Tác giả: Malcolm McPherson, Harvard Kennedy School
Người dịch: Phạm Thị Ly (2011)
Giáo dục sau trung học và sự tăng trưởng
Sự tăng trưởng kinh tế (tức là sự gia tăng bền vững của tổng thu nhập quốc dân trên đầu người trong thực tế) và giáo dục đại học có mối quan hệ tương thuộc. Nhận định này khác với quan điểm phổ biến, chiếm ưu thế trong giới chuyên gia về giáo dục và kinh tế, là giáo dục đại học sẽ “quyết định” mức tăng trưởng kinh tế[2]. Nó cũng đối lập với nhận định chung, dựa trên dữ liệu so sánh quốc tế,[3] rằng các nước có tỉ lệ người đi học sau trung học cao nhất thì cũng có thu nhập cao nhất (tức là có sự tăng trưởng trên cơ sở bền vững). Một phản dẫn chứng khác có thể thấy trong những nghiên cứu thực nghiệm dựa chủ yếu trên dữ liệu sau năm 1960, cho thấy giáo dục (được định nghĩa là số năm theo học ở nhà trường, bằng cấp cao nhất đạt được hay một vài tiêu chuẩn định lượng khác) xét về mặt thống kê có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế. Theo những nghiên cứu này, các nước có số năm đi học trung bình cao hơn (sau khi điều chỉnh một số ảnh hưởng ban đầu của thu nhập và chất lượng giáo dục) có xu hướng có tỉ lệ tăng trưởng vững chắc hơn so với những nước có số năm đi học trung bình thấp hơn.[4]
Có ba vấn đề với những dữ liệu nhìn bên ngoài có vẻ rất thuyết phục này. Một là, các dữ liệu so sánh quốc tế không đưa ra được những bằng chứng nổi trội (nếu không muốn nói là mơ hồ) để hỗ trợ cho quan điểm coi giáo dục đại học là nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế. Các nước giàu (tức là những nước có sự tăng trưởng trên cơ sở bền vững) có số sinh viên vào đại học cao[5]. Nhưng, không phải tất cả các nước có tỉ lệ học sau trung học cao đều là nước giàu[6] (Philippines và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây là những ví dụ)[7]. Khi các nước thu nhập thấp được xem xét như một nhóm, mối quan hệ này bị phá vỡ. Các nước có số người học sau trung học thấp thì có thu nhập thấp (tức là, không tăng trưởng trên cơ sở bền vững); nhưng, điều không kém phần quan trọng là tất cả các nước có thu nhập thấp thì đều có tỉ lệ người đi học sau trung học thấp.
Hai là, một phân nhánh chính của các tư liệu nghiên cứu về kinh tế học, mà các tác giả hiện đại ghi nhận nguồn gốc là từ Adam Smith, đã liên kết nguồn vốn con người[8]chứ không phải giáo dục với sự tăng trưởng kinh tế[9]. Những nghiên cứu này hoàn toàn thừa nhận rằng giáo dục chính quy (cụ thể là giáo dục đại học) đóng góp vào sự hình thành nguồn vốn con người bằng cách phát triển kỹ năng, mở rộng tri thức và định hình thái độ. Thế nhưng, nó cũng làm rõ rằng, giáo dục chính quy chỉ là một nhân tố tạo ra, duy trì, và nâng cao nguồn vốn con người trong những năm hình thành nhân cách và trong cả cuộc đời của một con người.[10]Trong thực tế, phần lớn những gì chúng ta học được và biết được là từ những nguồn nằm ngoài các tổ chức giáo dục chính quy [11]. Điều này đã phần nào giải thích tầm quan trọng của việc phát triển chuyên môn và các tổ chức giúp cho việc học tập suốt đời,[12]một hiện tượng gắn bó mật thiết với mức độ mà kinh tế và xã hội kích thích việc học tập, ban thưởng cho sự thích nghi và thúc đẩy sự tiến bộ nói chung.[13]
Ba là, bất chấp những bằng chứng kinh tế lượng được chọn lọc kỹ và được đo lường chặt chẽ, sự tăng trưởng kinh tế (tỉ lệ gia tăng) không được xác định, bị điều khiển, hay có thể chọn bất kì từ nào chỉ một cái gì đó như là quan hệ nhân quả, bởi số năm đi học (một trình độ) hay một tiêu chuẩn tương đương nào đó được điều chỉnh để đo chất lượng[14]. Coi mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với một số tham tố được chọn lọc (như mức độ giáo dục) như một phương trình quy ước thông thường, mà những kết quả nghiên cứu thực nghiệm nêu trên đã dựa vào, về căn bản là không thích hợp đối với việc mô hình hóa, hay cho việc nắm bắt một mối quan hệ phức tạp như thế. Giá trị duy nhất mà một “mô hình” như thế có thể có là nếu khoảng thời gian được khảo sát quá ngắn thì phản hồi từ sự tăng trưởng kinh tế (chẳng hạn, sự tăng thu nhập) đối với giáo dục có thể sẽ bị bỏ qua. Tuy vậy, điều này không phải là mục đích mà phương trình ấy muốn ước lượng.
