Phạm Thị Ly (2015)
(Bản ngắn hơn đăng trên Thời báo Kinh tế Saigon số ra ngày 04.10.2015. Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/136368/Giao-tron-quyen-bo-nhiem-giao-su-cho-cap-truong-Bao-gio-va-nhu-the-nao.html)

Sự kiện Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TĐT) dự định tự tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm giáo sư (GS) trong khi chưa có văn bản chấp thuận cụ thể của Bộ GD-ĐT gây nên nhiều tranh luận trong tuần qua, sau này rất có thể sẽ được ghi vào lịch sử phát triển GDĐH Việt Nam, vì nó đã và đang trở thành tâm điểm của những xung đột quan điểm và/hoặc lợi ích, bộc lộ những vấn đề có ý nghĩa cơ bản hơn nhiều.

Tóm tắt bức tranh toàn cảnh

Thống kê đến ngày 24.09.2015, sau chỉ một tuần lễ, đã có ít nhất 30 bài viết trên các báo hoặc trên mạng xã hội thể hiện nhiều quan điểm trái chiều về sự kiện này, chưa kể hàng ngàn lượt bạn đọc bình luận sôi nổi trên báo mạng, trên các mạng xã hội, tranh cãi giữa hai xu hướng ủng hộ hay không ủng hộ trường TDT làm điều này. Có ít nhất 41 người thuộc giới khoa bảng trong và ngoài nước đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan điểm, trong đó có 5 người đã và đang là giáo sư ở nước ngoài.

Tựu trung có ba luồng ý kiến chính: (i) Ủng hộ TĐT vô điều kiện; (ii) Ủng hộ Trường tự bổ nhiệm GS, nhưng có điều kiện; và (iii) Hoàn toàn không ủng hộ. Luồng ý kiến thứ hai có thể chia ra thành hai ý kiến cơ bản: Ủng hộ giao quyền tự bổ nhiệm GS nhưng không phải là bắt đầu bằng TĐT, và ủng hộ giao quyền tự bổ nhiệm GS, nhưng không phải là bây giờ. Một ý kiến ủng hộ có điều kiện, nhưng không thuộc hai trường hợp này, là ý kiến của TS. Phạm Thị Ly & Trần Thanh Dũng, cho rằng cần phải nhìn vào thực tế việc làm của TĐT để đánh giá.

Ngoài những ý kiến nói trên, có một luồng ý kiến khác không trực tiếp ủng hộ hay phản đối, nhưng làm rõ những quan niệm về giáo sư và thực tiễn quốc tế trong những yêu cầu đối với GS hoặc thủ tục bổ nhiệm GS, như ý kiến PGS. Nguyễn Vũ Tùng hoặc GS. Nguyễn Ngọc Lanh.

Bảng 1 sau đây cho chúng ta một hình dung toàn cảnh.

