“CHO” VÀ “NHẬN”
Phạm Thị Ly (2015)
(Bài đăng Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 09.10.2015)
Câu chuyện cô Jenifer Pan thuê người bắn chết cha mẹ ở Canada, hẳn đã làm xúc động mạnh nhiều người, và nó đặt ra một câu hỏi cho chúng ta phải suy nghĩ: Rõ ràng là ông bà Hân và Bích Hà đã sống một cuộc đời nghiêm túc, đúng mực, dành dụm tiền bạc và hy sinh hưởng thụ cá nhân để con cái có điều kiện học hành tốt nhất, giống như hàng triệu phụ huynh khác. Thế nhưng kết cục lại quá đỗi bi thảm cho cả cha mẹ lẫn con cái. Mặc dù câu chuyện này có thể xem là cá biệt và cực đoan, nhưng có thể nói rằng, một bi kịch tương tự cũng đang xảy ra trong rất nhiều gia đình hiện đại, chỉ là với những mức độ khác nhau mà thôi.
Khát vọng hạnh phúc
Hầu hết chúng ta đều mong mỏi được sống hạnh phúc. Cái gì mang lại hạnh phúc thì mỗi người có thể quan niệm khác nhau, nhiều người xem đó là tiền bạc, địa vị; người khác xem là sự nghiệp, công danh; có người xem việc hy sinh cho con cái hay cho tha nhân, cho môt lý tưởng cao cả, là hạnh phúc. Chúng ta theo đuổi những thứ ấy vì cái triển vọng hạnh phúc mà nó mang lại. Thế nhưng, bất kể chúng ta nghĩ gì và quan niệm như thế nào, lạ lùng thay, câu trả lời về việc cái gì mang lại hạnh phúc lại là một sự thật rất nhất quán. Mặc dù tiền được xem là quan trọng bậc nhất (có tiền mua tiên cũng được), sự thật là, nhiều tiền hơn không mang lại hạnh phúc nhiều hơn. Đó là một kết luận được lặp đi lặp lại rất nhiều lần từ cuộc nghiên cứu này đến cuộc nghiên cứu khác, từ năm này qua năm khác, nước này đến nước khác. Tất nhiên khi nói tiền không mang lại thêm hạnh phúc, chúng ta giả định rằng người ấy đã có đủ tiền cho những nhu cầu cơ bản nhất: ăn no, mặc ấm, có chỗ ở.
Vậy cái gì mang lại hạnh phúc? Trong nhiều câu trả lời khác nhau, chắc chắn có một câu trả lời mà không ai có thể phủ nhận: càng có nhiều mối quan hệ có chất lượng với người khác, chúng ta càng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhiều hơn.
Thế mà lạ lùng thay, chúng ta rất ít đầu tư xây dựng những mối quan hệ có chất lượng. Nhiều người dùng những mối quan hệ trong xã hội như một phương tiện để đạt được tiền bạc và địa vị, và quên bẵng không vun đắp những mối quan hệ gia đình, cho đến khi nó có vấn đề thì đã muộn.
Quan hệ cha mẹ và con cái thời hiện đại
Trong tất cả các mối quan hệ xã hội giữa người với người, thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ nhất và lâu dài nhất. Ai cũng biết một đứa trẻ ra đời làm đảo lộn cuộc sống của một cặp vợ chồng về mọi mặt, không chỉ sinh hoạt đời sống hàng ngày, mà còn là những kế hoạch tương lai và cảm nhận về cuộc đời.
Quan hệ cha mẹ và con cái chặt chẽ trước hết do những liên đới về điều kiện sinh tồn: Trong 20 năm đầu đời khi con còn nhỏ, cha mẹ là nguồn cấp dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ và con cái có chung một số phận: được mất của cha mẹ cũng là được mất của con cái và ngược lại. Trong 60 năm tiếp theo, khi con cái đã rời nhà và có cuộc sống riêng, mối quan hệ đó vẫn tồn tại, như thế nào và gắn bó đến mức nào, cho dù mang lại hạnh phúc hay đau khổ cho hai bên, thì nó vẫn là một phần quan trọng khó lòng phủ nhận trong cuộc đời của mỗi người. Đông cũng như Tây, có con bất hiếu là điều bất hạnh lớn nhất của đời người.
