MÔ HÌNH TRUNG TÂM XUẤT SẮC TRONG THỰC TẾ VIỆT NAM
Phạm Thị Ly (2014)
(Trình bày tại Hội thảo Phát triển Khoa học Công nghệ trong trường ĐH, do Đại học Giáo dục tổ chức ngày 25.04.2014 tại Hà Nội)
TÓM TẮT
“Trung tâm Xuất sắc” (center of excellence) là một mô hình tổ chức đã được vận dụng ở một số nước trong hai thập kỷ qua nhằm tạo ra những đơn vị hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, và đổi mới ở trình độ cao. Bài viết này thảo luận những cách hiểu về khái niệm “trung tâm xuất sắc” ở trong và ngoài nước, trình bày những đặc điểm cốt lõi của nó, nêu tóm tắt một số kinh nghiệm nổi bật ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc, nêu hiện trạng và đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam. Khuyến nghị bao gồm (i) Áp dụng cả hai cách quan niệm về trung tâm xuất sắc trong những bối cảnh phù hợp; và (ii) phát triển những thước đo mới để đánh giá kết quả hoạt động của các trung tâm xuất sắc.
Một trong những cơ chế rất quan trọng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là việc thiết lập các trung tâm xuất sắc (center of excellence), được xem như những đơn vị hoạt động khoa học được thành lập nhằm mục tiêu tạo ra sự xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể và được tạo điều kiện đặc biệt để thực hiện mục tiêu ấy.
“Trung tâm xuất sắc” nghĩa là gì?
Từ điển Wiki định nghĩa center of excellence là “a team, shared facility or an organizational entity that concentrates on a focus area” (một nhóm chuyên gia nghiên cứu, cùng chia sẻ một cơ sở vật chất trang thiết bị hoặc cùng trong một đơn vị, tổ chức tập trung vào một lĩnh vực trọng tâm nhất định).
Robert Marciniak (2013) trong bài viết về khái niệm trung tâm xuất sắc đã trình bày tương đối đầy đủ nội dung của từ này, cũng như những đặc điểm của các đơn vị được gọi là trung tâm xuất sắc. Ông cho rằng khái niệm trung tâm xuất sắc đã được dùng với nhiều ý nghĩa khác nhau trong thập kỷ qua, nhưng chủ yếu là phục vụ cho việc thành lập những đơn vị mới để tích lũy tri thức và xây dựng năng lực nghiên cứu trong những lĩnh vực mới có tính chất thử nghiệm đổi mới và sáng tạo. Gần đây khái niệm trung tâm xuất sắc đã vượt ra khỏi khu vực nghiên cứu khoa học và bắt đầu được sử dụng cho khu vực kinh doanh và dịch vụ với ý nghĩa là những đơn vị thử nghiệm các sáng kiến đổi mới nhằm cải thiện năng suất, chất lượng, tăng cường sự linh hoạt, giảm chi phí và hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Một cách tổng quát, trung tâm xuất sắc (TTXS) có thể được định nghĩa là một bộ phận, một đơn vị nằm trong một tổ chức lớn hơn, là hiện thân của những năng lực được tổ chức ấy công nhận là nguồn gốc quan trọng sáng tạo ra giá trị, và hy vọng rằng những năng lực ấy sẽ được phổ biến rộng hơn cho những đơn vị khác của tổ chức (Frost, 2002).
