PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG OBAMA TẠI HIROSHIMA, 27.05.2016
Người dịch: Phạm Thị Ly (2016)

Bảy mươi mốt năm trước, trong một buổi sáng trời quang mây tạnh, cái chết đã từ bầu trời giáng xuống mặt đất và thế giới từ đó đã đổi thay. Một ánh chớp sáng lòa, và rồi một bức tường lửa đã phá hủy cả một thành phố. Sự kiện này chứng minh rằng loài người giờ đây đã sở hữu những phương tiện hủy diệt chính mình.

Vì sao hôm nay chúng ta đến nơi này, đến Hiroshima? Chúng ta đến để suy ngẫm về một sức mạnh khủng khiếp đã được phóng ra trong một quá khứ còn chưa xa lắm. Chúng ta đến để tưởng niệm những người đã mất, trong đó có trên một vạn người lớn và trẻ em Nhật, hàng ngàn người Hàn Quốc, và vài chục người Mỹ lúc đó đang ở trong tù.

Hồn thiêng của họ đang nói với chúng ta. Họ yêu cầu chúng ta nhìn lại cho kỹ những gì đã xảy ra, để đánh giá lại chúng ta là ai, và chúng ta có thể trở thành cái gì.

Không phải chiến tranh đã làm cho Hiroshima trở thành ngoại lệ. các chứng tích đã cho chúng ta biết rằng xung đột bạo lực đã xảy ra từ khi bắt đầu có con người. Tổ tiên chúng ta xưa kia đã học cách chế tạo lưỡi rìu từ đá, giáo mác từ gỗ, và dùng những thứ đó không phải chỉ để săn bắn mà còn để chiến đấu với đồng loại. Ở bất cứ lục địa nào, lịch sử của nền văn minh cũng chứa đầy đấu ấn của chiến tranh, hoặc là do khan hiếm lương thực, hoặc do khao khát vàng bạc châu báu, và bị thôi thúc bởi tinh thần dân tộc cực đoan hoặc sự cuồng tín tôn giáo. Các triều đại hình thành và rồi tàn lụi. Các dân tộc bị đô hộ rồi được giải phóng. ở từng thời điểm như vậy, những người vô tội là những người phải gánh chịu, rất nhiều người đã chết mà tên tuổi đã bị lãng quên theo thời gian. Cuộc chiến tranh thế giới đã tiến tới một kết thúc tàn bạo ở Hiroshima và Nagasaki là cuộc chiến giữa những quốc gia giàu mạnh nhất. Nền văn minh của họ đã đem lại cho thế giới những thành phố tuyệt vời và những thành quả nghệ thuật tráng lệ, huy hoàng. Các nhà tư tưởng của họ có những ý tưởng tiến bộ về công lý, sự hài hòa, và sự thật. Và nếu như chiến tranh, nảy sinh do bản năng thống trị hay chinh phục, là thứ vốn đã gây ra xung đột giữa những bộ lạc thô sơ nhất, thì ngày nay khuôn mẫu cổ điển ấy đã được nhân lên nhiều lần với những tiến bộ kỹ thuật mới mà không có gì mới để cản lại.

Cuộc chiến tranh thế giới đã tiến tới một kết thúc tàn bạo ở Hiroshima và Nagasaki là cuộc chiến giữa những quốc gia giàu mạnh nhất. Nền văn minh của họ đã đem lại cho thế giới những thành phố tuyệt vời và những thành quả nghệ thuật tráng lệ, huy hoàng. Các nhà tư tưởng của họ có những ý tưởng tiến bộ về công lý, sự hài hòa, và sự thật. Và nếu như chiến tranh, nảy sinh do bản năng thống trị hay chinh phục, là thứ vốn đã gây ra xung đột giữa những bộ lạc thô sơ nhất, thì ngày nay khuôn mẫu cổ điển ấy đã được nhân lên nhiều lần với những tiến bộ kỹ thuật mới mà không có gì mới để cản lại.

Trong khoảng chỉ vài năm, 60 triệu người đã chết. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em, không khác gì chúng ta. Bị bắn chết, bị đánh đập, bom nổ, chết trong tù, chết vì đói khát, chết vì hơi độc. Có rất nhiều nơi trên thế giới ghi lại biên niên sử cuộc chiến tranh này, có những đài tưởng niệm để kể lại câu chuyện của lòng can đảm, của chủ nghĩa anh hùng, có những phần mộ, những trại tù trống trơn như tiếng vang vọng của sự suy đồi đạo đức không thể nói hết bằng lời.

Trong hình ảnh đám mây hình nấm trên bầu trời này, chúng ta được nhắc nhở mạnh mẽ nhất về những mâu thuẫn cốt lõi nhất của loài người. Làm thế nào mà tia lửa đánh dấu chúng ta như một tạo vật, tư tưởng của chúng ta, sự tưởng tượng, ngôn ngữ, công cụ làm việc của chúng ta, khả năng của chúng ta tách mình ra khỏi tự nhiên và làm biến đổi tự nhiên theo ước muốn của chúng ta —tất cả những thứ đó cũng đã cho chúng ta một khả năng phá hủy vô song.

