Phạm Thị Ly (2012)

Tóm tắt

Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng bậc nhất của trường đại học nghiên cứu (ĐHNC), vì vậy kế hoạch chiến lược về hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) có vai trò trọng yếu trong việc xây dựng trường ĐHNC. Việc xây dựng và thực hiện chiến lược này chỉ có hiệu quả khi nó được xây dựng dựa trên những nghiên cứu và bằng chứng xác đáng. Bài viết này trình bày những khả năng mà các nghiên cứu về đo lường khoa học, đặc biệt là đo lường thư mục khoa học, có thể đóng góp cho việc cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược đó. Những đóng góp ấy bao gồm phân tích hồ sơ năng lực của nhà trường, phân tích các xu hướng nghiên cứu trên quốc tế, phân tích đặc điểm đội ngũ và xu hướng phát triển của cá nhân nhà khoa học. Những chỉ báo về đo lường khoa học cũng đồng thời là công cụ để giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chiến lược. Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập chiến lược dựa trên chứng cứ đồng thời cho rằng cần nhìn các phân tích định lượng đó một cách tương đối.

SCIENTOMETRICS ANALYSIS AS EVIDENCE-BASED STRATEGIC PLANNING FOR RESEARCH UNIVERSITIES

Abstract

Scientific research is the most important work of research universities, therefore science and technology strategic plan plays a critical role in building research universities. The development and implementation of this strategy is best effective when it is based on the qualitative analysis evidence. This article presents the possibility that the scientometrics, particularly bibliometrics can contribute to the provision of information as a basis for the formulation and implementation of strategic planning. The contributions include analysis of institution profile, development trends in scientific research across the countries, the research workforce, as well as identifying individual scientistsb who are best performer orpromising researchers. These measurement indicators can also be used to monitor and evaluate the implementation of strategy. Finally, the paper highlights the importance of evidence-based strategic planning but also stressses that one should see the quantitative analysis as a relative measurement as scientific output is only a part of research university contributions to society.

               Với chủ trương phân tầng hệ thống, tức là tạo ra một hệ thống GDĐH đa dạng bao gồm nhiều loại trường với những đặc điểm khác nhau, có những sứ mạng khác nhau và phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của xã hội như đã được nêu rõ trong Luật GDĐH[1], sắp tới chúng ta sẽ có một số trường ĐH được đầu tư xây dựng để trở thành những trường đại học nghiên cứu thực thụ theo những chuẩn mực được quốc tế công nhận. Xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học công nghệ ở những trường này sẽ là một công việc cực kỳ quan trọng.

Trong thực tế, việc xây dựng kế hoạch chiến lược ở các trường ĐH là một hoạt động mới được đưa vào các trường ĐH chưa đầy một thập kỷ; hiện nay ở nhiều trường vẫn còn một khoảng cách lớn giữa kế hoạch chiến lược và những hoạt động cụ thể trong thực tế ở các trường. Sở dĩ có tình trạng ấy, một phần là do kế hoạch chiến lược đã được xây dựng dựa trên những mong muốn chủ quan thay vì dựa trên những chứng cứ xác thực được nghiên cứu đầy đủ. Những mục tiêu được nêu ra trong kế hoạch chiến lược, đáng lẽ phải dựa trên những phân tích có cơ sở về thực trạng và năng lực hiện tại của tổ chức, cũng như về nguồn lực và khả năng tìm kiếm nguồn lực, thì hầu hết chỉ diễn đạt một tham vọng thiếu căn cứ. Bởi vậy, kế hoạch chiến lược sau khi xây dựng xong đã có rất ít khả năng biến thành thực tế.  Bài viết này trình bày những ý tưởng về việc có thể dùng những kết quả của đo lường khoa học vào việc xây dựng chiến lược nghiên cứu cho các trường đại học nghiên cứu (ĐHNC) như thế nào.

  1. Ý nghĩa của kế hoạch chiến lược đối với các trường ĐH.