Trước mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách về vai trò độc lập của giáo dục đại học trong việc nâng cao tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bền vững, phương trình hồi quy tăng trưởng (single-equation growth regressions) đang lầm đường lạc lối (trong trường hợp khá nhất) và phản tác dụng (trong trường hợp xấu nhất). Để bắt đầu sắp xếp mối quan hệ giữa giáo dục đại học và tăng trưởng kinh tế, các nhà phân tích đòi hỏi một hệ phương trình đa biến (multi-equation) gồm những tác động qua lại đa chiều, phản hồi và dây chuyền (trong đó có một sự thật là qua nhiều thời kỳ chính sách, tăng trưởng kinh tế vẫn là nhân tố quyết định của chính nó)[15]. Tuy có thể tiện lợi nếu xem rằng có một số kỹ thuật riêng khác là đã đủ, thì cũng như những nghiên cứu theo lối thực nghiệm, nó chẳng giúp được gì cho các nhà hoạch định chính sách trong việc nắm được những động lực của kinh tế. [16]
Phải nhấn mạnh một sự thật hiển nhiên rằng tăng trưởng kinh tế là một quá trình chứ không phải một sự kiện. Nó là kết quả của dòng luân lưu sản xuất, thu nhập và tiêu dùng có tính tương tác và năng động. Đóng góp vào dòng chảy này là những dịch vụ được tạo ra trong các tổ chức giáo dục đại học, chi phí để tạo ra những dịch vụ ấy và thu nhập do những dịch vụ ấy mang lại. Một số yếu tố trong vòng quay này có những tác động tích cực, chẳng hạn, sự tích lũy kỹ năng và vốn xã hội, sự sáng tạo kỹ thuật mới hay mở cửa những thị trường mới. Một số yếu tố, như tham nhũng hay quản lý kém kinh tế vĩ mô, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực.
Giáo dục đại học có những tác động tương tự. Nó bổ sung thêm kỹ năng và tri thức vào nguồn cung (bằng cách đó nâng cao tăng trưởng) nhưng trong quá trình ấy nó cũng sẽ khiến các kỹ năng và tri thức khác bị giảm giá trị hay thành ra lỗi thời (bằng cách đó làm suy yếu sự tăng trưởng). Tương tự như vậy, sự tăng trưởng kinh tế (tức tăng thu nhập) đem lại nguồn lực bổ sung cho sự mở rộng giáo dục đại học và nâng cấp chất lượng của nó ngay cả khi việc tăng thu nhập khiến những thách thức đối với những vấn đề liên quan đến giáo dục đại họcthêm phần phức tạp.[17]Ý nghĩa của điều này là, ngay cả khi không có sự khẳng định mà mô hình phương trình đa biến chính thức mang lại[18], mối quan hệ quan yếu nhất đối với mục đích hoạch định chính sách là sự tăng trưởng kinh tế và sự mở rộng giáo dục đại học cần được nhìn như một sự phụ thuộc lẫn nhau[19]. Cái này không xác định, hay quyết định cái kia với bất cứ ý nghĩa nào.
Từ những thảo luận trên đây, chúng ta có thể thấy để sử dụng các kỹ năng và tri thức được tạo ra trong giáo dục đại học một cách hiệu quả nhất, cần phải tạo ra và duy trì những điều kiện phù hợp cho tỉ lệ tăng trưởng cao. Những điều kiện này gồm có sự quản lý vĩ mô một cách khôn ngoan có thể giữ tình trạng lạm phát trong vòng kiểm soát (để sự khác biệt trong tiền lương có một ý nghĩa thích hợp); hỗ trợ của nhà nước đối với thí nghiệm và nghiên cứu; cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm thiểu chi phí liên lạc, giao dịch và truyền thông; và những cuộc tranh luận rộng rãi về quản lý kinh tế xã hội cũng như định hướng chính sách xã hội.
Cạnh tranh và việc phát triển nguồn nhân lực
Để có ý tưởng về việc bằng cách nào Việt Nam có thể nâng cấp giá trị gia tăng của mình qua năng suất và sức cạnh tranh, cần khảo sát xem việc phát triển nguồn nhân lực đóng góp như thế nào cho sự thích ứng của Việt Nam đối với kinh tế tri thức toàn cầu.
