GIẢI PHÁP NÀO CHO CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP? CỨU MÌNH TRƯỚC KHI TRỜI CỨU!!!

Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng Báo Tuổi Trẻ ngày 07.05.2014)

Tôi có kinh nghiệm tuyển dụng nhiều người mới ra trường, và có thể khẳng định rằng trong bi kịch thất nghiệp, thái độ sống của họ chiếm một phần rất lớn. Chất lượng đào tạo bậc ĐH, quy hoạch ngành nghề có vấn đề, nhưng trên hết vẫn là “tính cách làm nên số phận”. Các bạn sẽ không thất nghiệp nếu:

  1. Không quan niệm rằng phải tìm được việc đúng ngành nghề. Học ngành này, làm việc ngành khác, không phải là trời sập. Đại học, ngoài việc cung cấp kỹ năng và kiến thức chuyên môn của một nghề cụ thể, còn là cơ hội để bạn có một nền tảng tư duy và hiểu biết rộng rãi về xã hội. Có những kỹ năng cần cho tất cả mọi nghề, nếu không có những kỹ năng đó, bằng cấp nào cũng vô dụng. Tấm bằng chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Đặc biệt trong thời thật giả lẫn lộn hiện nay. Vì vậy, đừng câu nệ tấm bằng bạn có, hãy tự hỏi bạn có những khả năng và phẩm chất gì.
  2. Không coi công việc chỉ là phương tiện để kiếm sống, và không làm việc với thái độ “trả nợ quỷ thần” có mặt sếp thì làm, sếp ngoảnh đi thì chuồn về hay chơi game. Cho dù công việc lương có thấp đến đâu đi nữa, hoặc là bạn không nhận làm, hoặc là bạn nhận nó, thì phải nhận với tất cả trách nhiệm của mình. Một người làm việc có lương tâm nghề nghiệp, làm với tất cả trách nhiệm cao nhất, bất kỳ ai cũng muốn có một nhân viên như thế. Nếu bạn không có được lương tâm chức nghiệp như thế, cơ hội dù có đến tay bạn, rồi cũng sẽ vuột mất. Lương tâm nghề nghiệp là tiếng nói bên trong tâm hồn bạn, đòi hỏi bạn phải làm tốt nhất với khả năng của bạn, không cần ai phải kiểm soát, gây áp lực, đe dọa trừng phạt. Bạn làm tốt vì bạn muốn nó tốt, không phải vì bạn sợ mất việc, sợ bị cắt lương, bị khiển trách. Nếu bạn có thái độ làm việc như thế, bạn chắc chắn sẽ được ghi nhận, và sẽ tiến bộ rất nhanh trong nghề nghiệp. Hôm nay bạn có vị trí thấp, ngày mai bạn sẽ có vị trí tốt hơn.
  3. Không bao giờ ngừng học hỏi. Bạn càng trẻ càng cần có nhiều thứ để học. Bạn càng lớn tuổi, càng cần học thêm nữa để làm mới hiểu biết của mình. Thế giới đang thay đổi. Bất cứ công việc nào cũng là cơ hội cho bạn học hỏi.
  4. Không đóng khung suy nghĩ của mình theo một lối mòn. Nhà trường Việt Nam rất ít dạy cho sinh viên thái độ chủ động và tinh thần khởi nghiệp, dám chấp nhận thử thách và rủi ro. Cơ hội luôn luôn có ở chung quanh bạn, vấn đề là bạn có nhìn thấy nó hay không và có đủ năng lực để nắm bắt lấy nó hay không mà thôi.

Tóm lại, đừng ngồi chờ nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo. Đừng ngồi chờ kinh tế khởi sắc. Đừng ngồi chờ số phận mang may mắn lại cho mình. Đừng ngồi chờ ai đó phát hiện ra tài năng của mình. Hãy quan sát cuộc sống, hiểu rõ mình là ai, có những nhược điểm gì, và mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống. Nhà trường dạy cho các bạn mơ ước, nhưng không chuẩn bị đủ cho các bạn những năng lực để biến mơ ước thành sự thật. Bạn hãy tự mình tìm cách lấp những khoảng trống ấy. Có lần tôi đã nói về “quy luật mười nghìn giờ”, đại khái nếu bạn làm việc gì đó đến khoảng mười nghìn giờ, bạn sẽ đạt đến trình độ thành thạo như một chuyên gia. Dĩ nhiên nhận định này có thể gây tranh luận, nhưng nếu đừng tuyệt đối hóa nó, thì thông điệp của nó là bạn hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu đáng kể nếu bạn có một nỗ lực tương xứng. Nếu bạn tích lũy hiểu biết và kỹ năng đến một mức độ nào đó, bạn sẽ không đi tìm việc, mà công việc sẽ tìm đến bạn.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/606016/cuu-minh-truoc-khi-troi-cuu.html