 Kế hoạch chiến lược không phải là điều xa lạ với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh, nhưng ý tưởng xây dựng kế hoạch chiến lược cho các trường ĐH chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Hoa Kỳ từ thập kỷ 50, và trở thành phổ biến hơn từ thập kỷ 70 tuy vẫn chủ yếu mô phỏng cách làm của các doanh nghiệp, tức là tập trung chủ yếu vào khía cạnh tài chính, bao gồm số lượng tuyển sinh, nhu cầu phát triển nhân sự, những thay đổi trong chương trình đào tạo, kế hoạch xây dựng cơ sở và tìm kiếm nguồn lực (Charles A. Goldman and Hanine Salem, 2013, Kotler và Murphy, 1981). Ở châu Âu, sự thay đổi trong cơ chế tài trợ đại học và thành phần sinh viên trong thập kỷ 90 cũng khiến các trường ĐH bắt đầu áp dụng mô hình kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp để xây dựng một lộ trình hoạt động cho mình.

Tuy trường ĐH có những đặc điểm khác biệt về bản chất so với các doanh nghiệp, việc vận dụng kinh nghiệm xây dựng kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp đã tỏ ra rất hữu ích trong việc giúp các trường đáp ứng với những thay đổi của môi trường và hoạt động có hiệu quả hơn. Trong ba thập kỷ gần đây, đã có nhiều tác giả nhấn mạnh vào những khác biệt nói trên: trường ĐH bao gồm những đơn vị và cá nhân có tính độc lập và tự chủ cao; nó nhằm vào những mục tiêu dài hạn, những kết quả mà nó tạo ra nhiều khi “vô hình” và không dễ đo lường. Bởi vậy, việc xây dựng chiến lược của trường ĐH đòi hỏi có sự tham gia của giới giảng viên, vì họ là nhân vật chính của nhà trường (Gumport and Sporn, 1999; Bayenet, Feola, and Tavernier, 2000; de Lourdes Machado and Peterson, 2008). Crisp (1991) định nghĩa xây dựng kế hoạch chiến lược cho các trường ĐH nghĩa là xác định những hoạt động nào sẽ được thiết kế nhằm thực hiện một hướng đi tương lai của nhà trường, bao gồm cả việc nêu ra những bước cụ thể nhằm đi theo định hướng ấy.

Một chiến lược có hiệu quả, tức là có nhiều khả năng biến thành hiện thực và gắn kết với các hoạt động của nhà trường, khi nó nhận diện được những động cơ cụ thể của các bên liên quan và đáp ứng với những động cơ ấy. Nó cũng cần được xây dựng theo cách quân bình giữa lối tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống: kế hoạch chiến lược hẳn nhiên phải phản ánh tầm nhìn của người lãnh đạo, nhưng nó cũng cần xuất phát từ nhu cầu, sự mong muốn, cũng như khả năng của những người sẽ thực hiện nó. Kế hoạch chiến lược cần có trọng tâm, cần khả thi, nghĩa là được xây dựng dựa trên chứng cứ và sự phân tích thấu đáo. Nó cũng cần dự kiến trước các bước thực hiện, những cách thức giám sát, và những tiêu chuẩn để đánh giá (West Burnham, 1994; Kotler and Murphy, 1981; Barton and Martin, 1998). Và trên hết, kế hoạch chiến lược phải nhất quán với sứ mạng của nhà trường.

Phần tiếp theo của bài viết sẽ đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể của kế hoạch chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc xây dựng một trường ĐHNC: kế hoạch chiến lược cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN).

  1. Kế hoạch chiến lược về hoạt động nghiên cứu KHCN:

 Hoạt động nghiên cứu KHCN là hoạt động trọng yếu nhất của một trường ĐHNC. Kế hoạch chiến lược về hoạt động nghiên cứu KHCN được xây dựng nhằm trả lời câu hỏi: trọng tâm nghiên cứu của nhà trường là những lãnh vực nào (nên phát triển thế mạnh đang có hay nên xây dựng những lĩnh vực mới; lĩnh vực nào là quan yếu hoặc có triển vọng tích cực đối với khu vực, đối với quốc gia hay thế giới); cần vận dụng những chiến lược gì và với nguồn lực như thế nào để phát triển những lĩnh vực ấy; và cuối cùng, đo lường những kết quả ấy như thế nào.

Tất cả những câu hỏi đó đều cần có dữ liệu để trả lời.   Hầu hết các yếu tố cần phân tích để làm cơ sở cho việc trả lời những câu hỏi trên, đều có thể lượng hóa và đo lường được. Bộ môn khoa học thực hiện công việc ấy chính là Đo lường khoa học (scientometrics), với các nhánh gần gũi của nó là “Đo lường ấn bản khoa học” (Bibliometrics), “đo lường thông tin” (informetrics), “Đo lường mức độ được biết đến trên không gian mạng” (webometrics), “Đo lường mạng” (netometrics), “đo lường không gian ảo”(cybermetrics). Tất cả các thứ thước đo ấy đều liên quan đến việc đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và trực tiếp cung cấp minh chứng cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược về hoạt động KH-CN.