Vấn đề là: ngày nay, ngày càng có nhiều người phàn nàn về sự ích kỷ của con cái. Theo cảm nhận của một số người, chúng ta dường như đang tạo ra một thế hệ ngày càng vô cảm và thiếu trách nhiệm, trước hết là với chính cha mẹ họ.
George Friedman trong cuốn ‘The next 100 years: A forecast for the 21 century” (2009) đã nói về sự biến đổi sâu sắc trong quan hệ cha mẹ và con cái như sau: Trong thế kỷ 18-19, con cái là nguồn lao động và mang lại lợi ích kinh tế. Sáu tuổi đã có thể làm đồng và làm nhân công trong các xí nghiệp. Công nghiệp hóa khiến lao động trẻ em không còn giá trị, vì người thợ cần phải có nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Đến thế kỷ 21, khi công nghệ và kỹ thuật số ngày càng phổ biến trong nền kinh tế tri thức, con người phải trải qua thời gian đào tạo ngày càng dài hơn để có thể bắt đầu cuộc đời lao động. Trẻ em chẳng những không tạo ra của cải, mà còn ngày càng tiêu tốn nhiều tiền hơn để nuôi dạy. Hệ quả là, người ta ngày càng ít con, thậm chí đã bắt đầu một trào lưu không con ở các nước phát triển và dân số ngày càng già đi một cách đáng ngại, nhất là ở các nước giàu.
Giờ đây, người ta không sinh con để có thêm người lao động, cũng không sinh con để nương tựa tuổi già, mà là sinh con như một niềm vui. Điều này làm thay đổi một cách căn bản mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, so với cách đây vài ba thập kỷ.
Cho và nhận
Vì có rất ít con, và xem con như một niềm vui, hầu hết các bậc cha mẹ đã cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình, và không ít người đã đặt lên vai con cái gánh nặng những kỳ vọng và ước mơ mà mình đã không đạt được.
Kết quả là, con cái xem những gì được nhận của cha mẹ là đương nhiên, mà không biết cho đi. Cán cân cho nhận thiên lệch tạo ra một cuộc sống được bảo bọc đã khiến lớp trẻ lớn lên với rất ít ý thức trách nhiệm với bản thân chứ chưa nói tới trách nhiệm với người khác. Họ hầu như không có khả năng nhận lấy trách nhiệm của một người trưởng thành. Bước ra đời, họ ngỡ cả cuộc đời sẽ đối xử với họ như cha và mẹ họ đã đối xử. Nhưng thực tế làm gì có chuyện đó.
Thực tế là hiện nay, một phần sáu thanh niên Mỹ tuổi từ 25-31 đang sống chung với cha mẹ, nếu tính từ tuổi 18-31 thì con số này là 36% (Pew Research, 2012), một con số kỷ lục so với trước đó. Theo thống kê mới đây của Ủy ban Châu Âu (EC) ở Slovakia, có tới 74% trong độ tuổi 18 đến 34 vẫn sống cùng cha mẹ, trong đó nhiều người đã có việc làm hay đã lập gia đình. Nếu tính người từ 25 đến 34 thì tỉ lệ sống cùng cha mẹ là khoảng 57%. Ở Bulgaria, con số này là 51%, ở Romania, Serbia và Croatia con số lần lượt là 46%, 54% và 59%. Rất tiếc là chúng ta không có số liệu tương tự nào về Việt Nam. Một nửa trong số này là những thanh niên thất nghiệp, buộc lòng phải ở với cha mẹ để không phải trả tiền thuê nhà. Một số đã có việc làm, vẫn muốn ở chung với cha mẹ, tuy có đóng góp chút ít tiền ăn uống hay tiền nhà, nhưng có người nấu nướng dọn dẹp cho. Một số khác có việc làm với thu nhập quá thấp, cha mẹ phải giúp trả cho một phần tiền thuê nhà. Cũng không thiếu người lợi dụng sự hào phóng của cha mẹ. Thế hệ này cũng thường hay phàn nàn thế này thế khác về cha mẹ họ, và có lẽ rất ít khi, hay không bao giờ, nghĩ xem họ có bổn phận phải làm gì hay mang lại niềm vui gì cho cha mẹ. Họ xem những gì được nhận của cha mẹ là chuyện tất nhiên, thay vì là món quà của tình yêu thương mà đáng lẽ họ nên biết ơn và trân trọng.
