Phạm Thị Ly

(Tham luận tại Hội thảo Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” do Đại học HUFLIT&ĐHSG tổ chức tháng 5-2010 tại TPHCM)

Tóm tắt

 Bài viết này trình bày bối cảnh quốc tế hóa và kinh nghiệm của các nước trong khu vực để xem xét những yếu tố lợi và hại của việc dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy ở bậc đại học. Qua lý thuyết về tiếp nhận ngôn ngữ và thực tế ở Việt Nam, tác giả đi đến kết luận là cần có những chính sách và hành động cụ thể để bảo vệ và giữ gìn sự phát triển về tiếng Việt, nhưng việc hạn chế sử dụng ngoại ngữ không thể là một giải pháp cho vấn đề yếu kém về tiếng Việt, vì sự thành thạo ngoại ngữ không mâu thuẫn với trình độ cao về tiếng mẹ đẻ. Cần từng bước thực hiện việc dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy trong một phần chương trình đại học để đấy mạnh tiến trình hội nhập và đáp ứng đòi hỏi của toàn cầu hóa.

SHOULD WE USE ENGLISH AS THE MEDIUM FOR INSTRUCTION IN VIETNAMESE UNIVERSITIES?

Abstract

 This article presents practices of the countries in the Asian region in an internationalisation context in order to examine the pros and cons of using English as the language for instruction in Vietnamese universities. Based on the theory of language acquisition and Vietnamese practices, the author concludes that it is necessary to create more policies and guidelines to protect and continue development of the Vietnamese language. However, restrictions on the use of a foreign language should not to be used to resolve the inability of the Vietnamese people to speak their own language at a high level of proficiency. Foreign language proficiency is not in conflict with the proficiency of our mother language. Viet Nam needs to implement the process of using English on a step-by-step basis as the medium for instruction in its universities in order to enable integration and meet the demands of globalisation.

         Trường Đại học Hoa Sen có thể coi là một trong những đơn vị đi đầu ở Việt Nam trong việc sử dụng tiếng Anh không chỉ như một học phần ngoại ngữ bắt buộc mà còn là một phương tiện giảng dạy bổ sung trong nhiều chương trình đào tạo của mình. Có thể khẳng định rằng cách làm này đã góp phần vào tỷ lệ tìm được việc làm rất cao của sinh viên Hoa Sen sau khi tốt nghiệp (xem phụ lục 1). Cái lợi của việc dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy thì đã rõ, có lẽ không ai phủ nhận. Vấn đề đặt ra là cân nhắc những pros and cons, những mặt bất lợi nếu có, và tìm ra một phương hướng hay giải pháp tương đối thỏa đáng. Để trả lời câu hỏi này, bài viết sẽ trình bày kinh nghiệm của một vài nước trong khu vực, chủ yếu là Singapore và Malaysia, cũng như cố gắng tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ: từ góc độ của người nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ, từ góc độ của nhà tuyển dụng, của sinh viên, của người làm nghiên cứu khoa học, của nhà văn hóa, và của nhà nước.

