Lời giới thiệu của người dịch:

GD ĐH đang biến đổi vô cùng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Chi phí tăng, nợ học phí, thất nghiệp, v.v. là những vấn nạn không của riêng nước nào. Bài nghiên cứu dưới đây xuất bản năm 2003, vì vậy người đọc cần lưu ý những thay đổi của bối cảnh hiện tại. Tuy vậy, nhiều luận điểm rất đáng cho chúng ta lưu ý, vì nó vẫn còn nguyên giá trị.

Ly Phạm.

NGƯỜI MỸ NGHĨ GÌ VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC?

Tác giảJeffrey Selingo

Vào thời điểm người Mỹ đang lo lắng về phương hướng lãnh đạo quốc gia, nghi ngờ cả chính quyền lẫn quốc hội và bày tỏ rất ít lòng tin vào các trường công lập, thì niềm tin của họ đối với giáo dục đại học Mỹ vẫn đứng vững một cách lạ lùng!

Trong một cuộc khảo sát ý kiến người dân cả nước về giáo dục đại học do tạp chí Chronicle tiến hành, có thể thấy người dân Mỹ tỏ ra hài lòng hơn với chất lượng giáo dục của các đại học. Cụ thể là niềm tin của công chúng Mỹ đối với các trường đại học tư đã vượt xa so với niềm tin đối với quân đội Mỹ. Niềm tin đối với các trường cao đẳng hai năm và bốn năm chiếm vị trí thấp hơn, chỉ dưới lực lượng cảnh sát địa phương.

Tuy vậy, người Mỹ không ưa một số hoạt động của các đại học. Họ đặt nghi vấn về ưu quyền của các hiệu trưởng. Những kết quả khảo sát về các trường đại học cho thấy sự hoài nghi cao độ về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, cơ chế bổ nhiệm vĩnh viễn đối với các giáo sư, những hoạt động phong trào, và sự cố thủ không chịu đổi thay của tổ chức đào tạo. Hai phần ba số người tham gia cuộc khảo sát ý kiến cho rằng các trường đại học quá nhấn mạnh đến các hoạt động thể thao, và không nên bảo đảm chỗ làm suốt đời cho các giáo sư có kinh nghiệm. Hơn 60% cho rằng các trường đại học không nên nhận những sinh viên thuộc nhóm thiểu số có điểm số dưới trung bình và kết quả thi thấp hơn các bạn đồng học.

Họ cũng thúc giục các trường đại học tập trung ít hơn vào nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển kinh tế, điều mà các hiệu trưởng thường nhấn mạnh, mà nên tập trung vào những vấn đề cơ bản hơn: giáo dục tổng quát, giáo dục cho người lớn, vấn đề lãnh đạo và trách nhiệm, vấn đề đào tạo giáo viên. Theo ý họ, nhiệm vụ quan trọng nhất của trường đại học là chuẩn bị nghề nghiệp cho sinh viên.

Kết quả cuộc khảo sát ý kiến cho thấy “bao giờ cũng có những lực lượng ủng hộ giáo dục đại học”, đúng như nhận xét của David Ward, chủ tịch Hội đồng Đại học Mỹ, một tổ chức đại diện cho lợi ích của các trường đại học. Ông nói thêm: “Nhưng các trường cũng có một trách nhiệm trước công chúng là phải xứng đáng với sự ủng hộ đó, bởi vì niềm tin đối với các đại học cũng có thể tuột dốc thảm hại chẳng khác gì đã từng xảy ra đối với tập đoàn Enron vậy!”.

Cuộc khảo sát dựa trên 1000 người tuổi từ 25 đến 65 trên mọi tiểu bang của nước Mỹ trừ Alaska và Hawaii, do George Dehne kết hợp với chuyên viên của tờ Chronicle tổ chức. Cuộc phỏng vấn qua điện thoại do công ty TMR thực hiện, tư liệu do công ty nghiên cứu và tiếp thị GDA tổng hợp và xử lý. Sai số cho phép của kết quả khảo sát là ± 3.1 % điểm.

