KHOẢNG CÁCH MỚI VỀ GIỚI TÍNH
Từ nhà trẻ đến trường đại học, phái nam đang trở thành “thứ yếu”
Tác giả: MICHELLE CONLIN
Trường trung học Lawrence High là một thứ “pháo đài” tiêu biểu của kiến trúc hình hộp nhạt nhẽo của thập kỷ 60. Giờ ăn trưa, trong lúc bọn trẻ ăn pizza, chúng nói về đủ mọi thứ trên đời, và đề tài chính– còn gì nữa? là về những người khác! Hành lang đầy dẫy những “nữ danh ca” môi son bóng nhẫy với áo quần kiểu cọ và ba lô con gái. Bọn con trai cũng chẳng kém gì: giày trượt băng, quần thụng, tóc Armani, đầy vẻ hợp thời trang. Nói cách khác, bọn chúng trông có vẻ bảnh bao hơn bạn tưởng nhiều.
Nhưng khi các thành viên ban cán sự lớp niên khóa 2003 họp mặt tại hội trường Trường trung học, hầu như không thấy bóng dáng một học sinh nam nào. Lớp trưởng lớp cuối cấp? Con gái. Lớp phó? Cũng con gái. Trưởng ban tự quản học sinh? Con gái nốt. Đội trưởng đội Toán, tổng biên tập kỷ yếu học sinh hàng năm, biên tập viên báo trường? Tất tần tật là con gái!
Không phải là bọn con gái trong niên khóa 2003 này không muốn cho đám con trai một cơ hội. Năm ngoái, bọn học sinh lớp 11 đã bầu một đứa con trai làm lớp trưởng. Nhưng chỉ sau khi nhận chức ít lâu, hắn đã bị hết thảy đám con gái nhanh chóng chỉ huy: bọn con gái đề nghị rằng họ sẽ là nội các còn hắn sẽ là thủ tướng! Cuối cùng thì bọn con gái nhận ra rằng họ đã bầu chọn được một tên hầu phòng quá tốt cho năm tốt nghiệp! Bởi vậy bọn họ bèn kết tội hắn và ít lâu sau mau chóng tiếp quản vị trí của hắn!
Tình trạng nắm giữ quyền lực của bọn con gái trường Lawrence rất tiêu biểu cho sự đảo ngược vị trí giới tính đáng kinh ngạc trong nền giáo dục Mỹ. Từ nhà trẻ đến trường đại học, nam giới đang nhanh chóng trở thành “thứ yếu”. Thomas G.Mortenson, nghiên cứu viên cao cấp của Học viện Pell ở Washington Nghiên cứu về Cơ hội Học tập Đại học nhận định: “Vấn đề nữ giới là một lỗ hổng trong hệ thống giáo dục Mỹ. Trong ba mươi năm qua, gần như mỗi cen-ti-mét tiến lên của hệ thống giáo dục đều nhắm vào đó”.
Chỉ mới cách đây một thế kỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard Charles W.Eliot vẫn còn từ chối nhận sinh viên nữ vì sợ bọn con gái chỉ làm phí uổng nguồn lực qúy báu của nhà trường. Ngày nay, trên khắp nước Mỹ, có vẻ như nữ giới đã xây dựng được một thứ Đế chế La Mã trong trường trung học bên cạnh nền văn minh Hy lạp úa tàn của bọn con trai. Mặc dù trường trung học Lawrence cũng có những “siêu sao” là nam sinh, chẳng hạn như nhân vật đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp năm nay, nhưng sự tiếp quản vị trí về giới ở nhiều trường hầu như đã hoàn tất. “Ở bất cứ chỗ nào tôi đến, nếu có một sự kiện gì tốt đẹp đang diễn ra, thì y như là sự kiện đó do bọn con gái phụ trách.” Terrill O. Stammler, hiệu trưởng Trường Trung học Rising Sun nhận định. Nam giới vắng bóng trong hầu hết mọi vị trí lãnh đạo, trong bảng danh dự về thành tích học tập, trong những cột trụ về hoạt động ngoại khóa của học sinh. Thậm chí đội tuyển thể thao nữ của trường Rising Sun còn chơi tốt hơn nhiều so với đội tuyển nam!
