Tác giả: Wanhua Ma
Người dịch: Phạm Thị Ly (2010)
Giáo dục đại học Trung Quốc đã trải qua những thay đổi chưa từng thấy kể từ những năm cuối của thập kỷ 70. Đổi thay về kinh tế cùng với những biến đổi xã hội, nhu cầu về tri thức và cải tiến công nghệ, đòi hỏi ngày càng tăng về quốc tế hóa giáo dục đại học và nền kinh tế toàn cầu hóa được coi là những nhân tố bên trong làm thay đổi tận gốc rễ vai trò và sứ mạng của các trường đại học ở Trung Quốc. Trong vấn đề khám phá khoa học và đổi mới công nghệ, những giá trị truyền thống của trường đại học về phát triển nguồn lực con người và chuyển giao di sản văn hóa được tạo điều kiện để trở thành những chức năng thực dụng và có tính chất công cụ hơn. Việc thay đổi mô hình trong giáo dục đại học đã làm lộ diện cả những cơ hội và thử thách lớn lao đối với các trường đại học có vai trò hàng đầu của Trung Quốc.
TỔNG QUAN VỀ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA TIÊU (FLAGSHIP UNIVERSITY) Ở TRUNG QUỐC
Sự thành công của các trường đại học nghiên cứu Hoa Kỳ đã được công nhận là một khuôn mẫu cho giáo dục đại học trên toàn thế giới. Ở thập kỷ 80 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thậm chí đã bắt đầu thảo luận về mô hình hệ thống nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ. Mô hình Hoa Kỳ có một tác động rất lớn đối với hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc. Từ năm 1978, hàng ngàn giảng viên và sinh viên Trung Quốc đã đổ xô vào Hoa Kỳ vì họ quan tâm đến giáo dục và tri thức bậc cao. Rất nhiều hội thảo và ấn phẩm tập trung vào các trường đại học nghiên cứu Hoa Kỳ: họ đã hoạt động như thế nào và chúng ta có thể học tập ở họ những gì. Kinh nghiệm Hoa Kỳ đã trở thành cội nguồn cho rất nhiều ý tưởng về cải cách giáo dục đại học ở Trung Quốc, trong đó có ý tưởng về xây dựng các trường đại học nghiên cứu.
Theo truyền thống, người ta xác định đặc điểm của các trường đại học Trung Quốc bằng hai thuật ngữ “đại học trọng điểm” (key universities) và “đại học thông thường” (non-key hoặc ordinary universities). Năm 1978, 88 trường đại học được Hội đồng Nhà nước công nhận là đại học trọng điểm quốc gia trong lúc khoảng 500 trường đại học còn lại được xem là những đại học thông thường. Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán được xem là ba trường hàng đầu trong bảng xếp hạng. Một trường đại học được công nhận là đại học trọng điểm trên cơ sở nhiều tiêu chí (indicators): nguồn lực giảng dạy mạnh mẽ, các chuyên ngành và chương trình đào tạo nổi tiếng trong cả nước và hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản. Phân bố theo vùng cũng là một nhân tố trong việc lựa chọn đại học trọng điểm- hầu hết các trường đại học trọng điểm nằm ở miền đông Trung Quốc. Hệ thống đại học trọng điểm được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng việc dạy và học, cũng như củng cố hoạt động nghiên cứu cơ bản trong giáo dục đại học.
Các trường đại học trọng điểm có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của giáo dục đại học Trung Quốc trong những năm 80. Năm 1980, các trường trọng điểm là những trường đầu tiên đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ trong một số chuyên ngành. Từ giữa thập kỷ 80, các trường này bắt đầu tập trung nhiều hơn vào cả hai mặt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nhiều chủ trương, chính sách ra đời được vận dụng để thu hút các nguồn tài chính dành cho nghiên cứu về cho các trường đại học này.
Trong lúc kinh tế Trung Quốc phát triển với một nhịp điệu vô cùng nhanh chóng trong thập kỷ 80 và có nhu cầu rất lớn về cải tiến công nghệ và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, thì đầu tư cho giáo dục đại học lại có phần giảm sút. Ví dụ như đầu tư cho giáo dục đại học là 3,04% GDP năm 1990 thì đến năm 1995, con số này tuột xuống 2,41% (Ma, 2004). Hậu quả là vấn đề được đề cập đến thường xuyên nhất là cải cách cơ chế cung cấp ngân sách cho trường đại học. Chính phủ Trung Quốc đưa ra ba kế hoạch chiến lược để giải quyết vấn đề này: tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học, thu học phí của sinh viên và điều chỉnh cơ chế tài chính của các trường đại học. Ba chiến lược này ít nhiều đều có học tập từ mô hình Hoa Kỳ. Theo truyền thống, giáo dục đại học Trung Quốc chẳng những miễn học phí mà nhà nước còn cung cấp cho sinh viên một khoản sinh hoạt phí đủ trang trải tiền ăn ở, sách vở tài liệu. Từ năm 1994, việc áp dụng chế độ thu học phí và các chương trình cho sinh viên vay tiền ăn học, với sự hợp tác của các ngân hàng thương mại, đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản cho các trường đại học Trung Quốc trong việc tạo ra những nguồn lực cho nhà trường.
Cũng trong thời gian đó, việc tái cấu trúc hệ thống đã tạo cơ hội cho sự phát triển các đại học hoa tiêu ở Trung Quốc. Ở đây thuật ngữ đại học hoa tiêu (flagship universities) chỉ đơn giản có nghĩa là một trường đại học giữ vai trò lãnh đạo trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia. Hai dự án quan trọng rất đáng được nhắc đến trong vấn đề này là Dự án 211 và Dự án 985. Dự án 211 bắt đầu từ năm 1994, được tạo ra nhằm xây dựng 100 trường đại học trong những năm đầu thế kỷ 21. Trước khi xây dựng Dự án 211, năm 1993 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Đề cương Cải cách và Phát triển Giáo dục ở Trung Quốc. Văn bản này được trích dẫn nhiều về cải cách giáo dục đại học, vì nó tuyên bố rõ ràng rằng chính phủ trung ương sẽ tổ chức lại cơ cấu của giáo dục đại học, với trọng tâm là đầu tư vào một vài trường và những trường này sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước và trong việc cạnh tranh quốc tế. Dự án 211 được xem là sản phẩm của chủ trương này. Để thực hiện dự án này, trước hết nhà nước Trung Quốc đầu tư 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 50 triệu USD) cho những trường được chọn lựa để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đồng thời chính quyền địa phương cũng được yêu cầu cung cấp hỗ trợ tài chính cho những trường này. Chẳng hạn, chính quyền đặc khu Thượng Hải đã đóng góp cho Đại học Phúc Đán và Đại học Giao thông Thượng Hải mỗi trường 120 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) năm 1995 để nâng cao chất lượng dạy học và điều kiện nghiên cứu ở cả hai trường. Điều này chứng tỏ mong muốn của các chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các trường đại học hàng đầu nằm trong khu vực địa phương của mình.
Để đẩy mạnh hơn nữa tài chính công dành cho giáo dục đại học, tại lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Bắc Kinh vào tháng 5 năm 1998, Dự án 985 bắt đầu được khởi động. Dự án này cung cấp cho Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hai trường trọng điểm hàng đầu của Trung Quốc một ngân sách trọn gói trong ba năm là 1,8 tỷ nhân dân tệ (234 triệu USD) mỗi trường như một khoản tài trợ đặc biệt nhằm xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Dự án này sau đó mở rộng ra cho 9 trường đại học hàng đầu trong cả nước: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Nam Kinh, Đại học Bách khoa Trung Quốc, Đại học Giao thông Xi’an, Đại học Triết giang và Viện Kỹ thuật Harbin. Ngân sách trung ương dành cho từng trường có giảm sút về quy mô, trong lúc sự hỗ trợ từ các bộ và chính quyền địa phương hay đặc khu rất được khuyến khích. Chẳng hạn trong khoảng từ 1999 đến 2001, Viện Kỹ thuật Harbin đã nhận được 100 triệu nhân dân tệ (12,3 triệu USD) từ Bộ Giáo dục, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật và Công nghiệp Quốc phòng và chính quyền tỉnh Hắc long giang.
