KHỐNG CHẾ SỐ LƯỢNG LIỆU CÓ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG?

 Phạm Thị Ly (2016)
(Bài đăng Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 17.01.2016)

Thông tư 32/2015/TT-BGDDT ngày 16/12/2015 của Bộ GDDT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH trong đó quy định khống chế quy mô đào tạo chính quy không quá 5-15 ngàn (tùy khối ngành) đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Vì sao hạn chế quy mô tuyển sinh?

Có một mối lo ngại phổ biến trong việc phát triển GDDH là số lượng sẽ mâu thuẫn với chất lượng. Điều này không phải là không có cơ sở, khi số lượng SV từ năm 1993 đến nay tăng gấp 17 lần trong lúc số giảng viên chỉ tăng 3 lần, chưa nói tới chất lượng trình độ của giảng viên và những điều kiện đào tạo khác cũng không theo kịp.

Một lý do khác là khủng hoảng thừa người có bằng ĐH, bằng chứng là số lượng cử nhân thất nghiệp tiếp tục tăng. Có vẻ như những người có bằng cử nhân mà nền GDDH này tạo ra đã không tương thích với tính chất và mức độ của nền kinh tế, hiểu theo cả hai nghĩa: do chất lượng đào tạo có vấn đề, những người tốt nghiệp đã không đủ khả năng kiến tạo ra nhiều việc làm mới làm thay đổi khuôn mặt của nền kinh tế, và vì nền kinh tế vẫn dậm chân ở trình độ gia công và năng lực đổi mới sáng tạo thấp, nó không có khả năng hấp thụ hết những người có bằng cử nhân, một hiện tượng người ta gọi là overqualified, tức là cuộc chạy đua bằng cấp đã tạo ra những người được đào tạo kiến thức chuyên môn ở mức cao hơn công việc mà họ làm đòi hỏi.

Vì vậy, dường như Bộ GDDT và người dân cho rằng, nếu giảm quy mô đào tạo, thì có thể giải quyết được hai vấn đề nói trên.

Nhưng liệu có quả thật là việc giảm số lượng sẽ dẫn đến tăng chất lượng, và liệu giảm số lượng bằng cách khống chế chỉ tiêu tối đa có phải là cách làm tốt? Những con số 5.000, 8.000, 15.000 được đưa ra dựa trên cơ sở nào?

Giảm số lượng có dẫn đến tăng chất lượng?

Số lượng người vào ĐH phải được xem xét trong tương quan với dân số trong độ tuổi học ĐH. Tỉ lệ này ở Việt Nam đã tăng từ 2% đến 25% trong hai thập kỷ qua, nhưng vẫn còn rất thấp so với Hàn Quốc 97%, Úc 86%, Trung Quốc 30%, Malaysia 37%.

Mặc dù nhìn vào hiện tượng, chúng ta có thể thấy việc tăng số lượng tuyển sinh quá nhanh có thể tác động tiêu cực tới chất lượng đào tạo, nhưng mối quan hệ này không phải là tất yếu. Vấn đề không phải là các trường có bao nhiêu sinh viên, mà các trường đã chuẩn bị điều kiện như thế nào để tổ chức đào tạo, và kết quả cuối cùng mới chính thực là câu trả lời về chất lượng.

Giảm số lượng sinh viên, trong một số trường hợp nhất định, có thể giúp tập trung nguồn lực để cải thiện chất lượng, nhưng mối quan hệ này lại càng không tất yếu. Giảm số lượng người học nhưng chất lượng người thầy, điều kiện môi trường học tập vẫn thế, thì không có hy vọng gì cải thiện được chất lượng.

Hệ quả của việc khống chế số lượng tuyển sinh

Một vấn đề xã hội nảy sinh khi nhà nước chủ trương giảm số người vào ĐH, là khi số người học giảm, nhiều khả năng là các trường phải tăng học phí để bù đắp chi phí. Điều này trực tiếp tác động lên khả năng tiếp cận ĐH của người nghèo, và sẽ đưa GDDH trở về thời kỳ là đặc quyền của tầng lớp trên, tức là đi ngược với xu hướng đại chúng hóa GDDH của thế giới.