Năng suất và sức cạnh tranh có mối quan hệ cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Năng suất được định nghĩa là kết quả đầu ra trên mỗi đơn vị đầu vào.[20]Sức cạnh tranh là một khái niệm đặc thù không được định nghĩa trực tiếp.[21]Như Michael Porter đã miêu tả “sức cạnh tranh phụ thuộc vào năng suất, năng suất này biểu thị việc một quốc gia sử dụng con người, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên của mình như thế nào”[22]. Năng suất, ngược lại, phụ thuộc vào giá cả trong một thị trường mở, tính hiệu quả của việc sản xuất và “khả năng của nền kinh tế trong việc huy động nguồn nhân lực của mình”. Như vậy, theo quan niệm của Porter, năng suất gắn kết nguồn lực con người (hay lực lượng lao động) với sức cạnh tranh.
Một thước đo hữu ích dùng để đo sức cạnh tranh là đơn giá lao động. Các doanh nghiệp có sức cạnh tranh nếu đơn giá lao động của họ thấp hơn hoặc bằng những doanh nghiệp cùng loại ở nơi khác. Đơn giá lao động đo bằng phần tiền lương trong một đồng tiền chung tức là (w.L/Q)/e, trong đó w là tiền lương của mỗi công nhân tính bằng VND, L là số lượng công nhân, Q là giá trị của sản phẩm tính bằng VND và e là tỉ giá VND trên mỗi USD.$. Các công ty xí nghiệp có thể giữ đơn giá lao động của mình thấp hơn những đối thủ cạnh tranh sẽ là những công ty xí nghiệp chiếm được thị phần.
Việc bố trí lại đồng nhất thức như w ÷ e ÷ Q/Ltập trung chú ý vào ba tham số có ý nghĩa đối với chính sách, đó là mức lương, tỉ giá và năng suất lao động[23]. Mức lương được xác định bằng nguồn cung tổng quát và nhu cầu về lao động, và cụ thể là sự sắp xếp của các cơ quan tổ chức nhằm khuyến khích người lao động thích nghi với những điều kiện thị trường đang thay đổi. Sự thích nghi này có thể bao gồm cả hiện tượng di cư từ vùng có tỉ lệ thất nghiệp cao đến vùng có nhiều công việc đang được mở rộng, sự thay đổi nơi sống và làm việc của những người lao động có trình độ đến những công ty xí nghiệp đang có nhu cầu về những kỹ năng của họ, kèm theo những sáng kiến nâng cao tình trạng sung túc của người lao động, các hoạt động học tập hay đào tạo giúp nâng cao năng lực của người lao động[24]. Tỉ giá được xác định qua các thị trường giao ngay (chính thức hoặc song hành) được điều chỉnh ở mức độ mà những người có thẩm quyền có thể điều khiển nó.[25]
Năng suất lao động có liên quan đến kỹ năng của người lao động, sức khỏe và tình trạng hạnh phúc của họ (bao gồm sự bảo đảm đủ ăn), năng lực mà họ có trong việc thích ứng với sự quản lý và tổ chức các hoạt động sản xuất, chất lượng của sự phối hợp giữa nguồn vốn và các nguồn lực khác, và “tình trạng của nhu cầu lao động” nói chung. Nhân tố sau cùng trên đây phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế trong chu trình phát triển của nó. Điều này, đến lượt nó, liên quan tới một số tham số trọng yếu đã nói trên đây, làm ảnh hưởng tới tỉ giá, thiếu hụt tài chính, nợ vay và lạm phát. Một nhân tố khác nữa là chất lượng của cơ sở hạ tầng theo nghĩa rộng, và cách tổ chức bên trong các cơ quan doanh nghiệp, trong đó các đơn vị sử dụng lao động đang vận hành.[26]
Mô hình “kim cương cạnh tranh” (một mô hình có dạng như viên kim cương biểu thị quan hệ giữa các nhân tố liên quan đến sự cạnh tranh – chú thích của người dịch) của Michael Porter sẽ đem lại một cái nhìn tổng quan có tính chất chi tiết hơn về những nhân tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, nhất là áp lực và đòi hỏi về một lực lượng lao động hiện đại và có định hướng toàn cầu. Trong khuôn khổ tham chiếu này, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào “sự tăng trưởng của doanh nghiệp”, là điều gắn liền với điều kiện cung cầu của lực lượng lao động. Để tăng trưởng, các doanh nghiệp cần phải có những người lao động với những kỹ năng thích hợp. Và khi các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, họ sẽ đòi hỏi thêm nhiều người lao động có kỹ năng hơn nữa.