Ở Midwest, các nhà quản lý thậm chí còn đi xa hơn với việc chỉ định rằng các giải thưởng và vị trí lãnh đạo trong học sinh cần được chia đều cho hai giới. “Chẳng những bọn con trai bị bỏ lại đàng sau bọn con gái, mà bọn chúng còn tuột dốc so với chính mình trước đây”, William S.Pollock, giáo sư trường Harvard đã nhận định như vậy.
Có thể là thế giới ngày nay vẫn còn là thế giới của đàn ông. Nhưng nó đã không còn là thế giới của bọn con trai nữa dù hiểu theo cách nào cũng vậy. Từ ngày đầu tiên đến trường, một đứa con trai trung bình đã chậm phát triển hơn hai năm so với con gái cùng tuổi trong kỹ năng đọc và viết. Nhưng cả hai đều phải học cùng một khối lượng kiến thức như nhau theo một cách như nhau trong cùng một thời gian như nhau. Trong lúc cơ thể con trai đòi hỏi nó phải chạy nhảy thì nhà trường bắt nó ngồi im và lắng nghe hầu như suốt cả tám tiếng một ngày. Về mặt sinh học, nó cần có bốn lần nghỉ giải lao một ngày, nhưng may lắm thì chỉ được một lần, vì một số trường chính thức cấm luôn cả giải lao. Chỉ cần ôm một đứa con gái, nó có thể bị “dán nhãn” là “người ưa sờ mó” và nhanh chóng bị một cái “án treo”- kết quả của sự gia tăng văn hóa chống phái nam.
Nếu một đứa con trai bị rớt lại đàng sau, nó có khuynh hướng bị gửi tới những lớp cá biệt nơi mà 70% bạn đồng học của nó cũng là con trai. Lúng túng, vụng về, nó có thể bị chẩn đoán là rối loạn do hiếu động thái quá, và điều này thường dẫn tới nguy cơ bị trục xuất, bị gửi tới những lớp cá biệt, hoặc cha mẹ nó có thể bị cáo buộc về tính thiếu trách nhiệm. Một nghiên cứu về trường công ở Faifax County cho thấy hơn 20% trẻ em trai da trắng trong các lớp trên của trường trung học đã bắt đầu thử những chất gây nghiện từ lúc học lớp 5!
Khi một đứa con trai như vậy bước vào năm đầu của bậc trung học, nó có nhiều khả năng rớt lại càng lúc càng xa, trong học tập cũng như trong các hoạt động ngoại khóa và trong sự tiến bộ chung. Không phải chỉ có môn toán hay là khoa học tự nhiên mới là thành trì khó vượt của nó, mà là trong lúc bọn con gái bận rộn với những vòng hoa danh dự trong lễ tốt nghiệp, thì có khả năng là nó đang phải nhồi nhét những thứ thức ăn giàu chất xơ trong phòng cân nặng để nâng cao lượng steroid trong cơ thể, hoặc là chơi game. Nói chung là con trai có nhiều khả năng bỏ học hơn con gái đến 30%, nhiều khả năng phạm tội giết người hơn đến 85%, và số trẻ trai tự tử tăng gấp ba lần từ năm 1970 cho thấy con trai có khả năng tự tử nhiều hơn con gái từ bốn đến sáu lần! Steven Covington, học sinh lớp 11 trường trung học Ottumwa, Iowa nói: “Chúng ta bị buộc tội chẳng ra gì. Xã hội cho rằng chúng ta là những kẻ không thể tin tưởng được”.
Còn ở đại học thì sao? Trong vòng 350 năm qua, nam sinh viên bao giờ cũng chiếm số lượng đông hơn nhiều so với nữ sinh. Nhưng ngày nay, ở mọi nơi trên nước Mỹ, trong mọi nhóm chủng tộc và dân tộc, trong hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa ở châu Âu, nữ giới chiếm một tỉ lệ áp đảo trong số người được cấp bằng: chỉ tính riêng ở nước Mỹ, 57% bằng cử nhân là của nữ giới, 58% bằng thạc sĩ cũng là của nữ giới! Theo thống kê của Bộ giáo dục Mỹ, cứ 100 chàng trai thì có đến 133 cô gái đạt được bằng cử nhân, và con số này được dự báo là sẽ tăng lên đến 142 vào năm 2010 và 156 vào năm 2020!