Việc đánh giá những gì 9 trường này đạt được trong ba năm được đầu tư trên đây đã diễn ra như một kết quả của vấn đề khái niệm đại học đẳng cấp quốc tế không ngừng được xem xét và thử thách mạnh mẽ ở Trung Quốc, có phần vì hầu như không có một tiêu chuẩn quốc tế nào để định nghĩa khái niệm này. Một số nhà nghiên cứu đã cố gắng xây dựng hệ thống phân loại và xếp hạng nhằm định nghĩa đại học đẳng cấp quốc tế và dùng hệ thống xếp hạng này để khảo sát các đại học Trung Quốc. Một số nhà nghiên cứu khác thì chú trọng việc xác định các đặc điểm của đại học đẳng cấp quốc tế. Chẳng hạn, đã có ý kiến nêu lên rằng để xác định thế nào là đại học đẳng cấp quốc tế thì một quan niệm tiên tiến về trường đại học, một sự hỗ trợ về vật chất và tài chính tương xứng, một năng lực mạnh mẽ trong nghiên cứu, sự vững chắc và kiên định về vấn đề tự chủ trong quản trị cần được xem trọng hơn là số cựu sinh viên đoạt giải Nobel hay là số bài được đăng trên các tạp chí danh tiếng (Ding 2004).
Một số nhà hoạch định chính sách giáo dục đại học và lãnh đạo các trường tỏ ra hết chịu đựng nổi cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn về vấn đề đại học đẳng cấp quốc tế. Người ta bắt đầu nhận ra rằng xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế là một quá trình lâu dài chứ không phải là kết quả tức thời của một ước muốn và một số tiền đầu tư “một cục” khổng lồ. Thực ra, nhiều người thậm chí còn hoài nghi về khả năng liệu Trung Quốc có thể thực sự xây dựng được một đại học đẳng cấp quốc tế hay không, bởi vì những khuôn mẫu được công nhận rộng rãi về đại học đẳng cấp thế giới như Oxford ở Anh hay Havard và Yale ở Hoa Kỳ đều đã phải trải qua hàng thế kỷ phát triển. Chẳng những thế, những trường này đều đã rất tiến triển trong một môi trường chính sách khác và hình thức khác của cơ cấu quản lý đại học.
Thực ra, môi trường chính sách Trung Quốc không có vấn đề gì nhiều đối với việc xây dựng tiêu chuẩn phân loại hoặc xếp hạng. Quá trình này có thể cần phải gắn với chủ trương của chính phủ trung ương về xác lập ưu tiên phát triển một số đại học hàng đầu và củng cố năng lực nghiên cứu của những trường này nhằm tạo ra tri thức mới và cải tiến công nghệ. Như đã nêu rõ trong Kế hoạch Hành động cho Đổi mới Giáo dục 2003-2007 của Bộ Giáo dục, mục đích của việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là nâng cao sức cạnh tranh của đất nước trong khoa học và giáo dục (Bộ Giáo dục 2004).
Dự án 985 được cả chính phủ trung ương và hệ thống giáo dục đại học hết sức quan tâm chú ý. Bắt đầu có sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong nước để được có tên trong bảng xếp hạng đẳng cấp thế giới. Để được tham gia vào dự án này, nhiều trường xây thêm cơ sở vật chất, tìm cách cải tiến điều kiện giảng dạy qua việc thành lập những phòng thí nghiệm hiện đại, tăng cường tuyển dụng giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, điều chỉnh chương trình giảng dạy, và nhiều hành động khác nữa. Một số trường thậm chí còn yêu cầu thêm sự hỗ trợ của địa phương, dưới hình thức đất đai hoặc nguồn tài chính để có thêm trang thiết bị.
Dù chỉ có một số ít những trường được coi là có tiềm năng đạt đến đẳng cấp quốc tế, mục tiêu phát triển những trường như thế và những nỗ lực thực hiện điều này đã cho công chúng thấy rõ sự quan tâm nghiêm túc của nhà nước trung ương. Sự năng động trong toàn cầu hóa kinh tế có nghĩa là nếu chúng ta không ở vị trí hàng đầu thì sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau; nhất là trong thế giới công nghệ cao, vấn đề “phân chia kỹ thuật số” không phải chuyện hư cấu mà là một thực tế. Vấn đề chảy máu chất xám mà Trung Quốc bắt đầu trải nghiệm từ những năm 90 chỉ là một nhân tố của vấn đề đẳng cấp thế giới, và mục tiêu xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế vẫn được coi là một mối quan tâm hàng đầu.
Dự án 211 và Dự án 985 đã thay thế sự phân biệt truyền thống về đại học trọng điểm và không trọng điểm ở Trung Quốc bằng một hệ thống mới. Dự án 211 bao gồm 99 trường trên tổng số 1.683 trường đại học và cao đẳng công lập ở Trung Quốc. Trong số đó, 34 trường được coi là đại học có định hướng nghiên cứu mạnh mẽ (highly research-oriented universities). Trong 34 trường này có 9 trường thuộc loại được xây dựng để trở thành đại học đẳng cấp quốc tế, với Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa là hai trường nằm ở đầu bảng.
TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA TIÊU Ở TRUNG QUỐC
Tại sao Trung Quốc lại khởi động nhiều chương trình hay dự án nhằm đầy mạnh việc phát triển các trường đại học hàng đầu đến thế? Điều này đã tác động như thế nào đối với hệ thống giáo dục đại học quốc gia? Để trả lời những câu hỏi ấy, cần phải trước hết nhìn lại những thay đổi trong cơ cấu kinh tế của quốc gia và sự thay đổi mô hình giáo dục đại học. Trong những năm cuối của thập kỷ 70, Trung Quốc bắt đầu chính sách mở cửa. Với chủ trương này, các nhà đầu tư nước ngoài được phép mở các doanh nghiệp và xí nghiệp ở Trung Quốc, dù rằng những khác biệt về ý thức hệ, về văn hóa và xã hội đã tạo ra nhiều sự ngần ngại hoặc thậm chí phản kháng cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Tạo ra một vùng phát triển kinh tế miễn thuế là một ý tưởng mới mẻ về đầu tư nước ngoài ở “Trung Quốc đỏ” trong buổi đầu cải cách kinh tế của Trung Quốc. Shenzhen là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc đã phát triển từ một thị trấn nhỏ trở thành một thành phố lớn trong vòng một thập kỷ. Đó là một sáng kiến được thực hiện thành công và đã cho thấy quyết tâm đổi mới của Trung Quốc.
Nhưng sự thay đổi chính sách nào cũng sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng khác nhau. Khi Mac Donald mở nhà hàng đầu tiên ở Bắc Kinh, họ không chỉ đưa ra những món ngoại lai lạ lùng, mà còn giới thiệu với người Trung Quốc một cách thức phục vụ và cách sống khác. Người ta bắt đầu tự hỏi làm thế nào thứ thức ăn ấy có thể phổ biến đến như thế trên toàn thế giới và nhận ra rằng chiến lược kinh doanh phối hợp với tâm lý văn hóa có thể làm tăng sức cạnh tranh, điều mà công nghiệp phục vụ ăn uống Trung Quốc và việc kinh doanh nói chung ở Trung Quốc cần phải đạt được.
Khi ngày càng nhiều công ty nước ngoài mở chi nhánh ở Trung Quốc và đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu về nhân tài và tri thức cùng với sự theo đuổi lợi nhuận đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hệ thống sản sinh tri thức cũ và những giá trị về năng suất và sự giàu có. Đặc biệt nhất là hiện tượng những người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi, thắt cà vạt và đi giày cao gót làm việc cho những công ty đa quốc gia hay những doanh nghiệp nước ngoài được trả lương cao, những hình ảnh này không chỉ biểu hiện thu nhập và địa vị cao của họ mà còn nói lên một ý thức khác về sự năng động xã hội và biểu hiện nhiều thay đổi khác trong xã hội.
Không còn nghi ngờ gì nữa về việc chính sách mở cửa ở Trung Quốc đã kích thích sự phát triển kinh tế của quốc gia cũng như cải cách hệ thống giáo dục. Chẳng hạn, để gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong những năm cuối thập kỷ 80 và 90, nhiều xí nghiệp quốc doanh đã cố gắng xây dựng những chương trình hợp tác về cải tiến kỹ thuật và nhiều đơn vị đã nhập khẩu công nghệ của nước ngoài. Do thiếu kiến thức trong việc vận hành máy móc thiết bị, nhiều dây chuyền công nghệ đã bị xếp xó. Lúc đó việc tăng thêm nhiều xí nghiệp liên doanh cũng đã tạo ra nhu cầu to lớn về nhân lực chất lượng cao và có kỹ năng. Hàng ngàn học sinh cạnh tranh nhau một chỗ ngồi trong trường đại học. Những nhân tố ấy là động lực nội tại. Ảnh hưởng của công nghệ thông tin, tốc độ của việc tăng trưởng tri thức, và nhu cầu hợp tác quốc tế là những lực lượng ngoại tại đàng sau những thay đổi về giáo dục đại học của Trung Quốc.
