Tác giả: Maria Yudkevich, Trường Kinh tế Nga
Người dịch: Phạm Thị Ly (2013)

Tổng quan

Chưa bao giờ trong lịch sử thế kỷ XX của nước Nga, giáo dục, nhất là giáo dục đại học (GDĐH) lại không đóng một vai trò cốt yếu đối với đất nước. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, câu hỏi về một lực lượng lao động mới  với cách suy nghĩ mới về mặt ý thức hệ đã nảy sinh trên một đất nước mới. Giáo dục trở thành một phương tiện đầy sức mạnh của những động lực xã hội tạo điều kiện cho việc hình thành tầng lớp tinh hoa mới. Mấy thập kỷ sau đó, trong thời Đệ nhị Thế Chiến, người ta đã dùng những tiêu chuẩn rất cụ thể để thực hiện việc đào tạo các chuyên gia quân sự. Sau chiến tranh lại càng cần có những chuyên gia có thể giúp đất nước phục hồi nền kinh tế, cũng như những người có thể phát triển kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực.

Hệ thống GDĐH Nga đã từng là niềm tự hào của đất nước trong một thời gian rất dài, và dù rằng hiện nay đang có những dấu hiệu khủng hoảng rõ ràng, chúng ta vẫn cố tìm những bằng chứng cho thấy hệ thống của chúng ta vẫn là một trong những nền GDĐH hàng đầu thế giới.

Một trong những vấn đề xã hội đang phải đối mặt hiện nay là liệu có nên cố gắng khôi phục lại sự ưu tú đã bị đánh mất, hay là nên khởi sự xây dựng những gì hoàn toàn mới, và đó là một thách thức lớn trong bối cảnh GDĐH Nga ngày nay. Một số trường đã trở thành thuộc về thế giới (như những hệ thống giáo dục quốc gia được cô lập riêng và quốc tế hóa cao độ), trong khi những trường khác thì đặc biệt rất Nga và bám rễ sâu trong bối cảnh hiện tại cũng như trên nền tảng di sản của nó.

Để hiểu rõ hơn những thách thức hiện nay và những giải pháp khả dĩ, người ta cần phân tích dấu vết của hệ thống Sô viết và đánh giá tác dộng của nó với hệ thống hiện tại. Hơn thế nữa, điều quan trọng là bản chất của những thay đổi cốt lõi gần đây. Tất cả những thứ đó sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận có cơ sở về những thách thức mà GDĐH Nga thời đương đại phải đối mặt, cùng với những phương tiện khả dĩ có thể chống lại sự khủng hoảng.

Trước hết chúng tôi sẽ nói về những đặc điểm của hệ thống GDĐH Sô viết có ý nghĩa quan trọng đối với việc tạo thành hệ thống GDĐH mới (đặc biệt là do sự thừa kế trực hệ của nó). Sau đó chúng tôi sẽ miêu tả những thay đổi chính mà hệ thống DĐH Nga đã trải qua trong 20 năm vừa qua. Chúng tôi sẽ chú ý đặc biệt đến những thách thức hiện nay trong môi trường GDĐH và trong những thước đo được nhà nước và giới học thuật sử dụng. Bài viết này sẽ thảo luận vấn đề ở mọi cấp: cấp vĩ mô, cấp trường/viện, và cấp vi mô (từng khoa và từng cá nhân).

Chúng tôi cho rằng những vấn đề chính là: chủ nghĩa phong kiến[1]như một đặc điểm thống trị của văn hóa học thuật cả ở cấp độ giữa các trường lẫn trong phạm vi từng trường;  thiếu hụt về tài chính; và sự phổ biến của tình trạng không hiệu quả trong quản lý khoa học (cả ở cấp quốc gia lẫn cấp trường/viện và trong bản thân nội bộ các trường).            Những vấn đề này đã hạn chế tính hiệu quả của ngân sách nhà nước và khiến cho cuộc cải cách trên quy mô lớn càng kém hiệu quả hơn.

Những đặc điểm chính của hệ thống GDĐH Sô viết

           Biết những đặc điểm chính của hệ thống GDĐH Sô viết là điều quan trọng để có thể hiểu cách nó vận hành hiện nay.

Trước hết và trên hết, GDĐH đã từng là một sức mạnh của những động lực xã hội, đem lại cho những ngừơi có bằng ĐH nhiều cơ hội mà những người chỉ tốt nghiệp trung học không có. Trong thập kỷ 70 -80, chỉ 25% thanh niên trong độ tuổi 18-22 là vào ĐH.   Bởi vậy, các trường có thể chọn những thanh niên tài năng để họ học những ngành được xác định là ưu tiên quốc gia, còn việc học sinh trung học có nhu cầu về những nghề này hay không thì không thành vấn đề.

Hơn thế nữa, không dễ tiếp cận giáo dục do nhiều rào cản, mà ta thường liên hệ tới địa vị xã hội.  Trong thực tế, có cả những hạn chế công khai lẫn những hạn chế ngầm trong việc vào đại học đối với một số nhóm dân tộc hoặc nhóm xã hội nhất định.

Việc thuộc về hệ thống ĐH sẽ bảo đảm một địa vị xã hội và thu nhập khá cho các giáo sư (xem Androushchak, Kuzminov, Yudkevich (2012)). Quá trình bứơc vào môi trường này là một quá trình cạnh tranh cao độ, cùng với khao khát tạo lập sự nghiệp và được bảo đảm lúc nào cũng cần thiết cho xã hội,  là những điều đã kích thích mọi người bước vào nghiệp giáo sư ĐH (bởi vì việc tiếp cận với quyền lực và nguồn lực phụ thuộc vào địa vị trong thang bậc học thuật.

Cuối cùng, hệ thống này có tính tập trung cao độ bởi vì hầu như mọi vấn đề quan trọng kể cả thực tế phân công chỗ làm bắt buộc cho sinh viên (SV) tốt nghiệp (liên quan tới kế hoạch nhà nước và việc xác định nhu cầu chuyên môn cần thiết thông qua chỉ tiêu tuyển sinh). Tính chất tập trung ấy cũng thể hiện ở tiêu chuẩn đào tạo cho từng chuyên ngành hẹp và hệ thống tài chính ĐH công dựa trên những bảng tính giá chi li nghiêm ngặt, khiến các trường không thể nào có lựa chọn gì trong việc tái phân bổ nguồn lực trong phạm vi nhà trường.

Những thay đổi gần đây và đặc điểm của hệ thống hiện tại

           Quá trình tự do hóa mở rộng ở nhiều lãnh vực sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ cũng đồng thời diễn ra trong GDĐH, là nơi trải nghiệm rất nhiều đổi thay, chủ yếu gây ra do sự chấm dứt nền kinh tế kế hoạch hóa của nhà nước.

Trong hai mươi năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của giáo dục tư ở Nga. Số người vào ĐH đã và đang tăng rất đáng kể. Khoảng cách về chất lượng giữa các trường cũng đang tăng. Sự kiểm soát thực sự của nhà nước về nhiều mặt của đời sống đại học không còn nữa, khiến chức năng quản lý nội bộ (là điều đáng lẽ có thể do hiệp hội các trường ĐH hoặc các tổ chức tư nhân thực hiện) giờ đây chẳng thuộc về ai cả.

Quả thật là hệ thống hiện tại vẫn còn đang phải hứng chịu những giới hạn rất sơ đẳng và có tính chất hệ thống của quá khứ khi nó vẫn còn đó. Những hình thức cũ vẫn đang tồn tại nhưng nó không còn sức mạnh như xưa, dù đang suy tàn, nó vẫn đang là một nhân tố tiêu cực.