Nan Ma và Weiping Yue (2013) đề nghị một bộ tiêu chí đo lường và phân tích thành quả nghiên cứu, loại dữ liệu quan trọng bậc nhất đối với các trường ĐHNC khi đưa ra những quyết định chiến lược, như sau:

Phạm trù Thước đo
Năng suất Số bài báo
Tỉ lệ bài báo mỗi chuyên ngành
Tác động Số lượng trích dẫn
Chỉ số H
Hiệu quả Tỉ lệ trích dẫn trung bình
Tỉ lệ phần trăm những bài được trích dẫn
Tác động tương đối/ đối sánh Tác động trích dẫn tương đối
Tỉ lệ trích dẫn thực tế/tỉ lệ kỳ vọng của tập san khoa học
Tỉ lệ trích dẫn thực tế/tỉ lệ kỳ vọng trong từng chuyên ngành
Tỉ lệ các bài nằm trong các bài có tác động mạnh nhất trong chuyên ngành
Chỉ số hoạt động tính gộp
Chuyên ngành Chỉ số chuyên ngành
Chỉ số liên ngành

Bảng 1. Tiêu chí đo lường và phân tích thành quả hoạt động nghiên cứu khoa học

Nguồn: Nan Ma và Weiping Yue (2013)

  1. Kết quả phân tích đo lường khoa học phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược KHCN như thế nào?

 Phân tích hồ sơ năng lực của nhà trường: nhằm trả lời câu hỏi “chúng ta đang ở đâu”. Con số về công bố khoa học của một trường ĐH cho ta một hình dung tương đối về năng suất của nhà trường, so sánh với những trường cùng loại trong khu vực. Một ví dụ có thể là:

Chỉ tiêu ĐHQG-HCM ĐHQG-HN Chulalongkorn
Ấn phẩm khoa học 569 414 6047
% hợp tác quốc tế 53.6 66.9 36.5
Chỉ số tập trung 0.9 0.8 0.6
% trên các tập san “top 25” 26.9 32.9 39.2
Chỉ số xuất sắc 7.2 5.3 9.9
Chỉ số ảnh hưởng (c) 1.1 0.9 0.9

Bảng 2. So sánh mức độ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học của hai ĐHQG Việt nam và ĐH Chulalongkorn của Thái Lan

Nguồn: Trích từ báo cáo SCImago Institutions Rankings 2011

Theo phân tích của Nguyễn Văn Tuấn: Với 3045 giảng viên và nhà nghiên cứu, ĐHQG-HCM “sản xuất” được 569 bài báo trong 5 năm. Tính trung bình, 5 người sản xuất được 1 bài báo trong vòng 5 năm. Nói cách khác, năng suất là 1 cán bộ giảng dạy hoặc nghiên cứu cần 5 năm để công bố 1 bài báo khoa học. Năng suất khoa học của ĐHQG-HN cũng tương tự (1 công trình trong 5 năm cho mỗi cán bộ khoa học). Ở Chulalongkorn, năng suất trung bình là mỗi giảng viên công bố 1 bài trong 2 năm, tức cao hơn hai đại học quốc gia hơn 2 lần.

Để đánh giá nội lực, xu hướng phát triển của số lượng công bố khoa học có hợp tác quốc tế sẽ cung cấp cơ sở cho nhận định:

Biểu đồ 1: Số bài báo khoa học có và không có hợp tác quốc tế của ĐHQG-HCM
từ 2006-2010

Nguồn: Ly T. Pham, Tho D. Dinh, Tuan V. Nguyen (In press)

Và đặc biệt là dữ liệu về công bố khoa học trong các lĩnh vực chuyên môn, cho thấy những lĩnh vực đang có thế mạnh:

Biểu đồ 2. Số bài báo khoa học của ĐHQG-HCM (2006-2010) theo ngành và theo tính chất có hay không hợp tác quốc tế

Nguồn: Ly T. Pham, Tho D. Dinh, Tuan V. Nguyen (In press)

Trong khi thu thập và phân tích loại dữ liệu này, rất cần nhận biết rằng những số liệu này nên được diễn giải với một ý nghĩa tương đối thay vì tuyệt đối. Ví dụ, những thước đo này có thể áp dụng tốt hơn cho khoa học tự nhiên thay vì khoa học xã hội nhân văn. Cũng cần nhận biết bản chất thiên lệch của dữ liệu về trích dẫn, hiểu rõ các thước đo của mình và áp dụng nhiều thước đo khác nhau.