Trong bối cảnh ấy, giáo dục đại học Trung Quốc chịu áp lực nặng nề phải đáp ứng nhu cầu cải cách kinh tế của đất nước trong việc phát triển nguồn nhân lực, tạo ra những phát kiến mới trong khoa học, tạo ra những sản phẩm tri thức, cải tiến công nghệ, và áp dụng những tri thức mới vào việc sản xuất. Các nghiên cứu cho thấy trong 25 năm qua, giáo dục đại học Trung Quốc đã trải qua hàng loạt cải cách nghiêm túc có thể xem là những đáp ứng tích cực đối với nhu cầu kinh tế của đất nước (Min 2004; Ma 2003).
Cải cách quan trọng nhất trong số đó là việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học. Năm 1978, Trung Quốc có 405 cơ sở đào tạo đại học, đến 1995 đã có hơn 1300 trường đại học và cao đẳng công lập. Theo sau việc mở rộng là đa dạng hóa hệ thống và cho phép phát triển các trường đại học tư. Đến năm 2004 đã có 1.405 trường được gọi là trường tư, trong đó trường tư đầu tiên được thành lập năm 1983 tại Bắc Kinh. Cùng lúc đó, xây dựng các trường đại học tổng hợp bằng cách sáp nhập các trường cũng là một phương thức tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc. Những lý lẽ biện minh cho việc sáp nhập này đã được thảo luận rộng rãi. Một trong những mục đích quan trọng của việc sáp nhập này là tạo ra một môi trường nghiên cứu xuyên ngành cho việc phát triển tri thức, cũng như giúp các trường đại học xây dựng năng lực đào tạo chất lượng cao. Giáo dục đại học Trung Quốc đã trải qua bước tăng trưởng khổng lồ về số lượng sinh viên nhập học. Năm 1999, nhà nước trung ương đưa ra chủ trương tăng số sinh viên thêm 30%. Năm năm sau, tỉ lệ sinh viên nhập học trên số người trong độ tuổi là 18%, với 12 triệu sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng. Thông qua những cải cách này, vai trò và sứ mệnh của các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã thay đổi. Những trường này không còn chỉ đơn thuần là nơi giảng dạy nữa. Cùng với hoạt động đào tạo họ đã đưa việc nghiên cứu và phục vụ cộng đồng thành mục tiêu cuối cùng của phát triển (Ma 2003).
CÔNG NGHIỆP HÓA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU THÔNG QUA CÁC DOANH NGHIỆP ĐẠI HỌC
Trước vai trò và sứ mệnh mới của trường đại học, người ta mong đợi các trường đại học dẫn đầu ở Trung Quốc không chỉ đem lại nhiều cơ hội học tập sau đại học hơn và cấp nhiều bằng thạc sĩ tiến sĩ hơn, mà còn sản sinh ra những khám phá và tri thức mới cũng như tạo ra những cải tiến trong khoa học công nghệ để nâng cao trình độ công nghiệp của đất nước. Người ta nhận ra rằng trong kỷ nguyên chuyển đổi kinh tế và xã hội, tri thức và việc xây dựng nguồn vốn con người phải được coi là nhân tố cốt lõi của việc phát triển; và nơi thực hiện tốt nhất hai nhiệm vụ quan trọng ấy là nhà trường. Bởi vậy, trong lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Bắc Kinh năm 1998, Chen Jia’er, hiệu trưởng Trường Đại học Bắc Kinh, lần đầu tiên dùng từ “động cơ” (engine) để chỉ vai trò của các trường đại học trong công cuộc cải cách kinh tế xã hội. Theo truyền thống việc nghiên cứu không được coi trọng tại các trường đại học Trung Quốc vì hệ thống nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã trở thành độc lập với các trường đại học từ khi thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 1952. Các trường đại học Trung Quốc đã từng được coi là những đơn vị chủ yếu để giảng dạy; chỉ rất ít chương trình nghiên cứu cơ bản có trong các trường trọng điểm.
Năm 1986, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đầu tiên được xây dựng tại Đại học Bắc Kinh. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của các đại học nghiên cứu cùng với khoản tài trợ nghiên cứu và phát triển cho các phòng thí nghiệm được nhà nước trung ương hỗ trợ và đặt tại các trường đại học, và việc các nghiên cứu của trường đại học được xem như một bộ phận của hệ thống nghiên cứu khoa học cơ bản của quốc gia. Ý tưởng thành lập các phòng nghiên cứu trọng điểm của quốc gia và đặt tại các trường đại học thực ra là từ khuôn mẫu của các trường đại học nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, chủ trương tài trợ của nhà nước Liên bang Hoa Kỳ đối với việc nghiên cứu của các trường đại học đã ảnh hưởng mạnh đến việc cải cách hệ thống nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc. Ví dụ phổ biến nhất là Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos tại hệ thống đại học California. Trong lúc các phòng thí nghiệm quốc gia tại các trường đại học Trung Quốc hầu hết dựa trên cơ sở chuyên ngành nhằm mục đích tạo ra các trung tâm chất lượng cao trong từng lĩnh vực, sự thành lập của những phòng thí nghiệm ấy biểu hiện niềm hy vọng các trường đại học Trung Quốc rồi đây sẽ có được những phòng nghiên cứu giống như những phòng nghiên cứu mà Đại học California đang có.
Dựa trên những thông tin của Mạng lưới Nghiên cứu và Giáo dục Trung Quốc, đến năm 2002 đã có 91 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại các trường đại học hàng đầu. Hiện nay chỉ riêng Đại học Bắc Kinh đã có 13 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia như thế, những công trình nghiên cứu tại đó gắn chặt với những vấn đề khẩn thiết nhất của quốc gia trong việc phát triển. Năm 1986, một dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước rất nổi tiếng do bốn nhà khoa học danh tiếng đứng đầu, được gọi là Kế hoạch 863. Kế hoạch này dự định theo đuổi những nghiên cứu sâu trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật tự động, năng lượng, vật liệu mới và công nghệ sinh học bằng nguồn quỹ nghiên cứu và phát triển của quốc gia. Để quản lý nguồn ngân sách này, Quỹ Khoa học Quốc gia được thành lập năm 1985 như một tổ chức bảo trợ cho các nghiên cứu trong khoa học và công nghệ, cả trong các trường đại học lẫn các Viện Hàn lâm khoa học.
Sự thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong các trường đại học đã làm tăng đáng kể năng lực nghiên cứu của các trường. Thống kê (Zang 2003) cho thấy trong năm 1998-1999, 9 trường đại học hàng đầu đã đào tạo được 2.465 tiến sĩ, 5.891 báo cáo khoa học được liệt kê trong Danh mục Trích dẫn Khoa học SCI vào năm 2000, và trong năm 2002, 9 trường đại học này đã có 295 chuyên ngành nghiên cứu trọng yếu. Cũng trong năm này các nghiên cứu do trường đại học thực hiện giành được 78% số giải thưởng quốc gia về phát minh khoa học, 49% giải thưởng quốc gia về cải tiến công nghệ. Trong số 6118 bằng phát minh sáng chế, 32,4% thuộc về các giáo sư của 9 trường đại học này (Zhao 2003).
Trong thập kỷ 80, công nghiệp Trung Quốc có rất ít nguồn lực và năng lực hấp thụ những phát minh mới. Bằng cách nào đưa các kết quả phát minh và nghiên cứu trong các trường đại học vào sản xuất là mối quan tâm lớn của nhà nước trung ương và các trường. Tuy vậy lương thấp và thiếu hụt nguồn tài chính gây khó khăn cho cán bộ khoa học ở các trường trong việc theo đuổi nghiên cứu. Thay vì đưa các phát minh khoa học vào công nghiệp, một số giảng viên quyết định tự mình trực tiếp đưa các phát minh này vào việc sản xuất. Tại Đại học Bắc Kinh, Nhóm Sáng lập do Wang Xuan và các đồng sự đã bắt đầu tại khoa Khoa học Máy tính. Với vốn đầu tư của nhà trường, năm 1986 họ thành lập một doanh nghiệp sản xuất các máy vi tính có thể gõ được ký tự tiếng Hoa bằng cách phối hợp kết quả nghiên cứu giữa các nhà toán học, vật lý học, ngôn ngữ học, và các nhà khoa học máy tính. Trong vòng hai năm, sản phẩm của doanh nghiệp này đã thành công trong việc thâm nhập thị trường với tư cách một sản phẩm kỹ thuật cao. Doanh nghiệp này đã thành lập một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, một trung tâm nghiên cứu kỹ thuật, một bộ phận phụ trách chương trình đào tạo và tiếp thị, và một trung tâm dịch vụ bảo hành. Việc kinh doanh đã được mở rộng đến Đông Nam Á, Bắc Mỹ, và châu Âu. Tiếp theo thành công của Wang, nhiều giảng viên ở các khoa khác của Đại học Bắc Kinh cũng thành lập các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, phần mềm máy tính, và công nghiệp dịch vụ. Đến năm 2005, Đại học Bắc Kinh đã có 10 doanh nghiệp lớn.