Theo Hogan (2011) triết lý phía sau mô hình TTXS là dựa trên quan hệ cố vấn (advisory) hay tư vấn (consultancy), khác với các trung tâm dịch vụ là mô hình sản xuất công nghiệp và dựa trên quy mô. Bản chất hoạt động của TTXS dựa trên sự phán đoán và suy xét, trong lúc bản chất của các đơn vị sản xuất hay dịch vụ là hoạt động theo quy tắc. Trong quá trình tạo ra giá trị, nếu các đơn vị sản xuất/dịch vụ thông thường tập trung vào việc tối ưu hóa nguồn lực hiện có, hợp nhất tài sản, giảm chi phí thấp nhất có thể, thì các TTXS tiếp cận những năng lực chưa có sẵn, dựa trên những kinh nghiệm và kỹ năng ở trình độ cao, và nhằm vào việc tạo ra những kinh nghiệm và kỹ năng ở trình độ cao hơn nữa. Ở những đơn vị thông thường, tiêu chí chọn người về cơ bản là chọn những người có sẵn, trong lúc đó, với các TTXS, tiêu chí tiên quyết và quan trọng bậc nhất là năng lực, giá cả và mọi yếu tố khác đều là thứ yếu. Nếu thước đo để đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị thông thường là đo đếm số lượng và dựa trên thành phẩm (output-based), thì thước đo cho các TTXS có tính chất đánh giá và dựa trên kết quả cũng như tác động (outcome-based). Đối với các đơn vị thông thường, những người có trách nhiệm phục vụ khách hàng là các nhà quản lý, nhân viên còn đối với các TTXS, người trực tiếp bảo đảm cho chất lượng dịch vụ là chính các nhà chuyên môn thực hiện công việc.
Về cơ cấu tổ chức, Robert Marciniak cho rằng đặc trưng của TTXS là bao gồm một nhóm chuyên viên hay chuyên gia trong một hay nhiều lãnh vực, chức năng khác nhau, được tập hợp lại nhằm mục đích đạt được những tri thức mới hay kinh nghiệm mới trong một lĩnh vực cụ thể. Nhóm nghiên cứu này có thể là nhân sự cơ hữu hoặc cộng tác thường trực gần giống như một thành viên của dự án, nhưng không mang tính chất tạm thời.
Từ “xuất sắc” trong cụm từ TTXS có thể gợi ra ý nghĩ những đơn vị khác trong tổ chức hay hệ thống kém ưu tú hơn hay tạo ra những sản phẩm, dịch vụ với chất lượng thấp hơn, ít giá trị hơn. Đó là một định kiến không thích hợp, bởi cụm từ TTXS là một khái niệm chủ yếu nhằm diễn đạt sự khác biệt chứ không nhằm diễn đạt một thái độ đánh giá. Trong thực tế từ “xuất sắc” có thể được hiểu khác nhau với những người khác nhau và trong những bối cảnh khác nhau. Đáng tiếc là trong tiếng Việt, chỉ có cụm từ “trung tâm xuất sắc” để dịch cả “excellent center” lẫn “center of excellence”, vì vậy có thể gây ra dị ứng với một số đơn vị được gọi là TTXS hiện nay khi nó mới được thành lập và chưa có thành quả gì. Excellent centre có hàm ý đánh giá về chất lượng hoạt động của một đơn vị, và chỉ có thể nhận định một đơn vị là “excellent centre” khi nó đã đạt được những thành quả nhất định được công nhận. Trong khi đó “centre of excellence” không có hàm ý đánh giá mà là một khái niệm (concept), bao gồm những đặc điểm khác biệt về sứ mạng, về cơ cấu và cách hình thành đội ngũ, về cách thức hoạt động, về cách đo lường kết quả, về phương thức quản trị, như đã trình bày trong phần trên.
Trung tâm xuất sắc trong kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế
Khái niệm TTXS trở nên phổ biến trên thế giới từ khoảng hai thập niên gần đây. Trong lĩnh vực đại học, Mỹ có thể coi là quốc gia đi tiên phong trong việc thành lập các trung tâm xuất sắc với Viện Richard E.Smalley (Đại học Rice), thành lập năm 1993, với sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano. Sau 10 năm đã có hai nhà khoa học của viện này nhận giải Nobel về hóa học năm 1996 là R.Smalley và R.Curi về công trình liên quan đến lồng cacbon C60. Năm 2005, viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu về công nghệ nano.
