Lời giới thiệu
Bản báo cáo tóm tắt dưới đây là kết quả của một dự án nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thế giới OECD tài trợ và tổ chức thực hiện, nhằm giúp các nước trong khu vực cải thiện năng lực quản lý hoạt động khoa học của mình. Toàn văn báo cáo bằng tiếng Anh có thể đọc trên trang web của OECD. Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt kết quả khảo sát ở mỗi nước để phục vụ những bạn đọc không có nhiều điều kiện thời gian để đọc bản toàn văn.
Người dịch: Phạm Thị Ly
Phần 1. Các loại hình kiến thức và kỹ năng cần có để quản lý hiệu quả hoạt động nghiên cứu và đổi mới
Alan Pettigrew, Molly Lee, Lynn Meek, và Fabiana Barros de Barros
Tóm tắt
Nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ (KH-CN) là động lực mạnh mẽ của hoạt động kinh tế đồng thời tạo ra sức mạnh và sự thịnh vượng của xã hôi, là điều đã được thừa nhận rộng rãi. Những nỗ lực của các nước trong KH-CN được tiến hành ở các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu công lập như trường ĐH, viện nghiên cứu, bệnh viện và các tổ chức nghiên cứu không vì lợi nhuận. Có nhiều ảnh hưởng và mô hình đang diễn biến về KH-CN đang góp phần làm tăng sự phức tạp trong công tác quản lý và lãnh đạo hoạt động KH-CN ở những tổ chức nói trên; cũng như trong việc xây dựng chính sách ở cấp nhà nước và cấp trường/viện.
Mục đích của Dự án quốc tế IHERD/OECD này là:
(1) tổng hợp và tóm tắt những yếu tố cốt lõi của những chương trình đào tạo hiện có, hoặc đang hình thành, về những kiến thức và kỹ năng trong lãnh đạo/quản lý KH-CN; và
(2) biên soạn tài liệu về những loại hình kiến thức và kỹ năng cho hoạt động này, một tài liệu có thể sử dụng cho việc xây dựng và thực hiện những chương trình giúp nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo và quản lý KH-CN hiện nay và trong tương lai, nhất là ở các nước đang phát triển.
Có nhiều lĩnh vực trách nhiệm quan trọng làm cơ sở cho hoạt động KH-CN của một quốc gia. Đó là công việc của các viên chức chính phủ, những người giúp việc cho các nhà chính trị thiết lập và thực hiện chính sách quốc gia về KH-CN, cũng như các nhà lãnh đạo và quản lý cao cấp của các viện nghiên cứu, đội ngũ chuyên viên ở các đơn vị chức năng, những người đảm nhiệm việc vận hành hoạt động KH-CN sao cho hữu hiệu.
Một bản dự thảo về các loại hình kiến thức kỹ năng cần thiết cho công tác quản lý KH-CN đã được đề xuất, trên cơ sở khảo sát những chương trình đào tạo bồi dưỡng hiện có ở một số nước có hệ thống KH-CN đã “trưởng thành”. Các loại hình kiến thức kỹ năng ấy được thể hiện trong sáu chủ đề chính phản ánh những yêu cầu ở mức độ khác nhau của hệ thống KH-CN. Đó là:
Chủ đề 1: Sự lãnh đạo của nhà nước trong KH-CN – điểm khởi đầu
Chủ đề 2: Lãnh đạo hoạt động nghiên cứu ở các trường/viện
Chủ đề 3: Hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ cho lãnh đạo KH-CN ở các trường/viện công lập.
