Phạm Thị Ly (2015)
(Bài đăng báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 4.10.2015)
Tranh luận về việc có nên giao quyền tự chủ bổ nhiệm giáo sư cho ĐH Tôn Đức Thắng trong tuần qua đã thể hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau, đặt ra ít nhất là hai vấn đề quan trọng: tự chủ ĐH và cải thiện hệ thống bổ nhiệm chức danh giảng viên, thực chất là cải thiện cách quản lý và sử dụng lực lượng hàn lâm. Cả hai vấn đề này đều có ý nghĩa lớn trong việc đổi mới chất lượng GDĐH.
Có thể diễn đạt hai vấn đề nói trên như sau: Nên có một thiết chế như thế nào để ghi nhận mức độ ưu tú, trình độ và kinh nghiệm của giới giảng viên, dựa vào đó xác định mức độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, và giao phó trách nhiệm? Ai nên là người có thẩm quyền quyết định công nhận mức độ đạt được và bổ nhiệm những chức danh học thuật cho giới giảng viên?
Kinh nghiệm một số nước
Trước hết là quan niệm về chức danh giáo sư (GS). Hầu hết các nước đều xem GS là vị trí trên đỉnh của thang bậc học thuật, và là một vị trí chuyên môn thuần túy gắn với một trường ĐH cụ thể.
Ở Pháp, sau một số năm trong cương vị hậu tiến sĩ, ứng viên có thể xin vị trí maître de conférences (MCF, tương đương với Phó GS), bằng cách nộp hồ sơ cho Hội đồng Đại học Quốc gia. Thành phần của Hội đồng này là các giáo sư được bầu và được nhà nước bổ nhiệm. Sau khi hội đồng này xem xét và chuẩn thuận, từng trường mới bổ nhiệm dựa trên quyết định của một hội đồng do nhà trường thiết lập, trong đó một nửa là giáo sư trong trường và một nửa ngoài trường, chủ yếu bao gồm giới chuyên môn chứ không phải là giới quản lý.
Cách làm này gần giống với Việt Nam hiện nay, tức là bao gồm hai bước. Ưu điểm của nó là kết hợp giữa việc kiểm soát chất lượng ở cấp quốc gia và đảm bảo quyền tự chủ của từng trường.
Trong khi đó, ở Úc và Mỹ, việc này được thực hiện hoàn toàn ở cấp trường. Các trường tự thiết lập tiêu chuẩn, quy trình, tự xây dựng thành phần hội đồng và xét duyệt. Cách làm này đề cao quyền tự chủ của các trường, do đó năng động và linh hoạt hơn, thích hợp với nhiều bối cảnh đa dạng hơn. Mặt trái của nó là tạo ra một bức tranh thượng vàng hạ cám. Mỹ là nơi có những trường ĐH tốt nhất thế giới, nhưng cũng có không ít lò cấp bằng dỏm.
Hệ thống Pháp duy trì một mức độ giám sát cao hơn của nhà nước, còn hệ thống Mỹ thì đề cao tự chủ và tin vào nguyên lý tự do của thị trường: tiền nào của nấy và ai cũng có quyền tự do lựa chọn. Nước Pháp có ít trường nổi tiếng như Mỹ, nhưng chưa nghe ai nói tới bằng dỏm. Nước Mỹ trái lại, có tất cả mọi thứ và người học phải tự chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn của mình.
Những bất cập hiện tại
Việt Nam đang thực hiện hai bước theo mô hình Pháp. Trước đây, việc công nhận chỉ thực hiện ở cấp nhà nước, nhưng từ năm 2012, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) chỉ xét công nhận đạt tiêu chuẩn, còn việc bổ nhiệm GS/PGS là thẩm quyền của các trường.
Thế nhưng, mô hình Pháp không bảo đảm kết quả giống như Pháp. Trong thực tế, tiêu chuẩn và quy trình của Việt Nam có vấn đề. Trường hợp ông Lê Vinh Danh là một ví dụ tiêu biểu. Theo ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức trường ĐH Tôn Đức Thắng, khi nộp hồ sơ xin xét phong PGS năm 2012, ông Lê Vinh Danh được 27 điểm, nhưng bị đánh rớt qua hai vòng bỏ phiếu kín, trong lúc những ứng viên cùng đợt chỉ 12-15 điểm thì được công nhận đạt tiêu chuẩn.
