ĐÀO TẠO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC
CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
Phạm Thị Ly
Nhu cầu về giáo dục thực chứng (evidence-based education)
Thực trạng giáo dục trong nước đòi hỏi nhiều thay đổi, và một trong những tác nhân quan trọng nhất tạo ra thay đổi là năng lực lãnh đạo của người lãnh đạo và quản lý giáo dục. Kể cả trong một hệ thống quản lý tập trung và quyền tự chủ ở cấp trường còn hạn chế, thì năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng các trường, cán bộ quản lý giáo dục cấp sở, phòng, ban, cũng có thể tạo ra được những thay đổi rất tích cực ở cơ sở, và quan trọng hơn, là cung cấp thông tin để tạo ra những thay đổi ở cấp chính sách.
Để cán bộ quản lý ở cơ sở có thể làm được điều đó, thì họ cần được trang bị công cụ. Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục chính là công cụ để đưa ra chứng cứ làm cơ sở cho mọi quyết định chính sách. Hiện nay trên thế giới người ta phải dựa vào bằng chứng để làm chính sách, gọi là “evidence based policies”. Những bằng chứng thuyết phục thường xuất phát từ nghiên cứu khoa học. Trong y khoa hiện nay, giới nghiên cứu hiểu rất rõ thực hành y khoa cần phải dựa vào bằng chứng, và bằng chứng chỉ có thể tin cậy nếu rút ra từ nghiên cứu. Giáo dục cũng không khác, vì là một lĩnh vực có ảnh hưởng đến nhiều người và nhiều thế hệ, nên nhu cầu chứng cứ rất quan trọng. Y học thực chứng (evidence- based medicine) đã trở thành kim chỉ nam cho thực hành y khoa và chính sách y tế công cộng, nhưng trong lĩnh vực giáo dục, thì giáo dục thực chứng (evidence-based education) chưa được chú ý đúng mức. Bài viết này bàn về mục tiêu, nội dung và ý nghĩa việc đào tạo phương pháp khoa học giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục, nhằm đẩy mạnh những nỗ lực cải cách trong giáo dục.
Từ thực tế hiện nay
Có thể nêu lên vài hiện trạng để thấy bức tranh thực tế ở cấp chính sách: (i) Vấn đề biên soạn chương trình và sách giáo khoa hiện nay chủ yếu đang là công việc thuần túy lý thuyết của một nhóm chuyên gia, mà chưa có thực nghiệm nhằm khảo sát đánh giá tác động của nó trong thực tế đối với người học và dựa trên kết quả này để điều chỉnh nội dung, chương trình và sách giáo khoa cho phù hợp; (ii) Việc thiết kế đề thi năm nào cũng có vài trục trặc và sự cố, gây hoang mang cho không ít học sinh và phụ huynh. (iii) Nhiều câu hỏi đang đặt ra: Có nên tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp phổ thông? Có nên tổ chức kỳ thi đại học “ba chung”? Lấy chỉ tiêu gì để đánh giá chất lượng giáo dục trong bối cảnh Việt Nam? Phân tầng đại học cần dựa trên tiêu chí gì và cơ sở khoa học của những tiêu chí ấy là gì? Những câu hỏi như vậy, không thể có câu trả lời khách quan mà không dựa trên bằng chứng khoa học, tức là dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học. Có lẽ một phần do thiếu chứng cứ khoa học, nên nhiều chính sách hay đề xuất được đưa ra phần nhiều chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân hay thậm chí cảm tính. Ở cấp nhà trường, thì việc ra quyết định dựa trên các dữ liệu nghiên cứu lại càng hiếm hoi.
Trong lúc đó, chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông ở bậc sau đại học đều có bao gồm học phần về nghiên cứu khoa học giáo dục. Vì sao việc đào tạo chính quy về PPNCKHGD trong thực tế đã không giúp giải quyết được những bất cập nêu trên?
Học phần này có các nội dung chính như sau:
- Khái niệm và cách phân loại
2. Nhóm các phương pháp nghiên cứu lý luận
3. Phương pháp chuyên gia
4. Phương pháp quan sát
5. Phương pháp điều tra – khảo sát
6. Phương pháp nghiên cứu các sản phẩm hoạt động
7. Phương pháp thực nghiệm sư phạm.
Tuy nhiên, nội dung giảng dạy bộ môn này chủ yếu tập trung vào những phương pháp nghiên cứu cụ thể và các kỹ năng để thực hiện hoạt động nghiên cứu mặc dù phần thực hành rất ít. Mục đích của học phần này trong thực tế là để giúp học viên thực hiện đề tài luận văn tốt nghiệp. Trong lúc đó, bộ môn này cần được xem như một môn công cụ, và cần được vận dụng thường xuyên trong thực tiễn làm việc sau này của người quản lý. Nhìn từ khía cạnh này sẽ thấy việc đào tạo PPNCKHGD hiện nay thiếu hẳn một phần rất quan trọng là phương pháp luận của NCKHGD.
Trước hết cần thay đổi quan niệm và nhận thức về ý nghĩa của bộ môn PPNCKHGD trong chương trình đào tạo cán bộ quản lý giáo dục. Chương trình này nhằm đào tạo ra không chỉ những người nghiên cứu chuyên nghiệp mà còn là những người thực thi nghề nghiệp quản lý giáo dục (practitioner). Do vậy, bộ môn PPNCKHGD không nên được xem là chỉ phục vụ cho những người chọn trở thành người nghiên cứu chuyên nghiệp, mà còn phục vụ cho công việc hàng ngày của người cán bộ quản lý giáo dục, như sẽ trình bày trong phần tiếp theo.