Tại châu Á, từ năm 2002 Nhật Bản đã khởi động chương trình xây dựng các TTXS được gọi là “Chương trình Trung tâm Xuất sắc cho Thế kỷ 21”(“Twenty First Century Centre of Excellence Programme”). Chương trình này là một sáng kiến do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản khởi xướng nhằm nâng cao tiêu chuẩn nghiên cứu trong các trường ĐH thông qua một nguồn quỹ lớn cấp cho các TTXS nhằm tạo ra các kết quả nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế, trên cơ sở cạnh tranh. Nguồn ngân quỹ này nhằm khích lệ các trường ĐH theo đuổi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong hoạt động học thuật để đạt được sự ưu tú. Mỗi dự án thành lập TTXS sẽ đi qua nhiều giai đoạn: nộp đơn, xét chọn, thực hiện, và đánh giá. Bộ xác định những lĩnh vực ưu tiên cho từng năm. Một khoản tài trợ từ 1,2 đến 6 triệu đô la Mỹ mỗi năm được cấp cho mỗi TTXS được thành lập. Mỗi dự án như thế sẽ được xét duyệt bởi các chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành.
Sau hai năm từ khi bắt đầu được tài trợ, các TTXS này sẽ được đánh giá nội bộ để xem nó có đạt được các mục tiêu ban đầu hay không, đánh giá quá trình hoạt động và xem xét việc tiếp tục tài trợ cho nó. Kết quả đánh giá này sẽ được cung cấp cho các TTXS để giúp họ xây dựng các hoạt động. Sau năm năm, sẽ có đánh giá cuối kỳ cho các TTXS ấy.
Chương trình này đã có một tác động rất lớn đối với nhiều trường ĐH ở Nhật cả về đào tạo và nghiên cứu, và thu hút sự chú ý của truyền thông đặc biệt là trong việc lựa chọn và đánh giá. Nó đã có tác động tích cực không chỉ đối với các trường được nhận tài trợ mà là với cả khu vực GDĐH nói chung, khi nó tài trợ cho việc tạo ra sự ưu tú theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nhờ đó, đã có một sân chơi cho những nhà nghiên cứu trẻ và có tài, và một cơ chế quản trị linh hoạt cho hoạt động khoa học đã được thiết lập. Chương trình này đã giúp nâng cao vị thế của một số trường đại học Nhật Bản, đồng thời đã tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học tài năng, sáng tạovà được công nhận trên phạm vi quốc tế.
Ở Trung Quốc, từ năm 1984 nhà nước đã bắt đầu việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, là những đơn vị nghiên cứu có ít nhiều điểm chung với các TTXS. Tháng 5-2013 vừa qua Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (TQ) đã đầu tư một nguồn vốn lớn để thành lập năm TTXS nhằm xây dựng sức mạnh khoa học và dẫn dắt các hoạt động đổi mới trong khu vực các nước đang phát triển. Các TTXS này tập trung vào những lĩnh vực như khí hậu, nguồn nước, công nghệ không gian, nhằm làm giảm nhẹ các thảm họa, công nghệ xanh và công nghệ sinh học. Mỗi trung tâm như thế sẽ mang lại nhiều cơ hội để học tập và được đào tạo cho các nhà khoa học và kỹ sư ở các nước đang phát triển, nhằm vào mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, trao đổi kiến thức và xây dựng mạng lưới toàn cầu.
Các TTXS này sẽ có một vị trí trọng yếu trong việc thực hiện đào tạo, hợp tác nghiên cứu và phân tích chính sách. Trong vòng ba năm tới, Viện Hàn lâm Khoa học TQ sẽ bảo đảm khoản đầu tư 6,5 triệu đô la Mỹ cho năm TTXS này, nhằm tổ chức các hội thảo, huấn luyện chuyên môn, thực hiện các chương trình đào tạo tiến sĩ, khởi sự các dự án hợp tác nghiên cứu, các báo cáo nghiên cứu chiến lược, và thu hút đội ngũ chuyên gia.
