Tác giả: Richard Levin
Người dịch: Phạm Thị Ly

  Tôi rất vui mừng được có mặt nơi đây cùng quý vị tối nay, và thật là một vinh dự lớn lao cho tôi khi được mời trình bày bài Diễn thuyết Thường niên Lần thứ bảy tại Viện Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học.

Tôi đứng trước mặt các bạn hôm nay với tư cách là người đại diện của một trường đại học lâu đời đứng hàng thứ ba của Hoa Kỳ, chỉ cách hai trường lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh hơn 50 dặm một chút. Ngày  nay, những trường đại học mạnh nhất của Anh và Mỹ  – như Oxford, Cambridge và Yale, chưa kể Harvard, Stanford, Berkeley, MIT, University College London và Imperial College London – gợi lên sự ngưỡng mộ và kính trọng trên toàn thế giới do vai trò lãnh đạo của họ trong nghiên cứu và đào tạo. Đứng trên đỉnh cao của các bảng xếp hạng toàn cầu, các trường này định ra các tiêu chuẩn để những trường khác trong và ngoài nước noi theo; các đại học này xác lập khái niệm “đại học đẳng cấp quốc tế”; họ vượt trội trong sự tạo ra những tiến bộ tri thức của nhân loại về tự nhiên và văn hóa; họ đưa ra những chương trình đào tạo tốt nhất cho thế hệ học giả kế tục; họ đem lại một quá trình giáo dục ở bậc đại học cũng như giáo dục chuyên ngành xuất sắc cho những người rồi đây sẽ xuất hiện như những người lãnh đạo trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Nhưng, như tất cả chúng ta đều biết, vào lúc này, khởi đầu của thế kỷ 21, phương Đông đang trỗi dậy. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của châu Á từ sau Thế chiến Thứ hai– bắt đầu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, lan rộng sang Hồng Kông và Singapore, và cuối cùng mạnh mẽ tiến vào Trung Hoa lục địa và Ấn Độ – đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong kinh tế toàn cầu và do đó trong bản đồ địa chính trị. Các quốc gia phương Đông đang trỗi dậy đều nhận ra tầm quan trọng của lực lượng lao động trình độ cao như một phương tiện tạo ra tăng trưởng kinh tế và hiểu rõ tác động của nghiên cứu trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng cường sức cạnh tranh. Trong các thập kỷ 60,70 và 90, lịch trình hoạt động giáo dục của những nước phát triển sớm ở châu Á– Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan– trước hết là nhằm gia tăng tỉ lệ số người được hưởng giáo dục sau trung học. Trọng tâm ban đầu của họ là mở rộng số trường, số người vào học, và họ đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Ngày nay, các nước đang phát triển muộn hơn và lớn hơn nhiều– Trung Quốc và Ấn Độ– có một kế hoạch hành động thậm chí còn đầy tham vọng hơn nữa. Cả hai cường quốc mới nổi lên này đang tìm cách mở rộng năng lực hệ thống giáo dục đại học của họ, và Trung Quốc đã làm được điều này một cách hết sức ngoạn mục kể từ năm 1998.  Nhưng họ cũng đồng thời có tham vọng muốn tạo ra một số trường đại học “đẳng cấp thế giới” để chiếm lấy một vị trí trong số những trường hàng đầu.  Đây là một kế hoạch táo bạo, nhưng đặc biệt Trung Quốc có ý chí và nguồn lực đủ mạnh để làm cho điều đó có khả năng trở thành hiện thực. Tham vọng này không chỉ được nhiều nước ở châu Á, mà còn một số nước giàu tài nguyên ở Trung Đông cùng chia sẻ.

Ta thử điểm qua một số diễn tiến gần đây:

  • Ở các nước vùng Vịnh, người ta đã chi tiêu hàng trăm triệu đô la Mỹ vào việc mở các chi nhánh của những trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ và châu Âu, chẳng hạn như Cornell ở Qatar và Sorbonne ở Abu Dhabi.
  • Mùa thu vừa rồi, Trường Đại học Bách Khoa mang tên Hoàng đế Abdullah đã được thành lập ở Saudi Arabia. Quỹ hiến tặng 10 tỷ đô la Mỹ của trường này vượt qua tất cả mọi trường đại học Mỹ, ngoại trừ năm trường đứng đầu về quy mô của quỹ hiến tặng.
  • Singapore đang có kế hoạch xây dựng một trường công về Công nghệ và Thiết kế, cũng như một trường khoa học nhân văn theo kiểu Mỹ liên kết với trường Đại học Quốc gia Singapore.
  • Tại Trung Quốc, chín trường đại học đã nhận ngân sách bổ sung của nhà nước để tăng cường cạnh tranh toàn cầu gần đây đã tự xác định mình là C9– nhóm “Liên đoàn Ivy” (các trường đại học hàng đầu) của Trung Quốc.
  • Tại Ấn Độ, gần đây Bộ Giáo dục đã công bố ý định xây dựng 14 trường đại học tổng hợp với tầm vóc “đẳng cấp thế giới”.

Hôm nay tôi muốn thảo luận về động lực của những thử nghiệm xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, những trở ngại thực tế cần phải vượt qua, và tiềm năng thành công của những thử nghiệm ấy. Do bối cảnh của Trung Đông rất khác biệt, nên tôi sẽ giới hạn sự chú ý của mình vào các nước châu Á.

Có những xu hướng quan trọng khác đang thay đổi bản đồ giáo dục đại học toàn cầu: sự gia tăng nhanh chóng của dòng chảy sinh viên xuyên biên giới, sự mở rộng số lượng các cơ sở vệ tinh do những trường đại học Hoa Kỳ và Châu Âu thành lập ở các nước khác, sự xuất hiện các nhà đầu tư giáo dục vì lợi nhuận cả trong lĩnh vực đào tạo tại chỗ và đào tạo từ xa, và nhu cầu khẩn thiết phải tăng cường giáo dục đại học trong những nước nghèo nhất thế giới, nhất là ở châu Phi vùng dưới sa mạc Sahara. Tôi không có đủ thời gian trong buổi tối nay để nói về toàn bộ khu vực này, vì vậy tôi sẽ tự giới hạn mình trong việc phân tích các triển vọng và hệ quả tiềm năng của việc phát triển các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở châu Á. Chủ đề rộng hơn– hiện tượng toàn cầu hóa giáo dục–là chủ đề của một cuốn sách mới tuyệt vời sẽ được Nhà xuất bản Princeton  cho ra mắt mùa xuân năm nay của tác giả Ben Wildavsky, có nhan đề Cuộc đua Chất xám.