Mô hình Viên kim cương về cạnh tranh
Có bốn yếu tố góp phần vào sức cạnh tranh và năng suất nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.[27]
“Nhân tố điều kiện (đầu vào)”để chỉ những nhân tố được cung cấp hay được tạo ra ở địa phương. Porter lưu ý rằng mặc dù tài nguyên thiên nhiên (một thứ nguyên vật liệu) xác định tiềm năng tăng trưởng của một nước, sức cạnh tranh vẫn có liên quan đến nhân tố nguồn cung (lưu lượng) mà một quốc gia có thể tự tạo ra (kỹ năng, tri thức, tư liệu sản xuất và thiết bị) hoặc huy động được (thông qua trao đổi trên thị trường).
“Chiến lược, cơ cấu và sự ganh đua của các doanh nghiệp” để chỉ khả năng của các doanh nghiệp địa phương trong việc đáp ứng với những nguy cơ khi các đối thủ đe dọa vị trí cạnh tranh của họ, trong việc tận dụng cơ hội mở rộng sản xuất, trong việc thích nghi với những điều kiện đang thay đổi của nhân tố cung cầu trong sản xuất. “Những điều kiện về nhu cầu” để chỉ mức độ các khách hàng địa phương, qua nhu cầu của họ về những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặt áp lực lên các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và giảm thiểu chi phí. “Công nghiệp phụ trợ và liên quan” phối hợp các lợi thế hiểu theo nghĩa tính có sẵn và thuận lợi về địa điểm hay thời gian (nhất là qua các cụm ngành công nghiệp) có thể làm giảm chi phí đầu vào và cải thiện chất lượng dịch vụ, là điều có thể hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Tất cả những yếu tố này tương tác với nhau trong một bối cảnh rộng hơn chịu ảnh hưởng của những chính sách và hành động của chính phủ. Nhà nước có thể thúc đẩy và duy trì cạnh tranh qua việc quản lý kinh tế vĩ mô một cách khôn ngoan và những hành động cụ thể nhằm dỡ bỏ rào cản đối với việc sản xuất và trao đổi giữa các doanh nghiệp.Nhà nước cũng kích thích hoạt động kinh tế thông qua cung cấp trước một bước (hoặc đồng thời) những hàng hóa công như cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho việc tạo ra một đầu vào được chuyên môn hóa (như tri thức hoặc kỹ năng).[28]
Những người lao động (và việc phát triển lực lượng lao động) gắn kết với cung và cầu. Về phía nguồn cung, lực lượng lao động đề cao những chương trình chuẩn bị cho họ sự sẵn sàng thích ứng với nơi làm việc, khả năng được tuyển dụng, những tri thức, thái độ và kỹ năng mà các doanh nghiệp, các nhà cung cấp, các ngành công nghiệp dịch vụ phụ trợ cần đến để nâng cao năng suất của họ.
Về phía cầu, việc cải thiện năng suất sẽ nâng cao thu nhập của người lao động, tạo ra khích lệ cho họ bổ sung thêm kỹ năng. Thu nhập của giới chủ cũng tăng theo. Cả hai nhóm người lao động và người sử dụng lao động đều thấy việc đào tạo là một việc được đền đáp. Người sử dụng lao động có thể trực tiếp thực hiện việc đào tạo hoặc hợp đồng với một bên khác để làm việc này. Người lao động có nhiều lựa chọn, từ đào tạo tại chỗ, học tập qua thực hành công việc, hoặc những hoạt động tự nâng cao một cách chính thức khác. Ở cả hai phía, nhu cầu về dịch vụ đào tạo giúp đẩy mạnh năng lực và kỹ năng cho người lao động sẽ ngày càng tăng lên.
Những điều trên đây, tuy vậy, chỉ mới là ảnh hưởng vòng đầu. Sự mở rộng các doanh nghiệp và nâng cao năng suất làm cột trụ cho sức cạnh tranh sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng trong những bộ phận khác của nền kinh tế– thoạt đầu là trong các cụm xí nghiệp, doanh nghiệp, và sau đó là rộng hơn. Những ảnh hưởng này sẽ phản xạ lại trong toàn bộ nền kinh tế khi việc quản lý kinh tế được cải thiện – kết quả của việc đẩy mạnh năng lực nhà nước với một nền giáo dục đại học phù hợp.[29] Những thay đổi tích cực hơn nữa sẽ hình thành khi những hoạt động mới bắt đầu . Tất cả những điều này sẽ làm tăng nhu cầu về những người lao động được đào tạo tốt hơn và có trình độ cao hơn nữa.
