh quyết toán kinh phí năm 2012. Chỉ có từng đó thời gian làm sao các đơn vị triển khai được các đề tài, dự án của năm 2012. Vậy trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu khi các đề tài, dự án bị ngưng trệ?” Đối với Bộ KH-ĐT quản lý việc đầu tư nhưng khi “một số địa phương chi sai mục đích sử dụng kinh phí phát triển khoa học thì không rõ trách nhiệm của Bộ đến đâu vì Bộ KH-ĐT quản lý 45% trong tổng số 2% ngân sách nhà nước dành cho KH-CN”[41].

Chính vì cơ chế phân công phối hợp bất hợp lý rất dễ dẫn đến hiện tượng “cha chung không ai khóc” nên điều quan trọng và cần thiết là phải có một cơ quan quyền lực điều phối chung thông qua các nguồn quỹ khoa học quốc gia. Về việc này, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Mỹ, Singapore hay Úc. Chẳng hạn ở Mỹ là Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF). Đây là một cơ quan liên bang độc lập được Quốc hội mở ra từ năm 1950 với khoản ngân sách hàng năm vào khoảng 6,9 tỉ đô la với khoảng gần 20% nghiên cứu cơ bản được thực hiện ở các trường đại học và học viện của Mỹ. Ở nhiều lĩnh vực như toán học, khoa học máy tính và khoa học xã hội, NSF là nguồn hỗ trợ chính trên toàn liên bang[42]. Song song đó, “Quỹ NSF có một cơ chế tài chính hoàn toàn chủ động với một nguồn vốn được Tổng thống phê duyệt, Quốc hội thông qua cho mỗi năm, NSF cũng chỉ báo cáo trước Tổng thống và cơ quan quyền lực cao nhất này một lẫn vào mỗi cuối năm về tình hình hoạt động. NSF trực tiếp nhận nguồn vốn này và cấp tới các đề tài khoa học hằng năm theo các quy định tài chính hiện hành mà không phải thông qua một cơ quan nào khác”[43].

Ở Singapore, Hội đồng Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia (NRF) được quản lý bởi Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới, và Doanh nghiệp, có chủ tịch là Thủ tướng. NRF có ngân sách điều hành khoảng 11,7 tỷ USD, hoặc 3,4% tổng chi tiêu của Văn phòng Thủ tướng năm tài chính 2012. Điều phối các hoạt động nghiên cứu và phát triển dưới sự chỉ đạo và đề xướng của Chính phủ cho các cơ quan công lập cho tới các tổ chức, học viện hoặc các cá nhân ở Singapore, và tạo điều kiện hợp tác, giao lưu, trao đổi khoa học giữa các bên. Hội đồng này có chức năng nhiệm vụ như sau[44]:

  • – Nghiên cứu và hạch toán ngân sách cần thiết cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chung cũng như đặc thù.
  • – Phát triển chính sách và kế hoạch cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Singapore vì lợi ích quốc gia.
  • – Phê duyệt các thu chi tài chính của Quỹ.
  • – Tư vấn cho Thủ tướng trong các vấn đề liên quan tới quản lý và điều hành của Quỹ mà Hội đồng cân nhắc là thích hợp hoặc Thủ tướng đưa ra ý kiến cho Hội đồng xem xét.

Riêng ở Úc, mỗi năm, Nhà nước chi ra khoảng 5-6 tỉ đô-la Úc cho các dự án NCKH và công nghệ chiếm khoảng 5% GDP và được phân phối đến các nhóm nghiên cứu ở đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu trên toàn nước Úc.  Việc phân phối ngân sách nghiên cứu ở Úc không do các bộ can thiệp. Theo đó, hai cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lí dự án và phân phối ngân sách nghiên cứu khoa học là NHMRC (National Health and Medical Research Council – Hội đồng y tế và y khoa quốc gia) và ARC (Australian Research Council – Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia). NHMRC chủ yếu quản lí các dự án nghiên cứu liên quan đến các ngành y sinh học, còn ARC chủ yếu quản lí các dự án liên quan đến khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm. Hai cơ quan này có tên là “Council” (Hội đồng) vì cơ cấu tổ chức không giống như cơ cấu của một cơ quan Nhà nước. Chủ tịch và các thành viên trong hội đồng là các nhà khoa học làm việc bán thời gian và không lương.  Điều hành công việc hằng ngày là một nhóm cán bộ hành chính (những người này có lương) do Nhà nước tuyển dụng. Các quan chức nhà nước từ các bộ hầu như không dính dáng và không can thiệp vào việc quản lí và phân phối tài trợ của ARC và NHMRC.

Tiền tài trợ cho nghiên cứu trên danh nghĩa là cấp cho nhóm nghiên cứu, nhưng nhà khoa học không trực tiếp quản lí số tiền này. Trong thực tế, ARC và NHMRC chuyển tiền tài trợ đến và ủy nhiệm cho trung tâm nghiên cứu (trường đại học hay viện nghiên cứu) trực tiếp quản lí số tiền này. Một đề án nghiên cứu thường kéo dài từ 3 năm đến 5 năm. Mỗi năm, người chủ trì đề án nghiên cứu phải báo cáo cho NHMRC về tiến trình của nghiên cứu. Báo cáo này chỉ vỏn vẹn 3 trang giấy, và chỉ liên quan đến khoa học, chứ không liên quan đến phần tài chính. (NHMRC không trực tiếp kiểm tra xem nhà nghiên cứu chi số tiền tài trợ cho khoản nào)[45].