Nhìn chung, số lượng cả nam sinh lẫn nữ sinh ở đại học đều tăng so với thế hệ trước. Nhưng khi điều chỉnh theo sự tăng trưởng dân số, có thể thấy rõ số lượng con trai vào đại học và theo đuổi các chương trình cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ – chỉ trừ chương trình đào tạo tiến sĩ trong một số lĩnh vực như kỹ thuật và khoa học máy tính- đã hầu như chỉ dậm chân tại chỗ, trong lúc tỉ lệ nữ sinh thì đang tiếp tục gia tăng. Xu hướng này được tuyên bố chính thức trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và tầng lớp thu nhập thấp của xã hội Mỹ.
Tỉ lệ nữ sinh/nam sinh ở Trường Đại học Bắc Carolina, Boston và Đại học New York hiện nay đã là 60/40. Để giữ tỉ lệ này ở mức 50-50, nhiều trường danh tiếng đã phải bí mật tận dụng một cách lén lút những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh cho bọn con trai. “Con gái thể hiện một phẩm chất ưu việt hơn trong quá trình nộp đơn nhập học, điểm số tốt hơn, bền chí hơn, và có suy nghĩ sâu sắc hơn trong bài tự luận của chúng”. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Macalester ở Minn, nơi 57% sinh viên nhập học là nữ giới, đã nhận định như vậy.
Những trở ngại không phải chỉ có ở trường học. Khi một chàng trai rời nhà ra đi, cậu có nhiều khả năng phải quay trở về sống bám vào cha mẹ hơn là chị em gái của mình. Trước khi tới tuổi trưởng thành, một chàng trai có nhiều khả năng gia nhập vào tầng lớp những kẻ học hành kém cỏi mà người Anh gọi là “nhóm người chìm dưới đáy”. Trong một thập kỷ qua, các nhà giáo dục Anh đã tiến hành thành công những chương trình cải thiện tình hình này bằng cách tập trung vào kỹ thuật giảng dạy nhằm vào những điểm yếu của họ để giúp họ hội nhập tốt hơn. Nhưng ở Mỹ, sự tuột dốc của con trai từ vị trí dẫn đầu đến vị trí dưới đáy thậm chí cũng không gây được sự chú ý nào của công chúng. “Không ai muốn nói lên tiếng nói của các chàng trai”, Andrew Sum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thị trường Lao động của Đại học Northeasten nhận định. Với tư cách một chính sách xã hội hay là một vấn đề giáo dục? nó hầu như không tồn tại!
Mặt khác, sự chiếm lĩnh giáo dục của nữ giới là một sự kiện đáng kinh ngạc, nó có thể biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của phụ nữ. Hiện nay, số phụ nữ tiếp cận bằng kỹ sư, thạc sĩ, và tiến sĩ đang tăng lên nhanh chóng. Chương trình cử nhân quản trị kinh doanh với chỉ 29% phụ nữ, được coi là một trong số những lãnh vực ít ỏi còn lại của nam giới.
Tuy vậy, thật là khó phân chia thế giới cho bình đẳng: chín mươi phần trăm tỉ phú trên thế giới vẫn là nam giới. Trong số những người siêu giàu, chỉ có mỗi một người đàn bà, Doris F.Fisher, đồng sáng lập công ty Gap, người đã tạo ra sự giàu có chứ không phải được thừa kế. Nam giới tiếp tục chiếm ưu thế trong những công việc được trả lương cao nhất trong các lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật, ngân hàng, đầu tư, và kỹ thuật cao- những lĩnh vực nắm giữ quyền lực trong kinh tế và tạo ra của cải nhiều nhất. Phụ nữ vẫn còn phải đương đầu với những trở ngại hữu hình trong khoảng cách về tiền lương, trong những khó khăn và mâu thuẫn giữa sự nghiệp, công việc và gánh nặng sinh đẻ, chăm sóc con cái.