Đại học Thanh Hoa cũng bắt đầu thành lập các doanh nghiệp công nghệ cao do nhà trường điều hành từ thập kỷ 80. Nổi tiếng nhất trong số đó là Tập đoàn Thanh Hoa Unisplendor và Công ty TNHH Thanh Hoa Tonfang. Cũng tương tự như Đại học Bắc Kinh, với một số nguồn vốn ban đầu của nhà trường, một vài giảng viên trong khoa Khoa học Máy tính đã đứng ra thành lập các công ty sau này đạt kết quả rất tốt. Từ 1993 đến 1998, sản lượng và lợi nhuận của Tập đoàn Thanh Hoa Unisplendor đã tăng trưởng 290% và Công ty TNHH Thanh Hoa Tonfang là 230%.
Tại sao có nhiều doanh nghiệp do nhà trường điều hành như thế ở Trung Quốc và các doanh nghiệp ấy hoạt động như thế nào? Thực ra, điều hành các doanh nghiệp hay xí nghiệp sản xuất không phải là điều gì mới đối với các trường đại học Trung Quốc. Những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60, các trường đại học và cao đẳng được yêu cầu thành lập những xí nghiệp nhằm phục vụ việc đào tạo và thực tập của sinh viên. Hầu hết những xí nghiệp này đã đóng cửa trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), nhưng truyền thống này vẫn còn đó. Cuối thập kỷ 80, việc các giảng viên sử dụng trang thiết bị và nguồn quỹ nghiên cứu của nhà trường để mở các xí nghiệp nhỏ trở thành phổ biến, nhằm tìm thêm nguồn tiền cho nghiên cứu thông qua việc đưa các phát minh vào sản xuất trực tiếp và tìm thêm thu nhập bổ sung cho lương bổng của họ.
Lúc đó, mục đích của những công ty như vậy được xác định dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Các trường cũng được phép sử dụng tiền lãi do các xí nghiệp này tạo ra cho mục tiêu phát triển nhà trường. Điều này được nêu rõ trong một công văn liên bộ giữa Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính. Trong những năm 90, nhà nước trung ương đã nhận ra rằng thành lập các xí nghiệp trực thuộc nhà trường là cách hiệu quả nhất để chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Để khuyến khích phát triển những doanh nghiệp này, nhà nước đã ban hành chính sách giảm một phần thuế đối với những doanh nghiệp trực thuộc trường đại học.
Sau hai mươi năm hoạt động thực tế với chủ trương hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp thuộc trường đại học của Trung Quốc không những giúp đưa các phát minh vào sản xuất hàng hóa cho thị trường mà còn giữ một vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ kỹ thuật cao của Trung Quốc. Lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp này đã và đang được giữ ở mức tăng trưởng với nhịp độ khoảng 30%. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp này đã phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy bằng cách đem lại cho sinh viên nhiều cơ hội thực tập. Thống kê cho thấy năm 1997, khoảng 520.000 sinh viên đã thực hiện công trình nghiên cứu của họ trong các doanh nghiệp trực thuộc trường, trong số đó 1.419 sinh viên đã đạt học vị tiến sĩ và 2.817 đạt thạc sĩ (Ma 2004).
Năm 2001, Bộ Giáo dục tiến hành một dự án nhằm đánh giá đầy đủ hiệu quả và ảnh hưởng của các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học. Bản báo cáo dựa trên cuộc nghiên cứu này đã cho thấy 575 trường đại học bình thường ở Trung Quốc đã sở hữu 5.039 doanh nghiệp, trong đó có 993 doanh nghiệp công nghệ cao (40% tổng số doanh nghiệp trực thuộc trường đại học). Trong số 5.039 doanh nghiệp, có 4.059 là được xây dựng bằng nguồn tài chính độc lập của nhà trường, 718 là liên kết giữa trường đại học và nhà nước, 94 là liên kết giữa các công ty nước ngoài và trường đại học Trung Quốc (Bộ Giáo dục 2001). Tổng thu nhập của 5.039 doanh nghiệp này là 60.748 tỷ nhân dân tệ (7,5 tỷ USD), trong đó 74,45% là từ các doanh nghiệp công nghệ cao. Điều này cho thấy mặc dù số lượng các doanh nghiệp công nghệ cao không nhiều nhưng họ đã tạo ra tổng thu nhập lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc lĩnh vực khác.
Bản báo cáo nêu rõ từ năm 2001, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt 4.851 tỷ nhân dân tệ (600 triệu USD). Khoản hoàn vốn lại cho trường đại học vào khoảng 1.842 tỷ nhân dân tệ (230 triệu USD) bao gồm lương và quản lý phí trả cho các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên của nhà trường. Từ những con số này có thể thấy các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học nhất là ở những trường hàng đầu đã trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc gia qua việc đẩy mạnh đưa kết quả nghiên cứu vào thị trường, rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng và đem lại ít nhiều lợi nhuận cho nhà trường.
Tuy vậy không phải tất cả các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học ở Trung Quốc đều thành công và tạo ra lợi nhuận. Một số doanh nghiệp trở thành gánh nặng cho nhà trường và một số khác thậm chí trên bờ vực phá sản. Ngay cả những doanh nghiệp nhìn bên ngoài rất thành công như Tập đoàn Sáng lập của Đại học Bắc Kinh hay Tập đoàn Unispendor của Đại học Thanh Hoa và Công ty Tongfang cũng có lúc có vấn đề với việc quản lý nội bộ, tái đầu tư, và giải quyết quan hệ của họ với trường chủ quản. Vì quản lý một trường đại học không giống như quản lý một doanh nghiệp, người ta không thể mong đợi một ông hiệu trưởng giỏi cũng đồng thời là một cán bộ quản lý điều hành doanh nghiệp giỏi- công việc này ngày càng khó hơn vì điều hành một doanh nghiệp trực thuộc đại học mỗi lúc một thêm phức tạp khi việc kinh doanh mở rộng và nền kinh tế thị trường Trung Quốc thì rất đa dạng trong việc đáp ứng với công nghệ thông tin và cạnh tranh quốc tế.
GẮN BÓ VỚI CÔNG NGHIỆP VÀ KINH TẾ TRONG VÙNG
Thông qua hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học, nhiều kết quả nghiên cứu của các trường đã được đưa vào sản xuất thành công. Tuy vậy, các doanh nghiệp trực thuộc đại học không đủ khả năng hấp thụ hết tất cả các phát minh và cải tiến công nghệ. Để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết về đẩy mạnh chuyển giao tri thức và công nghệ trong thập kỷ 90, một chiến lược mới được áp dụng tại các trường nhằm phát triển mối liên kết với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi trường đặt cơ sở.
Trong những năm 90, nhà nước trung ương và công chúng nói chung tập trung chú ý vào vai trò của trường đại học như cội nguồn cơ bản của tri thức, kỹ năng và ý tưởng mới để đưa kinh tế Trung Quốc đi lên. Đã có những kêu gọi nhằm tạo ra mối tương tác tốt hơn giữa các trường đại học và công nghiệp sản xuất, cũng như kết hợp các nghiên cứu của trường đại học với những hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, ngày 19-3-1998, trong buổi họp báo về Kỳ họp Thứ nhất Đại hội 9, thủ tướng Zhu Rongji đã nhấn mạnh việc trẻ hóa Trung Quốc qua khoa học và giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng mà nhà nước phải thực hiện. Ông cũng thông báo về việc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật và Giáo dục Quốc gia sẽ được chính phủ thành lập để đẩy mạnh liên kết giữa hai bộ phận này.
