“Chính phủ đã bơm hàng triệu đô la cho việc cải cách giáo dục đại học, nhưng chỉ tiền thì không đủ giải quyết mọi vấn đề”

Tác giả: PAUL MOONEY
Người dịch: Phạm Thị Ly (2008)

Tháng 9 năm 2005, Wang Yin viết một bức thư ngỏ gửi cho Trường Đại học Thanh Hoa, giải thích vì sao anh bỏ dở chương trình học tiến sĩ về khoa học máy tính. Anh chỉ mới học được chín tháng ngắn ngủi và mới bắt đầu những gì có thể tạo nên một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao ở Trung Quốc. Ngay lập tức, bài viết “Sự tan vỡ của giấc mơ Thanh Hoa” trên blog của Wang Yin lan tràn cả nước thông qua mạng internet. Báo chí nhảy vào cuộc, và cậu kỹ sư máy tính nhìn bề ngoài như một đứa trẻ con trở thành tiêu điểm chế nhạo của cả nước.

Sinh viên bỏ ngang chương trình học tiến sĩ thông thường không phải là thứ tin được đưa lên trang nhất của các báo. Nhưng cậu sinh viên này đã tấn công một cách công nhiên và táo bạo một trường đại học hàng đầu của quốc gia, mà người ta phong cho nó cái tên MIT của Trung Quốc. Wang buộc tội nhà trường bị ám ảnh với những báo cáo nghiên cứu khoa học vô nghĩa, thay vì tập trung vào việc đào tạo những gì có tính chất thực tế, và cho rằng việc giảng dạy không có mấy sáng tạo. Trong cuộc phỏng vấn ở một nhà hàng theo phong cách Sichuan ở khu vực công nghệ cao của Bắc Kinh, một lần nữa Wang nhắc lại nỗi thất vọng của mình: “Tôi cảm thấy mình gần như chẳng học được gì trong chương trình đào tạo tiến sĩ”. Dù khá bất ngờ trước phản ứng mạnh mẽ đối với lá thư ngỏ anh đã viết, anh nói nhiều sinh viên đã xúc động mạnh vì họ có thể thông cảm với sự thất vọng ấy. Wang nói: “Rất nhiều người cũng đối mặt với những vấn đề tương tự, nhưng họ đã không nói ra, và cuối cùng đã có người nói ra cho họ”. Nhiều tháng sau vẫn có người tiếp tục nêu ý kiến trên blog của anh, tranh luận về quyết định bỏ ngang việc học tiến sĩ của anh. Xây dựng những trường đại học với khả năng trở thành một lực lượng kinh tế mới nhất của thế giới là trung tâm của tham vọng mở rộng hệ thống giáo dục đại học, nhưng câu chuyện của Wang nhắc nhở mọi người rằng Trung Quốc còn một đoạn đường dài như thế nào trước mặt.

Vì vội vã đáp ứng nhu cầu khao khát được đào tạo của một quốc gia 1,3 tỷ dân, nhà nước TQ đã tăng gấp đôi số tiền đầu tư cho 2000 trường đại học và cao đẳng của họ, lên đến 11,6 tỷ đô la Mỹ trong 5 năm và kết thúc vào năm 2004, cũng như tăng gấp ba diện tích đất đai dành cho các trường trong quá trình này. Số lượng sinh viên cũng nhảy vọt từ 3,4 triệu năm 1998 khi chính phủ bắt đầu cải cách hệ thống giáo dục, đến nay là 16 triệu, và có thể thấy con số đó chưa dừng lại: các nhà hoạch định kế hoạch giáo dục hy vọng tăng gấp đôi tỷ lệ người vào đại học, đạt đến 40% trước năm 2020.

