(Trả lời phỏng vấn Báo Doanh nhân Saigon, số ra tháng 08.2014)

Thế giới biến đổi không ngừng, trong đó, giáo dục Đại học (GDĐH) thế giới cũng đang xoay chuyển theo nhiều xu hướng mới làm thay đổi vai trò của nhà trường, thay đổi cách học của sinh viên, tác động mạnh đến khả năng thay đổi chính sách của từng quốc gia, đó là nhận định của bà Phạm Thị Ly, người được biết đến như một chuyên gia độc lập về GDĐH. Trong sự thay đổi đó, GDĐH Việt Nam cần làm gì để nhìn thấy mình và sinh viên Việt Nam phải làm gì để tích lũy kiến thức?

KHÔNG ÁM ẢNH VÌ BẢNG XẾP HẠNG ĐẠI HỌC

GDĐH thế giới thay đổi theo những xu hướng chính nào? Sự thay đổi đó bắt nguồn từ đâu và tác động thế nào đến nhận thức của các quốc gia và các nhà làm chính sách?

Có thể nói vắn tắt các xu hướng thay đổi này là: đại chúng hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa, số hóa. Động lực của nhữngthay đổi đó bắt nguồn từ sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông. Chính phủ các nước, một mặt nhận thức rõ tầm quan trọng của GDĐH, một mặt không đủ nguồn lực công để đáp ứng, đã thúc đẩy các trường năng động hơn, đáp ứng tích cực hơn và hệ quả là làm cho bản chất của nhà trường thay đổi một cách sâu sắc.

Trong sự thay đổi ào ạt đó, GDĐH Việt Nam có nhận thức được sự thay đổi đó chưa? Chúng ta sẽ phải làm gì để thích ứng với sự thay đổi đó? Liệu nó có làm cho khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới vốn đã lớn càng trở nên lớn hơn không?

Rất tiếc là những thay đổi đó chưa được nhận thức đầy đủ. Khung chính sách thường phát triển quá chậm so với thực tế. GDĐH đã được chứng minh là động lực cho tăng trưởng. Tuy chính phủ cũng nhận thức được điều này, nhưng với câu hỏi làm thế nào để GDĐH phát triển phù hợp với bối cảnh, câu trả lời còn rất mơ hồ. Trong thời đại toàn cầu, chỉ cần đi chậm một nhịp cũng đủ lùi lại ngày càng xa.

Ở Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến, cảnh báo: “các phương thức kinh doanh ngày càng xâm nhập rõ ràng vào giáo dục, trong đó có GDĐH, làm thay đổi sứ mệnh của giáo dục, đặt nặng lợi nhuận hơn phát triển con người”. Như vậy, chúng ta vẫn suy nghĩ quá “lạc hậu”, không theo kịp với cách nhìn của GDĐH thế giới?

Đúng là như vậy. Xu hướng tư nhân hóa trong GDĐH là một hiện thực không thể tránh ở các nước đang phát triển, mặc dù ở những nước phát triển phương Tây, đầu tư công cho GDĐH vẫn rất lớn. Hiện nay, đầu tư công cho GDĐH ở các nước phát triển đang giảm. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào GDĐH ngày càng nổi bật, nhất là ở châu Á, cho thấy tỉ lệ trường tư và sinh viên trong các trường tư trên tổng số sinh viên và tổng số trường.

Vì vậy, vấn đề không phải là cần hạn chế kinh doanh giáo dục, mà là tạo ra những cơ chế cho kinh doanh lành mạnh. Nhà nước cần bảo vệ lợi ích của người học để họ thu lượm được những lợi ích xứng đáng với số tiền học phí. Người học cũng phải nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình.

Ở Việt Nam hiện nay, người ta đang rất quan tâm đến việc xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Theo bà, có phải chúng ta đang bị ám ảnh bởi thang bậc, vị trí trong sự so sánh này? Trong xu thế thay đổi đó, bảng xếp hạng có thực sự còn quan trọng?

Thật ra mối quan tâm đối với việc xếp hạng đã bắt đầu giảm trên thế giới và cả ở Việt Nam. Sau một thập niên lên cơn sốt ám ảnh với thứ hạng, giờ đây người ta đã nhận ra những khiếm khuyết và vô lý của các tiêu chí xếp hạng, thậm chí có học giả còn khẳng định giá trị khoa học của những bảng xếp hạng ấy gần như bằng không. Nhưng điều quan trọng hơn, đang có một xu hướng nhấn mạnh vào tính thiết yếu của nhà trường đối với xã hội thay vì vào “đẳng cấp”. Hội chứng xếp hạng đã tạo ra một hiệu ứng phụ rất tiêu cực, là khiến người ta đuổi theo các tiêu chí để đo sự ưu tú thay vì phải theo đuổi sự ưu tú thực sự. Không có bảng xếp hạng thì chúng ta cũng đã đủ phát ốm với bệnh thành tích rồi.

THỜI CỦA “TỰ HỌC” VÀ “TRẢI NGHIỆM”

Với “đại chúng hóa” và “số hóa” mạnh mẽ, vai trò của mạng xã hội và internet như thế nào trong xu hướng phát triển này? Nó tác động tới người học ra sao và có làm thay đổi vai trò của nhà trường?

