CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU “THẦY TRÒ THÀNH ĐẠT”
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2009
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân BÙI KHÁNH THẾ
Phó Hiệu trưởng thường trực trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (Huflit)
Cùng trò : Tiến sĩ Phạm Thị Ly – Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM
tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM ngày 19-11-2009
Lời dẫn :
Giáo sư – Tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Bùi Khánh Thế là một chuyên gia về Ngôn ngữ học. Với gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ông đã có những đóng góp đáng kể vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cuộc đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm, thế nhưng dù ở bất kỳ vị trí nào từ công tác quản lý đến giảng dạy và nghiên cứu, GS–TS Bùi Khánh Thế đều cố gắng làm tốt mọi nhiệm vụ, đồng thời qua đó ông cũng học tập được nhiều điều và trưởng thành hơn.
Ông là một chuyên gia từng được Bộ Giáo dục biệt phái sang làm việc ở các nước Lào, Campuchia, Đức và Nga trong lĩnh vực ngôn ngữ học.
Trong phạm vi nghiên cứu khoa học, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ở mỗi lĩnh vực chuyên ngành, ông đều có sách được xuất bản hoặc bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Trong công tác giảng dạy với bề dày gần nửa thế kỷ, GSTS Bùi Khánh Thế đã đào tạo và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều học trò của ông đã thành đạt và hiện đang giữ nhiều vị trí quan trọng. Thế nhưng với ông, sự thành đạt trong mối quan hệ Thầy-Trò không phải vì những chức vụ hay địa vị mà quan trọng hơn cả là những đóng góp tích cực đối với xã hội. Và xét về khía cạnh đó thì cô Phạm Thị Ly – hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục trường Đại học Sư phạm TP.HCM – là một học trò tiêu biểu. Tiến sĩ Phạm Thị Ly là một trong những người tiên phong, góp phần xây dựng ngành khoa học về giáo dục quốc tế và so sánh ở Việt Nam. Tuy không nối nghiệp thầy Bùi Khánh Thế trong ngành Ngôn ngữ học, nhưng cô đã học hỏi nhiều ở thầy về phương pháp làm việc, phương pháp tư duy và nhất là về tư cách người thầy cũng như tấm lòng đối với nền giáo dục nước nhà.
Câu hỏi :
* Dành cho GSTS Bùi Khánh Thế :
1.- Thưa Giáo sư Tiến sĩ Bùi Khánh Thế ! Được biết, ông đến với nghề giáo ngay từ khi đất nước ta còn trong chiến tranh, điều kiện làm việc hết sức thiếu thốn và gian khó. Xin Giáo sư cho biết điều gì đã giúp ông theo đuổi và dấn thân vào ngành giáo dục trong nửa thế kỷ qua?
- Tôi bắt đầu bước vào ngành giáo dục vào những năm kháng chiến lần thứ 2 – Đầu tiên là phiên dịch các buổi giảng về văn học Nga Xô Viết và một số vấn đề lý luận văn học xã hội chủ nghĩa cho các giảng viên trẻ Việt Nam vào những năm 1958-1961. Sau đó tôi được chuyển sang làm nhiệm vụ giảng dạy – có thể nói cũng như hầu hết các bạn cùng lớp cuối cấp III lúc bấy giờ không một ai nghĩ rằng mình sẽ bước vào nghề giáo. Nhưng cuối cùng có đến 2/3 lớp chúng tôi trở thành GV, sau khi hoàn thành bậc đại học. Bời vì đó là yêu cầu xã hội, và đó cũng là giai đoạn nước ta xây dựng nhiều ngành đào tạo mới, nhiều trường đại học mới. Lúc bấy giờ trước mắt chúng tôi có những tấm gương thầy cô giáo là những con người mẫu mực mà chúng tôi luôn ngưỡng mộ (các thầy cô Ngô Chanh, Lê Khắc Nhãn, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Tuệ, Nguyễn Văn Bàng, Lê Khánh Bằng, Ngô Thị Chính, Cô Lê Thị Tuyết và nhiều thầy cô khác ).
