MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM CẢI THIỆN
SỐ LƯỢNG CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA ĐHQG-HCM

Phạm Thị Ly (2012)

 Dẫn nhập 

Nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt nam trên trường quốc tế là một nhiệm vụ khẩn thiết, bức bách, không phải chỉ vì chúng ta cần có thành tích nghiên cứu khoa học, mà còn vì đó là cách cần thiết để đưa khoa học Việt nam hội nhập vào dòng chảy tri thức toàn cầu. Đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào các tập san quốc tế có bình duyệt, là cách giới học thuật kiểm nghiệm kết quả công việc của mình qua các chuẩn mực quốc tế và đóng góp vào kho tàng tri thức chung của nhân loại. Trong quá trình phấn đấu nhằm đạt được các chuẩn mực của công bố khoa học quốc tế, giới khoa học Việt Nam bắt buộc phải tìm hiểu những thành tựu trước đó trong lĩnh vực chuyên ngành, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu của bản thân và mở rộng mạng lưới quan hệ đồng nghiệp trong hoạt động khoa học.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong hai tổ chức giáo dục đại học lớn nhất của Việt Nam. ĐHQG-HCM được thành lập theo Nghị định 16/CP của Chính phủ ngày 27 tháng 1 năm 1995, với lãnh đạo do Thủ tướng bổ nhiệm. ĐHQG-HCM có 74 chương trình đào tạo cấp cử nhân và 91 chương trình cấp tiến sĩ. Một trong những sứ mệnh quan trọng của hai ĐHQG là trở thành đơn vị hàng đầu trong sự xuất sắc về nghiên cứu khoa học. ĐHQG-HCM xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược đến năm 2030 là trở thành đại học định hướng nghiên cứu (ĐHNC). Theo kết quả xếp hạng của SCImago năm 2011 về 3042 trường đại học, viện, và tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới, ĐHQG-HCM được xếp hạng cao nhất ở Việt Nam[1]. Tuy vậy, thứ hạng của ĐHQG-HCM trên thế giới còn thấp: hạng 2228/3042, thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Do vậy, chặng đường vươn lên sự ưu tú ở tầm quốc tế của ĐHQG-HCM vẫn còn rất dài.

Theo định hướng đó, nghiên cứu khoa học được xem là một hoạt động trọng tâm. Một tiêu chí quan trọng bậc nhất để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của một trường ĐHNC là số lượng và chất lượng của các bài báo khoa học được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt quốc tế.

Để nâng cao số lượng công bố quốc tế, cần có nhiều giải pháp. Ở tầm vĩ mô là chính sách phát triển khoa học công nghệ, là đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là tái cấu trúc các trường đại học và viện nghiên cứu, là định hướng gắn khoa học công nghệ với các doanh nghiệp. Ở cấp trường và viện, là các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu và hỗ trợ giảng viên. Bài viết này không đề cập đến các giải pháp ở tầm hệ thống và chỉ nêu ra những đề xuất rất nhỏ và có thể thực hiện được ngay ở cấp trường và cấp ĐHQG mà không đòi hỏi nhiều điều kiện.

Đề xuất

Các đề xuất này được sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, từ “dễ làm” đến “khó hơn”, từ trước mắt đến lâu dài, nhưng tất cả đều là những giải pháp có thể thực hiện được ngay trong phạm vi ĐHQG-HCM và tạo ra kết quả có thể thấy được. Những đề xuất này bao gồm:

  1. Quy định thống nhất tên gọi tiếng Anh của nhà trường và yêu cầu bắt buộc giảng viên khi gửi bài cho các tập san quốc tế phải ghi đúng tên gọi của nhà trường theo quy định.

Điều này tưởng như quá đơn giản, nhưng trong thực tế, khi thu thập số liệu về công bố quốc tế của ĐHQG-HCM trong cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI), chúng tôi nhận thấy tên gọi ĐHQG-HCM đã được viết theo nhiều cách khác nhau và rất không thống nhất: NATL UNIV HOCHIMINH CITY; NATL UNIV HO CHI MINH CITY; VIETNAM NATL UNIV HO CHI MINH CITY; VIET NAM NATL UNIV; NATL TECHNOL UNIV, VIETNAM NATL UNIV HOCHIMINH CITY; HOCHIMINH CITY NATL UNIV. Đó là chưa kể các tên trường thành viên đã không ghi rõ tên ĐHQG-HCM kèm theo: HO CHI MINH CITY UNIV TECHNOL; HOCHIMINH CITY UNIV TECHNOL; HCMC UNIV TECHNOL; INT UNIV HOCHIMINH CITY.

