Bản báo cáo của Daniel Levy “Giáo dục Đại học tư ở Đông Á” là một bản báo cáo cơ sở được chuẩn bị cho Báo cáo về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới năm 2012, dưới sự lãnh đạo của Emanuela di Gropello: “Putting Higher Education to Work: Skills and Research for Growth in East Asia.” Báo cáo này có thể truy cập được tại địa chỉ: http://www.worldbank.org/eap/highered.

Bản dịch tiếng Việt này được xuất bản với sự cho phép của cả hai người di Gropello và Levy. Bản quyền nguyên tác thuộc về Ngân hàng Thế giới. Bản quyền bản dịch thuộc về người dịch. Cuốn sách này được xuất bản với sự tài trợ của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Dưới đây là lời nói đầu của người dịch và của tác giả. Sách do ĐHQG Hà Nội xuất bản. Bạn đọc nào có nhu cầu xin gửi email về [email protected] để được hướng dẫn.

 LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGƯỜI DỊCH

Tư nhân hóa giáo dục đại học (GDĐH) là một trong những xu hướng mới tác động lớn đến hệ thống đào tạo đại học ở nhiều nước, thậm chí có thể làm thay đổi nhiều quan niệm truyền thống về đại học.

GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận kể từ khi trường ĐH ngoài công lập đầu tiên sau khi thống nhất đất nước được phép thành lập vào năm 1988. Tuy vậy, hiện nay khu vực giáo dục này đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi giới nghiên cứu phải nhanh chóng cung cấp thông tin và dữ liệu cần thiết cho những người làm chính sách để họ có thể đưa ra những chính  sách phù hợp và kịp thời.

Trong khi ghi nhận và trân trọng những đặc điểm đã làm nên sự ưu tú của các trường đại học phương Tây, chúng ta thường ít lưu ý đầy đủ đến những đặc điểm của khu vực, của quốc gia và văn hóa, là điều có tác dụng rất lớn và rất trực tiếp đến sự phát triển của GDĐH. Do sự khác biệt đáng kể về truyền thống văn hóa và lịch sử, về hệ thống chính trị, những kinh nghiệm của phương Tây về mặt nào đó có thể có ý nghĩa ít quan trọng hơn đối với Việt Nam so với những gì đang diễn ra ở Đông Á. Bài học của phương Tây là quan trọng, nhưng bài học quan trọng hơn là những nước Đông Á có truyền thống và nhiều đặc điểm gần gũi với chúng ta đã học hỏi những bài học phương Tây ấy như thế nào để đạt được thành tựu ngày nay.

Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu bản báo cáo về Giáo dục Đại học tư ở Đông Á, do giáo sư Levy Daniel, ĐH Albany, thực hiện năm 2010 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới.  Đây là một bản báo cáo chứa đựng nhiều thông tin toàn diện và phong phú về GDĐH tư ở Đông Á, hơn thế nữa, chứa đựng những phân tích chính sách và khuyến nghị hết sức quý giá cho Việt Nam. Bản báo cáo gồm ba phần chính: Phần 1 nói về̀ quy mô, định dạng và sự tăng trưởng; phần 2 nói về tài chính, và phần 3 nói về chính sách quản lý.

Chúng tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp các nhà quản lý có thêm thông tin để đánh giá đúng tình hình của Việt Nam trong xu thế quốc tế và trong bức tranh chung của khu vực Đông Á, từ đó sẽ có những bước đi phù hợp nhằm phục vụ sự phát triển chung của cả hệ thống GDĐH.

Phạm Thị Ly

LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

Tôi rất vui mừng đón nhận sự quan tâm trong việc dịch sang tiếng Việt bản báo cáo chính sách gần đây của tôi về giáo dục đại học tư thục ở Đông Á. Mặc dù tình huống của Việt Nam được nhắc đến nhiều lần trong bản báo cáo lớn hơn của Ngân hàng Thế giới, bản báo cáo này không có nhiều điều kiện để phân tích chi tiết và tác giả cũng không phải là chuyên gia về Việt Nam. Hơn nữa, không như Trung Quốc và Thái Lan, Việt Nam không phải là tình huống trọng tâm trong báo cáo khu vực này. Trong bối cảnh đó, là một học giả đã thực hiện những nghiên cứu rộng rãi và đa dạng, mặc dù có thể có rủi ro thậm chí về khả năng thiếu chính xác hay phân tích mang tính bề mặt, tôi hy vọng rằng công trình của mình có thể khích lệ những học giả ở chính các quốc gia đó chủ động nắm lấy cây gậy khám phá và sử dụng các khái niệm và phương pháp nghiên cứu để đem lại những phân tích sâu sắc hơn về tình huống quốc gia của chính mình.