  • Phân tích các xu hướng nghiên cứu quốc tế và đối sánh với khả năng nguồn lực của nhà trường: Bibliometric cũng giúp phân tích cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế để có thông tin xác thực về các xu hướng nghiên cứu đang nổi lên trên thế giới cũng như xu hướng nào đang suy tàn theo thời gian, theo quốc gia. Thông tin này rất quan trọng để xác định trọng tâm nghiên cứu của nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp.
  • Phân tích về đặc điểm và năng lực đội ngũ nghiên cứu, về những lĩnh vực mạnh và yếu: Những dữ liệu bibliometrics cho phép phân tích theo tác giả, từ đó có thể dựng lên bức tranh về chất lượng của nguồn nhân lực làm khoa học. Số lượng bài báo khoa học tính trên dân số, tính trên đầu giảng viên, nghiên cứu viên (quy đổi toàn thời gian); số lượng và chỉ số trích dẫn; chỉ số H; chỉ số tác động; tỉ lệ bài đăng trên tập san hàng đầu; tỉ lệ bài có hợp tác quốc tế v.v., những tư liệu và phân tích này khi đặt trong tương quan đối sánh với các trường cùng loại trong nước và trên khu vực sẽ cho thấy rõ nhà trường đang ở đâu và nên xác định mục tiêu nào và lĩnh vực gì là phù hợp và khả thi.

 

Đặc biệt, những phân tích về tương quan giữa số lượng bài báo khoa học và chỉ số tác động cho chúng ta một minh chứng rõ rệt về những lĩnh vực nào đang là điểm mạnh, điểm yếu, hoặc là cơ hội của nhà trường. Biểu đồ sau cho thấy điều này:

Biểu đồ 3. Những lĩnh vực nghiên cứu mạnh, dựa trên số bài báo khoa học và chỉ số tác động

Nguồn: Nan Ma và Weiping Yue (2013)

  • Phân tích thành quả nghiên cứu và xu hướng phát triển của cá nhân nhà khoa học:

Các trường ĐHNC được tạo thành bởi các nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi những nhà khoa học tài năng, là những người sẽ quyết định trọng tâm nghiên cứu và dẫn dắt người khác tạo ra thành quả. Bên cạnh câu hỏi “phải đầu tư cho lĩnh vực nào”, là câu hỏi “phải đầu tư cho ai”, hay nói cách khác, cá nhân nhà khoa học nào là người đã chứng minh được năng suất và hiệu quả làm việc, cá nhân nhà khoa học nào biểu lộ những triển vọng hứa hẹn. Biểu đồ sau đây minh họa điều này:

Biểu đồ 4. Phân tích tác động và vị trí toàn cầu của nhà khoa học, dựa trên số lượng trích dẫn, tự trích dẫn, tỉ lệ trích dẫn trên bài báo, H index.

 Nguồn: Nan Ma và Weiping Yue (2013)

  • Giám sát và đánh giá: những kết quả phân tích dựa trên các phương pháp nghiên cứu của ngành đo lường khoa học cho ta thấy năng suất, chất lượng, tác động, hiệu quả, và thế mạnh trong hoạt động khoa học của nhà trường. Những thước đo này cũng sẽ là công cụ chủ yếu để giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện chiến lược. Nó cho phép chúng ta trả lời câu hỏi, những khoản đầu tư cho nghiên cứu khoa học đã mang lại kết quả gì. Ví dụ sau đây minh họa cho điều này:

Biểu đồ 4: Đánh giá tổng quan về thành quả của hoạt động nghiên cứu

Nguồn: Nan Ma và Weiping Yue (2013)

Biểu đồ trên đây cho chúng ta một đánh giá tổng quan về kết quả đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tính trên tương quan với số bài báo khoa học. Các chỉ tiêu được đo bao gồm: số bài báo khoa học trên đầu giảng viên/nghiên cứu viên có bằng tiến sĩ; thu nhập do hoạt động nghiên cứu mang lại và số bài báo khoa học trên mỗi triệu đồng thu nhập; và uy tín về nghiên cứu trên toàn cầu.