STT NGƯỜI PHÁT NGÔN

Quan điểm

Ghi chú về người phát ngôn

Ủng hộ TDT tự bổ nhiệm GS

Ủng hộ có điều kiện

Hoàn toàn không ủng hộ Chức vụ, nơi làm việc Thành phần: Hàn lâm Thành phần: Quản lý
Ủng hộ trường tự bổ nhiệm nhưng không phải là bắt đầu bằng TDT Ủng hộ trường tự bổ nhiệm nhưng không phải là bây giờ
1 PGS. Nguyễn Hoàng Ánh 1 ĐH Ngoại thương 1
2 TS. Nguyễn Cam 1 ĐH Sư phạm HCM 1
3 GS. Ngô Bảo Châu 1 1 ĐH Chicago (Mỹ) 1
4 TS. Nguyễn Quốc Chính 1 1 ĐHQG-HCM 1
5 GS. Bạch Thành Công 1 1 HĐCDGSNN 1
6 PGS. Văn Như Cương 1 Trường LTV 1
7 GS. Nguyễn Đức Dân 1 ĐH KHXHNV 1
8 Nguyễn Ngọc Đệ 1 ĐH Cần Thơ 1
9 GS. Nguyễn Đình Đức 1 ĐHQGHN 1
10 Ô. Huy Đức 1 nhà báo 1
11 GS. Nguyễn Hữu Đức 1 1 ĐHQG HN 1
12 Nguyễn Kim Dung 1 ĐHSP HCM 1
13 GS. Vũ Minh Giang 1  ĐHQG HN 1
14 GS. Nguyễn Hay 1 1 HT ĐH Nông Lâm 1
15 TS. Nguyễn Minh Hòa 1 ĐHQGHCM 1
16 GS. Nguyễn Đăng Hưng 1 ĐH Liège (Bỉ) 1
17 B. Trần Thị Quốc Khánh 1 Quốc hội 1
18 GS. Phan Huy 1 1 ĐHQGHN 1
19 GS. Ngô Văn Lệ 1 1 ĐHKHXHNV 1
20 GS. Đặng Lương 1 1 ĐH Hosel, (Nhật) 1
21 GS. Phạm Duy Nghĩa 1 1 1 CTKT Fulbright 1
22 PGSTS Trần Xuân Nhĩ 1 nguyên Thứ trưởng 1
23 GS. Bùi Mạnh Nhị 1 HĐCDGSNN 1
24 GS. Mai Trọng Nhuận 1 ĐHQG HN 1
25 GS. Nguyễn Đông Phong 1 HT ĐH Kinh tế 1
26 PGS. Nguyễn Thái Phúc 1 Học viện Tư pháp 1
27 TS. Lê Đông Phương 1 Viện KHGD 1
28 TS. Trần Lê Quan 1 HP.ĐHKHTN 1
29 GS. Trần Quang Quý 1 nguyên Thứ trưởng 1
30 GS. Mai Hồng Quỳ 1 HT ĐH Luật 1
31 GS.Võ Văn Sen 1 HT ĐHKHXHNV 1
32 Nguyễn Khánh Sơn 1 ĐH Việt Đức 1
33 PGS. Trần Hữu 1  ĐH Sư phạm HCM 1
34 Ô. Trịnh Ngọc Thạch 1 Quốc hội 1
35 Ô. Nguyễn Hải Thập 1 Bộ GDDT 1
36 GS. Nguyễn Minh Thuyết 1 1 Quốc hội 1
37 GS. Võ Văn Tới 1 ĐHQGHCM 1
38 PGS. Nguyễn Thiện Tống 1 ĐH Bách Khoa 1
39 GS. Nguyễn Văn Tuấn 1 ĐH UNSW (Úc) 1
40 GS. Phạm Quang Tuấn 1 ĐH UNSW (Úc) 1
Cộng 13 12 12 16   17 24

Những luận điểm chính

1 . Về phía những người chủ trương, TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng TĐT, TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng NCKH, ông Nguyễn An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức nhà trường, phát biểu trên báo chí khẳng định rằng:

  • Trường xây dựng tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm theo những chuẩn mực quốc tế;
  • Trưởng bổ nhiệm chức vụ GS nhằm phục vụ hoạt động nội bộ chứ không phong học hàm GS; và
  • Việc làm này không trái luật là do thực hiện Khoản 2.b, Mục II, Điều 1 của Quyết định 158, ngày 29/01/2015 của Thủ tướng về việc trao quyền tự chủ cho nhà trường. Mục này nêu nội dung đổi mới hoạt động của nhà trường bao gồm: “Tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức”.
  1. Những người ủng hộ TĐT vô điều kiện dựa trên quan điểm sau đây:
  • Cần trả lại ý nghĩa của từ “giáo sư” theo cách hiểu theo thông lệ quốc tế, tức là một chức vụ chuyên môn gắn với những bổn phận trách nhiệm nhất định, đòi hỏi một tiêu chuẩn trình độ và thành tích chuyên môn nhất định, vì vậy, nó tự động hết giá trị khi việc thực hiện những bổn phận trách nhiệm đó không còn nữa; thay cho cách hiểu hiện nay coi GS là một phẩm hàm, ghi nhận sự xuất sắc, gắn với một số đặc quyền, và có giá trị suốt đời.
  • Cần xem việc bổ nhiệm GS là thuộc quyền của nhà trường, là một bộ phận thiết yếu của tự chủ ĐH.
  • Quy trình và tiêu chuẩn hiện tại của HĐCDGSNN có nhiều điểm bất cập phải được cải thiện. Cần xây dựng những tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm giáo sư phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đưa các trường ĐH của Việt Nam hội nhập vào sân chơi toàn cầu.
  • Trường TĐT đang có những phát triển nổi bật về thành tích nghiên cứu, có sự cố vấn của những giáo sư có uy tín và kinh nghiệm ở nước ngoài.
  1. Những người hoàn toàn không ủng hộ đưa ra quan điểm sau đây:
  • Không thể tồn tại hai hệ thống GS vì sẽ gây ra nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm;
  • Cần bảo đảm tiêu chuẩn thống nhất đối với danh hiệu GS;
  • Có nhiều lo ngại về việc lạm phát GS do rất khó kiểm soát sự liêm chính và bảo đảm tiêu chuẩn học thuật;
  • Phải bảo đảm kỷ cương luật pháp vì nhà trường là một tổ chức nhà nước và chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Điều 71 Luật Giáo dục 2005 nêu rõ Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Khoản 2 Điều 54 Luật GDĐH quy định các chức danh của giảng viên là trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Vì vậy nhà trường không thể tùy tiện đặt ra chức danh và tiêu chuẩn.
  1. Những người ủng hộ giao quyền tự chủ bổ nhiệm cho nhà trường với những điều kiện nhất định, như nói trên, bao gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất ủng hộ việc giao quyền tự chủ trong bổ nhiệm GS nhưng không ủng hộ việc bắt đầu từ Trường TĐT. Lý do được đưa ra là:

4.1.1. Trường hiện nay có 2 GS và 8 PGS trên tổng số 619 giảng viên, tỉ lệ1,6%. Có 10/14 ngành không có một GS, PGS nào. Cử nhân chiếm 24,7% tổng số giảng viên. Vì vậy Trường chưa có đủ lực lượng hàn lâm để thực hiện bổ nhiệm GS

4.2.2. Một số hành động của Trường TĐT gây nghi ngại về việc thực hiện chủ trương này. Cụ thể là: ông Lê Vinh Danh hiệu trưởng nhà trường tự ký quyết định bổ nhiệm GS cho mình năm 2013, bất chấp quy định của nhà nước là thẩm quyền công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS thuộc về HĐCDGSNN, trong lúc nhà trường chưa có quy chế tự chủ và cũng chưa xây dựng quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư. TS. Lê Văn Út phát biểu rằng Trường có thể phong GS cho người ngoài trường nếu họ có nhu cầu và đạt tiêu chuẩn. Hai điều này trực tiếp mâu thuẫn với quan điểm mà Trường đã phát biểu là (i) xem giáo sư như một chức vụ chuyên môn trong hệ thống giảng dạy nghiên cứu, sử dụng trong nội bộ nhà trường, và (ii) bổ nhiệm giáo sư theo các chuẩn mực quốc tế.

4.2.3. Có bốn câu hỏi chưa có câu trả lời đối với trường hợp TĐT: (i) quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm của họ là gì; (ii) những ai hiện diện trong hội đồng xét chọn đánh giá của họ; (iii) kết quả là họ đã bổ nhiệm cho những người nào, trên cơ sở những thành tích gì, kết quả này có nhất quán với quy trình và tiêu chuẩn mà họ đã đề ra, và uy tín thực sự của những người được bổ nhiệm có sức thuyết phục hay không; và (iv) chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc, đòi hỏi trách nhiệm dành cho những giáo sư được bổ nhiệm như thế nào. Vì vậy chúng ta không có cơ sở để có thể đánh giá được là việc tự bổ nhiệm giáo sư ở TĐT có đáng được ủng hộ hay không.

