(Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VietnamNet ngày 02.01.2016)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/282319/hoi-chuong-canh-tinh-cho-doi-moi-giao-duc.html
Nhà báo Lê Hạnh: Quan sát và theo dõi biến động của giáo dục trong năm 2015, chị thấy nổi bật lên những điều gì?
Phạm Thị Ly: Tôi thấy giáo dục đang chuyển động mạnh. Điều nổi bật đáng chú ý là sự tham gia ý kiến của công luận vào những chính sách mới trong giáo dục. Rõ ràng là đã có một không gian rộng lớn hơn cho sự tham gia của người dân, và những ý kiến đó đã có một tác động nhất định đối với giới làm chính sách. Có nhiều ví dụ cho việc này, như vấn đề tuyển sinh, môn Sử, phong giáo sư, hay trường Kinh doanh công nghệ mở ngành y dược.
Những điều này có ý nghĩa gì? Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về đám đông, nhưng chắc chắn là mạng truyền thông xã hội đã khiến giới quản lý phải thận trọng hơn nhiều khi ban hành chính sách và ra quyết định. Điều này nhìn chung có ý nghĩa tích cực và đáng khích lệ. Tuy nhiên, những vụ ồn ào đó cũng đặt ra những vấn đề để các bên phải nhìn lại, trong đó có vấn đề tăng cường chất lượng của truyền thông giao tiếp.
Những bức xúc mạnh mẽ của công luận trong những vụ việc ồn ào này phản ánh một điều là, dường như sức chịu đựng của người dân với những bất cập trong giáo dục đã đi hết giới hạn, trong lúc niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới chưa được hình thành. Vì thế nhiều người đã phê phán như một quán tính, phê phán mà không dựa trên chứng cứ đáng tin cậy nào cả. Ví dụ có người khẳng định hùng hồn rằng tích hợp nghĩa là xóa bỏ môn Sử, mà không buồn thử tra thông tin trên Google xem tích hợp nghĩa là gì và trên thế giới này liệu có bao nhiêu nước đang xem môn Sử là môn học độc lập.
Điều này cho thấy áp lực đối với việc đổi mới ngày càng tăng, và cũng cho thấy việc đó sẽ phải đối diện với những thách thức gay gắt như thế nào. Một tín hiệu tốt là trong làn sóng ồn ào đủ mọi loại ý kiến, đã có những nhà báo làm việc với tinh thần trách nhiệm đáng khâm phục, như trường hợp nhà báo Nguyễn Kim Hải của Truyền hình Việt Nam, đã phối hợp với các đồng nghiệp thực hiện một phóng sự rất công phu về vấn đề môn Sử để giúp xã hội có một cái nhìn khách quan và nhiều chiều trên cơ sở thông tin đầy đủ về thực tiễn các nước.
Nhà báo Lê Hạnh: Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP HCM) tổ chức đầu tháng 12 vừa rồi, các chuyên gia giáo dục đưa ra nhận xét: Điều kiện và hoạt động sư phạm, giáo dục hiện nay theo cơ chế “3 độc”: độc quyền, độc bản, độc đạo”. Có phải xóa bỏ những thứ “độc” này mới là “mấu chốt” của đổi mới giáo dục?
Phạm Thị Ly: Xóa bỏ sự độc quyền là điều rất quan trọng nhưng chưa đủ. Thị trường giáo dục chủ yếu là thị trường của lòng tin, vì vậy trên thị trường giáo dục hiện nay, người học là một thứ người mua rất dễ bị tổn thương nhưng nhà nước đang có rất ít cơ chế bảo vệ họ. Tuy vậy, nhà nước không thể bảo vệ tốt cho người học nếu chỉ dựa trên những quy định cấm đoán đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo sư phạm. Nhà nước cần khích lệ “xã hội hóa” theo đúng ý nghĩa của từ này, tức không phải đơn thuần là trút gánh nặng tài chính lên vai người dân, mà là tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội đóng góp công sức, trí tuệ, ý tưởng, nguồn lực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục. Chấp nhận một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là một ví dụ. Điều này nói lên rằng Bộ GD-ĐT đã sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng, và đó là một điều cực kỳ quan trọng mà xã hội nên ghi nhận. Phải có sự đa dạng đó thì chúng ta mới có hy vọng giáo dục tiến tới gần hơn đòi hỏi của cuộc sống.