Câu trả lời của những người tham gia cuộc khảo sát được các nhà quản lý đại học, các nhà hoạch định chính sách, và những người khác hiểu và diễn giải như thế nào tuỳ thuộc rất nhiều vào vị trí của họ. Hiệu trưởng các trường đại học chẳng hạn, thường cho rằng công chúng thiếu hiểu biết về những thứ như cơ chế bổ nhiệm giáo sư, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, hoặc về nghiên cứu khoa học. James F. Barker, hiệu trưởng Trường Đại học Clemson University nói: “Có cả một huyền thoại về những nghiên cứu của chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi lại có một khám phá tạo ra những nhân tố thành công hết sức to lớn, tạo ra nhịp cầu nối giữa phòng thí nghiệm và nhà sản xuất, đưa tới sự ra đời những công ty mới, tạo ra những chỗ làm mới và làm gia tăng thu nhập bình quân của mọi người, tuy vậy đó lại là những thứ khá là ít ý nghĩa đối với công chúng”.

Trong lúc đó, các nhà làm luật và các nhà quan sát cảm thấy kết quả của cuộc khảo sát một lần nữa khẳng định niềm tin của họ về việc các trường đại học đã lạc đường khi sa vào đào tạo giảng viên, sự nắm giữ quyền lực, sự đa dạng về chính kiến trong đội ngũ cán bộ, và đáng lẽ phải chú ý hơn tới những gì mà công chúng mong đợi.

Một nghị sĩ  Hạ viện Mỹ ở bang California, ông George Miller đã cười như nắc nẻ khi nghe báo cáo về việc kết quả cuộc khảo sát đã dẫn tới việc các nhà lãnh đạo đại học kết luận rằng các trường đại học có thể thành công hơn nếu giảm bớt sự giám sát của nhà nước. Vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan đại diện Ủy Ban Giáo dục và Nguồn Nhân lực của Đảng Dân chủ nói: “Tôi không mua cái thứ lý lẽ đó! Phận sự của chúng ta là cho phép các chương trình tài trợ và cho vay để nắm chắc rằng chúng ta có được những gì tốt nhất trong khả năng của mình”.

Thực ra, phần lớn những gì công chúng cho là có giá trị trong cuộc khảo sát đã bị các nhà lãnh đạo đại học bỏ mặc, Patrick M. Callan, chủ tịch Trung tâm Quốc gia về Giáo dục Đại học và Chính sách Công, nhận định. Chẳng hạn, ba phần năm người Mỹ nghĩ rằng việc xây dựng một chương trình giáo dục tổng quát dựa trên một nền tảng bao quát rộng rãi là hết sức quan trọng đối với các trường đại học, và 63% tin rằng các trường đại học nên giúp trường tiểu học và trung học dạy trẻ tốt hơn. Nếu chúng ta thử liệt kê danh sách những gì làm giảm giá trị của giáo dục đại học trong một phần tư thế kỷ qua, chắc chắn danh sách đó sẽ bao gồm giáo dục tổng quát, giáo dục người trưởng thành, và đào tạo giáo viên. Phần lớn các trường đại học đã bỏ cuộc đối với giáo dục tổng quát. Trong lúc công chúng rộng rãi đồng ý rằng giáo dục đại học là có giá trị, quan điểm này có thể bị lẫn lộn giữa  giá trị thực của đại học và giá trị sản phẩm cơ bản của nó: bằng cấp! Chỉ một nửa số người Mỹ thấy rằng tấm bằng bốn năm đại học là yếu tố cần thiết cho sự thành công trong xã hội. Chủng tộc và tuổi tác cũng có ảnh hưởng tới câu trả lời đối với câu hỏi này. Chẳng hạn, 82% người Mỹ gốc Phi trả lời bằng cấp là một yếu tố cần thiết, trong lúc chỉ 48% người da trắng có câu trả lời tương tự. Số người da đen và người Tây Ban Nha gần bằng nhau (60% và 59%) cũng cho bằng cấp là hết sức thiết yếu, trong lúc chỉ 39% những người sinh trước năm 1940 đồng ý như vậy, so với 62% sinh sau 1970.

Donna E.Shalala, hiệu trưởng Trường Đại học Miami, người từng là thư ký phụ trách phục vụ nhân sự và sức khỏe cho chính quyền Clinton, nhận xét: ” Vấn đề này cho thấy rằng người ta hiểu khái niệm thành công theo những ý nghĩa hết sức khác nhau. Vẫn có một niềm tin rằng sự làm việc cần mẫn và năng động có thể đưa bạn tới một vị trí nhất định”.