Một trong những mục tiêu chính của hệ thống GDĐH Nga ngày nay  là đạt được một vị trí cao trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi một cơ chế lãnh đạo mới đối với thị trường giáo dục và tổ chức lại hệ thống giáo dục với mức độ thay đổi rất đáng kể. Người ta thường có thái độ luyến tiếc quá khứ đối với hệ thống cũ: “Nhưng nó đã từng hoạt động tốt lắm mà!”. Họ tin là “Mọi thứ sẽ lại tốt ngay lập tức nếu chúng ta khôi phục lại được hệ thống cũ”. Ví dụ, một số người gần đây thường hay nói về việc tái lập hệ thống phân công công tác sau khi ra trường cho SV như trước kia từng làm. Hẳn nhiên là những đề nghị như thế sẽ không dẫn đến kết quả tích cực nào cả bởi vì những điều kiện bên ngòai nhà trường nay đã thay đổi vô cùng nhiều so với xưa kia.

Hệ thống GDĐH ở Nga: Một cái nhìn tổng quan và những đặc điểm quan trọng

           Hiện nay, có 1.115 cơ sở đào tạo ĐH ở Nga với tổng số 7,049 triệu SV. GV có 3,248 triệu người trong các trường ĐH công và 32 ngàn người trong các ĐH tư. Khu vực công có 653 trường (với 2,85 triệu SV chính quy và 2,98 triệu SV học từ xa). Tính trung bình, các trường tư có quy mô nhỏ hơn và hiện nay đang có 1,2 triệu SV trong đó chỉ có 214 ngàn SV học toàn thời gian. Trong lúc ở khu vực công các chương trình đào tạo chính quy chiếm phần lớn (khoảng75% SV) thì ở các trường tư, con số này chỉ là 25% . Tỉ lệ học ĐH khá cao: hiện nay cánh cửa ĐH dưới nhiều hình thức đang mở rộng cho phần lớn thanh niên. Tỉ lệ học sinh trung học vào ĐH đã và đang tăng, hiện đạt đến mức gần 90%. Tuy vậy, một số rất lớn SV học từ xa (45%), hoặc bán thời gian (4%).

Các chi phí cho việc học ở các trường công do nhà nước hoặc sinh viên chi trả. Việc tuyển sinh vào trường công chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi tuyển sinh quốc gia và bởi vậy, không phụ thuộc khả năng tài chính của gia đình người học. Lúc nào cũng có cạnh tranh cao độ để vào các trường công được nhà nước bao cấp trong khi thường không hề có cạnh tranh nếu SV tự trả tiền. Hậu quả là, khả năng và năng lực của SV do nhà nước tài trợ và SV tự trả tiền (hay là thương mại hóa, như mua một món hàng hay dịch vụ) khác biệt rất đáng kể ngay từ đầu trong việc học tập của họ. Cả hai loại SV cùng học với nhau trong cùng một hệ thống có hai loại học phí song hành.

Nghiên cứu cơ bản hầu như bao giờ cũng được thực hiện ở khu vực khác tách biệt với hệ thống GDĐH (tương tự như hệ thống của Pháp). Cụ thể là, cùng với các trường ĐH, ở Nga còn có Viện Hàn lâm Khoa học là nơi thực hiện những nghiên cứu cơ bản. Hiện nay có sáu viện hàn lâm khoa học[2]; viện lớn nhất là Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Các đơn vị nghiên cứu của những viện hàn lâm này[3] có thể đào tạo sau ĐH, nhưng, như một quy tắc, họ không đào tạo cử nhân và thạc sĩ. Tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản hầu hết rơi vào các đơn vị này. Chỉ rất ít trường ĐH ở Nga nhận được kinh phí nhà nước cho nghiên cứu cơ bản.

Các trường ĐH chủ yếu nhằm vào việc đào tạo chuyên môn. Họ nhận kinh phí theo kế hoạch nhà nước giao cho (dựa trên số lượng SV). Hệ thống này có hai đặc điểm và cả hai đều gây ra những vấn đề đặc hữu.

Trước hết, vì phần lớn ngân sách cấp cho việc đào tạo, các trường có lợi khi tăng số lượng sinh viên (trong điều kiện mọi yếu tố khác vẫn thế). Điều này hẳn nhiên có hại cho chất lượng đào tạo. Hai là, hệ thống này xoay quanh cái gọi là chỉ tiêu tuyển sinh. Mỗi trường có một chỉ tiêu nhất định về số SV họ được phép tuyển cho mỗi ngành và được nhà nước cấp ngân sách cho số chỗ ấy. Các trường áp dụng chỉ tiêu được cấp trước cho mỗi kỳ tuyển sinh, trong lúc các bộ liên quan thì rà soát và điều chỉnh việc áp dụng ấy. Kết quả duyệt xét thường là dựa trên kỳ tuyển sinh trước, nói cách khác, việc lập kế hoạch là dựa tren những gì đã đạt được trước đó. Nếu không tuyển đủ SV cho một ngành nào đấy, nhà trường sẽ phải chịu rủi ro nhận một chỉ tiêu thấp hơn trong năm sau, điều này dĩ nhiên có nghĩa là ngân sách được cấp sẽ giảm đi. Bởi thế nhà trường càng nhận nhiều SV thì càng có lợi nhằm lấp đủ mọi khoảng trống trong chỉ tiêu được cấp, dù phải nhận cả những em có kết quả thi tuyển sinh thấp.

Cơ chế tuyển sinh theo chỉ tiêu đã bắt đầu thay đổi chỉ mới rất gần đây. Hiện nay, nó dựa trên hiệu quả hoạt động của nhà trường thay vì dựa trên những thông số trong quá khứ. Một cơ chế như thế là điều cốt yếu để tạo ra những động lực kích thích nhà trường tăng cường chất lượng đào tạo.

Xét về tổng thể, các trường ĐH công ở Nga rất không thuần nhất. Ở các trường top, sự ưu tú của SV và các giáo sư vượt xa các trường bậc trung. Các trường tư nói chung gắn với chất lượng đào tạo kém và điều này thể hiện ít nhất trên ba mặt: chất lượng đầu vào kém (điểm thi tuyển sinh thấp hơn rất nhiều so với SV trường công) ; cơ sở hạ tầng khá nghèo nàn; và chi phí trên mỗi SV khá thấp (rõ ràng là những trường này tập trung đào tạo những ngành không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng trang thiết bị, như những ngành khoa học xã hội, nhân văn, v.v. Cuối cùng, đội ngũ GV ở trường tư khá yếu: hầu hết làm việc bán thời gian theo hợp đồng hưởng thù lao theo giờ dạy trong khi vẫn làm toàn thời gian ở các trường công. Bởi thế, các tiêu chuẩn quản lý và các chương trình phát triển cần đưa ra một cách tiếp cận khác biệt với những trường khác nhau. Cuộc cải cách đang được nhà nước khởi xướng và do Bộ Khoa học- Giáo dục tiến hành hiện nay, tập trung vào ba bộ phận sau đây, mà phạm vi áp dụng của nó là tất cả các trường:

Bộ phận thứ nhất là những hoạt động hỗ trợ có mục tiêu xác định nhằm vào các trường top. Vào năm 2008, nhà nước bắt đầu một chương trình nhằm hỗ trợ các ĐG Quốc gia và hiện nay chương trình này vẫn đang tiếp diễn. Một phần của chương trình này là các trường sẽ nộp kế hoạch phát triển năm năm của mình, sau khi duyệt xét, 29 trường được công nhận địa vị là trường ĐH nghiên cứu quốc gia (12 trường năm 2009 và thêm 17 trường năm 2010). Địa vị này cho phép các trường có đủ tư cách để xin tài trợ các dự án nhằm nâng cao năng lực các giáo sư, cải thiện hạ tầng cơ sở cho nghiên cứu, hay đẩy mạnh chất lượng quản lý điều hành. Tuy nhiên khoản ngân sách này không được trực tiếp dùng cho nghiên cứu. Chương trình này có xu hướng thiên về các trường kỹ thuật: trong số 29 trường nói trên, có 17 trường kỹ thuật công nghệ, 9 trường cổ điển, một trường y, một trường về khoa học xã hội và kinh tế, và một trung tâm học thuật trực thuộc Viện Hàn lâm. 11 trong số 2 trường ấy nằm ở Moscow.