Nhưng trong lúc nhịp điệu cải cách quá nhanh đến mức thành ra nguy hiểm đang thay đổi bộ mặt của TQ, và mở rộng rất đáng kể quy mô của giáo dục đại học, chất lượng đào tạo không có được bước tiến nhảy vọt như thế. Sinh viên và các giáo sư đều than phiền về văn hóa đào tạo thiếu sức sống, vì nhà trường chỉ mang lại cho họ những tri thức lý thuyết thay vì những gì có ý nghĩa thực tiễn. Nhiều quyết định về quản lý, tuyển dụng, đề bạt vẫn do những tổ chức chính quyền ở trung ương hoặc địa phương hiện đang giám sát phần lớn các trường đại học công chi phối. Mặc dù nhà nước đổ dồn kinh phí vào lĩnh vực giáo dục trong những năm gần đây, nhưng ngân sách trải đều cho nhiều trường khiến phần lớn vẫn hoạt động với những ngân sách ít ỏi.
“TQ là một quốc gia lớn, và nền kinh tế của chúng ta đứng thứ ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới”, Hu Ruiwen, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Thượng Hải nói. “Nhưng trong lĩnh vực giáo dục đại học, chúng ta vẫn chưa có được vị trí ấy”.
Năm 1998 nhà nước trung ương, thực hiện quyết định của chủ tịch Giang Trạch Dân về chủ trương xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, đã thông báo về Dự án 985, được thiết kế nhằm đầu tư hàng triệu đô la cho một số ít trường tinh hoa với nỗ lực đưa những trường ấy đạt đến trình độ quốc tế. Tòa “tháp đôi” Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa được đầu tư 225 triệu USD mỗi trường trong 5 năm, trong lúc Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Nam Kinh nhận được 150 triệu USD mỗi trường. Danh sách những trường được nhận kinh phí từ dự án này về sau tăng lên đến gần 40 trường, và tổng số kinh phí cũng tăng theo. Tiếp theo sau Dự án 985 là Dự án 211 nhằm tăng cường cho 100 trường đại học và nâng cao chất lượng một loạt các ngành đào tạo

Mặc dù những mục tiêu của hai dự án ấy thật hoành tráng, nhà nước vẫn không có một định nghĩa hiển ngôn thế nào là “đại học đẳng cấp quốc tế” và làm thế nào các trường có thể đạt được vị trí ấy. Lãnh đạo mỗi trường đại học có mỗi câu trả lời khác nhau.

“Có rất ít tranh luận về vấn đề ĐHĐCQT là gì”, Li Qiang, giáo sư môn khoa học chính trị và Trưởng phòng kế hoạch Phát triển của Đại học Bắc Kinh nói. “Cho đến nay chúng ta vẫn không thể xây dựng được những tiêu chuẩn rõ ràng. Chúng ta tạo ra được tiến bộ trong một số lãnh vực, và khỏang cách đang được thu hẹp. Trong một số lãnh vực, khoảng cách này là vô cùng lớn”.
Trong lúc có thể có tình trạng lộn xộn về mục tiêu các trường cần đạt đến, lãnh đạo các trường vẫn có thể diễn đạt một cách rõ ràng họ cần gì để có thể đạt đến đó.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tiền đứng đầu trong danh sách. Phần lớn kinh phí trong ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học đã được rót về cho chỉ một vài trường, và thậm chí họ còn phàn nàn rằng số tiền ấy chỉ như muối bỏ biển. Lãnh đạo các trường nói rằng số tiền này đã được dùng cho việc tuyển dụng các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, trang bị những phòng thí nghiệm tối tân, thực hiện việc nghiên cứu và tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường.

Trong lúc đó, những trường ít nổi tiếng hơn- thậm chí vài trường nổi tiếng hơn- bị bắt buộc phải tự mình kiếm nguồn tài chính. Nhiều trường mở ra những khóa học buổi tối, nhúng tay vào thị trường bất động sản, thành lập những công ty tư vấn. Một trường đại học TQ điển hình có ngân sách hoạt động hàng năm chừng 2-3 triệu USD, một con số khá nhỏ bé so với số lượng sinh viên 40,000 của họ.

Tuy vậy, chỉ có tiền thì không đủ để giải quyết những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học.

