VÌ LỢI NHUẬN HAY KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN:
Khoảng trống giữa đạo đức, chính sách, luật pháp và thực tiễn
Phạm Thị Ly (2014)
(Bản ngắn hơn đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 14.09.2014 dưới tiêu đề “Ngăn chặn phi lợi nhuận giả hiệu”)
Hội thảo về “Điều lệ trường ĐH phi lợi nhuận” do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 22-8- 2014 tại Hà Nội đã phản ánh nhiều mâu thuẫn và bất cập trong chính sách đối với trường ngoài công lập, mà nổi bật là vấn đề khuôn khổ pháp lý cho trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Hệ quả của những bất cập này là mâu thuẫn nội bộ, chủ yếu là tranh giành quyền lãnh đạo giữa bộ phận điều hành và bộ phận chủ sở hữu nhà trường. Nguồn gốc của những tranh chấp này là xung đột lợi ích giữa những cá nhân đang nắm quyền điều khiển nhà trường. Tuy vậy, những tranh chấp này lại được ngụy trang dưới danh nghĩa cuộc chiến giữa vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, khiến cho những thảo luận có tính chất xây dựng cần thiết cho việc phát triển chính sách bị lạc hướng bởi những bình luận cảm tính, thiếu suy xét cẩn trọng và thiếu chứng cứ khách quan.
Vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận dưới góc độ đạo đức
Câu hỏi đặt ra là kinh doanh giáo dục nhằm tìm kiếm lợi nhuận có phải là việc làm phi đạo đức? Nếu câu trả lời là có, vì sao kinh doanh bệnh viện, nhà thuốc, những thứ liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, sức khỏe con người, lại được coi là hợp đạo đức? Vì sao kinh doanh văn hóa phẩm, nghệ thuật, những thứ liên quan đến tinh thần, giá trị, niềm tin, lại được coi là hợp đạo đức? Vì sao kinh doanh nhà trẻ, mẫu giáo được xem là hợp đạo đức, còn giáo dục đại học thì không?
Nếu kinh doanh giáo dục đại học được xem là hợp đạo đức, thì mọi sự kết án các nhà đầu tư giáo dục, xem họ là những người chỉ vì tiền mà chà đạp lên mọi giá trị, đều chỉ là những nhận định võ đoán, khái quát hóa thiếu lý trí, thiếu chứng cớ nhằm phục vụ cho một mục đích khác. Giáo dục nói chung, và giáo dục ĐH nói riêng đang là một thị trường dịch vụ tỉ tỉ đô trên toàn thế giới mà không ai có thể phủ nhận. Nếu như có những trường ĐH bán bằng cấp thì không có nghĩa tất cả mọi trường đều bán bằng cấp. Cũng không thể kết tội hễ là trường ngoài công lập thì bị thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức. Có thể dẫn ra không ít ví dụ: vụ việc “bằng tiến sĩ 200 triệu” xảy ra ở Trường ĐH Y, ĐH Thái nguyên[1], thì đó là trường công hay trường tư? Vụ 120 triệu mua điểm[2] ở Trường ĐH Quy Nhơn, là trường công hay trường tư? Một tỷ đồng chống trượt thi cao học ngành Quản lý Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG-Hà Nội. xảy ra ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Thanh Hóa[3], trường công hay trường tư? Vì vậy, trường công hay trường tư, trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận không có ý nghĩa gì về mặt đạo đức. Không có loại trường nào “có đạo đức” hơn những loại trường khác.
Nếu loại trường không nói lên điều gì về đạo đức, thì điều gì phân biệt những trường ĐH chân chính với những cỗ máy làm tiền nhân danh giáo dục?
Hàng hóa giáo dục có một đặc điểm không giống những hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khác. Kiến thức không thể mua, kinh nghiệm không thể vay mượn. Nhà trường không thể bán kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng. Nhà trường chỉ có thể cung cấp một môi trường trải nghiệm cho sinh viên và những điều kiện giúp họ có thể thụ đắc những kiến thức, kinh nghiệm, và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống công dân. Một trường ĐH có thể xem là chân chính nếu nó chứng minh được rằng nhà trường đã và đang duy trì những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong việc thực thi công việc của mình, những nguyên tắc giúp nhà trường không trở thành dối trá bởi những gì nó nói ra không giống với những gì mà nó thực sự làm, bởi những gì nhà trường hứa hẹn với người học và xã hội không giống với những gì mà nhà trường thực sự mang lại.