Tham vọng Châu Á: Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học

Trong giai đoạn đầu phát triển của châu Á thời hậu chiến, người ta hiểu rõ mở rộng cơ hội vào đại học là điều kiện tiên quyết của phát triển kinh tế bền vững. Một lực lượng lao động được đào tạo tốt và có văn hóa là thành tố cơ bản đã làm thay đổi Nhật Bản và Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua, trước hết là từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế chế tạo, và sau đó là công nghiệp chế tạo kỹ năng thấp lên công nghiệp kỹ thuật cao. Với nguồn đầu tư đáng kể của nhà nước, năng lực của hệ thống giáo dục ở cả hai quốc gia này đã mở rộng nhanh chóng. Tổng số tỉ lệ nhập học, tỉ lệ sinh viên đại học trên số dân trong độ tuổi 18-24 đã tăng từ 9 % ở Nhật năm 1960 đến 42 % giữa những năm 1990. Ở Hàn Quốc, mức tăng thậm chí còn ngoạn mục hơn, từ 5 % năm 1960 đến trên 50 % giữa những năm 1990.[i]

Trong giai đoạn đầu này, Trung quốc và Ấn Độ còn tụt hậu khá xa. Cho đến giữa những năm 1990 chỉ 5 % thanh niên trong độ tuổi đại học ở Trung Quốc được vào đại học, đặt Trung Quốc ngang hàng với Bangladesh, Botswana, và Swaziland.  Ở Ấn Độ, tuy có những nỗ lực sau chiến tranh nhằm trước hết xây dựng một số đại học tổng hợp quốc gia và sau đó là một số ít các trường tinh hoa, tức các Viện Khoa học Công nghệ Ấn Độ, nhưng tổng tỉ lệ nhập học của sinh viên cũng chỉ là 7 % trong những năm 1990.[ii]

Phát biểu trong Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Bắc Kinh năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân công bố quyết tâm của đất nước trong việc mở rộng quy mô hệ thống giáo dục đại học, và chính phủ Trung Quốc đã biến điều này thành hiện thực– nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại. Đến năm 2006, Trung Quốc đã chi 1,5 % GDP của họ cho giáo dục đại học, gần ba lần so với một thập kỷ trước[iii].

Kết quả của sự đầu tư này đã làm mọi người phải sửng sốt. Trong vòng một thập kỷ sau lời tuyên bố của chủ tịch Giang Trạch Dân, số trường đại học ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 1.022 đến 2.263.[iv]  Trong khi đó, số sinh viên nhập học mỗi năm đã tăng gấp năm lần—từ 1 triệu sinh viên năm 1997 đến hơn 5,5 triệu sinh viên năm 2007.[v]

Sự mở rộng này quả là chưa từng có tiền lệ.  Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giáo dục đại học có quy mô lớn nhất thế giới chỉ trong thời gian một thập kỷ.[vi] Trong thực tế, sự gia tăng số sinh viên vào đại học ở Trung Quốc từ khi bước sang thiên niên kỷ mới còn lớn hơn tổng số sinh viên vào đại học ở Hoa Kỳ.[vii]

Trung Quốc vẫn còn một đoạn đường dài để đạt được tham vọng của họ về mở rộng giáo dục đại học. Tuy con số tăng trưởng ghi danh vào đại học là khổng lồ, tỉ lệ tổng số người vào đại học trên số dân trong độ tuổi đại học ở Trung Quốc chỉ là 23 %, so với 58 % ở Nhật Bản, 59 % ở Anh, và 82 % ở Hoa Kỳ.[viii]  Sự tăng trưởng chậm lại từ 2006, do mối quan ngại về số lượng sinh viên đã vượt quá năng lực đáp ứng của đội ngũ giảng viên để duy trì chất lượng đào tạo ở một số trường. Tỉ lệ sinh viên-giảng viên đã tăng gần gấp đôi trong vòng thập kỷ qua[ix]. Nhưng số sinh viên nhập học sẽ tiếp tục tăng khi có thêm nhiều giáo viên được đào tạo, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rất rõ tầm quan trọng của lực lượng lao động được đào tạo tốt trong việc phát triển kinh tế.

Thành tựu của Ấn Độ cho đến nay không được ấn tượng như thế, nhưng tham vọng của họ thì không hề thua kém. Ấn Độ đã là một quốc gia dân chủ lớn nhất trên thế giới. Trong vòng hai thập kỷ tới, họ sẽ là quốc gia đông dân nhất trên hành tinh này, và đến 2050, nếu duy trì được mức tăng trưởng, họ sẽ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Để duy trì mức tăng trưởng ấy, Bộ trưởng Giáo dục Ấn, Kapil Sibal, đặt mục tiêu tăng tỉ lệ vào đại học ở Ấn từ 12 đến 30 % đến năm 2020. Mục tiêu của Sibal là nhắm vào sự gia tăng của 40 triệu sinh viên ở các trường đại học Ấn Độ trong thập kỷ tới– có lẽ họ còn có thể đạt đến một con số lớn hơn nữa, nhưng ngay cả dù chỉ đạt được một nửa mục tiêu thì đó cũng đã là một thành tựu đáng kể.

Tham vọng Châu Á: Xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế

Sau khi đạt được những tiến bộ to lớn trong việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học, những quốc gia hàng đầu của châu Á giờ đây nhắm vào một mục tiêu thậm chí còn nhiều thử thách hơn: xây dựng các trường đại học cạnh tranh với những trường tốt nhất trên thế giới. Đây là một vị trí rất cao. Các trường đại học đẳng cấp quốc tế đã đạt được vị trí của họ bằng cách tập hợp được các nhà khoa học và học giả là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lãnh vực chuyên môn của họ. Điều này cần có thời gian mới thực hiện được. Harvard và Yale đã mất hàng thế kỷ để đạt được vị trí ngang bằng với Oxford và Cambridge; Stanford và Đại học Chicago (cả hai được thành lập năm 1892) mất hơn nửa thế kỷ để đạt được uy tín đẳng cấp quốc tế. Trường đại học châu Á duy nhất được xếp trong 25 các trường đại học hàng đầu thế giới là Đại học Tokyo, đã được thành lập năm 1877.

