TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM:
VẤN ĐỀ PHÂN TẦNG VÀ XẾP HẠNG
Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng trên Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 10-10-2014 dưới tiêu đề: “Sẽ khởi động thị trường thứ hạng”?)
Hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam sau hai thập niên tăng trưởng mạnh về số lượng, đã đến lúc phải tái cấu trúc để tập trung cho chất lượng và nhất là hiệu quả. Việc tái cấu trúc này thường được gọi tên là “phân tầng” dựa trên ý tưởng của Quy hoạch tổng thể hệ thống GDĐH California, trong đó chỉ một số ít trường nằm trên đỉnh hình tháp của hệ thống là các trường ĐH nghiên cứu, còn đại bộ phận sẽ là những trường ĐH tập trung cho hoạt động giảng dạy, một số lớn sẽ là các trường ĐH và cao đẳng cộng đồng, nơi đào tạo khoảng ¾ số sinh viên trong cả hệ thống. Vì Dự thảo Nghị định về việc phân tầng xếp hạng vừa công bố để lấy ý kiến (gọi tắt là Dự thảo) đã dùng từ “phân tầng”, chúng tôi muốn lưu ý rằng mặc dù trong tiếng Việt từ này tạo ra ấn tượng về “đẳng cấp”, “trên dưới”, với nghĩa trường ở tầng trên thì chất lượng cao, còn ở tầng dưới thì chất lượng yếu kém hơn, nhưng cần nhớ rằng sự phân biệt trên dưới đó không phản ánh đúng bản chất và mục đích của việc tái cấu trúc hệ thống. Cấu trúc hình tháp vốn là cơ sở cho từ “phân tầng” chỉ phản ánh số lượng trường, chứ không nhằm phản ánh sự khác biệt về chất lượng. Các trường cần phải khác nhau về sứ mạng, chứ không phải về chất lượng. Câu hỏi về việc tái cấu trúc hệ thống không phải là dựa trên những tiêu chuẩn nào để quyết định một trường sẽ thuộc tầng nào trong hệ thống, mà là cần phải thiết kế chính sách như thế nào để có được những loại trường phù hợp với những sứ mạng khác nhau nhằm tạo ra một hệ sinh thái đại học hài hòa và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của xã hội, phù hợp với ưu tiên chiến lược mà nhà nước xác định cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều đáng tiếc là Dự thảo đã không phản ánh được ý nghĩa trên đây, mà trái lại củng cố thêm cách hiểu phân tầng là phân biệt về chất lượng, và đáng tiếc hơn nữa là chỉ tập trung trả lời câu hỏi thứ nhất thay vì phải trả lời câu hỏi thứ hai.
VỀ CÁCH TIẾP CẬN
Mặc dù tái cấu trúc hệ thống là một nhu cầu có thật nhằm tăng hiệu quả, cần hết sức thận trọng với cách tiếp cận hành chính hóa việc phân tầng và xếp hạng, vì nó sẽ dẫn đến nhiều hậu quả rối ren và nhất là kích thích văn hóa đối phó thay cho văn hóa chất lượng.
Đáng lẽ phải bắt đầu từ việc thiết kế chính sách đối với từng loại trường, và dựa trên đặc điểm của từng trường về nguồn lực, con người, nhu cầu kinh tế -xã hội của địa phương để hướng các trường tới sự lựa chọn sứ mạng phù hợp, thì dự thảo Nghị định đã biến việc phân tầng xếp hạng thành một quy trình hành chính với những tiêu chuẩn được áp đặt, và để trống hoàn toàn câu hỏi về chính sách đối với từng loại trường.
Các trường cần phải được phân biệt với nhau, nhưng sự phân biệt này có thể phục vụ cho những mục đích khác nhau, mỗi mục đích sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Chính vì vậy, để thực hiện tái cấu trúc hệ thống, cần phân biệt rõ việc đánh giá, xếp hạng, và xếp loại.
Đánh giá (evaluation and assessment) (có thể là tự đánh giá qua hệ thống bảo đảm chất lượng, và đánh giá ngoài qua hệ thống kiểm định), là nhằm xem xét hoạt động của nhà trường trên cơ sở đối chiếu với những chuẩn mực về chất lượng, để phát hiện những chỗ cần cải thiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng. Do vậy, các tiêu chuẩn kiểm định dùng để đánh giá các trường thường bao hàm toàn diện nhiều nhân tố, phản ánh cả đầu vào, quá trình, lẫn kết quả hoạt động.