Hiệu quả đầu tư cũng được đánh giá bằng chất lượng nghiên cứu, dựa trên số bài có chỉ số tác động cao hoặc số bài không được trích dẫn, như có thể thấy trong biểu đồ 5 dưới đây:

Biểu đồ 5. Hiệu quả của các nghiên cứu được tài trợ

Nguồn: Nan Ma và Weiping Yue (2013)

Trên đây chúng ta đã xem xét các ví dụ cho thấy khả năng của ngành đo lường khoa học có thể đóng góp vào việc đưa ra minh chứng cho các quyết định trong xây dựng chiến lược như thế nào.

Các dữ liệu của đo lường khoa học có một vai trò trọng yếu trong việc xác định những lĩnh vực ưu tiên để phân bổ nguồn lực, cũng như trong việc xác định mục tiêu cụ thể. Ngoài các dữ liệu đó, cần cân nhắc thêm những yếu tố không thuộc phạm vi của đo lường khoa học nhưng có tác động đến chất lượng và hiệu quả của việc đầu tư cho hoạt động khoa học. Đó có thể là:

 Hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu: Bao gồm số lượng và chất lượng phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, số đầu sách trong thư viện, các cơ sở dữ liệu quốc tế mà giảng viên có thể tiếp cận, v.v. Dữ liệu này cần được trình bày trong tương quan đối sánh với các trường cùng loại và trong khu vực.

Năng lực hỗ trợ cho nghiên cứu: Hoạt động nghiên cứu cần một môi trường hỗ trợ thuận lợi về cơ chế tổ chức. Những thủ tục vô lý về thanh quyết toán là một rào cản cho các nhà khoa học, không chỉ vì nó làm mất thời gian, mà còn vì nó hạ thấp tư cách của người làm khoa học.  Năng lực hỗ trợ cho nghiên cứu còn là các thiết chế như Trung tâm Chuyển giao Công nghệ hoặc Tiếp thị Khoa học, là những đơn vị làm cầu nối gắn kết giới làm khoa học với các doanh nghiệp, tìm nguồn tài trợ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một số trường còn có những tổ chức hỗ trợ các nhà khoa học trong việc viết bài báo khoa học, đăng ký bằng sáng chế, v.v.

  1. Kết luận

 Những phân tích đo lường khoa học có thể đóng góp cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược nghiên cứu KHCN với những mức độ sâu sắc về trí tuệ khác nhau: từ mức thấp là những nghiên cứu mô tả về thực trạng giúp chúng ta nhận thức đúng về những gì đã xảy ra và đang tồn tại cho đến những nghiên cứu có tính chất dự báo và đưa ra hướng đi.

Ở cấp độ phân tích mô tả, chúng ta cần những báo cáo cơ bản nhằm trả lời câu hỏi: hoạt động nghiên cứu KHCN đã và đang diễn ra trong thực tế như thế nào? Chúng ta đang ở đâu so với các trường trong nước, trong khu vực, và trên quốc tế, xét về thành quả, về chất lượng, về tác động và hiệu quả của NCKH? Chúng ta cũng cần những nghiên cứu nhằm vào việc trả lời một câu hỏi cụ thể, ví dụ, nhà khoa học nào đã và đang chứng minh được hiệu suất làm việc. Những nghiên cứu thuộc loại mô tả này cũng có thể đạt đến mức độ mang ý nghĩa chẩn đoán: thực trạng này cho thấy vấn đề gì đang được đặt ra và cần phải giải quyết. Nó cũng có thể cảnh báo: thực trạng này báo động điều gì và cần có hành động như thế nào để đáp ứng.

Ở cấp độ cao hơn, tức là những nghiên cứu mang tính chất dự báo, cần có những nghiên cứu dựa trên phân tích thống kê nhằm trả lời câu hỏi: hiện tượng này xảy ra có phải là một kết quả tất yếu hay không và vì sao. Cần những nghiên cứu thử nghiệm hay nói cách khác là nghiên cứu các trường hợp thí điểm: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thay đổi một chính sách quản lý hoặc cách tiếp cận này bằng một chính sách hay cách tiếp cận khác? Cần những mô hình dự báo để tính toán trước những tác động khả dĩ có thể xảy ra: nếu chúng ta đặt trọng tâm nghiên cứu vào những lĩnh vực này và đầu tư cho những nhóm nghiên cứu này, trong những điều kiện cho trước nào đấy, liệu kết quả sẽ như thế nào? Những cách thức nào có thể tối ưu hóa các lựa chọn của chúng ta trong việc phân bổ nguồn lực?

