Tác giả: Yves Gingras
University of Quebec at Montreal
Người dịch: Phạm Thị Ly (2014)
Bảng xếp hạng đại học toàn cầu của ĐH Giao Thông Thượng Hải, trong đó các trường ĐH Pháp chẳng có mấy địa vị vẻ vang, đã tạo ấn tượng đáng kể khi nó được công bố lần đầu năm 2003. Từ đó đến nay, cuộc tranh luận chung quanh vấn đề xếp hạng vẫn không ngừng tiếp diễn.
Tháng 8 vừa qua, bộ trưởng Nghiên cứu Khoa học của Pháp khi bình luận về bảng xếp hạng này, đã lưu ý rằng các trường ĐH Pháp đang từ từ bò lên dần trên bậc thang xếp hạng mà không giải thích rằng điều đó rút cục là có ý nghĩa gì xét về mặt học thuật.
Tuy thế, rất nhiều bài viết đã chỉ ra mặt trái của cuộc chạy đua nhằm đạt thứ hạng cao trong những bảng xếp hạng quan trọng nhất, trong khi giá trị khoa học của những bảng xếp hạng ấy thì hầu như bằng không!!!
Một cuộc khảo sát do Khoa học Tập san Mỹ công bố ngày 9-12-2011 cho biết chẳng hạn các trường ĐH ở Ả Rập Saudi đã liên hệ nhiều nhà khoa học có chỉ số trích dẫn cao để thương lượng trả một số tiền lớn cho việc ghi thêm tên các trường ấy vào các công trình khoa học mà những siêu sao đang làm việc tận đẩu đâu này công bố.
Tên trường bù nhìn trong bài báo khoa học
Việc ghi tên trường vào bài báo khoa học theo lối bù nhìn như thế, không hề có tác động gì đối với việc giảng dạy và nghiên cứu trong các trường này, nhưng nó cho phép những trường đang ở bên lề cuộc đua thứ hạng nâng cao vị trí của mình mà không cần phải phát triển mảy may nào hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự!
Các nhà khoa học liên quan chuyện đó là những kẻ đã tiếp tay cho một thực tế không đáng tin cậy xét về mặt đạo đức. Một số người tự vệ bằng cách nói rằng những tên tuổi giáo sư này nọ chỉ là một giá trị biểu tượng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhưng rất ít ai thực sự bị bịp, vì rõ ràng là họ đã cho mướn cái tên và danh tiếng của mình để ăn tiền bởi họ chẳng hề có mối liên hệ gắn kết nghiêm túc nào với những nơi đó, thí dụ như thỉnh giảng hay là tiến hành những hoạt động nghiên cứu kéo dài hàng tháng.
Một hiện tượng ít được biết đến hơn, và chắc chắn là ít được ghi nhận trong các tư liệu thành văn hơn, là các tổ chức kiểm định và xếp hạng về các trường quản lý kinh doanh cũng đang tạo ra những thứ thiếu đạo đức tương tự.
Mặc dù chúng ta có thể hiểu được– cho dù có thể không đồng ý– rằng một trường ĐH nên khen thưởng cho năng suất cao khi giảng viên của mình công bố kết quả nghiên cứu trên những tập san “danh tiếng” nhằm nâng cao sự hiện diện của mình trên thị trường học thuật toàn cầu hóa, chúng ta vẫn thấy khó mà bảo vệ được cho những thỏa thuận (ngầm hay công khai) với các nhà khoa học ở những trường khác để họ có thể đơn giản là ăn tiền và ghi thêm tên trường mình vào bài báo khoa học của họ.
Tôi đã khám phá cái thực tế bị che giấu này khi viết cuốn sách Les dérives de l’évaluation de la recherche – Lạm dụng Đánh giá Khoa học– vừa xuất bản ở Raisons d’agir, Paris.
Nhiều cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp Pháp đã cho tôi thấy một thực tế ở các khoa quản trị và kinh doanh ở Pháp – biết đâu ở cả những nơi nào khác ? –đã dùng những kinh nghiệm kiểu đó: liên hệ với các nhà nghiên cứu ngoại quốc có năng suất cao, đề nghị họ ghi thêm địa chỉ trường mình vào để đổi lấy một khoản tiền khá lớn (nhiều ngàn EUR cho mỗi bài báo được ké tên như thế!).
Không có gì đáng ngạc nhiên vì các giảng viên khoa quản trị kinh doanh, vốn là những người rất có kiến thức về thương mại, đã biết cách tiền tệ hóa cái vốn biểu tượng của những nhà khoa học nổi bật nhất.
Chuyện này không thành vấn đề nếu như nhà trường thực sự gắn bó với các nhà khoa học nổi tiếng ấy và giao cho họ những công việc thực sự để họ có thể đóng góp trực tiếp cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu mà sinh viên của trường được thụ hưởng.
Nhưng nếu mục đích chỉ là cải thiện vị trí nhà trường trên bảng xếp hạng, duy trì tiêu chuẩn kiểm định bằng cách nâng cao số lượng bài báo một cách giả tạo trên các tập san được nhắm đến, thì đó lại là chuyện khác.
Gian lận trí tuệ?
Người ta tự hỏi liệu những hoạt động như thế có tạo thành một thứ gian lận lừa lọc không bởi nó không tương thích với sứ mạng của một trường ĐH. Bởi ngay cả khi ta ngầm định rằng giới hàn lâm ngày nay ai cũng cần phải tham gia võ đài học thuật, thì ít ra mọi cú đấm cũng phải nhắm vào từ thắt lưng trở lên…
Hơn nữa, các trường tìm cách giành lấy thứ hạng cao (một cách sai trái) như thế dường như đã không ý thức được những hậu quả không dự tính trước và tác dụng ngược mà nó tự động tạo ra, trong đó có cả những kết quả oái oăm là một số giảng viên của họ đã và đang “đóng góp” cho thành tích của các “đối thủ cạnh tranh”.
Và nếu như chúng ta không thể dựa vào phẩm chất đạo đức của các trưởng khoa, trưởng bộ môn, trưởng nhóm, và các giảng viên để chấm dứt tình trạng này, thì phải thấy rằng vì quyền lợi của các trường đang cạnh tranh giành thứ hạng một cách giả tạo, phải làm một cái gì đó để để bảo đảm rằng các nhà khoa học của mình không đồng thời đại diện cho những trường khác nữa.
Sau khi nỗ lực khuyến khích các nhà khoa học để tên trường mình rõ ràng trên các ấn phẩm khoa học để quyền lợi về biểu tượng được quy về đúng chỗ, có vẻ như ngày nay việc lạm dụng đánh giá khoa học đã buộc chính những trường ấy phải kiểm chứng giá trị hiệu lực và tình trạng lạm dụng việc ghi những địa chỉ này trên các ấn phẩm khoa học!
(Nguồn: Yves Gingras, The Abuses of Research Evaluation. University World News 07.02.2014 Issue No:306)
0 Comments