Ngày 4 tháng 5 năm đó, tại lễ Kỷ niệm 100 năm Đại học Bắc Kinh, Chủ tịch Jiang Zemin tuyên bố chủ trương xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và giáo dục trong việc phát triển kinh tế quốc gia và áp lực cải tiến công nghệ, đào tạo nhân tài đang đặt ra cho tiến trình kinh tế xã hội trong một thời đại mà đặc điểm là kinh tế toàn cầu dựa trên tri thức.
Các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã bắt đầu liên kết khoa học và giáo dục, gắn tri thức với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Những trường đại học như Thanh Hoa và Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc hợp tác cải tiến công nghệ và chuyển giao tri thức. Năm 1977, 1.020 trường đại học và cao đẳng đã sử dụng 7,05 tỷ nhân dân tệ (0,87 tỷ USD) cho việc nghiên cứu (Zhang 1998). Trong số tiền này 75% là từ các doanh nghiệp. Cùng năm đó, các trường đại học và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã cùng tổ chức 2.000 đơn vị kinh tế và viện nghiên cứu phát triển. Tính đến năm đó, 50.000 kết quả nghiên cứu và cải tiến đã được chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp. Các trường đại học đã ký 4.514 hợp đồng với các doanh nghiệp và nhận được 618 triệu nhân dân tệ (75 triệu USD) tiền thanh toán cho các hợp đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, các trường đại học hàng đầu có những hình thức hợp tác khác nhau đối với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Mô hình này có thể tóm tắt như sau:
Một là, các trường đại học và doanh nghiệp cùng vận dụng nguồn quỹ nghiên cứu và phát triển (R&D) quốc gia để thực hiện những công trình nghiên cứu quan yếu. Trong trường hợp này, các phát minh và sáng kiến cải tiến công nghệ đi trực tiếp đến doanh nghiệp đối tác. Hai là, trường đại học phổ biến các kết quả nghiên cứu bằng cách thành lập những trung tâm chuyên ngành mở rộng trong trường. Những trung tâm này sẽ được các tổ chức chính phủ liên quan chấp thuận cho thành lập và giám sát. Theo nghiên cứu của Zhang, đến năm 1996 đã có 30 trung tâm như thế ở trong nước trong đó có 30 trung tâm đặt tại các trường đại học. Ba là, các doanh nghiệp cùng với các trường đại học liên kết thành lập những trung tâm nghiên cứu trong trường. Trong mô hình này chính các doanh nghiệp sẽ cung cấp kinh phí nghiên cứu và trường đại học sẽ cung cấp cơ sở, trang thiết bị. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường này rất phổ biến vì cái mà các doanh nghiệp cần nhất là các phát minh sáng chế và cái mà nhà trường cần là tiền. Bốn là, để đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển địa phương, một số chính quyền đặc khu hay tỉnh tạo ra các quỹ R&D cho các trường đại học. Trong trường hợp này, trường đại học đưa ra các chương trình nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của địa phương, và chính quyền địa phương thì cung cấp kinh phí thực hiện. Năm là, trường đại học mời các doanh nghiệp tham gia việc quản lý nghiên cứu khoa học của trường, nhờ đó nhà trường nắm rõ hơn những nhu cầu của các doanh nghiệp liên quan đến công tác nghiên cứu. Sáu là, nhà nước địa phương tổ chức những cuộc triển lãm thương mại và hội chợ cải tiến công nghệ để giới thiệu kết quả nghiên cứu của các trường và giúp các trường tìm những đối tác địa phương có thể ký hợp đồng sử dụng những kết quả nghiên cứu ấy (Ma 2004).
Những mối liên kết với doanh nghiệp và địa phương tạo điều kiện cho việc nghiên cứu của các trường trở thành tập trung hơn và thiết thực hơn đối với nhu cầu của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 1999, Đại học Bắc Kinh lần đầu tiên thành lập Viện Nghiên cứu Hong Kong- Shenzen với chính quyền Shenzen và Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hong Kong. Trọng tâm chủ yếu của viện này là tiến hành các nghiên cứu trong những lãnh vực như công nghệ thông tin, nghiên cứu môi trường biển, kỹ thuật cấy ghép gen. Từ đó đến nay Đại học Bắc Kinh đã ký hợp đồng về nghiên cứu khoa học và giáo dục với chính quyền 8 tỉnh và vùng tự trị. Để hợp tác tốt hơn trong các hoạt động liên kết nghiên cứu và đào tạo này, Đại học Bắc Kinh đã mở một văn phòng chuyên trách việc chuyển giao công nghệ, sản xuất và học tập. Tương tự, tính đến năm 1998, Đại học Thanh Hoa cũng đã xây dựng quan hệ đối tác với 98 doanh nghiệp quốc tế và quốc gia rất nổi tiếng. Để điều hành những hoạt động này, Đại học Thanh Hoa thành lập một ủy ban đặc biệt phụ trách về việc hợp tác giữa trường đại học và các doanh nghiệp. Các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp và địa phương này thành công như thế nào vẫn còn là điều chưa thật rõ và cần được nghiên cứu sâu hơn.
VIỆC NGHIÊN CỨU Ở CÁC TRƯỜNG VÀ CÁC CÔNG VIÊN KHOA HỌC Ở ĐẠI HỌC
Sự tăng trưởng kinh tế củaTrung Quốc trong 25 năm qua có được là nhờ công nghiệp thủ công và nông nghiệp tạo ra. Chủ yếu dựa vào nguyên liệu thô để xuất khẩu thành ra một vấn nạn do nguồn tài nguyên tự nhiên của quốc gia chỉ có mức độ giới hạn. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới tại Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc năm 2000, sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc chỉ chiếm 0,4% giá trị xuất khẩu năm 1985 và đến năm 2000 là 6%. Theo quan điểm phát triển, tỉ lệ tăng trưởng này có thể coi là tốt, tuy vậy, so sánh với Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác, Trung Quốc còn tụt hậu rất xa và còn một con đường rất dài trước mặt phải vượt qua. Năm 1977, một dự án mới gọi là Kế hoạch 973 được Bộ Khoa học Công nghệ khởi xướng nhằm tập trung vào nghiên cứu cơ bản trong khoa học vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, và một số lĩnh vực khác. Giáo sư của các trường đại học hàng đầu được mời làm việc cùng với các khoa học gia của Viện Hàn lâm Khoa học với dự định tạo ra một nỗ lực liên kết nhằm giải quyết những vấn đề khoa học khẩn thiết nhất.
Để xây dựng quan hệ liên kết trong nghiên cứu giữa các trường đại học và Viện Hàn lâm Khoa học, đã có những cải cách về phía Viện Hàn lâm được thực hiện. Một số viện nghiên cứu cơ bản được chuyển giao cho các trường đại học có chuyên ngành liên quan. Một dấu hiệu cho thấy nhà nước tiếp tục quan tâm đẩy mạnh các đại học nghiên cứu và sự liên kết giữa Viện Hàn lâm với các trường đại học là hầu hết hiệu trưởng của các trường đại học hàng đầu đều là viện sĩ của Viện Hàn lâm hoặc do Viện Hàn lâm đề cử. Xu Zhihong, hiệu trưởng đương nhiệm của Đại học Bắc Kinh, là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và vẫn giữ chức Phó Chủ tịch viện này.
Để kết hợp nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học với việc ứng dụng những tri thức mới, năm 1999 nhà nước Trung Quốc công bố một quyết định đặc biệt nhằm xây dựng nhiều hơn những công viên khoa học và công nghệ ở các trường đại học, một ý tưởng vay mượn của Hoa Kỳ. Sự thành công của Thung lũng Silicone với các doanh nghiệp công nghệ cao đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc, và kết quả trực tiếp là việc thành lập Công viên khoa học Zhongguancun ở Bắc Kinh, đặt ở gần Viện Hàn lâm Khoa học, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
Quy định về Công viên Khoa học Zhonguancun áp dụng từ ngày 8-12-2000 tại Kỳ họp 23 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Lần thứ11 thành phố Bắc Kinh nêu rõ công viên khoa học là một vùng thử nghiệm cho các cải cách tổng hợp nhằm thúc đẩy các chiến lược phát triển của quốc gia thông qua khoa học, giáo dục và kinh tế thị trường. Công viên này được xem như một mô hình quốc gia về cải tiến khoa học và công nghệ và là nền tảng nuôi dưỡng cũng như phổ biến những thành tựu khoa học và công nghệ, đưa vào sản xuất những sáng kiến mới trong công nghệ cao và đào luyện các tài năng. Quy định này cũng khẳng định rằng trong công viên này các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu có thể hợp tác xây dựng các doanh nghiệp và tổ chức gắn với việc cải tiến công nghệ hoặc liên kết thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan đến những dự án cải tiến công nghệ.