 Bối cảnh quốc tế hóa và kinh nghiệm của các nước trong khu vực

            Công nghệ truyền thông và bối cảnh quốc tế hóa sâu rộng mọi mặt đang diễn ra đã làm thay đổi sâu sắc cách thức con người giao tiếp với nhau và làm việc cùng nhau. Trong kinh tế đã có sự phân hóa giữa các quốc gia vùng tâm (core) và vùng biên (periphery)[1]; sự phân hóa này lặp lại trong hệ thống giáo dục đại học tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng: Các quốc gia ở vùng tâm và hệ thống giáo dục của họ dẫn đầu về phát triển kinh tế cũng như nghiên cứu khoa học và tạo ra những tác động thống trị về nhiều mặt trong đó có ngôn ngữ sử dụng trong giao tiếp. Nếu như trong những thế kỷ trước, tiếng Đức hay tiếng Latin đã từng là ngôn ngữ của học thuật và là phương tiện giao tiếp chính giữa các quốc gia châu Âu, thì ngày nay vai trò đó đã thuộc về tiếng Anh. Tiếng Anh là một thứ tiếng của nhóm ngôn ngữ German trong hệ Ấn-Âu, du nhập vào Anh qua các thứ tiếng của dân xâm chiếm vào thế kỷ thứ 6. Tiếng Anh truyền khắp nơi dưới chủ nghĩa thực dân trong thời kỳ thịnh vượng của Đế quốc Anh, từ đảo Anh qua nước Úc, Canada, Hồng Kông, New Zealand, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Theo một thống kê thực hiện năm 2002 thì Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông thứ ba trên thế giới và là ngôn ngữ bản địa của khoảng 402 triệu người. Tiếng Anh được sử dụng phổ biến nhờ vào ảnh hưởng của MỹAnh trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học, tin học, chính trịvăn hóa. Ở nhiều nước, người ta bắt buộc phải học tiếng Anh để đi làm. Tiếng Anh trở thành “ngôn ngữ phụ” quan trọng nhất và ngày càng được nhiều người học sử dụng. Từ đây, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng tiếng Anh đã mất dần vai trò là biểu tượng văn hóa độc quyền của những người nói tiếng Anh, thay vào đó, nó tập hợp những nét văn hóa khác nhau trên thế giới. Một số nhà nghiên cứu khác còn đưa ra nhận xét rằng theo thời gian tiếng Anh sẽ không đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu về giao tiếp của tất cả mọi người.

Thực tiễn của việc sử dụng tiếng Anh trong trường đại học ở Singapore và Malaysia

Khi việc giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ đang được thực hiện trong hệ thống nhà trường Singapore, nguyên thủ tướng Lee Kuan Yew đã có ý tưởng dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung vừa là để nối kết công dân thuộc các sắc tộc khác nhau, vừa gắn bó Singapore với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, ở trường trung học, học sinh có thể chọn học tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Nhật. Sự chú ý tới các ngôn ngữ quốc tế được Trung tâm Ngôn ngữ của Bộ Giáo dục hỗ trợ thêm bằng cách đào tạo miễn phí hầu hết các ngoại ngữ mà trường phổ thông không tổ chức giảng dạy. Việc đưa ra nhiều ngoại ngữ như thế trong lúc giữ tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy đã chuẩn bị rất tốt cho sinh viên để họ có thể làm việc trong môi trường quốc tế tương lai. Sự thành thạo tiếng Anh được xem như một vấn đề không cần tranh luận ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và điều này đã phục vụ đắc lực cho những mục tiêu quốc tế hóa của nhà trường. Nhờ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, NUS đã thu hút được một số đáng kể sinh viên quốc tế đến học. Tỉ lệ sinh viên quốc tế trên tổng số sinh viên đại học và cao học theo thứ tự đã đạt tới 14,8% và 53,9% năm 2005, và tăng đến 22,3% và 57,2 % năm 2008. Nhìn chung, đến năm 2008, trên 10.500, hay 34.6% sinh viên của NUS là người từ các nước khác. Thêm nữa, số sinh viên giao lưu quốc tế ở NUS cũng đang tăng, gần đạt đến 1300 năm 2008. Chính mức độ quốc tế hóa rất cao ở NUS đã góp phần giúp NUS có được số lượng công bố khoa học rất lớn, so với các quốc gia châu Á (xem phụ lục 2 và 3) và đưa NUS vào hàng ngũ top 20-30 của bảng xếp hạng đại học thế giới (NUS được THES xếp hạng 33 và 30 trong các năm 2007, 2008).