Nhìn chung, đứng trước nhu cầu đẩy mạnh năng lực nghiên cứu khoa học, trong thời gian gần đây châu Âu và một số nước như Anh, Úc, Hàn Quốc, Brazil… đã sử dụng mô hình TTXS như một thiết chế đặc biệt nhằm tạo ra các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ có thể đẩy mạnh năng suất và hiệu quả. Tuy có thể có những đặc điểm cụ thể và điều kiện hoạt động khác nhau ở từng nước, tất cả các tổ chức này đều chia sẻ một đặc điểm chung, là có nhiệm vụ không những tạo ra những sản phẩm xuất sắc mà còn thiết lập những chuẩn mực về sự xuất sắc. Để làm được điều đó, nó phải bao gồm một nguồn nhân lực ưu tú và được đầu tư về tài chính cũng như được tạo điều kiện vận hành trong một thiết chế quản lý hỗ trợ cho sự ưu tú. Nói cách khác, TTXS tồn tại là nhằm tạo ra sự xuất sắc và nó cần một thiết chế đặc biệt để có thể tạo ra được sự xuất sắc đó. Hai đặc điểm này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.
Mô hình Trung tâm xuất sắc trong thực tế Việt Nam
Tháng 12/2004 trong một buổi hội thảo cho các sinh viên theo học bổng VEF, lần đầu tiên khái niệm TTXS với tư cách một mô hình tổ chức hoạt động khoa học công nghệ đã được đề cập đến. Một số nhà khoa học có danh tiếng đã giới thiệu kinh nghiệm đào tạo nhân tài và xây dựng các TTXS ở một số nước mới phát triển với niềm tin rồi đây, ở Việt Nam, Chính phủ cũng sẽ thiết lập những tổ chức tương tự.
Được biết lúc đó Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF), các nhà khoa học trong nhóm “Sáng kiến khoa học”-một tổ chức khoa học tại Hoa Kỳ và Chương trình Sáng kiến khoa học thiên niên kỷ (MSI) của Ngân hàng Thế giới đang thảo luận với Bộ Khoa học Công nghệ về việc xúc tiến thành lập các “trung tâm xuất sắc” ở Việt Nam. Đây là một mô hình hỗ trợ tập trung vào sự xuất sắc trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và liên kết với các đối tác trong cộng đồng khoa học thế giới và khu vực tư nhân.
Từ đó đến nay, Việt Nam tuy đã có ý định tiếp cận mô hình này, và dự định sẽ triển khai trong chiến lược KH&CN 2010 – 2020, nhưngcâu hỏi về thế nào là TTXS, và làm sao để có TTXS, lại là vấn đề chưa được thảo luận rõ ràng. Chiến lược khoa học công nghệ 2010-2010 không nhắc đến TTXS như một cơ chế tổ chức, nhưng đã đề cập đến việc “hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh” như một biện pháp để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ.
Đơn vị được biết đến nhiều nhất như một TTXS đã thực sự được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 có lẽ là Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN) của ĐH Quốc gia TPHCM. Đây là trung tâm xuất sắc đầu tiên của nước ta, nhằm vào mục tiêu chính là tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp để làm nền tảng cho sự phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước và thu hút nhân tài, nhất là lực lượng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp cho nước nhà.
Đề án JVN xác định sẽ nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế, tạo đầu ra cho các dự án nghiên cứu khoa học; đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo sau ĐH theo phương pháp tiên tiến và chuẩn mực thế giới, cung cấp nhân sự trình độ cao cho các trường ĐH và thị trường Việt Nam.