Tại sao Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, và Hàn Quốc công khai nêu ra tham vọng của họ trong việc nâng một số trường đại học của họ lên vị trí cao quý ấy? Tôi nghĩ có hai lý do. Trước hết, những nước đang phát triển nhanh chóng này nhận ra tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học dựa trên các trường đại học trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, đặc biệt từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hai là, các trường đại học đẳng cấp quốc tế đem lại một hình mẫu lý tưởng về đào tạo con người cho những nghề nghiệp trong khoa học, công nghiệp, quản trị nhà nước, và cho xã hội dân sự, những người có chiều rộng trí tuệ và kỹ năng tư duy phản biện để giải quyết vấn đề, để cải cách và để lãnh đạo.

Để tôi mở rộng thêm cả hai điểm nói trên. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn ở một giai đoạn phát triển mà họ có thể cạnh tranh hữu hiệu nhờ vào lao động giá rẻ, lao động nông nghiệp dư thừa của họ rốt cuộc sẽ tuôn về các thành phố lớn–như đã xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc – và rồi tiền công lao động sẽ bắt đầu tăng. Ở giai đoạn này, sẽ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế nếu không có đổi mới, nếu không sớm cung cấp cho thị trường các sản phẩm mới, dịch vụ mới mà nhiều thứ trong đó là kết quả của nghiên cứu ứng dụng dựa trên những tiến bộ về khoa học.

Để đơn giản hóa, hãy thử xem xét câu hỏi sau đây: Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn Hoa Kỳ một cách rất đáng kể trong giai đọan từ 1950 đến 1990, vì số lao động dư thừa của họ được thu hút vào công nghiệp, và rồi tăng trưởng chậm hơn Hoa Kỳ rất nhiều trong giai đoạn về sau. Bây giờ hãy thử xem xét liệu Nhật Bản có phát triển chậm như thế không nếu Microsoft, Netscape, Apple, và Google là những công ty Nhật Bản? Tôi nghĩ rằng không. Chính những cải cách dựa trên khoa học đã đưa Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh chóng hơn Nhật Bản trong hai thập kỷ sau đó, trước khi có cuộc suy thoái năm 2008. Chính sự thất bại của Nhật Bản trong việc đổi mới công nghệ đã gây ra sự tụt hậu của họ.

Các nước châu Á mới nổi nêu ra rất rõ trong chính sách và kế hoạch quốc gia của họ, mối liên hệ giữa xây dựng năng lực nghiên cứu bản địa và tăng trưởng kinh tế trong một nền kinh tế tri thức hậu-công nghiệp. Họ cũng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu dựa trên cơ sở các trường đại học là động lực hiệu quả nhất của khám phá khoa học, và rút cục là, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, có liên quan về kinh tế với các công nghệ mới. Bởi vậy tham vọng của họ về các trường đại học nghiên cứu có năng lực hoạt động trên tuyến đầu khoa học và công nghệ theo tôi không phải là quá sớm. Với nhịp điệu đô thị hóa hiện nay, Trung Quốc sẽ bắt đầu mất lợi thế lao động giá rẻ trong khoảng hai thập kỷ nữa, và Ấn Độ cũng sẽ chạm tới cùng một điểm trong vòng một thập kỷ nữa mà thôi. Điều này cho cả hai quốc gia đủ thời gian để tạo ra những tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng năng lực để cạnh tranh hữu hiệu trên những đỉnh cao của tri thức.

Nhưng phát triển một quốc gia mất nhiều công sức hơn là xây dựng năng lực nghiên cứu. Nó cần những công dân được giáo dục tốt, có quan điểm phóng khoáng và năng lực khởi nghiệp độc lập, cũng như có tư duy độc đáo. Đây là nhân tố thứ hai thúc đẩy tham vọng châu Á trong việc xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói riêng, đã nhìn nhận rõ ràng rằng trong các trường đại học của họ còn đang thiếu hai thành tố–chiều rộng đa ngành và  sự nuôi dưỡng tư duy phản biện. Giáo dục đại học châu Á vốn có truyền thống chuyên môn hóa rất cao, giống với châu Âu nhưng không giống Hoa Kỳ.  Sinh viên chọn một chuyên ngành, hay một lãnh vực nghề nghiệp gì đấy ở tuổi mười tám và học rất ít những gì ngoài chuyên ngành ấy. Và, không giống những chuẩn mực ở  các trường đại học tinh hoa Âu Mỹ, phương pháp giảng dạy ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc dựa trên lối học thuộc lòng một cách nặng nề. Theo truyền thống, sinh viên là những người nghe thụ động, hiếm khi thử thách lẫn nhau hay thử thách các giáo sư trong lớp học. Phương pháp giảng dạy tập trung vào việc làm chủ nội dung, chứ không phải phát triển năng lực tư duy độc lập và tinh thần phản biện. Cách tiếp cận của châu Á truyền thống đối với chương trình học và phương pháp giảng dạy có thể thích hợp rất tốt cho việc đào tạo lớp kỹ sư và viên chức chính phủ hạng trung, nhưng có lẽ không mấy thích hợp để đào tạo giới tinh hoa cho việc đổi mới công nghệ và lãnh đạo.

Thật lạ lùng là trong lúc các nhà chính trị gia Anh và Mỹ lo lắng rằng Châu Á, và đặc biệt là Trung Quốc, đang đào tạo ra nhiều nhà khoa học và kỹ sư hơn cả Anh Mỹ, thì Trung Quốc và các nước khác ở châu Á lại lo ngại rằng sinh viên của họ thiếu sự độc lập và tính sáng tạo để thúc đẩy đổi mới, điều cần thiết để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế được lâu dài. Họ sợ rằng việc chuyên ngành hóa khiến sinh viên có cái nhìn hẹp, và cách dạy theo truyền thống châu Á khiến sinh viên thành ra thiếu óc tưởng tượng. Bởi vậy, họ khao khát tăng cường sức mạnh cho các trường đại học hàng đầu của mình bằng cách xem xét lại cả chương trình đào tạo lẫn phương pháp giảng dạy.

