Phạm Thị Ly (2015)
(Người Lao động 30.08.2015)
Pan 28 tuổi (hiện sống ở Toronto, Canada) đã từng là niềm tự hào của cha mẹ cô, những người Việt định cư ở Canada từ nhiều năm trước và nuôi dạy các con với một niềm tin về tầm quan trọng tuyệt đối của việc thành công trong học tập. Họ gọi cô là “đứa trẻ vàng” vì cô luôn đạt điểm tốt, giành được học bổng vào ĐH, tốt nghiệp ngành dược danh giá của Trường ĐH Toronto, và có việc làm tốt trong một phòng thí nghiệm huyết học.
Câu chuyện của một nữ sinh gốc Việt
Nhưng tất cả chỉ là một sự dối trá. Sự thực là, cô thi rớt trung học, nói gì tới ĐH Toronto mà cô đã đóng kịch. Jenifer Pan đã nói dối cha mẹ về những thành tích học tập của mình. Tháng giêng vừa qua, cô vừa bị tuyên án chung thân vì đã cùng với bạn trai thuê người giết chết cha mẹ (Theo Toronto Life; Washington Post).
Cũng như nhiều người nhập cư châu Á khác, cha mẹ của Pan đến Canada với hai bàn tay trắng, làm việc cực khổ vất vả trong một nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi, sống tằn tiện dành dụm để hai đứa con có điều kiện học hành và có một tương lai tươi sáng hơn. Họ mong các con sẽ làm việc cần mẫn như họ để xây dựng cuộc đời trên nền tảng mà cha mẹ đã tạo ra. Pan học đàn từ lúc bốn tuổi, chơi thể thao, với hy vọng sẽ giành giải quốc gia. Từ thời tiểu học, nhiều khi 10 giờ tối cô bé mới về đến nhà, sau buổi tập trượt băng, rồi làm bài tập đến nửa đêm mới được đi ngủ.
Khi Pan học hết lớp 8, cha mẹ cô hy vọng rằng cô sẽ là học sinh giỏi nhất trường, được tuyên dương và được vinh dự đọc bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Nhưng cô chẳng có thành tích nào cả và tất nhiên không nhận được những vinh dự ấy. Cô bé bị sốc đến không nói thành lời.
Cấp 1, Pan từng là học sinh đứng đầu lớp, nhưng khi lên lớp 9, cô chỉ đạt điểm khá. Cô đã tự chế ra những bảng điểm xuất sắc cho mình bằng cách cắt dán, photo. Thật ra điểm khá là bình thường, nhưng trong gia đình Pan, nó bị coi là không thể chấp nhận được, so với tiêu chuẩn khắt khe của họ về thành tích học tập.
Cô thi rớt ĐH và giả vờ được trúng tuyển, ngày ngày khi cha mẹ cô thấy cô đón xe bus “đến trường” thì thực ra cô tới thư viện và hẹn hò. Xưa nay cô vốn bị cha mẹ cấm tuyệt các thứ tiệc tùng vui chơi, việc của cô là học, học và học, chớ có nói gì tới bạn trai. Vào lễ “tốt nghiệp”, cô nói sẽ rất đông người và không còn vé mời để cha mẹ cô có thể tham dự. Họ bắt đầu nghi ngờ, cuối cùng đã tìm ra sự thật.
Khi Pan thú nhận sự dối trá, cha mẹ cô tưởng chừng như trời đất đổ sụp. Nhận ra những nỗ lực của mình đã đổ sông đổ biển, họ áp dụng những cấm đoán nghiêm ngặt hơn nữa với đứa con gái giờ đây đã tới tuổi trưởng thành: không điện thoại, không máy tính, không hẹn hò bạn trai bạn gái!
Lúc đó, cô đã có bạn trai, vốn là bạn học, Daniel Wong. Cô nghĩ đời cô sẽ tốt hơn biết bao nếu không có cha mẹ. Với sự giúp sức của Daniel, cô lên kế hoạch giết hai người đã làm cho cô trở thành kẻ bị giam lỏng ở nhà. Kịch bản là dàn dựng một vụ cướp. Pan đóng vai bất lực chứng kiến kẻ cướp bắn cha mẹ. Ba kẻ được thuê David Mylvaganam, Lenford Crawford và Eric Carty đã bắn chết mẹ cô, còn cha cô trúng đạn và bị thương rất nặng. Pan đã gọi cảnh sát để tạo ấn tượng một vụ cướp.
Nhưng cảnh sát đã nhanh chóng tìm ra sự thật. Pan và ba kẻ đồng phạm đã bị kết án chung thân.
Áp lực thành công?