Đơn vị này thoạt đầu hoạt động theo cơ chế của Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ. Sau đó do thấy cơ chế ấy không thích hợp, TT này chuyển sang hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến nay, sau bốn năm hoạt động, chúng ta chưa có dữ liệu đánh giá để biết kết quả hoạt động của JVN, chỉ biết hiện nay tổ chức này đã được đổi tên thành Viện John von Neuman. Lý do được biết có phần là vì nhằm làm cho tên gọi phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của Trung tâm, nghĩa là thiên về đào tạo sau đại học thay vì tổ chức nghiên cứu. Từ đó đến nay, ĐHQG-HCM cũng chưa có một TTXS nào khác, và cả nước cũng không có thêm một TTXS nào chính thức được xem là TTXS. Có hai lý do rất quan trọng dẫn tới thực tế này. Một là, chưa có một định nghĩa chính thức được công nhận về mô hình TTXS. Hai là, hiện nay không có bất kỳ một cơ chế đặc biệt nào cho TTXS. Một số tổ chức nghiên cứu tự xem mình là những TTXS như Viện Toán Cao cấp bởi vì nó có một số đặc điểm của các TTXS trên thế giới (được đầu tư nguồn lực lớn, và có nhân sự ở đẳng cấp quốc tế); nhưng trong thực tế vẫn hoạt động trong khuôn khổ những thiết chế hiện hành. Chưa có bất cứ báo cáo đánh gía nào cho chúng ta biết hiệu quả hoặc những vướng mắc trong việc vận hành những đơn vị như thế.
Một số khuyến nghị
Mô hình TTXS được xem là một thiết chế quan trọng mà nhiều nước đã vận dụng nhằm tạo ra những thành quả đặc biệt trong nghiên cứu khoa học; là bởi vì sự ưu tú cần có một thiết chế hỗ trợ tương ứng để có thể nảy nở và phát triển. Điều này càng vô cùng quan trọng ở Việt Nam, khi môi trường hoạt động học thuật nói chung còn quá nhiều hạn chế. Nếu tài năng bị đặt vào hệ thống thiết chế hiện nay và bị buộc phải vận hành trong khuôn khổ những thiết chế ấy, thì nó chỉ có thể tạo ra những sản phẩm giống như những sản phẩm mà hiện nay chúng ta đang có. Nhân tài Việt Nam không thiếu, mà là bị kìm hãm trong những thiết chế hoàn toàn không thích hợp cho lao động sáng tạo và cho sự ưu tú. Muốn tạo ra một đẳng cấp mới về chất lượng, phải có một thiết chế tương ứng. Trong lúc chúng ta chưa có điều kiện để áp dụng thiết chế ấy trong phạm vi rộng, thì TTXS chính là những thử nghiệm, nói theo cách của người Trung Quốc là “dò đá qua sông” để tạo ra sự xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Trên cơ sở những trình bày trên đây, chúng tôi muốn đưa ra một số khuyến nghị.
Về cách hiểu khái niệm Trung tâm Xuất sắc
Dựa trên những tài liệu thành văn hiện nay ở Việt Nam, cách hiểu thông thường về TTXS là xem nó như một đơn vị tạo ra những kết quả đặc biệt xuất sắc, “đứng ở tuyến đầu của tri thức và đóng vai trò dẫn dắt, định chuẩn trong lĩnh vực mà nó hoạt động”[1]. Hiểu như vậy tuy không có gì sai, nhưng lại quá nhấn mạnh yếu tố kết quả, khiến những khía cạnh khác có thể bị coi nhẹ, trong khi ở bối cảnh Việt Nam, những khía cạnh ấy cần được nhấn mạnh hơn, bởi nó là những điều kiện tiên quyết để tạo ra kết quả ấy. Như trên đã trình bày, “centre of excellence” không có hàm ý đánh giá mà là một khái niệm (concept), bao gồm những đặc điểm khác biệt về sứ mạng, về cơ cấu và cách hình thành đội ngũ, về cách thức hoạt động, về cách đo lường kết quả, về phương thức quản trị và những đặc điểm của mô hình ấy là điều rất cần nhấn mạnh.