Đã bao nhiêu lần những tiến bộ vật chất hay những sáng kiến đổi mới xã hội đã che mắt chúng ta để chúng ta không nhìn thấy sự thật ấy? Chúng ta đã học cách biện minh cho bạo lực nhân danh một sự nghiệp cao cả nào đó mới dễ dàng làm sao!

Tất cả mọi tôn giáo tốt đẹp đều hứa hẹn con đường dẫn đến tình yêu, hòa bình và công lý, vì thế không có tôn giáo nào dung thứ cho tín đồ của mình dùng niềm tin tôn giáo như một thứ giấy phép để giết người.

Những nước đang trỗi dậy đã cho chúng ta thấy việc người dân gắn kết cùng nhau trong sự hợp tác và hy sinh, đã tạo ra những chiến công nổi bật như thế nào. Nhưng những thứ tương tự như thế cũng rất thường bị dùng để áp bức và đối xử vô nhân đạo với những người khác biệt.

Khoa học cho phép chúng ta giao tiếp xuyên qua khoảng cách biển cả và bay trên những đám mây, chữa lành nhiều thứ bệnh và giúp chúng ta hiểu biết về vũ trụ, nhưng những khám phá đó cũng có thể được dùng để làm ra những máy móc giết người hiệu quả chưa từng có trước đây.

Chiến tranh thời hiện đại đã dạy cho chúng ta sự thật ấy. Hiroshima đã dạy chúng ta sự thật ấy. Tiến bộ công nghệ mà không đi cùng những tiến bộ tương xứng trong thiết chế tổ chức của loài người sẽ có thể tiêu diệt chúng ta. Cuộc cách mạng khoa học dẫn tới phân hạch đòi hỏi một cuộc cách mạng về đạo đức đi cùng.

Đó là lý do chúng ta đến nơi đây. Chúng ta đứng ở nơi đây giữa thành phố này và buộc mình hình dung giây phút quả bom hạt nhân rơi xuống. Chúng ta buộc mình cảm nhận nỗi kinh hoàng của trẻ em khi chúng nhìn thấy cái gì đang xảy ra lúc đó. Chúng ta lắng nghe những tiếng khóc lặng câm. Chúng ta tưởng niệm tất cả những người vô tội bị giết chết trong vòng cung của cuộc chiến khủng khiếp này, trong những cuộc chiến đã diễn ra trước đó, và cả những cuộc chiến có thể sẽ còn xảy ra sau này.

Bản thân chỉ riêng ngôn từ không thể nào nói lên được hết những nỗi đau khổ ấy. Nhưng chúng ta cùng có trách nhiệm nhìn thẳng vào đôi mắt của lịch sử và tự hỏi mình rằng chúng ta phải làm gì khác đi để những nỗi đau khổ ấy không xảy ra một lần nữa.

Một ngày nào đó, tiếng nói của những người sống sót trong cuộc tấn công hạt nhân này sẽ không còn với chúng ta với tư cách là những nhân chứng. Nhưng ký ức về buổi sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945 phải vĩnh viễn không phai mờ. Ký ức ấy giúp chúng ta tranh đấu chống lại sự tự mãn. Nó đem lại nguồn năng lượng cho trí tưởng tượng của chúng ta. Nó cho phép chúng ta thay đổi.

Và kể từ cái ngày định mệnh ấy, chúng ta đã lựa chọn những gì mang lại niềm hy vọng. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã xây dựng được không chỉ một liên minh mà còn là một tình hữu nghị vượt xa những gì hai dân tộc chúng ta từng tuyên bố trong chiến tranh. Các nước châu Âu đã xây dựng một liên hiệp thay thế chiến trường bằng những ràng buộc thương mại và nền dân chủ. Những dân tộc và quốc gia bị áp bức đã được giải phóng. Cộng đồng quốc tế đã thiết lập những thiết chế và hiệp ước có thể giúp tránh được chiến tranh, mong muốn hạn chế và tiến tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân.

Vẫn còn đó, mỗi hành động xâm lược giữa các nước, mỗi hành động khủng bố và tham nhũng, tội ác và đàn áp mà chúng ta thấy khắp nơi trên thế giới đều cho chúng ta thấy rằng công việc của mình chưa bao giờ hoàn tất. Chúng ta không đủ sức xóa bỏ khả năng gây ra tội ác của con người, vì vậy các quốc gia và các liên minh mà chúng ta đã xây dựng phải sở hữu những phương tiện để tự vệ. Nhưng trong những nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Hoa Kỳ chẳng hạn, chúng ta phải có can đảm tránh cái logic của sự sợ hãi, và theo đuổi một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Chúng ta có thể sẽ không được nhìn thấy ngày ấy trong giới hạn đời mình, nhưng những nỗ lực kiên trì có thể giảm trừ khả năng của những tai họa ấy. Chúng ta có thể vẽ ra một lộ trình dẫn tới việc phá hủy những kho dự trữ vũ khí này. Chúng ta có thể ngăn chặn sự lan rộng hạt nhân tới những nước mới và bảo đảm thứ vật liệu chết người này không rơi vào tay những người cuồng tín.