Chủ đề 4: Lãnh đạo các nhà nghiên cứu ở các trường/viện
Chủ đề 5: Hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ cho việc lãnh đạo các nhà nghiên cứu
Chủ đề 6: Cách xử sự cá nhân và phẩm chất của các nhà quản lý và lãnh đạo KH-CN
Mỗi chủ đề trên đây gồm nhiều yếu tố tạo thành những yêu cầu để có thể thành công trong công tác lãnh đạo. Các chủ đề về Lãnh đạo đều hướng đến sự hiểu biết về văn hóa và những ảnh hưởng cá nhân đối với hoạt động nghiên cứu sáng tạo của từng cá nhân và của các nhóm nghiên cứu trong các trường/viện. Những ảnh hưởng đó đúng với các nhà lãnh đạo ở cấp nhà nước cũng như cấp trường/viện. Các chủ đề về quản lý đề cập đến những yêu cầu khắt khe về việc am hiểu thủ tục quy trình, tài chính, pháp lý, về việc tuân thủ các quy định cũng như chế độ báo cáo, là những hoạt động làm cơ sở cho việc thực hiện nghiên cứu khoa học một cách phù hợp. Chủ đề cuối cùng là về cách cư xử và những phẩm chất cá nhân mà các nhà lãnh đạo/quản lý KHCN cần thể hiện được, để đội ngũ nghiên cứu mà họ chịu trách nhiệm quản lý có thể phát huy được hết khả năng và sự sáng tạo.
Các nhà lãnh đạo/quản lý tham gia vào những hoạt động được nêu ra trong sáu chủ đề trên là những người có tiềm năng và cơ hội to lớn để đảm bảo cho sự phát triển tương lai của xã hội và các nước đều được hưởng lợi từ trí tuệ cũng như từ những nỗ lực ấy của họ.
TRƯỜNG HỢP MALAYSIA
Molly N.N. Lee [1];Morshidi Sirat; Wan Chang Da; Mageswary Karpudewan
Tóm tắt
Ở Malaysia, tuy đã có nhiều tiến bộ được thực hiện, thách thức trong việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ (KH-CN) vẫn còn đó. Bài viết này khảo sát những chính sách, chiến lược quốc gia, và những cơ chế đã được vận dụng để giải quyết những thách thức ấy. Kết quả nghiên cứu được trình bày theo bốn chủ đề.
Ở chủ đề 1, vai trò lãnh đạo của nhà nước trong KH-CN được nhấn mạnh. Về chính sách KH-CN quốc gia, nhà nước đang tiến hành Chính sách Khoa học Công nghệ và Đổi mới Quốc gia (2013-2020), chủ trương nhấn mạnh việc tăng cường khoa học, công nghệ và đổi mới dòng chính ở mọi thành phần kinh tế và ở mọi cấp. Trong việc quản lý KH-CN, Hội đồng Khoa học và Nghiên cứu Quốc gia được giao việc điều phối cơ chế tài trợ nhằm bảo đảm những nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu phù hợp với những ưu tiên của đất nước. Để đảm bảo cho sự phát triển liên tục tài năng nghiên cứu cho KH-CN, chính phủ đã gắn bó với nhiều nỗ lực nhằm cải thiện việc đào tạo lực lượng nghiên cứu. Giải thưởng, học bổng sau đại học được trao cho ngày càng nhiều người. Những chương trình nhằm thu hút tài năng ngoại quốc cũng được thực hiện. Về kinh phí nghiên cứu, có nhiều cơ chế khác nhau do nhiều Bộ khác nhau tiến hành. Cụ thể là, Bộ Giáo dục Đại học chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ bản, còn Bộ KH-CN thì chịu trách nhiệm nghiên cứu ứng dụng. Khu vực tư được khuyến khích tham gia hoạt động KH-CN. Thông tin về những cơ chế tài trợ này có sẵn trên website của các tổ chức tài trợ. Malaysia có Chiến lược đổi mới công nghệ quốc gia và Ủy ban Đạo đức Nghiên cứu Quốc gia được thành lập để quản lý việc nghiên cứu.
Trong chủ đề 2, chúng tôi trình bày chi tiết về thực trạng của việc lãnh đạo hoạt động nghiên cứu ở các trường/viện. Về nhận thức, các nhà lãnh đạo ở cấp cơ quan Bộ/trường/viện/tổ chức, đơn vị cấp kinh phí đều nhận thức được những xu hướng nghiên cứu mới và bối cảnh chính sách cũng như cơ chế tài trợ. Ở cấp trường/viện, KH-CN chịu sự chỉ đạo của các hội đồng tư vấn khoa học. Các trường/viện đều có kế hoạch chiến lược cho tương lai và nhiều chính sách khác nhau để thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển văn hóa nghiên cứu trong cộng đồng khoa học.