Nhìn lại cuộc thảo luận trên đây một cách tổng thể, chúng ta sẽ có một chu kỳ đầy đủ. Giáo dục đại học và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ tương thuộc. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào sức cạnh tranh và điều này trực tiếp liên quan tới năng suất lao động. Điều này, đến lượt nó, được hỗ trợ bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô trong đó yếu tố đầu vào, những điều kiện đòi hỏi, chiến lược của doanh nghiệp, và cơ sở hạ tầng đem lại một sự bố trí có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và trên quy mô lớn. Việc bảo đảm đạt được những điều kiện thích hợp cho tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi phải có những người lao động có kỹ năng về kỹ thuật, những người quản lý có năng lực tổ chức phù hợp, và những người hoạch định chính sách, những viên chức nhà nước có những khả năng cần thiết. Việc duy trì những điều kiện này sẽ đòi hỏi những người lao động, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các viên chức nhà nước được chuẩn bị cho (và thấy được lợi ích của) việc tiếp tục học tập và nâng cao khả năng của họ. Được tổ chức một cách thích hợp, giáo dục đại học có thể tạo ra những đóng góp to lớn cho những nỗ lực đang được tiếp tục này.
Có nhiều vấn đề liên quan tới chính sách.
Một là, để đáp ứng với cạnh tranh toàn cầu một cách xây dựng, Việt Nam cần tập trung cho năng lực tổng quát, vấn đề tổ chức và phúc lợi của người lao động hiện nay. Mặc dù triển vọng của cạnh tranh với nước ngoài có thể kích thích mối quan tâm đến việc nâng cao năng suất của người lao động, phần lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế và sự giàu mạnh của quốc gia sẽ là do việc tái tổ chức nền kinh tế trong nước mang lại. Điều này đã trở nên rõ ràng từ giữa những năm 1980 với những cải cách gắn với đổi mới, nhất là trong nông nghiệp và rộng hơn trong việc mở rộng có chọn lọc đối với công nghiệp.
Hai là, đối với Việt Nam để nâng cao có hiệu quả năng lực và kỹ năng cho lực lượng lao động và do đó tận dụng được những cơ hội của kinh tế toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách cần xác định các nguồn lợi thế cạnh tranh hiện nay của nền kinh tế và những nhân tố kìm hãm chính trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh ấy. Một nguồn lợi thế cạnh tranh mà chính phủ và các tổ chức chính phủ không có là khả năng “chọn những người thắng cuộc”. Thực ra, một trong những bài học chủ yếu của mấy thập kỷ vừa qua là những cố gắng của nhà nước trong việc “chọn người thắng cuộc” hầu như bao giờ cũng chỉ phá hoại sự cạnh tranh mà thôi.[30]
Ba là, thay cho những cố gắng “chọn người thắng cuộc”, các nhà hoạch định kế hoạch quốc gia sẽ phải dành sự chú ý và thách thức năng lực của họ nhiều hơn cho việc bảo đảm hàng hóa công được cung cấp một cách hiệu quả. Hàng hóa công được tạo ra bằng sự phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả; quản lý có khả năng dự báo và có kết quả, dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế được mở rộng ; quản lý kinh tế một cách khôn ngoan; và lạm phát thấp[31]. Tất cả những yếu tố này giúp tạo ra những điều kiện trong đó tính dám làm, sự chấp nhận rủi ro và óc sáng tạo của khu vực tư nhân có thể giúp cho việc thuê mướn thời gian và kỹ năng của lực lượng lao động đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu Việt Nam muốn duy trì sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, những người lao động thuộc mọi trình độ cần được khuyến khích (và khen thưởng) trong việc học tập và thích nghi. Như đã đề nghị trong phần trước, một phần của điều này là điều chỉnh đầu vào, đầu ra, và mô hình phát triển giáo dục đại học nhằm tạo điều kiện cho lối học theo kiểu “quán ăn tự phục vụ”. Nó cũng đòi hỏi ý chí của những người có thẩm quyền nhằm khuyến khích sự truy vấn, tranh luận, phân tích phản biện, khám phá những ý tưởng mới, và thử nghiệm những mô hình mới. Nhiều thay đổi có tính xây dựng đã được thực hiện ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Nhưng có lẽ sẽ cần nhiều thay đổi hơn nữa để sự tiến bộ có thể tiếp tục. Có lẽ thách thức chủ yếu là liệu hệ thống kinh tế và xã hội, như đang được cơ cấu hiện nay, có được (hay có thể xây dựng được) sự linh hoạt cần thiết hay không.
GHI CHÚ:
[1] Bài này là một Phụ lục của Bản báo cáo “Nhìn xa hơn các trường đỉnh cao: Hướng tới một cách tiếp cận hệ thống đối với cải cách giáo dục đại học ở VN” do Ben Wilkinson và Laura Chirot thuộc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard thực hiện với sự tài trợ của UNDP Việt Nam. Tựa đề do người dịch đặt.