Tuy vậy, việc đạt được một nền giáo dục tốt hơn cuối cùng đã có thể tạo điều kiện cho nữ giới thu hẹp khoảng cách về thu nhập, tấn công những rào chắn vô hình, giành được một vị trí bình đẳng trong khi viết lại những quy tắc luật lệ của công ty, của chính phủ, và xã hội. “Nữ giới có khả năng tốt hơn trong việc bày tỏ những yêu cầu của xã hội đối với con người. Họ có khả năng chú ý, quan tâm tới mọi việc, thích nghi với quy tắc và luật lệ, có năng lực ngôn ngữ tốt, và giải quyết tốt quan hệ giữa các cá nhân với nhau ở nơi làm việc”. James Garbarino, giáo sư về bộ môn Phát triển Con người ở Trường Đại học Cornell nhận định như vậy trong tác phẩm “Tại sao con trai trở nên hung bạo và ta có thể giúp đỡ chúng như thế nào?”
Những vấn đề của nam giới không nhất thiết chỉ là sự đảo ngược vị trí so với nữ giới. Có những nhà hoạt động nữ quyền cho rằng mối nguy hiểm trong việc phát hiện những vấn đề đang xảy ra cho nam giới là nhìn nhận một cách sai lầm về sự mở rộng cơ hội cho nữ giới như thể đó là một nhân tố gây bất lợi cho nam giới. Bằng cách đối xử tệ hơn với nữ giới, người ta thậm chí có thể khiến tỉ lệ giới tính trong dân số thay đổi, và đó là một nguy cơ. Khó có thể nói rằng nước Mỹ đã đạt đến chỗ hoàn toàn có thể cung cấp những cơ hội bình đẳng cho nữ giới.
Dù vậy, nếu như sự tách rời của nam giới và sự phụ thuộc kinh tế tiếp tục, thì ngày càng nhiều người đàn ông trở thành những người bị mất mát trong nền kinh tế toàn cầu hóa vốn dựa trên những năng lực tinh thần hơn là thể chất. Sự tăng trưởng không cân bằng giữa kinh tế và giáo dục có thể tạo ra những biến động xã hội, làm thay đổi ngân sách gia đình, chính sách xã hội, và thực tiễn của những gia đình công nhân. Một số lượng lớn đàn ông đang bị loại bỏ dần khỏi thị trường lao động, lẩn quẩn với cương vị làm cha, và bị tách biệt với đời sống công dân. Từ 1964, tỉ lệ nam giới trong những người tham gia bầu cử tổng thống đã giảm từ 72% xuống còn 53%, gấp hai lần tỉ lệ giảm sút trong nữ giới. Từ thập kỷ 60 về sau, số phụ nữ đi bầu đã cao hơn số nam giới.
Sự tuột dốc của con trai còn đe dọa làm giảm sút thu nhập của nam giới, gây thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề, và tạo ra một sức ép trong vấn đề hôn nhân đối với phụ nữ da trắng như đã từng xảy ra đối với phụ nữ da đen. Trong số người Mỹ gốc Phi, 30% những người ở độ tuổi 40-44 chưa bao giờ kết hôn, một phần là do thiếu những người đàn ông có cùng học vấn và tiềm năng kinh tế. Hiện nay, tỉ lệ chưa bao giờ kết hôn của phụ nữ da trắng cùng độ tuổi trên là 9%. Phụ nữ đang ngày càng vượt lên trước nam giới, và rồi đến lúc muốn xây dựng gia đình, họ tìm kiếm mỏi mắt không ra đối tượng của mình: “Bọn đàn ông đâu hết cả rồi nhỉ?”