Tuy vậy, chúng ta kỳ vọng là cơ quan quản lý làm tốt hơn việc bào vệ người học bằng những thiết chế giúp bảo đảm chữ tín của các trường. Các trường có thể tuyên bố thứ gì tùy thích, miễn là họ có khả năng chứng minh những lời tuyên bố ấy là đúng với sự thật.
Nhà báo Lê Hạnh: Giáo viên phổ thông phản ứng rất mạnh với đổi mới. Điều này làm cản trở hay giúp phản tỉnh quá trình đổi mới giáo dục?
Phạm Thị Ly: Cả hai. Phản ứng đó cho thấy họ chưa sẵn sàng thay đổi cách nghĩ, cách làm, và nhất là chưa có động lực bước ra khỏi lối mòn xưa nay. Điều này cũng dễ hiểu, vì chính bản thân họ đã được nuôi dạy trong cái lối mòn giáo dục nhồi nhét và áp đặt, họ đã quen với nó như chúng ta quen với bầu không khí ta đang thở mỗi ngày. Khó nhất là thay đổi cách tư duy, thay đổi quan niệm. Nó chắc chắn là một thách thức to lớn cho quá trình đổi mới, nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy cái mới mà chúng ta đang muốn thực hiện, thực sự là khác biệt so với những gì chúng ta đang làm và đang có.
Khác biệt thì có thể là xấu hơn hay tốt hơn cái hiện tại. Về nguyên tắc thì trả lời câu hỏi cái khác biệt mà chúng ta dự định áp dụng là tốt hơn hay xấu hơn cái hiện tại, không phải là khó. Đặc biệt là vì chúng ta sống trong thời đại của công nghệ truyền thông toàn cầu hóa, tìm hiểu những kinh nghiệm tốt, những thành công hay thất bại của các nước khác là điều rất dễ dàng. Khó hơn nhiều là việc áp dụng cái mới ấy vào thực tế. Chúng ta từng chứng kiến có những điều rất bình thường ở nơi khác, khi áp dụng vào thực tế Việt Nam thành ra khó khăn và có thể biến dạng như thế nào.
Vì vậy, chúng ta không nên đánh giá thấp những cản ngại về mặt thay đổi tư duy của giáo viên. Phản ứng mạnh của giới giáo viên là một hồi chuông cảnh tỉnh để các nhà quản lý, giới làm chính sách có những bước đi thận trọng và hợp lý, và đặc biệt là phải chú trọng công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận. Cái quan trọng nhất của truyền thông là lời nói phải đi đôi với việc làm, nhất là trong bối cảnh lòng tin của mọi người đã bị xói mòn khá nhiều. Lòng tin là một thứ tài sản hữu hạn, khi nó đã cạn thì làm cho nó đầy lại là rất khó.
Nhà báo Lê Hạnh: Các chính sách giáo dục trong năm vừa qua (2015) gây bất ngờ tới nhiều phụ huynh, từ bậc tiểu học với thông tư 30, mô hình VNEN, bỏ thi đầu vào cấp 2, và đặc biệt là không ít phụ huynh nếm trải cảm giác căng thẳng chưa từng có của kỳ tuyển sinh đại học. Phải chăng, những thay đổi trong năm 2015 chưa được thực hiện trên những cơ sở khoa học vững chắc, có tầm nhìn, với phương thức triển khai khoa học, thận trọng và đứng trên quyền lợi số đông nên mới gây ra phản ứng như thế?
Phạm Thị Ly: Khó mà kết luận về tất cả những hiện tượng ấy chỉ trong một nhận định. Phản ứng mạnh mẽ của công luận trước những thay đổi nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, không phải chỉ là do những thay đổi ấy chưa có cơ sở, chưa có tầm nhìn, hay là chưa đủ thận trọng hoặc chưa đứng trên quyền lợi của số đông, mặc dù với một vài hiện tượng, thì có thể là như vậy.
