LỜI GIỚI THIỆU

Đánh giá chất lượng của một công trình nghiên cứu khoa học hay năng suất và tầm ảnh hưởng của một nhà khoa học như thế nào là điều hết sức quan trọng để tạo thành văn hóa nghiên cứu và kích thích phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học.  Bước vào sân chơi toàn cầu, các trường đại học (ĐH) Việt Nam đã và đang làm quen với luật chơi của giới hàn lâm quốc tế, trong đó có hoạt động bình duyệt đồng nghiệp.

Khối lượng tri thức trên thế giới đang tăng theo cấp số nhân, thêm vào đó là sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho bức tranh đánh giá khoa học đã khác đi rất nhiều so với cách đây chỉ một hai thập kỷ. Áp lực của xếp hạng ĐH toàn cầu, của động lực tìm kiếm tài trợ nghiên cứu và danh phận khoa học của giới hàn lâm cũng khiến cho ngày càng nhiều sản phẩm của nghiên cứu khoa học ra đời, trong đó thật giả tốt xấu lẫn lộn.

Bình duyệt đồng nghiệp từ lâu đã là một hình thức đánh giá học thuật phổ biến và hữu hiệu. Tuy thế, không phải là nó không có vấn đề.  Bản báo cáo “Bình duyệt đồng nghiệp với việc đề bạt chức danh khoa học và công bố kết quả nghiên cứu” thực hiện trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu Tương lai của Truyền thông Tri thức do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (GDĐH) của Đại học UC Berkeley (CSHE) nhằm phân tích các giá trị học thuật—bao gồm bình duyệt đồng nghiệp, công bố khoa học, tinh thần chia sẻ và hợp tác—đã ảnh hưởng đến thực tiễn giao tiếp truyền thông tri thức như thế nào, và đề xuất những thay đổi nên có để tạo ra một hệ thống khích lệ học thuật tinh tế hơn và có hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn các tác giả đã cho phép sử dụng bản tiếng Việt của bài viết này và xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

BÌNH DUYỆT ĐỒNG NGHIỆP VỚI VIỆC ĐỀ BẠT CHỨC DANH KHOA HỌC VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU[1]

Tác giả: Diane Harley Sophia Krzys Acord
Với sự đóng góp của: Sarah Earl-Novell, Shannon Lawrence, và Elise Herrala
(Center for Studies in Higher Education, UC Berkeley)

Người dịch: Phạm Thị Ly

TÓM TẮT

Với tài trợ của Quỹ A.W. Mellon Foundation, Dự án Tương lai của Truyền thông Tri thức do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (GDĐH) của Đại học UC Berkeley (CSHE) thực hiện từ năm 2005 đến 2011 đã tìm hiểu các giá trị học thuật—bao gồm bình duyệt đồng nghiệp, công bố khoa học, tinh thần chia sẻ và hợp tác—đã ảnh hưởng đến thực tiễn giao tiếp truyền thông tri thức như thế nào, cũng như đã ảnh hưởng đến việc gắn kết với khả năng của công nghệ, với ấn bản mở và lợi ích công của xã hội ra sao.  Bài này trình bày về bình duyệt đồng nghiệp trong giới hàn lâm, qua đó nhấn mạnh nhu cầu có một hệ thống khích lệ học thuật tinh tế hơn và ít phụ thuộc hơn vào chỉ số trích dẫn, bớt tuân thủ một cách nô lệ những quy định của các nhà xuất bản và các tập san; đồng thời trình bày một xu hướng đang ngày càng mạnh của các trường, là chuyển việc đánh giá tri thức cho những cơ chế bên ngoài và xem đó như những tiêu chí đề bạt mặc định. Khảo sát việc này trở thành một nhu cầu cấp thiết là vì việc bình duyệt đồng nghiệp trong phạm vi nhà trường ngày càng khó khăn hơn do tính chất liên ngành hay lai ghép của nghiên cứu, do sự phát triển các hình thức biên tập trực tuyến, do việc hợp tác thu thập dữ liệu, liên kết nghiên cứu quy mô lớn, ngày càng nhiều đồng tác giả, ngày càng tràn ngập những công bố khoa học kém chất lượng, và sự kêu gọi của nhà nước, các tổ chức tài trợ, các trường đại học, các nhà khoa học về việc thúc đẩy những ấn bản – kể cả dữ liệu nguyên thủy- có thể tiếp cận miễn phí đối với những nghiên cứu được thực hiện bằng tiền ngân sách, tức là tiền của người đóng thuế.

Những khó khăn trong việc đánh giá thực trạng hiện nay và tương lai của hoạt động bình duyệt đồng nghiệp còn bị làm trầm trọng hơn bởi áp lực của câu hỏi làm thế nào chi phí khổng lồ  của việc in ấn xuất bản những ấn phẩm khoa học chất lượng cao có thể chịu đựng nổi trước lời kêu gọi thực hiện một mô hình xuất bản khác cả đối với sách và tập san khoa học, một mô hình mở dựa trên cơ sở các trường đại học mà ai cũng có thể tiếp cận. Thêm vào đó còn có một thực trạng có tính chất phá hủy âm thầm, là sự nhỏ giọt về biên chế và những yêu cầu để được đề bạt ở những trường ĐH nghiên cứu tinh hoa, kể cả ở những trường ít danh giá hơn và ít định hướng nghiên cứu hơn. Toàn bộ hệ thống GDĐH còn bị áp lực thêm bởi đòi hỏi ngày càng tăng – và thường là phi thực tế- của nhà nước đối với các nhà khoa học ở những nước đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi trong việc công bố kết quả nghiên cứu của họ trên những tập san chọn lọc bậc nhất, là để phân phối ngân quỹ nghiên cứu của nhà nước thông qua đánh giá kết quả của hoạt động nghiên cứu một cách rất bề ngoài; và cũng là để đáp ứng đòi hỏi của các nước trong việc có những nghiên cứu đạt được phẩm chất quốc tế. Ảnh hưởng trên phạm vi tòan cầu của sự tràn ngập những ấn phẩm chất lượng kém khiến hiệu quả của bình duyệt càng bị hạn chế.

Thực tiễn đó, bản thân nó về cơ bản là do các trường bao cấp cho hoạt động bình duyệt dưới hình thức lương giảng viên. Ngân sách cho thư viện và dịch vụ bảo quản những ấn phẩm có bình duyệt này đã cạn. Thời giờ mà giảng viên dành cho công việc bình duyệt dưới mọi chiêu bài khác nhau, đã khiến họ bị vắt kiệt. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã tổ chức hai cuộc thảo luận về vấn đề quan hệ giữa hoạt động bình duyệt và việc đề bạt chức danh khoa học hay biên chế. Đề tài được thảo luận là: (i) Hệ thống thống trị của bình duyệt: Các hình thức và tiêu chuẩn bình duyệt, việc sử dụng và lạm dụng, cũng như chi phí của bình duyệt; (ii) Hệ thống bình duyệt hiện nay: Một mớ lộn xộn; (iii)Tạo ra một mô hình đánh giá mới: vai trò của các hiệp hội chuyên môn, báo chí truyền thông, thư viện, các tổ chức công nghệ thông tin, các doanh nghiệp xuất bản, và các bên liên quan khác; và (iv) Các giải pháp bắt buộc cho tiếp cận miễn phí và việc xây dựng những mô hình đánh giá tri thức mới.

Bài viết này bao gồm (1) tổng quan về thực trạng bình duyệt trong giới hàn lâm, (2) một số đề xuất để tiến về phía trước, (3) đề xướng một lịch trình nghiên cứu để khảo sát sâu việc tìm kiếm danh phận khoa học đã ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ hoạt động học thuật. Một cách cụ thể, bài viết sẽ trình bày hiện tượng đan quyện vào nhau chặt chẽ giữa hoạt động bình duyệt các công bố khoa học và việc đề bạt chức danh khoa học, những giá trị và cái giá  giới hàn lâm phải trả trong hệ thống bình duyệt hiện nay; những hình thức thử nghiệm đối với bình duyệt liên ngành, ảnh hưởng của hệ thống xuất bản hiện nay, khả năng tạo ra một mô hình xuất bản và bình duyệt mới và chi phí thực sự của nó, một hệ thống gắn với các tổ chức chuyên ngành, các thư viện, kho lưu trữ, và các nhà xuất bản đại học. Bài viết cũng sẽ trình bày động cơ và các yếu tố trong giải pháp tiếp cận mở nhắm vào những tư liệu dưới hình thức bài viết được bình duyệt.

Trong khi trình bày điều này, bài viết cũng gợi ý việc tạo ra một hành lang rộng hơn cho những cách bình duyệt ít tốn kém chi phí và chấp nhận được về phía nhà trường; để việc xuất bản các công trình nghiên cứu có thể duy trì được chất lượng của bình duyệt, hỗ trợ tốt hơn cho năng suất nghiên cứu, làm giảm sự bùng nổ ấn phẩm chất lượng kém,  tăng sức mua cho các thư viện, hỗ trợ cho dòng chảy tự do của ý tưởng, làm giảm gánh nặng của giảng viên phải đảm nhiệm quá nhiều bình duyệt.

Bình duyệt đồng nghiệp nghĩa là gì?

Tầm quan trọng của bình duyệt đồng nghiệp, cũng được biết tới dưới tên gọi tham chiếu chuyên môn, là một dải rộng nhiều mức độ, từ chỗ đánh giá đến chỗ kiểm soát chất lượng trong thế10 - TD - Peer Review in Academic giới học thuật. Bình duyệt đồng nghiệp có nhiều hình thức và nơi chốn. Nó vận hành như là một cách đánh dấu chất lượng của một công trình nghiên cứu. Nó cũng đồng thời có chức năng “giữ cửa”, tức là quyết định xem liệu một ý tưởng mới nào đó có được gia nhập vào kho tàng tri thức chuyên ngành hay không. Nó duy trì chuẩn mực học thuật nói chung cũng như ghi nhận những cá nhân xuất sắc (Becher and Trowler 2001, 61).

Hơn thế nữa, nó điều chỉnh cơ hội trong sự nghiệp của một nhà khoa học. Nó gắn chặt với uy tín, danh tiếng và là dấu hiệu cho giá trị của nhà khoa học trên thị trường hàn lâm đầy cạnh tranh. Quá trình bình duyệt và khối lượng công việc bình duyệt khác nhau nhiều tùy theo lĩnh vực chuyên ngành, sự đa dạng và linh hoạt này nhằm thích ứng với nhu cầu các chuyên ngành hẹp, trong lúc vẫn bảo toàn những chuẩn mực học thuật nghiêm ngặt, là thế mạnh của bình duyệt đồng nghiệp (cf. Kling and Spector 2004).

Cần làm rõ sự khác nhau giữa các hình thức bình duyệt:

  • Bình duyệt trong quá trình phát triển của công trình nghiên cứu: Các nhà khoa học thu lượm những góp ý của đồng nghiệp về công việc nghiên cứu mà họ đang thực hiện, thông qua những kênh không chính thức như thảo luận trong phòng thí nghiệm, chia sẻ bản thảo với đồng nghiệp, viết blog.
  • Bình duyệt trước khi công bố: các nhà khoa học trình bày và phổ biến những công trình đã phát triển tương đối hoàn thiện hơn tại những buổi nói chuyện, hội thảo mọi loại để mời gọi những ý kiến bình luận hay trích dẫn. Lời mời trình bày bản thân nó đã được điều tiết bởi một mức độ bình duyệt bổ sung rồi). Đưa những công trình đã được góp ý lên website cá nhân và các trang mạng khác, là cách làm ngày càng phổ biến hơn mặc dù việc chia sẻ những công trình chưa công bố chính thức như thế khác nhau rất nhiều tùy theo lĩnh vực chuyên ngành.
  • Bình duyệt nhằm công bố trên các ấn phẩm khoa học: Ấn phẩm khoa học có nhiều loại: sách, bài báo khoa học trên các tập san, kỷ yếu hội thảo, các tuyển tập, và trải qua những hình thức bình duyệt khác nhau qua đó biên tập viên và người bình duyệt sẽ đưa ra những quyết định có tính chất đánh giá. Các mô hình biên tập và bình duyệt có thể là bình duyệt kín đơn hoặc kép, có khi chỉ là bình duyệt sơ như trường hợp thực hiện các tuyển tập.
  • Bình duyệt sau khi xuất bản: Chỉ báo cho tầm quan trọng, mức độ tác động và sự đón nhận của giới học thuật đối với một công trình nghiên cứu là: được nêu lên trong những bài giới thiệu sách hoặc giới thiệu công trình nghiên cứu, hay thư gửi ban biên tập; số lượng trích dẫn (ngành trắc lượng thư mục có nhiều cách tính khác nhau); được bố trí những phiên họp riêng trong các hội thảo, được giải thưởng dành cho sách hay hoặc bài báo hay; kể cả việc được đưa vào đề cương bài giảng, câu lạc bộ tập san, tin tức hay bìa báo, blog, v.v.
  • Bình duyệt về dữ liệu hay những sản phẩm tri thức khác: Trong một số lĩnh vực chuyên ngành, bình duyệt là tiêu chí chủ yếu để đánh giá; ví dụ như đối với cơ sở dữ liệu, phim tài liệu, website và phần mềm. Bình duyệt dữ liệu diễn ra ngày càng nhiều và gây ra những trở ngại về mặt kinh tế cho cả các tác giả và các nhà xuất bản.
  • Bình duyệt cấp trường/viện trong trường hợp đề bạt chức danh khoa học và xét biên chế: Trong việc xét đề bạt chức danh khoa học và xét biên chế, việc bình duyệt do đại diện của nhà trường thực hiện cùng với một số người ngoài trường được mời tham chiếu. Ở hầu hết các trường ĐH nghiên cứu, sự xuất sắc trong nghiên cứu của các học giả được đánh giá dựa trên ba lãnh vực: công bố khoa học, phục vụ cộng đồng, và giảng dạy. Hai lĩnh vực sau chiếm trọng số thấp; quan trọng hơn vẫn là hồ sơ công bố khoa học và những minh chứng cho thấy tác phẩm của họ được biết đến rộng rãi, được các nhà bình duyệt trong và ngoài trường đánh giá cao, và mở rộng biên giới kiến thức của chuyên ngành.
  • Bình duyệt đối với việc xét tài trợ nghiên cứu: trong trường hợp này là đánh giá ý tưởng ban đầu (và cả năng lực thể hiện trong quá khứ) của nhà khoa học. Có sự khác biệt rất rõ giữa các lĩnh vực khác nhau. Nhiều trường chuyên ngành như trường luật, trường báo chí, kiến trúc, thiết kế môi trường, xây dựng những tiêu chí đánh giá đặc thù của riêng họ để đánh giá kết quả của hoạt động sáng tạo tri thức, cũng như bề dày nghiên cứu của ứng viên, để xét xem ứng viên có thể nhận tài trợ cho một chương trình hay hoạt động nào đó hay không (cf. Lamont 2009; National Institutes of Health 2008; Weale et al.2007).
  • Bình duyệt lũy tiến: Những sản phẩm của sự sáng tạo được đánh giá qua những giải thưởng cao nhất, những phần thưởng, tặng thưởng, và bầu chọn vào những tổ chức tinh hoa chẳng hạn như Viện Hàn lâm Quốc gia.

Một vài hình thức bình duyệt có thể cung cấp thông tin cho những hình thức bình duyệt khác. Ví dụ, tầm ảnh hưởng của các ấn phẩm được bình duyệt của một nhà khoa học thường được đưa vào việc bình duyệt hồ sơ xin tài trợ cho dự án nghiên cứu, hay hồ sơ đề bạt chức danh khoa học của người đó. Những đánh giá không chính thức đối với một công trình đang thực hiện có thể ảnh hưởng đến nơi mà nó sẽ được công bố (ví dụ biên tập viên các tập san có thể gặp gỡ các nhà khoa học ở các hội thảo chuyên ngành và mời họ viết bài cho tập san). Cuối cùng, mặc dù những hình thức bình duyệt khác nhau có thể có những mục đích khác nhau, một công trình sáng tạo tri thức của một nhà khoa học có thể trong thực tế sẽ được bình duyệt bởi một số tương đối nhỏ những nhà chuyên môn trong một lĩnh vực chuyên ngành.

Bình duyệt công bố khoa học trong mối quan hệ với bình duyệt của cấp trường/viện

Như Abbott (2008) đã nêu, khoảng đầu thế kỷ XIX, những chiến lược không chính thức để kiểm soát việc công bố kết quả nghiên cứu đã tạo ra hệ thống bình duyệt chuyên nghiệp. Sự hợp nhất giữa bình duyệt chính thức và cơ quan xuất bản đã dẫn tới việc cơ quan xuất bản trở thành một nơi được tín nhiệm vì mức độ bình duyệt mà nó thực hiện. Trong việc xét duyệt biên chế, đề bạt và tài trợ ở những trường ĐH có uy tín lớn, ấn phẩm trên những tập san hàng đầu rất được nhấn mạnh, và điều này được thể hiện qua rất nhiều tài liệu (e.g., Becher and Trowler 2001; Boyer 1997; Harley et al.2010; L. Waters 2004; Zuckerman and Merton 1971)[2].Việc dựa dẫm quá đáng vào sự chuẩn y của các cơ quan xuất bản đã dẫn tới hiện tượng giao cho bên thứ ba thực hiện bình duyệt, bằng cách nối kết chất lượng, tính cần yếu và tầm ảnh hưởng của một công trình nghiên cứu với thương hiệu mang tính chất biểu tượng của các cơ quan xuất bản (trong đó có chỉ số tác động của tập san).

Xưa nay vẫn có ít nhiều linh hoạt trong việc xét biên chế và đề bạt, “chất lượng quan trọng hơn số lượng” là lý tưởng được nêu rõ trong các trường ĐH nghiên cứu  (Harley et al.2010, 7). Những người có vai trò bình duyệt ở cấp trường có thể đánh giá khá sâu sát về một công trình đã được xuất bản hay hồ sơ thành tích của một cá nhân, tăng cường bình duyệt tại chỗ (bởi đồng nghiệp cùng trường) thay vì phụ thuộc nhiều vào chỉ số trích dẫn hay những thư giới thiệu của người ngoài. Họ cũng có thể tìm kiếm những chỉ báo phụ trong trường hợp ứng viên không có nhiều ấn phẩm khoa học trên những tập san có chỉ số tác động cao (ví dụ như giải thưởng hay những dấu hiệu khác cho thấy công trình nghiên cứu nào đó đạt được một sự công nhận độc nhất; và chấp nhận những hình thức ấn bản hoặc thành tựu khác chứ không chỉ là bài báo trên các tập san khoa học, ví dụ như sách, công cụ hay giải pháp đột phá trong một số lĩnh vực, v.v.

Tuy vậy, bình duyệt cấp trường vẫn nhấn mạnh ấn phẩm trên những tập san hàng đầu, và điều này đang tăng chứ không hề giảm. Các nhà khoa học tên tuổi đòi hỏi những người nghiên cứu trẻ phải trải qua bình duyệt với mức độ nghiêm ngặt như chính họ đang phải chịu. Kết quả là, hầu hết các nhà nghiên cứu trẻ không muốn công bố kết quả trên những tập san ít danh tiếng hơn; họ làm theo chỉ bảo của người hướng dẫn và đem lại giá trị to lớn cho những tập san đã sẵn có danh tiếng. Cùng với những hội đồng xét tuyển dụng hay đề bạt, các nhà khoa học trẻ trở thành những người đóng vai chính trong sự bất lực của giới học thuật để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của khủng hoảng thừa ấn phẩm khoa học, dẫn đến một môi trường học thuật trong đó những công trình còn non nớt, chất lượng thấp, sẽ được phổ biến chính thức một cách tùy tiện hơn; cũng như sẽ có những thủ thuật chẻ nhỏ bài báo khoa học thành nhiều bài nhằm tăng số lượng công bố quốc tế.

Những vấn đề đáng quan ngại này đã bị làm trầm trọng hơn bởi một thực trạng có tính chất phá hủy âm thầm, là sự nhỏ giọt về biên chế và những yêu cầu để được đề bạt ở các trường ĐH, từ những trường ĐH nghiên cứu tinh hoa cho đến những trường ít định hướng nghiên cứu hơn. Vấn đề còn phức tạp thêm nữa do  đòi hỏi ngày càng tăng – và thường là phi thực tế-  của nhà nước đối với các nhà khoa học ở những nước đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi trong việc công bố kết quả nghiên cứu của họ trên những tập san chọn lọc bậc nhất, để phân phối ngân quỹ nghiên cứu của nhà nước thông qua đánh giá kết quả của hoạt động nghiên cứu một cách rất bề ngoài; và cũng là để đáp ứng đòi hỏi của các nước trong việc có những nghiên cứu đạt được phẩm chất mà quốc tế công nhận. Ảnh hưởng toàn cầu hóa là những công bố khoa học chất lượng thấp ngày càng thừa mứa đã làm hạn chế chất lượng của toàn bộ quá trình bình duyệt, một sự thừa mứa được ghi nhận trong con số công bố khoa học hàng năm ngày càng tăng  (Ware and Mabe 2010) và được dẫn đầu thấy rõ bởi các nhà khoa học châu Á và ở các nước đang phát triển (Bell et al. 2007; Holmgren and Schnitzer 2004).

Ngân sách thư viện và dịch vụ kèm theo nhằm duy trì việc mở rộng những ấn phẩm có bình duyệt này đã cạn. Thời gian giới hàn lâm dành cho việc bình duyệt, dưới đủ mọi hình thức, cũng đã cạn kiệt. Những chỉ số trắc lượng thư mục, đặc biệt là chỉ số trích dẫn và chỉ số ảnh hưởng – những thứ đem lại cho các nhà khoa học một cơ chế để đo lường tác động của những công trình mà họ nghiên cứu, và là một công cụ lọc chính thức với các ấn phẩm sau khi ấn hành, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ bức tranh truyền thông khoa học.  Những tiêu chí trắc lượng thư mục có thể cung cấp thông tin cho việc bình duyệt đề bạt cấp trường hoặc cho việc phân bổ kinh phí nghiên cứu. Nó cũng, có thể coi là tốt hay xấu, ảnh hưởng đến việc nhiều nhà khoa học sẽ chọn nơi nào để mà công bố kết quả nghiên cứu của họ.

Nhiều công cụ đo khác cũng đang trở thành dễ dàng sử dụng hơn trong môi trường kỹ thuật số, tạo ra nhiều cách mới lạ để đánh giá chất lượng và tầm ảnh hưởng của một công trình nghiên cứu. Nó có thể là nhiều kiểu tính đếm trích dẫn khác nhau, là các sơ đồ trắc lượng, là biểu đồ web, là đánh giá của người truy cập, là số lần được đánh dấu (bookmark), là số lần được người đọc tải về máy, và phân tích định lượng về những bình luận của người đọc hay về số lượng blog khác đăng tải lại. Một vấn đề thực sự với tất cả những thước đo ấy, là nó thường lấy những tiêu chí định lượng (trong đó có những thứ rất dễ làm giả, và đáng ngờ về giá trị) thay cho sự đánh giá sâu sắc và có thông tin mà một người bình duyệt có năng lực và có trách nhiệm có thể mang lại.  Dựa dẫm quá mức vào những chỉ số trắc lượng thư mục và những cơ chế xuất bản bên ngoài trong những quyết định đề bạt chức danh khoa học, cũng như cuộc đua giành thứ hạng của các trường, là những yếu tố đang tiếp thêm sức mạnh cho thực tế của hoạt động xuất bản hiện nay vốn đang giao tác quyền của các nhà khoa học   cho những tổ chức xuất bản tìm kiếm lợi nhuận qua việc phổ biến những công trình đã qua bình duyệt. Một thực tế cũng không kém phần có vấn đề là một số dịch vụ trắc lượng thư mục lớn nhất đang nằm trong tay một số ít các nhà xuất bản hoạt động như một tổ chức kinh doanh, chẳng hạn như   Elsevier và Thomson Reuters (Olds 2010).

Đòi hỏi thay đổi trong cả hệ thống 

Trước tầm mức lớn lao của những vấn đề nêu trên, chúng ta buộc lòng phải tự hỏi: Hệ thống bình duyệt công bố quốc tế hiện nay đang mang lại những giá trị gì? Cái gì trong số vô vàn hình thức bình duyệt đang được dùng cho những mục đích học thuật cụ thể (ví dụ như xét duyệt biên chế hay đề bạt chức danh khoa học, xét duyệt cho đăng bài báo khoa học, tài trợ nghiên cứu bên ngoài trường ĐH, xem xét tầm vóc trong nước và quốc tế) mà chúng ta nên giữ, còn những hình thức nào thì nên điều chỉnh hoặc hủy bỏ không dùng nữa?