Phải chăng trường công, hay trường tư phi lợi nhuận thì có động lực mạnh mẽ hơn, hay là có điều kiện hơn trong việc bảo vệ những nguyên tắc đạo đức ấy, so với trường tư vì lợi nhuận? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh chính sách.
Vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận từ góc độ chính sách và luật pháp
Về nguyên tắc, trường công được cung cấp kinh phí từ nguồn ngân sách và có sứ mạng thực hiện những nhiệm vụ nhà nước giao. Bởi không phụ thuộc vào nguồn thu từ học phí, nó không nhất thiết phải chạy theo những đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn thu từ ngân sách hiện nay chỉ chiếm vào khoảng 40-60% kinh phí hoạt động của trường công, trong đó mức lương chính thức trả cho giảng viên có bằng tiến sĩ với thâm niên 25 năm chỉ ngang bằng mức lương của nhân viên bảo vệ mới được nhận vào làm ở khu vực tư. Thực tế này đã làm biến dạng sứ mạng và hoạt động của trường công, khiến họ không thể nào tập trung cho những nhiệm vụ đáng lẽ phải làm, mà dành phần lớn nguồn lực cho những hệ đào tạo mang lại thu nhập nhiều và tức thời, như từ xa, tại chức, thậm chí đã xảy ra mua bằng, bán điểm không khác gì những trường vì lợi nhuận không tử tế.
Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường NCL không vì lợi nhuận dù là theo cách hiểu phổ biến trên thế giới hay theo định nghĩa của khung pháp lý hiện hành. Trước khi Luật GDĐH 2012 được ban hành, không có một định nghĩa chính thức hay một khuôn khổ pháp lý nào cho các trường không vì lợi nhuận ở VN. Tất cả những tuyên bố phi lợi nhuận của các trường trước đây đều mâu thuẫn với cơ sở pháp lý, cơ cấu tổ chức và thực tiễn hoạt động của nhà trường. Từ khi có Nghị định 141/NĐ-CP quy định chi tiết các điều kiện để được công nhận là trường không vì lợi nhuận, cho dù chỉ căn cứ trên văn bản này, chúng ta vẫn chưa có một trường nào là trường không vì lợi nhuận. Bởi lẽ, để được công nhận là trường không vì lợi nhuận, nhà trường cần có văn bản cam kết, đồng thời có báo cáo kiểm toán để chứng minh mức chia lợi tức không quá lãi suất trái phiếu chính phủ.
Vì chưa có trường không vì lợi nhuận và cũng không có khuôn khổ pháp lý riêng cho trường không vì lợi nhuận, tất cả các trường NCL ở Việt Nam cho đến nay đều là các trường vì lợi nhuận mặc định. Vì lợi nhuận không nhất thiết đồng nghĩa với chất lượng kém. Chất lượng kém hay chất lượng tốt tùy thuộc vào tầm nhìn, động lực đầu tư dài hạn và khả năng quản lý của chủ sở hữu nhà trường, và được thể hiện qua kết quả đào tạo hay nghiên cứu. Nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ hiểu rằng chất lượng đào tạo tốt là lợi thế cạnh tranh sống còn của họ, và muốn có chất lượng đào tạo tốt, họ phải đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ, văn hóa tổ chức và môi trường làm việc, cũng như cơ sở vật chất khang trang. Họ sẽ biết thuê lực lượng quản trị chuyên nghiệp và am hiểu về giáo dục để tạo ra chất lượng đào tạo tốt. Trong lúc đó nhà đầu tư ngắn hạn sẽ muốn thu càng nhiều càng tốt, chi càng ít càng hay, chia lợi càng nhanh càng hài lòng, bất chấp hậu quả. Điều đáng tiếc là chính sách hiện nay đã không bảo vệ quyền sở hữu rõ ràng và dứt khoát cho các nhà đầu tư, do đó đã kích thích tầm nhìn ngắn hạn thay vì khích lệ tầm nhìn dài hạn.
