Phạm Thị Ly (2016)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 29.05.2016)
Mặc dù GDĐH về bản chất vốn đã mang tính toàn cầu, chỉ trong ba thập kỷ gần đây, chúng ta mới thấy vấn đề hội nhập quốc tế nổi lên như một đòi hỏi sống còn của các trường ĐH nhằm đáp ứng với nền kinh tế toàn cầu hóa. Không chỉ các trường ĐH ở châu Á, hay ở các nước đang phát triển mới có nhu cầu xây dựng chiến lược quốc tế hóa, chính các trường ĐH phương Tây hùng mạnh cũng cảm thấy cần phải tăng cường tính chất quốc tế của mình nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh. Hầu hết các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu đều coi mức độ quốc tế hóa của các trường là một tiêu chí đánh giá rất quan trọng.
Bức tranh thực tế
Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, v.v. là những nước rất thành công trong việc hội nhập toàn cầu trong GD ĐH. University of Tokyo của Nhật Bản về hầu hết mọi mặt có thể sánh ngang với University of Chicago, hay Stanford University: tuổi đời gần bằng nhau, thứ hạng gần tương đương nhau. National University of Singapore có thứ hạng khoảng 30-35 trong nhiều năm liền, một thành tựu rất đáng nể. Thế nhưng, có một vấn đề mà một học giả của Hong Kong University, PGS. Rui Yang (ĐH Hong Kong) gần đây đã nêu ra, đó là, hầu như tất cả các trường ĐH ở Đông Á đều coi mô hình đại học phương Tây như những “tiêu chuẩn vàng” và sao chép gần như nguyên vẹn mà không quan tâm đến việc xây dựng bản sắc văn hóa của riêng mình. Kết quả là, càng hiện đại, càng hội nhập sâu vào thế giới hàn lâm và giành được cương vị cao trên các bảng xếp hạng chừng nào, thì các trường lại càng xa rời những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của mình chừng ấy. Tất cả các trường Đông Á đều có chung thách thức này, nhưng có thể nói Trung Quốc là nơi cảm nhận nỗi đau ấy sâu sắc hơn hết.
Việc sao chép mô hình phương Tây đã mang lại cho các trường Đông Á nhiều thành tựu cực kỳ ấn tượng, tất nhiên là với những khoản đầu tư to lớn: Nhật Bản có một số trường đứng vững lâu dài ở vị trí đẳng cấp quốc tế; Trung Quốc tăng số công bố khoa học 17% mỗi năm từ 2000-2009. Hàn Quốc dự định dành cho nghiên cứu khoa học 12 tỉ USD trong năm 2014; còn Singapore chi 2,1 tỉ USD để vận hành chỉ 4 trường ĐH trong năm 2012. Họ đã xác lập những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về công bố khoa học cho giảng viên, và kết quả là National University of Singapore còn mạnh hơn tất cả các trường ĐH của Úc xét về số lượng công bố khoa học, trích dẫn và tác động. Một số trường cỡ vừa của Đông Á có tỉ lệ trích dẫn còn cao hơn cả Australian National University, ví dụ như Hong Kong UST, Postech ở Hàn Quốc và Nankai ở Trung Quốc (Maslen 2012). Tuy nhiên, một vấn đề chưa bao giờ được quan tâm chú ý, là sự khác biệt của các trường ĐH Đông Á với các trường ĐH ở phương Tây.
Thực tế là, cho dù có những thành tựu lớn lao, nhưng có vẻ như họ sẽ sớm chạm đến cái trần thủy tinh. Phân tích số giải Nobel mà University of Tokyo đạt được (8) so với University of Chicago (89) và Stanford (49) có thể thấy rõ là khả năng đạt tới đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn của các trường Đông Á còn cách biệt rất xa so với đồng nghiệp phương Tây. Con số giải Nobel của Trung Quốc và các nước Đông Á khác cũng cho thấy một kết luận tương tự. Vẫn còn nhiều câu hỏi về tiềm năng thực sự của các trường ĐH Đông Á, và liệu họ có thể phá vỡ sự đồng hóa văn hóa của phương Tây hay không.
Lực cản hay ưu thế?
Con số giải Nobel khiêm tốn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học xã hội của các trường Đông Á có thể nói lên sự hạn chế trong tư duy sáng tạo và khả năng đột phá của người Châu Á. Liệu văn hóa Á Đông, truyền thống đạo Khổng có ý nghĩa hay vai trò gì trong việc hạn chế khả năng tư duy đột phá của chúng ta?
Rui Yang cho rằng, một ưu thế của các trường Đông Á là họ có thể nhìn mọi vấn đề bằng cái nhìn của hai nền văn hóa, trong khi các trường ĐH phương Tây chỉ có một khuôn mẫu văn hóa trong nhận thức. Liệu điều này có biến thành một ưu thế để các trường ĐH Đông Á có thể tiến đến chỗ thách thức sự thống trị và vượt trội của các trường ĐH phương Tây hay không, đó là điều cần phải nghiên cứu sâu và cần được thảo luận ở quy mô rộng rãi hơn.
Trong khi đó, một thách thức khác, cũng theo Rui Yang, là văn hóa học thuật. Văn hóa học thuật là những giá trị, niềm tin và thái độ của giới hàn lâm trong khi thực thi công việc nghề nghiệp của họ. Ở khu vực Đông Á, những hành vi tiêu cực và tham nhũng trong giới hàn lâm cũng như giới quản lý không phải là chuyện gì cá biệt. Ở Trung Quốc, các trường là cánh tay của nhà nước, các hiệu trưởng là những người làm chính trị chứ không phải là những người lãnh đạo học thuật, còn giới hàn lâm thì chỉ tìm kiếm những lợi ích tức thời và thành công trước mắt. Điều này gây tổn thất cho sự phát triển của hệ thống GD ĐH Đông Á còn nghiêm trọng hơn cả những mâu thuẫn trong truyền thống văn hóa.