“Sẽ còn một thời gian dài để TQ có thể dành cho giáo dục một kinh phí lớn như Hoa Kỳ đã làm, nhưng ngay cả khi có số tiền lớn ấy, nó cũng không giúp ích bao nhiêu nếu hệ thống giáo dục TQ tiếp tục trừng phạt những khám phá trí tuệ và ban thưởng cho lối học vẹt”, Michael Pettis, giảng viên môn tài chính tại Đại học Bắc Kinh nói. “Ở những trường hàng đầu của TQ, người ta vẫn đang tập trung vào những điều không đúng”. Ông và các đồng nghiệp cho rằng lãnh đạo các trường đang nhấn mạnh quá đáng vào việc nghiên cứu và vào phần cứng, trong lúc không chú trọng đúng mức đến cách giảng dạy đã quá lạc hậu.

Theo báo cáo của Viện Chính sách Giáo dục, một tập đoàn phi lợi nhuận nghiên cứu về giáo dục, “Một Thế giới khác biệt: Kết quả nghiên cứu Toàn cầu về Các trường trong danh sách đại học tinh hoa Ivy League”, tất cả các hệ thống xếp hạng của TQ đều nhấn mạnh vào kết quả nghiên cứu nhiều hơn bất kỳ hệ thống xếp hạng nào khác ở các nước. Chẳng hạn, trong hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng hải, 90% kết quả xếp hạng là dựa trên kết quả nghiên cứu, trong lúc hệ thống của Đại học Vũ Hán cho nghiên cứu một trọng số chỉ 45%. Thành tích nghiên cứu lại phụ thuộc phần lớn vào báo cáo khoa học và các trích dẫn được nêu trong những nghiên cứu về tư liệu tham khảo, mà các tác giả của bản báo cáo nói trên cho rằng thiên về các ngành khoa học tự nhiên quá nhiều.

“Vị trí được đo lường qua các hội thảo, qua số lượng các bản ghi nhớ mà các bạn ký được với các trường nước ngoài, và qua những ấn phẩm, những công bố khoa học mà các bạn có” một giáo sư Mỹ đang giảng dạy tại trường đại học hàng đầu Bắc Kinh yêu cầu không nêu danh tính nói. Ông cho rằng ý kiến của ông có thể khiến ông mất việc. Ông nói rằng các trường đại học TQ bị thu hút bởi ý muốn trở thành giống như Harvard hay MIT thay vì nhấn mạnh rằng họ có những giáo sư tốt nhất hay những lớp có quy mô nhỏ nhất. “Gần như tất cả các nhà quản lý TQ đều tin rằng đó là tất cả về xếp hạng”. Các nhà phê bình cho rằng nỗi ám ảnh về xếp hạng này là một lý do khiến họ ngờ rằng nhấn mạnh vào thành tích nghiên cứu có thể sớm làm thay đổi vị trí của các trường.

TQ năm ngoái đã tạo ra nhiều tiến sĩ hơn bất cứ nước nào khác, nhưng chất lượng của việc giảng dạy vẫn là một vấn đề. Các giáo sư bị thúc bách đuổi theo việc công bố khoa học, tìm kiếm nguồn tài trợ, tham dự các hội thảo, những điều này có nghĩa đôi khi họ chẳng quan tâm gì đến việc giảng dạy trên lớp. Người ta cho rằng nỗi ám ảnh “có ấn phẩm hay là chết” và áp lực công việc nghiên cứu đã kéo theo tình trạng đạo văn thời gian gần đây và làm tăng những vấn đề tâm lý trong giới nghiên cứu.

”Những con vịt nhồi”

Các giáo sư và sinh viên cùng nói rằng giáo dục đại học TQ thiếu tính sáng tạo mà không buộc sinh viên phải học tập, những sinh viên được gọi là “vịt nhồi” (stuffed ducks) vì lối cung cấp thông tin thiếu sức sống mà họ nhận được từ nhà trường. “Nhà trường chúng ta cho họ tri thức, nhưng không cho họ khả năng tư duy phản biện”, một nhà khoa học Thượng Hải nói.