Một trong những đề xướng gần đây nhất, bắt đầu năm 2013, là chương trình Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu. Như đã khẳng định trong nghị quyết của tổng thống vào tháng 12-2012, một mục tiêu trọng yếu của chương trình này là đạt được ít nhất 5 trường ĐH Nga nằm trong danh sách 100 trường hàng đầu thế giới trong các bảng xếp hạng trước năm 2020. Chương trình này nhằm vào mục tiêu ấy. 15 trường được chọn dựa trên kế hoạch phát triển của họ sẽ nhận được tài trợ lớn trong những năm sắp đến. Điều kiện để nhận được khoản tài trợ này và những gì không được làm trong việc sử dụng nó, vẫn còn chưa rõ ràng.

Trong mọi trường hợp, các trường được chọn có vẻ như có những cam kết thực sự đầy tham vọng về việc cải thiện các chỉ số (thí dụ như số bài báo khoa học, chỉ số trích dẫn, mức độ quốc tế hóa của SV và giáo sư). Khi tham gia chương trình, quá trình ra quyết định của các trường này có thể sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài. Xét về tổng thể chúng ta có thể nói rằng nhà nước coi vị trí của các trường ĐH Nga trong bảng xếp hạng quốc tế như là vấn đề của niềm tự hào quốc gia, và nóng lòng tiêu rất nhiều tiền để cải thiện tình hình. Điều này đòi hỏi không chỉ một hệ thống kích thích có hiệu quả, và việc tạo điều kiện cho các trường trong bối cảnh cơ cấu tổ chức hiện tại (khi các trường và các viện nghiên cứu vẫn còn tồn tại tách biệt) mà còn là sự đánh giá lại một cách tổng thể vai trò của trường ĐH trong nghiên cứu khoa học cơ bản.

Bộ phận thứ hai, một lĩnh vực trọng tâm khác, là điều chỉnh và xây dựng lại những trường kém chất lượng.  Phải làm gì với những trường nhận tài trợ của ngân sách để nhận những SV kém cỏi nhất vào những chỗ ngồi trong ĐH được nhà nước trả tiền cho? Đóng cửa những trường như thế là một giải pháp đang được thảo luận rộng rãi hiện nay nhưng nhiều chuyên gia tin rằng một kịch bản như thế sẽ gây ra bùng nổ giận dữ trong một xã hội mà GDĐH đã trở thành một cái gì tối cần. Một lựa chọn khác đang được xem xét là sáp nhập những trường này vào những trường mạnh hơn.  Tuy thế, lựa chọn này sẽ phải chịu nhiều vấn đề nhất định vì nó sẽ gây ra gánh nặng cho những trừơng chất lượng cao (Salmi (2013), Yudkevich (2013)). Đến nay, giải pháp này đã được thực hiện trong vài trường hợp và sẽ còn được tiếp tục vận dụng.

Một câu hỏi tất nhiên nảy sinh ở đây là các tiêu chí để đánh giá một trường nào đó là không hiệu quả. Năm 2012, Bộ GD Nga đã khởi xướng một cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động của các trường. Kết quả hoạt động của các trường được dựa vào năm tiêu chí chủ yếu, trong đó có: điểm trung bình đầu vào của kỳ thi tuyển sinh quốc gia; thu nhập của nhà trường tính trên mỗi GV/nhân viên, và diện tích sàn (lớp học, phòng thí nghiệm) tính trên mỗi sinh viên. Tất cả các trường trực thuộc Bộ GD đều được đánh giá theo các tiêu chí ấy.  Kết quả là, một số trường chuyên ngành nghệ thuật (chẳng hạn trường nhạc) bị coi là không hiệu quả, nhiều trường công được công nhận là thành công và có hiệu quả. Cả các trường ĐH cộng đồng lẫn các trường công đều phản ứng tiêu cực với lối đánh giá giám sát ấy, họ tin rằng họ được sử dụng để đạt được những mục đích chính trị. Đã rõ ràng là những tiêu chí ấy chỉ có thể được sử dụng lại nếu nó được điều chỉnh.

Nói về hệ thống một cách tổng thể, nhà nước thừa nhận rằng đáng lẽ phải trả lương GV tử tế hơn, để có thể thu hút những nhà chuyên môn giỏi và để họ có thể tập trung cho giảng dạy và nghiên cứu. Bộ Giáo dục mới đây đã trình bày một lộ trình cải cách GDĐH đến năm 2020. Kế hoạch này gồm có giảm số lượng GV (do cơ cấu nhân khẩu học của đội ngũ và do sự phát triển của công nghệ giảng dạy đã cho phép tăng số SV mà chi phí không lớn). Các tác giả của cải cách tin rằng điều này sẽ giúp làm tăng lương GV ngay cả nếu ngân sách cấp cho các trường vẫn thế. Họ cũng có kế hoạch xem xét lại hợp đồng làm việc với GV theo lối khuyến khích những nghiên cứu có chất lượng.

Việc xem xét lại ấy có lẽ sẽ được các truờng đứng ra tổ chức thực hiện, vì họ có thể tự xác định ai là người làm việc không hiệu quả, và áp dụng những cơ chế đánh giá mới. Tuy thế, vấn đề là, hệ thống GDĐH hiện tại không có cơ chế hay kích thích nào cho việc tự thân vận động. Các trường lo phản ứng với những dấu hiệu từ bên ngoài và cố gắng tạo ra những kết quả được mong muốn một cách hình thức. Hầu như không có lòng tin giữa nhà nước và các trường.

Thay vào đó, các trường đang quá tải với hàng núi báo cáo hình thức; phần lớn công việc của các nhà quản lý là mô phỏng nhằm sản xuất ra những báo cáo thỏa mãn những yêu cầu rất hình thức của cơ quan quản lý. Đó là lý do vấn đề lương bổng gây tranh cãi rất nhiều trong cộng đồng học thuật.

Giảng viên đại học, việc nghiên cứu và văn hóa học thuật

           Về những điều “có vấn đề” chính yếu của GV ĐH, lương thấp là chuyện quan trọng nhất, và thiếu chuyên gia có trình độ  cũng là vấn đề nan giải. Lương chính thức thấp đến nỗi đội ngũ GV về cơ bản không thể nào sống nổi nếu không có việc làm thêm nào khác (hoặc trong môi trường học thuật như giảng day ở trường khác, hoặc thậm chí ở ngoài lĩnh vực học thuật). Theo  Altbach et al (2012), lương GV ở Nga nằm trong số thấp nhất trên thế giới (đánh giá dựa trên sức mua tương đương). Kết quả của việc thiếu hụt tài chính trên quy mô rộng như thế là gì? Trước hết, phần đông GV phải tìm việc làm thêm, khiến họ không còn thời gian cho chuyên môn, như giảng dạy hay nghiên cứu. Một số người— thường là những người thông minh nhất  —rời khỏi môi trường học thuật để làm cho các doanh nghiệp hay cho các trường ĐH ngoại quốc. Điều này dẫn đến việc thiết lập một thứ chuẩn mực hàn lâm mới, ngụ ý là chẳng có gì sai khi nhận thêm tiền phụ thêm trực tiếp từ SV. Sự nảy nở của thứ chuẩn mực này được tạo điều kiện và hợp thức hóa nhờ sự thiếu hụt tài chính được xem như một lý do biện bạch phổ biến. Ngày nay những SV tài năng khi tốt nghiệp không thiết tha gì đến việc trở thành GV (see Yudkevich et al (2014)), và lương thấp chỉ là một trong nhiều lý do.