Điều kiện tiên quyết của các trường đại học đẳng cấp quốc tế: Nghiên cứu

          Sau khi thảo luận về việc cái gì đã thúc đẩy châu Á tìm kiếm con đường xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế, bây giờ chúng ta hãy xem vấn đề tiếp theo: cần phải đạt được điều gì. Câu hỏi đầu tiên sẽ là: Cần phải có cái gì để xây dựng nên những trường đại học có năng lực thuộc hàng đẳng cấp quốc tế trong nghiên cứu? Trước hết và trên hết, nó đòi hỏi năng lực thu hút các nhà khoa học và học giả tài giỏi nhất. Trong khoa học, điều này có nghĩa là trang thiết bị nghiên cứu hạng nhất, là ngân sách thỏa đáng để hỗ trợ nghiên cứu, là lương bổng cũng như phúc lợi có tính cạnh tranh. Trung Quốc đang thực hiện đầu tư lớn lao vào tất cả ba yếu tố này. Các trường đại học hàng đầu ở Thượng Hải– Fudan, Shanghai Jiaotong, và Tongji – đã xây dựng các khu đại học quy mô hoàn toàn mới trong vòng vài năm qua, với thiết bị nghiên cứu cực kỳ hiện đại, tọa lạc gần các đối tác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ngân sách nghiên cứu tăng song song với việc mở rộng số lượng sinh viên, và các trường đại học Trung Quốc ngày nay đã cạnh tranh hữu hiệu hơn nhiều trong việc giành lấy những giảng viên tài năng. Trong những năm 1990, chỉ 10 % người Trung Quốc có bằng tiến sĩ trong khoa học và kỹ thuật ở Hoa Kỳ là quay về nước.[x]  Con số này giờ đây đang tăng, và càng ngày Trung Quốc càng tỏ ra có khả năng thu hút những nhà khoa học và học giả ở giữa độ tuổi đang phát triển nghề nghiệp và có biên chế ở các trường Anh Mỹ. Những người này bị thu hút bởi những điều kiện làm việc đã được cải thiện rất đáng kể, và vì cơ hội tham gia vào sự trỗi dậy của Trung Quốc.  Ấn Độ cũng thế, họ đang bắt đầu có nhiều thành công hơn trong việc thu hút cộng đồng người Ấn ở nước ngoài của mình, nhưng chưa làm được việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ngân sách nghiên cứu, và tạo ra thu nhập bổ sung cho những giảng viên xuất sắc như Trung Quốc đã làm.

Ngoài những điều kiện vật chất để thu hút giảng viên, một hệ thống phân bổ ngân sách nghiên cứu hữu hiệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất đáng kể cho việc xây dựng năng lực quốc gia cho những nghiên cứu thượng đẳng. Các nguyên tắc cơ bản của việc tạo ra một hệ thống như thế đã được trình bày một cách tài tình trong bản báo cáo năm 1945 có tên Khoa học: Biên giới vô tận của Vannevar Bush, cố vấn khoa học của Tổng thống Truman. Bản báo cáo khẳng định rằng những khám phá trong khoa học cơ bản cuối cùng chính là nền tảng của sự phát triển công nghệ kỹ thuật, nhưng bản báo cáo cũng lưu ý rằng thành quả kinh tế thu được từ những tiến bộ của khoa học cơ bản thường không sinh ra ngay trong vòng một vài thập kỷ, mà thường là vào thời điểm tạo ra kết quả nghiên cứu cơ bản này người ta đã hoàn toàn không dự kiến trước được những lợi ích kinh tế có thể thu hoạch được từ việc ứng dụng những tiến bộ khoa học ấy. Khi các tính chất của ánh sáng dính kết được phát hiện cuối những năm 1950, không ai tưởng tượng được rằng kỹ thuật tia lasers sẽ trở thành hữu dụng trong việc giải phẫu mắt sau đó vài thập kỷ. Bởi vì người phát minh ban đầu hiếm khi nắm bắt được những lợi ích kinh tế của một khám phá khoa học thuần túy, nên các doanh nghiệp tư nhân chẳng mặn mà gì đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Cho nên nhà nước phải nắm vai trò tiên phong này.

Bản báo cáo năm 1945 của Bush đã xây dựng một khuôn khổ cho hệ thống hỗ trợ nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đặt nền tảng trên ba nguyên tắc vẫn đang tiếp tục vận hành đến ngày nay. Một là, chính phủ liên bang chịu trách nhiệm chính về việc cung cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Hai là, các trường đại học—chứ không phải chỉ các phòng thí nghiệm trực thuộc nhà nước hay các viện nghiên cứu không có hoạt động đào tạo – là những tổ chức chủ yếu thực hiện các nghiên cứu được nhà nước tài trợ này. Ba là, mặc dù chính phủ xác định rõ tổng số tiền mà ngân sách dành cho những lĩnh vực khác nhau trong khoa học, các dự án và chương trình khoa học không được đánh giá trên cơ sở chính trị hay thương mại, mà bằng một quá trình cạnh tranh quyết liệt qua sự bình duyệt trong đó các chuyên gia độc lập đánh giá các dự án chỉ trên giá trị khoa học mà thôi.

Hệ thống này là một sự thành công phi thường, vì nhiều lý do. Nó có lợi cho việc tạo điều kiện cho các nhà khoa học tương lai đang trong thời kỳ đào tạo— thậm chí cả những người sẽ không theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lâu dài —được tiếp cận với những phương pháp và lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn vào loại bậc nhất. Nó cho phép sinh viên đại học được chứng kiến trực tiếp những hoạt động khoa học có ý nghĩa từ những nhà khoa học lỗi lạc thay vì chỉ được đọc về những cột mốc của tiến bộ khoa học thập kỷ qua trong sách giáo khoa. Và nó có nghĩa là những dự án tốt nhất sẽ dành được tài trợ nghiên cứu —chứ không phải những dự án do những giảng viên cây đa cây đề trong khoa, hay do những người có mối quan hệ chính trị tốt khởi xướng.

Những điều này chưa phải là một hệ thống được thực hiện trong việc tạo điều kiện thuận tiện cho nghiên cứu ở phương Đông. Về mặt lịch sử, phần lớn nghiên cứu khoa học ở Đông Á được thực hiện bên ngoài các trường đại học – trong các viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm của nhà nước. Và ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, tài trợ chủ yếu được hướng vào nghiên cứu và phát triển ứng dụng, với chỉ một phần rất nhỏ trong tổng số ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) được dùng cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Ở Trung Quốc chẳng hạn, chỉ 5 % ngân sách R&D dành cho mục đích nghiên cứu cơ bản, so với 10 đến 30 % ở hầu hết các nước thuộc Tổ chức OECD.[xi]  Tính theo phần trăm của GDP thì Hoa Kỳ đã chi một số tiền cho nghiên cứu cơ bản lớn gấp bảy lần so với Trung Quốc.[xii]  Hơn nữa, cách sử dụng đẳng duyệt (peer review) để quyết định tài trợ ở Đông Á trong trường hợp tốt nhất là bất nhất, còn trong trường hợp xấu nhất là hoàn toàn thiếu vắng. Về mặt lịch sử Nhật Bản đã đặt cược phần lớn nguồn lực nghiên cứu của mình trong tay các nhà nghiên cứu uy tín nhất của họ. Tuy cách đây nhiều năm họ đã nhận thức được rằng phần lớn ngân sách nghiên cứu nên được phân bổ thông qua đẳng duyệt, nhưng chỉ 14 % ngân sách nhà nước dành cho những nghiên cứu không liên quan tới quốc phòng trong năm 2008 được phân bổ thông qua quá trình đẳng duyệt có tính chất cạnh tranh, so với 73 % ở Hoa Kỳ. [xiii], [xiv]