[2] Atkinson (1996), Bollag (2003), Hanushek (2004), NIU Outreach (2005), Hanushek (2005, tr.15), Hanushek và Woessmann (2007), Fischer (2009), Benditt (2009).
[3] World Development Indicators (Ngân hàng Thế giới 2009) cho thấy rằng trong các nước thu nhập cao (là những nước có thu nhập đầu người trên $11.456 theo giá năm 2007) tỉ lệ học đại học là 67%. Dữ liệu tương ứng ở các nước thu nhập thấp (thu nhập dưới $935 theo giá năm 2007) là 6% và các nước có thu nhập trung bình, 24% (WDI 2009, Bảng 2.12, tr. 86).
[4] Những tài liệu này điển hình là tác phẩm của Barro (1996, 1999, 2001); Hanushek và Kimko (2000); Krueger và Lindahl (2001); và Hanushek và đồng tác giả (2008). Pritchett (1996, 2001) nêu câu hỏi “Giáo dục đã đi đâu mất rồi?” khi ông thất bại trong việc tìm quan hệ tích cực đáng kể giữa số năm đi học và mức tăng trưởng kinh tế. Dùng một cách tiếp cận khác, Sanders (2003) đạt được kết quả tương tự. Gần đây hơn, Cicone và Jaroncinski (2008) cho thấy mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế khá nhạy cảm với quãng thời gian được khảo sát. Các nhà nghiên cứu khác cho rằng Pritchett phạm sai lầm khi đối xử với số năm đi học như nhau ở các nước khác nhau. Khi họ cho phép sự khác nhau trong chất lượng giáo dục, mối quan hệ tích cực lại nổi lên (Breton 2002, Dessus 2003).
[5] Mặc dù mô hình này chiếm ưu thế sau Thế Chiến II, nó có thể có nguồn gốc từ buổi đầu của “tăng trưởng kinh tế hiện đại” (Kuznets 1966, tr. 286 – 294).
[6] Chính phủ một số nước có tỉ lệ học đại học cao (Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan) lo ngại rằng điều này không đủ để giữ cho tăng trưởng tiếp tục. Nhiều nước khác, đặc biệt là châu Á đã đổ tiền vào giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng của nó (Fischer 2009).
[7] Ngân hàng Thế giới (2009, Bảng 2.12, tr. 84 – 86)
[8] “Nguồn vốn con người để chỉ năng lực sản xuất của con người như một đơn vị sản xuất ra thu nhập trong nền kinh tế” (Rosen 1998, tr.681).
[9] Những đóng góp trong thời hiện đại bắt đầu với Schultz (1959, 1963) và Becker (1964), Freeman (1977), Makiw, Romer và Weil (1992), Kremer (1993), Liên hiệp quốc (1996), ADB (1998), Temple (1999), Johnson (2000), FRBD (2004), Jones và Schneider (2005).
[10] Heckman (2006), Heckman và Masterov (2004) nhấn mạnh lợi ích xã hội của việc bảo đảm cho các kỹ năng tri nhận cũng như những kỹ năng phi kinh nghiệm được xây dựng từ tuổi nhỏ.
[11] Xem Outlook (2001). Một ước lượng đưa ra là một người trung bình dành ít hơn 5% cuộc đời họ cho trường học (FRBD 2004).
[12] Fulmer (2000); Willums (2001); Ngân hàng Thế giới (2003); Kochan (2004); FRBD (2004). Ngân hàng Thế giới đã dành nhiều nỗ lực to lớn phân tích xem cần những gì để kích thích và hỗ trợ việc học tập suốt đời. Bản thân Ngân hàng Thế giới được coi như một “ngân hàng tri thức”, Báo cáo Phát triển Thế giới năm 1998-1999 đã khảo sát cụ thể về “những kiến thức cần cho sự phát triển” World Bank 1999).
[13] Cách tiếp cận “learning-by” (học tập qua làm việc, gắn kết, tham gia, trao đổi, thử sai, v.v.) nắm bắt phần lớn những gì được dự định (McPherson 2005, tr. 19). Nó trộn lẫn động lực của cá nhân và những khích lệ của việc học trong cách tổ chức xã hội và nền kinh tế.
[14] Không ai tranh cãi về việc các cá nhân có học nhiều hơn thì kiếm được trung bình nhiều hơn so với những người ít được đào tạo hơn. (Psacharopoulos 1995; Psacharopoulos và Patrinos 2002). Nhưng, điều này cho thấy thu nhập có liên hệ với mức độ đạt được giáo dục (và ngược lai) chứ không chỉ ra mối liên hệ giữa mức độ đạt được giáo dục (dù cho được đo cách nào đi nữa) với sự tăng trưởng kinh tế.