Là những người ủng hộ đổi mới, chúng tôi đánh giá cao quyết tâm tạo ra thay đổi của Bộ GD-ĐT, đồng thời tin rằng chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều, nếu cải thiện cách thức thực hiện. Hai điểm quan trọng có thể cải thiện được ngay là xây dựng cơ chế tham vấn đối thoại và tổ chức truyền thông chuyên nghiệp. Một số chính sách được đưa ra thiếu tham vấn chuyên gia cho nên bộc lộ những thiếu sót bất cập đáng lẽ có thể tránh. Nói tới tham vấn chuyên gia, chúng ta cần nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia độc lập. Lý do là vì giáo dục động chạm tới hàng triệu gia đình và có liên quan tới nhiều bên khác nhau, trong đó có những nhóm lợi ích. Vai trò của các chuyên gia độc lập là đưa ra những nhận định khách quan, cân nhắc các phương án và hệ quả giúp các nhà quản lý có được những quyết định trên cơ sở thông tin đầy đủ. Sẽ chẳng bao giờ có quyết định nào làm hài lòng tất cả các bên trong một vấn đề liên quan tới rất nhiều bên như vấn đề đổi mới giáo dục. Vì vậy chúng ta phải chấp nhận ít nhiều rủi ro và va vấp bước đầu để có thể tạo ra thay đổi. Quan trọng là chúng ta học được gì từ những va vấp đó và chuẩn bị như thế nào để bớt đi những va vấp không đáng có.
Nhà báo Lê Hạnh: Cùng với những thay đổi “từ trên xuống” theo nghị quyết, nghị định, v.v.. trong đời sống giáo dục hiện nay cũng đang nổi lên hoạt động của các cá nhân, tổ chức, nhóm xã hội. Chị nhìn nhận như thế nào về tác động của các hoạt động này trong việc thúc đẩy một nền giáo dục lành mạnh?
Phạm Thị Ly: Sáng kiến Sách hóa Nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch và chuyến đi bộ 123 ngày của anh từ Hà Nội vào TPHCM để vận động xây dựng tủ sách phụ huynh, là một sự kiện làm lay động lòng người. Có hai điểm quan trọng đáng lưu ý trong sự kiện này: một là sáng kiến và nỗ lực của anh Thạch rất đáng trân trọng, và hai là sự công nhận của Bộ GD-ĐT đối với những nỗ lực ấy. Đây là một ví dụ tuyệt vời về sự gặp gỡ giữa nỗ lực từ dưới lên và thiện chí của những người làm chính sách trong hệ thống nhà nước. Thiếu một trong hai thì tác động của những nỗ lực đó sẽ bị hạn chế.
Nhiều nỗ lực tương tự của các cá nhân, tổ chức và nhóm xã hội cũng đang phát triển ngày càng mạnh, ví dụ như nỗ lực của các bạn trẻ tổ chức những hoạt động chia sẻ và gắn kết cộng đồng trên tinh thần khai phóng như dự án lớp học “1 tô hủ tíu” của bạn Phan Khắc Huy, nhóm Toa Tàu của họa sĩ Bút Chì ở TPHCM, hay dự án “Tôi xê dịch” của bạn Thu Hà và Giap school của TS. Giáp Văn Dương ở Hà Nội.
Tất cả những nỗ lực này đều là nhằm bổ sung cho những gì nền giáo dục chính thống của chúng ta còn thiếu, là những hành động mang tính chất thức tỉnh và cần được khích lệ. Nếu nói về quy mô, thì những nỗ lực này chỉ là muối bỏ biển, nhưng xét về ý nghĩa, nó nói lên sự thức tỉnh của một bộ phận tinh hoa trong xã hội. Quan trọng hơn, những thức tỉnh đó đã và đang được thể hiện bằng hành động, và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nhà báo Lê Hạnh: Tranh cãi, thảo luận, hay va đập lợi ích giữa các chủ thể khác nhau rồi cũng phải đến lúc quyết định “chốt” lại. Theo chị, năm 2016, điều gì vẫn cần thảo luận kỹ càng, điều gì có thể “chốt” được để thực hiện?
Phạm Thị Ly: Cải cách giáo dục phổ thông là vấn đề không thể chậm trễ hơn nữa. Thành tích thi PISA của Việt Nam, mặc dù đáng khích lệ, nhưng chúng ta không quên rằng PISA cũng chỉ là một trong nhiều loại thước đo và có những hạn chế của nó mà chúng ta phải lưu ý. Nói cách khác, thành tích PISA không phải là toàn bộ năng lực và kỹ năng mà lực lượng lao động của chúng ta cần đến trong việc phát triển xã hội và kinh tế. Vì thế, nó không phải là mục tiêu của giáo dục, không phải là thứ có thể thay thế cho năng lực cạnh tranh của con em chúng ta trên thị trường toàn cầu.