Sinh viên phàn nàn là giảng viên chỉ biết đứng trước lớp mà đọc sách giáo khoa, không buồn liếc mắt ra khỏi trang sách. May Tang, một sinh viên vừa tôt nghiệp trường Đại học Shandong, nói rằng chỉ có 3 giáo sư trong ngành chính trị quốc tế mà cô đang học là gây được ấn tượng đối với cô, một trong ba người ấy là người Mỹ. “Những giáo sư lớn tuổi chuẩn bị đề cương bài giảng của họ từ năm mười năm trước, trong lúc từ đó đến nay đã có bao điều thay đổi”. Cô nói, “Họ đã bị tách rời khỏi xã hội”.

Pettis, giáo sư Đại học Bắc Kinh, nói rằng sự không hài lòng đối với nhiều giáo sư lớn tuổi đã dẫn đến hiện tượng nhiều sinh viên kéo nhau vào các lớp được giáo sư nước ngoài giảng dạy.

Một số sinh viên thậm chí không đến lớp nữa sau năm thứ hai. Wang, người đã bỏ dở chương trinh đào tạo của Đại học Thanh Hoa, đồng ý với một giáo sư cho rằng những năm học đại học của sinh viên chỉ là sự kéo dài sự giam cầm trí tuệ”. Những môn học của anh chẳng hề có mối liên hệ gì với thế giới công việc thực tiễn, và giảng viên không chịu cập nhật thông tin, nhiều môn học đã quá lỗi thời”. Trong lá thư ngỏ anh gửi cho Đại học Thanh Hoa, anh đã cho biết mình quay lại internet và sách vở để bổ sung kiến thức của mình như thế nào.

Chương trình là một vấn đề trở ngại khác. Học 8 môn mỗi học kỳ là chuyện bình thường, khiến họ có rất ít cơ hội tập trung sâu vào bất cứ môn nào trong số ấy. Pettis nói rằng các nhà quản lý và lãnh đạo rất miễn cưỡng giảm bớt khối lượng của các môn học.

“Khó mà thuyết phục được các trường rằng nếu cắt đi một nửa số sinh viên mỗi lớp, họ sẽ thông minh hơn và không còn là những kẻ chỉ biết ngậm miệng nữa”. “Bản chất cạnh tranh của hệ thống khiến sinh viên ở các trường hàng đầu thường khoe khoang với nhau một cách đùa cợt rằng trường mình có nhiều sinh viên tự tử nhất, như thể đó là một chỉ báo mới nhất của sự nghiêm ngặt trong đào tạo” Pettis nói.

Những bài viết gần đây của báo chí phương Tây đặt vấn đề liệu 600,000 kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học TQ có phải là một thử thách cho sức mạnh kỹ thuật của Hoa Kỳ. Nhưng một báo cáo của Mc Kinsey, một công ty tư vấn quản lý quốc tế vào tháng 11 đã cho thấy chỉ 10% sinh viên tốt nghiệp ở TQ có những kỹ năng cần thiết để làm việc trong một công ty đa quốc gia, so với con số 25% ở Ấn độ. Lý thuyết và sách vở mà họ được tiếp cận trong quá trinh học đã không mang lại cho họ những kỹ năng thực tiễn và kỹ năng làm việc nhóm mà các công ty nước ngoài đòi hỏi.

”Sinh viên TQ khiến người ta phải ngạc nhiên: thông minh, chăm chỉ và tha thiết học,” Pettis nói, “nhưng e rằng giáo dục đại học đã làm họ thất vọng. Nhiều khi tôi thấy buồn phiền khi nghĩ về việc rồi đây sinh viên của tôi sẽ làm gì, vì họ không được đào tạo để trở nên những người biết suy nghĩ”.

Các nhà khoa học TQ nói rằng việc tôn trọng những người có thẩm quyền cũng khiến sinh viên bị kìm hãm. “Trong một xã hội Khổng giáo, những điều giáo viên nói là chân lý và mọi người không đặt dấu hỏi với những điều ấy”, Hu nói. Truyền thống này đã ngăn cản những cuộc thảo luận cởi mở trong lớp và khả năng sinh viên có thể thử thách các giáo sư.