Thực tế này có hai ảnh hưởng tai hại: một là khiến cho việc thu thập tư liệu về số lượng công bố quốc tế của ĐHQG-HCM trở nên sai lệch và không phản ánh đúng kết quả thực sự của các trường. Hai, hệ quả của điều đó là chúng ta không được đánh giá đúng trên các thang bậc quốc tế, cũng như không đánh giá được xác đáng thực chất hoạt động của mình, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp. Số liệu công bố khoa học thu thập từ năm 2006-2011 do các trường báo cáo và do thu thập trên Web of Science luôn luôn có khoảng cách, một phần có thể là do cách viết tên trường tùy tiện[2].

Chúng tôi đề xuất tên gọi các trường và đơn vị thành viên chính của ĐHQG-HCM như sau:

STT Tên tiếng Việt Tên tiếng Anh (đầy đủ) Tên tiếng Anh
(viết tắt)
1 Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM VNUHCM-University of Technology VNUHCM-UT
2 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM VNUHCM-University of Science VNUHCM-US
3 Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, ĐHQG-HCM VNUHCM- University of Social Sciences and Humanities VNUHCM-USSH
4 Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM VNUHCM-International University VNUHCM-UI
5 Trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG-HCM VNUHCM-University of Economics and Law VNUHCM-UEL
6 Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM VNUHCM-University of Information Technology VNUHCM-UIT
7 Viện Tài nguyên Môi trường VNUHCM-Institute of Environment and Resources VNUHCM-IER

Các đơn vị còn lại có thể chỉ cần ghi VNUHCM là đủ.

  1. Mua bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu JSTOR để tất cả giảng viên có thể truy cập được bất cứ nơi nào họ có đường truyền internet.

JSTOR (Journal Storage) là một hệ thống tập san khoa học trực tuyến thành lập năm 1995, hiện có 7.000 trường đại học và viện nghiên cứu từ 159 quốc gia đã đăng ký thành viên. JSTOR cung cấp cho thành viên của mình quyền truy cập toàn văn các bài báo khoa học đã được số hóa của hàng trăm tạp chí nổi tiếng, từ 1965 đến nay.  Trong danh sách các trường đại học có mua bản quyền đọc tập san khoa học quốc tế qua JSTOR, có vô số các trường đại học Mỹ, nhiều trường ở Đông Nam Á, có một ít trường ở châu Phi, ngay cả ở những nước rất nghèo. Việt Nam hiện nay không có trường nào có tên trong danh sách mua bản quyền truy cập JSTOR để đọc các tạp chí ấy, kể cả hai Đại học Quốc gia.

3. Lập cơ sở dữ liệu về ấn phẩm khoa học trong nước và công bố quốc tế cho ĐHQG-HCM.

Dữ liệu này có thể thu thập thông tin về số lượng, mức độ phổ biến và chỉ số tác động của các bài báo khoa học cụ thể, các tác giả, các đơn vị nghiên cứu, các lĩnh vực chuyên ngành. Đó là những thông tin quan trọng dùng làm cơ sở xây dựng chính sách cũng như đánh giá mức độ ưu tú trong thành tích nghiên cứu. Những thông tin này cần được thu thập định kỳ, dựa trên những phương pháp chính xác, được tổ chức sắp xếp một cách khoa học, được công bố chính thức trên trang web của ĐHQG-HCM, và được phân tích một cách thỏa đáng Kết quả phân tích dữ liệu này rất có giá trị trong việc quản lý hoạt động khoa học, tạo ra động lực phấn đấu, gắn kết nguồn lực đầu tư với những kết quả đo lường được, và là cơ sở không thể thiếu để hình thành chính sách dùng người dựa trên tài năng.

  1. Tổ chức một đơn vị hỗ trợ cho giảng viên trong việc công bố quốc tế.

        Một số giảng viên có thể có những nghiên cứu có giá trị nhưng không am hiểu hay thiếu kinh nghiệm về những vấn đề kỹ thuật trong việc trình bày và gửi đi công bố, hoặc tiếng Anh không đủ tốt. Cần biết rằng tỷ lệ từ chối bài của các tập san khoa học hàng đầu có thể lên tới 90%. Đơn vị này có nhiệm vụ tập hợp các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là những nhà khoa học gốc Việt có tâm huyết muốn đóng góp cho quê hương, và một số nhà khoa học trong nước đã có nhiều thành tích trong công bố quốc tế thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, làm công việc tập huấn, tư vấn, hỗ trợ, biên tập để những bài báo khoa học gần đạt đến các chuẩn mực quốc tế trong công bố khoa học có thể đạt được các chuẩn mực ấy.

  1. Tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học bằng tiền ngân sách để tất cả mọi giảng viên đều có thể theo học.