Mặt khác, không còn nghi ngờ gì về việc các chính phủ Châu Á đã biến ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển đang tăng mạnh thành một ưu tiên trong những năm gần đây. Ngân sách  R&D ở Trung Quốc đã tăng nhanh trong hai thập kỷ vừa qua, từ 0,6 % của GDP năm 1995 đến 1,3 % của GDP năm 2005.[xv]  Con số này vẫn còn thấp xa so với các nước phát triển trong OECD, nhưng đang tiếp tục leo cao. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng ngân sách cho R&D đến 2 % của GDP đến năm 2010 và 2,5 % của GDP đến năm 2020.[xvi]  Và có nhiều chứng cứ cho thấy ngân sách nghiên cứu được chi ra đã thu lại những kết quả xứng đáng. Để đưa ra một đối sánh, từ 1995 đến 2005, các học giả Trung Quốc đã tăng số bài báo khoa học của họ trên các tạp chí hàng đầu về khoa học công nghệ lên gấp bốn lần. Chỉ Hoa Kỳ, Anh, Đức và Nhật là có nhiều công bố quốc tế hơn thế mà thôi.  [xvii]

Điều kiện tiên quyết của các trường đại học đẳng cấp quốc tế: Đào tạo

           Chúng ta đã mô tả những việc cần thiết để xây dựng một năng lực đẳng cấp quốc tế trong nghiên cứu, bây giờ chúng ta hãy hướng sự chú ý tới những việc cần thiết phải làm để thay đổi chất lượng đào tạo. Như tôi đã lưu ý trong phần trên, tham vọng của châu Á là xây dựng một lớp người tốt nghiệp từ các trường đại học tinh hoa, những người có tầm nhìn rộng và liên ngành, có năng lực tạo ra đổi mới.  Điều này đã khiến cho các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc, Singapore, và nhất là Hàn Quốc, nhìn vào các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, những trường vốn rất khác với chuẩn mực châu Á cả về cấu trúc của chương trình đào tạo lẫn kinh nghiệm sư phạm.

Các nhà lãnh đạo Châu Á ngày càng bị mô hình đào tạo đại học Hoa Kỳ thu hút, một mô hình cho sinh viên hai năm để khám phá nhiều lãnh vực kiến thức trước khi chọn một chuyên ngành để tập trung học tập trong hai năm cuối. Có hai nguyên tắc cơ bản biện minh cho cách tiếp cận này. Một là, việc tạo điều kiện một cách đáng kể cho sinh viên tiếp cận đa ngành sẽ mang lại cho họ nhiều viễn cảnh thế giới để lựa chọn, điều này vừa giúp họ hoạt động hiệu quả hơn trong lãnh vực chuyên môn đã chọn, vừa chuẩn bị cho họ tốt hơn để đương đầu với những vấn đề mới và không biết trước được. Lý do thứ hai là  sinh viên ở tuổi hai mươi sẽ có khả năng chọn lựa chuyên ngành tốt hơn ở tuổi mười tám. Tôi sẽ không đẩy vấn đề này đi quá xa trong diễn đàn này, vì nhận định rằng sinh viên Oxford hay Cambridge quá non nớt để lựa chọn chuyên ngành ở tuổi mười tám không phải là kinh nghiệm của tôi. Nhưng tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về phẩm chất của mô hình này của Hoa Kỳ.  Với tất cả những ưu điểm tốt nhất, nó tạo ra những kết quả tốt đẹp bằng cách mở rộng một cách hữu hiệu tầm nhìn của sinh viên.

Các trường đại học đẳng cấp quốc tế này phải vun đắp cho tư duy độc lập, tư duy phản biện, đó là điều ít tranh cãi. Ngay từ thế kỷ 19, triết lý về giáo dục khai phóng được tích lũy bắt đầu từ Cardinal Newman, đã cho rằng không phải tri thức chuyên ngành cụ thể mà là khả năng tiêu hóa những thông tin mới và giải quyết vấn đề mới là đặc điểm quan trọng nhất của một người được giáo dục tốt, huống chi là trong nền kinh tế tri thức ngày nay.  Báo cáo thường niên năm 1828 của Đại học Yale, một văn bản có ảnh hưởng lớn đến giáo dục đại học Mỹ, phân biệt rõ sự rèn luyện tinh thần khác với trang bị kiến thức như thế nào. Làm chủ được một lãnh vực tri thức chuyên môn nào đó – nói cách khác có một sự “trang bị” – chẳng có giá trị lâu dài bao nhiêu trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Những sinh viên có tham vọng trở thành người lãnh đạo trong lãnh vực kinh doanh, trong ngành y, ngành luật, hay nhà nước, hay trong khoa học, cần một sự rèn luyện tinh thần – tức khả năng thích nghi với những bối cảnh thường xuyên thay đổi, đương đầu với những sự kiện mới mẻ, và tìm được những phương cách sáng tạo để giải quyết bài toán được đặt ra.

Việc vun đắp những thói quen như thế đòi hỏi một phương pháp sư phạm khuyến khích sinh viên không chỉ là người tiếp nhận thông tin thụ động mà phải học cách tự mình suy nghĩ, học cách xây dựng lập luận và bảo vệ nó, hay điều chỉnh nó theo những thông tin mới, hay theo những ý kiến phê phán đúng đắn. Hệ thống trợ giảng của Đại học Oxford-Cambridge có lẽ là khuôn mẫu của phương pháp sư phạm này.  Nhưng hệ thống trợ giảng gần như là điều không thể hình dung ra được ở châu Á, chứ đừng nói gì trong bối cảnh lao động căng thẳng ở Mỹ.  Thay vào đó người Mỹ dùng những buổi thảo luận có tương tác, trong đó sinh viên được khuyến khích phản biện và bảo vệ quan điểm của mình trong những nhóm nhỏ, thay vì nhắm mắt chấp nhận quan điểm của giảng viên. Ngay cả khi một số môn học được dạy trong những hội trường lớn, vẫn có những buổi thảo luận nhóm được tổ chức để bổ sung cho bài giảng trên hội trường. Bài kiểm tra trong các trường đại học Mỹ hàng đầu hiếm khi đòi hỏi sinh viên lặp lại sự kiện, mà đòi hỏi sinh viên giải quyết những vấn đề mà họ chưa từng gặp trước đó, hoặc phân tích hai mặt của một luận điểm và trình bày quan điểm của chính mình.