Cải cách giáo dục, hay là nâng cao chất lượng nguồn lực phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông. Chúng ta đã mất quá nhiều năm cho một nền giáo dục nhồi nhét và áp đặt. Hệ quả là, việc học đáng lẽ là một niềm vui đã bị chúng ta biến thành một thứ lao động khổ sai cho con em, đến nỗi vừa có một nghiên cứu thống kê cho biết, có đến 17% học sinh phổ thông từng có ý định tự tử. Học cực khổ như vậy, nhưng kết quả là có bao nhiêu thứ chúng ta học được trong trường có thể thực sự dùng được ngoài đời? Học cực khổ như vậy, nhưng năng suất lao động Việt Nam hiện nay thấp nhất trong khu vực, thua kém hàng chục lần so với Singapore, Hàn Quốc. Nếu sự học mà không gắn với tấm bằng và triển vọng việc làm, liệu còn ai muốn học?
Sở dĩ giáo dục phổ thông quá tải là vì chúng ta đã coi kiến thức là mục tiêu, cho nên nhồi nhét càng nhiều càng tốt, thứ gì cũng muốn học sinh chúng ta phải biết. Nhưng rõ ràng là trong thời đại công nghệ truyền thông ngày nay, và với đà tăng theo cấp số nhân của kiến thức, chúng ta không có cách nào nhồi nhét đủ kiến thức cho người học cả. Những kiến thức chúng ta dạy cho sinh viên năm thứ nhất, đến khi ra trường, có khi cũng đã lạc hậu. Vì vậy, câu hỏi đối với nhà tuyển dụng ngày nay không phải là bạn đã biết những gì, mà là bạn có khả năng học được những gì, và bạn có đủ những phẩm chất để có thể làm việc cùng với người khác, và với tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể hay không. Không phải là kiến thức, mà là năng lực tự học, năng lực giao tiếp, khả năng cảm thụ thẩm mỹ mới quyết định khả năng cạnh tranh và là những nhân tố bảo đảm sự sống còn của chúng ta ngày nay.
Chương trình GDPT tổng thể đã được xây dựng trên nền tảng ý tưởng biến một nền giáo dục nhồi nhét thành một nền giáo dục nhằm vào xây dựng và phát triển năng lực. Thay cho thầy giảng trò chép, nhà trường phải tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo ra một môi trường học tập trong đó học sinh được tham gia và trải nghiệm để hình thành những kỹ năng cần thiết.
Đó là một hướng đi đúng, mặc dù việc thực hiện nó sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là thay đổi cách nghĩ, cách quan niệm coi giáo dục là truyền đạt kiến thức. Nhưng vì đó là một hướng đi đúng và vì chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, cải cách chương trình và sách giáo khoa phổ thông sẽ là điều cần chốt lại để thực hiện càng sớm càng tốt. Điều có thể cần bàn thêm là cách thức tiến hành, sao cho việc đổi mới này thu hút được sự đóng góp trí tuệ của những người ưu tú nhất, và được chuẩn bị chu đáo hết mức có thể nhằm thuyết phục được sự đồng thuận của người dân.
Bộ GD-ĐT rất cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, nhưng lắng nghe không phải là đẽo cày giữa đường. Cần chuẩn bị để tiếp thu những đóng góp có lý và có ý nghĩa xây dựng, nhưng cũng cần kiên định những vấn đề có tính chất nguyên tắc và tăng cường đối thoại, truyền thông để đạt tới sự đồng thuận.
Nhà báo Lê Hạnh: Trong năm 2015, chị quan sát thấy những gì tích cực ở lĩnh vực giáo dục đại học? Theo chị, trong năm 2016, nếu chọn một giải pháp có tính mấu chốt để cải thiện chất lượng ở bậc đào tạo này, chị sẽ chọn điều gì? Tại sao?
Phạm Thị Ly: Tự chủ ĐH tiếp tục là vấn đề nóng, mặc dù tự chủ không phải là cây đũa thần tạo ra thay đổi trong GDĐH, lại càng không tự động dẫn đến chất lượng. Nhà nước đang đẩy mạnh chuyển một số trường công sang cơ chế tự chủ tài chính, nói cách khác là xem GDĐH như một dịch vụ và đặt các trường vào bối cảnh thị trường để các trường phải năng động hơn nhằm đáp ứng những đòi hỏi của xã hội. Thị trường có nghĩa là cạnh tranh, vì vậy các trường sẽ phải thay đổi mạnh mẽ trong chương trình và trong chính sách nhân sự để có thể tồn tại và phát triển.