Trong lúc đó, ở Malaysia, tiếng Bahasa Malaysia là phương tiện giảng dạy ở trường phổ thông và đại học từ thập kỷ 70, và điều này đã đem lại nhiều trở ngại cho sinh viên đại học, nhất là sinh viên người Malay ở vùng nông thôn và sinh viên người Hoa ở các trường phổ thông dùng Hoa ngữ (có khoảng 60 trường như thế) trong việc dùng tài liệu và tạp chí tiếng Anh. Điều này cũng gây khó khăn cho chính sách quốc tế hóa đội ngũ giảng viên mà Malaysia đang muốn thực hiện, vì khả năng lưu loát tiếng Anh của giảng viên người bản xứ trở thành một vấn đề. Tuy vậy, những chương trình cao học bao giờ cũng là bằng tiếng Anh, và sinh viên có thể lựa chọn làm bài thi viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Malay. Trong năm năm vừa qua, tiếng Anh đã được dùng làm phương tiện giảng dạy ở bậc đại học, nhưng mức độ tiếp thu của học sinh thì khá hạn chế vì khả năng tiếng Anh của họ có hạn, do trước đây khi ở trường phổ thông họ học bằng tiếng Malay. Quyết định gần đây của chính phủ quay trở lại giảng dạy môn Toán và Khoa học bằng tiếng Malay trước năm 2012- hai môn này vốn đã được dạy bằng tiếng Anh trong bảy năm qua- gây ra nhiều bối rối; bởi vì đã có một cuộc thảo luận rộng rãi về sự cần thiết tạo ra những trường học và sinh viên tốt nghiệp có thể nói tiếng Anh lưu loát; và nhu cầu đào tạo nhiều hơn nữa những sinh viên có thể tham gia vào các hoạt động đổi mới công nghệ và nghiên cứu ở trình độ quốc tế. Một vị hiệu trưởng của University of Malaya (UM), trường công lớn nhất của Malaysia gần đây đã nhấn mạnh: “Tiếng Anh là ngôn ngữ của tri thức và cải cách kinh tế…Mọi phương pháp dạy và học đều cần hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh của người học” (Shah, 2009). Nếu không có những phương sách chính trị mạnh mẽ hỗ trợ việc phổ biến rộng tiếng Anh, mức độ quốc tế hóa chắc chắn sẽ bị giới hạn[2]. So với NUS, UM có số lượng sinh viên quốc tế thấp hơn nhiều, chỉ 12,3%, và chủ yếu là ở bậc cao học, theo số liệu năm 2007.

Thực tế việc sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam

Như đã nói trên, về mặt khoa học tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu của hầu hết mọi lĩnh vực học thuật, các tài liệu và tạp chí nghiên cứu chuyên ngành có uy tín quốc tế cũng hầu hết bằng tiếng Anh. Số lượng công bố khoa học quá thấp của Việt nam so với các nước trong khu vực (xin xem phụ lục 3) có phần do hạn chế về tiếng Anh, giới giảng viên ít tiếp xúc được những thành tựu nghiên cứu mới nhất của khoa học trên thế giới. Về mặt kinh tế, năm 2009, Việt Nam vẫn thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 21 tỷ USD, giải ngân khoảng 10 tỷ USD. Vốn từ FDI vẫn chiếm trên 40% tổng nguồn vốn huy động phát triển kinh tế. Giá trị công nghiệp khu vực này tăng 8,1% so với năm 2008, cao hơn mức tăng chung 7,6% của cả nước. Năm 2009 cũng là năm cả nước nhập siêu trên 12 tỷ USD, nhưng riêng khu vực FDI có xuất siêu trên 5 tỷ USD[3]. Tính đến nay, cả nước có gần 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho khu vực FDI, nếu tính cả lao động thời vụ, lao động gián tiếp có thể gấp đôi số đó. Với vai trò quan trọng như vậy của khu vực FDI, nhu cầu về người sử dụng được tiếng Anh là rất lớn.

Trong lúc đó thì theo một kết quả nghiên cứu năm 2004 của TS. Vũ Thị Phương Anh và ThS. Nguyễn Thị Bích Hạnh, “sinh viên của chúng ta có trình độ tiếng Anh rất thấp, thể hiện qua các mức trình độ đạt được qua bài kiểm tra.  Kết thúc năm thứ hai, sinh viên chỉ mới đạt được khoảng 360-370 điểm TOEFL, hoàn toàn chưa có khả năng tự diễn đạt ý tưởng của mình; khi  tốt nghiệp, trình độ của sinh viên cũng chỉ đạt khoảng 400 điểm TOEFL, thậm chí chưa đủ trình độ để được xét tham gia chương trình tiếng Anh dự bị đại học ở một nước bản ngữ. Với trình độ ngoại ngữ như vậy, rõ ràng là nguồn nhân lực mà các trường đại học của Việt Nam cung cấp cho thị trường lao động chưa thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về trình độ ngoại ngữ để hoạt động trong một nền kinh tế tri thức”[4]. Một ví dụ khác là nỗ lực của Intel trong việc tìm thuê các kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi công ty này tổ chức một đợt kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn cho 2.000 sinh viên Việt Nam ngành công nghệ thông tin, chỉ có 90 ứng viên, hay 5% đạt yêu cầu, và trong nhóm này chỉ có 40 sinh viên đủ khả năng tiếng Anh để được tuyển dụng [5]. Intel khẳng định rằng đây là kết quả tồi tệ nhất mà họ gặp trong tất cả những quốc gia mà họ đã đầu tư.