Trên con đường xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế của châu Á, đã có một phong trào gây ấn tượng mạnh mẽ theo hướng phát triển chương trình đào tạo kiểu Mỹ. Đại học Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động“Yuanpei Honors College” năm 2001, một chương trình thí điểm đưa một nhóm chọn lọc những sinh viên tài năng nhất của Trung Quốc vào môi trường giáo dục khai phóng. Những sinh viên này sống cùng nhau và thử nghiệm nhiều đề tài khác nhau trong hai năm đầu trước khi chọn chuyên ngành chính.  Đại học Yonsei University ở Hàn Quốc đã mở một khoa về khoa học nhân văn với chương trình đào tạo tương tự như thế trong khuôn viên của họ; còn Đại học Quốc gia Singapore đã xây dựng “Chương trình Học giả Đại học” trong đó sinh viên có nhiều công việc mở rộng ngoài chuyên ngành nghề nghiệp của họ.

Trong sáu năm qua, các hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các bí thư Đảng của các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, những người được sự ủng hộ đặc biệt của chính phủ, đã có chương trình gặp gỡ hàng năm với các nhà lãnh đạo và giảng viên của Đại học Yale trong một hội thảo dài một tuần lễ, để học hỏi kinh nghiệm của các trường Hoa Kỳ và chia sẻ trải nghiệm của chính họ trong việc cải cách chương trình, tuyển dụng giảng viên, và phương pháp giảng dạy. Dù tôi không khẳng định mối liên hệ nhân quả, nhưng những tiến bộ của họ trong việc cải cách chương trình đào tạo quả thật đáng ngạc nhiên. Ở Đại học Phúc Đán, tất cả  sinh viên giờ đây đều được học một chương trình đa ngành chung trong năm học đầu trước khi bắt đầu với môn học hay ngành nghề mình đã chọn. Ở Đại học Nam Kinh, sinh viên không còn bị yêu cầu phải chọn ngay ngành học khi nộp đơn vào trường nữa; thay vào đó họ có thể chọn trong số 60 môn học của giáo dục tổng quát trong năm đầu trước khi quyết định theo học một ngành chuyên môn nào đó.

Thay đổi phương pháp giảng dạy khó hơn thay đổi chương trình đào tạo nhiều. Nó đòi hỏi tăng cường nguồn lực để có thể tổ chức những lớp học với sĩ số nhỏ hơn, nhưng cũng đòi hỏi giảng viên phải vận dụng những phương pháp mới. Đây là một thử thách to lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nơi mà phương pháp sư phạm theo truyền thống châu Á vẫn còn đang thắng thế. Điều này ít thành vấn đề hơn ở Ấn Độ và Singapore, nơi ảnh hưởng di sản kế thừa của Anh Quốc đã tạo ra một tầng lớp giáo sư thoải mái hơn nhiều với sự tương tác tích cực của sinh viên. Trung Quốc đặc biệt tha thiết với việc xử lý thách thức này, nhưng họ đã nhận ra rằng chìa khóa để thay đổi phương pháp sư phạm là tăng sự hiện diện của những giáo sư được đào tạo ở nước ngoài và đã quen với những phương pháp giảng dạy không dựa trên lối học vẹt của sinh viên. Tăng cường cơ hội giao lưu, để qua đó sinh viên châu Á có thể học ở phương Tây và sinh viên phương Tây có thể trải nghiệm một thời gian ở các trường đại học châu Á, cũng sẽ giúp tăng tốc sự chuyển đổi.

Triển vọng thành công

           Như chúng ta có thể thấy, xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở châu Á sẽ cần nhiều thứ hơn chứ không chỉ là tiền và quyết tâm. Để tạo ra năng lực đẳng cấp quốc tế trong nghiên cứu, nguồn lực vật chất không phải chỉ cần phải dồi dào, mà còn cần được phân bổ dựa trên phẩm chất ưu tú về học thuật chứ không phải dựa trên thâm niên hay ảnh hưởng chính trị. Để tạo ra năng lực đẳng cấp quốc tế trong giáo dục, chương trình đào tạo phải được mở rộng ra và phương pháp sư phạm phải được thay đổi. Những điều này có thể được giải quyết với ý chí chính trị và sự lãnh đạo đúng mức cần thiết.

Một điều kiện tiên quyết khác để tạo ra thành công là sự tập trung có trọng điểm. Không phải tất cả mọi trường đại học đều có thể hoặc cần phải trở thành  trường đẳng cấp quốc tế.  Kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Anh và Đức cho thấy rõ điều này. Ở Hoa Kỳ và Anh, giáo dục đại học là một hệ thống phân tầng gồm nhiều kiểu loại trường khác nhau, trong đó những trường đại học nghiên cứu tổng hợp chỉ là một loại mà thôi. Và trong nhóm các trường đại học nghiên cứu, sự hỗ trợ của nhà nước cho nghiên cứu chủ yếu dựa trên phẩm chất khoa học của các dự án nghiên cứu, khiến một số trường phát triển hưng thịnh, một số trường khác tuột lại phía sau. Hệ thống phân bổ ngân sách nghiên cứu của nước Anh dựa trên phẩm chất mạnh mẽ hơn bằng cách tài trợ cho những dự án lớn đòi hỏi sự tham gia của nhiều tổ chức hơn là các dự án cá nhân, nhưng về nguyên tắc nó vẫn là một hệ thống dựa trên phẩm chất ưu tú. Ở Hoa Kỳ, hiện tượng vận động tài trợ làm cho khuynh hướng phân hóa này càng mạnh hơn. Thành công đẻ ra thành công, và trong phần lớn trường hợp, các trường mạnh nhất sẽ thu hút hầu hết các khoản tiền thiện nguyện. Ở Đức, trái lại, chính sách nhà nước cố ý kềm hãm các trường trọng trong việc thực hiện sự khác biệt. Bằng chính sách mở trong tuyển sinh, cho phép tỉ lệ sinh viên/giảng viên tăng lên ở khắp nơi, cô lập hầu hết những nhà nghiên cứu lỗi lạc trong các viện nghiên cứu riêng rẽ, trong lúc đó lại phân bổ nguồn lực dựa trên sự bình đẳng thay vì dựa trên phẩm chất, chính phủ Đức đã hủy hoại sự ưu tú và tiếng tăm lẫy lừng toàn cầu mà các trường đại học tốt nhất của họ đã từng có. Chỉ mới gần đây chính phủ Đức mới có quyết định tập trung nguồn lực vào ba trường đại học cụ thể nhằm tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu của họ.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã học được bài học này. Cả hai đều có những trường đại học hoa tiêu của quốc gia được hỗ trợ mạnh mẽ: Trường Đại học Tokyo và Đại học Quốc gia Seoul. Và ở Nhật Bản có ít nhất hai trường đại học công khác, Kyoto và Osaka, không thua kém Đại học Tokyo bao nhiêu và mạnh hơn nhiều so với các trường còn lại. Trung Quốc cũng nắm bắt được thông điệp này.  Năm 1998, họ xác định bảy trường đại học để đầu tư đặc biệt: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Nam Kinh, Đại học Chiết Giang, và Đại học Giao thông Tây An.  Và ngay trong nhóm trường này, chính phủ cũng có sự phân biệt, tập trung nguồn lực quốc gia chủ yếu vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa trong nỗ lực thúc đẩy hai trường này đạt đến top 20 của thế giới. Hai trường ở Thượng Hải– Phúc Đán và Giao thông– có được những khoản đầu tư khả dĩ so sánh được với hai trường trên, nhờ khoản ngân sách bổ sung rất hào phóng của chính phủ Thượng Hải.