Như trên đã đề cập, ở Việt Nam, Quỹ NAFOSTED đã có nhiều tiến bộ và tiến dần đến chuẩn mực quốc tế nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự quản lý nghiêm ngặt của Bộ Tài chính. Quả thật, “NAFOSTED mới chỉ nhận được một cơ chế “bán chủ động” bởi NAFOSTED vẫn phải thông qua kế hoạch hoạt động trước Bộ Tài chính rồi mới được cấp kinh phí hoạt động”. Vì vậy, “với cơ chế này, cứ đến thời điểm gần hết kinh phí cấp cho các đề tài, NAFOSTED lại phải chờ đợi sự thẩm định của Bộ Tài chính. Trong thời gian đó, các đề tài khoa học sẽ chờ nguồn kinh phí một cách bị động, và điều này ít nhiều sẽ gây tác động tiêu cực tới chất lượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, cơ chế này cũng khiến trong mỗi một năm, NAFOSTED phải nhiều lần nộp kế hoạch và báo cáo tiến độ thực hiện công việc cho những cơ quan quản lý không có nhiều am hiểu về những đặc thù của hoạt động khoa học, làm gia tăng lượng thủ tục hành chính không cần thiết”[46].

Về gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu

Đề án Qui hoạch Tổng thể cho Hệ thống GDĐH Việt Nam đưa ra một số phương án nhằm cải tiến tốt hơn mức độ kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy cho hệ thống GDĐH Việt Nam. Theo đó, có một phương án là sáp nhập các viện nghiên cứu hiện đang tiếp nhận ngân sách nhà nước và các trường ĐH nghiên cứu. Việc tách biệt giữa các viện nghiên cứu và các trường ĐH nghiên cứu không hỗ trợ cho sự phát triển của văn hóa nghiên cứu ở hệ thống GDĐH Việt Nam, đồng thời làm hạn chế cơ hội mà sinh viên các trường ĐH tiếp cận với các nhà nghiên cứu hàng đầu từ các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, việc sáp nhập một cách áp đặt này sẽ phát sinh nhiều nhiều vấn đề và vì vậy phương án này chỉ hấp dẫn khi các phương án khác không thành công.

Một phương án thay thế là tạo ra động lực tài chính cho các viện nghiên cứu và các trường ĐH nghiên cứu hợp tác với nhau. Việc tạo ra động lực tài chính để đạt được kết quả tích cực trong nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu là phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như Bộ KH-CN, thông qua cơ chế tài chính, có thể cung cấp các động lực tài chính cho các viện nghiên cứu và các trường ĐH nghiên cứu để bắt đầu các chương trình hợp tác và tiến hành các đề án nghiên cứu liên kết trong các chương trình đào tạo tiến sĩ. Bộ KH-CN cũng có thể sử dụng cơ chế tài chính để nhấn mạnh đến các vấn đề quan trọng đối với Việt Nam vốn còn thiếu sự hỗ trợ cần thiết đối với các nghiên cứu đa ngành.

Một phương án khác là việc cấp ngân sách cho nghiên cứu cần chỉ được phân phối thông qua các tổ chức như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia hoặc Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (Quyết định số 1342/2011QĐ-TTg, ngày 5/8/2011). Hoạt động của các tổ chức này là rất đặc trưng bởi việc xét duyệt cấp kinh phí dựa trên sự đánh giá của các chuyên gia độc lập đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế. Phương thức này có thể sẽ là động lực tài chính giúp các viện nghiên cứu và các trường ĐH hình thành các liên kết chặt chẽ có lợi và hiệu quả cho đôi bên.

Vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam cần phải được nhấn mạnh vì tầm quan trọng của nó đối với tương lai của hệ thống GDĐH. Nhìn chung, chưa có sự chia sẻ khối lượng công việc hướng dẫn nghiên cứu sinh giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu cũng như chưa có sự cam kết về tầm quan trọng của việc tập huấn cho các cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh về vai trò và trách nhiệm của họ. Số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn ở các khoa trong các trường ĐH và ở phần lớn các viện nghiên cứu còn khá thấp so với tiêu chuẩn thế giới. Một phương án là cấp kinh phí trực tiếp cho các trung tâm nghiên cứu xuất sắc nhằm thu hút chuyên môn từ các trường ĐH và các viện nghiên cứu để kích thích môi trường nghiên cứu cho việc tập trung một số lượng lớn nghiên cứu sinh. Một phương án khác là, tập trung nhiều vào chất lượng, yêu cầu nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài báo được bình duyệt quốc tế với chỉ số ảnh hưởng lớn hơn 1.0 trước khi được cấp bằng tiến sĩ.[47]

Để gắn kết hơn nữa sự tách rời giữa đào tạo và nghiên cứu cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh NCKH, đề án Qui hoạch Tổng thể cho hệ thống GDĐH Việt Nam đã đề xuất một khuôn khổ cho Cơ quan Điều phối Giáo dục Đại học và Nghiên cứu ở Việt Nam[48].

 

Phạm vi quyền hạn Trách nhiệm cụ thể Cơ chế giải trình
(a) Chịu trách nhiệm đối với toàn hệ thống giáo dục đại học công và tư.