4.2. Những người ủng hộ giao quyền xét công nhận đủ tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS cho cấp trường, nhưng không phải là bây giờ, đưa ra quan điểm:

4.2.1. Để tránh hỗn loạn, việc giao quyền tự chủ cần thực hiện có lộ trình, xem xét điều kiện cụ thể của từng trường, có sự giám sát của nhà nước, và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, và đi từng bước, tức là giao cho một số trường đủ điều kiện làm trước, chứ không làm đại trà, đồng loạt.

4.2.2. Hiện nay những điều kiện nói trên chưa chín muồi, vì trước hết cần sửa Luật Giáo dục và Luật GDĐH, như đã nói ở phần trên, và cần phải có những đề án hòan chỉnh trước khi thực hiện.

Bình luận, xu hướng và vấn đề

Phần tóm tắt trên đây là những luận điểm chính được giới khoa bảng nêu ra trong vòng một tuần lễ vừa qua trên các báo và mạng xã hội. Tất nhiên còn có những luận điểm thuộc loại “con voi ở trong phòng” nhưng chúng ta sẽ không đề cập, vì chưa có chứng cứ cụ thể.

Những thảo luận sôi nổi trên đây cho thấy nhiều vấn đề.

Tinh thần của một xã hội công dân và không gian cho những quan điểm khác biệt

Trước nay chúng ta ít khi thấy nhiều quan điểm trái chiều cùng được đưa ra trên báo chí nhà nước. Trong vấn đề này, chúng ta thấy nhiều tiếng nói khác biệt. Không chỉ trên các mạng xã hội, mà là trên các báo “chính thống”, ngay cả trong một tờ báo, cũng phản ánh những quan điểm khác biệt.

Cuộc thảo luận này cũng cho thấy một số ngộ nhận phổ biến: nhiều người nghĩ rằng hệ thống bổ nhiệm GS hiện nay của Việt Nam là không giống ai, thật ra, nó gần với mô hình của Pháp, Đức và một số nước Đông Âu. Có lẽ, cái “không giống ai” của Việt Nam không phải là ở mô hình, mà là ở chỗ hai phần ba giáo sư không làm giảng dạy và nghiên cứu. Một ngộ nhận khác là bất cứ thứ gì thể hiện quyền tự chủ của các trường đều là tốt; thật ra nếu không gắn với trách nhiệm giải trình, thì tự chủ sẽ lập tức biến thành tùy tiện.

Thực tế là tất cả các quan điểm đã nêu trên đây, từ ủng hộ tuyệt đối, ủng hộ có điều kiện, hay phản đối hoàn toàn, đều có thể phản bác một cách thuyết phục. Tuy ít ai đưa ra số liệu, chứng cứ cho quan điểm của mình, ngoại trừ một số ít trường hợp như GS. Nguyễn Văn Tuấn khi nói về thành tích NCKH của TĐT và trường hợp GS. Vũ Minh Giang khi nêu ra cơ sở pháp lý, nhưng cuộc thảo luận đa chiều này chắc chắn có ích cho giới làm chính sách.

Bất luận là câu chuyện này kết thúc như thế nào, đóng góp của nó cho việc thúc đẩy sự trưởng thành của các trường ĐH Việt Nam và xã hội Việt Nam là không thể phủ nhận. Nếu không có cuộc thảo luận này, khái niệm “giáo sư” như một phẩm hàm danh giá, một hào quang tô điểm cho lý lịch thay vì là một thang bậc chuyên môn chỉ dành cho nghề giảng dạy và nghiên cứu, sẽ không bao giờ được mổ xẻ để chúng ta tiến tới chỗ thay đổi thực trạng hiện nay cho phù hợp với những chuẩn mực phổ quát trên thế giới.