Điều đáng nói là tuy kết quả thấp như vậy, Việt Nam không hề thiếu chính sách khuyến khích học ngoại ngữ: trong quá trình đào tạo, ngoại ngữ là môn học bắt buộc và là môn thi điều kiện ở bậc đại học, là môn thi đầu vào của cao học và nghiên cứu sinh; trong tuyển dụng hay bổ nhiệm ở khu vực nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ cũng là một yêu cầu. Vì đâu có sự khập khiễng giữa chủ trương chính sách và kết quả thực tế như thế? Câu trả lời có thể nằm ở chất lượng đào tạo môn tiếng Anh, hay nói cụ thể hơn là chương trình giảng dạy, tài liệu, cách quản lý việc dạy và học, cách thi cử đánh giá, v.v. Tổ chức giảng dạy ở bậc đại học bằng tiếng Anh, hay nói cách khác, dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy, có thể sẽ tạo ra một môi trường tiếng Anh đòi hỏi nỗ lực thường xuyên của thầy và trò, và có thể góp phần cải thiện tình trạng này.

Những băn khoăn trong việc dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy

Đây là mối lo trước hết của các nhà văn hóa. Người Việt nào có lẽ cũng biết câu nói của học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Tiếng Việt, với tư cách là công cụ tư duy của người Việt, là nơi lưu giữ đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt và phản ánh tâm hồn Việt, chắc chắn cần phải được bảo vệ giữ gìn và phát triển. Vậy câu hỏi thứ nhất đặt ra, là việc dùng tiếng Anh để giảng dạy có làm tổn hại đến việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong sinh viên, và nói rộng hơn, trong xã hội hay không?

Câu hỏi thứ hai liên quan đến tinh thần tự hào dân tộc. Trước năm 1945, tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy trong các trường học ở Việt Nam, bởi vì chính quyền thực dân muốn đào tạo những người nô bộc mà họ có thể sử dụng được ngay trong việc điều hành guồng máy hành chính, kỹ nghệ…nhằm phục vụ việc cai trị của họ. Vì vậy, khi đất nước giành được độc lập và tiếng Việt được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy chính thức trong nhà trường, thì đó còn là một biểu hiện đáng tự hào của độc lập dân tộc. Vậy thì, việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy trong trường đại học có làm tổn hại đến tinh thần bảo vệ độc lập và niềm tự hào dân tộc hay không?

Và câu trả lời

Giáo sư Cao Xuân Hạo có lần đã khẳng định: đến cái ngưỡng bốn tuổi là một đứa trẻ bình thường đã tiếp thu được hoàn toàn trọn vẹn các cấu trúc và quy tắc ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ[6], và sau cái ngưỡng bốn tuổi, người ta rất khó học được một âm vị mới không có trong tiếng mẹ đẻ của mình. Quá trình tích lũy vốn liếng ngôn ngữ về sau chủ yếu là mở rộng vốn từ. Người càng học nhiều hiểu rộng thì vốn từ càng phong phú, cách dùng từ càng chuẩn xác, cảm nhận ngôn ngữ càng tinh tế. Ở tuổi bước vào đại học, sau mười tám năm tích lũy, sinh viên đã phải có một nền tảng tiếng Việt vững chắc, và nếu đã có một nền tảng tiếng Việt vững chắc như vậy thì việc học tập các bộ môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ sẽ không thể hủy hoại được vốn liếng tiếng Việt mà họ đã tích lũy được và đã trở thành máu thịt của họ.