Mặt khác, khi nhấn mạnh rằng TTXS phải là hàng đầu trong lĩnh vực và không chỉ là hàng đầu trong nước, mà còn là trên trường quốc tế[2], chúng ta đã thu hẹp khái niệm TTXS lại khiến nó chỉ còn thích hợp cho một số rất rất ít các tổ chức khả dĩ có thể thành lập. Như vậy có một ưu điểm là từ “xuất sắc” không bị lạm dụng, nhất là khi những TTXS này sử dụng tiền của ngân sách, hay tiền vay các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, mặt trái của cách hiểu này là chúng ta không vận dụng được những đặc điểm quan trọng của nó cho nhiều đơn vị, tổ chức khác để tạo ra sự ưu tú.
Ngay cả trên thế giới cũng đang tồn tại hai cách hiểu song song: (1) TTXS là những đơn vị được đầu tư đặc biệt để tạo ra những sản phẩm xuất sắc và đẩy mạnh việc xây dựng năng lực; (2) TTXS là một mô hình tổ chức; dùng để thiết lập một đơn vị trong một hệ thống, bao gồm một nhóm chuyên gia làm nòng cốt với sự hợp tác thường trực của các chuyên gia trong những lĩnh vực khác hay đơn vị khác, được hình thành nhằm thực hiện những nghiên cứu đổi mới và sáng tạo nhằm tìm kiếm những năng lực chưa có sẵn, nhằm đạt được những tri thức và kỹ năng mới, với hy vọng sẽ được vận dụng đại trà và cải thiện hệ thống. Để làm được điều này, những đơn vị ấy được hình thành và vận hành theo những nguyên tắc khác với các đơn vị sản xuất hay dịch vụ thông thường. Nó có một cơ chế linh hoạt, giảm thiểu sự quan liêu, tập trung vào năng lực, và chắc chắn là tuyển người chỉ dựa trên năng lực và phẩm chất. Nó được đánh giá theo kết quả và tác động thay vì theo cách đo đếm sản phẩm. Với cách hiểu thứ hai, các doanh nghiệp, công ty đa quốc gia, nhất là các trường ĐH trên thế giới, đã và đang thiết lập những đơn vị như thế trong tổ chức của mình, và không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu.
Tuy vậy, hai cách hiểu này cũng không hẳn là mâu thuẫn hay loại trừ nhau. Các TTXS được hiểu theo cách thứ nhất chắc chắn là phải bao hàm những đặc điểm được nêu trong cách hiểu thứ hai. Các TTXS được hiểu theo cách thứ hai cũng hướng về những mục tiêu như trong cách hiểu thứ nhất. Có lẽ sự khác nhau chỉ là ở phạm vi, mức độ và trọng tâm. Theo cách thứ nhất, TTXS là một loại tổ chức khoa học công nghệ đặc biệt với nguồn lực đặc biệt và cơ chế ưu đãi đặc biệt. Theo cách thứ hai, TTXS là một mô hình tổ chức, được hưởng ưu đãi có mức độ và vận hành theo một thiết chế phù hợp với hoạt động sáng tạo. Nó được xem là khác biệt với các đơn vị thông thường ít nhất là ở khía cạnh quản lý.
Vì vậy, chúng tôi đề xuất sử dụng cả hai cách hiểu trong những khuôn khổ khác nhau:
- Các TTXS do nhà nước thành lập, được đầu tư bằng tiền ngân sách hay vốn vay quốc tế, cần phải được xây dựng dựa trên các chuẩn mực học thuật ưu tú được quốc tế công nhận và dự án thành lập cần được đánh giá bởi một hội đồng chuyên gia quốc tế thực sự có uy tín, và ý kiến đánh giá của họ cần được công bố cho công luận được biết. Những đơn vị này cần trực thuộc Bộ KH-CN, cần được đầu tư một nguồn lực tương xứng, được vận hành trong một thiết chế quản lý đặc biệt, được đánh giá dựa trên kết quả và tác động. Nó cần nối kết được với cộng đồng khoa học toàn cầu, tạo ra những sản phẩm được cộng đồng này công nhận giá trị, thực hiện trực tiếp những nhiệm vụ khoa học công nghệ có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế, có tác dụng trực tiếp với việc nâng cao năng lực nghiên cứu của quốc gia, giúp nâng cao năng suất và đời sống của người dân.