 

(b) Hình thành và thực hiện các ưu tiên chiến lược quốc gia đối với hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu.

 

(c) Quản lý chi tiêu ngân sách hàng năm của Chính phủ cho giáo dục đại học và nghiên cứu.

(a) Yêu cầu và tư vấn cho Chính phủ tất cả các vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu.

 

(b) Thực thi quyền lực được Chính phủ trao cho về quản lý nguồn ngân sách hàng năm cho giáo dục đại học và nghiên cứu.

 

(c) Định hướng hệ thống giáo dục và nghiên cứu theo hướng phù hợp với các ưu tiên chiến lược quốc gia.

 

(d) Cải tiến chất lượng tại tất cả các cấp độ của hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu.

(a) Đảm bảo chất lượng – các cơ sở giáo dục đại học cần phải chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng và kết quả hoạt động.

 

(b) Cấp kinh phí dựa trên kết quả hoạt động – ngân sách được cấp cho các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số thực hiện.

 

(c) Cơ chế thị trường – các cơ sở giáo dục đại học cần hoạt động theo cơ chế thị trường trên tinh thần tương tác với các nhà sử dụng lao động có được sản phẩm đào tạo tốt nhất

 

(d) Thành viên của hội đồng quản trị – hội đồng quản trị cần có một số lượng nhất định thành viên do Nhà nước bổ nhiệm và các thành viên có uy tín từ xã hội.

 

(e) Thực hiện công khai – các cơ sở giáo dục đại học phải minh bạch và công khai trong các lĩnh vực liên quan đến qui mô, chất lượng hoạt động như theo qui định của Thông tư 9/2009/TT-BGDĐT (ngày 07/5/2009).

 

Bảng 8: Khuôn khổ cho Cơ quan Điều phối Giáo dục Đại học và Nghiên cứu ở Việt Nam (Hayden et al, 2012)

Có nhiều phương án lựa chọn liên quan đến việc cơ quan điều phối được thành lập như thế nào. Phương án thứ nhất là Bộ GD-ĐT sẽ trở thành cơ quan chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh GDĐH ở Việt Nam, phương án này có thể sẽ không đạt hiệu quả tức thì vì Bộ GD-ĐT, ngoài vai trò quản lý chung cho toàn hệ thống GDĐH, hiện đang là chủ quản của 54 trường[49]. Các bộ ngành chủ quản khác có thể đang do dự không muốn để Bộ GD-ĐT điều phối toàn hệ thống GDĐH và nghiên cứu. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN và Bộ KH-ĐT có thể sẽ lưỡng lự trong việc chuyển giao trách nhiệm quản lý ngân sách NCKH cho Bộ GD-ĐT trong khi hai ĐH Quốc gia có thể sẽ không từ bỏ đặc quyền trực thuộc trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.

Phương án thứ hai là thành lập một “cơ quan đệm” (buffer body) (hay “các cơ quan đệm” cho mỗi nhóm của hệ thống GDĐH và nghiên cứu) như Hội đồng Giáo dục Quốc gia trước đây nhưng phải có quyền lực thật sự hoặc tham khảo cách làm và kinh nghiệm quốc tế về quản lý khoa học của Mỹ, Úc hay Singapore. Cơ quan đệm này có thể bao gồm các đại diện của Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và các bộ liên quan khác cùng với đại diện của các trường ĐH, viện nghiên cứu, các tổ chức KH-CN. Cơ quan này sẽ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ hoặc thông qua Bộ GD-ĐT – nhưng những vấn đề liên quan đến phân bổ kinh phí thì báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ bởi vì các bộ ngành khác như Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định phân chia các nguồn kinh phí nghiên cứu và đào tạo. Cơ quan đệm này cần phải có thực quyền trong việc ra quyết định liên quan đến phân bổ tài chính và nhân sự, hai lĩnh vực tự chủ quan trọng nhất đối với hệ thống GDĐH và nghiên cứu. Các cơ quan đệm trong GDĐH tỏ ra hiệu quả trong việc xóa bỏ các quyết định mang tính kiểm soát chi tiết từ các bộ ngành chủ quản và vì thế sẽ giúp các bộ ngành tập trung nhiều vào xây dựng hành lang pháp lý và chính sách. Các cơ quan này cũng trở nên hiệu quả trong việc cung cấp cho các nhóm liên đới cơ hội phát triển và triển khai các kế hoạch chiến lược dài hạn, tuy nhiên các cơ quan này cũng có thể sẽ gặp rủi ro từ Bộ khi họ phải báo cáo về vấn đề các quyết định của họ bị kiểm soát quá chặt chẽ và Bộ cũng sẽ tìm cách can thiệp vào quá trình hoạt động của các cơ quan này.

