(Lược trích bài phát biểu của ông Michael W.Marine, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngày 6-8-2007 tại TPHCM, trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2004-2007)
Người dịch: Phạm Thị Ly
Trong ba năm của nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến những đổi thay vô cùng to lớn diễn ra ở nơi đây. Mối quan hệ gắn bó giữa hai nước chúng ta đã phát triển có lẽ còn rộng và sâu hơn cả những gì bất cứ ai trong chúng ta có thể hình dung chỉ cách đây vài năm. Trong khi có rất nhiều lý do để làm cho mối quan hệ này ngày càng sâu sắc hơn nữa, tôi tin rằng hai nhân tố quan trọng nhất là nền tảng hội tụ của Việt Nam và mối quan tâm của nước Mỹ đối với việc bảo đảm sự ổn định và an toàn trên phần đất này, cũng như đối với việc phát triển quan hệ giao lưu giữa hai chính phủ và hai dân tộc chúng ta.
Đây là một thời điểm lạ thường đối với Việt Nam. Khi Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995, chúng tôi thấy mình đang có quan hệ với một quốc gia đã từng có hàng thập kỷ chiến tranh và trong những năm đó là một quốc gia nổi bật về nghèo đói và có quan hệ giao tiếp rất hạn chế với cộng đồng toàn cầu trong các lãnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, và tiếp xúc giữa người và người.
Mối quan hệ của chúng ta đã thay đổi lạ lùng như thế nào chỉ trong vòng 12 năm! Giờ đây, Việt Nam đã là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới, và đã được hưởng Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations) với Hoa Kỳ. Năm ngoái, Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, hay Hội nghị Thượng đỉnh APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức đã tập hợp các nhà lãnh đạo cao nhất của 21 quốc gia trong đó có cả Tổng thống Bush. Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến viếng thăm nước Mỹ, cuộc viếng thăm mới nhất trong danh sách ngày càng tăng những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước.
Về mặt kinh tế, Việt Nam đang tiến về phía trước với những bước rất dài. Giá trị thương mại hai chiều sẽ đạt đến trên 10 tỷ đô la Mỹ trong năm nay, so với năm 2001 là 1,5 tỷ. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Việt Nam. Người ta kỳ vọng rằng Việt nam, con hổ châu Á mới nhất sẽ thu hút ít nhất 15 tỷ đô la cam kết đầu tư nước ngoài trực tiếp trong năm nay.
Trên khắp đất nước Việt Nam, đâu đâu người ta cũng có thể thấy nhiệt tình và niềm hy vọng. Nhưng cùng với những thành công ấy, Việt Nam đang đứng trước những thử thách hết sức to lớn, mà một trong những thử thách ấy chính là hệ thống giáo dục. Trong lúc đất nước này duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ngoài sự mong đợi và dân tộc này vẫn tiếp tục coi giáo dục là một ưu tiên hàng đầu, thì cơ sở hạ tầng của nguồn nhân lực nơi đây không phát triển kịp để đáp ứng những đòi hỏi đang ngày càng tăng. Đây là một sự thật ở mọi cấp độ trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, trong đó thực trạng của giáo dục đại học đang đặt ra những mối quan ngại đặc biệt.
Vai trò cơ bản của các trường đại học là cung ứng một nền giáo dục hữu ích về mặt kinh tế và xã hội, cũng như sáng tạo ra tri thức và thúc đẩy sự đổi mới. Theo những thông tin thu thập được, các trường đại học Việt Nam đang thất bại trong việc hoàn thành những nhiệm vụ cốt yếu này. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2006 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia trong vùng, với chỉ 2% dân số đạt được thời gian đi học 13 năm hoặc hơn. Bản báo cáo này cũng cho biết Việt Nam đứng chót trong vùng về tỷ lệ phần trăm người trong độ tuổi 20-24 được học sau trung học phổ thông, với chỉ 10% được vào đại học. Tương phản với tình trạng này, Trung Quốc có 15% số người trong độ tuổi đang học đại học, Thái lan 41%, và Hàn Quốc khoe một con số đầy ấn tượng: 89%!
Một lý do cho con số khiêm tốn của sinh viên đại học Việt Nam là năng lực hạn chế đến mức báo động của bản thân các trường đại học. Tháng trước, 1,8 triệu thí sinh dự thi tuyển sinh đại học ở đây, cạnh tranh để chiếm được một trong 300,000 chỗ ngồi ở các trường đại học trong cả nước. Dù nhỏ bé nhưng con số này cũng biểu hiện sự gia tăng ngoạn mục kể từ năm 1990 vì ở thời điểm ấy tổng số sinh viên cả nước mới chỉ là 150,000 người. Tuy nhiên, có một điều khiến các chuyên gia lấy làm e ngại, đó là con số giáo viên đại học vẫn gần như không thay đổi trong suốt 17 năm qua! Rõ ràng là hệ thống này đang chịu một áp lực rất căng thẳng.