Những tiêu chuẩn để được công nhận chức danh GS/GS của Việt Nam có khá nhiều điều không hợp lý. Ví dụ, tiêu chuẩn chung được quy định là “Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ”, nhưng không thấy nói những tiêu chuẩn này sẽ được đo lường đánh giá bằng cách nào.
HĐCDGSNN cố gắng bảo đảm sự khách quan bằng cách lượng hóa các tiêu chuẩn chuyên môn một cách chi tiết. Tuy nhiên, cách tính điểm bài báo không phân biệt tạp chí trong nước và quốc tế, điểm tối đa cho một bài báo khoa học, dù cho đăng trên Nature hay Science là 2 điểm, trong lúc sách chuyên khảo (không trải qua bình duyệt đồng nghiệp) xuất bản trong nước có thể được tính đến 3 điểm. Quy định cũng đòi hỏi ứng viên chỉ được nộp hồ sơ chức danh trong chuyên ngành mà mình được đào tạo tiến sĩ. Điều này tuy có cơ sở, nhưng không phản ánh được một thực tế là sự phát triển của những khoa học liên ngành, cũng như sự nảy sinh những lĩnh vực nghiên cứu mới. Nếu một người được đào tạo ở ngành này, nhưng lại đạt được thành tựu trong một ngành khác, thì quả là không hợp lý nếu chúng ta không ghi nhận những thành tựu ấy.
Mặc dù quy định tiêu chuẩn rất ngặt nghèo và phải trải qua ba vòng xét chọn bằng bỏ phiếu kín: Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành và Hội đồng Nhà nước, nhưng kết quả là, theo nhận xét của GS – TSKH Đỗ Trần Cát – Tổng thư ký HĐCDGSNN, so với tiêu chuẩn quốc tế, 80% GS Việt Nam không xứng đáng với chức danh của mình. Dân gian có câu ca dao: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra, Làm sao thằng ấy lại là giáo sư”, phản ánh một thực tế đã được ghi nhận: hai phần ba GS/PGS không làm việc trong các trường ĐH, và số bài báo khoa học trên mỗi GS/PGS thấp một cách đáng kinh ngạc: Trong thời gian 2009-2013, với 1.472 GS/PGS, Malaysia công bố 33.472 bài báo khoa học, tỉ lệ 22,7 bài trên mỗi giáo sư; còn Việt Nam công bố 7.727 bài báo khoa học với một lực lượng khoa học bao gồm hơn 9000 GS/PGS, tỉ lệ 0,85 bài mỗi giáo sư[1], chỉ bằng 1/26 so với Malaysia.
Và khuyến nghị cải thiện
Đề xuất của Trường ĐH Tôn Đức Thắng về việc giao quyền tự chủ trong bổ nhiệm GS về cho các trường, là đề xuất bỏ mô hình Pháp và một số nước Đông Âu, để theo mô hình Mỹ và Úc.
Chúng ta đã thấy mô hình Pháp không mang lại kết quả như nước Pháp. Vậy liệu mô hình Mỹ sẽ mang lại kết quả ra sao?
Không nên quên rằng mô hình giao toàn bộ quyền tự chủ cho nhà trường đã được xây dựng trong một môi trường xã hội đề cao trách nhiệm giải trình và quyền tự do lựa chọn. Rõ ràng là nó đã tạo ra điều kiện và động lực để các trường thể nghiệm nhiều sáng kiến đổi mới, tạo ra những thành tựu đỉnh cao. Nhưng mặt trái của nó, như trên đã nói, là tạo ra tình trạng thượng vàng hạ cám. Dĩ nhiên thị trường sẽ tự biết đá biết vàng, nhưng liệu có nên nghĩ đến một giải pháp bền vững hơn và phù hợp với bối cảnh Việt Nam hơn, thay vì sao chép y nguyên mô hình Mỹ?