Ấn Độ là một trường hợp bất bình thường. Trong những năm 1950 và 60, Ấn Độ tập trung nguồn lực vào việc xây dựng năm Viện Khoa học Công nghệ Ấn Độ.  Những viện này, và thêm mười viện nữa được tiếp tục xây dựng trong hai thập kỷ kế tiếp, là những đơn vị xuất sắc trong việc đào tạo kỹ sư, nhưng không phải là những đơn vị có sức cạnh tranh toàn cầu trong lãnh vực nghiên cứu. Và Ấn Độ đã không có một nỗ lực có tính hệ thống nào để nâng cao vị trí của bất cứ trường nào trong số mười bốn trường đại học tổng hợp quốc gia của họ, là những trường đã được cung cấp tài chính quá ít.

Bộ trưởng Giáo dục hiện nay của Ấn quyết tâm xây dựng các trường đại học tổng hợp đẳng cấp quốc tế. Nhưng lực lượng của những người theo chủ nghĩa bình quân vốn thống trị nền dân chủ vững vàng của Ấn Độ đang đe dọa triển vọng ưu tú của các trường, bằng cách trải đều ngân sách nhà nước quá mỏng, và cho phép sự cân nhắc về công bằng xã hội cắt ngang quân bài chủ của sự ưu tú là lựa chọn sinh viên và giảng viên chỉ dựa trên phẩm chất. Cách đây hai năm, chính phủ thông báo rằng họ sẽ tạo ra ba mươi trường đại học đẳng cấp quốc tế mới, mỗi tiểu bang một trường, rõ ràng là một tham vọng phi thực tế. Con số này sau đó giảm xuống còn mười bốn, mỗi trường cho một bang hiện nay chưa có đại học tổng hợp, nhưng ngay cả mục tiêu này cũng có vẻ quá tầm so với Trung Quốc tập trung vào chỉ bảy trường, và tập trung đặc biệt chỉ hai trường mà thôi trong số bảy trường ấy.

Trước hiện tượng thành công phi thường của các nhà khoa học Ấn Độ trong cộng đồng Ấn kiều, nguồn nhân lực để xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Ấn hẳn nhiên là có. Nhưng còn cần phải xem liệu Ấn Độ có thể chấp nhận hay không sự chênh lệch lớn về thù lao giảng viên, điều cần thiết để thu hút những học giả hàng đầu của thế giới. Trung Quốc đang trả lương cho những người đến từ Anh và Mỹ gấp năm lần tiền lương của một giáo sư thông thường. Ấn Độ sẽ phải trả gấp hai mươi lần so với tiền lương giáo sư thông thường để lôi cuốn những người giỏi nhất trở về. Bởi vậy, nhà nước Ấn đang theo đuổi một chiến lược khác xem ra nhiều tiềm năng hứa hẹn hơn, là cho phép thành lập các trường đại học nước ngoài và tạo điều kiện cho các trường đại học tư– nước ngoài hay trong nước – có thể phát triển tốt. Ấn Độ đang nghĩ về việc gắn các nhà tỷ phú của họ vào việc thành lập các trường đại học mới như một khả năng chọn lựa hơn là sử dụng hệ thống chính trị để làm.

Tuy vậy, về mặt nào đó, Ấn Độ có một lợi thế mạnh hơn so với Trung Quốc, ít nhất là hiện nay. Đó là sự tự do của giảng viên trong việc theo đuổi những mối quan tâm trí tuệ của họ bất kể những mối quan tâm ấy sẽ dẫn họ đến đâu, và tự do của sinh viên cũng như giảng viên trong việc diễn đạt và thử nghiệm những ý tưởng dị giáo hay trái với quy ước thông thường nhất của họ – các quyền tự do này là một đặc điểm tuyệt đối không thể thiếu của một trường đại học tổng hợp đẳng cấp quốc tế đích thực. Rất có thể đạt được vị trí đẳng cấp quốc tế trong khoa học tự nhiên khi kìm chế tự do diễn đạt ý tưởng về chính trị, khoa học xã hội và nhân văn. Một số Viện Hàn lâm Xô viết đã đạt được vị trí như thế trong toán và vật lý thời chiến tranh lạnh. Nhưng không một trường đại học tổng hợp nào có thể làm được điều này trong thời hiện đại.

Có một trở ngại tiềm tàng khác cho sự thành công của Trung Quốc, điều đang là chủ đề của cuộc thảo luận khá sôi nổi: cách làm độc nhất trong đó quyền lãnh đạo nhà trường được chia sẻ giữa hiệu trưởng và bí thư đảng cộng sản, người làm việc với tư cách Chủ tịch Hội đồng Trường. Thường thì hai nhà lãnh đạo này làm việc cùng nhau rất có hiệu quả. Nhưng vẫn có mối quan ngại rằng cơ cấu quyết định quyền lực như thế sẽ hạn chế khả năng của các hiệu trưởng trong việc đạt được mục tiêu hàn lâm của họ, vì sự bổ nhiệm những vị trí quản lý cao cấp– các phó hiệu trưởng và trưởng khoa– nằm trong tay Hội đồng Trường– do Bí thư Đảng làm Chủ tịch.  Vấn đề quản trị đại học hiện nay đang được Bộ Giáo dục Trung Quốc xem xét lại.