Những lý do khác là điều kiện làm việc thiếu thốn (khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu rất hạn chế, thông tin, thiết bị, dụng cụ .v.v. ) và định hướng thang bậc theo chiều dọc của công ty là một phần của văn hóa học thuật ở Nga. Văn hóa học thuật là một vấn đề khá nghiêm trọng bao gồm nhiều yếu tố, chúng ta sẽ liệt kê ra vài thứ ở đây.

Mối liên hệ với xã hội có một vai trò quan trọng trong đời sống học thuật và ở Nga cơ chế phát triển sự nghiệp thực thụ đã bị thay thế bằng sự trung thành, mối quan hệ, và việc ra quyết định dựa trên các kiến nghị. Thiên về đồng huyết là một chuẩn mực phổ biến trong đời sống hàn lâm (xem Horta (2010) về tình trạng đồng huyết nói chung và xem thêm Sivak, Yudkevich (2012) về tình trạng này trong các trường ĐH Nga).

Một vấn đề liên quan là văn hóa nhấn mạnh lòng trung thành trong sinh hoạt học thuật. Ví dụ như sự tác động của các tiêu chuẩn và chuẩn mực địa phương vào thực tế giảng dạy và nghiên cứu. Các trường vẫn đang duy trì một cơ chế khép kín với rất ít trao đổi thông tin với nhau. Chúng ta có thể nói rằng chủ nghĩa phong kiến đã trở thành một đặc điểm của hệ thống. Nó ngụ ý sự khép kín của các trường ĐH và sự nảy nở sinh sôi các thứ rào cản đã ngăn chặn không chỉ sự cạnh tranh và đánh giá mà còn cản trở luôn cả sự hợp tác. Chủ nghĩa phong kiến rất gần với những hiện tượng phổ biến như tình trạng đồng huyết hay có rất ít luân chuyển GV giữa các trường.  SV cũng vậy, học trường nào thì chỉ học mãi ở trường ấy. Quả thật là trong tình thế hiện nay, các trường đều thiết tha muốn giữ lại SV giỏi và tạo điều kiện cho họ học tiếp lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ.

Chương trình đào tạo được thiết kế theo lối chuyên môn hóa rất hẹp. Trong thời Xô viết, điều này cho phép các trường bắt đầu giữ độc quyền về mặt đào tạo SV và thuê GV. Hiện nay, những nguyên tắc sơ đẳng như thế chỉ có tác dụng làm manh thêm “chủ nghĩa phong kiến” giữa các trường.

Một vấn đề khác là chất lượng và khả năng cạnh tranh của đội ngũ GV, những người mà năng lực của họ còn xa mới đạt mức mong muốn. Theo dữ liệu thăm dò ý kiến, GV thường tự đánh giá mình khá cao về kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu (xem Sivak, Yudkevich (2013) về kết quả khảo sát ở Nga dựa trên phương pháp CAP). Trong lúc đó, đánh giá ngoài cho một kết quả trái ngược. Số GV yêu cầu SV phải đọc tài liệu tiếng Anh và bản thân họ thường xuyên tiếp cận thư viện điện tử với những tập san khoa học chuyên ngành mới nhất, là một con số rất thấp. Số liệu khảo sát về năng suất nghiên cứu cũng chẳng lạc quan gì hơn. Một mặt, đội ngũ GV Nga có rất nhiều ấn phẩm ở cấp vi mô (xem dữ liệu về Giám sát các Tổ chức Giáo dục và Thị trường Giáo dục), nhưng mặt khác, hầu hết đó là các ấn phẩm địa phương, thường là tập san của các trường, bằng tiếng Nga và hiếm khi có quá trình bình duyệt. Sự hiện diện của các nhà khoa học Nga trong các cơ sở dữ liệu ấn phẩm khoa học quốc tế như Web of Science hay Scopus là rất rất thấp (xem Pislyakov (2013)). Chỉ có 20%  GV ĐH ở Moscow và Saint Petersburg, những người đã tham dự cuộc khảo sát dựa trên phương pháp CAP nói trên, là có ít nhất một bài báo khoa học không phải bằng tiếng Nga trong ba năm trước đó. Thế nhưng, hơn 40% GV chưa từng bao giờ có một bài báo khoa học bằng tiếng nước ngoài đã khẳng định rằng họ có một nền tảng nghiên cứu xuất sắc  (Sivak, Yudkevich(2013)). Mức độ hội nhập quốc tế còn tệ hơn nữa ở những trường cấp khu vực.

Một câu hỏi nảy ra khi nói về ấn phẩm khoa học. Liệu các nhà nghiên cứu Nga có nên hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng hàn lâm dùng tiếng Anh làm phương tiện giao tiếp như là một ngôn ngữ của khoa học, và do đó, xói mòn thị trường khoa học trong nước, hay là họ nên trước hết nhằm vào người đọc tiếng Nga trong nước? Cách nghĩ thứ hai hiện nay đang rất phổ biến (nhất là trong số những người không có lấy một bài báo khoa học nào bằng tiếng nước ngoài). Ngay cả những người thiên về hội nhập quốc tế cũng thấy khó mà cố gắng và đạt được cả hai mục tiêu cùng lúc. Kết quả là, cộng đồng khoa học — ngay cả trong phạm vi từng lĩnh vực chuyên ngành — thường bị chia thành hai nhóm đối lập, những người dĩ nhiên là được hướng dẫn bởi những tiêu chuẩn học thuật khác nhau. Giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tình trạng này cũng có nhiều khác biệt.

Về tổng thể, có thể nói rằng mức độ quốc tế hóa trong giới hàn lâm Nga là khá thấp. Ít người có kinh nghiệm giảng dạy hay nghiên cứu ở nước ngoài, the dữ liệu của hai cuộc khảo sát nói trên. Số người nước ngoài đến giảng dạy ở các DH Nga cũng thấp: chỉ một số ít giảng viên, nghiên cứu viên người nước ngoài làm việc tại Nga, và vô cùng ít có trường ĐH Nga nào thử tuyển dụng giới hàn lâm quốc tế.