Các xí nghiệp cũng có mối lo lắng tương tự. Trong thời kỳ bùng nổ dân số, sự thiếu hụt gay gắt nguồn nhân lực chỉ xảy ra trong số lao động trình độ cao – một vấn đề thường được giải quyết bằng cách thuê mướn lao động nhập cư. Khi kinh tế phục hồi, sự thiếu hụt kỹ năng lao động có thể làm suy yếu năng suất lao động của công nhân và làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.
Những người đàn ông có học vấn tốt hơn cũng có cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều. Họ có nhiều cơ hội hơn trong việc xây dựng gia đình, được con cái quấn quýt, và tạo ra nhiều của cải cho xã hội hơn (do thu nhập cao và đóng thuế cao hơn). Từ 18 đến 65 tuổi, trung bình một người đàn ông đã tốt nghiệp đại học kiếm được 2,5 triệu đôla, nhiều hơn đến 90% so với một người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Thông qua thuế thu nhập cá nhân, một người có bằng đại học trong cả cuộc đời lao động của mình còn đóng góp cho đất nước nhiều hơn bốn lần so với một người chỉ có học vấn phổ thông. Hơn thế nữa, đối với một người bỏ học từ thời trung học, ngân sách xã hội còn phải chi cho anh ta 40,000 USD nhiều hơn số tiền thuế mà anh ta đã đóng.
Hẳn nhiên, nhiều trẻ em trai vẫn tiếp tục chinh phục được những đỉnh cao học vấn, nhất là những đứa trẻ sinh trưởng trong những gia đình cha mẹ có học vấn và thu nhập cao. Nhìn chung, con trai vẫn làm tốt hơn những bài thi chuẩn như là bài thi SAT (Scholastic Aptitute Test), dù rằng trong những người tham gia kỳ thi, số nữ sinh thuộc những gia đình thu nhập thấp bao giờ cũng nhiều hơn số nam sinh có hoàn cảnh tương tự, điều này dẫn đến tổng điểm bình quân của giới nữ bị kéo xuống so với phái nam. Nhiều nhà giáo dục cũng tin rằng bài kiểm tra trắc nghiệm tạo ra lợi thế hơn cho phái nam, bởi vì phái nữ có xu hướng suy nghĩ rộng hơn và phức tạp hơn. Nhưng lợi thế này cũng đang bị giảm sút bởi vì ngày nay nhiều trường đại học xem trọng điểm số học tập của học sinh hơn là điểm thi, mà trong lãnh vực này thì nữ giới xuất sắc hơn nhiều.
Tuy vậy, không phải là nữ giới không có những vấn đề nan giải phải đương đầu, mà những vấn đề này lại thường là khó phát hiện hơn, bởi vì nữ giới có nhiều khả năng đồng hóa sự tự trọng với việc làm khổ mình do quá cầu toàn trong mọi việc. Trong lúc con trai có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng quả đấm, thì con gái dùng miệng lưỡi. Keith Gate, một học sinh nam 15 tuổi của trường Ottumwa nói: “Chúng tôi lúc nào cũng gặp rắc rối. Còn bọn con gái thì chẳng bao giờ!”.
Trước khi các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các công ty xí nghiệp có thể thu hẹp được khoảng cách giới tính, họ sẽ phải hiểu rõ vô số nguyên do của tình trạng này. Mọi thứ từ sự vắng mặt người cha trong việc nuôi nấng con cái đến sự thiếu vắng giáo viên nam đều góp phần tạo ra tình trạng ấy. Cũng như vậy, những chương trình đầy tính bạo lực trên tivi rõ ràng là có liên quan tới những lối xử sự gây hấn của trẻ. Nhà trường, một cách không cố ý, cũng có một vai trò to lớn trong cảnh thua cuộc của con trai, họ tưởng rằng bọn chúng đang làm mọi việc rất tốt, dù là mọi số liệu đều đang chứng minh điều ngược lại. Một số nhà giáo dục cho rằng đó chỉ là một tình trạng không mấy quan trọng và có thể thay đổi. Một số khác thì chỉ đơn giản là từ chối nhìn vào sự thật ấy. Thật vậy, nhiều nhà quản lý cho rằng vấn đề chính là nằm ở bọn con trai, chứ không phải ở cách mà nhà trường đối xử với chúng.