Trong một bài báo mới đây, giáo sư Bùi Trọng Liễu, Việt kiều Pháp, có tỏ ý lo ngại về việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy trong trường đại học, vì cho rằng nếu người ta không nắm vững tiếng mẹ đẻ, hoặc không thực sự thành thạo một ngôn ngữ nhất định nào đó, thì không thể có tư duy rõ ràng mạch lạc và giao tiếp được với người khác một cách có hiệu quả[7]. Tuy nhiên theo chúng tôi, nếu như sinh viên Việt Nam trong các trường dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy trong nước hay sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài về có trình độ kém về tiếng Việt, thì là vì họ vốn đã kém, chứ không phải vì theo học vài năm bằng ngoại ngữ mà trở thành kém tiếng Việt. Trình độ cao về ngoại ngữ không mâu thuẫn với sự thành thạo tiếng mẹ đẻ[8]. Và làm cách nào có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ nếu chúng ta không sử dụng nó hàng ngày trong công việc, trong học tập và nghiên cứu?

Về câu hỏi thứ hai, thì cần thấy rằng bối cảnh xã hội trên phạm vi quốc tế giờ đây đã khác rất xa so với năm 1945. Hết thảy mọi nhân tố đời sống hiện nay đều bị chi phối bởi hai đặc điểm lớn của thời đại: toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Chưa bao giờ như bây giờ, hội nhập quốc tế trở thành một vấn đề sống còn của đất nước và của giáo dục. Cách tốt nhất, nếu không nói là duy nhất, bảo vệ được độc lập dân tộc, là trở thành giàu mạnh như những quốc gia khác. Thật khó lòng hình dung một quốc gia tự cô lập hay bị cô lập mà có thể trở thành giàu mạnh trong thời đại ngày nay. Singapore không phải vì nói tiếng Anh mà trở thành phụ thuộc vào một quốc gia phương Tây nào. Hong Kong cũng không phải vì dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức mà mất hết bản sắc dân tộc Trung Quốc của họ. Trái lại, Singapore hay Hong Kong đã trở thành nơi mà thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30.000 USD một năm, một con số không hề thua kém các quốc gia phát triển khác, và dù đặt chân đến nơi nào trên trái đất, họ cũng đều có thể ngẩng cao đầu tự hào họ là người Singapore hay người Hong Kong.

Một vài đề xuất

Chúng tôi cho rằng việc dùng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy trong trường phổ thông là không nên, nhưng trong trường đại học thì nên khuyến khích. Tuy nhiên, để thực hiện việc này, cần có lộ trình thích hợp. Malaysia tỏ ra khá lúng túng: họ đã giảng dạy hai môn Toán và Khoa học ở các trường phổ thông bằng tiếng Anh trong bảy năm qua, nhưng lại dự tính quay về giảng dạy bằng tiếng Malay trước năm 2012, là vì những học sinh người Bumi ở vùng sâu, vùng xa không theo nổi những lớp Toán và Khoa học được dạy bằng tiếng Anh như vậy, và chính sách ưu tiên sắc tộc của Malaysia khiến họ cho rằng điều này tạo ra bất bình đẳng bất lợi cho người Bumi. Không bàn đến những yếu tố sắc tộc, kinh nghiệm Malaysia cho chúng ta thấy việc thực hiện giảng dạy các môn chuyên ngành trong trường đại học bằng ngoại ngữ cần có quá trình chuẩn bị lâu dài cho học sinh từ phổ thông, và cần được thực hiện từng bước.

Trước mắt, không thể giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài ở bậc đại học, mà có thể bắt đầu ở một số môn chuyên ngành, và cần chuẩn bị đủ lực lượng giáo viên chuyên ngành với trình độ ngoại ngữ được bảo đảm. Giờ học môn tiếng Anh ở những lớp năng khiếu chuyên Anh bậc phổ thông trung học hiện nay đã được giảng dạy bằng tiếng Anh, và điều này cần được nhân rộng ra đến những lớp bình thường ở những trường bình thường. Cần phát triển mạnh các câu lạc bộ nói tiếng Anh, tổ chức các hoạt động giao lưu bằng ngoại ngữ, các buổi sinh hoạt chuyên môn bằng tiếng Anh và tiến đến mục tiêu là các buổi bảo vệ luận án cao học và tiến sĩ được thực hiện bằng tiếng Anh với một số thành viên hội đồng là học giả quốc tế. Có như vậy những người nghiên cứu Việt Nam mới có thể tiếp cận được trình độ khoa học của quốc tế.

