(Bài phát biểu của bà Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường ĐH Harvard tại Davos, ngày 21 tháng 1 năm 2015)
Người dịch: Phạm Thị Ly (2015)

GDĐH là vấn đề cốt lõi để có một xã hội thịnh vượng: đó là bậc thang mạnh mẽ nhất, vững chắc nhất cho việc thúc đẩy những biến đổi về kinh tế- xã hội nhờ vào hoạt động của các trường ĐH nghiên cứu, nơi đã sản sinh hầu hết những khám phá lớn lao nhất của con người trong hai thế kỷ qua.

Chính tại thời điểm mà việc tiếp cận ĐH và khả năng chi trả của người dân cho việc học ĐH trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết, các trường ĐH trên thế giới đã và đang phải đối mặt với một bối cảnh đã đổi thay.  Có ba lực lượng đang tạo ra những khả năng và thách thức, những thứ sẽ định hình tương lai của trường ĐH với tư cách là một trong những tổ chức xã hội có một lịch sử lâu dài và đáng tin cậy nhất của loài người.

Ảnh hưởng của công nghệ

Các nhà nghiên cứu, các học giả chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ nhanh hơn, hiệu quả hơn nhờ vào môi trường kỹ thuật số phổ biến toàn cầu., và khả năng tiếp cận người học trên khắp thế giới nhờ vào hạ tầng giáo dục trực tuyến sẽ mở rộng phạm vi của GDĐH khi chúng ta tiến sâu vào thế kỷ 21.

Vấn đề đánh giá kết quả học tập và quy mô người học sẽ tìm được lời giải dễ dàng hơn nhờ vào khối lượng dữ liệu chưa từng có trước đây về việc bằng cách nào, khi nào, và ở đâu người ta học được tốt nhất, và những khám phá này sẽ định hình cách suy nghĩ và nhận thức của chúng ta về việc thế nào là dạy tốt và học tốt—trong các lớp học truyền thống, hay ở một nơi nào đó—cho những thế hệ tương lai.

Vì những nỗ lực này chứng minh cho những gì người học có thể đạt được từ xa, nó nhấn mạnh sức mạnh của việc tiếp xúc trực tiếp trong dạy và học. Giáo dục “tại chỗ”—tức làm việc và sống bên cạnh các bạn đồng học và thầy hướng dẫn —là thứ không thể tái lập trên mạng. Khi tôi nói chuyện với cựu sinh viên, họ thường nhắc tới những khoảnh khắc đặc biệt khi họ khám phá ra một điều gì đấy đã làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ của họ về chính mình và về chỗ đứng của họ trên thế giới này. Rất thường khi những khoảnh khắc ấy xảy ra trong một không gian chung, hay trong lớp học, nhà ăn, ký túc xá, giảng đường, phòng thí nghiệm. Không gian ấy cho họ được ở bên nhau và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau.

Bản thân khái niệm “tri thức”đang thay đổi

Nhiều trường ĐH nghiên cứu được tổ chức y như cuối thế kỷ 19, với các lĩnh vực chuyên ngành và bộ môn trên cơ sở bộ khung này nhà trường tổ chức hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, nếu chúng ta thử xem xét một số thách thức lớn lao nhất mà con người đang phải đối mặt, thì sẽ thấy là lằn ranh giữa các kiểu tri thức khác nhau trở thành rất tương đối, thậm chí biến mất hoàn toàn.

Khi virus Ebola xuất hiện ở Sierra Leone, các nhà nghiên cứu y tế cộng đồng ở  Harvard với sự hợp tác của Tây Phi đã nhanh chóng sắp xếp và phân tích hệ gen của nó, làm việc suốt ngày suốt đêm để có thể hiểu rõ cội nguồn và những biến thể của nó. Hiện nay, họ đang tạo ra những thiết bị cầm tay để phát hiện virus. Các nhà vật lý,  các thầy thuốc lâm sàng, các nhà hóa học, các kỹ sư đang làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề cụ thể và chuyên môn cũng như những vấn đề có tính chất văn hóa, lịch sử và chính trị.

Vấn đề quan trọng nhất trong những thời khắc ấy, và trong những hoàn cảnh tương tự, là công nhận rằng tầm cỡ phi thường của những tri thức chuyên môn mà con người có được là ở chỗ nó có thể được người khác sử dụng—và đem những bộ óc thông minh nhất đến với nhau để họ có thể làm việc cùng nhau về vấn đề ta đang cần giải quyết và tìm ra giải pháp, cũng như mở rộng khả năng vốn có trong họ trên mọi khía cạnh.

Thử định nghĩa giá trị của giáo dục

Tri thức có thể và sẽ trả lời hầu hết mọi câu hỏi hiện nay, còn GDĐH thì mang lại một con đường đến với cơ hội nghề nghiệp tương lai và một triển vọng thu nhập tốt. Những người tốt nghiệp ĐH kiếm được nhiều tiền hơn trong cả cuộc đời họ so với những người không học ĐH. Họ có xu hướng gắn bó với xã hội nhiều hơn, sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Đó là những kết quả rất quan trọng, và thật là dễ bị cám dỗ bởi ý nghĩ – không may là ngày càng phổ biến- coi GDĐH là phương tiện chỉ để đạt đến những kết quả ấy. Nhưng những thôi thúc ấy giải thích cho những hứa hẹn lớn lao về những gì các trường ĐH có thể và có nghĩa vụ phải mang lại cho từng cá nhân cũng như cho xã hội.

GDĐH nâng con người lên cao. Nó cho ta một quan điểm để nhìn vào ý nghĩa và mục đích của cuộc sống mà nếu không có giáo dục, có thể ta không nghĩ tới. Liệu có thể lượng hóa trải nghiệm này, truyền đạt giá trị của nó qua một tập dữ liệu? Hẳn là không! Nhưng nó chính là một trong những kết quả cao nhất và tốt nhất của GDĐH. Chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị cho thế hệ tương lai trở thành những con người biết tư duy, những con người hành động để dẫn dắt thế giới với những bằng chứng và lý lẽ mà họ đã được hướng dẫn, những người hiểu biết công việc của mình trong một bối cảnh rộng lớn hết mức có thể khi họ hình dung và xác định mục đích của mình. Chúng ta phải tiếp tục giúp con người vượt lên trên những thứ tức thời và những thứ chỉ là công cụ để khám phá nền văn minh nhân loại đã từng trải qua những bước tiến như thế nào và ta có thể hy vọng rằng nó sẽ tiến tới đâu.

Rất nhiều thành tựu loài người đạt được đã được duy trì và tỏa sáng trong hoạt động dạy và học diễn ra hàng ngày ở các trường ĐH, mảnh đất của sự sáng tạo và trí tò mò khoa học đã nuôi dưỡng nên những khát vọng đẹp nhất của con người, và rồi chính những khát vọng ấy đã cải thiện cuộc sống của họ —cũng như cách kiếm sống của họ. Vì bối cảnh này đang tiếp tục thay đổi, chúng ta phải thận trọng nhằm bảo vệ những lý tưởng trọng yếu của GDĐH, những lý tưởng đã phục vụ tất cả chúng ta khi chúng ta làm việc cùng nhau để cải thiện thế giới này.

Nguồn:https://agenda.weforum.org/2015/01/three-forces-shaping-the-university-of-the-future/