Sự trừng trị thẳng tay những ý kiến về tự do cũng không giúp được gì. Trong mấy năm gần đây, nhà nước đã đóng cửa một số bản tin trên mạng của các trường và sa thải hoặc đình chỉ công tác một số giáo sư đã nêu ý kiến phê phán chính phủ. Nhiều nhà khoa học ở TQ cho rằng bao lâu những hạn chế về tự do học thuật như thế còn tồn tại, các trường đại học TQ không có cách nào có được thứ trí thức nhất thiết phải có để đạt được vị trí được quốc tế công nhận.

Kêu gọi cải tổ

Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia là một trở ngại khác. Việc nhận sinh viên vào trường tùy thuộc nhiều vào điểm thi, gồm những môn thường là chẳng có liên quan gì đến lĩnh vực nghiên cứu hay học tập sau này của thí sinh. Tất cả thí sinh ngay cả ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên đều phải thi môn Tiếng Anh và Chính trị (thực chất là tư tưởng Marx, Mao Trạch Đông, và lý thuyết của Đặng Tiểu Bình). Nếu họ học yếu một trong những môn ấy, thì chẳng có cơ may nào bước vào đại học.

Tháng 3 năm 2005, Chen Danqing, một trong những họa sĩ nổi tiếng của TQ, giáo sư môn hội họa của Đại học Thanh Hoa, đã gây ra một cuộc tranh luận trong toàn quốc khi tuyên bố rằng ông sẽ rời bỏ nhà trường khi hợp đồng hết hạn, vì ông rất thất vọng với hệ thống tuyển sinh vào đại học của nhà trường. Ông nói ông không thể tuyển nổi một sinh viên nào trong bốn năm bởi vì những thí sinh giỏi nhất là những người không qua nổi kỳ thi môn chính trị hoặc môn tiếng Anh.

Tiếp đó vào tháng 6, He Weifang, một luật sư hàng đầu và chuyên gia về lịch sử lập pháp, viết một lá thư ngỏ cho Đại học Bắc Kinh nói rằng ông quyết định chấm dứt không nhận nghiên cứu sinh cao học và tiến sĩ nữa, vì ông cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào trường luật- bao gồm 13 lĩnh vực chuyên môn trong ngành luật- có một sự phân biệt đối xử không có lợi cho những sinh viên tập trung vào những lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, chẳng hạn như lịch sử và lý thuyết lập pháp. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói, “Sinh viên chỉ cần học thuộc lòng, thuộc lòng nhiều chừng nào thì làm bài thi tốt chừng đó”.

Xie Weihe, phó hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, bảo vệ hệ thống thi tuyển sinh đại học quốc gia. Ông đồng ý rằng nó có những điểm chưa hoàn hảo, nhưng cho rằng đó là một phương pháp công bằng cho một đất nước 1,3 tỷ dân và con số này còn tiếp tục tăng hơn nữa. Các trường đại học TQ nhận được bốn triệu đơn xin học mỗi năm, khiến họ rất khó có thể đánh giá từng sinh viên về nhiều yếu tố khác nhau. Ông nói: ‘Chúng ta cần thay đổi từ từ, không thể đi những bước quá nhanh”.

Ngay những người phê phán hệ thống tuyển sinh này cũng phải đồng ý rằng nó giúp tránh được nạn tham nhũng trong quá trình tuyển sinh vì nó hạn chế việc các quan chức tạo sức ép cho nhà trường phải nhận con cái họ chẳng hạn.

Hầu hết tiếng nói kêu gọi cải cách là của giới khoa học, chẳng hạn giảm bớt việc nhấn mạnh vào thành tích nghiên cứu và thay đổi thủ tục tuyển sinh, và đều đòi hỏi được sự chấp thuận của nhà nước mới có thể thực hiện, nên nhiều nhà khoa học tự hỏi các trường đại học TQ liệu có thể thực sự tạo ra được bao nhiêu tiến bộ. Bộ Giáo dục, nhà nước trung ương và địa phương nắm quyền kiểm soát ngân sách, xác định trường nào sẽ phát triển và trường nào không. Họ cũng quyết định lương bổng, quyết định tuyển dụng hay sa thải nhân sự. Sự kiểm soát như thế gây ngột ngạt và làm nản lòng mọi nỗ lực đổi mới.