Vai trò thứ hai của trường đại học là sáng tạo ra tri thức và thúc đẩy sự đổi mới. Ở vai trò này một lần nữa Việt Nam cũng đang thất bại trong việc chạy đua với láng giềng. Năm 2006, các giáo sư và sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul tạo ra 4,556 ấn phẩm khoa học. Đại học Bắc Kinh công bố khoảng 3,000 ấn phẩm trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Để so sánh, có thể nêu một con số: cả hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội cộng lại cũng chỉ có được 34 ấn phẩm khoa học như vậy.
Con số các đơn xin cấp bằng sáng chế là một dấu hiệu hữu ích cho thấy năng lực về đổi mới của một quốc gia. Báo cáo năm 2006 của Ngân hàng cho biết Trung Quốc có 40,000 đơn xin cấp bằng sáng chế, trong lúc Việt Nam chỉ có 2 đơn!
Chính phủ Việt Nam đã cho thấy là họ hiểu rất rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với công dân của mình, và nhận ra nhu cầu khẩn thiết phải đổi mới giáo dục. Có một khát vọng chân thực về mặt xã hội và chính trị đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học ở Việt Nam, và chính phủ đã thông qua một số giải pháp và chính sách quan trọng- về giáo dục nói chung cũng như về quản trị trong hệ thống giáo dục- những thứ sẽ có những tác động rất quan trọng nếu được thực thi trọn vẹn. Trong lúc những nguồn lực và nỗ lực thực hiện cho đến nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, vẫn có thể thấy rõ, ở cấp cao nhất của chính phủ, có một ý chí và quyết tâm đối với đổi mới giáo dục. Hoa Kỳ mong muốn được là một phần trong cuộc chuyển đổi quan trọng này.
Hệ thống giáo dục Việt Nam có một nhà quán quân thực sự là TS. Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người vừa được bổ nhiệm để đồng thời phục vụ với tư cách Phó Thủ tướng. Nguyên là học giả Fulbright với bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Oregon và đã theo học nhiều chương trình sau đại học tại Harvard, từng là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Bộ trưởng Nhân có những mục tiêu cụ thể để xoay chuyển môi trường giáo dục trên đất nước này.
Những mục tiêu này gồm có chính sách mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, với sự lưu ý đặc biệt dành cho nữ sinh, dân tộc thiểu số và những người có hoàn cảnh khó khăn, là những đối tượng hiện nay chưa được hưởng đầy đủ sự phục vụ của hệ thống giáo dục hiện tại; điều chỉnh các khóa đào tạo giáo viên, và thẩm tra lại chương trình đào tạo ở mọi môn học và mọi cấp học. Ông cũng có kế hoạch kêu gọi phát triển quy trình đánh giá và kiểm định một cách phù hợp và được chính thức hóa. Ông cũng nhấn mạnh việc đào tạo nghề nhằm trang bị lực lượng lao động Việt Nam cho thế kỷ XXI. Trong kế hoạch của ông có việc xây dựng quan hệ mới với các cơ quan học thuật của Đức và Hoa Kỳ, có việc nâng cấp một loạt trường đại học Việt Nam lên vị trí hàng đầu và được công nhận trên phạm vi quốc tế.
Như Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã cho thấy, Việt Nam cần nhiều tiến sĩ hơn cho các trường đại học đang quá tải sinh viên của mình, cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt mục tiêu đào tạo 20,000 tiến sĩ đến năm 2010. Một cách lý tưởng, 10,000 tiến sĩ trong số đó sẽ được đào tạo ở nước ngoài, với ít nhất là 2500 người được đào tạo ở Hoa Kỳ.
Xa hơn những mục tiêu cụ thể ấy, các nhà lãnh đạo nhà nước đã nhận ra tầm quan trọng của việc nắm được ngoại ngữ- đặc biệt là tiếng Anh- đối với học sinh ngay từ bậc tiểu học, cũng như việc tăng cường năng lực trong công nghệ thông tin.
Trong tất cả những lãnh vực ấy, Hoa Kỳ không những có thể giúp, mà còn mong muốn tham gia như một thành viên cùng với nhà nước và nhân dân Việt Nam giải quyết những thiếu hụt và tạo ra một hệ thống giáo dục, một môi trường học tập mà mỗi công dân Việt Nam đều có thể tự hào.