Phương án thứ ba là thành lập một Bộ mới. Theo đó, Bộ Đại học và Nghiên cứu sẽ được thành lập ở Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bộ KH-CN và một số Vụ liên quan hiện nay của Bộ GD-ĐT. Giải pháp này có vẻ hấp dẫn vì nó xóa bỏ được sự tách rời chủ quan giữa vai trò nghiên cứu và đào tạo của các cơ sở GDĐH và các viện nghiên cứu. Phương án này cho thấy ngân sách được phân bổ dựa theo các ưu tiên được thiết lập cho cả hệ thống GDĐH và nghiên cứu chứ không tách rời như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ có vẻ không thích sự thay đổi có thể sẽ kéo theo việc tái cấu trúc lại các cơ quan của các bộ vốn ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Mặc dù vậy, dù muốn hay không thì phương án này về lâu dài có vẻ bền vững bởi nó sẽ giúp ích rất lớn cho việc điều phối toàn hệ thống nghiên cứu và GDĐH, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu độc lập hiện nay và các trường ĐH, tạo đà cho việc xây dựng những trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo những ưu tiên cấp quốc gia và chuẩn mực thế giới.

Nếu việc sáp nhập các trường/viện hiện tại lại để tạo ra các tổ chức mạnh hơn để “cùng nhau tăng trưởng” không thể thực hiện được trong bối cảnh của Việt Nam thì cần xem xét đến khả năng sáp nhập các viện nghiên cứu tương tự nhau hoặc có lĩnh vực nghiên cứu liên quan với nhau để tạo ra những đơn vị lớn hơn, có thể tồn tại bền vững hơn, và có thể sử dụng hợp lý hơn những trang thiết bị đắt tiền là điều cần xem xét. Điều này đã diễn ra ở các nước khác khi thành lập những tổ chức nghiên cứu lớn (chẳng hạn CSIRO ở Australia và một tổ chức tương tự ở Nam Phi). Tuy nhiên một khả năng khác có thể là dùng các viện nghiên cứu để mang lại cơ hội cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của các viện thực hiện những khóa đào tạo chuyên ngành hoặc đào tạo về nghiên cứu với những thiết bị hiện đại nhất.

Việc các tổ chức KH-CN ở Việt Nam phải chuyển thành các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tổ chức doanh nghiệp theo qui định của nhà nước là một bước tiến mới[50] nhưng điều quan trọng là xác lập ưu tiên quốc gia và khu vực, đưa ra các trợ giúp kỹ thuật để bảo đảm mỗi tổ chức đều có một kế hoạch chiến lược trong đó có chiến lược phát triển và những cách thức gắn kết mạnh mẽ với giới doanh nghiệp. Vấn đề thành lập các khoa sau đại học ở các viện nghiên cứu cũng là một hướng đi đúng cần được khuyến khích. Về lâu dài, khi đào tạo và nghiên cứu được gắn kết chặt chẽ thì bản thân các viện nghiên cứu sẽ dần chuyển mình thành các trường ĐH. Điều này cũng giống như các bộ chủ quản sẽ dần dần mất đi khi các cơ sở GDĐH thành lập được hội đồng trường theo đúng nghĩa, cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH.

Về mặt tài chính

Có thể nói Đề án của Bộ KH-CN về đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN trình Thủ tướng Chính phủ cũng như Dự thảo Luật KH-CN trình Quốc hội thông qua năm 2013 sẽ mang đến những luồng gió mới cho hoạt động NCKH và đẩy mạnh KH-CN của Việt Nam. Trong đề án này, có thể thấy nhiều đề xuất quan trọng về mặt tài chính, chẳng hạn như việc cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất nhiệm vụ và giải ngân kinh phí đó theo cơ chế của quỹ trong lĩnh vực KH-CN, có thể thông qua các quỹ của Nhà nước là Quỹ phát triển KH-CN Quốc gia hoặc Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, tức cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất nghiên cứu, đồng thời không phải quyết toán theo năm mà quyết toán theo hợp đồng, chuyển nguồn tự động. Song song đó là “cơ chế đặt hàng để các nhiệm vụ nghiên cứu, các đề tài, dự án nghiên cứu phải bám sát sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đảm bảo khi các đề tài nghiên cứu xong phải có địa chỉ ứng dụng, được tổ chức sản xuất để đưa vào cuộc sống” là rất đúng đắn. Bộ KH-CN cũng “kiến nghị phải áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Có nghĩa là các nhà khoa học khi đề xuất nhiệm vụ và khi được phê duyệt giao kinh phí thì họ phải cam kết tạo ra được sản phẩm đúng với đặt hàng, đồng thời phải chỉ được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của họ nhằm cùng với doanh nghiệp đưa những sản phẩm đó vào cuộc sống”. Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất thay đổi chính sách chi cho KHCN: những nhà khoa học hàng đầu và các nhà khoa học trẻ tài năng phải được nhận lương cao; thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, Nhà nước sẽ mua sản phẩm KHCN, điều này sẽ khắc phục được tình trạng nhà khoa học phải lo hóa đơn để hợp thức các khoản thanh toán; các nhà khoa học phải sống bằng kết quả nghiên cứu, chứ không phải như hiện nay là nhiều nhà khoa học sống bằng đề tài[51]. Đây là những tín hiệu tốt lành.