Trong chủ đề 3, chúng tôi bàn về việc quản lý hoạt động KH-CN ở cấp trường/viện. Phần lớn công việc này liên quan tới phân bổ kinh phí nghiên cứu và thương mại hóa kết qủa nghiên cứu. Những nhà nghiên cứu trẻ tuổi và có phẩm chất, năng lực được bổ nhiệm ở cấp trường/viện để quản lý hoạt động nghiên cứu và học hỏi trong quá trình làm việc. Việc quản lý nghiên cứu sinh được đặt dưới quyền đơn vị phụ trách sau đại học của nhà trường.
Cuối cùng trong chủ đề 4, những kiến thức và kỹ năng cần cho việc quản lý KH-CN có hiệu quả ở cấp độ nhóm nghiên cứu sẽ được trình bày chi tiết. Thường thì hoạt động của các nhà nghiên cứu được đo lường qua số bài báo khoa học, số dự án được tài trợ, số nghiên cứu sinh đào tạo được. Nhiều chiến lược khác nhau đã được thực hiện để cải thiện việc tham gia nghiên cứu khoa học của giới giảng viên. Tuy có tiến bộ đáng kể, những thiếu hụt vẫn còn đó. Về kinh phí nghiên cứu, cần lưu ý là phần lớn từ ngân sách nhà nước và hầu hết dành cho nghiên cứu ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản. Sự tham gia của khu vực tư là rất nhỏ. Các trường/viện ở Mlaysia đặc biệt yếu về cạnh tranh quốc tế để giành tài trợ, và họ không gắn bó chặt chẽ với hợp tác liên trường. Malaysia vẫn thiếu các nhà nghiên cứu được đào tạo tốt. Họ cần được đào tạo nhiều hơn để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ có hiệu quả, đúng thời gian, giảm bớt lãng phí nguồn lực, và thay đổi trong đạo đức làm việc. Các nhà nghiên cứu ở Malaysia cũng cần mở rộng quan hệ quốc tế và cải thiện kỹ năng viết.
TRƯỜNG HỢP THÁI LAN
Charas Suwanwela[2]
Tóm tắt
Thái Lan, một quốc gia đang phát triển đã nhận ra nhu cầu nghiên cứu để hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước trong hơn 50 năm qua, đang trên đường xây dựng hệ thống nghiên cứu của mình. Tổ chức Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia và một số tổ chức nghiên cứu khác trong một số lĩnh vực cụ thể đã được thành lập những năm đầu thập kỷ 90. Sự công nhận rõ ràng về tầm quan trọng của đổi mới công nghệ đến sau một thập kỷ, khi Bộ KH-CN thành lập Tổ chức Đổi mới Công nghệ Quốc gia và ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Quốc gia năm 2008. Cơ chế Đại học Quốc gia được khởi xướng năm 2004.
Có một số trùng lắp trong các tuyên bố chính sách quốc gia và các kế hoạch về nghiên cứu, khoa học, công nghệ và đổi mới. Văn bản mới nhất là Kế hoạch và Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Quốc gia 2012-2021.
Cấu trúc kế hoạch không tương xứng của hệ thống nghiên cứu quốc gia đưa tới kết quả một cơ chế thừa dư, thiếu quân bình và mỏng manh. Việc quản trị các tổ chức tự chủ cho phép tạo ra những linh hoạt cần thiết, nhưng cần cải cách hệ thống để tăng tính hiệu quả.
Nhiều tổ chức và các trường đại học, kể cả Tổ chức Phát triển KH-CN Quốc gia, chịu trách nhiệm về việc xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu. Đã có nhiều hành động nhằm đẩy nhanh quá trình này nhưng nguồn cung vẫn thiếu hụt nghiêm trọng. Các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và tổ chức tài trợ đều đang bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà quản lý, mở rộng quy mô chức năng của các nhà quản lý cấp trung để bao quát kỹ năng vận động tài trợ và đo lường chất lượng công việc. Đó là những việc đòi hỏi phải được đào tạo bổ sung. Một cơ cấu sự nghiệp dành cho các nhà nghiên cứu cũng rất quan trọng. Cần có kỹ năng quản lý chiến lược trong việc tận dụng và tiếp thị cho những hoạt động đổi mới, cũng như cho các tài sản trí tuệ.