Một trong những chương trình trao đổi học thuật quan trọng bậc nhất là Chương trình Fulbright. Được thành lập năm 1946 nhằm thúc đẩy sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới, chương trình này đã mở rộng đến 140 quốc gia. Chương trình Fulbright bắt đầu tại Việt Nam năm 1992 và hiện nay đang nhận được nguồn tài chính lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ so với các chương trình Fulbright khác trên toàn thế giới. Đây là một chương trình mà sự thành công của nó là không thể bàn cãi, nhưng với sự đóng góp của nhà nước Việt Nam, nó có thể mở rộng để đáp ứng đào tạo ở bậc cao học cho nhiều người Việt Nam hơn, phục vụ cho mục tiêu tạo ra 20,000 tiến sĩ mà đất nước đang cần để giảng dạy cho số sinh viên đang tăng chóng mặt của mình. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm được thực hiện.
Tại TPHCM, chúng tôi tự hào về việc hỗ trợ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Chương trình này được xây dựng năm 1994 với hai mục tiêu hỗ trợ đổi mới kinh tế ở Việt Nam đồng thời tạo thuận lợi cho quan hệ song phương thông qua trao đổi học thuật. Đây là chương trình hợp tác giữa Đại học Harvard và Đại học Kinh tế TPHCM, có một ý nghĩa khởi đầu và đã đạt được những thành công hết sức to lớn. Ngọn cờ đầu của các chương trình đào tạo này là khóa học một năm về kinh tế học ứng dụng và chính sách công. Mới đây những người phụ trách chương trình đã làm việc với giới chức hữu quan ở Washington DC và Việt Nam để xem xét những khả năng mở rộng chương trình.
Một thành viên quan trọng khác là Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Từ khi bắt đầu hoạt động năm 2003, VEF đã có nhiều thành công trong nhiệm vụ giao lưu giáo dục và xây dựng năng lực trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật cho Việt Nam. Hơn 200 nghiên cứu sinh VEF đã được bố trí theo học bậc cao học tại các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ. Hiện nay đã có 103 trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ tham gia chia sẻ chi phí như một liên minh của VEF để hỗ trợ việc đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam, cũng như VEF đã hỗ trợ 48 nhà khoa học và chuyên gia của những trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ đến giảng dạy và thực hiện các hội thảo ở các trường đại học Việt Nam. Lợi ích của các hoạt động này sẽ còn phục vụ cho hệ thống giáo dục Việt Nam hàng thập kỷ nữa.
Nước Mỹ là nơi của những trường đại học mang thương hiệu hàng đầu thế giới, sức mạnh của nền giáo dục Hoa Kỳ nằm ở chiều sâu và bề rộng nổi bật của các trường đại học và cơ sở đào tạo. Với 4,000 trường đại học và cao đẳng đã được kiểm định và công nhận chất lượng, rõ ràng là có đủ trường học cho tất cả mọi người. Một số trường xuất sắc- như Harvard hay Hawaii- đã có những bước đi quan trọng trong hợp tác giáo dục, và nhiều trường khác đang tìm hiểu bức tranh toàn cảnh về việc làm việc tại Việt Nam.
Trường Kinh doanh Shidler thuộc Đại học Hawaii là một thí dụ tuyệt vời của những lợi ích đạt được do những nỗ lực hợp tác trong giáo dục với Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là trường nằm trong top 25 về kinh doanh quốc tế trong bảng xếp hạng các trường đại học và có mạng lưới hơn 25,000 cựu sinh viên trên toàn thế giới. Chương trình đào tạo 2 năm có hình thức phù hợp- học buổi tối và cuối tuần- để các nhà quản lý vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí quản lý trong khi theo học lấy bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh. Tất cả các môn đều do giáo sư Đại học Hawaii đảm nhiệm giảng dạy.
Những người tốt nghiệp Trường Kinh doanh Shidler đã rất thành công trong sự nghiệp, nhiều người đã tiến lên đến những vị trí hàng đầu trong các công ty toàn cầu có mặt tại Việt nam, như Ernst and Young, KPMG và PriceWaterhouse Coopers. Tại TPHCM, Trung tâm Phát triển Đại học Hawaii vừa khai trương năm ngoái và đang có kế hoạch đào tạo thạc sĩ Điều hành Quản trị Kinh doanh từ tháng 10 năm nay. Những nỗ lực hợp tác trên đây giữa các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ làm tăng uy tín và mở rộng nguồn lực cho họ, mà quan trọng hơn, họ tạo ra những cơ hội trước đây không thể có được cho sinh viên Việt Nam, những người đến lượt họ sẽ đạt được những kỹ năng cần thiết để trở thành những nhà lãnh đạo kinh doanh đầy quyền lực trong bất cứ môi trường nào.