Và như thế vẫn chưa đủ. Vì chúng ta thấy ngày nay trên thế giới thậm chí súng thô sơ và bom tự chế cũng có thể đủ để khủng bố trên quy mô lớn. Chúng ta phải thay đổi cách nghĩ của mình về bản thân chiến tranh. Để tránh xung đột thông qua con đường ngoại giao và phấn đấu để chấm dứt xung đột khi nó mới bắt đầu. Để thấy sự tương thuộc của chúng ta ngày càng lớn, như một lý do cho hợp tác hoà bình thay vì cạnh tranh bạo lực. Để định nghĩa quốc gia của chúng ta không phải bằng khả năng phá hủy mà là bằng những gì chúng ta xây dựng. Và có lẽ, trên hết tất cả, chúng ta cần phải tái hình dung mối dây gắn kết chúng ta cùng nhau như là những thành viên của một nhân loại.

Vì điều này cũng là điều đã khiến chúng ta trở thành tạo vật duy nhất khác với muôn loài. Chúng ta không bị ràng buộc bởi một thứ gen khiến chúng ta lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta có thể học. Chúng ta có thể lựa chọn. Chúng ta có thể kể một câu chuyện khác cho con cái mình, câu chuyện về sự nhân đạo, là điều khiến chiến tranh khó lòng xảy ra và tội ác không được chấp nhận một cách dễ dàng.

Chúng ta thấy câu chuyện này trong những người sống sót ở Hiroshima. Đó là người phụ nữ đã tha thứ cho viên phi công lái máy bay thả bom nguyên tử bởi vì bà nhận ra rằng thứ mà bà ta căm ghét là bản thân chiến tranh. Đó là người đàn ông đã tìm kiếm gia đình của những người Mỹ bị giết nơi đây, vì ông tin rằng mất mát của họ cũng không kém gì những mất mát mà chính ông đã phải chịu đựng.

Câu chuyện của nước tôi bắt đầu với những lời đơn giản: “Tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Nhận biết lý tưởng ấy chưa bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả trong phạm vi biên giới nước chúng tôi, ngay cả trong số công dân của chúng tôi. Nhưng trung thành với câu chuyện ấy là điều đáng giá với những nỗ lực của chúng tôi. Nó là một lý tưởng để chúng tôi phấn đấu, một lý tưởng mở rộng qua mọi lục địa và mọi đại dương. Giá trị không thể làm giảm nhẹ của từng con người, sự kiên trì với quan niệm rằng mỗi cuộc đời đều là quý giá, ý tưởng cơ bản và tất yếu rằng chúng ta là một phần của gia đình nhân loại— đó là câu chuyện mà tất cả chúng ta đều cần phải kể lại với mọi người.

Đó là lý do chúng ta đến Hiroshima. Để chúng ta có thể nghĩ về những người chúng ta yêu quý. Nụ cười đầu tiên của con cái chúng ta mỗi sáng sớm khi chúng thức dậy. Cái chạm nhẹ âu yếm của bạn đời bên kệ bếp. Cái ôm an ủi của mẹ cha. Chúng ta có thể nghĩ về tất cả những điều này và biết rằng những khoảnh khắc quý báu như thế đã từng xảy ra ở nơi đây, bảy mươi mốt năm về trước.

Những người đã chết, họ cũng giống như chúng ta. Tôi nghĩ những người bình thường hiểu rõ điều này. Họ không muốn có thêm chiến tranh. Thay vào đó, họ muốn những thành tựu kỳ diệu của khoa học sẽ tập trung vào việc cải thiện đời sống thay vì phá hủy nó. Khi các nhà lãnh đạo quyết định lựa chọn điều này, một điều khôn ngoan đơn giản, là lúc bài học Hiroshima đã hoàn tất sứ mạng của nó.

Thế giới đã vĩnh viễn thay đổi ở nơi đây, nhưng ngày nay trẻ em của thành phố này sẽ đi qua cuộc đời trong hòa bình. Điều này mới quý giá làm sao! Nó thật đáng được bảo vệ, và mở rộng ra cho mọi đứa trẻ. Đó là một tương lai mà chúng ta có thể chọn, một tương lai mà Hiroshima và Nagasaki sẽ được biết tới không phải như là nơi bắt đầu của chiến tranh hạt nhân, mà là khởi đầu của sự thức tỉnh về đạo đức của chúng ta.