Để gắn kết hơn nữa giữa các tổ chức NCKH với các doanh nghiệp, điều 61, dự thảo Luật KH-CN sửa đổi qui định: “Doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Chính phủ quy định tỉ lệ trích lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp để đầu tư phát triển hoạt động khoa học và công nghệ”. Tuy nhiên, “một phần lợi nhuận trước thuế” do “chính phủ qui định tỉ lệ trích” là bao nhiêu, và cơ chế nào để đảm bảo phần lợi nhuận này được đầu tư cho KH-CN trong khi phần lớn các doanh nghiệp của ta là vừa và nhỏ với lợi nhuận rất thấp vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các các cơ sở nghiên cứu và GDĐH. Điều 21 của dự thảo Luật KH-CN sửa đổi có nhiều tiến bộ như có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH-CN, chẳng hạn như được “xem xét giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu kết quả khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước” hay “ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao kể từ khi có thu nhập chịu thuế theo quy định của Chính phủ” hoặc “được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao” cũng như “được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh”…. Có thể thấy nhiều qui định có tính đột phá nhưng còn phải chờ xem hiệu quả thế nào trên thực tế.

Như trên đã đề cập, mặc dù đầu tư cho KH-CN ở nước ta tăng từ 428 triệu USD năm 2006, chiếm khoảng 0,17% GDP lên 653 triệu USD năm 2012, chiếm khoảng 0,27% GPD nhưng so với các nước trong vùng vẫn còn rất thấp (do qui mô GDP nhỏ). Vì vậy, cần phải xóa bỏ nghịch lý trong khi nhiều đề án nghiên cứu thiếu kinh phí thực hiện thì ngân sách dành cho NCKH lại không phân phối hết. Quỹ NAFOSTED là một cách làm hay và đang dần tiến đến chuẩn mực quốc tế nên rất cần được nhân rộng. Theo đó, cần đảm bảo tính công khai, công bằng và minh bạch trong việc xét duyệt đề tài nghiên cứu, đặc biệt cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Điều quan trọng là cần xem lại qui trình xét duyệt và nghiệm thu đề tài NCKH vốn trì trệ và không giống ai ở các trường ĐH Việt Nam.

Về thiếu hụt nhân sự có tài

Để khắc phục tình trạng này, ngoài những ưu đãi cho các nghiên cứu viên và các nhà khoa học trong và ngoài nước như Bộ trưởng Bộ KH-CN đã trình bày trong buổi tọa đàm vào tháng 9/2012 vừa qua cũng như những đề xuất trong đề án “Đổi mới phát triển KH-CN”, điều cần thiết phải xem công bố quốc tế là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đề bạt chức vụ (chứ không phải chức danh) GS. Hệ thống đề bạt GS ở nước ta vẫn dựa vào các tiêu chuẩn “nội địa” mà ít quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực quốc tế. Hầu hết các tiến sĩ tốt nghiệp trong nước chưa có các bài báo trên các tập san khoa học quốc tế. Ngoài ra, như trên đã đề cập, hiện nay Việt Nam có khoảng 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý. Hệ quả là tuy trên giấy tờ nước ta có đến trên 24.000 TS và 9.000 GS và PGS nhưng năng suất khoa học của Việt Nam lại quá thấp để có thể so sánh với các nước trong khu vực. Một khi có học hàm học vị cao nhưng không làm công tác giảng dạy và nghiên cứu thì tước vị đó sẽ mặc nhiên không còn nữa chứ không thể để lẫn lộn như hiện nay.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung việc công nhận, bổ nhiệm, hủy bỏ, miễn nhiệm chức danh GS, PGS sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2012. Có thể thấy quy định này là phù hợp với quy định bổ nhiệm của nhiều trường ĐH trên thế giới và cũng là cơ hội để cải cách quy trình bổ nhiệm tốt hơn nhưng có những lo ngại rất lớn về việc lạm phát số lượng và giảm thiểu chất lượng bởi nhiều chuyên gia cho rằng “ở các nước, các trường tự bổ nhiệm GS, PGS nhưng người ta có một nền khoa học nghiêm chỉnh và các cơ chế kiểm soát của cộng đồng nên khó có chuyện bổ nhiệm bậy bạ. Còn ở Việt Nam thì phải nghĩ ngay đến cơ chế kiểm soát này”[52]. Việc kiểm soát nên thực hiện thông qua việc kiểm định chất lượng và phân tầng các cơ sở GDĐH. Tự chủ càng cao, trách nhiệm xã hội và giải trình sẽ càng nặng sẽ là những chế tài đủ mạnh để hiệu trưởng các trường không thể làm bậy, đặc biệt là ở các trường ĐH “ao làng”.

Đối với qui định chi tiết về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS, cần sửa đổi qui định trong Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17/7/2009 về cách tính điểm bài báo khoa học đã được công bố (điều 2) vì qui định này đánh đồng giữa bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học, báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo trong nước so với các bài báo thuộc ISI vốn đạt chuẩn mực thế giới. Theo đó, “mỗi bài báo khoa học được tính từ 0 đến 1 điểm; chỉ bài báo khoa học nào đặc biệt xuất sắc, đăng trên các tạp chí có uy tín khoa học hàng đầu ở trong nước và quốc tế mới có thể được tính đến 2 điểm”. Trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn như hiện nay, cái gọi là “báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo quốc gia” hoặc bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong nước chẳng qua chỉ là con đường tắt nhằm rút ngắn thời gian, nói cách khác là cuộc chạy đua không cân sức giữa một bên là các nhà khoa học chân chính, phấn đấu đăng báo theo chuẩn mực thế giới và một bên là các nhà khoa học và các tạp chí nội địa có chất lượng rất kém hay báo cáo ở các cuộc “hội thảo khoa học quốc gia” mà chất lượng thế nào thì ai cũng biết. Ngay cả Thông tư mới nhất số 30/2012/TT-BGDĐT ngày 11/9/2012 của Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17/7/2009 cũng không đề cập đến vấn đề này mà chỉ bổ sung “nội dung của các công trình khoa học quy đổi phải phù hợp với ngành khoa học mà ứng viên đăng kí để được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư”. Phải chăng trước đây có trường hợp công trình khoa học quy đổi nhưng không phù hợp với ngành mà ứng viên đăng kí nhưng vẫn được hội đồng chức danh cấp cơ sở và nhà nước thông qua nên bây giờ phải sửa đổi? Quả thật điều quan trọng và cần thiết để đạt chuẩn mực thế giới đối với GS và PGS thì không sửa đổi mà lại đi vào những tiểu tiết vốn mặc định phải có.