Giá nhà quá cao và thu nhập thấp đã là nguyên nhân chính của tình trạng này. Tuy vậy, điều đáng lo ngại hơn là thái độ ích kỷ chỉ biết đến mình, của một thế hệ đã được nuôi dạy theo lối được nhận quá nhiều mà không biết cho đi, không học được tinh thần vượt khó, và ý thức trách nhiệm. Một số thanh niên khác thì được bảo bọc quá kỹ, không được trải nghiệm thất bại, không đương đầu nổi với thử thách. Có một thế hệ được gọi tên là “boomerang” (tên một thứ vũ khí của người da đỏ, ném đi sẽ tự quay về), tức những thanh niên sau khi ra đời vài năm, lại quay trở về nhà sống cùng cha mẹ.
Xã hội của chúng ta hôm nay đã được xây dựng nhờ nỗ lực của một thế hệ vượt qua chiến tranh và đói nghèo, từ nhỏ đã phải chung vai gánh vác những việc mưu sinh cùng cha mẹ, chăm lo cho anh chị em, khi có gia đình thì ăn nhịn để dành cho con cái được học hành. Tương lai đất nước sẽ ra sao khi thế hệ “con một” hôm nay lớn lên, được bảo bọc quá kỹ và coi sự hưởng thụ của mình như một sự tất nhiên, và là điều quan trọng nhất của cuộc đời?
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay
Từ bao đời nay, gia đình vẫn là cái nôi chuẩn bị cho con người vào đời. Nhưng ngày nay, công việc nuôi dạy con cái hình như càng ngày càng thêm khó khăn. Xưa kia, nhiều người làm cha mẹ nuôi dạy con chẳng khác nào một đàn gà, chỉ những kiếm ăn đã hết cả thời gian. Thế mà rồi con cái cũng thành người, những câu chuyện bất hiếu dường như rất hiếm gặp. Ngày nay, con hư có đủ mọi thể loại, có ở nhà giàu lẫn nhà nghèo, nhà có học lẫn nhà ít học, dưới vô vàn hình thức và mức độ.
Ừ thì “nước mắt chảy xuôi”. Tình yêu thương của cha mẹ với con cái là tình yêu thương vô điều kiện. Nhưng rất nhiều khi tình yêu thương ấy đã mang lại quả đắng, là vì khi cho đi vô điều kiện, cha mẹ đã làm cán cân cho và nhận với con cái trở nên nghiêng lệch. Từ trong sâu thẳm, ai trong chúng ta cũng muốn khẳng định giá trị của mình. Việc “nhận” có khi làm tổn thất lòng tự trọng của một người, vì nó đặt người ta vào thế yếu, bị động, và khi nó lặp lại nhiều lần, nó có thể làm tổn thương sâu sắc đến nỗi người ta quên luôn sự tự trọng và không còn cảm thấy nó nữa. Trái lại, việc “cho” khiến người ta thấy tự hào, thấy mình có giá trị, có ý nghĩa. Cha mẹ cho con không mong đợi nhận lại điều gì, là một tình cảm đáng quý trọng, nhưng nếu họ không tạo điều kiện cho con cái cũng biết cho đi, thì đó là một thiếu sót lớn. Con nhà nghèo ngày xưa dễ nên người là vì trong hoàn cảnh khó khăn, dù muốn hay không, trẻ em đều phải nhận từ cha mẹ, anh chị em và đều phải chia sẻ gánh nặng gia đình để cùng tồn tại. Khi điều kiện sống ấy thay đổi, nhiều người đã quên không dạy cho con cái bài học cho đi, mà trước hết là đối với bậc sinh thành.
Cân bằng giữa cho và nhận trong quan hệ cha mẹ và con cái ngay từ thời thơ ấu của trẻ là điều thật sự quan trọng để xây dựng mối quan hệ có chất lượng, hơn thế nữa, để tạo nên một thế hệ “con hơn cha là nhà có phúc”.
Đọc thêm
0 Comments