Tác giả: TS. Don Adams, Florida Atlantic University
(Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM trong Chương trình Fulbright 2002-2004)
Người dịch: Phạm Thị Ly
Cái tên bài của tôi có ý gợi ra sự khác nhau giữa hai hệ thống giáo dục Hoa Kỳ và Việt Nam, và giữa khuôn mẫu giáo dục Châu Âu và Châu Á nói chung.
Cụm từ “Ai cũng đều phải có giải thưởng” trích dẫn từ một cuốn truyện thiếu nhi lâu đời của Lewis Carroll “Cuộc phiêu lưu của Alice trong thế giới kỳ diệu”, trong đó kể về một thế giới “vô lý” mà mọi nhân vật đều xử sự trái với lương thức thông thường. Trong bối cảnh này, tôi muốn dùng cụm từ “ai cũng đều phải có giải thưởng” để nói đến một xu hướng sai lầm của các nhà giáo dục Hoa Kỳ trong việc đề cao sự tự tôn của học trò, không có lợi cho việc giáo dục thực sự, cũng như muốn nói đến một xu hướng cũng sai lầm như thế của sinh viên trong việc được phép bảo lưu những ý kiến không có căn cứ và phi lý. Quá nhiều ví dụ cho thấy hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đã gieo rắc sự ngu dốt trong khi thực hiện tham vọng phục vụ cho việc nâng cao ý thức giá trị bản thân của người học.
Với tư cách một giáo sư giảng dạy thơ ca hiện đại tại một trường đại học công, tôi đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giáo dục những sinh viên được dạy rằng những ý kiến thiếu giáo dục của họ chẳng phải là cái gì quan trọng. Khi được yêu cầu giải thích một bài thơ và được biết ý kiến của mình không đúng, họ thường phản ứng một cách tự vệ: “ À thì đó là ý nghĩa của bài thơ đối với tôi!” dù rằng ý nghĩa tự nó đã là một tham chiếu cá nhân. Tôi nhấn mạnh với những sinh viên ấy rằng ý kiến cá nhân không dựa trên những gì hợp lý và không chia sẻ những tri thức chung là những thứ vô giá trị và vô dụng trên thế giới này. Quá nhiều sinh viên Mỹ đã bị dẫn dắt tới chỗ tin rằng sự thật và ý nghĩa là vấn đề ý kiến riêng và đánh giá của cá nhân. Một khi không bị thử thách, những niềm tin phi lý ấy làm cho nền giáo dục chính thức thành ra gần như không thể thực hiện được mục tiêu.
Phần thứ hai trong cái tên bài của tôi, “trừng phạt những kẻ thua cuộc” xuất phát từ kinh nghiệm của tôi với tư cách một giảng viên đại học tại Việt Nam. Trong một chuyến đi thực địa tại đồng bằng sông Cửu long với sinh viên năm thứ ba của trường, tôi được mời tham dự một trò chơi. Tôi không nhớ được luật chơi, chỉ nhớ rằng trước khi bắt đầu các sinh viên đã nói với tôi rằng chúng ta sẽ phải quyết định xem mình sẽ trừng phạt kẻ thua cuộc như thế nào. Tôi đã đáp lại rằng: “Tại sao chúng ta không đơn giản là khen thưởng người thắng cuộc thay vì trừng phạt người thua cuộc?” Họ nói rằng tất nhiên là có thể, nhưng quan trọng hơn trong trò chơi tập thể này là trừng phạt người thua cuộc.
Thiên về trừng phạt người thua cuộc là đặc điểm của thực tiễn xử sự kiểu tập thể áp đặt. Sinh viên Viêt Nam không thiên về cái lỗi của sinh viên Mỹ thường cho rằng ý kiến của mình là đúng và có giá trị chỉ vì đó là ý kiến của mình, mà thiên về lối nghĩ cho rằng chỉ có ý kiến của tập thể mới là đúng và có giá trị, và nhiệm vụ của họ với tư cách sinh viên là biến ý kiến tập thể thành ra ý kiến của cá nhân mình, bằng cách ấy làm mạnh thêm ý kiến của tập thể.
Trong lớp học, những hành vi tập thể như vậy sẽ dẫn tới khuynh hướng đồng hóa thông tin thay vì phải phân tích. Sinh viên Việt Nam suy nghĩ có phê phán một cách miễn cưỡng bởi vì họ sợ mình thành ra khác biệt so với tập thể. Chấp nhận thông tin do những người có quyền đưa ra mà không thắc mắc gì thì an toàn hơn nhiều. Ở Việt Nam tôi không thấy có gì khó khăn trong việc làm cho sinh viên của mình học tập những gì tôi đưa ra cho họ. Họ là những người tài giỏi thành thạo trong việc ghi nhớ và lặp lại kiến thức trong các bài thi. Nhưng tôi thấy thật là khó đưa họ vào những vấn đề cần phân tích một cách có phê phán. Họ miễn cưỡng đặt vấn đề nghi vấn đối với những thông tin được cung cấp, và thấy thoải mái hơn trong việc ghi nhớ và lặp lại.
Ở Mỹ, nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy sinh viên đặt dấu hỏi với giá trị của những ý kiến thiếu cơ sở của họ. Họ còn đi xa hơn cả việc phê phán bất cứ thứ tư liệu gì người ta mang đến cho họ. Nhưng họ cũng đã đi quá xa khi phê phán mà không hiểu được những gì họ đang phê phán. Họ cứ nói; “Đó là ý nghĩa của bài thơ đối với tôi” và cho cả lớp thấy rằng họ đã học được một cái gì đó, trong lúc thực ra họ chỉ làm vừa lòng ý muốn thể hiện bản thân mình như một cá nhân.
Thử thách đối với sinh viên Việt Nam là học cách xây dựng ý kiến cá nhân trong một tập thể qua tiếp nhận thông tin được những người có thẩm quyền cung cấp và để cho những thông tin ấy phải trải qua những phân tích có tính chất phê phán. Thử thách đối với sinh viên Mỹ là học cách đặt dấu hỏi với những ý kiến không căn cứ của mình để có thể học hỏi được điều gì đó từ những người biết nhiều hơn họ.
Sinh viên Mỹ, sinh viên Việt nam và các nhà giáo dục hiển nhiên là có rất nhiều điều có thể học hỏi lẫn nhau. Bởi vậy tôi rất vui được tham gia Hội thảo này và lấy làm tiếc là tôi không thể đến để tham dự trực tiếp.
0 Comments