Làm cách nào chúng ta có thể xác định được chính xác hơn những chi phí to lớn mà các trường phải bao cấp cho toàn bộ quá trình bình duyệt thông qua chi trả lương giảng viên nhằm duy trì việc tiếp cận với hồ sơ kiến thức? Và, quan trọng hơn là, làm sao chi phí khổng lồ của việc xuất bản những tri thức chất lượng cao có thể đương cự lại lời kêu gọi thực hiện một mô hình ấn bản mới đối với cả tập san và sách, cho phép tiếp cận miễn phí trên cơ sở các trường ĐH? Làm thế nào để giới hàn lâm có thể tiến lên trong một môi trường học thuật mà sự lạm phát “đồng tiền khoa học”[3] đã được công nhận, và trong một hệ thống  bình duyệt được coi là một bộ lọc hiệu quả đối với giới giảng viên luôn bận rộn (dù rằng việc bình duyệt do các nhà xuất bản tổ chức, nhưng lại do giới giảng viên thực hiện). Như đã nói trên, nếu những tiêu chí xét biên chế hay đề bạt tinh tế hơn được làm rõ ở các trường ĐH nghiên cứu, nó có thể đem lại một ảnh hưởng thực dụng mang tính chất tín hiệu mới cho các trường ĐH khác và cho các cơ quan quản lý giáo dục cấp Bộ (Harley et al.2010, 21).

Việc hỗ trợ giới giảng viên dùng nhiều hình thức đa dạng hơn và có thể chấp nhận được để công bố kết quả nghiên cứu của họ thay vì những hình thức hiện nay đang được các hội đồng bình duyệt chấp nhận như là tiêu chí đánh giá để xét duyệt biên chế và đề bạt (và đang được thực hiện bởi các nhà xuất bản theo lối truyền thống) sẽ có thể duy trì chất lượng của bình duyệt khoa học và các ấn phẩm học thuật, tăng cường sức mua cho các thư viện, hỗ trợ cho dòng trao đổi ý tưởng được thông suốt tự do, giải phóng giảng viên khỏi gánh nặng phải thực hiện quá nhiều bình duyệt, kết quả là tạo ra một môi trường ấn bản chung  có tính chất kinh tế hơn và tồn tại bền vững hơn, cũng như bảo đảm cho các thế hệ làm khoa học tương lai có thể tiếp cận dễ dàng kho tàng tri thức đã được xuất bản dưới hình thức kỹ thuật số. Một sự thay đổi như thế cũng có thể sẽ dẫn đến việc làm trung hòa cuộc “chạy đua vũ trang” công bố quá nhiều trong giới hàn lâm.

Một thách thức to lớn trong việc cải cách hệ thống là các nhà quản lý ĐH sẽ phải đương đầu với những khủng hoảng ngắn hạn trước vấn đề bình duyệt và truyền thông khoa học, cũng như trong chi phí về tiền và trong những giá trị mà chúng ta chia sẻ. Đối với vấn đề này, chúng tôi đề xuất một luận điểm thuyết phục: Vì chi phí cho việc duy trì quyền tiếp cận và chất lượng của các trường ĐH ngày càng tăng, các trường ĐH nghiên cứu buộc phải làm việc nhiều hơn để chứng tỏ năng suất nghiên cứu của họ trong một thị trường toàn cầu ngày càng tăng trưởng và cạnh tranh. Làm sao chúng ta có thể đáp ứng được với những thách thức đó nếu như các nhà khoa học và  các trường/viện bị những kênh phân phối qua bình duyệt quá hẹp làm cho tê liệt? Đã thế chi phí tiếp cận tư liệu khoa học thành văn lại còn cao một cách quá đáng. Quy trình bình duyệt cũng chưa đủ hiệu quả, và việc công nhận hay xiển dương những công trình nghiên cứu quan trọng dưới nhiều hình thức cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Quan trọng hơn là, làm thế nào những thay đổi như thế có thể được cung cấp nguồn tiền cần thiết theo một cách bền vững? Những thay đổi có cân nhắc suy nghĩ cẩn trọng trong cách thức các nhà khoa học đánh giá tính xác đáng của các kết quả nghiên cứu và truyền thông những kết quả ấy sẽ còn phải trải qua một chặng đường dài để bảo đảm chất lượng và tồn tại bền vững trong GDĐH, đồng thời để thỏa mãn đòi hỏi về sự minh bạch và khả năng tiếp cận dễ dàng những kết quả nghiên cứu đã qua bình duyệt, phần lớn là những công trình nghiên cứu được tài trợ một phần hoặc toàn bộ bằng tiền ngân sách nhà nước, tức là tiền của người đóng thuế, hoặc qua những hình thức trực tiếp như tài trợ nghiên cứu của nhà nước hay gián tiếp qua bao cấp tiền lương giảng viên.

Lộ trình và phương pháp thực hiện bản báo cáo này

Từ tháng 3-2009 đến tháng 4-2010, chúng tôi thực hiện nhiều cuộc hội thảo về chủ đề bình duyệt đồng nghiệp, bao gồm các chủ đề sau:

(i) Hệ thống thống trị của bình duyệt: Các hình thức và tiêu chuẩn bình duyệt, việc sử dụng và lạm dụng, cũng như chi phí của bình duyệt;

(ii) Hệ thống bình duyệt hiện nay: Một mớ lộn xộn;

(iii)Tạo ra một mô hình đánh giá mới: vai trò của các hiệp hội chuyên môn, báo chí truyền thông, thư viện, các tổ chức công nghệ thông tin, các doanh nghiệp xuất bản, và các bên liên quan khác; và

(iv) Các giải pháp bắt buộc cho tiếp cận miễn phí và việc xây dựng những mô hình đánh giá tri thức mới.

Thành viên hội thảo bao gồm các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành và các nhà xuất bản, những người đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau trong giới hàn lâm cũng như giới xuất bản. Cuộc thảo luận diễn ra hoàn toàn cởi mở và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm nắm bắt đầy đủ những vấn đề đang ảnh hưởng đến giới học thuật ở quy mô lớn. Những đề xuất được nêu dưới đây là kết quả rút ra từ những cuộc thảo luận giữa những người có lĩnh vực chuyên môn và kinh nghiệm rất khác nhau. Chúng tôi tiếp tục tin rằng việc công nhận và hiểu rõ những giá trị ăn sâu vào văn hóa khoa học cũng như thực tiễn ở nhiều chuyên ngành sẽ mang lại những nhận thức sâu sắc và những giải pháp thực tế hơn cho những thách thức mà các trường ĐH đang phải đối mặt, và như vậy thì tốt hơn nhiều so với cứ ôm giữ cách tiếp cận “chỉ một kiểu cho tất cả mọi trường hợp” (Harley et al.2010).

KHUYẾN NGHỊ

Trong khi giới hàn lâm tỏ ra vượt trội trong nhiều lĩnh vực của bình duyệt và truyền thông khoa học, họ đang tụt hậu trong những lĩnh vực khác. Cụ thể là, hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng vấn đề mà chúng ta phải giải quyết trong truyền thông khoa học không phải là bản thân việc xuất bản hay quá trình bình duyệt trong hệ thống ấy. Thay vào đó, vấn đề nằm trong hệ thống đề bạt hiện tại trong hệ thống GDĐH toàn cầu hóa, hiện đang đặt ra những đòi hỏi phi thực tế ngày càng cao về công bố khoa học đối với giảng viên của mình thay vì đáng lẽ phải đòi hỏi họ thực hiện những nghiên cứu hoàn thiện và phù hợp với bối cảnh bình duyệt ở cấp trường. Trọng tâm của những đòi hỏi này phải là đánh giá đóng góp của người làm khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành và trong bối cảnh phù hợp với sứ mạng cơ bản của từng trường.

Những khuyến nghị sau đây do hai tác giả Harley và Acord đề xuất dựa trên những ý kiến đóng góp của những người tham gia các hội thảo đã nêu ở phần trên, cũng như dựa trên những kết quả nghiên cứu mà các tác giả đã thực hiện về chủ đề này. Chúng tôi trình bày các khuyến nghị này dưới dạng kết quả nghiên cứu nhằm thúc đẩy những cuộc thảo luận tiếp theo trong giới hàn lâm về vấn đề nghiêm túc và quan trọng này.  Những khuyến nghị ấy bao gồm nhiều cơ chế khích lệ khác nhau có thể hướng dẫn giới hàn lâm đi theo hướng phát triển bền vững. Mục đích bao trùm của các khuyến nghị này là nhằm bảo đảm cho những tri thức khoa học đáng tin cậy tiếp tục được vun trồng nảy nở thông qua bình duyệt, qua sự công nhận hay tuyên dương ở cấp trường/viện, và được bảo toàn vĩnh viễn. Tuy các trường tinh hoa có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra dấu hiệu áp dụng một hay nhiều những khuyến nghị này, nhưng rút cục giới hàn lâm với tư cách một tổng thể mới là người hưởng lợi nhiều nhất nếu như tất cả các trường đều thực hiện những thay đổi này một cách đại trà và hài hòa với nhau.

  1. Cải thiện quy trình bình duyệt trong việc xét tuyển dụng, xét biên chế, đề bạt chức danh khoa học, và xét tài trợ nghiên cứu nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào những chỉ báo thứ yếu khác.

Việc cải thiện quy trình bình duyệt cấp trường đòi hỏi nhấn mạnh một cách nghiêm túc và rà soát có tính định tính những chỉ báo cơ bản để đánh giá một công trình nghiên cứu khoa học ở những thể loại khác nhau. Nói một cách đơn giản, việc bình duyệt cấp trường/viện cần được tách ra không để phụ thuộc quá nhiều vào sự chuẩn y của các ấn bản có bình duyệt, hay vào những chỉ báo dễ bị ngụy tạo của trắc lượng thư mục, một thực tế đang khuyến khích công bố thừa thãi và sự lựa chọn những tập san chất lượng thấp.

Chúng tôi đề xuất rằng khuyến nghị này nên được lãnh đạo cao nhất của các trường xem xét và đưa nó thành một chủ đề thảo luận cho nghị quyết của trường hoặc cho các cuộc vận động trong trường. Có nhiều cách để đạt được điều này, chẳng hạn như:

  • Đọc hồ sơ xét biên chế hay xét đề bạt chức danh khoa học của một ứng viên theo lối tránh xa chỉ số ảnh hưởng và những thước đo của trắc lượng thư mục như là tiêu chí cơ bản để đánh giá về chất lượng của những công trình nghiên cứu này.
  • Trả tiền, hoặc tuyên dương những công trình không phải là bài báo khoa học, bình duyệt xét biên chế qua nhận xét của những cá nhân có phẩm chất cao nhất trong hay ngoài trường. Cá nhân giảng viên cũng có thể trao đổi thời gian họ dành cho việc bình duyệt các bài báo khoa học và sách chuyên ngành cho việc viết những thư giới thiệu xét biên chế cho người ngoài trường chẳng hạn. Đó là một khả năng lựa chọn khác, trong đó các trường và giới giảng viên có thể gắn kết sâu với việc bình duyệt ngoài cho từng giảng viên, một việc có qua có lại trong giới hàn lâm.
  • Khuyến khích các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu của họ trên những tập san có bình duyệt ít thường xuyên hơn và tập trung tạo ra những kết quả có nhiều ý nghĩa hơn. Giới hạn số lượng công trình có thể được bình duyệt nhằm xóa bỏ sự khích lệ đối với công bố quá mức. Xác định rõ ràng với giới giảng viên rằng chỉ những công bố khoa học đỉnh cao của một nhà khoa học mới được bình duyệt (con số này tùy theo từng trường và từng ngành). Trong những chuyên ngành mà sách là hình thức ấn phẩm chủ yếu, phải tính đến những tiêu chuẩn đề bạt kiểu như một hay hai đầu sách có thể thay thế cho những chỗ khuyết ở tiêu chí khác thí dụ như số bài báo chẳng hạn. Cũng cần có nỗ lực đương đầu với một xu hướng trong việc xuất bản khoa học (chẳng hạn như Nature hoặc Cell) trong đó ngay cả những đơn vị nhỏ nhất có thể xuất bản được, thường không có phương pháp và luận cứ đáng kể nào, cũng được cho công bố.  Cần chống lại hiện tượng làm khoa học theo kiểu cốt cho số lượng bài báo khoa học được đẻ ra đều đều kiểu “mì ăn liền” hay chẻ một bài ra thành nhiều bài nhằm có nhiều thành tích về số lượng.
  • Hạn chế những bài được gửi đi bình duyệt, và khuyến khích dùng nhiều hơn những con đường mới hoặc ít chính thống hơn để công bố những kết quả nghiên cứu có vẻ phù du hay ít chất lượng và tầm ảnh hưởng.
  • Tuy rất khó khăn, cần phải tiến tới chỗ ngăn cấm các hội đồng xét biên chế hay đề bạt chức danh xem xét nơi công bố như là một tiêu chí đánh giá chất lượng công trình của ứng viên. (Hay ít nhất, ngăn cấm việc sử dụng những thông tin này như một luận cứ công khai). Những luận cứ dựa trên nơi công bố hay phương tiện công bố các kết quả nghiên cứu không được lấn át hay thay thế việc đọc các công trình này.
  • Tăng cường hướng dẫn nghiêm ngặt việc bình duyệt, tập trung vào nội dung chính của công trình nghiên cứu. Ví dụ, “Làm ơn hãy miêu tả, bằng ngôn ngữ phổ thông, thật rõ ràng người này đã đạt được những thành tựu gì, công trình này có những tác động như thế nào, và nó đã làm thay đổi lĩnh vực chuyên ngành này ra sao?”.
  • Cân nhắc việc bình xét những nhà khoa học ở tầm trung và những nhà khoa học hoạt động lâu năm và ở cấp cao một cách khác nhau. Những hồ sơ bao gồm các ấn phẩm khoa học có bình duyệt chính thức có lẽ thích hợp hơn chỉ đối với các nhà khoa học trẻ. Đặc biệt là, thách thức các nhà khoa học cao niên tìm kiếm những lựa chọn khác để bình duyệt và phổ biến kết quả nghiên cứu theo một cách dễ thấy hơn đối với công chúng và làm giảm dòng thác ấn phẩm khoa học mà chúng ta đang phải chịu đựng. Các nhà khoa học lớn tuổi hơn có thể chỉ cần công bố trực tuyến theo những cách đặc thù của mỗi chuyên ngành, những công trình này có thể chỉ cần trải qua bình duyệt cấp trường và tác động của nó sẽ do đồng nghiệp đánh giá.
  • Không trừng phạt giảng viên bằng biên chế hay bằng việc bình duyệt vì việc họ đã theo những mô hình công bố khác.
  1. Với tư cách là thành viên của giới hàn lâm, từng người trong chúng ta cần phải minh họa cho những cách làm đúng đắn và nâng cao nhận thức về vấn đề bình duyệt trong và ngoài trường/viện mà mình làm việc.