Cách đây ba mươi năm, các chuyên gia giáo dục đã khởi động một chương trình được gọi là “Dự án Phát triển Phụ nữ”. Mục tiêu cao quý của dự án là giúp các nữ sinh vượt qua nhược điểm của họ trong việc học toán và các môn khoa học, xây dựng lòng tự tin, và đem lại cho họ một thông điệp không thể nghi ngờ: mọi cơ hội đều thuộc về các bạn, hãy giành lấy nó! Nhà trường tập trung xây dựng những chương trình học có chú ý đến đặc điểm nữ giới và đưa ra những phương pháp giảng dạy thích hợp. Nữ sinh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ cuộc vận động của phụ nữ nói chung và các điều luật về bình đẳng giới, những thứ tạo ra một môi trường pháp lý mà sự phân biệt đối xử với nữ giới từ lớp học cho đến sân vận động sẽ bị phạt nặng. Khi xiềng xích bị chặt đứt, phụ nữ đã vươn tới một tầm cao vô cùng đáng kể!
Một số người bênh vực cho “nam quyền” đi xa tới mức dám chắc rằng nhà trường đã trở thành “phòng thí nghiệm “vùi dập” phái nam”. Luật không khoan thứ đối với quấy rối tình dục đã chi phối nhà trường mạnh mẽ bằng cách công khai làm lớp học thành ra ủy mị, nhu nhược.
Những nỗ lực “chín sớm” này, ở những trường chịu áp lực hoặc là phải chứng tỏ tất cả mọi trẻ em cùng độ tuổi đều có thể đạt một thành tựu như nhau, hoặc là mất nguồn tài trợ, lại càng tai hại hơn cho con trai. Thậm chí dây thần kinh ngón tay của con trai cũng phát triển chậm hơn so với con gái, khiến chúng khó khăn hơn trong việc cầm cây viết và có được nét chữ viết tay cho đẹp. Những nét khác biệt thuộc về sự phát triển tự nhiên này thường loại con trai ra khỏi cuộc chơi một cách không công bằng, vì sự chậm chạp hoặc lầm lì, ít nói của chúng, và những điều này đã gieo mầm cho sự chán ghét nhà trường ngay từ những lớp đầu cấp.
Người ta nhận định rằng thay vì phục vụ cho kiểu học của con trai, nhiều trường đã đúc nặn chúng trong một cái khuôn tính cách trái tự nhiên. Sự thống trị của mô hình ngồi-im-và-lắng-nghe chẳng tốt đẹp gì cho cả hai phái nam và nữ. Nhưng nữ giới còn có thể thỏa hiệp với mô hình đó dễ dàng hơn so với nam giới. Con gái có nhiều năng lực giác quan phức tạp và năng khiếu bén nhạy để giải mã chính xác điều mà giáo viên muốn trong lúc con trai có khuynh hướng chống lại sự độc đoán, cạnh tranh nhiều hơn và do đó chịu đựng nhiều rủi ro hơn. Chúng thường chẳng màng đến những tiểu tiết kiểu như viết tên mình cho đúng chỗ mà thầy giáo đã hướng dẫn chẳng hạn.
Các chuyên gia nói rằng các nhà giáo dục đã không làm đầy đủ những gì cần thiết để điều chỉnh tình hình, dựa trên những kết quả nghiên cứu gần đây nhất về những khác biệt giới trong vấn đề phát triển. “99,99% giáo viên chưa hề được đào tạo về điều này!”. Michael Gurian, tác giả cuốn “Con trai và con gái học tập một cách khác nhau” đã nói như vậy. “Cách đây hai mươi năm họ đã được dạy rằng giới tính chẳng qua chỉ là vấn đề chức năng xã hội mà thôi”.
