Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng Báo Người Lao Động ngày 1.11. 2014 )
Kiến thức sinh viên được học trong trường là những điều mà họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp. Trong khi đó, sinh viên lại không được học những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai của họ.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ( ĐHQG Hà Nội) thực hiện với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên thuộc 5 khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006 đến 2010) của 3 ĐH: ĐH QG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số báo động.
Những con số biết nói
Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công; 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là… tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác.
Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết, họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%. Các khảo sát trên đây đa số được thực hiện tại các trường ‘đầu tàu’ của Việt Nam, còn ở những trường ĐH khác có lẽ kết quả còn báo động hơn.
Những con số trên đây đã cho thấy ít nhất là hai vấn đề nghiêm trọng. Một là chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau quá trình 4 năm học ở bậc ĐH, đã có vấn đề đến nỗi hơn ¼ sinh viên sau khi ra trường từ 1-5 năm vẫn chưa tìm được việc làm, kể cả những việc trái ngành nghề hay những việc không cần được đào tạo ở bậc ĐH.
Hai là giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn. Trong lúc các doanh nghiệp không ngớt than phiền thiếu người làm được việc và khẳng định nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là chỗ « thắt cổ chai » cản trở những kế hoạch phát triển của họ, thì các cô cậu cử nhân mà các trường ĐH tạo ra vẫn không lấp được chỗ trống ấy vì họ được học trong trường những điều mà họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp, và đã không được học những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai của họ.
Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn cả ở tầm mức cá nhân lẫn quy mô xã hội. Bốn năm học ĐH của một sinh viên đối với nhiều gia đình nông dân là một hy sinh lớn lao. Học phí ĐH ở Việt Nam dù rất thấp cũng vẫn là gánh nặng với bao nhiêu gia đình. Lãnh đạo các trường ĐH cần cảm thấy mình đã có lỗi với những gia đình ấy khi không đem lại được cho sinh viên một nền giáo dục đủ để họ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển được trong thế giới việc làm.
Một lãnh đạo doanh nghiệp liên doanh đã nói với nhóm nghiên cứu chúng tôi, khi nhận sinh viên mới tốt nghiệp vào làm việc, ông mất 2 năm để tẩy rửa những gì các em đã được học và thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng cần thiết thì mới đáp ứng được công việc của doanh nghiệp.
Nhìn lại sứ mệnh đào tạo ĐH
Lối ra cho tình trạng đó, là các trường phải tư duy lại về sứ mạng của mình. Sứ mạng của một trường ĐH là một tuyên ngôn cho thấy lý do tồn tại của trường ĐH. Nó sẽ dẫn dắt và quyết định mọi hành động tiếp theo của nhà trường, cũng như cách mà nhà trường lựa chọn chiến lược để thực hiện mục tiêu của mình.
Đề án Đổi mới Giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 ban hành theo Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu trước năm 2020 cần đạt được“70-80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp- ứng dụng”. Ứng với mục tiêu này là Quy hoạch Tổng thể hệ thống GDĐH 2012-2030, với ba hoặc bốn tầng bậc, trong đó chỉ 5% số SV trong toàn hệ thống sẽ theo học tại các trường ĐH nghiên cứu và được đào tạo để trở thành các nhà khoa học tương lai. Số còn lại sẽ học trong các trường định hướng nghiên cứu (20% số SV), các trường tập trung giảng dạy (25% số SV), các trường CĐ 2 hoặc 3 năm (50% số SV).
Theo kế hoạch đó, sẽ chỉ có một số ít các trường tập trung vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ra các nhà khoa học. Những trường này sẽ thu hút những tài năng lỗi lạc tinh hoa nhất trong mọi ngành học và cũng sẽ đào tạo giảng viên có bằng tiến sĩ cho các trường ĐH khác trong cả hệ thống. Phần lớn các trường còn lại sẽ thực hiện hoạt động nghiên cứu ở mức độ cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chuyên ngành để phục vụ cho hoạt động giảng dạy và đào tạo của mình. Trọng tâm của những trường này do đó sẽ là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp – ứng dụng, nghĩa là đào tạo những người có đủ năng lực vận hành khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong xã hội.
Như vậy, sứ mạng quan trọng nhất của những trường này là đem lại cho SV những phẩm chất, kỹ năng, tri thức mà thế giới việc làm đòi hỏi. Trong một thế giới ngày càng trở nên tương thuộc, các trường ĐH phải là nơi chủ động tạo ra mối quan hệ các bên cùng có lợi với giới doanh nghiệp. Mối quan hệ này không chỉ là quan hệ một chiều, theo nghĩa doanh nghiệp hỗ trợ cho nhà trường cải thiện chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo; mà là quan hệ hai chiều, theo nghĩa nhà trường có thể thực hiện những công trình nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với nguồn tài trợ từ doanh nghiệp. Sự hợp tác đó còn là chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giúp tăng thu nhập cho nhà trường và giảng viên, đưa kiến thức khoa học vào cuộc sống, chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật.
Nếu các trường ĐH nghiên cứu tập trung chủ yếu cho khoa học cơ bản và cần được ngân sách quốc gia đầu tư mạnh mẽ, thì những trường ĐH chọn lựa sứ mạng định hướng nghề nghiệp -ứng dụng sẽ đặt trọng tâm vào nghiên cứu ứng dụng và không cần phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, mà hoàn toàn có thể dựa vào các doanh nghiệp để thực hiện.
Tuy vậy, để mở rộng những kết quả đó trong cả hệ thống, vẫn còn nhiều rào cản, mà trước hết là rào cản trong nhận thức. Văn hóa trọng bằng cấp hơn thực học, bệnh thành tích và hiếu danh là những yếu tố không hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn và ý chí của người lãnh đạo sẽ là một nhân tố cốt yếu bảo đảm cho thành công của nhà trường.
BOX
Gắn với thế giới việc làm
Giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp – ứng dụng, với tư cách một ý tưởng, một triết lý, một phong cách dạy và học, một chương trình đào tạo đặc thù về cấu trúc (cấu tạo theo mô-đun và các mức năng lực), về chương trình (tăng cường kỹ năng mềm và các môn học thực tiễn, tăng thời lượng thực hành, thực tập), về phương pháp gỉang dạy (coi sinh viên là trung tâm, chú trọng tương tác, làm việc nhóm, làm đồ án, làm bài tập thực hành), đã được thực hiện thí điểm ở 8 trường ĐH trong cả nước và đạt được những thành quả rất khích lệ. Một mặt, những chương trình này đã tạo ra một lớp sinh viên năng động, tự tin, giao tiếp tốt, chủ động và sáng tạo, nhờ được thụ hưởng một chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy đã được cải biến theo hướng gắn với thế giới việc làm.
0 Comments