GIAN LẬN TRONG KHOA HỌC & VĂN HÓA HỌC THUẬT Ở TRUNG QUỐC VÀ CHÂU Á

Tác giả: Philip Altbach
Người dịch: Phạm Thị Ly (2010)

Khi tờ The Economist  (trong số ra ngày 24-30 tháng 7 năm 2010, trang 43),  một trong những tờ tạp chí có ảnh hưởng mạnh nhất thế giới, giành sự chú ý của họ cho hiện tượng gian lận trong khoa học ở Trung Quốc, vấn đề này đã lôi cuốn sự quan tâm rất lớn của quốc tế. Trong bài “Bước vào hàng ngũ những con rồng? Không nhanh lắm đâu” (Times Higher Education, ngày17-6-2010, tr. 38-39), tôi đã viết về vấn đề này trong bối cảnh rộng hơn của những nỗ lực mà các nước châu Á đang thực hiện nhằm giành được vị trí lãnh đạo trong học thuật trên phạm vi toàn cầu.  Tờ The Economist đã đưa ra một số ví dụ xuất sắc về sự thiếu trung thực trong khoa học, nạn đạo văn, lạm dụng bằng cấp và giải thưởng ở Trung Quốc.

Người ta có thể dễ dàng mở rộng danh sách này để bao gồm cả các nước châu Á khác, nơi mà những tham vọng về học thuật và tầm quan trọng của giáo dục đại học được nhận thức với một sức mạnh vượt xa cả nguồn lực lẫn khả năng hình thành văn hóa học thuật. Chẳng hạn, ở Pakistan, một cuộc khảo sát về bằng cấp học vấn của các đại biểu quốc hội (có quy định đại biểu quốc hội phải có bằng cấp sau trung học) cho thấy gần 200 người đã dùng bằng giả. Nhiều trường hợp gian lận học thuật, đạo văn,  và những ví dụ khác về việc công chức không làm đúng chức trách đã được phát hiện ở Hàn Quốc, Việt Nam, và một số nước châu Á khác.

Hẳn nhiên không ai nghi ngờ gì về việc những hiện tượng này là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nhân tố trọng yếu cần đề cập, đó là văn hóa học thuật về sự trung thực và việc dùng người dựa trên tài năng đã không đuổi kịp tham vọng của các nước này. Đây là điều cần để phát triển các trường đại học và xây dựng những trường đẳng cấp quốc tế. Tổ chức đời sống học thuật và xây dựng văn hóa dùng người dựa trên tài năng, cũng như xây dựng văn hóa về sự liêm khiết và tin cậy trong hoạt động nghiên cứu là một điều vô cùng trọng yếu. Ở nhiều nơi vấn đề nảy sinh bắt đầu từ việc bổ nhiệm các chức vụ học thuật nhiều khi không dựa trên tài năng phẩm chất mà dựa trên những mối quan hệ cá nhân, từ hiện tượng đồng huyết (chọn người tốt nghiệp từ trường mình ra để bổ nhiệm giảng viên thay vì tìm những ứng viên tốt nhất trong phạm vi rộng hơn và chính đáng hơn), và trong nhiều trường hợp, từ tham nhũng trong việc tuyển sinh, thi cử, hay những chuyện khác nữa.

Tạo ra văn hóa học thuật không hề là một chuyện dễ dàng. Những cách làm truyền thống trong việc bổ nhiệm và đề bạt có lẽ đã ăn sâu trong các trường đại học. Như tờ Economist đã cho thấy, người ta đã nhấn mạnh số lượng hơn là chất lượng khi nói đến các công bố khoa học. Và sự nhấn mạnh vào mức độ thâm niên hay sự tôn trọng những người có thẩm quyền đã bắt rễ rất sâu trong lòng các xã hội châu Á. Các trường đại học  chưa hình dung được việc gắn bó những chuẩn mực có tính chất tiêu chuẩn của giáo dục đại học phương Tây với những giá trị và truyền thống châu Á. Điều này rất có thể là bất khả thi— mô hình phương Tây về văn hóa học thuật và về cơ cấu tổ chức trường đại học đã được coi là điểm mốc để đối sánh trên phạm vi quốc tế cho đến nay nhưng mô hình này có thể là không thích hợp với tất cả các nước hay tất cả các trường đại học.

Có lẽ bài học có thể rút ra là trong khi cơ sở vật chất hạ tầng chỉ cần có tiền là đủ, thì việc vun đắp một nền văn hóa học thuật hiệu quả có thể hỗ trợ việc giảng dạy và nghiên cứu chất lượng cao sẽ đòi hỏi nhiều hơn chứ không chỉ là tiền—ít nhất là thời gian và tư tưởng. Những sắc lệnh chính phủ về việc xây dựng các trường đại học “đẳng cấp thế giới” sẽ không nhanh chóng đạt được kết quả. Điều cần làm là chú trọng đầy đủ đến  “văn hóa mềm” của giáo dục đại học — các chuẩn mực và giá trị đã được sáng tạo qua thời gian đã tạo ra kết quả trong mô hình trường đại học nghiên cứu hiện đại. Một điều rất đáng lưu ý là trường đại học nghiên cứu hiện đại không phải ra đời chỉ qua một đêm — nó đã diễn tiến từ thời von Humboldt thành lập Trường Đại học Berlin ở đầu thế kỷ 19 và từ sự hình thành trường đại học nghiên cứu Hoa Kỳ ở cuối thế kỷ này.

Trung Quốc và các nước châu Á khác cần chú ý nhiều hơn đến việc phát triển một nền văn hóa về sự liêm chính và trung thực trong học thuật — một nhiệm vụ không dễ dàng. Tự do học thuật, cũng như việc tạo ra một bậc thang sự nghiệp và đánh giá chất lượng hoạt động cho giới hàn lâm, và sự công nhận tầm quan trọng của sự liêm chính trong tất cả mọi hoạt động của trường đại học là những thành tố hết sức cốt yếu. Và cũng sẽ cần phải có thời gian để nền văn hóa này ăn sâu bắt rễ trong nhà trường.

Người ta có thể kết luận bằng cách chỉ ra rằng các trường đại học phương Tây cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về đạo đức nghiêm trọng. Sự gia tăng xu hướng tập đoàn hóa và thương mại hóa của ngay cả những trường đại học hàng đầu đã tạo ra nhiều căng thẳng cho văn hóa học thuật. Sự xói mòn sứ mạng phục vụ lợi ích công của các trường đại học đang tiếp diễn và kích thích thêm những căng thẳng ấy. Về nhiều mặt, đây là thời đại đầy thách thức đối với nghề giảng viên và đối với nền văn hóa nghiên cứu đã được vun bồi hết sức chu đáo trong gần hai thế kỷ qua.

 

Nguồn: Inside Higher Education ngày 26-7-2010 http://www.insidehighered.com/blogs/the_world_view/academic_fraud_and_the_academic_culture_in_china_and_asia

 

* Philip G Altbach là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College ở Mỹ.