Zhonguancun được gắn nhãn là Thung lũng Silicone của Trung Quốc. Đến năm 2001, đã có gần 10.000 doanh nghiệp công nghệ cao trong công viên này. Những doanh nghiệp này tạo ra tổng thu nhập 201,42 tỷ nhân dân tệ (25 tỷ USD) qua chuyển giao công nghệ, hoạt động công nghiệp và dịch vụ, với giá trị gia tăng là 45,57 tỷ nhân dân tệ (5,63 tỷ USD). Tổng số thuế doanh thu nộp cho nhà nước là 8,94 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) (Liu 2002). Những con số ấy đã cho thấy rõ viễn cảnh về hoạt động của công viên khoa học này.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau về sự phát triển của Zhonguancun, rõ ràng là nó đã phục vụ như một mô hình kiểu mẫu cho các công viên khoa học khác ở Trung Quốc. Các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc bắt đầu xây dựng những công viên khoa học như một nơi nuôi dưỡng nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ và chuyển giao tri thức. Năm 1990, công viên khoa học thuộc trường đại học đầu tiên được thành lập tại Đại học Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh, sau đó là các công viên khoa học tại Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Bách khoa, Đại học Giao thông Xi’an. Năm 2000, nhà nước Trung Quốc ra quyết định khẳng định sự đóng góp của các công viên khoa học thuộc các trường đại học trong sự phát triển kinh tế quốc gia và đưa các công viên này vào hệ thống nghiên cứu khoa học của quốc gia. Cùng năm đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Giáo dục đã cùng quyết định sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều công viên khoa học đại học như vậy.
Theo những thông tin trên trang web Việc Chuyển giao Công nghệ của Các trường Đại học Trung Quốc, đến năm 2004 đã có 44 công viên khoa học đại học với sự tham gia của 104 trường đại học. Đến tháng 10 năm 2002, các công viên khoa học đại học với 5.500 doanh nghiệp và 1.200 viện nghiên cứu đã thu hút 29,7 tỷ nhân dân tệ (3,4 tỷ USD) đầu tư. Trong các công viên, 920 doanh nghiệp đã được đầu tư đặc biệt, trong số đó 29 doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán, 4.116 sản phẩm mới đã được sáng chế phát minh. Gần đây đã có 1.300 doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu hoạt động trong các công viên khoa học đại học và 2300 doanh nghiệp khác đang chuẩn bị khởi động. Cho đến nay các công viên khoa học đại học đã tạo ra trên 100.000 chỗ làm mới.
Những con số này tạo ra một ấn tượng về những gì các công viên khoa học đại học đã đạt được. Nhưng vì các công viên này là một hiện tượng tương đối mới ở các trường đại học Trung Quốc và các công viên khác vẫn đang trong quá trình phát triển, khó lòng có thể đánh giá là nó đã hoàn toàn thành công. Vả lại, một báo cáo chính thức sẽ có xu hướng chỉ trình bày những trường hợp thành công và những gì đã đạt được. Thực ra, trong giai đoạn phát triển này, các trường đại học có thể phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, và những điều này cần được nghiên cứu sâu hơn nữa.
CHIẾN LƯỢC TUYỂN CHỌN VÀ GIỮ CHÂN GIẢNG VIÊN
Phần này trình bày những chủ trương và chiến lược của các trường đại học dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tất nhiên họ có nhu cầu khẩn thiết về các nhà khoa học và giáo sư có trình độ cao để thực hiện các hoạt động. Như đã nêu ở phần trên, từ những năm cuối của thập kỷ 80, các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã phải chịu đựng “làn sóng đi học nước ngoài” vì giảng viên trẻ và sinh viên tại các trường này dễ dàng nhận được học bổng và hỗ trợ tài chính ngoài nước. Chẳng hạn trong thập kỷ 90, Đại học Bắc Kinh đã được miêu tả là “trường dự bị” để du học vì một phần ba sinh viên tốt nghiệp trường này đã đi học tại Hoa Kỳ hoặc tại các nước phát triển khác. Sau khi tốt nghiệp các trường ở nước ngoài, những sinh viên này- nhất là trong các chuyên ngành khoa học kỹ thuật- càng có khả năng tìm chỗ làm tại quốc gia mà họ lấy được tấm bằng cao nhất hơn là trở về Trung Quốc. Từ 1978 đến 2004, đã có tổng số 815.000 sinh viên Trung Quốc đi du học, nhưng chỉ có 198.000 người trở về, nghĩa là tỷ lệ chỉ một phần tư.
Để tuyển chọn và giữ chân được những giảng viên giỏi, năm 1992 đã có một chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ sinh viên du học, khuyến khích họ trở về và bảo đảm tự do cho những người lại muốn rời bỏ đất nước một lần nữa. Năm 1993, Bộ Giáo dục xây dựng một Dự án được gọi là Kế hoạch Nhân tài Xuyên Thế kỷ. Dự án này nhằm vào việc giữ chân các giảng viên trẻ có tài đang lăm le rời bỏ nhà trường để nhận những việc khác có thu nhập cao hơn trong các thành phần kinh tế. Những giảng viên được lựa chọn trong kế hoạch này sẽ được nhận một khoản hỗ trợ đặc biệt của nhà nước và được đề bạt học vị giáo sư. Những sinh viên du học cũng được ưu đãi như vậy nếu họ trở về, nhưng tỷ lệ trở về vẫn thấp. Trong khi có nhiều lý do cho việc giảng viên và sinh viên chọn con đường ở lại nước ngoài, quan trọng hơn cả là những lý do như: không chắc chắn về tính ổn định chính trị của đất nước, thiếu kiến thức về cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai, sự thay đổi lối sống sau nhiều năm sống ở nước ngoài, và lo lắng về việc học vấn của con cái.
Trong những năm cuối thập kỷ 90, các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về việc tuyển chọn và giữ chân giảng viên. Sự thiếu hụt các nhà khoa học và giáo sư trình độ cao tạo ra tình trạng quá tải cho giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu. Những trường hợp giảng viên làm việc quá sức và chết trên đỉnh sự nghiệp khoa học của họ đã lôi cuốn sự chú ý của công chúng cũng như của các nhà quản lý đại học và hoạch định chính sách. Từ đó người ta nhận ra rằng phải cấp tốc thay đổi điều kiện kinh tế cũng như địa vị xã hội của các giảng viên nói chung thay vì chỉ chú ý cải thiện điều kiện sống cho một thiểu số xuất sắc. Do đó với sự giúp đỡ của Dự án 985, các trường đại học hàng đầu đã có thể dùng một phần nguồn tài chính này để tăng lương cho giảng viên.
Cùng với Dự án 985, Kế hoạch Tặng thưởng Học giả Changjiang đã được đưa ra năm 1998. Các giáo sư được chọn trong chương trình này sẽ được nhận 100.000 nhân dân tệ (12.500 USD) tiền thưởng mỗi năm cùng với ngân sách cấp cho việc nghiên cứu của họ. Kế hoạch này nhằm vào các giáo sư đã được đào tạo ở nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Chẳng hạn, tính đến năm 2005 Đại học Bách khoa Trung Quốc đã mời được 14 học giả Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học về làm việc trong 3 năm với sự hỗ trợ tài chính của kế hoạch này. Tương tự như vậy, năm 2003 có 57 học giả Changjiang tại Đại học Bắc Kinh- tất cả là trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Từ năm 2004 khoa học xã hội và nhân văn cũng được tính trong kế hoạch này, tuy vậy chỉ có một số ít giáo sư được chọn, chẳng hạn, chỉ hai người thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Đại học Bắc Kinh.
Chương trình này có tính chất chọn lọc và chỉ những học giả vững vàng và các giáo sư có uy tín là có khả năng được mời. Nó cho thấy chính phủ Trung Quốc quyết tâm đưa các nhà khoa học giỏi nhất ở nước ngoài về để làm công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh kế hoạch này, có nhiều chương trình khác khuyến khích các nhà khoa học Trung Quốc ở nước ngoài tham gia giảng dạy hoặc thực hiện các công trình nghiên cứu tại những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Một trong những chương trình này là Kế hoạch Chunhui, cũng bắt đầu từ cuối thập kỷ 90, dành cho những nhà khoa học Trung Quốc không chọn con đường trở về hẳn nhưng có thể tham gia như giảng viên thỉnh giảng trong các kỳ nghỉ hè hay nghỉ phép hoặc thực hiện các nghiên cứu độc lập hay hợp tác với những đồng nghiệp khác trong các trường đại học Trung Quốc. Học giả Changjiang cũng được tạo điều kiện linh hoạt và tự do đi qua đi lại trong mối quan hệ với công việc của họ tại nước ngoài để tăng thêm sự gắn bó của họ với những kiến thức tối tân nhất trong các nước phát triển.