Thực ra, những nghiên cứu về thần kinh học trong thập kỷ vừa qua đã khám phá ra thần kinh của nam và nữ thực hiện chức năng của mình một cách khác nhau như thế nào. Từ rất sớm, con trai đã có nhận thức tốt hơn về không gian và sớm làm chủ được năng lực nhìn sự vật trong không gian ba chiều. Chúng cũng thường bị kéo vào những trò liên quan tới chuyển động mạnh và bạo lực. Thay vì hạn chế sự phát triển của con trai bằng cách tổ chức lại những ứng xử vượt quá tầm của chúng, có lẽ tốt hơn là dạy cho chúng cách kềm chế những năng lượng này một cách có hiệu quả và có lợi cho sức khỏe.
Kết quả là quá nhiều con trai bị chẩn đoán là bị rối loạn năng lực chú ý hoặc rối loạn do hiếu động thái quá. Người Mỹ- chủ yếu là nam giới- hiện nay tiêu thụ 80% nguồn cung của thế giới về thuốc kích thích, thường được biết dưới tên chung là Ritalin. Con số này đã tăng đến 500% trong thập kỷ qua. Có những trường trung học có đến 20-25% nam sinh nghiện ma tuý. Paul Wolpe, giáo sư tâm thần học Trường Đại học Pennsylvania nhận định: “Ritalin là một cách đáp ứng đối với hoàn cảnh xã hội giả tạo mà chúng ta xây dựng nên cho trẻ em”.
Thay vì đề nghị một phương thuốc, các chuyên gia cho rằng các nhà giáo dục nên tập trung vào việc giúp cho con trai bớt cảm thấy mình là một cái gì không thích hợp. Người ta đang thiết kế những chương trình học thích hợp, chú trọng đến việc giải quyết vấn đề hơn là chỉ để thi cử. Điều này tất nhiên có lợi cho cả hai giới, nhưng đặc biệt là nam giới, vì nó tạo điều kiện học tập thông qua hoạt động chứ không chỉ qua nghe và nói. Hoạt động được hướng tới cá tính và mức độ quan tâm của trẻ em. Chẳng hạn con trai có thể học toán thông qua đếm các quả thông, học sinh vật thông qua đám bùn ở trong ao. Chúng có thể đọc Harry Potter thay vì đọc Căn nhà nhỏ trên thảo nguyên, và viết về cuộc tấn công của người ngoài hành tinh vào một bệnh viện thay vì phải viết về cách chăm sóc những người bệnh trong đó. Nếu thấy chán, chúng có thể bỏ giờ học để tới một trung tâm hoạt động được cung cấp đầy đủ máy vi tính và những dụng cụ trực quan phục vụ cho bài giảng.
Việc chú ý đến cảm xúc của con trai cũng có thể dẫn tới những kết quả đáng khích lệ. Rebecca Marcon, nghiên cứu viên Trường Đại học Bắc Florida, trong một dự án nghiên cứu về các trường trung học ở Washington, đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ trai ở nhà trẻ và mẫu giáo tỏ ra có cảm xúc và kỹ năng xã hội –trái với những đứa chỉ vùi đầu vào việc học- thì học tốt hơn nhiều khi vào trung học.
Thực ra, những nghiên cứu về thần kinh học đã cho thấy là trên thực tế con trai bẩm sinh đã mạnh mẽ hơn, dễ cảm xúc hơn, cảm nhận nhiều ý nghĩa hơn so với con gái. Nhưng tập hợp các chuẩn mực đạo đức mà cộng đồng xã hội quy định cho con trai đã nhấn chìm chúng trong một thứ văn hóa khắc kỷ và dè dặt trong sự bộc lộ, những thái độ này thường được xã hội hóa và trở thành bản chất thứ hai của chúng. Pollock nhận định: “Giờ đây chúng ta có những nhà điều hành bỏ ra hàng ngàn đô la mỗi tuần để học trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence), những thứ mà thực tế là con trai đã có từ lúc chào đời”.