Xác định lại vai trò của NCKHGD trong thực tiễn quản lý giáo dục
Edward Vockell cho rằng nghiên cứu giáo dục là ứng dụng những phương pháp khoa học hay những hình thức khác của việc tìm tòi tri thức chuyên môn vào thực tiễn hoạt động giáo dục. Các nhà nghiên cứu giáo dục tìm kiếm mối quan hệ giữa những tham tố khác nhau trong giáo dục. Thông qua quan sát và kết luận về mối liên hệ giữa các tham tố đó, họ đề nghị những cách lựa chọn hiệu quả hơn cho các giáo viên, những người thiết kế chương trình, và những người quản lý lãnh đạo trong việc tác động vào thực tiễn giáo dục. Những công trình nghiên cứu có hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng của các quyết định về giáo dục.
Nghiên cứu giáo dục không chỉ là một khoa học trừu tượng. Nó là một công cụ hữu ích để giải quyết những vấn đề thực tế. Nó giúp các nhà giáo dục xác định những kết quả cần đạt, tạo ra các dự đoán, xây dựng những mối quan hệ nhân quả. Tất cả mọi quá trình ra quyết định trong giáo dục đều dựa trên các giả thiết nhân quả. Nhà quản lý ra quyết định thế này thay vì thế khác là vì có lý do để tin rằng quyết định như thế sẽ dẫn tới kết quả tốt hơn. Nhiều khi những quyết định này dựa trên phong tục tập quán, dựa trên thẩm quyền, dựa trên định kiến hay một số nhân tố khác mà ít khi dựa trên khảo sát dữ liệu một cách có hệ thống. Những nhân tố như trực giác của người thầy và người thiết kế chương trình, những suy tư triết lý, và những giới hạn của luật pháp, tất cả đều có một vai trò chính đáng trong quá trình ra quyết định. Tuy vậy, nói một cách đơn giản, những quyết định dựa trên những kết luận và khái quát hóa sâu sắc thì nhiều khả năng là đúng đắn hơn so với những quyết định dựa trên các khái quát nhầm lẫn (Sđd).
Không chỉ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mới cần có kỹ năng nghiên cứu và thực thi việc nghiên cứu. Bằng cách vận dụng những chiến lược nghiên cứu giáo dục phù hợp, các thầy giáo và các nhà quản lý giáo dục có thể trở thành những người suy nghĩ sâu sắc hơn và được hưởng nhiều lợi ích hơn từ những kinh nghiệm cá nhân của họ. Luôn luôn xử sự trong công việc như một người quan sát có hệ thống và phần nào như một nhà nghiên cứu, tức luôn luôn tìm cách nắm bắt bản chất của vấn đề, mối liên hệ giữa các hiện tượng, tính xác đáng của các kết luận, là cách để chúng ta làm công việc của mình ngày càng có hiệu quả tốt hơn. Nói một cách vắn tắt, PPNCKHGD là công cụ giúp chúng ta tư duy tốt hơn về thực tiễn giáo dục.
Hơn thế nữa, sự hiểu biết về PPNCKHGD và sự quen thuộc với cách tư duy này sẽ giúp các nhà quản lý đánh giá nhanh chóng và chính xác tầm quan trọng của các báo cáo kết quả nghiên cứu về giáo dục, cũng như có thể nắm bắt và diễn giải được ý nghĩa của các kết quả nghiên cứu ấy, và tận dụng những lợi ích mà các bài viết, bản báo cáo ấy có thể mang lại.
Tất nhiên, kết quả có được từ nghiên cứu giáo dục không phải là căn cứ duy nhất để đưa ra quyết định, ở cấp nhà trường cũng như ở cấp chính sách. Có nhiều vấn đề cần được giải quyết bằng nhiều cách khác hơn là nghiên cứu. Ví dụ, có nên đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường hay không, là một quyết định phải được chủ yếu dựa trên triết lý giáo dục, khuôn khổ pháp lý hay những cân nhắc về mặt xã hội hơn là chỉ đơn thuần dựa trên những thông tin nghiên cứu. Tuy vậy, điều này không phủ nhận tầm quan trọng của NCKHGD trong thực tiễn giáo dục và quản lý giáo dục.
Đề xuất đổi mới việc đào tạo PPNCKHGD
Từ các phân tích trên chúng tôi cho rằng cần bổ sung vào chương trình hiện hành:
- Phương pháp luận về NCKHGD
- Hướng dẫn cách tìm kiếm tư liệu, giới thiệu các nguồn tư liệu trong nước và quốc tế và cách thức hệ thống hóa tư liệu
- Kiến thức cơ bản về xử lý thống kê và một số phần mềm thông dụng (R hoặc SPSS)
- Tăng cường thực hành
- Xây dựng những nguồn tài nguyên trực tuyến về KHGD được sắp xếp một cách hệ thống.
Tài liệu tham khảo:
- Edward Vockell (2004) Educational Research.
Nguồn: http://education.calumet.purdue.edu/vockell/research/ - Phạm Thị Ly, Nguyễn Văn Tuấn (2012). Khoa học giáo dục Việt Nam qua phân tích ấn phẩm khoa học 1996-2010. Báo cáo tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học Lần thứ tư, 27- 11-2012.
- D. Hien (2010). A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam. Higher Education. 2010;60:615-25.
- The Impact of Educational Research: An Overview (2000). Higher Education Division Department of Education, Training and Youth Affairs, Australia. (Chương 1, trang 1-23: Biblio/Sciento/Infor-metrics:Terminological Issues and Early Historical Developments)
0 Comments