Thêm nữa, phát triển bền vững phải là sự phát triển bao hàm được sự tham gia và dự phần lợi ích của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là những thành phần yếu thế và dễ bị tổn thương, vì lẽ nếu chính sách không tạo ra con đường cho sự tham gia này, sự bất ổn sẽ tích lũy tiềm tàng và tạo ra nhiều nguy cơ cho xã hội, đặc biệt là không tận dụng được tiềm năng trí tuệ của mọi tài năng. Nói cách khác, khả năng tiếp cận ĐH cho mọi người không chỉ là một lý tưởng nhân đạo, mà còn là một động lực cho sự phát triển tài năng: khi người dân nghèo xem giáo dục là cơ hội thay đổi số phận, sẽ có nhiều người ra sức học hành, và nhờ đó mà trình độ phát triển trí tuệ của cả xã hội cũng được nâng lên.

Vì thế, việc giảm bớt số lượng tuyển sinh không phù hợp với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức, và không thích hợp với bản chất dịch vụ của giáo dục. Dù chúng ta có công nhận hay không thì GDDH cũng đang là một thị trường dịch vụ giáo dục toàn cầu. Thị trường nghĩa là cung cầu và cạnh tranh. Trong bối cảnh say mê và sùng bái bằng cấp của Việt Nam, nếu các trường ĐH Việt Nam không được phép đáp ứng đầy đủ nhu cầu này của người học, thì đã có sẵn các chương trình liên kết, các trường nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam và hút những sinh viên tốt nhất của Việt Nam ra nước ngoài học.

Hiển nhiên là nhà nước Việt Nam không thể cấm người học tham gia vào những chương trình đào tạo ấy. Các trường ĐH Việt Nam, vốn đã kém khả năng cạnh tranh do bị hạn chế quyền tự chủ, nay lại bị trói tay về số lượng, thua ngay trên sân nhà là điều gần như chắc chắn.

Trong lúc đó, vì việc giảm số lượng sinh viên không tất yếu dẫn đến việc tăng chất lượng, cho nên nếu không có các giải pháp khác nhằm vào cải thiện chất lượng, thì năng lực cạnh tranh của các trường Việt Nam sẽ lại càng thêm yếu, khi kết quả đào tạo của họ vẫn không so sánh nổi với các trường có chất lượng trong khu vực.

Nếu cung cầu tắc nghẽn, chúng ta có thể dự đoán một bức tranh ảm đạm: những gia đình giàu nhất, những sinh viên tài năng nhất sẽ du học tự túc hoặc có học bổng ra nước ngoài; những gia đình bậc trung, những sinh viên có năng lực thấp hơn một bậc theo học các trường của nước ngoài đặt tại Việt Nam, những chương trình liên kết. Các trường ĐH Việt Nam không thể thu học phí quá cao do bộ phận có tiền đã đi hai con đường trên, sẽ phải duy trì mức học phí thấp hơn phù hợp với khả năng tài chính của số đông, và vì năng lực tự chủ hạn hẹp, khó mà cải thiện chất lượng cho bằng được những trường nước ngoài, sẽ phải nhận số học sinh “hạng ba”, và cuối cùng, ngay cả mức học phí “hạng ba” ấy, nhiều gia đình cũng không với tới được, phải học những chương trình phi chính quy với chất lượng khó kiểm soát và tạo ra sự phân biệt chất lượng giữa chính quy và phi chính quy, là điều không đúng về mặt nguyên tắc.

Hệ quả trực tiếp hơn và trước mắt hơn, là không ai biết con số 5.000, 8.000, 15.000 dựa trên cơ sở nào, và Thông tư cũng chừa khá nhiều khoảng trống cho cơ quan quản lý “vận dụng”. Thông tư 37 nêu rõ “những trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ GDDT xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể”, nhưng không ai biết thế nào là “trường hợp đặc biệt” và liệu có bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” sẽ được giải quyết vượt trần chỉ tiêu mỗi năm. Chỉ tiêu tuyển sinh từ xa của các trường cũng sẽ được duyệt theo đề án, nghĩa là vẫn cần sự chấp thuận của Bộ, tức là một bước lùi xét về mặt tự chủ.