Những nhà khoa học có uy tín, có ảnh hưởng và những trường ĐH tinh hoa cần dẫn đầu cộng đồng học thuật nâng cao nhận thức về việc đáp ứng với những vấn đề này bằng cách:

  • Đóng vai trò là một kiểu mẫu để hướng dẫn cho sinh viên, nghiên cứu sinh, và các đồng nghiệp trẻ về những kinh nghiệm thực tiễn trong truyền thông khoa học sao cho mang lại lợi ích thiết thực nhất cho nhà trường và xã hội, cũng như cho sự nghiệp cá nhân. Điều này có thể bao gồm cả việc dùng uy tín cá nhân của mình trong một lĩnh vực chuyên ngành để dẫn dắt hay ủng hộ cho việc đánh giá lại quy trình bình duyệt ở những cơ quan cấp tài trợ nghiên cứu hàng đầu.
  • Chê trách những mô hình xuất bản hạn chế việc tiếp cận hợp lý kho tàng tri thức đã được bình duyệt mà giới hàn lâm đã tạo ra—với tư cách cá nhân, nhà trường, hiệp hội chuyên môn, tập thể các nhà khoa học—bằng cách từ chối bình duyệt, biên tập, tham gia hội đồng tư vấn, gửi bài đăng, trả lời phỏng vấn, hay gia hạn đăng ký mua ấn phẩm ấy[4].
  • Khi cần thiết, có thể làm việc với các hiệp hội chuyên ngành, các nhà khoa học đầu ngành, quản thủ hay lãnh đạo thư viện, và các nhà xuất bản phi lợi nhuận để tạo ra và liên kết với những ấn phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng lĩnh vực và chuyên ngành phụ.
  • Tổ chức những buổi thảo luận trong trường với giảng viên về đề tài “lợi ích và cái giá phải trả” của việc mở rộng khả năng tiếp cận với những công trình có bình duyệt và có độ dài kiểu như bài báo khoa học. Nâng cao nhận thức cho giảng viên bằng cách công bố những chính sách được coi là kinh nghiệm tốt trong truyền thông khoa học và dự liệu những mô hình tài trợ nghiên cứu mới hỗ trợ cho chi phí xuất bản hợp lý. Chính sách số hóa của các nhà xuất bản cần phải là một nội dung để thảo luận.
  • Hành động ngay bây giờ, thay vì để cho những khủng hoảng ngắn hạn mà các trường đang đương đầu che khuất đi hậu quả lâu dài của việc không hành động gì cả.
  • Hỗ trợ cho những nỗ lực (nhân danh nhà trường hay hiệp hội chuyên ngành cụ thể nào đó) bảo toàn và cho phép tiếp cận tư liệu tri thức khoa học, đặc biệt là theo định dạng kỹ thuật số.

III. Các trường/viện phải dùng ảnh hưởng của mình tác động đến vấn đề bản quyền của các bài báo khoa học có bình duyệt mà giảng viên của mình đã công bố và đưa vấn đề tri thức không có tiền bản quyền trở thành một phần trong bất cứ cuộc thảo luận nào về việc mở rộng quyền tiếp cận của công chúng đối với tri thức khoa học.

Bản quyền của những công trình đã công bố là nền tảng cơ bản tạo ra sự phức tạp trong những thách thức mà chúng ta đối mặt và phải là tâm điểm của mọi cuộc thảo luận về việc tu chính quy trình đề bạt và xuất bản. Các trường và các cơ quan cấp tài trợ nghiên cứu cần phải:

  • Chiếm giữ bản quyền không thuộc về riêng một cá nhân hay nhóm người nào đối với tất cả những công trình không được trả tiền bản quyền khi công bố mà giảng viên của mình đã thực hiện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhà trường hành động thay mặt giảng viên để bảo đảm cho việc bảo tồn và tiếp cận công trình của họ một cách vĩnh viễn.
  • Bảo tồn và cho phép công chúng tiếp cận rộng rãi những công trình không được trả tiền bản quyền khi công bố bằng cách áp dụng tiếp cận mở theo luồng đối tượng (một cách lý tưởng, là ký gửi một bản chính thức trong một nơi lưu trữ của trường/viện, của một chuyên ngành hay một hình thức lưu trữ nào khác).
  • Đặt ra một loại giấy phép cho phép các nhà quản lý trường ĐH sử dụng lợi ích phi lợi nhuận của tác quyền theo một cách có tổ chức và phối hợp hài hòa lợi ích các bên.
  • Nâng cao nhận thức của từng giảng viên về quyền của cá nhân các tác giả đối với những tư liệu đã được công bố của họ và làm thế nào thực thi những quyền này. Trong số các khả năng ấy có thể xem xét việc xây dựng những cơ chế kiểu như trung tâm thông tin tư liệu về những chính sách xuất bản liên quan đến những quyền này và tư vấn cho mọi người một cách chu đáo. Những trung tâm thông tin tư liệu như thế lý tưởng nhất là do thư viện quản lý, sẽ phải cập nhật thường xuyên khi chính sách thay đổi, và phải nối kết các bài báo của cá nhân với những chính sách đang có hiệu lực vào thời điểm bài báo khoa học ấy được công bố.
  1. Các trường và các cơ quan cấp tài trợ nghiên cứu cần hỗ trợ cho việc tiếp cận hợp lý và tự túc của công chúng đối với những ấn phẩm khoa học đã qua bình duyệt, tuyên dương những thực tiễn tốt đẹp của các nhà xuất bản và các hiệp hội chuyên ngành, và khuyến khích giảng viên tìm những cách lựa chọn khác nhau để công bố kết quả nghiên cứu.

Với tư cách là nguồn cung cấp tiền cho nghiên cứu, các cơ quan cấp tiền có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra bức tranh chung về bình duyệt và xuất bản khoa học. Chúng tôi đề nghị những tổ chức này nên có những hành động như:

  • Trình bày vấn đề với Văn Phòng Chính sách Khoa học và Kỹ thuật Hoa Kỳ nhằm kêu gọi thực hiện mở rộng bắt buộc việc tiếp cận tri thức khoa học, bao gồm cả dữ liệu, đối với những công trình được thực hiện bằng tài trợ của tiền ngân sách, tức là tiền thuế của công chúng. Nên khuyến khích thêm nhiều hành động tương tự của các cơ quan, tổ chức cấp tài trợ của nhà nước và tư nhân, như NIH, Wellcome Trust, và NSF. Đặc biệt là, phải có quy định yêu cầu bài công bố của những công trình được tài trợ bằng tiền ngân sách như thế phải được tiếp cận tự do sau một quãng thời gian nhất định và hợp lý. Cần đặc biệt cân nhắc với những tác phẩm, chẳng hạn như hầu hết công trình nghiên cứu trong khoa học nhân văn, được tài trợ một phần bởi ngân sách nhà nước ([5]).
  • Tìm hiểu những cách hỗ trợ cho việc duy trì các tập san chất lượng cao vận hành theo mô hình phi lợi nhuận (thu một khoản lệ phí hợp lý để đăng ký nhận thường xuyên). Ví dụ, nhiều trường có thể cung cấp một khoản trọn gói cho giảng viên để bao cấp chi phí xuất bản trên những tập san này. Giảng viên có thể bù thêm tiền nếu muốn bài mình được công bố trên những tập san thu tiền cao một cách bất hợp lý([6]).
  • Phân biệt tốt xấu hay dở trong cách làm của các nhà xuất bản khi xây dựng bất cứ chính sách nào. Điều quan trọng là phân biệt các nhà xuất bản/tập san nào độc quyền việc phổ biến tri thức nhằm thu lợi nhuận về tiền bạc, và những nhà xuất bản/tập san cho phép các tác giả vẫn giữ lại một phần tác quyền để nhà xuất bản có thể thích nghi với việc mở ra luồng tiếp cận tự do; trong cách làm này có thể có một quãng thời gian ngắn ấn phẩm sẽ không được tiếp cận tự do, mà phải mua, nhằm bảo toàn việc bán ấn phẩm để duy trì sự tồn tại của các nhà xuất bản phi lợi nhuận.
  • Hãy công nhận rằng những ấn phẩm chất lượng cao và việc bảo tồn nó không phải là miễn phí, trái với những ý kiến thường được đưa ra để ủng hộ cho việc tiếp cận tự do với ấn phẩm khoa học. Làm việc với các bên liên quan nhằm xây dựng những mô hình xuất bản tri thức khoa học có chất lượng cao, có thể tiếp cận liên tục và với chi phí chấp nhận được, một mô hình vẫn giữ lại những giá trị ưu tú của các công trình khoa học cũng như của chất lượng biên tập mà hiện nay các nhà xuất bản/tập san đang cung cấp với một cái giá cắt cổ.
  1. Khôi phục một thị trường thực sự cho các tập san khoa học và xem xét lại những quy định pháp lý về chống độc quyền.

Về mặt tiêu thụ các ấn phẩm tập san, những đề xuất sau đây nhằm vào việc thực hiện một thị trường thực sự và minh bạch cho những ấn phẩm dưới dạng bài báo khoa học:

  • Đòi hỏi một bảng giá in ấn minh bạch của các nhà xuất bản. Thư viện có thể phối hợp với các hiệp hội chuyên ngành để nhấn mạnh ưu điểm của những tập san duy trì một giá bán hợp lý.
  • Làm áp lực với các nhà xuất bản/ tập san để họ cung cấp từng bài báo khoa học cho các nhà khoa học và cho cộng đồng với giá hợp lý, và/hoặc có một thời gian hợp lý cấm vận tiếp cận tự do trước khi mở ra hoàn toàn với mỗi bài báo khoa học. Điều này đặc biệt quan trọng để hỗ trợ các nhà khoa học độc lập và các nhà khoa học không có được nguồn tiếp cận với các tập san ấy thông qua trường/viện mà họ đang làm việc.
  • Làm việc với các nhà xuất bản đại học để tìm ra nhiều cơ chế khác với giá tiếp cận chấp nhận được đối với những ấn phẩm độc quyền, dưới hình thức in theo yêu cầu hoặc dưới hình thức ấn bản số hóa. Điều này, cần nhắc lại một lần nữa, đặc biệt quan trọng để hỗ trợ các nhà khoa học độc lập và không có điều kiện tiếp cận với các thư viện nghiên cứu.
  • Xem xét những quy định pháp lý của liên bang về chống độc quyền. Những quy định này có thể giúp cho việc công khai giá thành ra bắt buộc thay vì cho phép các nhà xuất bản tiếp tục thúc ép các trường phải mua trọn gói[7].
  1. Tạo ra những con đường khác, những cách thức khác để tiếp cận với các kết quả nghiên cứu.

Tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho việc tiếp cận tri thức khoa học dưới dạng bài báo và không có sẵn ở các trường/viện. Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh cần được cung cấp thông tin về những cách lựa chọn hợp pháp khác nếu họ không thể tiếp cận với những ấn phẩm họ cần qua những kênh của trường mình. Điều này có thể bao gồm:

  • Tư vấn cho nghiên cứu sinh và đồng nghiệp gửi email cho các tác giả để xin tiếp cận với bài báo khoa học và tìm những nguồn khác để đọc, ví dụ như trên trang web của tác giả.
  • Bảo đảm rằng, nếu như thư viện nhà trường không đăng ký mua một ấn phẩm cụ thể nào đó, thì catalog của thư viện cũng sẽ cung cấp đường dẫn tới website có bài báo (ở đó các nhà khoa học có thể trả tiền để mua quyền tiếp cận từng bài), cũng như một danh sách hướng dẫn những cách thức khác nhau để có thể tiếp cận ấn phẩm ấy (ví dụ như mượn liên thư viện, đường dẫn tới nơi có bài báo, trực tiếp liên hệ với tác giả, v.v.).
  • Tạo điều kiện cho tiếp cận liên thư viện có thể thực hiện được dễ dàng hoặc tìm cách mua ấn bản in nếu như nó rẻ hơn ấn bản mềm.
  • Tìm cách xây dựng những ứng dụng mới tạo điều kiện cho những cách tiếp cận khác đối với tư liệu khoa học, chẳng hạn như chia sẻ với nhau bản in lại, hay đưa ra địa chỉ email của tác giả để có thể liên lạc xin bản dùng riêng cho cá nhân. Điều này tất nhiên cũng sẽ giữ các quyền và việc sử dụng những kết quả nghiên cứu ấy trong phạm vi hợp pháp.

Một số đề xuất cho việc nghiên cứu tiếp theo ([8])

Như đã lưu ý nhiều lần trong bản báo cáo này, vấn đề hiện nay của bình duyệt trong việc xuất bản và đề bạt đã tới mức hầu như là ảnh hưởng độc hại tới thái độ xử sự của giới hàn lâm trong việc tìm kiếm danh phận. Để tìm kiếm một giải pháp thực tế, toàn diện và có thể áp dụng được nhằm tránh tác hại của cách xử sự này đối với toàn bộ sự nghiệp khoa học, chúng tôi đã thảo luận về một số lãnh vực cần được nghiên cứu nhiều hơn để cung cấp thông tin cho việc xây dựng những chính sách có hiệu quả  nhằm thực hiện những khuyến nghị đã nêu trên đây, cũng như thử nghiệm chống lại sự hoa mỹ trống rỗng thừa thãi trong tương lai của việc bình duyệt và truyền thông khoa học trong môi trường số hóa. Đặc biệt là, một lịch trình nghiên cứu như thế—bao gồm khảo sát thực trạng của hoạt động bình duyệt trong xuất bản bài báo khoa học và trong việc đề bạt, cách sử dụng những tiêu chí trắc lượng thư mục trong việc thúc đẩy và xếp hạng trường ĐH, và hiệu quả của những mô hình xuất bản mới—cần phải cắt ngang nhận thức luận của xã hội học  (xã hội học tri thức, phân tích mạng liên kết, hành vi của tổ chức), kinh tế học (nghiên cứu về lợi ích/ cái giá phải trả, lý thuyết lựa chọn hành vi và lý tinh, tâm lý học dân tộc học, khoa học chính trị (nghiên cứu điển hình về động lực quyền lực, quan hệ quốc tế), khoa học thông tin (trắc lượng thư mục, nghiên cứu người dùng), thống kê học, và nghiên cứu truyền thông (môi trường số, sinh thái học truyền thông). Nghiên cứu này cần mang tính thực nghiệm, có tính so sánh, và  bao hàm đầy đủ thực tiễn của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật, và khoa học nhân văn. Chủ đề và câu hỏi nghiên cứu có thể là:

  • Xác định những chỉ báo cơ bản đang được dùng để xét biên chế và đề bạt chức danh khoa học ở các trường và các nước.

Áp lực của nhà nước và của các trường đặt lên các nhà khoa học ở những nước phát triển và những nền kinh tế mới nổi về việc công bố kết quả nghiên cứu của họ trên những tập san danh tiếng nhất đã làm bùng nổ số lượng tập san trên toàn thế giới. Điều này không chỉ kìm hãm hiệu quả và chất lượng của việc bình duyệt mà còn đặt ra nguy cơ với năng suất nghiên cứu, những nỗ lực xuất bản khoa học chính đáng, ngân sách của thư viện, nguồn lực để bảo tồn những tư liệu số hóa. Giới hàn lâm cần có những nghiên cứu thực nghiệm về toàn bộ hệ thống tìm kiếm và công nhận danh phận khoa học trên toàn cầu, để giải quyết những khó khăn ấy. Ví dụ, giữa các trường và các nước, thực tế này khác biệt đến mức nào? Việc thực thi đánh giá hoạt động nghiên cứu đã có tác động như thế nào đến số lượng và chất lượng nói chung của nghiên cứu khoa học, cũng như tác động đến hoạt động giảng dạy ở những trường không phải là ĐH nghiên cứu?

Chi phí thực sự (gồm cả chi phí xã hội và chi phí cơ hội) đối với những trường định hướng giảng dạy khi họ hướng sự chú ý của giảng viên từ chỗ giảng dạy sang tăng cường nghiên cứu và đo lường điều này chủ yếu bằng bài báo khoa học? Để tìm ra mô hình thành công, loại trường nào có cách làm hay nhất, và loại nào chỉ dựa vào những chỉ báo thứ yếu, và tại sao? Liệu một kế hoạch hành động nhằm vào việc áp dụng những cách làm tốt hơn mà chúng tôi nêu ra trên đây có thể thực hiện được hay không, và nếu câu trả lời là có, thì bằng cách nào? Ví dụ, liệu có thể thử cải cách, như là giới hạn số bài báo khoa học trong hồ sơ xét duyệt biên chế và đề bạt, khuyến khích những giảng viên cao cấp tránh phổ biến kết quả nghiên cứu của họ trên những tập san chính thức, hay đổi việc bình duyệt cấp trường cho những quyết định đề bạt, liệu có được chăng?

  • Tìm cách làm cho chi phí thực hiện các ấn phẩm trở nên minh bạch hơn để nó có thể được phân bổ phù hợp hơn. Làm cách nào chúng ta có thể xác định, với những lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, cái giá của ấn phẩm – đối với các nhà xuất bản, và các trường ĐH—thuộc nhiều loại khác nhau? Chúng ta cần thu thập thông tin thị trường từ các nhà xuất bản để hiểu biết đầy đủ hơn về điều này. Bao nhiêu bài báo khoa học được đệ trình, được bình duyệt, bị từ chối, và được công bố? Bao nhiêu thời gian giảng viên đã tiêu ra cho những hoạt động này? Phần nào trong quy trình bình duyệt có thể bỏ qua, và phần nào phải được bảo toàn cho những mức độ khác nhau của tri thức và của những lĩnh vực chuyên ngành khác nhau? Chúng ta có thể suy nghĩ lại như thế nào về việc bình duyệt để có thể sử dụng được tốt nhất sức lao động của các nhà khoa học? [9] Điều quan trọng nhất là, làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một mô hình lành mạnh nhằm xác định số tiền mà ngân sách bao cấp cho các hoạt động nghiên cứu và công bố của giới giảng viên cả ở các trường công lập và tư thục?[10]
  • Khảo sát tính hiệu quả và khía cạnh kinh tế của những chính sách khác nhau về yêu cầu cho tiếp cận tự do những ấn phẩm đã qua bình duyệt cũng như chia sẻ dữ liệu ở giai đoạn trước khi công bố. Đâu là những rào cản hợp pháp trong việc chia sẻ kết quả nghiên cứu và dữ liệu trước khi công bố? hệ thống xuất bản hiện nay đang có hiệu quả đến mức nào trong việc đảm bảo chất lượng và hoạt động như một bộ lọc? Bằng cách nào và tại sao các nhà khoa học trẻ đã và đang đóng góp cho hiện tượng cố thủ trong khoa học? Có những mối nguy tiềm tàng nào khi chia sẻ dữ liệu, chẳng hạn bị các tổ chức vì lợi nhuận lợi dụng?  Làm thế nào chính sách cho tiếp cận mở có thể giải quyết chi phí thực sự của việc in ấn xuất bản tri thức khoa học, bao gồm bình duyệt và bảo tồn hồ sơ tri thức?
  • Xác định nguyên nhân thất bại và thành công của những thử nghiệm với những mô hình xuất bản khác. Những tập san như thế có thể cung cấp dịch vụ gì? Ai sẽ là nhân vật thích hợp để đóng vai xây dựng mô hình xuất bản mới? Liệu mô hình tiếp cận mở có phải là có hiệu quả nhất xét về chi phí đối với giới hàn lâm?
  • Tìm hiểu bài học thành công của những mô hình xuất bản cụ thể, ví dụ như ký thác tái bản. Ngoài giả thiết của Harley et al.(2010; 13, 24) cho rằng mô hình này thiên về những công trình có giá trị thương mại thấp, có lý do nào khác khiến những lĩnh vực chuyên ngành khác chưa phát triển mô hình xuất bản này? Liệu có thể xác định được rằng chúng ta có thể tránh bao nhiêu là lao động bình duyệt không cần thiết bằng cách áp dụng hệ thống như thế? Chúng ta có biết bao nhiêu ấn phẩm được ký thác như thế đã được tái bản chính thức ở đâu đó? Làm sao chúng ta có thể đo lường được bao nhiêu cá nhân đang sử dụng những công trình từ nhiều kho chứa khác nhau? Liệu đầu tư vào đó có phải là cách sử dụng ngân sách tốt nhất đối với mọi lĩnh vực?
  • Đánh giá xem trắc lượng thư mục hoặc những cơ chế đánh giá khác có mối liên quan gì với việc thanh lọc tri thức một cách hiệu quả, đáng tin cậy, theo một cách không thể dễ dàng ngụy tạo hay vi phạm? Như nhiều nhà nghiên cứu đã nêu, không chỉ vì tác động về mặt khoa học là một khái niệm đa diện không thể đo lường đầy đủ bằng bất cứ một chỉ báo nào (e.g., Bollen et al.2009, Van Noorden 2010), mà vì nhiều tiêu chí trắc lượng thư mục đang bị dùng sai một cách phổ biến (ví dụ như chỉ số ảnh hưởng của tập san là một thước đo tác động trung bình trong một quãng thời gian dài của một tập san, nhưng không hề nói lên điều gì về chất lượng của bất cứ bài báo khoa học cụ thể nào xuất hiện trên tập san đó). Liệu có thể xây dựng những thước đo đầy đủ, và cách dùng nó có tính chất khích lệ, trong những lĩnh vực chuyên ngành khác nhau? Việc sử dụng những thước đo của trắc lượng thư mục có mối quan hệ gì với việc bình duyệt định tính trong đề bạt chức danh khoa học, cạnh tranh tài trợ, và xếp hạng ĐH? Cộng đồng hàn lâm có thể tập hợp được một danh sách những công trình có ảnh hưởng nhất, bất kể nó được công bố ở đâu, như thế nào? Ảnh hưởng của những dịch vụ trắc lượng thư mục lớn nhất trong tay các nhà xuất bản như Thomson Reuter và Elsevier đối với những tổ chức học thuật lớn hơn, chính xác là như thế nào? Ảnh hưởng của các nhà xuất bản này đối với những cơ chế hay tổ chức xếp hạng ĐH toàn cầu là như thế nào?
  • Lưu giữ hồ sơ và đánh giá xem những thử nghiệm về bình duyệt mở, minh bạch, chủ yếu là bình luận đã làm giảm nhẹ hay tăng thêm gánh nặng cho việc bình duyệt và lọc lựa những bài báo khoa học liên quan. Có chăng đã đạt được những gì về chất lượng tri thức nói chung khi áp dụng những thử nghiệm đó? Nếu có, chi phí của nó ra sao, xét về sức lao động bỏ ra? Trong những chuyên ngành nào những thử nghiệm này thành công, và trong chuyên ngành nào thì nó thất bại? Những công trình gây tranh cãi có nên được bình duyệt công khai hay không, và công khai đến đến mức nào nhằm tránh tình trạng gian lận hay thiếu khả năng tái lập? Liệu sự “thông thái của đám đông” và những cuộc thi đại chúng có thể được dùng làm cơ sở cho những quyết định quan trọng liên quan đến đánh giá tri thức khoa học? Hay là nên dựa vào những mô hình chủ yếu là sử dụng kiến thức chuyên gia như truyền thống xưa nay (kể cả chủ nghĩa bảo thủ mà nó kế thừa) thì hiệu quả hơn?
  • Khảo sát cách thức tài trợ cho những mô hình xuất bản mới nhằm bảo trợ cho những công trình nghiên cứu quan trọng. Các hiệp hội chuyên ngành là một cộng đồng tự nhiên của những người đồng nghiệp trong một lĩnh vực chuyên môn và xưa nay vẫn có một vai trò quan trọng trong việc chủ động quản lý hoạt động bình duyệt ở nhiều cấp độ. Việc đăng ký mua dài hạn một ấn phẩm là một yếu tố quan trọng cho ngân sách vận hành của họ. Những mô hình nào trong việc tài trợ cho hoạt động xuất bản hiện nay hoặc trong tương lai có thể cung cấp nguồn tài chính cho các hiệp hội chuyên ngành mà vẫn tăng cường cơ hội tiếp cận những kết quả nghiên cứu đã được bình duyệt?
  • Khảo sát tình hình thực tế và những giá trị trong việc tìm kiếm và trích dẫn tư liệu khoa học. Người ta tìm những kết quả nghiên cứu đã công bố ở đâu? Tập san, hay kho lưu trữ (và kho lưu trữ nào?), hay Google Scholar? V.v. Điều này có thay đổi chăng trong thời đại kỹ thuật số? Các nhà khoa học quyết định sẽ đọc cái gì và sẽ trích dẫn cái gì như thế nào, trước hằng hà sa số bài báo và tập san? Hiểu biết về sự thay đổi cách xử sự trong việc tìm kiếm tư liệu thời đại kỹ thuật số sẽ là một điều chủ yếu để xây dựng những ấn bản mới có thể tiếp cận người đọc dễ dàng hơn, thay vì “xây nên một khu rừng không có khách tham quan”.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Abbott, Andrew. 2001. Chaos of Disciplines. Chicago, London: The University of Chicago Press.