Xếp hạng (ranking) là một sự đánh giá từ bên ngoài nhằm so sánh kết quả hoạt động của một trường trong tương quan đối chiếu với các trường khác, để cung cấp thông tin cho các bên liên quan. Kết quả xếp hạng bao giờ cũng là một danh sách có tính thứ bậc: vị trí thứ hạng cao nghĩa là đạt được thành tích, kết quả tốt hơn. Xếp hạng thường dựa trên một số tiêu chí và phương pháp do các tổ chức xếp hạng đưa ra, do đó kết quả thứ hạng của một trường có thể rất khác nhau trong các hệ thống xếp hạng khác nhau. Các tiêu chí và phương pháp ấy cũng là chủ đề thường xuyên bị tranh cãi. Gần đây, để cải thiện tính khách quan và toàn diện của việc xếp hạng, Hội đồng Châu Âu đã đề xướng một hệ thống gọi là U-multi-rank, tức xếp hạng các trường dựa trên nhiều khía cạnh riêng biệt: uy tín về nghiên cứu, chất lượng dạy và học, định hướng quốc tế, thành tựu trong chuyển giao tri thức, và gắn kết với cộng đồng xã hội trong khu vực. Do mục đích của việc xếp hạng, các tiêu chí xếp hạng chủ yếu dựa trên kết quả hoạt động, hơn là các nhân tố đầu vào và đặc biệt ít lưu ý đến nhân tố quá trình.
Xếp loại (categorization) có một mục đích hoàn toàn khác. Xếp loại là nhằm chỉ ra những đặc trưng về bản chất của một trường khiến nó khác với những trường khác loại. Đó là một quá trình nhận biết và phân biệt các trường dựa trên tính chất, mục tiêu và cách thức vận hành của nó, chứ không phải dựa trên thành tích hoạt động. Vì vậy, nhân tố trọng yếu nhất trong việc phân loại, không phải là đầu vào, đầu ra, mà chính là bản chất của quá trình, tức là nằm trong sứ mạng của nhà trường, nếu như ta hiểu sứ mạng không chỉ là những gì được tuyên bố mà còn thực sự chi phối hướng đi, chiến lược và hoạt động của nhà trường.
Dự thảo đã không cho thấy sự phân biệt giữa đánh giá, xếp hạng và xếp loại. Không phải đánh giá, hay xếp hạng, mà chính xếp loại mới là điều cần làm khi tái cấu trúc hệ thống.
BỨC TRANH THỰC TRẠNG
Điều cần nhấn mạnh trong bức tranh thực trạng hiện nay là tuyên ngôn sứ mạng của các trường không nhất quán với hành động và kết quả của họ trên thực tế. Rất nhiều trường tuyên bố sứ mạng của mình là trường ĐH định hướng nghiên cứu, nhưng trong thực tế thì hầu như toàn bộ nguồn lực được dành cho hoạt động đào tạo, trong lúc ngân sách nghiên cứu rất hạn hẹp và kết quả của hoạt động nghiên cứu dựa trên các thước đo và chuẩn mực quốc tế là rất khiêm tốn.
Đặc điểm thứ hai là hệ thống hiện tại không có sự phân biệt rõ ràng về sứ mạng và tính chất của các trường. Các đại học quốc gia được kỳ vọng là nơi dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu thì lại đang đào tạo quá nửa số SV của mình trong các hệ phi chính quy (vốn phải là chức năng nhiệm vụ của đại học mở thay vì ĐH nghiên cứu – việc theo đuổi đào tạo không chính quy với quy mô quá lớn hầu như chắc chắn sẽ làm suy giảm năng lực nghiên cứu của các ĐH nghiên cứu); trong lúc các đại học mở thì đang chạy đua để có thành tích nghiên cứu khoa học, nhằm tạo uy tín để thu hút SV. Dù thuộc loại nào, theo mô hình gì, thuộc quyền quản lý của ai, tất cả các trường đều muốn đa ngành, đa lãnh vực, đa phương thức, đa hệ thống, theo nghĩa đuổi theo thị trường sinh viên, mở ra bất cứ ngành nào, bất cứ hệ nào mà nhà trường tìm được sinh viên, kể cả cao đẳng, trung cấp, tại chức, từ xa… nhằm tạo ra thu nhập, mà thiếu hẳn sự điều phối hệ thống và gắn kết với thế giới việc làm.