Giải pháp cho chất lượng: Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

Nếu giảm bớt số lượng không phải là giải pháp cho chất lượng, chúng ta phải làm gì để giải quyết những mâu thuẫn đã nêu ở trên, tức là vấn đề giảng viên và điều kiện đào tạo, cũng như vấn đề khủng hoảng thừa người có bằng ĐH?

Bản chất vấn đề ở đây là chất lượng đào tạo bậc ĐH. Nếu đào tạo có chất lượng, nghĩa là tạo ra những người có trình độ chuyên môn cao, năng lực tư duy tốt và khả năng đổi mới sáng tạo, những người hành động với đầy đủ trách nhiệm công dân, thì đào tạo được nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Những người như thế không bao giờ thất nghiệp, vì họ sẽ tạo ra việc làm, nếu không phải là cho nhiều người khác thì ít nhất là cho chính họ, vì họ là những người mà tổ chức, doanh nghiệp nào cũng muốn có. Hơn thế nữa, họ là những người đem lại những sản phẩm mới, dịch vụ mới, cách làm mới, ý tưởng mới, mở ra con đường mới cho xã hội.

Nếu sản phẩm của chúng ta không đạt được những phẩm chất nói trên, có lẽ không nên dán cho nó cái nhãn cử nhân.

Vì thế, việc cần làm không phải là khống chế số lượng tuyển sinh bằng những quy định cứng như Thông tư 32, mà là tạo ra một thiết chế để bảo đảm hàng hóa được dán nhãn đúng với chất lượng, nghĩa là tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện cơ chế công khai và trách nhiệm giải trình. Nói một cách dân dã, chúng ta có tô phở bình dân 20.000 đồng và tô phở bò Kobe 800.000 đồng. Nếu ta bắt quán phở 20.000 đ chỉ được bán mỗi ngày 10 tô thì cũng không vì vậy mà tô phở quán ấy ngon lành hơn, nếu họ cũng cứ vật liệu ấy, dây chuyền ấy, quy trình ấy, đầu bếp ấy mà làm. Vấn đề cốt yếu nhất là không được dán nhãn tô phở Kobe 800.000 đ cho tô phở 20.000 đ vì như vậy là lừa dối người mua và làm loạn chuẩn mực xã hội.

Vấn đề chất lượng có thể giải quyết được bằng cách tiếp cận nhấn mạnh trách nhiệm giải trình trong lúc tăng cường động lực thị trường cho các trường. Thị trường là thứ sẽ khen thưởng cho ta bằng những thành công và trừng phạt ta bằng những thất bại. Các trường sẽ cải thiện cách làm, sẽ nâng cao chất lượng khi họ được thị trường tưởng thưởng cho những nỗ lực đó. Để điều này có thể xảy ra thì nhà nước cần tiếp tục mở rộng tự chủ, vì không có tự chủ thì không thể có sáng kiến và sự đổi mới nào có đất đứng.

Tuy vậy, mở rộng tự chủ phải gắn với tăng cường trách nhiệm giải trình nhằm bảo vệ người học và lợi ích xã hội. Các trường có thể tuyên bố thứ gì tùy thích, miễn là họ có năng lực chứng minh những lời tuyên bố ấy là đúng với sự thật.

Các trường nên được quyền chủ động quyết định quy mô tuyển sinh, chừng nào họ có đủ khả năng biện minh về năng lực đào tạo của họ, chừng nào họ thuyết phục được người học bằng kết quả đào tạo sau khi ra trường, chừng nào những lời họ tuyên bố phù hợp với những việc họ làm. Sản phẩm giáo dục cũng giống như những sản phẩm khác, có nhiều chất lượng khác nhau với giá thành khác nhau phục vụ cho nhu cầu đa dạng của xã hội.

Nói vậy không có nghĩa là phó mặc GDDH cho khu vực thị trường. Nhà nước phải đóng vai trò cực kỳ khó khăn là cân bằng giữa việc kiểm soát các trường và việc hỗ trợ họ phát triển, trong đó hỗ trợ về cơ chế chính sách đúng đắn còn cần hơn là sự hỗ trợ về tài chính nếu chúng ta nhìn trên quan điểm chất lượng đào tạo.