 KHUYNH HƯỚNG TƯ NHÂN

Theo cuộc khảo sát, tuyệt đại đa số người Mỹ tin rằng chất lượng giáo dục đại học ở tiểu bang của họ ít nhất là tốt, phần lớn người tham gia cuộc khảo sát đánh giá chất lượng đó là rất tốt hoặc cực kỳ chất lượng. Mặc dù các trường cao đẳng cộng đồng được đánh giá thấp hơn, 42% những người trả lời vẫn nói rằng các trường cao đẳng cộng đồng trong tiểu bang của họ có chất lượng tốt hoặc cực kỳ tốt. Trong số phụ nữ, 49% bày tỏ sự tin cậy tuyệt đối đối với những trường hai năm, con số này ở nam giới là 36%. Trường cao đẳng cộng đồng không còn là một thứ “con ghẻ” mà đang tiến tới chỗ trở thành xu thế chủ đạo trong suy nghĩ của người Mỹ khi họ nghĩ về giáo dục đại học.

Về những trường đại học bốn năm, đại học tư tỏ ra có ưu thế hơn đại học công trong nhiều vấn đề, mặc dù sự thực là 8/10 sinh viên đại học đang học ở một trường công lập. Không chỉ là sự tin cậy nói chung đối với đại học tư cao hơn, mà khi được hỏi là chất lượng giáo dục ở trường công hoặc trường tư nơi nào tốt hơn, 41% người được hỏi đã trả lời là trường tư. 45% trả lời rằng nếu tiền bạc không phải là một cản ngại, họ muốn con mình được theo học ở trường tư hơn.

Các viên chức trong khu vực công đã vạch ra một kế hoạch ưu tiên cho các trường đại học tư trong việc mở rộng giả định rằng chi phí càng lớn thì chất lượng càng cao. “Các trường đại học công từ bản chất của mình phải tạo thuận lợi cho công chúng rộng rãi”, thống đốc bang Kentucky, Paul E.Patton, thành viên Đảng Dân chủ, người đưa giáo dục đại học vào ưu tiên hàng đầu trong chính sách quản lý của mình đã tuyên bố như vậy. “Nhiều trường tư có sự phân biệt đối xử, họ chỉ nhận vào trường những người có năng lực và tận tâm nhất mà thôi”.

Một số ít các nhà lãnh đạo trường đại học công có một hình dung khác về kết quả của cuộc khảo sát. Freeman A.Hrabowski, hiệu trưởng Trường Đại học Maryland chỉ ra rằng 38% những người trả lời trong cuộc khảo sát không nhận thức được sự khác nhau giữa chất lượng của trường công và trường tư. Nếu thêm vào 13% số người tin rằng trường công có một chất lượng giáo dục tốt hơn, bạn sẽ có một khái niệm rằng hơn nửa số người Mỹ tin rằng trường công tốt hơn, hoặc là chuyện này không thành vấn đề. Điều này cho thấy công chúng nghĩ rằng trường công trường tư gì thì cũng đều là số một.

Vùng miền địa lý cũng đóng một vai trò quan trọng trong cách nhận thức về chất lượng của những người tham gia trả lời trong cuộc khảo sát. Chẳng hạn, ở vùng Đông Bắc, nơi mật độ đại học tư cao nhất nước, 52% người được hỏi nói rằng họ muốn gửi con đến trường tư hơn là trường công, nếu không có vấn đề về tiền bạc. Con số này giảm xuống 42% ở miền Nam và 43% ở miền Tây.