Mức độ quan liêu và các thứ quy định trong đời sống học thuật và quy trình đào tạo ở Nga khiến ngừơi nước ngoài khó lòng thích nghi nổi. Muốn thành công trong việc tuyển dụng giới hàn lâm quốc tế thì trước hết phải giải quyết một số vấn đề, như xuất nhập cảnh (giấy phép lao động, v.v.), bảo hiểm và hưu bổng, an ninh và nơi ở  (vì ở Nga hầu hết mọi giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày trong xã hội là bằng tiếng Nga). Đồng thời, cũng có những vấn đề về tổ chức và về mặt học thuật trong nhà trường: thiếu những hợp đồng biên chế, hệ thống thuế không minh bạch (theo quan điểm của người nước ngoài), việc tính lương và nghỉ phép. Bên cạnh đó, chế độ visa gây ra những hạn chế nhất định cho việc giao lưu quốc tế (khá là hạn chế đối với những người nước ngoài quen với việc tự do di chuyển). Bởi thế, cả hệ thống nhìn chung có vẻ có rất nhiều cấm đoán đối với người nước ngoài, tuy là hầu hết những cấm đóan ấy là từ bên ngoài, tức là từ những lực lượng bên ngoài trường ĐH. Đã có một số bước đi nhằm giải quyết vấn đề này. Ví dụ, cho đến mãi gần đây, nghiên cứu sinh tiến sĩ là người nước ngoài vẫn phải trải qua một quy trình dài dằng dặc để xác nhận tương đương văn bằng, kể cả phải dịch toàn văn luận án sang tiếng Nga. Hiện nay, theo một nghị định của phủ tổng thống, bằng cấp của những trường ĐH hàng đầu thế giới được chấp nhận mà không cần một thủ tục đặc biệt nào cả.

Tất cả những thay đổi tiêu cực trong hai mươi năm qua đều có tác động đến văn hóa học thuật. Đầu thập kỷ 90 đến đầu những năm 2000, những người với các giá trị học thuật truyền thống đã từ từ bị đẩy bật ra khỏi không gian học thuật, thay vào đó là những người có những giá trị khác bắt đầu quan tâm đến công việc của ĐH. Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn hay theo đuổi sự nghiệp của các GV ĐH đã thay đổi. Uy tín khoa học của khoa hay trường, cũng như sự hợp tác khoa học giữa các GV được xem là quan trọng đối với trên 80% GV vào năm 1992,  thì nay chỉ còn quan trọng với ít hơn 50% người tham gia cuộc khảo sát năm 2012.

Đội ngũ GV ở Nga cũng công nhận rằng các nhà quản lý cấp khoa và cấp trường đều đang tăng cường chức năng kiểm soát (xem Altbach (1996), Yudkevich et al (2012)). Đồng thời, họ thấy mình chẳng liên quan gì đến việc ra quyết định về những vấn đề quan trọng. Quả thật là cơ chế quản lý ĐH ở Nga khiến những quyết định về đào tạo hay học thuật chủ yếu là quyết định của giới quản lý chứ không phải giới hàn lâm.  Mức độ tự trị trong koahọc và sự gắn bó của GV với quá trình ra quyết định của nhà trường là rất thấp. Kết quả là, phần lớn cơ chế kiểm soát là thẳng đứng từ trên xuống. Cơ chế đánh giá được tổ chức theo lối ấy  đã thay thế cho cơ chế bình duyệt, và điều này đã tạo ra tác dụng phụ lên hành động của GV. Họ nhận thức rằng kiểu đánh giá từ bên ngoài và từ trên xuống như thế —như một cái gì đối lập với đánh giá cùng cấp trong nội bộ—như một “áp lực” và dấu hiệu của ‘quan liêu hóa”. Trong lúc đó, cơ chế đồng quản trị[4] lại là điều cốt lõi để xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế (Rozovsky (2012)).

Chúng ta cũng nên xem xét một số vấn đề quan trọng trong lịch trình kế hoạch của cộng đồng học thuật Nga.

Trước hết, giá trị hiệu lực của bằng cấp và chất lượng của các luận án tiến sĩ đang bị nghi ngờ ở Nga (nhất là hệ thống hai cấp tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) Trong những tháng gần đây, một số vụ scandal đạo văn nổ ra với bị cáo là các nhà chính trị và quan chức nhà nước cao cấp với luận án của họ, trong đó có cả các quan chức ngành giáo dục. Tuy quy mô của những vi phạm ấy chỉ mới được chính thức công nhận gần đây,  nó đã tồn tại từ lâu trong thực tế và có nhiều lý do để lo ngại về điều này. Bởi vì cầm một tấm bằng (nhất lại là bằng tiến sĩ) được coi là rất oai, mà đạt được nó thì cũng chẳng tốn kém bao nhiêu thông qua những chương trình học phải trả tiền, nên số bằng được cấp đã tăng rất nhanh những năm qua, nhất là bằng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.  Tuy nhiên chất lượng của những luận án đã dẫn tới những tấm bằng ấy thì rất thấp, về cơ bản nó chỉ dẫn đến cơ hội mua bằng (mua một luận án đã viết xong hoặc bảo vệ luận án theo một sự “sắp xếp” đặc biệt). Cuối cùng thì, điều đó dẫn đến

giảm giá trị cả hệ thống bằng cấp của Nga trong lúc bằng cấp của nước ngoài được coi trọng bất kể uy tín của trường đó ra sao (ít ra nó cũng được coi ngang với các trường top của Nga).

Vấn đề bằng cấp cũng liên quan tới cuộc cải cách quá chậm trễ trong đào tạo sau ĐH, hiện nay đã không còn khả năng cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Một vấn đề khác là hầu hết nghiên cứu sinh chẳng hề có ý định làm việc trong lĩnh vực học thuật. Hầu hết (kể cả nghiên cứu sinh toàn thời gian) đều đang làm việc toàn thời gian ở các doanh nghiệp. Học bổng nghiên cứu sinh quá thấp, bởi vậy những người trẻ không thể nào theo đuổi việc học nếu không làm thêm. Mặt khác, các chương trình đào tạo sau ĐH toàn thời gian thường không mấy nghiêm ngặt với các đề tài nghiên cứu, điều này đặc biệt hấp dẫn với nam vì địa vị nghiên cứu sinh có nghĩa là rất dễ bị làm cho thoái chí.

Những vấn nạn của đào tạo sau ĐH thậm chí còn sâu sắc hơn do sự thiếu vắng một thị trừơng khoa học thực sự ở trong nước và thiếu triển vọng việc làm tương lai bên ngoài cánh cổng trường ĐH cho giới hàn lâm. Điều này có nghĩa là nhà trường không có động lực kích thích để tạo ra những SV giỏi nghề nghiên cứu, bởi năng lực của họ dù sao cũng không được thị trường coi trọng.

Cùng với tình trạng đồng huyết, hiện tượng này đã góp phần vào việc SV không cạnh tranh vào những vị trí tốt nhất và không có động lực để rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.

Thị trường khoa học và một cơ chế gắn với uy tín khoa học của các nhà hàn lâm vẫn còn là điều sẽ đến trong tương lai. Một trong những điều đã ngăn cản quá trình này là đến nay, các trường ĐH vẫn không được tự mình cấp văn bằng mà phải qua một hội đồng xác thực đặc biệt do Bộ Giáo dục và Khoa học quản lý.  Nói cách khác, bằng cấp của tất cả các trường  đều có giá trị như nhau trên thị trường, khiến các trường chẳng được lợi lộc gì khi tạo ra những luận án xuất sắc và chẳng mất mát gì khi sản xuất ra những luận án kém cỏi. Các trường được cấp ngân sách tùy theo số lượng SV, đối với SV sau ĐH nhà trường được cấp nhiều tiền hơn so với SV ĐH, bởi thế các trường sẽ có lợi hơn khi mở nhiều ngành sau ĐH và tuyển vào thật nhiều nghiên cứu sinh. Hiệu quả hoạt động của các trường được đánh giá dựa trên số luận án được bảo vệ thành công, điều này đã xui giục họ chấp nhận luận án chất lượng kém.