—. 2008. Publication and the Future of Knowledge. Paper presented at the Association of American University Presses, June 27, Montréal, Canada.

Click to access aaup.pdf

Adema, Janneke. 2010. Overview of Open Access Models for eBooks in the Humanities and Social Sciences. Amsterdam, Netherlands: Open Access Publishing in European Networks (OAPEN), March 8. http://www.oapen.org/images/OpenAccessModels.pdf

Adema, Janneke, and Paul Rutten. 2010. Digital Monographs in the Humanities and Social Sciences: Report on User Needs. Amsterdam, Netherlands: Open Access Publishing in European Networks (OAPEN), January. http://www.oapen.org/images/D315%20User%20Needs%20Report.pdf.

Adler, Robert, John Ewing,and Peter Taylor. 2008. Citation Statistics: A Report from the International Mathematical Union (IMU) in Cooperation with the International Council of Industrial and Applied Mathematics (ICIAM) and the Institute ofMathematical Statistics (IMS) Joint Committee on Quantitative Assessment of Research. Berlin, Germany: International Mathematical Union (IMU), June 12. http://www.mathunion.org/fileadmin/IMU/Report/CitationStatistics.pdf.

Akerman, Richard. 2006. “Technical Solutions: Evolving Peer Review for the Internet,” NatureWeb Debate: Peer Review, doi:10.1038/nature04997, http://www.nature.com/nature/peerreview/debate/nature04997.html

Altbach, Philip G. 2006. The Tyranny of Citations. Inside Higher Ed, May 8, online edition, sec. Views. http://insidehighered.com/views/2006/05/08/altbach

Alberts, Bruce, Brooks Hanson, and Katrina L. Kelner. 2008. Reviewing Peer Review. Science321 (July 4). http://www.sciencemag.org/cgi/reprint/321/5885/15.pdf

American Society for Cell Biology (ASCB). 2009.ASCB Position on Public Access to Scientific Literature . American Society for Cell Biology (ASCB). http://ascb.org/index.cfm?navid=10&id=1968&tcode=nws3

APA/AIA Task Force on Electronic Publications. 2007. Final Report. Philadelphia, PA, Boston, MA: American Philological Association, Archaeological Institute of America, March 31. http://socrates.berkeley.edu/~pinax/pdfs/TaskForceFinalReport.pdf

Association of American Universities (AAU) et al. 2009. The University’s Role in the Dissemination of Research and Scholarship — A Call to Action (Association of American Universities (AAU), February. http://www.arl.org/bm~doc/disseminating-research-feb09.pdf

Bates, David, Janet Nelson, Charlotte Roueché, and Jane Winters. 2006. Peer Review and Evaluation of Digital Resources for the Arts and Humanities. Arts and Humanities Research Council (AHRC) ICT Strategy Project. London, UK: Institute of Historical Research, University of London, September. http://www.history.ac.uk/resources/digitisation/peer-review

Becher, Tony, and Paul R. Trowler. 2001. Academic Tribes and Territories: Intellectual Enquiry and the Culture of Disciplines. Second ed. Buckingham, UK: The Society for Research into Higher Education & Open University Press.

Bergstrom, Theodore C. 2001. Free Labor for Costly Journals? Journal of Economic Perspectives15, no. 3 (March): 183-198.

Bergstrom, Theodore C., and Carl T. Bergstrom. 2004.Can ‘Author Pays’ Compete with ‘Reader Pays’? NatureWeb Focus: Access the Literature. http://www.nature.com/nature/focus/accessdebate/22.html

Bergstrom, Theodore, and R. Preston McAfee. 2005. AnOpen Letter to All University Presidents and Provosts Concerning Increasingly Expensive Journals. http://www.mcafee.cc/Journal/OpenLetter.pdf

DRAFT Working Papers  Revised 4.22.10  32

CSHE/AWMF Workshop on Peer Review    April 5-6, 2010

Bergstrom, Carl, James Hendler, and Dan Chudnov. 2007. Fantasy Journals. Personal website, University of Washington. http://octavia.zoology.washington.edu/game.pdf

Bide, Mark, and Alicia Wise. 2010. 21st-Century Rights Management: Why Does It Matter and What Is Being Done? . Learned Publishing23, no. 1: 23-31(9).

Bollen, Johan, Herbert Van de Sompel, Aric Hagberg, and Ryan Chute. 2009. A Principal Component Analysis of 39 Scientific Impact Measures. PLoS ONE4, no. 6: e6022.

Borgman, Christine L. 2007. Scholarship in the Digital Age: Information, Infrastructure, and the Internet. Cambridge, MA: The MIT Press. http://mitpress.mit.edu/catalog/item/default.asp?ttype=2&tid=11333.

Boyer, Ernst. 1997. Scholarship Reconsidered: Priorities of the Professoriate. San Francisco: JosseyBass. http://www.josseybass.com/WileyCDA/WileyTitle/productCd-0787940690.html

Brown, Hannah. 2007. How Impact Factors Changed Medical Publishing–and Science. British Medical Journal334: 561-564.

Brown, Tracey. 2009. Peer Review Survey 2009: Preliminary Findings. London, UK: Sense About Science. http://www.senseaboutscience.org.uk/index.php/site/project/395

Brown, Laura, Rebecca Griffiths, and Matthew Rascoff. 2007. University Publishing In A Digital Age. New York, NY: Ithaka, July 26.

http://www.ithaka.org/strategic-ervices/Ithaka%20University%20Publishing%20Report.pdf.

Campbell, David, Y. S. Chi, Paul Courant, Phil Davis, Fred Dylla, Donald King, Richard McCarty, et al. 2010. Report and Recommendations from the Scholarly Publishing Roundtable. Washington, D.C.: Association of American Universities (AAU), January. http://www.aau.edu/policy/scholarly_publishing_roundtable.aspx?id=6894

Canadian Federation for the Humanities and Social Sciences. 2006. Position on Open Access. Canadian Federation for the Humanities and Social Sciences, March 25. http://fedcan.ca/images/File/PDF/Open%20Access%20Position.pdf

Casati, Fabio, Fausto Giunchiglia, and Maurizio Marchese. 2007. Publish and Perish: Why the Current Publication and Review Model is Killing Research and Wasting Your Money. ACM Ubiquity8, no. 3 (January). http://www.acm.org/ubiquity/views/v8i03_fabio.html

Casler, Robert, and Janet Byron. 2009. Managing Peer Review Online. Presentation at ACE/NETC. Des Moins, IO. http://www.slideshare.net/rcasler/managing-peer-review-online

Cox, John, and Laura Cox. Academic Journal Publishers’ Policies and Practices in Online Publishing, 3rd Edition. West Sussex, UK: The Association of Learned and Professional Society Publishers (ALPSP). http://www.alpsp.org/ngen_public/article.asp?aid=24781

Crow, Raym. 2002. The Case for Institutional Repositories: A SPARC Position Paper, ARL Bimonthly Report223, http://works.bepress.com/ir_research/7/

—. 2009. Income Models for Open Access: An Overview of Current Practice(Washington, D.C.: Scholarly Publishing and Academic Resources Coalition (SPARC), September, http://www.arl.org/sparc/publisher/incomemodels/

Cyburt, Richard H., Sam M. Austin, Timothy C. Beers, Alfredo Estrade, Ryan M. Ferguson, Alexander Sakharuk, Hendrik Schatz, Karl Smith, and Scott Warren. 2010. The Virtual Journals of the Joint Institute for Nuclear Astrophysics. D-Lib Magazine16, no. 1/2. http://www.dlib.org/dlib/january10/cyburt/01cyburt.html

Davis, Philip M. 2008. Self-Publishing Editor to Retire. The Scholarly Kitchen. November 28. http://scholarlykitchen.sspnet.org/2008/11/28/self-publishing-editor-retires/

—. 2009a. Horns of a Dilemma: Open Access or Academic Freedom. The Scholarly Kitchen. July 22. http://scholarlykitchen.sspnet.org/2009/07/22/horns-of-a-dilemma/

—. 2009b. Study Summary (prepared for Mellon report on Open Access Experiment)

—. 2010. ArXiv Ditches “Subscription-like” Model. The Scholarly Kitchen. Jan 29. http://scholarlykitchen.sspnet.org/2010/01/29/arxiv-ditches-subscription-like-model/

Davis, Philip M., and Matthew J. L. Connolly. 2007.Institutional Repositories: Evaluating the Reasons for Non-use of Cornell University’s Installation of DSpace. D-Lib Magazine. http://www.dlib.org/dlib/march07/davis/03davis.html

Edlin, Aaron S., and Daniel L. Rubinfeld. 2004. Exclusion or Efficient Pricing: The “Big Deal” Bundling of Academic Journals. Antitrust Law Journal72, no. 1: 119-157.

Ellison, Glenn. 2002. The Slowdown ofthe Economics Publishing Process. Journal of Political Economy110, no. 5. Journal of Political Economy: 947-993.

Ellison, Glenn. 2007. Is Peer Review in Decline? National Bureau of Economic Research (NBER), July. Working paper No. 13272. http://www.nber.org/papers/w13272

Esposito, Joseph J. 2004. The Devil You Don’t Know: The Unexpected Future of Open Access Publishing. First Monday9, no. 8. http://firstmonday.org/htbin/cgiwrap/bin/ojs/index.php/fm/article/view/1163/1083

Foster, Nancy F. and Susan Gibbons. 2005. Understanding Faculty to Improve Content Recruitment for Institutional Repositories, D-Lib Magazine11, no. 1. http://www.dlib.org/dlib/january05/foster/01foster.html

Friedlander, Amy. 2008. The Triple Helix: Cyberinfrastructure, Scholarly Communication, and Trust. Journal of Electronic Publishing11, no. 1. http://quod.lib.umich.edu/cgi/t/text/textidx?c=jep;view=text;rgn=main;idno=3336451.0011.109

Fry, Jenny, Charles Oppenheim, Steve Probets, Claire Creaser, Helen Greenwood, Valérie Spezi, and Sonya White. 2009. PEER Behavioural Research: Authors and Users vis-à-vis Journals and Repositories.  Http://www.peerproject.eu/fileadmin/media/reports/Final_revision_-_behavioural_baseline_report_-_20_01_10.pdf

Garfield, Eugene. 1993. Co-Citation Analysis of the Scientific Literature: Henry Small on Mapping the Collective Mind of Science. Current Comments19: 293-294. http://www.garfield.library.upenn.edu/essays/v15p293y1992-93.pdf

Ginsparg, Paul. 1996. First Steps Towards Electronic Research Communication in Physics. Solaris3. http://biblio-fr.info.unicaen.fr/bnum/jelec/Solaris/d03/3ginspar.html

Glenn, David. 2008. Some Anthropologists Continue the Slow Push Toward Open Access. The Chronicle of Higher Education, February 15, online edition, sec. Faculty. http://chronicle.com/daily/2008/02/1669n.htm

Greaves, Sarah, Joanna Scott, Maxine Clarke, Linda Miller, Timo Hannay, Annette Thomas, and Philip Campbell. 2006. Overview: Nature’s Trial of Open Peer Review. NatureWeb Debate: Peer Review. doi:10.1038/nature05535. http://www.nature.com/nature/peerreview/debate/nature05535.html

Greenberg, Steven A. 2009. How Citation Distortions Create Unfounded Authority: Analysis of a Citation Network. British Medical Journal339: b2680. doi:10.1136/bmj.b2680.