Khi các nhà quản lý trường đại học và những người khác nghiên cứu câu trả lời của những câu hỏi trên, có người đặt vấn đề về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc định hướng ý kiến của công chúng. Frank Newman, cựu chủ tịch Ủy ban Giáo dục Liên bang, nay là giám đốc một dự án nghiên cứu cấp nhà nước tại Đại học Brown về tương lai của giáo dục đại học, đã nhận xét: “Khi báo chí và ti vi nói về đại học tư, họ chỉ nói về các liên đoàn thể thao trình độ cao của các đại học ấy”. Những phương tiện truyền thông cũng góp phần khiến 53% người Mỹ tin rằng ngày nay khó được nhận vào học ở bậc đại học hơn so với cách đây một thập kỷ. Nhiều hiệu trưởng đại học cho là niềm tin này có nguồn gốc từ các báo cáo tin tức hàng năm về việc học sinh theo các lớp luyện thi để nâng cao điểm SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc nhiều gia đình thuê những nhà cố vấn giáo dục để giành được lợi thế trong quá trình nộp đơn xin vào đại học. Newman cho rằng rất nhiều những báo cáo kiểu như vậy tập trung vào việc học sinh đang ra sức tìm kiếm và xin học ở những trường đại học tư danh tiếng, nơi chỉ tuyển vào những người thực sự xuất sắc.

VẤN ĐỀ CHI PHÍ CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trong lúc than phiền về các nhà báo, một phần vì những quan niệm sai của họ về giáo dục đại học, nhiều nhà lãnh đạo đại học đã khiến cho các phương tiện truyền thông tăng thêm uy tín vì những kết quả điều tra đáng ngạc nhiên về chi phí học đại học. Trong những năm cuối của thập kỷ 90, khi Quốc hội thành lập một ủy ban nhằm xem xét sự gia tăng học phí mau lẹ của các trường đại học, một loạt các cuộc khảo sát ý kiến công chúng do các trường đại học tiến hành đã phát hiện rằng người Mỹ trung bình đánh giá quá cao chi phí học đại học và đánh giá quá thấp giá trị của các nguồn trợ giúp tài chính cho sinh viên.

Nhưng theo kết quả khảo sát của Tạp chí Biên niên sử, nhiều người Mỹ xác định học phí tại trường công và trường tư một cách chính xác hơn so với cách đây vài năm. Chẳng hạn, khi được hỏi phải mất bao nhiêu tiền để theo học một trường công, bao gồm cả học phí, ăn ở, nhóm lớn nhất trong những người tham gia cuộc khảo sát ý kiến, 28%, đã trả lời từ 10,000 USD đến 15,000 USD hàng năm. Theo Hội đồng Đại học, năm nay chi phí theo học một trường công trung bình là 12,841 USD. Đối với trường tư, 29% người được hỏi trả lời chi phí đó là từ 20,000 đến 30,000 USD. Trong thực tế, con số đó của năm nay là 27,677 USD.

“Các bậc  phụ huynh ngày nay tỏ ra hiểu biết hơn nhiều đối với chi phí học đại học”. Ralph Donnell, chủ tịch văn phòng hướng dẫn và tư vấn của trường trung học Clarkstown ở West Nyack, N.Y nhận định như vậy. “Do chi phí học đại học khá lớn, các bậc phụ huynh phải bắt đầu kế hoạch dành dụm tiền bạc cho con theo học đại học sớm hơn nhiều so với những người có con theo học đại học cách đây 10 hoặc 20 năm.”

Theo một số chuyên gia, ý kiến về việc ai nên chịu phần lớn nhất trong cái gánh nặng học phí đại học đã được đặt ra cách đây vài thập kỷ. Trong những năm 60, khi Quốc hội xây dựng lần đầu chương trình tài trợ và cho vay trong toàn quốc, và các tiểu bang bắt đầu sử dụng tiền thuế của dân cho các trường đại học công, phần lớn người Mỹ tin rằng nhà nước nên chi trả phần lớn chi phí đại học cho sinh viên.

Theo kết quả khảo sát, ngày nay gần hai phần ba người Mỹ cho rằng sinh viên và gia đình của họ nên chi trả phần lớn chi phí học đại học. Trong lúc nhiều người tham gia trả lời khảo sát muốn chính quyền liên bang và tiểu bang chi tiền nhiều hơn cho giáo dục đại học, chỉ 11% số người cho rằng chính quyền tiểu bang nên chi trả phần lớn chi phí học đại học cho người dân, 17% cho đó là trách nhiệm của nhà nước liên bang.

Một lần nữa, nơi sống của người tham gia cuộc khảo sát ý kiến là một nhân tố có ảnh hưởng tới câu trả lời của họ. Ở vùng Đông Bắc, nhóm đông người nhất, 24%, nói rằng nhà nước liên bang nên gánh chịu những chi phí chủ yếu; ở miền Nam và miền Tây, người ta cho rằng gia đình sinh viên phải trả hầu hết chi phí với tỉ lệ lần lượt là 28% và 31%.