Công nghệ bằng cấp cũng liên đới với công nghệ làm tập san khoa học (xem Sokolov (2012)). Ấn phẩm khoa học ngày nay không chỉ là phương tiện truyền thông khoa học mà còn là tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động khoa học của các nhà nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, bởi vậy làm tập san khoa học đã trở thành một hoạt động kinh doanh. Các tập san được thương mại hóa (chủ yếu đóng tại Moscow hoặc khu vực) nhận tiền để xuất bản những bài báo chất lượng kém, đã trở thành cực kỳ phổ biến. Các tác giả bị tính tiền theo đủ cách: có khi họ bị yêu cầu trả tiền cho việc “biên tập” hay đăng ký nhận tập san. Trong tình hình này, ngay cả các tập san không thỏa hiệp về chất lượng cũng phải bắt tác giả đóng tiền mới có thể tồn tại được, và thật khó mà phân biệt chân giả về chất lượng với hai thứ tập san ấy. Trong mọi trường hợp, các trường hiện nay đều có tính đến số lượng ấn phẩm khoa học khi đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu, vì vậy các tập san khoa học đang đứng trước nhu cầu rất cao. Không may là thị trường không đáp ứng theo lối hiệu quả nhất, và tình thế nước Nga cũng không ngoại lệ.  Có những vấn nạn tương tự ở Trung Quốc, Ấn Độ, và một số nước khác. Có những tập san khoa học và những nhà xuất bản trên thị trường toàn cầu đưa ra những bài báo khoa học có thể phá hủy uy tín khoa học của người ta thay vì thêm vào một giá trị nào đó (Altbach, Rapple (2012)). Có lẽ tốt hơn là tính đến chất lượng của tập san thay vì số lượng bài báo khoa học mà người ta trình ra. Nhưng ở Nga điều này thật là khó vì thiếu một hệ thống đánh giá các tập san dựa trên những tiêu chí khách quan của ngành đo lường thư mục khoa học, như là chỉ số ảnh hưởng  (impact-factor= IF) chẳng hạn. Chúng ta đã đề cập trong phần trên về việc thiếu bình duyệt cùng cấp, ít ra là trong một số ngành, vì vậy chúng ta có thể thấy kết quả hoạt động thường được đo bằng những tiêu chí số lượng, là điều dĩ nhiên sẽ  phương hại cho toàn bộ hệ thống.

Sinh viên, chính sách tuyển sinh, cơ cấu và chất lượng giáo dục

           Về SV, có một số vấn nạn chính. Trước hết là vấn đề cơ hội tiếp cận GDĐH nói chung, và tiếp cận GDĐH có chất lượng nói riêng. Cho đến rất gần đây, tức kể cả trong thời Xô viết lẫn hậu Xô viết, việc tuyển sinh vào các trường đều là dựa trên kỳ thi tuyển sinh ĐH. Hệ thống này có nghĩa là mỗi SV tương lai đều phải trải qua kỳ thi do mỗi trường tổ chức, luôn luôn do các giáo sư của trường đó thực hiện. Kết quả là, tài liệu thi về hình thức thì dựa trên chương trình phổ thông nhưng trong thực tế các trường sẽ có những yêu cầu cụ thể nhất định đòi hỏi những kỹ năng quan trọng để làm được bài tức là để vào được ĐH. Để đạt được những kỹ năng cụ thể ấy, các em học sinh thường phải học những khóa luyện thi ở trường ĐH hoặc thuê thầy dạy kèm (thường là GV của ĐH mà các em định thi). Một hệ thống như thế có nghĩa là tham nhũng đầu vào ở mức độ cao, động lực chuyên môn thấp, và nhìn chung là dựa trên khả năng tài chính của gia đình người học. Ví dụ, nhiều em học sinh trung học ở vùng sâu vùng xa không thể lo liệu được tiền đến Moscow hay Saint Petersburg để dự thi ĐH, nói gì đến việc học luyện thi như thế.

Từ năm 2009, việc  tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi thống nhất trong cả nước, bắt buộc đối với mọi học sinh phổ thông. Kỳ thi này vừa là tốt nghiệp phổ thông, vừa là tuyển sinh ĐH. Quy trình mới này có nhiều hệ quả (xem chi tiết Prakhov, Yudkevich (2012)). Trước hết, các trường ĐH mất kiểm soát với việc tuyển sinh. Họ không thể đưa ra những đòi hỏi cụ thể đối với thí sinh như trước và cũng không có quyền lựa chọn đối với từng thí sinh. Hơn nữa, chi phí nộp đơn thi đã giảm đáng kể (học sinh không cần đến thành phố nơi trường tọa lạc để thi nữa mà có thể gửi hồ sơ qua bưu điện). Giờ đây họ có thể dễ dàng nộp đơn nhiều trường cùng lúc, và cũng không tốn kém mấy để dự thi, do các trường không còn những yêu cầu cụ thể như trước. Việc áp dụng kỳ thi thống nhất cả nước này là một bước thay đổi cơ chế tổ chức lớn nhất gần đây ở Nga. Nó cũng đã thay đổi những khích lệ đối với các vai chính yếu của GDĐH. Tuy thế, dù có một số kết quả tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Ví dụ, một trong những kỳ vọng ban đầu là kỳ thi này sẽ giúp có thể đánh giá kết quả hoạt động của các trường phổ thông, từng trường và từng vùng. Một kỳ vọng khác là kết quả thi và điểm đầu vào của các trường sẽ là chỉ báo tốt cho mức độ chọn lọc của từng trường và cung cấp thông tin tham khảo cho học sinh khi chọn trường. Tuy nhiên trong thực tế những thông tin này không phải lúc nào cũng được công bố trong lúc dữ liệu về các trường và các vùng thì bị hạn chế. Một số chuyên gia cho rằng lý do để giữ kín những số liệu ấy là do những thay đổi quy mô lớn liên quan tới gian lận thi cử ở một số vùng. Trong mọi trường hợp, những dữ liệu này thậm chí còn không được cung cấp cho người nghiên cứu, nên nó không thể dùng để đánh giá các trường phổ thông và ĐH.

Một vấn đề khác là cơ cấu của các chương trình đào tạo và chất lượng giáo dục nói chung. Xưa nay trong hệ thống giáo dục Xô Viết, học sinh về cơ bản phải lựa chọn ngành học trước khi được nhận vào trường hoặc đôi khi và năm thứ ba khi bắt đầu phân chuyên ngành. Các môn trong chương trình học của SV được xác định dựa trên chuyên ngành này. Ngày nay đã có xu hướng cho SV nhiều cơ hội hơn để xây dựng con đường học tập của riêng họ, bằng cách đưa ra nhiều môn tự chọn, nhưng kết quả của việc này xem ra vẫn còn khá mơ hồ. Nhiều trường vẫn làm theo lối cũ vì như thế lên kế hoạch sẽ dễ dàng hơn.