Riêng tôi còn có hình ảnh của ông nội tôi – một thầy đồ nho có những môn sinh thành đạt. Vào thời trước, người giáo viên, nhà giáo, là lớp người mà cả xã hội luôn luôn trọng vọng. Trở thành một nhà giáo, dù ở bậc học nào, là điều cả lớp chúng tôi không ai mơ ước đạt tới. Vì vậy khi được trao cho nhiệm vụ này, chúng tôi không ai bảo ai, đều cố hết sức làm tròn sứ mệnh mà xã hội ủy thác. Không ai bảo ai, nhưng đều dõi theo nhau và riêng tôi còn thầm nghĩ: mình phải xứng đáng với thầy, với bạn và cả với truyền thống gia đình nữa.
Thời hiện tại, nghĩ về “điều kiện làm việc” của GV thời ấy thì có thể cho là “hết sức thiếu thốn và gian khổ”. Nhưng với chúng tôi lúc ấy chúng tôi cho rằng GV chúng tôi là lớp người “đang được xã hội ưu đãi so với bộ đội, dân công, cán bộ cơ quan, công nhân xí nghiệp…Vì thế chúng tôi đều phục vụ sinh viên hết sức mình và thầy trò dạy và học với tinh thần lạc quan thậm chí với một tình cảm lãng mạn cách mạng.
2.- Ở vào độ tuổi như Giáo sư hiện nay, người ta có quyền cho phép mình được nghỉ ngơi, thế nhưng người ta vẫn bắt gặp ông hết sức bận rộn… Xin Giáo sư cho biết công việc hiện tại của Giáo sư là gì? Và nếu có thể, xin ông vui lòng cho biết những trăn trở và mong muốn của ông đối với ngành giáo dục hiện nay?
Xin lỗi quý vị, tôi thì tôi lại không nghĩ mình được phép nghỉ ngơi, dù đã lớn tuổi tôi luôn luôn nhớ lời Bác Hồ tuyên dương và dặn dò các cụ lão dân quân khi Bác được báo cáo về chiến công bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Đúng là các đồng chí thường “bắt gặp tôi hết sức bận rộn”. Bởi vì ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi được phân công quản lý một số lĩnh vực hoạt động của Trường (Phó HT thường trực). Trong bề bộn công việc sự vụ, hành chánh hàng ngày và giờ lên lớp hàng tuần tôi vẫn có kế hoạch nghiên cứu hàng năm để tự ghép mình vào kỷ luật làm việc khoa học. Nhìn qua có thể thấy tôi “bận rộn”. Nhưng tôi không bao giờ để mình bị căng thẳng (stress) trong công việc, mà cố gắng tạo cho mình những niềm vui trong mỗi việc, niềm vui khi được tiếp xúc với người học, với đồng nghiệp, niềm vui vẫn được tin cậy giao việc. Trăn trở và mong ước đối với nền giáo dục nước nhà hiện nay ư? Có nhiều lắm! Nhưng trong buổi giao lưu hôm nay tôi không dám lạm dụng thời gian chung. Vì thế tôi chỉ xin được nói vắn tắt thêm vài câu thôi – Tôi mơ ước ngành giáo dục VN hiện nay nhanh chóng giải quyết các khó khăn trước mắt, bình tĩnh và không hấp tấp, biết rút những bài học từ nền giáo dục cổ điển nước nhà, giai đoạn giáo dục ta học tập thành công nền giáo dục XHCN, giáo dục V.Nam trong 2 cuộc kháng chiến cùng với các bài học từ nền giáo dục thế giới ngày này để tạo cho thế hệ mà ta có trách nhiệm đào tạo hiện tại – từ trẻ thơ [ nhà trẻ, mẫu giáo, vỡ lòng] đến bậc sau đại học – lớp thanh niên giàu hoài bão và tiềm năng có cơ hội để hấp thu được một nền giáo dục Việt Nam, đúng nghĩa là một nền giáo dục có chất lượng, hoàn toàn xứng đáng với tinh thần sáng tạo của người VN đã từng vượt qua bao giai đoạn lịch sử cam go để tồn tại với tư thế hiện nay trước mắt của các dân tộc khác trên thế giới. Con em chúng ta thông minh lắm, giàu tiềm năng sáng tạo lắm! Cứ xem những thành công của các HS, SV, Việt Nam khi được đi học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến thì biết. Và càng thấy nền giáo dục chúng ta còn nợ nhiều lắm đối với dân tộc mình. Tôi nguyện sẽ cố làm việc, chừng nào còn làm việc được để góp phần trả món nợ trách nhiệm lớn ấy.