Thêm vào những nỗ lực mời các học giả Trung Quốc trở về, có những chương trình khác cho những nhà khoa học nước ngoài thực hiện việc nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Những trường đại học này được phép mời các nhà khoa học hoặc chuyên gia đến dạy hoặc làm nghiên cứu với ngân sách của Văn phòng Quốc gia về Chuyên gia Nước ngoài. Chính sách này được thực hiện rất có hiệu quả đến mức tại Đại học Bắc Kinh mỗi năm có đến khoảng 600 học giả nước ngoài được mời đến để làm nghiên cứu hoặc giảng dạy trong trường.
Với tất cả những nỗ lực ấy, các giáo sư giỏi nhất tại những trường đại học hàng đầu đều có bằng cấp ở nước ngoài hoặc có kinh nghiệm được đào tạo tại nước ngoài, một số người đã trở thành các nhà khoa học được quốc tế công nhận. Nhưng xu hướng ấy cũng đặt ra những câu hỏi cơ bản về sự phát triển học thuật và trí thức của các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc. Liệu các trường đại học có mãi tập trung vào khoa học tự nhiên, hay là sẽ tìm kiếm sự phát triển quân bình giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội và nhân văn? Cho đến nay, tuyệt đại đa số các nhà khoa học được tuyển chọn đều là trong lãnh vực khoa học tự nhiên.
Lương giảng viên phân biệt theo những ưu tiên tổng quát và có tính chiến lược. Có những tham số chính về lương và thu nhập trong khoa học ứng dụng, trường nghề, các khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Giảng viên trong lĩnh vực khoa học nhân văn và khoa học xã hội có ít tài trợ nghiên cứu hơn, được trả lương thấp hơn, và cũng ít cơ hội được thăng tiến đề bạt hơn. Sự cách biệt này báo hiệu rằng các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc cần tạo sự quân bình tốt hơn trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, tuyển chọn nhiều hơn các nhà khoa học nổi tiếng thế giới cả trong lĩnh vực tự nhiên lẫn xã hội, cũng như đem lại cho các học giả trong lĩnh vực khoa học xã hội quyền lợi và cơ hội thăng tiến bình đẳng hơn. Thất bại trong việc giải quyết những vấn đề này sẽ làm tổn hại đến sự phát triển về lâu về dài của các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc.
BẮT KỊP THẾ GIỚI QUA GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU
Sau gần ba mươi năm cô lập với thế giới, từ thập kỷ 80, Trung Quốc đã đầu tư những nỗ lực lớn lao để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và trở thành một bộ phận của kinh tế thế giới. Dù những người bình thường có thể không chú ý lắm đến việc từ lúc bắt đầu cũng như trong suốt quá trình thương thảo lâu dài, ngay sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 11-2001, những mối quan ngại bắt đầu nảy sinh về việc tư cách thành viên WTO sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đất nước và cuộc sống của người dân. Nhà nước có nghĩa vụ như thế nào nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn mở trường đại học tại Trung Quốc? Ảnh hưởng đối với hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc sẽ như thế nào khi mà hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn nhiều cả về tài chính và kỹ thuật so với các đồng sự Trung Quốc? Các cuộc thảo luận tràn ngập đến nỗi vài nhà học giả thậm chí lên tiếng cảnh báo rằng “Bầy sói đang sắp sửa tràn vào!”.
Bầy sói không chỉ đang đến mà còn tham gia vào tiến trình này trong thực tế. Chỉ một năm sau khi gia nhập WTO, nhiều ngân hàng, siêu thị, công ty xây dựng, và nhiều loại doanh nghiệp nước ngoài khác đã mở chi nhánh tại Trung Quốc. Trong khi tìm kiếm lợi nhuận là bản chất của việc kinh doanh, vẫn có nhiều ảnh hưởng tích cực của đầu tư nước ngoài, như việc đem vào Trung Quốc công nghệ cao, nhiều cơ hội việc làm, và làm đa dạng thị trường hàng hóa nội địa. Trong giáo dục, đã có nhiều cuộc triển lãm do các sứ quán và các tổ chức hợp tác giáo dục quốc tế tổ chức ở nhiều nơi trong nước. Nhiều tổ chức trung gian được thành lập để giới thiệu du học và thu phí rất cao.
Cùng lúc đó, nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc cũng trở thành hấp dẫn đối với các cơ sở đào tạo đại học nước ngoài. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, đến cuối năm 2002 đã có 712 cơ sở đào tạo có liên quan đến nước ngoài tại Trung Quốc. Nhiều trường nước ngoài đang tìm cách phát triển những chương trình liên kết đào tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, mở các cơ sở phụ với các tổ chức liên quan ở Trung Quốc. Những bước phát triển này là kết quả trực tiếp của việc toàn cầu hóa nền kinh tế của Trung Quốc.
Thế nhưng toàn cầu hóa không có nghĩa là bình đẳng hóa. Các nước tham gia quá trình toàn cầu hóa không có cùng một nền tảng kinh tế, văn hóa và xã hội như nhau. Trong một thế giới ngày càng cạnh tranh thì những gì ta không có sẽ hạn chế rất lớn việc tham gia vào tiến trình. Giữa những gì ta có và không có, sẽ tồn tại sự mất quân bình trong phát triển. Gần đây có hai thuật ngữ rất thường được dùng trên các phương tiện truyền thông và ấn bản để diễn đạt thái độ và cảm nhận của người Trung Quốc đối với toàn cầu hóa trong kinh tế: jie-gui, nghĩa là “đứng cùng hàng ngũ” (to be in line with) hay “có mối liên hệ chặt chẽ”(to be connected with); và shuang-ying, nghĩa là “các bên cùng có lợi” (to be mutually beneficial) hay là “tạo ra một tình thế cả hai cùng thắng”(to create win-win situation). Tuy vậy, giữ cho cùng hàng ngũ với các nước khác trên thế giới và tạo ra tình thế cả hai cùng thắng mà không phải hy sinh sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một thử thách thực sự đối với các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, như đã được minh họa trong cuộc đàm phán thương mại gần đây với Liên minh Châu Âu và Hoa kỳ về các sản phẩm dệt may của Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, đã có thông báo đến năm 2005, các trường đại học sẽ phải giảng dạy 15% số môn trong chương trình đại học bằng tiếng Anh. Chính sách này không phải nhằm vào lợi ích tự thân của ngôn ngữ mà là để đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai, những người sẽ tư duy với quan điểm toàn cầu và có thể làm việc trong môi trường quốc tế mà không bị trở ngại với các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Đối với các trường đại học hàng đầu, quyết định này có ý nghĩa to lớn hơn nhiều so với việc chỉ dạy môn tiếng Anh. Phạm vi trách nhiệm sẽ bao gồm cả sáng tạo chương trình mới, cung cấp những tri thức tối tân cho sinh viên, xây dựng những chương trình hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu với các trường nước ngoài, phổ biến thông tin về những thành quả của cải cách kinh tế Trung Quốc thông qua trao đổi học giả, và đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa giáo dục ở Trung Quốc. Nói cách khác, người ta mong đợi các trường đại học hàng đầu xây một nhịp cầu để nối liền Trung Quốc với thế giới bằng tri thức trong nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa và truyền thông giao tiếp.