Một hệ thống lỗi thời như thế là một trong các nhân tố dẫn đến tình trạng thất nghiệp phổ biến trong SV tốt nghiệp. Nhiều SV bắt đầu làm việc (thường là toàn thời gian) ngay từ năm đầu thậm chí cả những SV chính quy toàn thời gian. Sự cân bằng này, trong đó các bên không có động lực nào để thay đổi hành vi của mình, dựa trên một thực tế là nhà tuyển dụng không quan tâm tới việc SV đang học năm thứ mấy hoặc trường nào (chỉ trừ một vài trường top là ngoại lệ) mà quan tâm hơn đến khả năng và kinh nghiệm (Apokin, Yudkevich (2011)), là điều khiến cho GDĐH ít quan trọng hơn với tư cách là dấu hiệu của năng lực trên thị trường lao động. Một vấn đề sâu xa hơn đã khiến SV bắt đầu làm việc từ sớm là động lực học tập của họ. Ngày nay khi hầu hết học sinh phổ thông đều được đào tạo sau trung họ cách này hay cách khác, người ta có những động lực rất khác nhau, có nền tảng văn hóa và vốn xã hội rất khác nhau khi vào ĐH, những điều hẳn nhiên là quan trọng để có quyết định đúng. Kết quả là, hệ thống GDĐH đã nhận nhiều SV yếu kém không đủ năng lực để theo học. Thí dụ, nghề kỹ nghệ đang là nghề óach nhất hiện nay, thế là nhiều học sinh có kết quả thi rất xoàng cũng nộp đơn vào ngành này, đơn giản là vì đàng nào thì cũng sẽ chẳng có nơi nào nhận họ. Một số em có điểm toán rất thấp bắt đầu học những ngành kỹ thuật, nơi mà kỹ năng toán là cốt yếu. Họ thậm chí không nghĩ về việc mình sẽ làm công việc gì trong ngành này bởi vậy cũng không chú tâm vào việc học. Như đã nói trên, các trường không muốn mất SV vì lý do tài chính, kết quả là nhà trường phải thỏa hiệp và hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu đối với SV tương lai. Kết cục là, cái vốn xã hội tích lũy được ở các trường ĐH là cực kỳ thấp.

Cuối cùng, đó là vấn đề quốc tế hóa, có thể nói là quá thấp cả với SV lẫn GV. Trong thời Xô viết, các trường có những chương trình đặc biệt dành cho các nước đang phát triển nhưng những SV này không phải tự mình trả tiền, mà chi phí của họ được chính phủ nước họ chi trả trong khuôn khổ những chương trình dự án lớn. Năm 2003, nước Nga ký hiệp ước Bologna tức đã tham gia Tiến trình Bologna, nhưng sự luân chuyển SV — cả đến và đi — vẫn rất thấp (tuy có chút ít thay đổi tích cực đối với việc ra nước ngoài học của SV. Số SV đến học tại Nga thấp là do vấn đề ngôn ngữ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chỗ trọ khó khăn, hạ tầng cơ sở địa phương chưa tốt. Việc chuyển đổi tín chỉ ECTS cũng thường khá khó khăn.  Tuy thế, những SV đến từ nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc phá vỡ sự khép kín và chỉ biết tập trung vào chính họ của hệ thống quốc gia Nga. Họ cũng có thể có một tác động với SV Nga thông qua việc đem lại cho SV Nga những trải nghiệm trong giao tiếp quốc tế.

 Những vấn đề quan trọng cần nghiên cứu

           Tuy có rất nhièu vấn đề thú vị trong lĩnh vực GDĐH Nga, chúng tôi muốn tập trung vào bốn điểm quan trọng sau đây trong lịch trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về GDĐH Nga, mỗi chủ đề đều có những thách thức nhất định.

Trước hết, cần tạo ra một hệ thống phân tích với những dữ liệu tương thích với nhau và có thể so sánh được giữa các trường ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Có nhiều thông tin đầy tiềm năng và lý thú với các nhà nghiên cứu.  Các trường công đáng lẽ phải nộp dữ liệu này cho Bộ Giáo dục và Khoa học, hoặc Bộ chủ quản của họ. Họ cũng sẽ phải nộp dữ liệu theo yêu cầu của các bộ trong trường hợp khảo sát giám sát định kỳ (ví dụ như giám sát vấn đề lương GV). Thế nhưng, hiện nay những thông tin như thế không hề có sẵn cho các nhà nghiên cứu, tuy họ có thể tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia vào việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường (cả về phương pháp và việc thực hiện), và xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả.

Khu vực tư thậm chí còn ít minh bạch hơn và điều này chẳng phải chỉ có ở mỗi nước Nga, bởi vậy dữ liệu về khu vực GDĐH tư thậm chí còn ít hơn. Tuy nhiên, tình trạng có rất ít thông tin (chẳng hạn, về điểm trung bình kỳ thi tuyển sinh ĐH thống nhất quốc gia, số lượng GV hay tổng diện tích phòng học, v.v) gợi ý một tình thế rất không may. Sự có sẵn những thông tin minh bạch có thể góp phần  thực hiện tốt hơn các chức năng của khu vực tư (ví dụ như làm giảm mức độ thiếu công bằng về thông tin cho những khách hàng tiềm năng). Nhìn tổng thể, sự có sẵn nhiều thông tin và dữ liệu chi tiết là điều tối cần cho hiệu quả của cải cách và hiệu quả của việc sử dụng ngân sách đúng mục tiêu.

Một mục tiêu khác là tạo ra một cái nền phân tích của chuyên gia cho những cải cách trong GDĐH. Khu vực GDĐH đang trải qua những thay đổi về tổ chức hết sức lớn lao, những thay đổi sẽ tác động đến tất cả mọi bộ phận, mọi thành viên đang tham gia vào thị trường, ví dụ các gia đình có con đi học, các trường ĐH, các nhà tuyển dụng. Thay cho những cuộc tranh luận đang bị chính trị hóa về việc ai được ai mất trong cuộc cải cách, cộng đồng chuyên gia cần xây dựng một thước đo đánh giá kết quả của cải cách dựa trên nghiên cứu và phân tích thực nghiệm. Trong số những vấn đề cần xem xét là hậu quả của cơ chế tuyển sinh ĐH mới áp dụng (xem Ampilogov, Prakhov, Yudkevich (2013) và Prakhov, Yudkevich (2012)) hay hiệu quả của những chương trình tài trợ có mục tiêu cho các trường ĐH nghiên cứu. Mô hình nào khả dĩ để có thể đánh giá những thay đổi nhất định về tổ chức và thể chế ở các trường? Cần những dữ liệu nào cho một kiểm tra thực nghiệm? Những câu hỏi như thế rất cần được trả lời. Có một số thử nghiệm trên quy mô lớn đang được tiến hành (ví dụ như về lương GV). Sự tham gia của các chuyên gia GDĐH, các nhà kinh tế và xã hội học là điều hết sức cốt yếu trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh kết quả của những thực nghiệm ở tầm quốc gia.

Một sự hiểu biết đầy đủ hơn về mô hình tổ chức cấp trường của GDĐH Nga và thiết chế tổ chức cụ thể của nó cũng là một nội dung trong lịch trình của các chuyên gia nghiên cứu GDĐH cả cơ bản lẫn ứng dụng. Những kinh nghiệm thành công của các trường nước ngoài có thể cấy trồng ở mức độ nào trong thị trường GDĐH Nga? Đâu là vai trò của các chuẩn mực văn hóa trong việc làm nảy nở sinh sôi một cách vững chắc những quy tắc và thực tiễn không hiệu quả?

Đó vẫn là những câu hỏi mở đối với rất nhiều trường ĐH trong thị trường GDĐH Nga.