Có các cơ chế tài trợ cho KH-CN và hầu hết kinh phí nghiên cứu là do nhà nước cấp thông qua nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có cơ chế cho Đại học Nghiên cứu Quốc gia. Theo tiêu chuẩn quốc tế thì nguồn kinh phí này được xem là thấp. Có những khích lệ để khuyến khích khu vực tư chi tiền cho nghiên cứu, nhưng khả năng này chưa được khai thác đầy đủ.
Thông tin về các cơ chế cấp kinh phí được phổ biến rộng rãi từ nhiều nguồn. Các nhà nghiên cứu cần học cách tìm kiếm, nhất là từ các nguồn quốc tế. Những quy định về đạo đức nghiên cứu được các tổ chức cấp tài trợ và Hội đồng Giáo dục Đại học đưa ra.
Chất lượng của quá trình và kết quả nghiên cứu KH-CN đòi hỏi các tiêu chuẩn và sự linh hoạt thích hợp trong quản lý. Cần đẩy mạnh việc đánh giá chất lượng kết quả nghiên cứu qua bình duyệt cũng như qua việc sử dụng những kết quả ấy.
TRƯỜNG HỢP CAMBODIA
Sideth S. Dy[3]
Tóm tắt
Cambodia là một quốc gia mới nổi đang phấn đấu cải thiện mức độ tiếp cận đại học cũng như chất lượng đào tạo và nghiên cứu của giáo dục đại học nhằm đáp ứng những xu hướng toàn cầu và khu vực trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực và thiếu hụt những quy định, chính sách hoàn chỉnh. Cambodia đã tạo ra nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều đối tác phát triển khác nhau, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân trong nghiên cứu còn rất nhỏ bé, và quan điểm của nhà nước về khoa học công nghệ thì không được nêu ra thực sự rõ ràng.
Cambodia đang trong quá trình chuẩn bị chính sách và khung pháp lý cho việc tăng cường nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ (KH-CN), trên quan điểm duy trì mối liên hệ và cập nhật các bước phát triển trong khu vực. Thách thức chính đối với Cambodia được công nhận là nhu cầu tăng năng suất quốc gia qua vận dụng sản xuất dựa trên công nghệ. Tuy có những nỗ lực được đồng thuận của chính phủ và các đối tác phát triển trong thập kỷ qua, các trường đại học, viện nghiên cứu đã không mấy thành công trong việc tạo ra năng lực nghiên cứu cần thiết. Do hạn chế về nguồn lực tài chính, các trường/viện chủ yếu gắn với hoạt động giảng dạy và rất ít chú ý đến việc phát triển hoạt động nghiên cứu và dịch vụ tư vấn.
Kết quả nghiên cứu chính của báo cáo này được kết luận như sau:
- Xây dựng văn hóa nghiên cứu ở Cambodia là một thách thức lâu dài. Cambodia có Luật Giáo dục từ tháng 12/2007, Chính sách Nghiên cứu và Phát triển trong Giáo dục từ tháng 7-2010, và Kế hoạch Tổng thể 5 năm về Nghiên cứu và Phát triển từ tháng 3-2011.
- Cam kết về chính trị và tài chính đối với hoạt động KH-CN ở Cambodia còn yếu do nhiều nguyên nhân. Năng lực của chính phủ còn hạn chế trong việc tài trợ cho những ưu tiên trong nghiên cứu được nêu ra trong chính sách của mình. Hơn nữa, cần có sự đánh giá đúng và cam kết với những ý tưởng về xã hội tri thức và về việc ra quyết định dựa trên chứng cứ. Hoạt động nghiên cứu hiện nay hầu hết do các đối tác phát triển tài trợ và tài trợ trên cơ sở từng dự án.
- Những văn bản chính sách và pháp luật nêu ra sự cam kết đối với KH-CN không được hỗ trợ trong thực tế. Gần như hoàn toàn thiếu vắng những khích lệ dành cho các nhà khoa học và những người tài giỏi để họ gắn kết với hoạt động nghiên cứu. Thang bậc thăng tiến trong sự nghiệp ở các trường đại học hầu như không hề chú ý đến những thành tựu trong nghiên cứu.
TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM
Pham Thi Ly[4]
Tóm tắt
Với một dân số gần 90 triệu người, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và hiện được xếp vào loại “thu nhập trung bình thấp”, tuy vẫn còn là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giản đơn. Về bối cảnh kinh tế xã hội, Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế được coi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đặc điểm này tạo ra những điều kiện cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ (gọi tắt là KH-CN) có thể không giống với những nước khác. Bản báo cáo này cố gắng diễn đạt những đặc điểm chủ yếu và những bước phát triển gần đây trong công tác lãnh đạo/quản lý hoạt động KH-CN ở Việt Nam; phản ánh những thiếu hụt nếu có về kiến thức hay kỹ năng cần thiết để lãnh đạo/quản lý KH-CN một cách có hiệu quả thông qua trình bày sáu chủ đề nhằm kiểm nghiệm các loại hình kiến thức kỹ năng đã được đúc kết và nêu ra trong giai đoạn trước của Dự án.
Việc phân bổ ngân sách KH-CN ở Việt Nam khá phức tạp và nặng về hành chính. Quy trình và thủ tục giải trình trách nhiệm về việc sử dụng ngân sách KH-CN cho các ưu tiên quốc gia vẫn còn yếu, bởi vì không có một tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm phối hợp, và vì cách phân bổ ngân sách thông qua các bộ và các sở KH-CN ở các tỉnh thành. Sự phối hợp giữa các tổ chức khác nhau, giữa các trường/viện và các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác nhau không được thể hiện rõ. Về kết quả nghiên cứu, dựa trên số ấn phẩm khoa học có bình duyệt quốc tế và bằng sáng chế, thì Việt Nam còn có một khoảng cách đáng kể so với Thái Lan và Malaysia.
Việc lãnh đạo/quản lý hoạt động KH-CN ở Việt Nam đang trở nên ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, một số khiếm khuyết cần bổ sung có thể xác định được như sau: (i) Chưa có nhận thức đầy đủ về bối cảnh toàn cầu và môi trường nghiên cứu quốc tế, cũng như về vị trí tương đối của KH-CN Việt Nam trên phạm vi toàn cầu– điều này bao hàm sự hiểu biết/kiến thức về khung pháp lý quốc gia (của nước khác) và quốc tế (tương tác giữa các nước), về hoạt động của các tổ chức tài trợ quốc tế, về các nhân tố liên văn hóa, v.v.; (ii) Thiếu kỹ năng phân tích và xây dựng chính sách, – cụ thể là khả năng xác định mục tiêu và lập kế hoạch chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng những tiêu chí và thước đo để đánh giá, nhận định về kết quả nghiên cứu, cũng như kỹ năng ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu thực tế và chứng cứ; (iii) Còn nhiều chỗ yếu trong việc giám sát quá trình thực hiện chính sách– bao gồm kỹ năng thu hút nhân tài và hỗ trợ họ đạt được mục tiêu nghiên cứu, cũng như bảo đảm rằng ngân sách nghiên cứu được phân bổ đúng chỗ; và (iv) nhìn chung việc truyền thông giao tiếp với tất cả các bên liên quan vẫn còn hạn chế – điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải hỗ trợ các nhà quản lý, người nghiên cứu, nghiên cứu sinh, quan chức nhà nước, lãnh đạo các trường/viện/cơ quan/doanh nghiệp khác, để tạo điều kiện cho họ đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách cũng như mở rộng nguồn lực và cơ hội cho trường, viện và đất nước của mình.
[1] Corresponding details: Universiti Sains Malaysia, Penang. Malaysia. Email: [email protected]
[2] Corresponding details: Chulalongkorn University, Bangkok, Thái Lan. Email: [email protected]
[3] Corresponding details: Royal University of Phnom Penh, Phnom Penh, Cambodia. Email: [email protected]
[4] Corresponding details: Vietnam National University, Ho Chi Minh City, Viet Nam. Email: [email protected]
0 Comments