Khoảng cách giới tính cũng có nguồn gốc từ khoảng cách trong những kỳ vọng người ta đặt ra cho mỗi giới. Trong thập kỷ 70, con trai có nhiều khả năng hoàn thành bằng đại học hơn nhiều so với con gái. Ngày nay, kỳ vọng đặt ra cho con gái hầu như không còn bị giới hạn, trong lúc kỳ vọng về con trai lại tuột dốc thảm hại. Thậm chí có cảm giác rằng con trai ngày nay là một thế hệ phải chịu sự trả giá – những kẻ phải đền bù cho các thứ ưu quyền mà nam giới đã được nhận trong quá khứ! Trong thực tế thì đặc điểm mới ấy thường được những đứa con trai được kỳ vọng là phải đứng đầu nhận thức như một sự thất bại. “Các bạn tôi ở trường trung học chẳng quan tâm gì tới việc học, vì họ chẳng hề thấy giá trị của việc học ở đại học”. Joe Clabby, sinh viên năm thứ ba Đại học New York nhận xét như vậy. Chỉ một nửa trong số các bạn thời trung học của anh là vào đại học mà thôi.
Họ sẽ phải đương đầu với một thế giới hoàn toàn khác với cái thế giới mà cha họ đã đương đầu. Không có bằng đại học, họ sẽ khó khăn hơn trong việc tìm một việc làm lương khá. Những vị trí của họ càng ngày càng rơi vào tay phụ nữ nhiều hơn. Bộ phận dịch vụ, nơi phụ nữ chiếm 60% tổng số lao động, đã tăng đến 260% từ thập kỷ 70. Trong cùng thời kỳ này, khu vực sản xuất, nơi nam giới chiếm 70% lao động, đã co lại đến 14%.
Những người đàn ông này cũng có nhiều khả năng kết hôn với những người phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn họ. Ngay cả trong lúc nạn thất nghiệp phục hồi, làn sóng phụ nữ vẫn tiếp tục tăng trưởng, với khoảng cách thu nhập so với nam giới nhỏ nhất trong lịch sử, trong lúc thu nhập của nam giới chưa kịp xoay trở để bắt kịp đà lạm phát. Tình trạng suy thoái đã đánh vào nền công nghiệp coi nam giới là trung tâm như các ngành kỹ thuật và sản xuất cơ khí, khiến nam giới rơi vào cảnh thất nghiệp nhiều gấp đôi so với nữ giới trong thời gian từ năm 2000 đến 2002.
Các nhà hoạt động nữ quyền tranh đấu cho sự bình đẳng của nữ giới trong nhà trường những năm đầu thập kỷ 80, 90 nói rằng: Điều gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ được chú ý hơn trong 10 hoặc 20 năm tới? Liệu điều đó có đủ thay đổi bộ mặt bao nhiêu thế kỷ khuất phục của nữ giới? Hơn nữa, có gì sai trái trong việc phụ nữ vươn tới những vị trí hàng đầu, nhất là khi họ hoàn toàn xứng đáng? Nếu phụ nữ không có tới bảy tám người thư ký thì điều đó cũng không có nghĩa họ là những người kém đầu óc. Một khi tình trạng áp bức phụ nữ ngừng lại, họ sẽ triển nở toàn bộ tiềm năng của mình. Hơn nữa, nhiều nữ sinh nói rằng phần lớn động lực của họ có nguồn gốc từ cha mẹ và thầy giáo, những người thúc đẩy họ phải có bằng đại học để được bình đẳng, để kiếm được nhiều tiền và được kính trọng giống như nam giới. Tara Prout, chủ tịch hội học sinh trường Trung học Lawrence High nhận xét: “Bọn con gái có nhiều sáng kiến và hành động nhằm giải quyết khó khăn hơn. Họ không ngại làm việc. Nhiều đứa con trai trong trường tôi chỉ muốn kiếm điểm để vào đại học coi cho bảnh, chứ không muốn làm những việc khó nhọc thấp kém.”
Một thế giới mới đang mở ra cho nữ giới, nhưng trừ khi có những nỗ lực tương xứng để giúp nam giới tìm được sự thăng bằng, kết quả có thể là một thế giới cô đơn cho phụ nữ. Rốt cuộc, cần phải có đủ hai giới để làm một cuộc cách mạng về giới.
Người dịch: Phạm Thị Ly (2004)
Nguồn: The New Gender Gap, Business Week; New York, 26 May, 2003.
0 Comments