Do đó tiếp tục hoàn thiện chính sách để bảo đảm quyền tự chủ thực sự của các trường là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, có vẻ như cả nhà nước lẫn các trường đều quá nhấn mạnh đến việc tăng cường mức độ tự chủ, hiểu theo nghĩa “có quyền làm việc này việc nọ mà không phải xin phép ai”, mà chưa chú trọng đầy đủ đến một khía cạnh cực kỳ quan trọng tạo ra sự quân bình trong việc mở rộng tự chủ, đó là trách nhiệm giải trình. Điều lệ Trường ĐH có hơn 20 ngàn từ thì chỉ có 110 từ nói về trách nhiệm giải trình, mà chủ yếu chỉ là trách nhiệm bảo đảm an ninh chính trị. Thậm chí văn bản này còn không sử dụng đúng khái niệm “trách nhiệm giải trình”, mà chỉ dùng từ “trách nhiệm xã hội” vốn là một từ không phản ánh đúng ý nghĩa của trách nhiệm giải trình.
Vì vậy nếu chọn một giải pháp mấu chốt để tăng cường chất lượng, tôi cho rằng cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình của các trường. Không phải chỉ là giải trình với các cơ quan quản lý hay các tổ chức kiểm định, mà còn là giải trình trước tất cả các bên liên quan của GDĐH, đặc biệt là người học và cha mẹ họ, những người đã trả tiền cho việc học ở trường tư hoặc đóng thuế để nuôi sống các trường công.
Nhà báo Lê Hạnh: Đổi mới mà nửa vời thì còn nguy hiểm hơn là không đổi mới. Đặc biệt với tư duy nhiệm kỳ, nghi ngại này không phải không có cơ sở. Chị có khuyến cáo gì để tránh đổi mới nửa vời?
Phạm Thị Ly: Thế nào là đổi mới nửa vời? Chúng ta không nên hy vọng thành quả của đổi mới sẽ đến qua một đêm. Làm sao có thể sáng mai thức dậy, mọi sự đâu vào đó, con em chúng ta vui vẻ hăng hái đến trường và học được những điều quý giá mà nếu như không đến trường thì khó mà có được.
Không, sẽ không bao giờ có cuộc đổi mới nào dễ dàng như vậy. Chúng ta không quên rằng nền giáo dục nhồi nhét này đã có lịch sử từ rất lâu, và sẽ rất khó thay thế nó ngày một ngày hai. Vì vậy, chắc chắn là chúng ta sẽ cần đến nhiều năm, cần sự tham gia của rất nhiều người để có thể đạt đến một nền giáo dục mà chúng ta mong muốn. Với một chặng đường dài như vậy, thì mỗi một bước tiến đều đáng quý. Chúng ta có thể đi nhanh hay đi chậm, tùy thuộc vào nguồn lực mà chúng ta có, tùy thuộc vào mức độ chính phủ có thể thuyết phục được người dân, tùy thuộc vào mức độ tham gia và ý thức trách nhiệm của từng người dân đối với cuộc đổi mới này, nhưng điều tuyệt đối quan trọng, là chúng ta đang đi đúng hướng. Nếu sai hướng thì bao nhiêu tiền bạc, công sức, nỗ lực cũng chỉ là đổ sông đổ biển mà thôi. Là người đọc rất kỹ Chương trình GDPT Tổng thể, tôi có một niềm tin chắc chắn rằng hướng đi đó là đúng, và phù hợp với xu thế quốc tế. Vấn đề chỉ là chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào mà thôi.
Vì vậy, không có vấn đề nửa vời ở đây. Nếu chúng ta nói như thế, nhưng làm không phải như thế, thì đó lại là vấn đề khác, không phải là câu chuyện nửa vời. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ cho lực lượng giáo viên. Bởi vì đổi mới phương pháp và mục tiêu giáo dục thực chất sẽ diễn ra trong từng lớp học, cho nên điều đáng lo ngại nhất chính là vấn đề giáo viên. Tập huấn, hướng dẫn tất nhiên là cần, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn là tạo ra động lực làm việc cho họ.
0 Comments