NHỮNG VẤN ĐỀ BỨC XÚC

Sự phê phán nổi cộm nhất trong cuộc khảo sát ý kiến liên quan đến nhận thức về việc các trường đại học tham gia trò chơi chính trị và tỏ ra ưu ái một cách không công bằng đối với một vài nhóm sinh viên đặc biệt. Hơn nửa số người Mỹ cho rằng các giáo sư đại học Mỹ khá là tự do trong quan điểm chính trị. Khi được hỏi niềm tin của họ so với các giảng viên đại học thì như thế nào, một nửa số người tham gia cuộc khảo sát nói rằng các giáo sư có tư tưởng khá tự do. (khoảng 37% số người tham gia khảo sát tự cho mình là những người bảo thủ). Một số trường đại học quá thiên về một chiều trong khuynh hướng chính trị khiến sinh viên thực sự không có cơ hội nghe được ý kiến của phía đối lập, và điều này làm cho giáo dục trở thành suy yếu.

Nhìn chung, những cuộc khảo sát này về cơ bản ủng hộ mục đích của cơ chế bổ nhiệm giáo sư và những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, nhưng không tán thành với phương cách của các trường đại học nhằm đạt mục tiêu đó. Hơn nửa số người được hỏi đồng ý rằng sự bổ nhiệm biên chế có thể bảo đảm cho tự do học thuật, nhưng rất ít người chấp nhận rằng các giáo sư đại học có kinh nghiệm cần được bảo đảm chỗ làm suốt đời nếu họ không có những hành vi sai trái nghiêm trọng. Những người có thu nhập cao nhất thì ít ủng hộ nhất đối với sự bổ nhiệm biên chế vĩnh viễn. Chỉ 25% số người được khảo sát với thu nhập hàng năm trên 100,000 USD là ủng hộ giữ vững cơ chế bổ nhiệm biên chế, so với 50% những người có thu nhập dưới 25,000 USD một năm có cùng ý kiến.

Robert O’Neil, giáo sư khoa Luật thuộc Đại học Virginia và cựu chủ tịch của Hiệp hội các Giáo sư Đại học Mỹ nói: “Cứ cho rằng cơ chế bổ nhiệm biên chế vĩnh viễn một công việc, một chỗ làm cả đời, là cách tệ hại nhất để biểu đạt sự nắm giữ học vấn đi nữa, thì trong thực tế, nó cũng chẳng hề là một sự bảo đảm công ăn việc làm tuyệt đối an toàn: mỗi năm, cả tá giảng viên đã được bổ nhiệm vào biên chế vẫn phải ra đi vì các khoa giải thể, vì khó khăn tài chính của nhà trường, vì những lỗi lầm nghiêm trọng chẳng hạn như quấy rối tình dục hoặc đạo văn kẻ khác. Năm ngoái đã có hơn 50 giáo sư trong biên chế bị sa thải vì những lý do như vậy”.

Về những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, bốn phần năm người Mỹ nói rằng điều đó là quan trọng hoặc tối quan trọng trong việc chuẩn bị cho những sinh viên thuộc nhóm thiểu số có thể đạt được những thành công nhất định.  Nhưng 64% người tham gia cuộc khảo sát phản đối việc các trường đại học nhận sinh viên thuộc nhóm các dân tộc thiểu số vào trường với điểm số trung bình và điểm thi SAT thấp hơn các ứng viên khác. Chỉ 3% những người da trắng trong số những người tham gia cuộc khảo sát ủng hộ những chính sách ưu tiên về chủng tộc trong tuyển sinh đại học, so với 24% người da đen và 8% người Tây Ban Nha.

Sau khi công bố trường hợp Đại học Michigan trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, sự ủng hộ ít ỏi của công chúng đối với chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của các trường đại học đã gây ngạc nhiên cho không ít các hiệu trưởng. Nhưng Kermit L.Hall, hiệu trưởng Trường Đại học Utah, người đã từng phê phán sự ủng hộ của giới giáo dục đại học đối với vị trí đi đầu trong các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của Đại học Michigan, cho rằng quyết định của tòa án dù thế nào đi nữa cũng chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đối với đa số các trường đại học mà phần lớn là có rất ít hoặc chẳng hề có một tiêu chuẩn tuyển sinh rõ ràng.