Về đánh giá kết quả và chất lượng nghiên cứu

Song song với những đề xuất đổi mới như đã trình bày, có thể thấy NCKH ở nước ta vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành mang tính lý thuyết (như toán học và vật lý lý thuyết) và còn rất yếu trong các lĩnh vực ứng dụng như khoa học đời sống và môi trường. Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta cần nhiều nghiên cứu ứng dụng hơn là lý thuyết. Điều này đặt ra định hướng và chính sách về NCKH trong tương lai phải tập trung vào các lĩnh vực phục vụ sức khỏe, kinh tế, xã hội, đất đai, môi trường, và giáo dục đào tạo của Việt Nam. Bên cạnh đó là tập trung cho nghiên cứu cơ bản, nền tảng của NCKH, bởi không có NCKH cơ bản thì sẽ không có nghiên cứu ứng dụng.

Một vấn đề rất đáng quan tâm khác là nền khoa học nước ta hiện nay còn lệ thuộc quá lớn vào các đồng nghiệp nước ngoài. Trong ngành y sinh học, một ngành tương đối mạnh ở nước ta, chỉ có 2% trong số các công trình được công bố trên các tập san quốc tế là do nội lực, 98% còn lại là do hợp tác hay đứng tên chung cùng các nhà khoa học nước ngoài. Thật ra, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của Việt Nam vẫn là của người Việt Nam mới là vấn đề, đặc biệt là hiện tượng “hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù”, trong đó các tác giả Việt Nam chỉ là “lính đánh bộ” và sở hữu tri thức vẫn là tác giả nước ngoài, dù chất liệu nghiên cứu là từ Việt Nam và của người Việt Nam!”[53]

Điều cuối cùng là phải có những qui định và chế tài đối với đội ngũ cán bộ có học hàm học vị cao. Đã là GS và PGS thì hàng năm phải có ít nhất từ 2 đến 3 bài báo khoa học (đối với GS) và từ 1-2 bài (đối với PGS) được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín theo chuẩn ISI chứ không phải trên tạp chí trong nước hay “hội thảo quốc gia”. Song song đó, cần sửa đổi qui định về số giờ chuẩn của GS, PGS, TS vì người ta thường lợi dụng “định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm các công tác quản lý, đảng, đoàn thể trong cơ sở giáo dục đại học” (điều 12)[54] để thoái thác trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu cũng như làm công tác thu hút các dự án tài trợ trong và ngoài nước. Về qui định 700 giờ NCKH đối với GS; 600 giờ đối với PGS và 500 giờ đối với giảng viên thật ra chỉ là để cho “đẹp mắt” vì chẳng có ai đầu tư từ 500-700 giờ/năm cho NCKH trong khi dành thời gian để chạy show vì mức lương nhà nước vốn cố gắng xoay xở cho lắm cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân qua ngày (chưa kể đến gia đình). Nên chăng cần có qui định cụ thể về mức lương tương ứng với hiệu quả công việc và số bài báo quốc tế đối với từng đối tượng trong một năm; số kinh phí dự án tài trợ mà cá nhân thu hút được; số bằng phát minh sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vv… hơn là những qui định “giờ chuẩn” hay “qui giờ chuẩn” chỉ để “cho vui” vì rất khó thực hiện.

Kết luận

Các trường ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy sẽ là đòn bẩy vững chắc thúc đẩy tính cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế tri thức của một quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa của việc gia tăng hơn bao giờ hết sự cạnh tranh và sản phẩm tri thức, cần có một sự đồng tâm nhất trí mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải cách hơn nữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu ở cả cấp hệ thống và đơn vị. Điều quan trọng là cần bảo đảm rằng không chỉ nghiên cứu và giảng dạy gắn bó chặt chẽ với nhau, mà phải xem việc xây dựng năng lực nghiên cứu và văn hóa nghiên cứu là một ưu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong việc đổi mới tư duy quản lý nhằm theo kịp những biến chuyển của thời đại.