[15] Gunnar Myrdal dùng thuật ngữ “nhân quả tích lũy” để miêu tả một nền kinh tế đang tăng trưởng sẽ tạo ra các điều kiện kích thích sự tăng trưởng hơn nữa của nó như thế nào (Ricoy 1998). Chẳng hạn, những người lạc quan về triển vọng tăng trưởng tăng mức đầu tư và năng lực sản xuất, những thứ này đến lượt nó, cũng kích thích tăng trưởng. Hiệu ứng lan tỏa này là trọng tâm trong mô hình tăng trưởng nội sinh, nhấn mạnh vào việc làm thế nào gia tăng tri thức, đầu tư và tăng trưởng (Romer 1986; Lucas 1988; Warsh 2005).
[16] Sự tập trung cao độ của các chuyên gia tăng trưởng vào các phương pháp sử dụng phương trình đơn đã dẫn đến việc bỏ qua một sự thật: tăng trưởng kinh tế là kết quả của sự tương tác năng động giữa các yếu tố đẩy nền kinh tế tiến tới và những yếu tố đang kéo lùi nó lại (McFadden 2008; Lutz, Cuaresma và Sanderson 2008; Cicone và Jaroncinski 2008). Có những yếu tố làm cả hai việc ấy. Dân số và tổng lượng vốn là những ví dụ hiển nhiên. Tăng trưởng dân số (phía nhu cầu) mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng, thêm người (phía nguồn cung) sẽ thu hút thêm nguồn lực chỉ để giữ “nguồn vốn xã hội trên đầu người” ở mức hiện nay. Tương tự như vậy, đầu tư làm tăng tổng lượng vốn, nhưng nguồn vốn lớn hơn sẽ đòi hỏi nguồn lực bổ sung để trang trải sự bảo trì và khấu hao.
[17] Một đặc trưng chủ yếu của mọi nền kinh tế đang tăng trưởng là sự thay đổi hệ thống trong các kỹ năng mà nó đòi hỏi và được cung cấp (Blanchard 1995; ILO 1998; Acemoglu and Zilibotti 2001; Ramcharan 2002; FRBD 2004). Nhu cầu về những kỹ năng khác nhau nảy sinh từ cấu trúc của nền kinh tế đang tăng trưởng. Giáo dục, đào tạo, học tập trong công việc, và/hoặc tự học giúp người lao động điều chỉnh kỹ năng của họ để phù hợp với những nhu cầu đang thay đổi. Thay đổi trong thang bậc lương thưởng sẽ gián tiếp điều chỉnh bằng cách tưởng thưởng cho việc đạt được những kỹ năng vừa khó đạt được, vừa thiếu nguồn cung. Sự mở rộng của nền kinh tế tri thức toàn cầu trong mấy thập kỷ vừa qua đã đặt ra một phần thưởng to lớn cho khả năng thích nghi. (FRBD 2004; World Bank 2002; Kochan 2004). Lau (2009) cho rằng các trường đại học có thể và cần phải đóng góp vào điều này. Ông lưu ý rằng “trường đại học cần phải dạy những thứ tổng quát hơn là những kỹ năng chuyên ngành; họ phải dạy sinh viên nghệ thuật học và tự học thay vì dạy bản thân kiến thức…”
[18] Tôi đã không thể tìm được bất cứ mô hình hệ phương trình thống kê nào chỉ ra mối quan hệ giữa giáo dục đại học và tăng trưởng kinh tế trong các tư liệu nghiên cứu chính thống. Bộ khung được dùng trong tác phẩm của Appiah và McMahon (2002) thể hiện nhiều quan hệ qua lại giữa giáo dục chính thức (mọi cấp độ), tăng trưởng kinh tế, sức khỏe, và nhiều tham số khác nữa. Nó đưa ra các lựa chọn chính sách dựa vào kinh nghiệm mô phỏng.
[19] Có nhiều chiều hướng trong mối quan hệ phụ thuộc giữa tăng trưởng kinh tế và giáo dục (thường thông qua vốn nhân lực) đã được nghiên cứu (Goldin and Katz 1999; Bils and Klenow 2000; Birdsall 2001). Khung liên kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển nhân lực được xây dựng trong Báo cáo Phát triển Nhân lực năm 1996 và Ranis, Stewart và Ramirez (2000). Giáo dục, đào tạo và học hỏi đóng góp vào những liên kết (hoặc “chuỗi”) từ tăng trưởng kinh tế và phát triển nhân lực, và ngược lại.
[20] Chẳng hạn, năng suất lao động là kết quả của mỗi người lao động trong xí nghiệp, một bộ phận, hay cả nền kinh tế như một tổng thể.