Đó là một số khả năng mà những phân tích đo lường khoa học có thể giúp cung cấp dữ liệu cho việc xây dựng kế hoạch chiến lược và ra quyết định của các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐHNC. Cần nhấn mạnh rằng, mặc dù tầm quan trọng của việc dựa trên chứng cứ để xây dựng chiến lược và ra quyết định đã được khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vẫn cần một cách nhìn tương đối thay cho tuyệt đối hóa các phân tích định lượng, bởi vì mọi phân tích định lượng đều chứa đựng những hạn chế nhất định và có thể chỉ phản ánh một phần bản chất của sự vật. Cuối cùng, bài báo khoa học không phải là tất cả những gì một trường ĐHNC có thể mang lại cho xã hội. Sứ mạng của trường ĐHNC rộng lớn hơn, sâu sắc hơn; nó có những nghĩa vụ cao cả không phải chỉ với xã hội hôm nay mà còn là với tương lai, và đó là những thứ khó mà lượng hóa.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

 

Altbach Philip G. “The Past, Present and Future of Research Universities”, Altbach Philip G. and Jamil Salmi, eds, The Road to Academic Excellence: the Making of World Class Research Universities, Washington, D.C: World Bank, 2011. Bản tiếng Việt do Phạm Thị Ly dịch, Bản tin Giáo dục Quốc tế của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành số 1-2011.

Bartol, K. and D. Martin, Management, New York: McGraw-Hill, 1998

Bayenet, B.,C. Feola, and M. Tavernier, “Strategic Management of Universities: Evaluation”, Higher Education Management, Vol 12, No.2, 2000, pp 65-80.

Charles A.Goldman and Hanine Salem, “Strategic Planning methods for Buiding World Class Universities”. Paper presented at 5th International Conference on World Class University, 2013.

Crisp, P. Strategic Planning and Management, Blagdon: The Staff College, 1991.

Gumport, Patricia J., and Barbara Sporn, “Institutional Adaption: Demands for Management Reform and University Administration”: Pearson Publishing, 1999.

Hefei Statement on the ten characteristics of contemporary research universities announced by AAU, LERU, GO8 and C9.  Source (accessed Dec 4, 2013): http://www.leru.org/files/news/Hefei_statement.pdf.

Hien, P. D. (2010). “A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam.” Higher Education, Vol 60, pp 615-625.

Jamil Salmi, “The Road to Academic Exellence”. Altbach Philip G. and Jamil Salmi, eds, The Road to Academic Excellence: the Making of World Class Research Universities, Washington, D.C: World Bank, 2011. Bản tiếng Việt do Phạm Thị Ly dịch, Thông tin Quốc tế về HDĐH của Viện Đào tạo Quốc tế ĐHQG-HCM số 1-2012.

Kotler, P., and P. Murphy, “Strategic Planning for Higher Education”, The Journal of Higher Education, Vol. 52 N.5, 1981, pp 470-489.

Ly T. Pham, Tho D. Dinh, Tuan V. Nguyen, “Research Output and Impact of the Vietnam National University Ho Chi Minh City: a Bibliometric Analysis” (In press).

Luật Giáo dục Đại học Việt Nam, ban hành ngày 18-6-2012, hiệu lực từ 1-1-2013. Nguồn: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=163054

Nicola De Bellis. Bibliometrics and Citation Analysis: From the Science Citation Index to Cybermetrics, The Scarecrow Press, Inc. Lanham, Maryland • Toronto • Plymouth, UK, 2009.

Peterson, M. “Using Conxtextual Planning to Transform Institution”, in ASHE Reader on Planning and Institutional Research, Pearson Custom Publishing, 1999, pp 127-157.

Nan Ma và Weiping Yue, “Evidence-based Strategic Planning for Research Universities”. Paper presented at 5th International Conference on World Class University (2013)

Tuan V. Nguyen, Ly T Pham, “Scientific output and its relationship to knowledge economy: an analysis of ASEAN countries”, Scientometrics, Vol 89(1), pp 107-117.

Wert-Burnham John. “Strategy, policy and planning” in T. Bush and Wrst-Burnham (eds.), The principal of educational management, Harlow, England: Longman, 1994.

 

 

 

 

 

[1] Khoản   Điều 9 Luật GDĐH.