Bi kịch này đã gây chấn động truyền thông ở Canada và Mỹ, không phải chỉ vì tính chất bi thảm của nó, mà vì khi được chia sẻ rộng rãi trên Facebook, nó đã tạo ra một làn sóng chia sẻ những trải nghiệm tương tự của giới trẻ gốc Châu Á nhập cư Mỹ và Canada. Bi kịch của Pan rất tiêu biểu cho hiện tượng giấc mơ tương lai của người châu Á đã biến thành ác mộng cho con cái họ như thế nào. Nó là mặt trái của huyền thoại thành công. Có lẽ là không đúng khi ta khái quát hóa câu chuyện của Pan để chê trách các bậc cha mẹ châu Á, nhưng rõ ràng là chúng ta cần suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về những áp lực thành công mà chúng ta đặt ra cho con cái.
Hiển nhiên ai trong chúng ta cũng muốn con cái học hành đỗ đạt, giàu có và nổi tiếng, có địa vị xã hội, được thiên hạ trọng vọng. Và chúng ta mặc định rằng học hành và bằng cấp là con đường độc đạo để giành lấy những thành công ấy, để rồi ép buộc con em chúng ta bước vào con đường này bất chấp cái giá phải trả.
Nhưng có hai điều cần phải nghĩ lại: thực ra, thế nào là thành công? Và học hành, bằng cấp liệu có phải là cách duy nhất để đạt được nó?
Mặc dù trường hợp của Jenifer có tính chất cực đoan và cá biệt, nhưng những trường hợp tự tử hoặc tâm thần do áp lực thi cử học hành thì đã xảy ra không ít ở Việt Nam. Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia một năm khám và điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú và 36.000 bệnh nhân ngoại trú. Trong đó, nhóm đối tượng học sinh -sinh viên đến khám và điều trị chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Thời điểm học sinh đến khám và điều trị thường vào dịp tập trung ôn thi tốt nghiệp, thi đại học. Từ khóa “tự tử vì áp lực thi cử” cho chúng ta 13.400 kết quả tìm kiếm trên Google trong vòng 0,5 giây! Còn bao nhiêu trường hợp khác, không đi tới kết cục tự tử hay tâm thần, nhưng đã phải sống một tuổi thơ bất hạnh và vào đời lạc hướng chỉ vì những mong muốn và kỳ vọng quá cao của cha mẹ?
Thùy An vào ngành y trong lúc em không hề thích trở thành bác sĩ, mà chỉ vì cha mẹ em coi đó là một nghề nghiệp danh giá và một kế mưu sinh vững chắc cả đời. Ở tuổi 18, em không biết làm gì khác hơn là tuân theo mong muốn của cha mẹ, học trối chết để vào được trường y, và sáu năm tiếp theo quên ăn quên ngủ để lấy được tấm bằng bác sĩ. Tới lúc ra trường hành nghề, em không tài nào chịu đựng nổi cảnh máu me rên xiết của bệnh nhân, cuối cùng bỏ nghề đi làm nghề nhiếp ảnh; một công việc thu nhập bấp bênh nhưng làm cô rất sung sướng thích thú. Tấm bằng bác sĩ cuối cùng xếp vào đáy tủ. Cùng với nó, cô mất đi sáu năm tuổi trẻ, và cha mẹ cô thì mất một núi tiền.
Không phải ai cũng có can đảm đi con đường mình chọn như An. Bao nhiêu người đã cố sống cố chết học để đáp ứng mong muốn của cha mẹ, và không bao giờ có cơ hội để biết mình thực sự là ai, có khả năng gì đặc biệt, có những ước mơ như thế nào, có thể làm được điều gì.
Cái lỗi của cha mẹ, mà thực ra không chỉ của cha mẹ, mà cả nhà trường, là đã biến việc học tập, vốn là một quá trình khám phá đầy hứng thú, trở thành một việc khổ sai mà con em chúng ta phải cắn răng vượt qua để giành lấy phần thưởng là tấm bằng. Hơn thế nữa, nhà trường và rất nhiều gia đình chưa bao giờ dạy cho con em chúng ta bài học vượt qua thất bại như thế nào, trong lúc đó mới chính là bài học quan trọng nhất: những người thành công không phải là những người không bao giờ thất bại, mà chính là những người đã vượt qua thất bại và học được một cái gì đó từ những thất bại ấy.
Lẽ ra, thay vì đặt ra một kỳ vọng quá cao và áp dụng một kỷ luật nghiêm khắc để buộc con em giành lấy thành tích học tập, chúng ta cần nuôi dưỡng lòng khát khao hiểu biết, vốn là một nhu cầu rất tự nhiên của con người. Thay vì mơ ước con em chúng ta phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, chủ tịch, chúng ta hãy giúp các em tự khám phá những khả năng và thiên hướng của mình, giúp các em phát triển bản thân, và nuôi dưỡng trong các em những giá trị tinh thần vững chắc về đạo đức và công lý. Thành công sẽ đến với những người như vậy như là một kết quả tự nhiên, thay vì là một mục đích phải đạt được bằng mọi giá.
0 Comments