Mặc dù tình huống mỗi nước đều có những đặc thù, điều luôn làm tôi ấn tượng mạnh mẽ là chúng ta vẫn có thể xác định được hình thái chung trong giáo dục đại học tư thục ở các nước với hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội cũng như mức độ phát triển rất khác biệt. Hơn nữa, dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu rộng rãi thực tế các nước khác, đặc biệt là ở Nam Mĩ, báo cáo này mở rộng việc khám phá các hình thái đã được xác định trong những nghiên cứu trước đây ở những nơi khác trước khi nghiên cứu về Đông Á. Không chỉ Việt Nam xuất hiện trong báo cáo này như một phần của bối cảnh khu vực mà cả khu vực Đông Á cũng được đặt trong bối cảnh toàn cầu. Độc giả sẽ nhận thấy những khuynh hướng quan trọng nhất định và thậm chí là mạnh mẽ trong các lĩnh vực tài chính, quản trị và đặc điểm của giáo dục đại học tư thục. Đồng thời, bạn đọc sẽ được thấy phông nền để xác định những đặc thù nổi bật của thực tế nước mình, và khi tiếp cận một thực tế xuyên quốc gia điển hình nào họ sẽ cần đặt ra câu hỏi tình huống quốc gia của mình có thể khẳng định một cách mạnh mẽ hay hạn chế thực tế rộng lớn hơn của khu vực.

Mặc dù hiểu biết của chúng ta về giáo dục đại học tư thục không ngừng được mở rộng, các nghiên cứu ngoài Hoa Kỳ mới chỉ được thực hiện gần đây. Ngoài ra, hầu hết các công trình đều mới chỉ mang tính mô tả mà chưa có nhiều khái niệm, lý thuyết hay nghiên cứu mang tính học thuật dẫn dắt. Những giả định về giáo dục đại học tư thục xuất phát từ những quan sát (bao gồm chưa chính xác và cả chính xác) về tình huống Hoa Kỳ thường rất dễ gây hiểu lầm đối với phần lớn thế giới, trong đó có Đông Á và Việt Nam. Xin đưa ra hai ví dụ điển hình về trường hợp này. Không như phần còn lại của thế giới, trong hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ, khu vực tư là nơi tập trung sinh viên thuộc tầng lớp kinh tế xã hội quyền thế và cũng là nơi tập trung các trường đại học nghiên cứu học thuật hàng đầu. Các nghiên cứu ít ỏi và sự khái quát hóa thiếu chính xác không quá nguy hiểm khi quy mô giáo dục đại học tư thục bên ngoài Hoa Kỳ hầu hết còn hạn chế. Nhưng thực tế ấy đã thay đổi cơ bản. Như đã thể hiện trong báo cáo, trên thế giới có khoảng 3 trên 10 sinh viên đại học thuộc khu vực tư, ở Đông Á con số này là gần 4 trên 10. Thực tế này đơn giản buộc chúng ta phải hiểu biết về sự tăng trưởng mạnh mẽ của giáo dục đại học tư thục và những hình thái mà nó đem lại.

Công trình này được thực hiện dưới hình thức báo cáo chính sách, và do đó, tôi thực sự hy vọng nó sẽ cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Tuy nhiên, việc trích lọc những công thức thích hợp từ học thuật về một chủ đề phức tạp là không hề dễ dàng (mặc dù có thể dễ dàng xác định được những sai lầm có thể tránh được). Việc phục vụ các nhà hoạch định chính sách bản thân nó không phải là mục đích cuối cùng của học thuật; không học giả nào muốn phục vụ những người làm chính sách hoặc yếu kém hoặc chỉ muốn nắm lấy những thông tin có lợi cho một mục đích đã xác định từ trước. Ngược lại, tác giả hy vọng rằng các nhà làm chính sách có kiến thức sẽ tiếp cận và sử dụng báo cáo này với tinh thần cởi mở và không có định kiến làm sai lệch. Thế nhưng, trên hết, tác giả cũng hy vọng báo cáo này sẽ tiếp cận được giới độc giả ngoài các nhà làm chính sách, gồm các nhóm liên quan hay cá nhân có quan tâm chính đáng đến giáo dục đại học và xã hội.

Và đặc biệt hy vọng rằng một báo cáo như vậy sẽ đến được tay những học giả trẻ mong muốn tìm tòi. Đóng góp cho sự nghiệp giáo dục những học giả trẻ tuổi, về lâu dài, có lẽ là điều tốt nhất mà một học giả như tôi có thể thực hiện đối với công tác hoạch định chính sách.

Trước khi cảm ơn lần nữa những người đã giúp đỡ tôi trong bản báo cáo nguyên thủy, tôi muốn cảm ơn hai người Việt trẻ đang học tập và nghiên cứu về giáo dục đại học. Phạm Thị Ly là người chủ yếu trong việc khởi xướng ý tưởng dịch bản báo cáo sang tiếng Việt và là người đã thực hiện ý tưởng này. Cô đã làm việc với tinh thần cam kết, kiên trì và trí tuệ. Thứ hai là nghiên cứu sinh hiện tại của tôi, Hoàng Ngọc Lan, là người cung cấp cho tôi nhiều thông tin quan trọng và đầy thú vị về tình huống Việt Nam. Nghiên cứu sinh viên đã tốt nghiệp gần đây của tôi, TS. Prachayani Praphamontripong đến từ Thái Lan, là người đã hỗ trợ tôi thực hiện báo cáo, và Emanuela di Gropello, trưởng nhóm thực hiện báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Đông Á, là người đã kết nối và hỗ trợ tôi trong nghiên cứu về giáo dục đại học.

Daniel Levy
(người dịch: Hoàng Ngọc Lan)