- Các TTXS do các tổ chức nghiên cứu, các trường, viện thành lập như một đơn vị trực thuộc, nhằm mục đích tạo ra một thiết chế đặc biệt trong phạm vi trường/viện để hỗ trợ cho sự ưu tú, được thành lập theo thẩm quyền của Hiệu trưởng hay Viện trưởng, được vận dụng tối đa các cơ chế thuận lợi trong phạm vi quyền tự chủ của các trường, được khích lệ bằng một môi trường hỗ trợ cho sự ưu tú, và được khuyến khích thử nghiệm những sáng kiến đổi mới.
Dù là loại 1 hay loại 2, triết lý nằm sau mô hình này vẫn nhất quán: tạo ra sự xuất sắc là sứ mạng và là lý do tồn tại của nó, và để tạo ra được sự xuất sắc ấy, nó được hưởng những đặc quyền không chỉ về nguồn lực mà quan trọng hơn là về thiết chế. Điều quan trọng nhất, nó tập hợp những người có năng lực và kỹ năng ở trình độ cao, và nối kết chặt chẽ với những chuẩn mực học thuật được thừa nhận trên toàn cầu. Nó được xây dựng dựa trên những giá trị phổ quát của hoạt động học thuật, như sự trung thực, sự liêm chính, và tự do. Nó được đo lường bằng những giá trị mà nó tạo ra, bằng tác động của nó đối với việc xây dựng năng lực và kích thích vươn tới sự ưu tú trong cả hệ thống. Nếu mô hình tổ chức thông thường được quản lý dựa trên các quy tắc, thì TTXS được quản lý dựa trên những suy xét và phán đoán hợp lý, và điều này là cần thiết để tìm ra những khuôn khổ mới, ý tưởng mới, tri thức mới.
Về thước đo đánh giá kết quả hoạt động của các trung tâm xuất sắc
Mọi người đều biết chúng ta không thể quản lý được những gì mà mình không thể đo lường, và như câu nói nổi tiếng của Galileo Galilei: “Đo tất cả những gì có thể đo, và làm cho những gì không đo được trở thành có thể đo được”, chúng tôi muốn nêu ra quan điểm của mình trong việc thiết lập những thước đo đánh giá kết quả hoạt động của các TTXS.
Khi đòi hỏi đặc quyền về mặt thiết chế cho các TTXS, chúng tôi muốn nói đến việc thay thế các thiết chế quản lý không hiệu quả hiện nay bằng một thiết chế thích hợp hơn. Một vấn đề nổi lên trong việc đánh giá khoa học hiện nay, là chúng ta đang đo những gì dễ đo, thay vì đo những gì thực sự có ý nghĩa. Số lượng ấn phẩm, chỉ số H là những chỉ báo quan trọng cho chúng ta thấy những sản phẩm nghiên cứu ấy có được chấp nhận hay đánh giá cao bởi những người có thẩm quyền chuyên môn hay không. Tuy nhiên nếu chúng ta quá nhấn mạnh những thước đo ấy, nó sẽ biến thành mục tiêu tự thân của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, và của hoạt động khoa học. Đó không phải là một kết quả đáng mong muốn. Nghiên cứu khoa học không phải là nhằm mục đích tạo ra bài báo hay bằng sáng chế. Bài báo hay bằng sáng chế chỉ là phương tiện để đo đếm thành quả, nhưng bản thân nó không phải là thành quả và nhất là không phải mục đích của nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học là nhằm tìm kiếm sự thật, quy luật, nhằm tạo ra tri thức mới, để thỏa mãn nhu cầu nhận thức của con người, để cải thiện năng suất lao động và đời sống người dân. Vì vậy phải đo lường kết quả của các TTXS dựa trên những đóng góp của nó cho xã hội và tác động của nó đối với việc thúc đẩy phát triển và tiến bộ. Cần phải phát triển những thước đo mới, vì vấn đề không chỉ là đánh giá chính xác và khích lệ những đóng góp thực sự của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học, mà còn là những thước đo ấy sẽ định hình động lực và thái độ làm việc của các nhà khoa học, tạo thành đặc điểm của môi trường và văn hóa nghiên cứu.