Những nỗ lực này không mâu thuẫn với chủ trương bảo vệ giữ gìn và phát triển tiếng Việt, không loại trừ những hoạt động nhằm củng cố và nâng cao trình độ sử dụng tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp. Việc rèn luyện trau dồi ngoại ngữ đi cùng với ý thức tôn trọng và yêu quý tiếng mẹ đẻ hoàn toàn xa lạ với những hiện tượng như sính ngoại ngữ hay tạo ra những lối nói lai căng. Chủ trương phát triển trình độ ngoại ngữ không có tội và không phải là nguyên nhân tạo ra những hiện tượng ấy. Cái gốc tạo ra căn bệnh sính ngoại ngữ nói nôm na theo lối dân gian là “dốt hay khoe chữ”, là ở tâm lý tự ti, nảy sinh do thiếu giáo dục, thiếu học vấn. Việc dùng một từ ngoại ngữ trong lúc đang nói tiếng Việt, khi tiếng Việt không có từ nào thực sự tương đương để diễn tả sự vật hay khái niệm ấy một cách ngắn gọn và chính xác, là một vấn đề khác, và là chuyện bình thường, vì bất cứ ngôn ngữ nào cũng dùng hiện tượng vay mượn ấy để làm phong phú thêm tiếng nói của mình và để đáp ứng nhu cầu giao tiếp hàng ngày của người sử dụng.

Kết luận

Bảo vệ giữ gìn tiếng Việt là bảo vệ tinh hoa văn hóa Việt và là một vấn đề trọng yếu của chính sách giáo dục ngôn ngữ quốc gia. Tuy nhiên, trình độ cao về ngoại ngữ không đối lập với sự thành thạo tiếng mẹ đẻ, và tình trạng yếu kém về tiếng Việt của người bản ngữ không thể chữa được bằng cách ngừng học ngoại ngữ hay hạn chế phát triển ngoại ngữ. Có lẽ nhà nước không cần phải có thêm những chính sách khuyến khích phát triển ngoại ngữ, vì những sức mạnh của nền kinh tế thị trường đã phát huy tác dụng của nó: chừng nào sự thành thạo tiếng Anh còn giúp người ta dễ kiếm công ăn việc làm tốt, dễ tìm học bổng, dễ tham khảo tài liệu và nâng cao trình độ chuyên môn, thì người ta còn đổ xô đi học tiếng Anh. Việc của nhà nước có lẽ là tăng cường chính sách nhằm bảo vệ giữ gìn tiếng Việt, nhất là phải thay đổi cách dạy và học bộ môn ngôn ngữ và văn học trong nhà trường phổ thông; nhưng xin đừng xem việc hạn chế sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt ở bậc đại học, là phương thuốc chữa trị sự yếu kém về tiếng Việt.

 

PHỤ LỤC : Số lượng Công bố khoa học và Trích dẫn của UM và NUS, 1981-2003

 

 

Lĩnh vực Kỹ thuật Lĩnh vực Y khoa

 

Lĩnh vực Kinh tế Lĩnh vực Quản lý/ Kinh doanh
UM NUS UM NUS UM NUS UM NUS
Số lượng báo cáo
1981-83 9 111 132 186 11 51 2 8
1991-93 40 586 192 747 5 32 0 45
2001-03 146 2823 324 1808 6 123 6 48
Tỉ lệ trích dẫn trên mỗi công bố khoa học
1981-83 1.00 1.45 2.85 3.16 0.09 0.35 6.50 0.13
1991-93 1.40 2.54 4.43 6.2 0.40 2.47 na 3.69
2001-03 3.83 5.66 5.08 11.33 3.17 3.89 017 8.41

Nguồn : Web of Science

 

PHỤ LỤC 2: Biểu đồ về số lượng ấn phẩm khoa học của VN và các nước trong khối ASEAN trong thời gian 2005-2009. Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn

Biểu đồ bên trái trình bày dữ liệu cho 5 nước, còn biểu đồ bên phải phóng đại cho 3 nước Việt Nam, Indonesia, và Philippines.