Kết luận: Một trò chơi tất cả các bên đều có thể thắng

           Sự trỗi dậy của các trường đại học châu Á là biểu hiện tự nhiên của một hiện tượng tổng quát hơn, đó là toàn cầu hóa.  Khi mọi rào cản dòng chảy con người, hàng hóa và thông tin được hạ xuống, và khi quá trình phát triển kinh tế tiếp tục đi lên, các quốc gia châu Á đã và đang tăng cường việc tiếp cận các nguồn lực vật chất, con người, và thông tin cần thiết cho việc tạo ra những trường đại học ở mức độ xuất sắc cao nhất. Nếu các quốc gia mới nổi lên ở châu Á tập trung nguồn lực đang tăng trưởng của họ vào một số trường đếm trên đầu ngón tay, chiêu mộ tài năng trên toàn thế giới, và chấp nhận tự do diễn đạt tư tưởng và tự do nghiên cứu, họ có mọi triển vọng để thành công trong việc xây dựng  các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Nó không phải là chuyện xảy ra trong một đêm, mà sẽ mất hàng thập kỷ. Nhưng nó có thể xảy ra nhanh hơn bao giờ hết.

Chúng ta ở phương Tây nên nhìn triển vọng này như thế nào– như một mối đe dọa hay một cơ hội?  Tôi muốn tin tưởng mạnh mẽ rằng cạnh tranh trong giáo dục, như một hiện tượng của bản thân toàn cầu hóa, là một cuộc chơi mà tất cả các bên đều có thể được hưởng lợi.

Hãy xem thử một ví dụ sau đây. Một trong những nhà di truyền học lỗi lạc nhất của chúng tôi ở Đại học Yale và các công sự của ông bây giờ phải chia thời gian của họ giữa các phòng thí nghiệm ở New Haven và ở Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải. Một giáo sư lỗi lạc khác của Yale, một nhà sinh học thực vật, có một thỏa thuận tương tự ở Đại học Bắc Kinh. Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đã cung cấp một khoảng không gian và đội ngũ nghiên cứu đáng kể để hỗ trợ những nỗ lực của các nhà khoa học của Đại học Yale, trong lúc sự hợp tác với Đại học Yale đã nâng cao kỹ năng cho các giáo sư trẻ và sinh viên của Trung Quốc. Cả hai đều có lợi.

Có thể lý luận tương tự như thế đối với dòng chảy sinh viên và giao lưu ý tưởng. Vì toàn cầu hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm xuyên văn hóa, nhịp độ trao đổi sinh viên đã nhân lên gấp bội. Khi  các trường đại học châu Á nâng cao chất lượng, kinh nghiệm của sinh viên tham gia các chương trình giáo lưu cũng tăng lên như thế. Mọi người đều có lợi trong việc giao lưu ý tưởng, cũng không khác gì mọi người đều có lợi trong việc trao đổi tự do hàng hóa và dịch vụ.

Cuối cùng, việc cải thiện chất lượng giáo dục trên toàn thế giới sẽ tạo ra những công dân có năng lực sáng tạo và được thông tin tốt hơn. Số phận của hành tinh này phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc hợp tác xuyên biên giới để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội– sự nghèo đói dai dẳng, những căn bệnh thịnh hành, sự phổ biến vũ khí hạt nhân, việc thiếu thốn nguồn nước, và sự nguy hiểm của hiệu ứng nhà kiếng toàn cầu. Có được những công dân và những nhà lãnh đạo được giáo dục tốt hơn chỉ có thể giúp ích nhiều hơn cho việc giải quyết những vấn đề ấy.

Xin cảm ơn quý vị. Tôi rất vui lòng lắng nghe mọi câu hỏi của quý vị.

 

Nguồn:http://www.hepi.ac.uk/483-1780/Seventh-HEPI-Annual-Lecture.html. Tạp chí Foreign Affairs số tháng 5 và 6 năm 2010

 Ghi chú:

[i] UNESCO, 1975 Statistical Yearbook (Paris: UNESCO, 1976), p. 107; and World Bank EdStats, <http://www.worldbank.org/education/edstats>

[ii] Ibid.

[iii] Tables 2-1 and 20-37, National Bureau of Statistics, Chinese Statistical Yearbook 2008, and Tables 2-9 and 18-37, National Bureau of Statistics, Chinese Statistical Yearbook 1997

[iv] Table 20-3, National Bureau of Statistics, Chinese Statistical Yearbook 2009

[v] Table 20-6, National Bureau of Statistics, Chinese Statistical Yearbook 1999, and Table 20-2, Chinese Statistical Yearbook 2008

[vi] Zhao Litao and Sheng Sixin, “Chinese ’s ‘Great Leap’ in Higher Education,” Background Brief No. 394, East Asian Institute, National University of Singapore, 24 July 2008, p. i

[vii] UNESCO Institute for Statistics, <http://stats.uis.unesco.org>

[viii] UNESCO, 2009 Global Education Digest, p. 128-137

[ix] Wu Bin and Zheng Yongnian, “Expansion of Higher Education in China: Challenges and Implications,” Chinese Policy Institute, University of Nottingham, February 2008, p. 11

[x] National Science Foundation, Asia’s Rising Science and Technology Strength: Comparative Indicators for Asia, the European Union, and the United States, 2007, p. 7

[xi] OECD, Main Science and Technology Indicators, 2009, p. 25, 29

[xii] National Science Foundation, Science and Engineering Indicators 2008, p. 4-41

[xiii] Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology, White Paper on Science and Technology 2009, p. 116-117, 200; and National Science Foundation, Science and Engineering Indicators 2010, p. 4-22 to 4-27

[xiv] For the purposes of this comparison, I consider federal research funding appropriated to the National Science Foundation, the Department of Energy and the National Institutes of Health as being subject to competitive review.

[xv] OECD, Main Science và Technology Indicators, 2009, p. 25

[xvi] OECD, Reviews of Innovation Policy: China, 2008, p. 111

[xvii] National Science Foundation, Science and Engineering Indicators 2008, p. 5-38