Vấn đề là, nhiều người không tin rằng một biện pháp kiểm soát chất lượng ở cấp trung ương có thể giúp hạn chế tiêu cực. Nhưng cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: điều gì đảm bảo cho các trường sẽ thực hiện tốt việc này mà không rơi vào tiêu cực, hay tùy tiện?
Trước khi bàn đến giải pháp, chúng ta nên thống nhất khái niệm về chức danh GS. GS là một vị trí trong thang bậc của nghề giảng dạy và nghiên cứu, và là vị trí cao nhất, vì vậy nó đòi hỏi phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Chức danh GS chỉ có ý nghĩa khi những người mang chức danh GS thực sự có được những thành tựu và kinh nghiệm nổi bật so với những người ở vị trí thấp hơn trong thang bậc học thuật. Ở Mỹ, trong 4.762 trường ĐH-CĐ, có 1.540.000 giảng viên, số GS (Full Professor) là 454.000, chiếm 29,5%, còn số phó GS (Assistant Professor và Associate Professor) là 701.000, chiếm tỉ lệ 25,5%. Cần trả lại cho hai chữ “giáo sư” ý nghĩa phổ quát của nó, và chấm dứt việc “phong GS” cho những người không làm việc trong các trường ĐH.
Có thể nghĩ đến một giải pháp duy trì sự giám sát của nhà nước ở một mức độ hợp lý. Thay cho việc trực tiếp xét từng trường hợp, HĐCDGSNN có thể đề xuất chuẩn tối thiểu. Các trường dựa vào đó để xây dựng tiêu chuẩn và quy trình của trường mình. Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các trường công khai tiêu chuẩn và quy trình này trên trang web của nhà trường, danh sách các GS/PGS được bổ nhiệm hàng năm, thành viên của các hội đồng xét chọn. Bộ GD-ĐT, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, cần có vai trò “hậu kiểm” khi cần, tức là không can thiệp vào quyết định của các trường, nhưng có thể và cần phải có tiếng nói khi các trường không thực hiện đúng những tiêu chuẩn và quy trình mà chính họ đã đề ra. Để làm được điều này, việc trước tiên là phải sửa lại Điều 71 trong Luật GD.
Để làm gì?
Các giáo sư, và giới hàn lâm nói chung, được xã hội trao cho trọng trách gìn giữ ngôi đền học thuật. Không ai ủng hộ chợ trời diễn ra trong ngôi đền học thuật, vì việc ấy không chỉ phá hủy ngôi đền, mà còn phá hủy cả nền tảng tinh thần của xã hội, bởi trường ĐH vẫn được xem là một cột trụ quan trọng của nó.
Cải thiện hệ thống bổ nhiệm chức danh giảng viên, là cải thiện cách thức đánh giá và sử dụng giới hàn lâm, mục đích cuối cùng là nhằm ghi nhận những thành tựu và sự đóng góp của họ, để họ có thể phục vụ một cách tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục và khoa học.
Vì thế, điều quan trọng là hệ thống đánh giá ấy phải công bằng, minh bạch, phản ánh đúng trình độ thực chất và những đóng góp cần được ghi nhận của từng người. Hệ thống này phải gắn với một chế độ đãi ngộ tương xứng và phù hợp với trọng trách của họ, ví dụ, ít nhất những người có chức danh giáo sư phải được cung cấp phòng làm việc riêng trong trường ĐH, để họ có thể tiếp xúc sinh viên, đồng nghiệp, làm việc nhóm, thực thi những trách nhiệm của mình với nhà trường và xã hội.
Hiện nay, GS/PGS chỉ là cái danh, không gắn với một chế độ đãi ngộ nào đáng kể ngoài một cái quyền rất chung chung là “được ưu tiên giao đề tài, đề án khoa học và các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao”(Điều 5, QĐ 174/2008-QĐ-TTg). Thế mà nhiều người vẫn cố có được cái danh ấy dù không hề làm việc ở các trường. Thực tế này cần phải chấm dứt.
Ghi chú:
[1] Nếu tính chi tiết trong 7.727 bài báo này tác giả nào là giáo sư thì tỉ lệ có thể còn thấp hơn nữa.
0 Comments