Kết luận
Đầu tư cho một số TTXS ở cấp quốc gia hay cấp trường viện không phải là điều khó. Tìm người cho những TTXS ấy cũng không phải là khó. Khó hơn nhiều là làm sao để những TT ấy tạo ra kết quả tương xứng và tác động đến việc xây dựng năng lực cho cả hệ thống. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất cá nhân của người đứng đầu, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hành lang thiết chế được xây dựng cho các TT ấy, trong đó có bộ công cụ đánh giá kết quả hoạt động.
Chúng ta không thiếu kinh nghiệm xây dựng các TTXS từ thực tiễn quốc tế. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam có khá nhiều rào cản để một đơn vị như thế có thể hoạt động hiệu quả. Dù vậy, nhu cầu có một (hoặc nhiều) đơn vị, hay một mô hình giúp đẩy mạnh năng lực nghiên cứu và tác động xã hội, là một nhu cầu bức bách. Nhiều người đã chỉ ra những rào cản trong việc đẩy mạnh năng lực khoa học của Việt Nam, trong những rào cản đó, thiết chế quản lý là một yếu tố đáng kể. TTXS ở cấp quốc gia lẫn cấp trường viện có thể là những mô hình thử nghiệm nhằm tạo ra sự ưu tú, và hỗ trợ cho những nỗ lực đổi mới của giới làm chính sách cũng như giới học thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Bryan, Kerin, Ian Herbert (2011): “The Centre of Excellence”, E&T Magazine, pp. 1-9, 06.10.2011
Daleske, Carlos Bezos (2012): “Shared services – from service centers to efficiency innovation centers”, Innovation for Growth, 26.03.2012.
Frost, Tony S., Julian M. Birkinshaw, Prescott C. Ensign (2002): “Centers of excellence in multinational corporations”, Strategic Management Journal, vol. 23., Issue 11., pp. 997-1018
Garg, Sakshi, Eric Simonson (2012): “Achieving Next Generation Excellence in the Captive Model”, Everest Group Research, March, 2012.
Giáp Văn Dương (2013), “Một số suy nghĩ về Trung tâm Xuất sắc”. Báo Tia sáng ngày 23.05.2013
Hogan, Susan, Erica Volini (2011): “Next-generation service delivery model”, Globalization Today Magazine, pp. 26-31, September, 2011
Nguyễn Văn Tuấn (2009), “Một Trung tâm Xuất sắc ở Arab Saudi”. Nguồn: www.nguyenvantuan.net
Robert Marciniak, (2013): “Center Of Excellence As A Next Step For Shared Service Center”, TÁMOP-4.2.2/B-10/1-2010-0008 project in the framework of the New Hungarian Development Plan
Ulla Malkamäki, Tuula Aarnio,Annamaija Lehvo & Anneli Pauli (2001), “Centre Of Excellence Policies In Research Aims And Practices In 17 Countries And Regions” ISBN 951-715-355-4;ISSN 0358-9153, Monila Oy, Helsinki 2001.
Tracy, Steve (2012), “Shared Services – An enabler for managing risk”, Information Services Group, Whitepaper, pp. 3., March, 2012.
Wenger, E. (1998), “Communities of Practice: Learning, meaning and identity”, University Press Printing, Cambridge.
Ghi chú
[1]Giáp Văn Dương. “Một số suy nghĩ về Trung tâm Xuất sắc”, Báo Tia Sáng ngày 23.5.2013.
[2] Giáp Văn Dương, bài đã dẫn.
0 Comments