Các khóa này cần do những người đã có nhiều thành tích công bố quốc tế đứng ra giảng dạy để bảo đảm không làm loạn chuẩn mực. Cần có kiểm tra năng lực sau khóa học và cấp chứng chỉ. Chứng chỉ của khóa học này phải được coi là điều kiện tiên quyết để nộp hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu, đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học ở bất cứ cấp độ nào. Các khóa học này có thể thiết kế thành một sê-ri theo nhiều mô-đun từ cơ bản đến nâng cao, từ tổng quát đến chuyên ngành, tổ chức nhiều lần trong năm, quy mô lớp 25-30 người, để có thể gắn với thực hành nhằm bảo đảm tạo ra chuyển biến thực sự trong năng lực nghiên cứu.

  1. Có chính sách coi bài báo khoa học là yêu cầu bắt buộc đối với các đề tài nghiên cứu khoa học

Cần có quy định ở mức kinh phí nào của các đề tài nghiên cứu khoa học thì cần có công bố quốc tế như một yêu cầu bắt buộc. Chính sách này tuy xác đáng nhưng khá ngặt nghèo trong giai đoạn hiện tại, vì vậy có thể tạo ra bước đệm bằng một khoản tiền thưởng được nêu rõ trong hợp đồng thực hiện đề tài: mỗi bài báo đăng trên tập san ISI sẽ được thưởng bổ sung 20 triệu ngoài kinh phí thực hiện đề tài. Sau một thời gian ví dụ như năm hay mười năm thì đưa công bố quốc tế thành một điều kiện để nghiệm thu đề tài khoa học.

Một bước đệm thứ hai là bắt buộc có bài báo khoa học được công bố trong nước trên các tập san chuyên ngành có bình duyệt.

  1. Thực hiện hai tập san khoa học song ngữ

Mỗi chuyên ngành, bắt đầu từ những ngành đang có nhân lực mạnh, tiến đến tất cả các chuyên ngành, thực hiện hai tập san khoa học song ngữ:

  • Một tập san khoa học chỉ đăng những bài báo khoa học của giới học thuật quốc tế đã công bố gần đây trong từng lĩnh vực chuyên ngành, theo những chủ đề chọn lọc phù hợp với những mối quan tâm và nhu cầu bức thiết của Việt Nam, trình bày dưới dạng song ngữ, nhằm giúp cho giới nghiên cứu trong nước tiếp cận với cách tư duy, cách diễn đạt, phương pháp nghiên cứu, tri thức và những ý tưởng mới nhất của giới khoa bảng quốc tế.
  • Loại thứ hai, cũng là tập san song ngữ, hoạt động dựa trên nguyên tắc bình duyệt quốc tế; chỉ đăng những bài báo trong một lĩnh vực chuyên ngành của giới nghiên cứu Việt Nam đã trải qua bình duyệt quốc tế. Tạp chí này rất quan trọng để đưa hoạt động của giới nghiên cứu Việt Nam hướng đến các chuẩn mực quốc tế và hội nhập vào cộng đồng học thuật toàn cầu. Tập san này sẽ là bước ban đầu để hình thành một tập san có tính chất quốc tế và được ISI công nhận.

Kết luận

Viết về bài học thành công của ĐH Khoa học Công nghệ Hong Kong, Gerard A. Postiglione đã mở đầu bằng câu ngạn ngữ: “Thành La Mã đã được xây nên không phải chỉ trong một ngày”. Tuy vậy, ĐHKHCN Hong Kong, chỉ 10 năm sau ngày thành lập từ số 0, đã trở thành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Đó không phải là phép lạ, mà là sự kết hợp của nhiều nhân tố, trong đó không thể thiếu tầm nhìn của người lãnh đạo và một kế hoạch có thể thực hiện được. Bảy đề xuất trên đây nhằm đóng góp ý tưởng cho kế hoạch đó. Những ý tưởng này không nhất thiết chỉ dùng cho ĐHQG-HCM mà còn là gợi ý cho bất cứ trường ĐH nào muốn vươn tới sự ưu tú trong học thuật.

 

Ghi chú:

[1] Nguồn: http://www.scimagoir.com/ Theo báo cáo “SCImago Institutions Rankings World Report 2011”, tính theo chỉ tiêu xuất sắc, ĐHQG-HCM được xếp hạng 1 trong nước, kế đến là Viện KHCN, và sau cùng là ĐHQG-HN. Tuy nhiên, trong vùng Á châu thì ĐHQG-HCM được xếp hạng 415/798, cao hơn ĐHQG-HN trên 100 (hạng 531/798). Trong số 3042 trường/viện/trung tâm trên thế giới, ĐHQG-HCM được xếp hạng 2228, ĐHQG-HN hạng 2522.

[2] Dùng tên VIETNAM NATL UNIV HO CHI MINH CITY để tìm trên cơ sở dữ liệu ISI thì chỉ có vài chục bài trong khoảng thời gian 2006-2010. Để đánh giá chính xác số lượng công bố KH của ĐHQG-HCM chúng tôi phải dựa vào danh sách báo cáo của các trường để kiểm tra lại từng trường hợp trên Web of Science.