“Tại sao giáo dục TQ không phát triển nhanh như kinh tế TQ?” Yang Deguang, cựu hiệu trưởng của Đại học Sư phạm Bắc Kinh và giám đốc điều hành của Hiệp hội Đại học TQ nêu câu hỏi. “ Đó là do lối suy nghĩ truyền thống. Tư duy kinh tế kế hoạch vẫn đang tồn tại”.

Tuy vậy, thay đổi vẫn đang diễn ra. Các nhà lãnh đạo đại học lo lắng về áp lực của số sinh viên tăng đáng kể những năm gần đây, hoan nghênh quyết định của nhà nước hồi tháng 5 về việc giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh như một cách để nâng cao chất lượng giảng dạy và giải thoát họ khỏi nỗi lo về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường.

He Xiangmin, Trưởng khoa Giáo dục Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh nói rằng trường này đã cắt giảm số môn bắt buộc từ 160 xuống còn 120 trong những năm qua. Chương trình đào tạo cao học- trừ một ngoại lệ là ngành luật- đã được cắt từ ba năm xuống còn hai năm.

Các trường cũng đang thử nghiệm nhiều mô hình giáo dục khác nhau. Đại học Phúc Đán, vừa kỷ niệm 101 năm thành lập, đã thành lập Trường Cao đẳng Phúc Đán, nới đó sinh viên năm thứ nhất học những môn chung về nghệ thuật và khoa học trước khi vào những môn chuyên ngành của họ. Khoảng 30% sinh viên thay đổi ý định về ngành học khi bắt đầu bước vào năm thứ hai. Trong giáo dục đại học truyền thống, sinh viên phải chọn chuyên ngành học ngay khi rời khỏi trường phổ thông, và khó mà thay đổi ngành học khi đã bắt đầu học ở đại học.

Các trường cũng đang tìm kiếm giáo sư ngoài nước, có trường đề nghị mức lương 60,000 USD một năm, và gấp đôi số đó cho các giáo sư môn khoa học kỹ thuật và quản trị kinh doanh. Đại học Bắc Kinh còn thêm vào mức lương cạnh tranh của họ nhà ở miễn phí và 50,000 USD ổn định cuộc sống ban đầu cho các giáo sư quốc tế. Một viên chức trường đại học cho biết, trưởng khoa luật của một trường đại học đã được trả mức lương khó tin 625,000 USD một năm.

“Ở TQ, tri thức kiếm ra tiền, và chúng tôi không ngại trả bất cứ giá nào xứng đáng với họ”, ông He nói.

Tuy vậy, giới khoa học vẫn không có ảo tưởng gì về con đường trước mặt họ.

Với một nỗ lực mạnh mẽ, Đại học Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa có thể làm một bước nhảy vọt để lọt vào danh sách 200 trường hàng đầu trên thế giới trong vòng 10 năm, lọt vào danh sách 100 trong vòng 15-20 năm”, Ông Hu, một nhà khoa học Thượng hải nói. “Những trường đại học tốt nhất phải trải qua 200 đến 300 năm để làm được điều đó. Giải thưởng Nobel hôm nay là sản phẩm của hàng chục năm lao động trước đó.

Mặc dù phê phán Đại học Thanh Hoa, Wang, một nghiên cứu sinh của trường, nói rằng anh vẫn lạc quan. Anh gắn hy vọng của mình vào “thế hệ sau, hoặc kế tiếp, hoặc kế tiếp nữa” của sinh viên và giáo sư, những người có tư tưởng cởi mở hơn.

Trong lúc đó, anh ta dành thời gian làm việc tại một công ty trò chơi điện tử ở Zhongguancun, Bắc Kinh- nơi được gọi là thung lũng Silicon của TQ- giết thời gian cho đến khi nhận được những lá thư từ các trường đại học Mỹ. “Tôi nghĩ rằng vẫn có hy vọng rồi một ngày nào đó mọi sự sẽ thay đổi”- Wang mỉm cười sau cặp mắt kiếng lớn- “Nhưng tôi không có thời gian để chờ đợi”.

Nguồn: The Chronicle of Higher Education, May 19, 2006