Một chủ đề tranh luận căng thẳng trong giới chuyên gia Nga là khái niệm họp đồng lao động có hiệu quả đối với GV ĐH (Kuzminov (2012)). Hợp đồng này nên được soạn thảo như thế nào để thu hút được các nhà chuyên môn giỏi nhất và thúc đẩy họ làm nghiên cứu? Triển vọng của việc áp dụng các hợp đồng biên chế ở Nga sẽ là như thế nào? Vai trò của những hợp đồng như thế là gì trong việc tạo dựng những trường ĐH nghiên cứu? (xem Khovanskaya, Sonin, Yudkevich (2009))? Tất cả những câu hỏi ấy chỉ có thể trả lời bằng nghiên cứu nghiêm túc của các chuyên gia về lý thuyết hợp đồng cùng với chuyên gia về GDĐH.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu Nga cần tham gia vào các hội đồng hay các dự án nghiên cứu so sánh giữa các nước trong nhóm như các nước BRIC, các nước hậu Xô viết, các nước châu Âu. Họ đang tham gia một số dự án như thế (xem Altbach et al (2012), Altbach et al (2013), Carnoy (2013), Gokhberg (2011)) nhưng cần thường xuyê hơn nữa. Những sự tham gia như thế có thể đưa một cộng đồng chuyên gia lớn hơn đến với nước Nga, nhưng quan trọng hơn là điều đó cần cho các nhà nghiên cứu Nga bởi vì nhiều vấn đề và giải pháp không thể nào thấy được từ vị trí của người ngoài cuộc mà cần phải nghiên cứu từ bên trong.  Các công trình nghiên cứu so sánh sẽ giới thiệu với các nhà nghiên cứu những điều kiện trong đó những tác động này bị triệt tiêu bởi tác động khác, tạo ra sự quân bình ổn định hay một hệ thống không đổi, những mặt tích cực và tiêu cực của nó, và những nhân tố ổn định, nhờ đó giúp họ nhìn thấy những giải pháp khả dĩ cho những vấn đề của nước họ. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Nga đã tham dự một dự án nghiên cứu so sánh thu nhập của GV trong 28 nước (Altbach et al (2012) và một dự án nhằm vào triển vọng nghề nghiệp của GV trẻ trong 10 nước (Yudkevich et al (2014)).

Cuố cùng, chúng ta có thể nói rằng việc nghiên cứu về GDĐH hiện nay đang đối mặt với một số mục tiêu chính trị cũng như những mục tiêu thuần túy học thuật, những thứ vốn đan quyện vào nhau. Những cải cách thể chế mới trong không gian GDĐH chỉ có thể dựa trên những mô hình phân tích và dữ liệu thực nghiệm cho phép nhìn thị trường hàn lâm Nga trong tương quan so sánh toàn cầu. Những cải cách như thế là hết sức cốt yếu để tăng cường năng lực cạnh tranh của các trường ĐH Nga trong thị trường học thuật toàn cầu và tạo ra một hệ thống GDĐH đủ sức đáp ứng với những thách thức của thị trường lao động thế giới. Những mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng cách tiến về phía trước thay vì cố sửa chữa hay chống đỡ cho quá khứ.

 References

Altbach P. et al. (eds.) The Global Future of Higher Education and the Academic Profession. Palgrave McMillan, 2013.

Altbach P. (ed.) International Academic Profession. Portraits of Fourteen Countries. Jossey-Bass Publishers, 1996.

Altbach P. et al. (eds.) Paying the Professoriate. A Global Comparison of Compensation and Contracts. Routledge, 2012.

Altbach P., Rapple B. (2012) Anarchy, Commercialism, and “Publish or Perish”, International Higher Education, No. 67, P. 5-6.315

Ampilogov A., Prakhov I., Yudkevich M. (2013) One or Many? Using the new opportunities of the Unified State Exam, HSE Working paper, 2013.

Androushchak G., Kuzminov Y., Yudkevich M. (2013) Changing Realities: Russian Higher Education and the Academic Profession, P. 56 – 92 // in

Altbach P. et al. (eds.) The Global Future of Higher Education and the Academic Profession. Palgrave McMillan, 2013.

Apokin, A., Yudkevich M. “Analysis of Student Employment in the Context of Russian Labor Market.” Voprosy Ekonomiki 6 (2011).

Carnoy M., Loyalka P., Dobryakova M. S., Dossani R., Froumin I., KuhnsK., Tilak J. B., Rong W. University Expansion in a Changing Global Economy: Triumph of the BRICs? Stanford: Stanford University, 2013.

Gokhberg L., Kuznetsova T., Zaichenko S. Russia: Universities in the Context of Reforming National Innovation System, in: Goransson B., Brundenius C. (eds.) Universities in Transition: The Changing Role and Challenges for Academic Institutions. Springer, 2011. P. 247-260.

Horta, H., F. M. Veloso, R. Grediaga. “Navel gazing: Academic inbreeding and scientific productivity.” Management Science 56.3 (2010): 414-429.

Khovanskaya, I., Sonin K., Yudkevich M. A Dynamic Model of the Research University (October 2009). Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=1103291

Kuzminov, Y. (2012) Academic Community and Contracts: Modern Challenges and Responses, P. 331 – 340 // in Altbach P. et al. (eds.) Paying theProfessoriate. A Global Comparison of Compensation and Contracts. Routledge, 2012. Pislyakov (2013)

Prakhov I., Yudkevich M. University Admission In Russia: Do the Wealthier Benefit from Standardized Exams? (February 16, 2012). Higher School of Economics Research Paper No. WP BRP 04/EDU/2012. Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=2005108

Rozovsky H. (2012) Presentation at the seminar “At the Forefront of International Higher Education”: https://www.youtube.com/watch?v=jqpUUOWa4Ec(accessed August 24 2013)

Salmi, J. (2013) Inside Higher Ed Blog. University Mergers in Russia: Not an Easy Route to Success April 7, 2013. http://www.insidehighered.com/blogs/world-view/university-mergersrussia-not-easy-route-success (accessed at August 24 2013)

Sivak E., Yudkevich M. (2013) Academic Profession in a Comparative Perspective: 1992–2012 // Foresight Russia, P. 32 – 41. Sokolov (2012)

Yudkevich M. (2013). Inside Higher Ed Blog. University Mergers in Russia: Happy Marriage or Misalliance April 22, 2013.http://www.insidehighered.com/blogs/world-view/university-mergersrussia-happy-marriage-or-misalliance-0 (accessed at August 24 2013)

Yudkevich M. et al (2014) The Future of the Academic Profession: Young Faculty in International Perspective. Forthcoming.

Yudkevich M. et al. (2012) Changing Academic Profession: Russia country report, HSE.316

Yudkevich M., Sivak E., University Inbreeding: An Impact on Values, Strategiesand Individual Productivity of Faculty Members (January 31, 2012).Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=199641

 

Ghi chú:

[1] Một dạng hệ thống chính trị và kinh tế thống trị ở Châu Âu thời kỳ trung cổ. Chủ nghĩa phong kiến được đặc trưng bởi một tháp xã hội bắt đầu từ người nông dân lệ thuộc thông qua các chúa đất và tước hầu ở thái ấp lên đến tận nhà vua (Chú thích của người dịch).

[2] Sáu viện hàn lâm này là: Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện Hàn lâm Y khoa, Viện Hàn lâm Nông nghiệp, Viện Hàn lâm Kiến trúc và Xây dựng; và Viện Hàn lâm Nghệ thuật.

[3] Tính đến tháng 7 năm 2008, nước Nga có 470 viện nghiên cứu, hơn 55 ngàn chuyên viên nghiên cứu, trong đó có 500 viện sĩ hàn lâm được bầu và 800 thành viên được gọi là “viện sĩ thông tấn” (corresponding members).

[4] “Đồng quản trị”, dịch từ thuật ngữ shared governance, là một cơ chế quản trị trong đó tất cả các bên liên quan đều có vai trò trong việc ra quyết định, và điều này được thực hiện dựa trên một cơ cấu được thiết lập rõ ràng về quá trình ra quyết định. Trong nhà trường trách nhiệm ra quyết định được chia sẻ giữa giảng viên, các nhà quản lý và hội đồng quản trị nhà trường. Hiệp hội các giáo sư đại học Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên đới của giảng viên trong những quyết định về nhân sự, lựa chọn hiệu trưởng và trưởng khoa, cũng như các chính sách về đào tạo và nghiên cứu (Chú thích của người dịch).