Còn có nhiều ví dụ khác nữa. Tháng Tư vừa qua Học viện Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao đã ký một Bản Thỏa thuận với Đại học Kỹ thuật Texas. Bản ghi nhớ này đã tạo ra chương trình đầu tiên nhằm trao đổi sinh viên cao học, tạo điều kiện cho họ hoàn thành năm thứ hai của chương trình cao học tại Texas Tech và được cấp bằng Hoa Kỳ. Những bản thỏa thuận như thế giữa các thành viên Việt Nam và các trường đại học Hoa Kỳ sẽ mở ra cánh cửa để giáo dục đại học Mỹ đến được với tuổi trẻ Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Hàng năm, Hiệp hội các trường Cao đẳng Cộng đồng Hoa Kỳ đồng tổ chức một hội thảo khoa học ở đây. Giờ đây họ đã có thể làm cùng với Hiệp hội Các trường Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam vừa thành lập tháng 9 năm 2006. Cuộc hội thảo tháng 3 vừa qua đã tập hợp các thành viên mỗi bên nhiều hơn tất cả những lần trước đó. Năm nay, ưu tiên của hội thảo là chia sẻ thông tin về khuôn mẫu cao đẳng cộng đồng với các đồng nghiệp Việt Nam, và tập trung vào xây dựng chương trình và đào tạo giáo viên, nhấn mạnh kỹ năng vi tính và những kỹ năng khoa học khác. Hơn nữa, các nhà giáo dục cả hai nước còn xem xét những cách thức nâng cao trình độ tiếng Anh cho cả giáo viên lẫn sinh viên.
Khi kinh tế Việt Nam tiến lên nhanh chóng, nhà nước đã nhận ra nhu cầu khẩn thiết phải nâng cao trình độ tiếng Anh cho công dân của mình. Nói gì thì nói, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ của doanh thương và đó là một thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong quá nhiều trường hợp, giáo viên tiếng Anh không phải là người bản ngữ, và chưa được đào tạo đầy đủ để dạy ngoại ngữ. Tuy vậy, mùa thu này, thêm một dấu hiệu về sự phát triển quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với một chuyên gia cao cấp về Tiếng Anh của chính phủ Hoa Kỳ. Trong vòng một năm, chuyên gia này sẽ làm việc với một nhóm công tác đặc biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện chương trình giảng dạy tiếng Anh cho cả hệ thống giáo dục Việt Nam, từ tiểu học đến đại học, kể cả mạng lưới đào tạo giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cuối cùng, Hoa Kỳ và Việt Nam đang cùng làm việc để xây dựng một chương trình Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) trên đất nước này. Tôi hy vọng các bạn đã từng nghe nói đến Tổ chức Hòa bình và những chương trình hoạt động tuyệt vời của họ. Từ khi được thành lập năm 1961, hơn 187,000 người Mỹ đã phục vụ với tư cách người tình nguyện trên 139 quốc gia trên toàn cầu. Những người tình nguyện làm việc trong các lãnh vực giáo dục, nông nghiệp, sức khỏe và HIV/AIDS, kinh doanh và môi trường. Một trong những chương trình mạnh nhất của tổ chức này là giảng dạy tiếng Anh, và sự hiện diện của Tổ chức Hòa bình ở Việt Nam có thể có một tác động to lớn trong việc giảng dạy tiếng Anh sao cho có hiệu quả trên cả nước. Chúng tôi hy vọng có thể nhanh chóng đạt đến một thỏa thuận với chính phủ để bắt đầu chương trình tình nguyện tuyệt vời này, một chương trình đã thực hiện ở nhiều nước và tất thảy đều thấy vô cùng hữu ích.
William Butler Yeats có nói: “Giáo dục không phải là đổ đầy một cái bình chứa, mà là thắp lên một ngọn lửa”. Khi nghĩ về tương lai của giáo dục Việt Nam, tôi thiết tha hy vọng ngọn lửa của niềm đam mê học tập sẽ cháy sáng hơn bao giờ hết và soi rọi mọi nẻo đường trên đất nước tươi đẹp và đầy sức thu hút này. Hoa Kỳ tự hào được làm việc với các đối tác Việt Nam nhằm phát triển một hệ thống giáo dục phục vụ tốt hơn từng học sinh, và thắp sáng con đường tiến về phía trước của họ khi họ đang chuẩn bị cho mình những kỹ năng cạnh tranh mạnh hơn trên khán đài thế giới.
(Nguồn: University of Hawaii’s Shidler College of Business–Executive MBA Program
Ho Chi Minh City)
0 Comments