Đại học Bắc Kinh đã xây dựng một chương trình liên kết với Đại học California (UC) trong đó sinh viên của Đại học Bắc Kinh sẽ học cùng với sinh viên của UC trong khuôn viên của trường Đại học Bắc Kinh. Những chương trình khác chẳng hạn như Trung tâm Liên kết Đào tạo Bắc Kinh-Waseda và Trường Mùa hè Luân Đôn cũng đã bắt đầu hoạt động. Một số chương trình được tài trợ bằng những nguồn từ bên ngoài, một số khác thì sinh viên phải trả học phí. Đại học Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với hơn 200 trường đại học ở 49 quốc gia- 57 trường đại học ở Châu Á, 69 trường đại học ở Châu Âu, 46 trường đại học ở Hoa Kỳ, 4 trường đại học ở châu Phi và 8 trường đại học ở châu Đại dương. Bên cạnh quan hệ với các trường nước ngoài, Đại học Bắc Kinh còn xây dựng quan hệ liên kết với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp Quốc (UNESCO) để xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo. Tương tự như vậy, Đại học Thanh Hoa cũng đã xây dựng quan hệ nghiên cứu và giảng dạy với 150 trường đại học trên toàn thế giới. Thanh Hoa cũng đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với một số doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Thông qua những quan hệ và thỏa thuận hợp tác này, giảng viên được khuyến khích tham gia vào quá trình: giảng dạy, nói chuyện chuyên đề và tổ chức những hội thảo quốc tế.
Tất cả những chương trình và hoạt động này về bản chất là vượt qua phạm vi quốc gia. Những hoạt động vượt phạm vi quốc gia ấy có bốn hình thức: (1) mở rộng số lượng sinh viên nước ngoài và những chương trình trao đổi nghiên cứu; (2)gia tăng hoạt động trao đổi giảng viên và thăm viếng giao lưu với các trường nước ngoài; (3) thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển hoặc xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu với các trường đại học và doanh nghiệp nước ngoài; (4) làm việc với các tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề chung như bảo vệ môi trường và thiếu hụt nguồn năng lượng (Ma 2005).
Để hội nhập với thế giới trong giáo dục đại học, các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã tích cực tham gia những tổ chức quốc tế hoặc tổ chức vùng của các trường đại học. Trong thập kỷ qua, Đại học Bắc Kinh đã trở thành thành viên của Hiệp hội các trường đại học Châu Á, Pacific-Rim và các vùng khác. Tất cả những bước phát triển này tiêu biểu cho những tiêu chuẩn quan trọng mà các trường đại học Trung Quốc đang cố gắng đạt được để nối liền Trung Quốc với thế giới trong khoa học và giáo dục.
KẾT LUẬN
Trong tiến trình cải cách kinh tế Trung Quốc, các trường đại học hàng đầu đã là một công cụ đáp ứng nhu cầu của đất nước trong việc điều chỉnh và tái điều chỉnh nền kinh tế. Động lực cho sự điều chỉnh và tái điều chỉnh này rất đa dạng, nhưng nhân tố chủ yếu kích thích sự thay đổi chính là chính sách khoa học và giáo dục của quốc gia. Để phát triển hơn nữa các trường đại học hàng đầu, chính sách kiên định và việc tiếp tục hỗ trợ tài chính của nhà nước trung ương là những nhân tố quyết định. Người ta dần dần nhận ra rằng xây dựng những trường đại học nghiên cứu, nhất là đại học đẳng cấp quốc tế, tốn rất nhiều tiền. Liệu kinh tế Trung Quốc có đủ khả năng hỗ trợ việc phát triển những trường như thế hay không đang còn là một câu hỏi, và những thay đổi gần đây trong việc cung cấp ngân sách cho các trường đại học hàng đầu đã biểu lộ sự ngờ vực và ngần ngại. Vì vậy, để duy trì sự phát triển hiện nay, những trường đại học hàng đầu Trung Quốc đang phải tìm kiếm những cơ hội mới và học cách tự cấp tự túc.
Trải qua gần ba mươi năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã dần thay đổi từ chỗ dựa vào sức lao động giản đơn trở thành một nền kinh tế dựa vào tri thức. Sự thay đổi này đòi hỏi các trường đại học hàng đầu tập trung vào việc tạo ra những tri thức phức hợp nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là chuyển giao công nghệ bằng cách thành lập những doanh nghiệp và công ty. Kinh nghiệm quá khứ đã chứng tỏ rằng các trường đại học, ngay cả những trường hàng đầu, cũng không có đủ khả năng điều hành việc kinh doanh, và phần lợi tức mà các doanh nghiệp công ty trực thuộc trường này hoàn lại cho nhà trường thực ra cũng rất hạn chế. Vì vậy đối với việc phát triển trong tương lai, các trường hàng đầu phải từ bỏ ý tưởng thành lập các công ty hay doanh nghiệp, hoặc dính líu quá sâu vào các công viên khoa học; thay vào đó cần tập trung cho nghiên cứu cơ bản, bởi vì duy chỉ có nghiên cứu cơ bản mới có thể mang lại ý tưởng mới và sự hiểu biết thấu đáo nhằm nâng cao tri thức. Các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã xây dựng được năng lực nghiên cứu cơ bản với những phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và tất cả những gì cần thiết để tận dụng hết năng lực ấy.
Để miêu tả vai trò của các trường đại học hàng đầu trong viêc phát triển kinh tế của Trung Quốc, thuật ngữ đầu máy (locomotive) hay động cơ (engine) được dùng như một ẩn dụ. Khi các trường đại học có trách nhiệm về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, họ cần phân biệt mình với các viện nghiên cứu bởi vì họ còn có những trách nhiệm khác. Thể hiện và hội nhập những di sản văn hóa quốc gia, lên án những bất công xã hội và ủng hộ một xã hội phát triển hài hòa, xây dựng những con người có trách nhiệm xã hội và gắn bó với cộng đồng là những nội dung trong sứ mạng giáo dục của trường đại học, nhất là đối với những đại học hàng đầu. Hơn thế nữa, sang tạo tri thức hiện đại là một quá trình phức hợp, nhiều khi các cán bộ khoa học trong lãnh vực tự nhiên cần phải làm việc với đồng nghiệp trong lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn để có những ý tưởng và hiểu biết mới. Thực tiễn gần đây là việc quá nhấn mạnh vào tầm quan trọng của khoa học tự nhiên đã làm giảm sút nhận thức về tầm quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn. Hậu quả là phân phối nguồn lực không công bằng, người nghèo ở vùng sâu vùng xa có rất ít cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng, tình hình thiếu cơ hội việc làm và gia tăng tội phạm có thể dẫn tới mất ổn định xã hội. Các trường đại học hàng đầu có trách nhiệm giải quyết những vấn đề này với tri thức chuyên môn của khoa học xã hội và nhân văn. Điều này đòi hỏi các trường này phải xem xét lại chính sách phát triển của mình trong các kế hoạch về chuyên môn học thuật.
Trong các trường đại học nghiên cứu ở Hoa Kỳ, làm sao có thể đòi hỏi sự nổi bật trong nghiên cứu khoa học đi cùng với sự xuất sắc trong giảng dạy là chủ đề của một cuộc tranh luận đã có từ lâu. Cuộc tranh luận tập trung vào điểm quân bình thích hợp giữa những đòi hỏi của việc nghiên cứu với những đòi hỏi của việc giảng dạy. Ở Trung Quốc, các trường hàng đầu cũng đối mặt với một tình thế lưỡng nan tương tự: “có công trình xuất bản hay là chết” là một thành ngữ quen thuộc nhưng việc nhấn mạnh quá mức vào việc nghiên cứu và các sản phẩm tri thức đã tạo ra kết quả là sinh viên than phiền về việc họ bị các giáo sư bỏ mặc. Gần đây việc gia tăng tỷ lệ sinh viên tự tử tại các trường hàng đầu có thể đã báo hiệu rằng có một cái gì đó đã bị bỏ quên. Đây là lúc các trường hàng đầu của Trung Quốc cần tạo sự quân bình cho những vai trò đa diện của mình vì sự phát triển lành mạnh của sinh viên, bởi vì họ chính là nguồn lực tương lai cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Khi thảo luận về nhiều chức năng của một trường đại học hiện đại ở Hoa Kỳ, Clark Kerr dùng thuật ngữ “multiversity” và thuật ngữ này cũng có thể áp dụng cho các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Làm thế nào cân bằng được những chức năng đa dạng này không chỉ là vấn đề phát triển một trường đại học mà là một vấn đề lớn hơn; nó liên quan đến sự phát triển lành mạnh của xã hội. Cho nên điều quan trọng có tính chất quyết định là các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc cần cân nhắc một cách thận trọng về chức năng và sứ mạng của mình trong vòng vây của những đòi hỏi khác nhau về kinh tế, chính trị và xã hội.
(Nguồn: Wanhua Ma. “The Flagship University and China’a Economic Reform”.Transforming Research Universities in Asia and Latin America: World-Class Worldwide. Editted by Philip Altbach&Jorge Balán. Johns Hopkins University Press 2007.)
Recent Comments