Điều này diễn ra do một quan niệm và một thực trạng phổ biến: nghiên cứu là hoạt động tiêu tiền, còn đào tạo là hoạt động mang lại thu nhập, đặc biệt là đào tạo không chính quy. Phần lớn các trường công lập đang được cung cấp một nguồn ngân sách hạn chế và bị kiểm soát chặt chẽ, nhất là ngân sách chi thường xuyên, do đó việc chạy theo các hoạt động đào tạo nhằm tìm kiếm nguồn thu nhập trang trải chi phí cho bộ máy nhân sự là điều khó tránh. Việc theo đuổi hoạt động nghiên cứu chủ yếu là nhằm tìm kiếm nguồn thu bổ sung từ ngân sách nhà nước và tạo dựng hình ảnh, vị thế của nhà trường, hơn là nhằm thực hiện đòi hỏi của xã hội và đáp ứng nhu cầu nội tại của bản thân nhà trường trong việc cải thiện chất lượng hoạt động học thuật.
TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH
Có hai vấn đề được đặt ra trong dự thảo: phân tầng và xếp hạng. Tuy là hai vấn đề rất khác nhau, nhưng Dự thảo đã đưa ra cách giải quyết không mấy khác: đều chủ yếu dựa trên các tiêu chí đầu vào (quy mô, tỉ lệ nguồn thu, cơ cấu nghiên cứu và đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng). Vì không có một hệ thống chính sách đi kèm với việc phân tầng và xếp hạng, các trường sẽ không tìm thấy động lực để xác định sứ mạng của mình phù hợp với đặc điểm hiện tại và nhu cầu của xã hội, nhất là nhu cầu của địa phương.
Phân tầng và xếp hạng trong bối cảnh đó sẽ biến thành trò chơi thành tích của các trường. Vì việc phân tầng được Bộ GD-ĐT ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện, mà không có bất cứ quy định nào về việc đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của tổ chức này, thêm vào đó, kết quả phân tầng và xếp hạng lại được Thủ tướng phê duyệt, người ta có thể hình dung được “thị trường thứ hạng” sẽ nhộn nhịp như thế nào.
Liệu cái “thị trường thứ hạng” này sẽ đóng góp gì cho việc nâng cao chất lượng giáo dục? Hay nó sẽ kích thích bệnh thành tích và sự gian dối mà nhiều người tưởng là đã đạt đến đỉnh? Hay nó sẽ phá hủy nốt niềm tin ít ỏi còn sót lại đối với một số ít trường ĐH Việt Nam, xói mòn động lực cải thiện nghiêm túc và hướng tới chất lượng thật?
Nếu Dự thảo được thông qua, Việt Nam sẽ ghi tên mình là nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới mà kết quả xếp hạng ĐH được Thủ tướng chính phủ đích thân phê duyệt, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước đã và đang vận động tẩy chay các bảng xếp hạng, do những khiếm khuyết, bất cập, và tác dụng phụ tiêu cực của nó.
Trở lại vấn đề phân tầng và xếp hạng, cần nhấn mạnh rằng việc định dạng hệ thống thành ba tầng bậc, hoặc ba loại trường: trường nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, là nhằm xây dựng các chính sách quản lý phù hợp. Có ba câu hỏi quan trọng đặt ra cho việc tái cấu trúc hệ thống: những tiêu chí/đặc điểm nào phản ánh sứ mạng khác nhau của các loại trường khác nhau, chính sách nào cho từng loại trường, và quy trình nào nên được lựa chọn để đưa các trường hiện nay vào hệ thống đã định dạng ấy. Câu hỏi thứ hai là quan trọng nhất đã bị bỏ trống hoàn toàn trong Dự thảo. Câu hỏi thứ nhất được trả lời bằng những tiêu chí dành cho kiểm định thay vì xếp loại. Câu hỏi thứ ba được trả lời bằng một quy trình hành chính không kèm theo những điều kiện bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Tái cấu trúc hệ thống là tổ chức sắp xếp lại các cơ sở GDĐH thành một hệ sinh thái đại học đa dạng, trong đó mỗi loại trường có một sứ mạng khác nhau để có thể bổ sung cho nhau, và mỗi loại trường đều có một khuôn khổ chính sách phù hợp để kích thích nó lớn mạnh. Việc tái cấu trúc hệ thống chỉ có ý nghĩa khi các trường khác loại, tức là có sứ mạng khác nhau, thực sự có một kế hoạch họat động nhất quán với sứ mạng của mình. Người ta kỳ vọng việc tái cấu trúc sẽ tăng cường năng lực và hiệu quả của các trường, bởi vì mỗi loại trường khác nhau cần có những loại giảng viên khác nhau, cơ chế quản lý và tài chính khác nhau, các tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, trọng tâm hoạt động và các mối quan hệ khác nhau với thế giới việc làm. Điều rất cần nhấn mạnh, là tất cả các loại trường đều có vai trò quan trọng như nhau trong việc đóng góp cho xã hội, và đều cần được tạo điều kiện phù hợp với sứ mạng, đặc điểm của mình.
0 Comments