Guess, Andy. 2008a. Harvard Opts In to ‘Opt Out’ Plan. Inside Higher Ed, February 13, online edition, sec. News. http://www.insidehighered.com/news/2008/02/13/openaccess

Guterman, Lila. 2005. Peer-Review Researchers Explore Hyped Conclusions, Open Access, and Bias. The Chronicle of Higher Education, September 19, online edition, sec. Today’s News. http://chronicle.com/article/Peer-Review-Researchers-Exp/28246/

—. 2008. ‘Nature’ Journals Will Archive Authors’ Papers in Open-Access Databases. The Chronicle of Higher Education, July 8, online edition, sec. Books. http://chronicle.com/news/article/4798/nature-journals-will-archive-authors-papers-in-openaccess-databases

Hackman, Tim. 2009. What’s the Opposite of a Pyrrhic Victory? 1: Lessons Learned from an Open Access Defeat. College & Research Libraries News (C&RL News)70, no. 8. http://www.ala.org/ala/mgrps/divs/acrl/publications/crlnews/2009/oct/pyrrhicvict.cfm

DRAFT Working Papers  Revised 4.22.10  34

CSHE/AWMF Workshop on Peer Review    April 5-6, 2010

Hahn, Karla. 2008. Talk About Talking AboutNew Models of Scholarly Communication,” Journal of Electronic Publishing11, no. 1, Http://quod.lib.umich.edu/cgi/t/text/textidx?c=jep;view=text;rgn=main;idno=3336451.0011.108

Hansen, Stephen A., Michael Kisielewski, and Jana L. Asher. 2007. International Intellectual Property Experiences: A Report of Four Countries. Washington, D.C.: Project on Science and Intellectual Property in the Public Interest, American Association for the Advancement of Science (AAAS). http://sippi.aaas.org/Pubs/SIPPI_Four_Country_Report.pdf

Haque, Asif-ul, and Paul Ginsparg. 2009. Positional Effects on Citation and Readership in arXiv. Journal of the American Society for Information Science and Technology60, no. 11 (July 27): 2201-2218.

Harley, Diane (ed.). 2008. The University as Publisher: Summary of a Meeting Held at UC Berkeley on November 1, 2007. Center for Studies in Higher Education (CSHE), February. http://cshe.berkeley.edu/publications/publications.php?id=295.

Harley, Diane, Sarah Earl-Novell, Jennifer Arter, Shannon Lawrence, and C. Judson King. 2007. The Influence of Academic Values on ScholarlyPublication and Communication Practices. Journal of Electronic Publishing10, no. 2. Http://cshe.berkeley.edu/publications/publications.php?id=260

Harley, Diane, Sophia Krzys Acord, Sarah Earl-Novell, Shannon Lawrence, and C. Judson King. 2010. Assessing the Future Landscape of Scholarly Communication: An Exploration of Faculty Values and Needs in Seven Disciplines. University of California, Berkeley, CA: Center for Studies in Higher Education (CSHE), January. http://escholarship.org/uc/cshe_fsc

Harnad, Stevan. 2000. The Invisible Hand of Peer Review. Exploit Interactive5 (April). http://cogprints.org/1646/

Hirsch, J. E. 2007. An Index to Quantify an Individual’s Scientific Research Output. Proceedings of the National Academy of Sciences102, no. 46 (June 20): 16569-16572.

Hobbs, Richard. 2007. Should We Ditch Impact Factors? British Medical Journal334 (March 17): 569.

Houghton, John, Bruce Rasmussen, Peter Sheehan, Charles Oppenheim, Anne Morris, Claire Creaser, Helen Greenwood, Mark Summers, and Adrian Gourlay. 2009. Economic Implications of Alternative Scholarly Publishing Models: Exploring the Costs and Benefits. London, UK: Joint Information Systems Committee (JISC), January. http://www.jisc.ac.uk/media/documents/publications/rpteconomicoapublishing.pdf

Howard, Jennifer. 2008a. Congressional Hearing Over Public Access Filled With High Drama. The Chronicle of Higher Education, September 12, online edition, sec. Research. http://chronicle.com/daily/2008/09/4589n.htm

Howard, Jennifer. 2008b. New Ratings of Humanities Journals Do More Than Rank — They Rankle. The Chronicle of Higher Education, October 10, online edition, sec. Faculty. http://chronicle.com/weekly/v55/i07/07a01001.htm

Ivins, October, and Judy Luther. 2009. Library Options for Publishing Support. Presentation at the 155th ARL Membership Meeting. Washington, D.C., October 14. http://www.arl.org/resources/pubs/mmproceedings/155mm-proceedings.shtml

Jennings, Charles. 2006. Quality and Value: The True Purpose of Peer Review. NatureWeb Debate: Peer Review. doi:10.1038/nature05032. http://www.nature.com/nature/peerreview/debate/nature05032.html

Jensen, Michael. 2006. Authority 2.0 and 3.0: The Collision of Authority and Participation in Scholarly Communications. www.nap.edu/staff/mjensen/authority_3_0.pdf

—. 2008. The New Metrics of Scholarly Authority. The Chronicle of Higher Education, June 15, online edition, sec. The Chronicle Review. Http://chronicle.com/free/v53/i41/41b00601.htm.

Kaemper, Bernd-Christoph. 2009a. Hybrid Journal Pricing (1): Impending Oxford Open Price Increases. Stuttgart University Library, October. http://www.library.yale.edu/~llicense/ListArchives/0910/msg00076.html

DRAFT Working Papers  Revised 4.22.10  35

CSHE/AWMF Workshop on Peer Review    April 5-6, 2010

—. 2009b. Hybrid Journal Pricing (II): When and ByHow Much Will We See EMBO Prices Decrease? Stuttgart University Library, October. http://www.ub.uni-stuttgart.de/ejournals/Hybrid_journal_pricing_EMBO.doc

King, C. Judson. 2005. Structuring and Budgeting for Scholarly Communication within the University [Example is the University of California]. Whitepaper, Appendix E. Center for Studies in Higher Education (CSHE), University of California, Berkeley, July 15. http://cshe.berkeley.edu/publications/docs/scholarlycomm_report.pdf

—. 2007. Can the University World Take Over Scholarly Communiation and Publishing Completely? White paper. Center for Studies in Higher Education (CSHE), University of California, Berkeley, September 11. http://cshe.berkeley.edu/events/uaspublisher/SC-Universities-Do-It-All-Draft-91107.pdf

King, Donald W. 2007. The Cost of Journal Publishing: A Literature Review and Commentary. Learned Publishing20, no. 2: 85-106(22).

Kling, Rob, and Lisa B. Spector. 2004. Rewards for Scholarly Communication. In Digital Scholarship in the Tenure, Promotion, and Review Process, ed. Deborah Lines Anderson, 78-103. Armonk, NY: M.E. Sharpe. http://www.mesharpe.com/mall/resultsa.asp?Title=Digital+Scholarship+in+the+Tenure%2C+Promotion%2C+and+Review+Process

Kumar, Malhar N. 2010. The ‘Peer Reviewer as Collaborator’ Model for Publishing . Learned Publishing 23, no. 1: 17-22(6).

Lamont, Michèle. 2009. How Professors Think: Inside the Curious World of Academic Judgment. Cambridge, MA: Harvard University Press. http://www.hup.harvard.edu/catalog/LAMHOW.html

Lee, Christopher. 2006. Perspective: Peer Review of Interdisciplinary Scientific Papers. NatureWeb Debate: Peer Review. doi:10.1038/nature05034.

http://www.nature.com/nature/peerreview/debate/nature05034.html

Lev-Yadun, Simcha. 2008. A Gradual Peer-Review Process. Science322, no. 5901 (October 24): 528a. doi:10.1126/science.322.5901.528a.

Lynch, Clifford A. 2003. Institutional Repositories: Essential Infrastructure for Scholarship in the Digital Age. ARL226 (February): 1-7.

Mabe, Michael. 2010. STM responds to US Scholarly Publishing Roundtable Report and Recommendations. Press Release. The International Association of STM Publishers (STM), January 15. http://www.stm-assoc.org/news.php?id=279

Mark Ware Consulting Ltd. 2008. Peer Review in Scholarly Journals: Perspective of the Scholarly Community – an International Study. UK: Publishing Research Consortium. http://www.publishingresearch.net/documents/PeerReviewFullPRCReport-final.pdf

Markey, Karen, Soo Young Rieh, Beth St. Jean, Jihyun Kim, and Elizabeth Yakel. 2007. Census of Institutional Repositories in the United States: MIRACLE Project Research Findings (Washington, D.C.: Council on Library and Information Resources (CLIR), February. http://www.clir.org/pubs/abstract/pub140abst.html

Marshall, Catherine C. 2008. From Writing and Analysis to the Repository: Taking the Scholars’ Perspective on Scholarly Archiving, in Joint Conference on Digital Libraries (JCDL) ’08 (Pittsburgh, PA). http://www.csdl.tamu.edu/~marshall/p251-marshall-final.pdf

McDowell, Cat S. 2005. Evaluating Institutional Repository Deployment in American Academe Since Early 2005: Repositories by the Numbers, Part 2, D-Lib Magazine, 2007, http://www.dlib.org/dlib/september07/mcdowell/09mcdowell.html

McKiernan, Gerry. 2004. “Peer Review in the Internet Age: Five (5) Easy Pieces,” Against the Grain, no. 3: 50, 52-55.

Monastersky, Richard. 2005. The Number That’s Devouring Science. The Chronicle of Higher Education, online edition, sec. Research. http://chronicle.com/weekly/v52/i08/08a01201.htm

Morris, Sally. 2005. The True Costs of Scholarly Journal Publishing. Learned Publishing18, no. 2: 115-126.

Mullafiroze, Roxana. 2009. Faculty Debate Copyrighted Works Resolution. C-Ville (Charlottesville News & Arts), December 1. http://www.cville.com/index.php?cat=141404064432695&ShowArticle_ID=11803011093409800

National Institutes of Health (NIH). 2008. 2007-2008 Peer Review Self-Study: Final Draft. Washington, D.C.: National Institutes of Health (NIH), February 29. http://enhancing-peerreview.nih.gov/meetings/NIHPeerReviewReportFINALDRAFT.pdf

Nature. 2006. Web Debate: Peer Review. Http://www.nature.com/nature/peerreview/debate/index.html

Nevo, Aviv, Daniel L. Rubinfeld, and Mark McCabe. 2005. Academic Journal Pricing and the Demand of Libraries. The American Economic Review95, no. 2: 447-452.

Noll, Roger G., and W. Edward Steinmuller. 1992. AnEconomic Analysis of Scientific Journal Prices: Preliminary Results. Serials Review18: 32-37.

Park, Shirley. 2010. Faculty Senate Approves Open Access, Authors’ Rights Resolution. The Cavalier Daily, March 1. http://www.cavalierdaily.com/2010/03/01/faculty-senate-approves-open-accessauthors%E2%80%99-rights-resolution/

Poynder, Richard. 2009. Open Access: Whom Would You Back? Open and Shut?March 10. http://poynder.blogspot.com/2009/03/open-access-who-would-you-back.html

Research Information Network (RIN). 2009. The UK’s Share of World Research Output: An Investigation of Different Data Sources and Time Trends. London, UK: Research Information Network (RIN). www.rin.ac.uk/system/…/UK_share_research_output_REPORT.pdf

Resnik, David B., Christina Gutierrez-Ford, and Shyamal Peddada. 2008. Perceptions of Ethical Problems with Scientific Journal Peer Review: An Exploratory Study. Science and Engineering Ethics14, no. 3: 305-310.