Vì thế, Yang cho rằng, điều còn thiếu chính là một quan điểm văn hóa có thể giúp nhận thức đầy đủ những tác động của cách tư duy theo lối truyền thống trong việc xây dựng hệ thống GD ĐH hiện đại ở Đông Á. Sư va chạm giữa truyền thống Khổng giáo và những tư tưởng phương Tây đã gây ra mâu thuẫn thường trực và là bối cảnh văn hóa cơ bản trong sự phát triển của các trường Đông Á. Cho đến nay, truyền thống văn hóa riêng có của Đông Á đã được nhìn như một trở ngại thay vì là một tài sản của các trường trong việc hiện đại hóa. Ví dụ như truyền thống tôn trọng thứ bậc (về địa vị, tuổi tác) và coi nhẹ tầm quan trọng của ý thức cá nhân ở người châu Á đã là rào cản trong việc xây dựng tinh thần phản biện và duy lý, vốn có liên hệ chặt chẽ với khả năng sáng tạo đổi mới.
Vấn đề là, liệu những giá trị văn hóa truyền thống, vốn thường bị coi là những lực cản cho tiến trình quốc tế hóa, có quả thật là những lực cản, hay chúng ta có thể coi đó là di sản có những ý nghĩa tích cực nhất định?
Đồng hóa về văn hóa?
Hai học giả người Anh, Dina Lewis và Catherine Montgomery, người đã thực hiện một nghiên cứu so sánh về quan điểm của các nhà lãnh đạo ĐH ở Trung Quốc, Hong Kong và Việt Nam trong vấn đề quốc tế hóa, cũng nói đến nguy cơ đồng hóa về văn hóa. Có một thực tế là không có một trường ĐH châu Á nào có thể coi là thuần túy châu Á, bởi tất cả các trường đều hướng về mô hình phương Tây và sao chép khuôn mẫu ấy với những mức độ khác nhau. Tuy vậy, Trung Quốc hiện đã tiến đến một giai đoạn mới trong quốc tế hóa GDĐH: họ đã và đang bắt đầu những hình thức mới, chuyển từ “nhập khẩu” một chiều những tri thức của phương Tây sang một vị thế cân bằng giữa việc giới thiệu thế giới với Trung Quốc và việc đưa Trung Quốc ra thế giới.
Có thể coi đó là một nỗ lực nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của người Trung Quốc, tránh rủi ro bị đồng hóa về văn hóa trong lĩnh vực GD ĐH. Có vẻ như đó là một phần của “giấc mơ Trung Hoa”, khi Trung Quốc, sau một thời gian tích lũy và phát triển về mặt của cải vật chất, giờ đây đang khao khát khẳng định mình không chỉ như một kẻ giàu có, mà còn là một sức mạnh văn hóa.
Câu hỏi là, trong những gì chúng ta thường gọi là các giá trị truyền thống, điều gì thực sự là lực cản cho sự phát triển tư duy sáng tạo đột phá, và điều gì là thực sự là bản sắc mà thiếu nó, chúng ta không còn là chính mình nữa? Liệu có nên duy trì lối tư duy học để làm quan, học vì tấm bằng, học cho sự vẻ vang của dòng họ, cho mơ ước của mẹ cha? Liệu quan niệm về trách nhiệm của người trí thức đối với xã hội có chỗ nào gặp gỡ giữa truyền thống châu Á và giá trị chuẩn mực của phương Tây? Liệu có thể Âu hóa mà vẫn giữ gìn được những bản sắc của mình và đóng góp cho sự đa dạng về văn hóa của hệ sinh thái GDĐH toàn cầu?
Câu hỏi này, tất nhiên không dễ trả lời, nhưng nó nêu ra một thách thức to lớn cho tiến trình quốc tế hóa, dù là, đối với nhiều trường ĐH ở Việt Nam hiện nay, câu hỏi đó dường như có phần xa xỉ.
Thế nhưng, nhìn vào sự phát triển hiện nay của hiện tượng quốc tế hóa trong GD ĐH ở Việt Nam, chúng ta sẽ có thể thấy, đặt ra câu hỏi đó không hề là quá sớm. Có thể nói, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, nếu chúng ta nhìn vào số lượng các chương trình liên kết quốc tế, số giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, các chương trình giao lưu và hợp tác nghiên cứu, v.v., đặc biệt là nếu chúng ta so với bức tranh GD ĐH cách đây hai thập kỷ. Mặc dù vậy, hiện đang có một số xu hướng đáng e ngại. Đó là xu hướng nhằm vào những biểu hiện hình thức và lợi ích ngắn hạn thay cho chú trọng đến nền tảng giá trị và mục tiêu lâu dài trong việc quốc tế hóa. Đó là việc sao chép mô hình phương Tây mà không thực sự hiểu những giá trị làm nền tảng cho mô hình ấy, và không có ý thức đầy đủ về việc xây dựng bản sắc của mình. Những lợi ích của hội nhập quốc tế là điều ai cũng thấy rõ, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy những thách thức đặt ra. Vì vậy, xây dựng một tầm nhìn chiến lược cho việc quốc tế hóa giáo dục từ cấp vĩ mô đến cấp trường là một chủ đề rất đáng được chú ý, và cần nhiều thảo luận hơn nữa.
0 Comments