 

Tư liệu tham khảo

  1. Philip Albach 2008. “The Underlying Realities of Higher Education in the 21st Century”. Boston College, John Hopkins Publisher.
  1. Su-Yan Pan, 2009. “University Autonomy, the State, and Social Change in China”, Hong Kong University Press
  2. Vũ Thị Phương Anh, Nguyễn Thị Bích Hạnh 2004. “Năng lực tiếng Anh của sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM trước yêu cầu của nền kinh tế tri thức: thực trạng và giải pháp”. Hội thảo Giáo dục & Đào tạo Đại học – Cao đẳng ĐÁP ỨNG NHU CẦU NHÂN LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TP. HCM, 12/11/2004)
  3. Bùi Trọng Liễu, 2010. “Giáo dục Đại học: Câu hỏi về việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài”. Tạp chí Hồn Việt. Có thể đọc tại http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/
  4. Hena Mukherjee và Poh Kam Wong, 2009.”The National University of Singapore and the University of Malaya:Common Roots, Different Paths”. Báo cáo tại Hội nghị Quốc tế về Đẳng cấp Quốc tế tháng 11-2009 tại Thượng Hải. Phạm Thị Ly dịch. HSU Newsletter, số 4-2010.

[1] Xem thêm: Su-Yan Pan, 2009. “University Autonomy, the State, and Social Change in China”, và Philip Albach 2008. “The Underlying Realities of Higher Education in the 21st Century”.

[2] Nguồn: Hena Mukherjee và Poh Kam Wong, 2009.”The National University of Singapore and the University of Malaya:Common Roots, Different Paths”. Báo cáo tại Hội nghị Quốc tế về Đẳng cấp Quốc tế tháng 11-2009 tại Thượng Hải. Phạm Thị Ly dịch. HSU Newsletter, số 4-2010

[3] Nguồn: http://www.baomoi.com/Info/80-doanh-nghiep-FDI-dat-Giai-thuong-Rong-Vang-2009/126/3760207.epi

[4] Nguồn: Hội thảo Giáo dục & Đào tạo Đại học – Cao đẳng ĐÁP ỨNG NHU CẦU NHÂN LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TP. HCM, 12/11/2004)

[5] Nguồn: Lê Minh Nguyên, “Chỉ 40/2.000 sinh viên đủ điều kiện làm việc cho Intel”. Tuổi Trẻ, 4 April, 2008

[6] Vậy có thể giải thích như thế nào về tình trạng tiếng Việt quá kém của học sinh sinh viên? Về những lỗi chính tả, ngữ pháp tràn lan trong mọi cấp học kể cả ở bậc cao học? Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng chính việc giảng dạy tiếng Việt trong trường phổ thông đã góp phần tạo ra kết quả đáng buồn này: cần lưu ý là người bản ngữ gần như không bao giờ nói sai ngữ pháp, mà chỉ viết sai ngữ pháp mà thôi, vì khi viết, người ta bắt đầu bị các quy tắc điều khiển, và nếu các quy tắc được tạo ra trong ý thức có gì không ổn, thì kết quả sẽ là những câu viết sai ngữ pháp.

[7] Nguồn: Bùi Trọng Liễu, 2010. “Giáo dục Đại học: Câu hỏi về việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài”. Tạp chí Hồn Việt. Có thể đọc tại http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/

[8] Trường hợp trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, thì chính ngôn ngữ nước ấy mới là tiếng mẹ đẻ của họ, vì cha mẹ họ do muốn con cái hội nhập với xứ người cũng ít dùng tiếng Việt với họ trong gia đình, dù có thì tần suất sử dụng tiếng Việt của họ cũng thấp hơn nhiều so với tiếng của nước sở tại.