Hall nói: “Thử nhìn vào cuộc khảo sát này mà xem! Công chúng quan niệm rằng cửa vào đại học đáng lẽ phải là một cái cầu thang thích hợp!”. Nói cách khác, có những sinh viên dành cho cao đẳng cộng đồng, những sinh viên khác thì dành cho đại học công lập, và một số nào đó là dành cho các đại học tư tinh hoa, và những trường danh tiếng thì chỉ tuyển vào những người hàng đầu mà thôi. Ông nói thêm: “Các nhà lãnh đạo trường đại học phải thừa nhận rằng có rất ít sự ủng hộ của công chúng về những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của nhà trường, ít hơn họ tưởng rất nhiều”.

Nhưng Ward, chủ tịch Hội đồng Giáo dục Quốc gia Mỹ, quy cho sự ủng hộ ít ỏi này có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết của công chúng, cụ thể là trong trường hợp Đại học Michigan mà rất nhiều người biết. Người ta biết nhiều những số liệu thống kê về những thuận lợi mà Đại học Michigan đưa ra cho những thí sinh thuộc nhóm thiểu số khi thi vào đại học. Nhưng Ward lưu ý rằng sự trúng tuyển chỉ được đảm bảo sau khi thí sinh đáp ứng được những tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu của nhà trường, một sự kiện mà công chúng đã không chú ý đến. Ông nói: “Chẳng qua chúng tôi chỉ chưa làm tốt việc giải thích đầy đủ những việc mình làm trong lãnh vực này đó thôi!”.

Mặc dù cuộc khảo sát đã phản ánh một sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với giáo dục đại học, chỉ một số ít hiệu trưởng đại học và chuyên gia vẫn tin rằng đây là thời vàng son của giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Phần lớn cho rằng những ngày hưng thịnh nhất của giáo dục đại học Mỹ là thuộc về những năm 60, khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học đầu tiên, tạo điều kiện cho việc thực hiện những chương trình tài trợ và cho vay học phí đối với sinh viên, cũng như chuẩn chi hàng trăm triệu đô la cho việc xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đại học công và thu học phí rất ít đối với những người theo học.

Ngày nay, như cuộc điều tra khảo sát của Tạp chí Chronicle cho thấy, phần lớn người Mỹ tin rằng chi phí giáo dục đại học nên do bản thân sinh viên và gia đình gánh chịu. Giáo dục đại học đã chuyển từ chỗ là một sản phẩm công, được bảo trợ bằng ngân sách do tiền thuế của người dân đóng góp đến chỗ là một sản phẩm tư nhân, chủ yếu là do các cá nhân đứng ra bảo trợ.

Ward nói rằng ông hy vọng kết quả tích cực của cuộc khảo sát sẽ thuyết phục được Quốc hội và Tổng thống không can thiệp vào việc xem xét lại Luật Giáo dục Đại học theo thông lệ sẽ đến hạn phải xem xét lại vào cuối năm nay. Các nhà quản lý đại học lo ngại rằng những nhà lập pháp có thể xiết chặt lại trách nhiệm giải trình của họ như trong Điều Luật Không Một Đứa Trẻ Nào Bị Bỏ Lại (No Child Left Behind Act ) năm 2001, đang là điều luật chi phối hoạt động của các trường trung học và tiểu học. Nhưng thống đốc bang Kentucky, ông Patton nói rằng kết quả của cuộc khảo sát chỉ nên được nhìn nhận như là một thông số tham khảo, như một ý kiến chứ không phải là bản kế hoạch chi tiết cho những chính sách quốc gia.

“Công chúng chẳng bao giờ hiểu vấn đề một cách sâu sắc như những nhà hoạch định chính sách”- Ông nói. “Phần việc của chúng ta không chỉ là phản ánh ý kiến của công chúng, mà còn là xây dựng các quyết định tốt nhất cho xã hội trên cơ sở những tri thức cụ thể”.

Người dịch: Phạm Thị Ly

Nguồn: The Chronicle of Higher Education; Washington; May 2, 2003