[21] Chẳng hạn, Báo cáo về Cạnh tranh của Singapore 2009 (Ketels, Lall và Boon 2009, tr.57) nói rằng: “Sức cạnh tranh nắm giữ nền tảng kinh tế trung hạn là cái rút cục xác định mức độ thịnh vượng của một nền kinh tế mà nhân dân được hưởng. Ở cốt lõi của nó, sự thịnh vượng được quyết định bằng năng suất mà các công ty đạt được ở một địa phương và khả năng của một nền kinh tế trong việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, cho những hoạt động sản xuất kinh tế”. Garelli (2003) có một tổng thuật xuất sắc về nhiều cách định nghĩa cạnh tranh khác nhau.
[22] Nhấn mạnh trong nguyên tác (Porter 2008).
[23] Sự tái bố trí này cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa sức cạnh tranh với tiền lương (diễn đạt bằng đô-la Mỹ) và năng suất lao động. Chi phí lao động đơn vị giảm (tức sức cạnh tranh tăng) khi giá trị tiền lương giảm và khi năng suất lao động tăng.
[24] Báo cáo Lao động Thế giới 1998/99 (ILO 1998) nhấn mạnh vai trò của việc học tập và đào tạo người lao động như một đặc trưng giúp nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi. Người lao động có giáo dục tốt hơn sẽ có điều kiện hơn và có nhiều mong muốn hơn trong việc thích nghi và điều chỉnh với những thay đổi trong điều kiện của thị trường lao động. Với những nước như Việt Nam, không thể nhanh chóng nâng cao trình độ giáo dục của người lao động, cần nhiều quyết tâm hơn trong việc cung ứng đào tạo tại chỗ trong công việc, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ những chương trình tạo điều kiện cho bước chuyển từ nhà trường đến nơi làm việc.
[25] Những cố gắng này thường là để đáp ứng với áp lực thâm hụt ngân sách, tăng dư nợ địa phương và nợ quốc gia, tăng nhanh tín dụng nội địa (thường bị thúc đẩy bởi cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước) và thay đổi trong dòng vốn do những biến đổi trong kỳ vọng của địa phương và bên ngoài về triển vọng của nền kinh tế.
[26] Quan điểm này được nhấn mạnh trong nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới “Chất lượng của Tăng trưởng.” Đây là trọng tâm phân tích của (1996), Miller và Schmitz (1996), và Ngân hàng Thế giới (2003, 2006).
[27] Trích từ Kramer (2006) dựa trên Porter (1990, 1998).
[28] Ở đây Porter thống nhất với kết luận tổng quát của Báo cáo Phát triển Thế giới năm 1995“ Lao động trong một thế giới hội nhập” [Workers in an Integrating World] rằng “lao động giá rẻ” (hay lương thấp) không đem lại lợi thế cạnh tranh cho một quốc gia. (Ngân hàng Thế giới 1995). Giá lao động cần liên quan tới bối cảnh của lao động, và quan trọng hơn, tới việc cạnh tranh.
[29] Những thay đổi này sẽ nâng cao năng lực tổ chức và năng lực con người của chính phủ. Điều này, đến lượt nó, sẽ bảo đảm rằng hành động của chính phủ giúp làm giảm chi phí giao dịch (qua việc mở rộng cơ sở hạ tầng), giảm chi phí kinh doanh (bằng cách dỡ bỏ rào cản cạnh tranh) và mở rộng tầm vóc của thi đua (bằng cách thúc đẩy những hoạt động tạo ra chuyên nghiệp hóa thông tin và kỹ năng).
[30] Hiện nay có những kinh nghiệm rất mạnh về khả năng bị giới hạn của các chính phủ và các tổ chức chính phủ ở các nước như Nhật Bản, Oman, Malaysia, Hàn Quốc, Tanzania, Botswana, Saudi Arabia, Brazil (và nhiều nước khác) trong việc nhận thức những kiểu loại hoạt động và kiểu doanh nghiệp mới có thể tạo ra giá trị gia tăng và tăng trưởng trong tương lai. Thực tế là việc khái quát hóa di sản thời kế hoạch tập trung là một trường hợp điển hình chính, trải qua nhiều thập kỷ, cho thấy sự thiếu năng lực nói chung của các chính phủ (ngay cả khi họ kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế) trong việc chọn những người chiến thắng.
[31] Lạm phát thấp và một lợi ích công. Nó làm giảm rủi ro, tiết kiệm chi phí cho những người nắm giữ tài sản trong việc bảo vệ giá trị tài sản của họ (bằng cách đầu tư vào vàng, ngoại tệ hay bất động sản). Với khả năng dự báo được cải thiện, đầu tư của tư nhân sẽ gia tăng.
0 Comments