Năm nguyên nhân chính (sự bất cập, chồng chéo trong quản lý; thiếu hụt nhân tài; sự tách rời giữa giảng dạy và nghiên cứu; sự bùng nhùng trong việc đầu tư và phân bổ kinh phí nghiên cứu; sự yếu kém trong đánh giá kết quả và chất lượng nghiên cứu) đã được phân tích nhưng những đề xuất cải cách của chúng tôi chỉ có thể mang tính “khả thi” và phụ thuộc rất lớn vào tư duy đổi mới của các cấp lãnh đạo. Năng lực NCKH ở Việt Nam hoàn toàn có thể được đẩy mạnh nếu nhà khoa học được sống thật với bản thân và cơ chế chính sách do nhà nước ban hành đi vào thực tiễn và giúp các nhà khoa học sống được bằng đồng lương. Mong muốn của chính phủ trong việc xây dựng bốn trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp thế giới hay ĐH xuất sắc đến năm 2020 sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có đầu tư đặc biệt của Nhà nước cũng như những thay đổi toàn diện về cơ chế tài chính, quản trị và thu hút nhân tài (Salmi, 2009).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc thành lập một Bộ/ Ủy ban/Hội đồng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Quốc gia hay một cơ quan đệm với quyền lực thật sự nhằm điều phối và gắn kết hệ thống giáo dục và nghiên cứu quốc gia thông qua các nguồn quỹ như NAFOSTED hoạt động theo thông lệ của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời xây dựng một nền văn hóa nghiên cứu đích thực sẽ là giải pháp hữu hiệu cho việc nâng cao năng lực NCKH. Việc này sẽ giúp tăng cường nghiên cứu và giảng dạy trong thời gian tới, có liên quan mật thiết đến việc phải tập trung nguồn lực, xác định ưu tiên, và trên hết là tạo nên một ý chí chính trị mạnh mẽ để đổi mới hệ thống nhằm mang đến những đổi thay theo hướng tích cực cho con đường phát triển KH-CN và NCKH của Việt Nam.

 

 

Tài liệu tham khảo

Bauer, T. (2011). The Challenge of Knowledge Sharing: Practices of the Vietnamese Science Community in Ho Chi Minh City and the Mekong Delta, ZEF Development Studies)

Ca Tran Ngoc and Nguyen Vo Hung (2008). The Evolving Role of Academic Institutions in the Knowledge Economy: the Case of Vietnam, Policy Research Institute, Lund, Sweden, accessed online at http://developinguniversities.blogsome.com/ on 10/11/2010

Gibbons, M. Limoges, C., Nowotny, H., Schwartzman, S., Scott, P., & Trow, M. (1994). The new production of knowledge: The dynamics of science and research in contemporary societies. London; Thousand Oaks, Calif; New Delhli: SAGE

Harman, G., Hayden, M. and Nghi Pham, T. (2010). Reforming Higher Education in Vietnam: Challenges and Priorities. In G. Harman, M. Hayden, and T. Nghi Pham Vol. 29, (eds), Springer.

Harman, G., & Le, T.B.N. (2010). The research role of Vietnamese universities. In G.

Harman, M. Hayden & T.N. Pham (Eds). Reforming Higher Education in Vietnam, Vol. 29, pp87-102, Springer.

Hayden et al. (2012). Master plan for Vietnam’s higher education system, Ministry of Education and Training, Unpublished document.

Hien, P. (2010). A comparative study of research capabilities of East Asian countries and application for Vietnam. Higher Education, 60 (6), 615-625.

Nowotny, H., Scott, P., & Gibbons, M. (2001). Rethinking science: knowledge and the public in an age uncertainty. Cambridge: Policy Press

Salmi, J. (2009). The challenge of Establishing World Class Universities, Washington. DC: The International Bank for Reconstruction and Development/World Bank

Tuan Nguyen and Ly Pham (2011). The role of university in knowledge-based economy in Vietnam, 200 years of Humboldt, International experiences and Vietnam. Knowledge Publishing House, 2011

Tuan V. Nguyen (n.d.). Science in Vietnam, PPT presentation.

Tuan V. Nguyen (n.d.). Relationship between research and knowlege based economy, PPT presentation

Various websites and governmental documents as indicated in the footnotes and the paper.

Wilkson, B. & Chirot, L. (2010). Beyond the Apex: Toward a Systemic Approach to Higher Education Reform in Vietnam, ASH Institute for Democratic Governance and Innovation, Harvard Kennedy School, Cambridge, MA, USA.

World Economic Forum (2012). The Global Competitiveness Report, 2012–2013

[1] Trích từ Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, 2012, trang 12.

[2] Như 2, trang 19.

[3] http://dantri.com.vn/c25/s25-653059/viet-nam-nhieu-tien-si-nhat-asean-nhung-lai-it-chat-xam.htm

[4] Như 3

[5] Dĩ nhiên, cần cập nhật thống kê thời điểm năm 2011 để thấy tương quan về NCKH giữa các viện nghiên cứu và các trường ĐH. Theo thống kê, trong ba năm qua, giai đoạn 2008-2010, có 3.518 nghiên cứu sinh đăng ký tại các ĐH, trường ĐH trong khi có 2.325 nghiên cứu sinh tại các viện nghiên cứu

[6] Tham khảo http://www.thanhnien.com.vn/pages/ 20121015/loan-hoc-vien.aspx.

[7] http://www.baomoi.com/Giao-duc-dai-hoc-Viet-Nam-va-Thai-Lan-qua-vai-con-so/59/5305002.epi

[8] Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005.

[9] GDP hiện nay của Việt Nam khoảng 90-100 tỷ USD.

[10] Nguồn: World Bank, www.data.worldbank.org và OECD, Science, Technology and Industry Outlook 2010, Tr. 116 và Tr.198 (trích từ Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”).