Mạng xã hội và internet phát triển đã phá vỡ khái niệm về học tập và làm việc, như vậy có thể hiểu nhà trường không còn là nơi độc quyền truyền thụ kiến thức nữa mà việc tự học, tự săn tìm kiến thức từ các nguồn khác nhau trở thành một xu hướng tất yếu mà sinh viên Việt Nam phải làm quen.

Nhà trường Việt nam đang thay đổi quá chậm so với thế giới bên ngoài. Rất may là mạng xã hội và internet có thể được sử dụng để phần nào lấp đi khoảng trống đó. Bây giờ, khi tuyển dụng nhân sự, những người sử dụng lao động có trình độ cao sẽ không hỏi “bạn biết những gì” mà là “bạn có khả năng có thể học được những gì”. Tức là, điều cốt yếu nhất không phải là kiến thức, không phải là sự kiện và thông tin, mà là khả năng học, khả năng xử lý thông tin, khả năng ráp nối các sự kiện và tìm kiếm giải pháp. Nhất là khi thông tin tràn ngập, thì đánh giá thông tin trở thành một kỹ năng quan trọng.

Vai trò của trường Đại học ngày nay đang được nhắc đến như một nơi tạo ra sự trải nghiệm cho sinh viên, bên cạnh sự truyền thụ kiến thức. Vậy thế nào là “trải nghiệm để phát triển tâm lý, trí tuệ và kỹ năng? Các trường ĐH ở Việt Nam đã làm được điều này chưa?

Ở trường ĐH Harvard, người ta khuyến khích sinh viên có một học kỳ cách quãng, tức một khoảng thời gian mà sinh viên có thể làm bất cứ việc gì họ muốn, trừ việc đến giảng đường và lên thư viện. Triết lý đàng sau sáng kiến này là tạo ra khoảng không để sinh viên trải nghiệm cuộc sống. Chúng ta sinh ra không phải là một cái bình chứa kiến thức mà người khác có thể đổ đầy, và đừng tự biến mình thành cái bình chứa nhàm chán như thế.

Chúng ta là những cá nhân sinh động và đa dạng, với những đặc điểm khác nhau, tính cách khác nhau, nhịp điệu sống khác nhau, cách suy nghĩ và cảm nhận khác nhau, và mơ ước cũng khác nhau. Có nhiều bài học chỉ có thể gặt hái được thông qua trải nghiệm thực tế của cá nhân. Trẻ em đến trường không phải để học hai lần hai là bốn, mà là để học cách giao tiếp với người khác, ví dụ nếu có đứa đánh mình thì mình sẽ phải làm gì, đánh lại, khóc toáng lên, hay mách cô giáo.

Trường ĐH nếu chỉ là nơi cung cấp kiến thức thì nó không còn lý do để tồn tại, vì một cái máy tính nối mạng có thể chứa đựng kiến thức ngàn lần nhiều hơn bất cứ ông thầy nào. Nhưng những hoạt động mà nhà trường tạo ra như giao lưu văn hóa, làm việc nhóm, thực hiện dự án, phục vụ cộng đồng sẽ tạo ra bối cảnh để sinh viên trải nghiệm và trưởng thành. Một ví dụ có thể kể, sinh viên Trường ĐH Hong Kong có một dự án xây những trạm bơm nước sạch cho dân nghèo nông thôn ở Cambodia. Họ tự gây quỹ, kiếm tiền, tự thiết kế trạm bơm, mua vật liệu, thực hiện cả việc thi công. Khi làm những việc đó, họ phát triển kỹ năng thuyết phục người khác, kỹ năng thương lượng, và học được nhiều kỹ năng chuyên môn khác. Có thể họ thuyết phục người đầu tiên không thành công, họ sẽ rút kinh nghiệm để thuyết phục người thứ hai chẳng hạn. Khi hoàn tất dự án, nhìn thấy niềm vui vô bờ bến của trẻ em nghèo và người dân địa phương, họ cảm nhận được ý nghĩa công việc của mình, hiểu được mình là một bộ phận của thế giới này và mình có thể tạo ra thay đổi cho thế giới như thế nào.

Để làm được việc đó, họ phải vượt qua bao nhiêu là khó khăn. Họ hiểu được, bằng kinh nghiệm cá nhân, không có thành công nào là dễ dàng, và khó khăn nhiều chừng nào thì niềm vui vượt qua được càng lớn chừng đó. Có những em xuất thân giàu có đã nói rằng việc tham gia dự án này đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời em, nó khiến em hiểu một cách thấm thía rằng thế giới này đang có sự phân chia sâu sắc như thế nào và ý nghĩa của đời người thực ra là cái gì. Tất cả những trải nghiệm đó, không có bài giảng nào có thể mang lại được.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

KHOA TƯ (thực hiện)

TS. Phạm Thị Ly là người có quá trình làm việc ở cả khu vực công lập và tư nhân trong GDĐH. Bà có kinh nghiệm quốc tế phong phú, từng là học giả Fulbright năm 2008, được mời tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng về GDĐH ở các nước với tư cách là chuyên gia độc lập. Bà viết nhiều về chính sách giáo dục và quản trị ĐH. Hiện nay bà phụ trách Chương trình Nghiên cứu của Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG-HCM và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá GDĐH của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.