Nhu cầu tự chủ của các trường

Thêm nữa, nó đặt ra vấn đề tự chủ ở một khía cạnh trước nay chưa được nhấn mạnh. Xưa nay, nói tới tự chủ, người ta chủ yếu chỉ nói về tài chính. Nhưng nguồn lực tài chính chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để tạo ra sự ưu tú. TĐT đã mở rộng không gian đòi hỏi về quyền tự chủ, khởi đầu bằng việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn chức danh cho nghề giảng dạy và nghiên cứu dựa trên những chuẩn mực được quốc tế công nhận.

Mặc dù TĐT đã làm việc này trong lúc chưa chuẩn bị đủ các cơ sở pháp lý hoàn thiện, nó đặt ra một vấn đề, là luật lệ được đặt ra để phục vụ cho sự phát triển chứ không phải để kìm hãm sự phát triển. Những quy định nào không còn phù hợp thì phải được điều chỉnh. Sự nghi ngờ mà nhiều người đã tỏ ra đối với việc giao quyền xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS cho cấp trường nói chung, và cho TĐT nói riêng, phản ánh một lỗ hổng trong những quy định hiện hành đối với trách nhiệm của trường ĐH, đó là một cơ chế hữu hiệu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Trường ĐH TĐT sẽ giành được sự ủng hộ lớn hơn, nếu như họ công bố tiêu chuẩn và quy trình của họ, đặc biệt là nếu quy trình của họ bảo đảm sự minh bạch và công bằng.

GDĐH đang chuyển động

Thông qua cuộc thảo luận này, có thể thấy rõ một bức tranh xã hội đang chuyển động với những tín hiệu tích cực. Sự kiện TĐT xứng đáng được ghi nhận như một dấu mốc cho thấy các trường ĐH đang ý thức ngày càng rõ việc khẳng định quyền tự chủ của mình như một điều kiện tiên quyết để phát triển. Cho dù Trường TĐT có những việc làm không phù hợp, chắc chắn một trong những động cơ thúc đẩy họ là sự không hài lòng với quy trình và tiêu chuẩn công nhận chức danh GS hiện thời, và mong muốn tiến gần hơn với những chuẩn mực của quốc tế. Chứng cứ cho việc đó là quy trình và tiêu chuẩn GS mà TĐT ban hành theo QĐ 881/2015/TĐT-QĐ ngày 8 tháng 7 năm 2015 của Hiệu trưởng, là kết quả của một quá trình tham vấn chặt chẽ với GS. Nguyễn Văn Tuấn, Trường ĐH New South Wales, Úc.

Quan niệm về việc phong GS hay bổ nhiệm GS phản ánh một vấn đề sâu hơn trong văn hóa và nhận thức. Việc người ta xem GS như một nhãn hiệu bảo chứng cho trình độ, một thứ hào quang tô điểm cho lý lịch thay vì là một chức danh chuyên môn của riêng nghề giảng dạy và nghiên cứu đã phản ánh tính hiếu danh, và thiếu tự tin. Bảng thống kê trên đây cho thấy hai phần ba giới khoa bảng Việt Nam ủng hộ việc giao quyền tự chủ bổ nhiệm GS cho các trường, thực chất là ủng hộ quan niệm coi GS như một vị trí công việc chuyên môn, chấm dứt thói háo danh và công nhận nhu cầu hội nhập quốc tế.

Có khá nhiều người tuy nhận thức rõ những bất cập của TĐT vẫn ủng hộ xu hướng phi tập trung hóa trong GDĐH, vì tin rằng sự nới lỏng sự kiểm soát của cơ quan quản lý trong vấn đề này tuy có thể gây ra lộn xộn trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn, thị trường sẽ đem lại những điều chỉnh cần thiết và cơ hội phát triển cho các trường.