[11] Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

[12] http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/ kh24/Tung-buoc-dot-pha-trong-quan-ly-to-chuc-va-hoat-dong-KHCN/201112/183330.datviet

[13] Như 12

[14] Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

[15] http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/ Khong-nen-lam-khoa-hoc-theo-co-che-ke-hoach-hoa/20129/231532.datviet

[16] http://truyenthongkhoahoc.vn/vn/Toa-dam-Doi-moi-co-che-tai-chinh-trong-hoat-dong-KH-CN-c1026/Toa-dam-Doi-moi-co-che-tai-chinh-trong-hoat-dong-KH-CN-n3622

[17] http://tuoitre.vn//Giao-duc/Khoa-hoc/512776/ Nha-khoa-hoc-cho-tien-tien-cho-nha-khoa-hoc .html

[18] http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Giao-duc/Khoa-hoc/ 168473,Nha-khoa-hoc-cho-tien-tien-cho-nha-khoa-hoc.ttm

[19] Như 18

[20] Như 19

[21] Như 19

[22] Như 19

[23] http://www.petrotimes.vn/news/vn/kinh-te/ngan-sach-dang-chay-theo-cac-de-tai-khoa-hoc.html

[24] http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Giao-duc/Khoa-hoc/ 168 473,Nha-khoa-hoc-cho-tien-tien-cho-nha-khoa -hoc.ttm

[25] Xem http://hep.edu.vn/test.aspx?id=14

[26] Tham khảo thêm phụ lục 3 trong “Qui hoạch tổng thể cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”

[27] Tham khảo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ

[28] Tham khảo http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/216813/,
http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/216877/, http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2010/01/binh-luan-ao-tao-tien-si-chat-va-luong.html, http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2009/12/hoc-tien-si-o-viet-nam.html

[29] http://sdh.ftu.edu.vn/index.php?option=com_ content&view=article&id=277:tom-tat-luan-an-tien -sy-kinh-te-cua-ncs-le-thi-thu-ha&catid=88:ncs& Itemid=126

[30] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-06-13-nang-luc-nghien-cuu-khoa-hoc-viet-nam-ra-sao-i-

[31] http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1514-so-sanh-an-pham-khoa-hoc-viet-nam-va-thai-lan-2002-2020; http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-06-13-nang-luc-nghien-cuu-khoa-hoc-viet-nam-ra-sao-i-

[32] http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid= 113&News=5550&CategoryID=6

[33] Think tank là một là một tổ chức nghiên cứu chính sách, sách lược, lúc đầu vốn hình thành trong lĩnh vực quân sự, sau đó lan rộng sang các lĩnh vực khác, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế. (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-10-19-xay -dung-luc-luong-think-tanks-de-phat-trien)

[34] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Moi-truong /23 9831/Khoa-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau.html

[35] http://vietsciences.free.fr/khaocuu/congtrinhkhoa hoc/H-index.htm

[36] http://www.webofknowledge.com

[37] http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/toan-canh/201 208/Luan-an-tien-sy-ve-tam-giat-va-nghich-ly-cua-tri-thuc-2070581/

[38] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Moi-truong/ 239831/Khoa-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau.html

[39] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/83825/sos-thu-bac-vn-tren-xep-hang-tri-tue-toan-cau.html

[40] Như 40

[41] http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Giao-duc/Khoa-hoc/168473,Nha-khoa-hoc-cho-tien-tien-cho-nha-khoa-hoc.ttm

[42] http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=5671&CategoryID=36

[43] Như 42

[44] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110& CategoryID=36&News=5586

[45] Tham khảo http://tiasang.com.vn/Default.aspx?t abid=110&CategoryID=36&News=5571

[46] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110& News=5671&CategoryID=36

[47] Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia gần đây đã qui định tất cả các nghiên cứu sinh phải có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc gia được kiểm định và tạp chí quốc tế trước khi tốt nghiệp.

[48] Trích từ Qui hoạch tổng thể cho Hệ thống giáo dục và nghiên cứu Việt Nam do Dự án Giáo dục Đại học 2 của Bộ GD-ĐT thực hiện (tài liệu chưa xuất bản).

[49] Theo báo cáo số 760 /BC-BGDĐT ngày 29/10/2009, trong tổng số 376 đại học, cao đẳng cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 54 trường (14,4%); các Bộ, ngành khác quản lý 116 trường (30,8%); UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33,2%); có 81 trường dân lập, tư thục (21,5%). Theo số liệu của báo chí năm 2012 thì số trường ĐH-CĐ trên cả nước lên đến khoảng 440 trường.

[50] Theo Nghị định số115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007, có ba loại hình viện nghiên cứu bao gồm: (a) các viện tập trung cho nghiên cứu cơ bản và xây dựng chính sách cho nhà nước; (b) các viện chủ yếu là tự chủ tài chính nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ; và (c) các viện hoàn toàn tự chủ tài chính và vận hành như mọi doanh nghiệp khác.

[51] http://truyenthongkhoahoc.vn/vn/Toa-dam-Doi-moi-co-che-tai-chinh-trong-hoat-dong-KH-CN-c1026/Toa-dam-Doi-moi-co-che-tai-chinh-trong-hoat-dong-KH-CN-n3622

 

[52] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120920/hieu-truong-bo-nhiem-chuc-danh-giao-su-pho-giao-su.aspx

[53] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Moi-truong/239831/Khoa-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau.html

[54] Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008