* Câu hỏi dành cho Tiến sĩ Phạm Thị Ly :
1.-Từng là học sinh giỏi Văn toàn quốc rồi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư Phạm TP.HCM và làm luận án Tiến sĩ về Ngôn ngữ học, điều gì đã khiến cô chuyển hẳn sang nghiên cứu về giáo dục mà không nối nghiệp thầy Bùi Khánh Thế trong ngành Ngôn ngữ học? Và trong mối quan hệ Thầy – Trò, cô đã học hỏi được ở thầy những điều gì, thưa cô?
Như mọi người đều biết, giáo dục là con đường quan trọng nhất, nếu không nói là duy nhất, để thúc đẩy tiến bộ xã hội và đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục đang là một vấn đề bức xúc của cả xã hội. Trong bối cảnh ngổn ngang của nền giáo dục nước nhà, tôi cho phép mình tạm gác lại các vấn đề ngôn ngữ học để có thể tập trung hơn về những vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Tuy đã và đang chuyển hướng sang lãnh vực GDĐH, tôi không hề cho rằng những năm tháng học hành và theo đuổi ngành ngôn ngữ học của mình là uổng phí. Tôi đã học ở thầy Bùi Khánh Thế phương pháp tư duy, phong cách làm việc và tinh thần trách nhiệm trong khoa học, những thứ tối cần thiết để đi sâu nghiên cứu bất cứ lãnh vực nào. Và trên hết, tôi học ở Thầy cái tâm đối với ngành giáo dục và với đất nước. Nhờ ảnh hưởng của Thầy, tôi có một niềm tin, rằng người thầy tác động đến học trò không chỉ bằng những kiến thức chuyên môn hay bài giảng trong lớp học, mà bằng toàn bộ phẩm giá con người mình, bằng những giá trị và lý tưởng mà mình theo đuổi. Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ niềm tin của mình với những người thầy đang đứng trên bục giảng: trong lúc chúng ta chưa có những thay đổi ở tầm vĩ mô, thì cách tích cực nhất mà chúng ta có thể làm, là tác động đến từng con người cụ thể mà chúng ta đang có trách nhiệm đào tạo, bằng cách để lại một dấu ấn tích cực về nhân cách con người, về phương pháp tư duy. Làm được như thế chính là “thắp lên một ngọn nến thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối”.
2.- Thưa cô Phạm Thị Ly ! Được biết cô là người đã góp phần xây dựng ngành khoa học về giáo dục quốc tế và so sánh ở Việt Nam. Xin cô cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành khoa học còn rất non trẻ này ở nước ta hiện nay.
Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, và phải chấp nhận cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Làm sao chúng ta có thể đào tạo được những con người đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, nếu chúng ta không thay đổi hệ thống giáo dục đào tạo của mình theo những chuẩn mực quốc tế? Nghiên cứu giáo dục quốc tế và so sánh chính là nhằm học hỏi từ kinh nghiệm thành công và thất bại trong thực tiễn giáo dục của các nước, nhằm tìm ra con đường và giải pháp phù hợp cho Việt Nam. Ông bà ta dạy “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nghiên cứu giáo dục quốc tế là để “biết người”, và so sánh là để “biết ta”. Có biết người đầy đủ mới có thể biết ta một cách sâu sắc. Tôi tin rằng việc hoạch định chiến lược giáo dục quốc gia chỉ có thể thành công trên cơ sở hiểu biết thấu đáo về cả giáo dục trong nước lẫn quốc tế. Hơn thế nữa, từng giáo viên hay giảng viên cũng cần hiểu biết về giáo dục các nước, vì cho dù thực tiễn mỗi nước rất đa dạng, giáo dục vẫn vận hành theo những nguyên lý chung và chia sẻ những giá trị chung. Không nên cường điệu những nét đặc thù của mỗi quốc gia để rồi tách chúng ta khỏi xu hướng phát triển chung của cộng đồng quốc tế. Nghiên cứu giáo dục quốc tế và so sánh với Việt Nam cũng là con đường giúp nền giáo dục của chúng ta hội nhập với thế giới, tránh tình trạng ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
0 Comments