Robeyns, Ingrid. 2008. How Much Should We Referee? Crooked Timber. February 12. http://crookedtimber.org/2008/02/12/how-much-should-we-referee/

Rodriguez, Marko A., Johan Bollen, and Herbert Van de Sompel. 2006. The Convergence of Digital Libraries and the Peer-Review Process. Journal of Information Science32, no. 2: 149-159.

Rowland, Fytton. 2002. The Peer-Review Process. Learned Publishing15, no. 4: 247-258.

Schmitz, Dawn. 2008. The Seamless Cyberinfrastructure: The Challenges of Studying Users of Mass Digitization and Institutional Repositories. Washington, D.C.: Council on Library and Information Resources (CLIR), April. http://www.clir.org/pubs/archives/schmitz.pdf

Shavell, Steven. 2009. Should Copyright Of Academic Works Be Abolished? Harvard Law and Economics Discussion Paper No. 655. Available at SSRN, December 18. http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1525667

Shieber, Stuart M. 2009. Equity for Open-Access Journal Publishing. PLoS Biology7, no. 8 : e1000165.doi:10.1371/journal.pbio.1000165.

Shulenberger, David E. 2001. On Scholarly Evaluation and Scholarly Communication: Increasing the Volume of Quality Work. College & Research Libraries News (C&RL News)62, no. 8. http://www.ala.org/ala/mgrps/divs/acrl/publications/crlnews/2001/sep/scholarlyevaluation.cfm

Shulenburger, David. 2007. University Research Publishing or Distribution Strategies? In Remarks Presented at the151st Membership Meeting of the Association of Research Libraries (ARL).

Washington, D.C., October 11. http://www.arl.org/bm~doc/mm-f07-shulenburger.pdf

Smith, Kathlin. 2008. Institutional Repositories and E-Journal Archiving: What Are We Learning?, Journal of Electronic Publishing11, no. 1. http://quod.lib.umich.edu/cgi/t/text/textidx?c=jep;view=text;rgn=main;idno=3336451.0011.107 DRAFT Working Papers  Revised 4.22.10  37

CSHE/AWMF Workshop on Peer Review    April 5-6, 2010

Smith, Kevin. 2010. OSTP Comments and the Issue of Compensation. Blog post. Scholarly Communications @ Duke. February 10. http://library.duke.edu/blogs/scholcomm/2010/02/10/ostp-comments-and-the-issue-ofcompensation/

Suber, Peter. 2001. Guide to the Open Access Movement. Http://www.earlham.edu/~peters/fos/guide.htm.

—. 2007. Open Access Overview: Focusing on open access to peer-reviewed research articles and their preprints. Richmond, IN: Earlham College, June 19. http://www.earlham.edu/~peters/fos/overview.htm

—. 2008. Open Access in 2007. Journal of Electronic Publishing11, no. 1. http://quod.lib.umich.edu/cgi/t/text/text-dx?c=jep;view=text;rgn=main;idno=3336451.0011.110

—. 2010. Open Access in 2009. SPARC Open Access Newsletter141 (January 2).

http://www.earlham.edu/~peters/fos/newsletter/01-02-10.htm#2009

Swan, Alma. 2010. Modelling Scholarly Communication Options: Costs and Benefits for Universities. Bristol, London, UK: Joint Information Systems Committee (JISC), February. http://ierepository.jisc.ac.uk/442/

Tenopir, Carol, and Donald W. King. 2000. Towards Electronic Journals: Realities for Scientists, Librarians, and Publishers. Washington, D.C.: Special Libraries Association.

The Editors. 2005. Revolutionizing Peer Review? Nature Neuroscience8: 397.

The PLoS Medicine Editors. 2006. The Impact Factor Game. PLoS Medicine3, no. 6: e291. doi:10.1371/journal.pmed.0030291.

The SCOAP3 Working Party. 2007. Towards Open Access Publishing in High Energy Physics: Report of the SCOAP3 Working Party. Geneva, Switzerland: European Organization for Nuclear Research (CERN), April 19. http://scoap3.org/files/Scoap3WPReport.pdf

The University of California Office of Scholarly Communication, The California Digital Library eScholarship Program, and Greenhouse Associates, Inc. 2007. Faculty Attitudes and Behaviors Regarding Scholarly Communication: Survey Findings from the University of California.

Oakland, CA: Office of Scholarly Communication, University of California, Berkeley, August. http://osc.universityofcalifornia.edu/responses/materials/OSC-survey-full-20070828.pdf

University Presses Collaborate in Innovative New Publishing Projects: The Andrew W. Mellon Foundation Supports Collaborative Scholarly Publishing of First Books in Four Underserved Fields. 2008. Association of American University Presses (AAUP), January 18. http://aaupnet.org/news/press/mellon12008.html

Van de Sompel, Herbert, and Carl Lagoze. 2009. All Aboard: Toward a Machine-Friendly Scholarly Communication System. In The Fourth Paradigm: Data-Intensive Scientific Discovery, ed. Tony Hey, Stewart Tansley, and Kristin Tolle. Redmond, WA: Microsoft Research. http://research.microsoft.com/enus/collaboration/fourthparadigm/4th_paradigm_book_part4_sompel_lagoze.pdf

Van Orsdel, Lee C., and Kathleen Born. 2009. Reality Bites: Periodicals Price Survey 2009. Library Journal(April 15). http://www.libraryjournal.com/article/CA6651248.html

Van Westrienen, Gerard and Clifford A. Lynch. 2005. Academic Institutional Repositories: Deployment Status in 13 Nations as of Mid 2005, D-Lib Magazine11, no. 9, http://www.dlib.org/dlib/september05/westrienen/09westrienen.html

Waaijers, Leo. 2009. Publish and Cherish with Non-proprietary Peer Review Systems. Ariadne59 (April). http://www.ariadne.ac.uk/issue59/waaijers/

Waltham, Mary. 2009. The Future of Scholarly Journals Publishing Among Social Science and Humanities Associations: Report on a Study Fundedby a Planning Grant from the Andrew W. Mellon Foundation. Washington, D.C.: National Humanities Alliance (NHA), February 18. http://www.nhalliance.org/bm~doc/hssreport.pdf

DRAFT Working Papers  Revised 4.22.10  38

CSHE/AWMF Workshop on Peer Review    April 5-6, 2010

Wardrip-Fruin, Noah. 2009. Blog-Based Peer Review: Four Surprises. Grand Text Auto. May 12. http://grandtextauto.org/2009/05/12/blog-based-peer-review-four-surprises/

Waters, Lindsay. 2004. Enemies of Promise: Publishing, Perishing, and the Eclipse of Scholarship. Chicago, IL: Prickly Paradigm. http://www.prickly-paradigm.com/authors/waters.html

Weale, Albert, and et al. 2007. Peer Review: The Challenges for the Humanities and Social Sciences. London, UK: The British Academy, September. http://www.britac.ac.uk/reports/peer-review/

Weller, Ann C. 2001. Editorial Peer Review: Its Strengths and Weaknesses. Medford, NJ: Information Today, Inc.

Wheeler, Brad, and Frank Acito. 2009. Empowering People: Indiana University’s Strategic Plan for Information Technology. Indiana University. http://ep.iu.edu/

Williams, Gareth. 2007. Should We Ditch Impact Factors? British Medical Journal334 (March 17): 568.

Willinsky, John. 2009. Toward the Design of an Open Monograph Press. Journal of Electronic Publishing12, no. 1 (February). Http://quod.lib.umich.edu/cgi/t/text/textidx?c=jep;cc=jep;rgn=main;view=text;idno=3336451.0012.103

Ghi chú

[1] Tựa do người dịch đặt. Tựa gốc: Peer Review in Academic Promotion and Publishing: Its Meaning, Locus, and Future (Bình duyệt đồng nghiệp với việc đề bạt chức danh khoa học và công bố kết quả nghiên cứu: ý nghĩa, vị trí, và tương lai).

[2] Mặc dù là bài trình bày trong các hội thảo, báo cáo nghiên cứu, blog, và những tác phẩm không qua bình duyệt khác có thể giúp các nhà khoa học tạo ra địa vị cao hơn cho những tác phẩm/ công trình của họ, và có thể ảnh hưởng đến quá trình đánh giá bằng văn bản của các chuyên gia bên ngoài, những thứ đó vẫn không thay thế được những công bố khoa học có bình duyệt trong quy trình xem xét đề bạt của  nhà trường (tuy cũng có ngoại lệ trong vài lĩnh vực, ví dụ như khoa học máy tính, là nơi báo cáo tại hội thảo được coi gần như là công bố). Điều này có lẽ là do, như Borgman (2007) đã nêu, các trường thấy đo lường kết quả đầu ra thì dễ hơn là đo lường đầu vào (ví dụ thời gian dành cho nghiên cứu, hay những hình thức khác).

[3] “đồng tiền khoa học” là cách nói ví von để chỉ các bài báo. Số lượng bài báo của một nhà khoa học được coi như số tiền mà một người sở hữu, nói lên mức độ giàu có của người ấy.

[4] Những hành động như thế có thể bao gồm cả việc đe dọa tẩy chay như đã xảy ra gần đây với Tập đoàn Xuất bản Nature do một số cá nhân nhà khoa học và quản thủ thư viện của  University of California đề xướng.

[5] Dù rằng, dĩ nhiên vẫn còn đó câu hỏi phức tạp về số tiền của ngân sách nhà nước đã chi ra trả lương cho giảng viên để họ thực hiện việc nghiên cứu.

[6] Trong một mô hình hỗ trợ ở cấp trường/viện, ngày càng nhiều trường tạo ra những cơ chế tài trợ nhằm hỗ trợ chi phí cho giảng viên thực hiện tiếp cận mở đối với kết quả nghiên cứu của họ. Chẳng hạn, tổ chức Sáng kiến về Tác động của Nghiên cứu của Berkeley đã khuyến khích các nhà khoa học của Đại học UC Berkeley xem xét mô hình tiếp cận mở như một cách làm cho kết quả nghiên cứu đã qua bình duyệt của họ được biết đến nhiều hơn.  Tổ chức này cải thiện việc tiếp cận với những kết quả nghiên cứu của UC Berkeley bằng cách cung cấp nguồn tiền cho các tác giả từ 1500 USD đến 3000 USD mỗi bài cho lệ phí đăng bài trên các tập san có đóng phí hoặc cho người đọc tiếp cận tự do (Xem thêm tại:  http://www.lib.berkeley.edu/brii/description.html.)  Harvard University cũng có cơ chế tài trợ tương tự để hỗ trợ giảng viên của họ đăng bài trên các tập san cho tiếp cận tự do. Như Stuart Sheiber đã nêu, những hỗ trợ như thế của các trường sẽ giúp cho các nhà xuất bản chuyển sang  những mô hình xuất bản mới: http://blogs.law.harvard.edu/pamphlet/2009/06/11/the-argument-for-gold-oa-support/

[7] Điều này khiến thư viện các trường rất khó phân bổ những nguồn lực bổ sung cho việc bước vào thị trường tập san, và bởi thế khó có thể chống lại sự độc quyền (cf. Edlin and Rubinfeld 2004).

[8] Một bản Sách Trắng trình bày phiên bản trước đây của những đề xuất này đã được đệ trình cho  NSF’s SBE 2020 . Tham khảo: Harley and Acord (2011), Hiểu biết về những động lực và hiểm nguy của việc tìm kiếm danh phận trong khoa học: nghiên cứu tác động của văn hóa chuyên ngành trong giới học thuật. Nguồn: http://www.nsf.gov/sbe/sbe_2020/submission_detail.cfm?upld_id=267.

[9] Thực nghiệm là cần thiết đối với nghiên cứu về chi phí và hiệu quả của bình duyệt trong nội bộ tập san, chẳng hạn trong Dự án củaTed Bergstrom về Journal Cost-Effectiveness (http://www.journalprices.com/).

[10] Giáo sư Chinh sách công, Pablo Ortellado, ở University of Sao Paulo, Brazil, đã làm một nghiên cứu về đề tài này. Ông đã chứng minh rằng, nếu thời gian của giảng viên và những ưu đãi về thuế được dành cho công nghệ xuất bản được đưa vào tính toán, sẽ có bao cấp ở mức độ lớn bất thường về xuất bản sách và tạp chí ở nước đó. Xem:  http://www.gpopai.usp.br/wiki/images/b/b5/Relatorio_livros_ingles.pdfhttp://www.gpopai.usp.br/wiki/images/d/d2/Oer.pdf