Điều đáng nói ở đây là, nếu như khung pháp lý và chính sách có điều gì bất cập, thì cần cải thiện nó chứ không thể xử lý một vụ việc bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Chính nhờ chủ trương xã hội hóa GDĐH, chấp nhận đầu tư của khu vực tư nhân, chúng ta đã hình thành được một hệ thống trường NCL hiện đảm nhiệm việc đào tạo cho 14% tổng số sinh viên trong cả nước và tiết kiệm nhiều ngàn tỉ đồng cho ngân sách. Hệ thống GDĐH NCL đã được hình thành từ nhiều con đường khác nhau trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư. Nhà nước không thể dẫm lên chủ trương xã hội hóa trước đây bằng cách ép buộc công hữu hóa phần tài sản hiện nay đang được luật pháp công nhận quyền sở hữu của các nhà đầu tư, vì làm như vậy sẽ càng kích thích tầm nhìn ngắn hạn của các nhà đầu tư giáo dục khác. Không phải mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, mà chính là tầm nhìn ngắn hạn trong một môi trường thiếu minh bạch về trách nhiệm giải trình mới hủy hoại động lực tạo ra chất lượng giáo dục tốt.
Điều đáng nói hơn nữa, là khung chính sách và pháp lý cần ngăn chặn phi lợi nhuận giả hiệu. Nếu vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận chỉ được phân biệt bằng một tiêu chí duy nhất là mức chia lợi tức, một bên không bị hạn chế, và một bên bị hạn chế không quá lãi suất trái phiếu chính phủ như Nghị định 141/NĐ-CP đã nêu; thì các trường rất dễ giương ngọn cờ không vì lợi nhuận để lừa dối người học và xã hội. Trong thực tế, những người điều hành hoàn toàn có thể duy trì mức chia lợi tức thấp cùng với những cách hạch toán lời thật lỗ giả, với nhiều thủ thuật khác nhau, chẳng hạn lập các công ty con, các đơn vị vệ tinh trực thuộc nhà trường hoạt động như một doanh nghiệp vì lợi nhuận nhằm mục đích rút ruột nguồn thu của nhà trường để vụ lợi. Trong trường hợp này, chỉ có người điều hành là có lợi, nhà đầu tư nếu không tham gia điều hành thì không thể kiểm soát được dòng tiền và lời lỗ thực sự của nhà trường. Một chính sách như thế sẽ chỉ kích thích nhà đầu tư giành lấy quyền điều hành, một điều không có lợi cho chất lượng giáo dục, bởi lẽ nó hủy hoại nguyên tắc cốt yếu của một trường ĐH là dùng người chỉ dựa trên tài năng và phẩm chất. Nó cũng có thể kích thích nhà điều hành cướp quyền của người sở hữu, tức là tạo ra tiềm năng bất ổn khiến nhà trường không thể tập trung cho hoạt động thực sự của mình. Nhà đầu tư trong nhiều trường hợp không phải là người am hiểu về giáo dục, và không phải lúc nào cũng là người có năng lực lãnh đạo và quản trị chuyên nghiệp. Có trường hợp nhà đầu tư đồng thời là nhà khoa bảng, và thực tế đã cho thấy mãnh lực của “nhà đầu tư” luôn lấn át sức mạnh của “nhà khoa bảng”, và nhiều nhà khoa bảng đã xử sự giống hệt các nhà đầu tư.
Vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận- khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn
Trường ĐH phi lợi nhuận là một lý tưởng tốt đẹp mà ai cũng mong ước. Nó là sự bổ sung hoàn hảo cho trường công và trường tư vì lợi nhuận. Nếu trường công có sứ mạng thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao, trường tư vì lợi nhuận đáp ứng những đòi hỏi của thị trường, thì trường tư không vì lợi nhuận bổ sung cho những khiếm khuyết của khu vực nhà nước và khu vực thị trường. Nó làm cho bức tranh toàn cảnh của cả hệ thống GDĐH trở nên đa dạng nhằm phục vụ những nhu cầu thực sự đa dạng của cuộc sống.
Tuy nhiên, trường không vì lợi nhuận chỉ có thể được sản sinh và phát triển trong điều kiện có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước và có sự trưởng thành về văn hóa hiến tặng trong xã hội. Nhìn vào lịch sử phát triển các trường không vì lợi nhuận ở Hoa Kỳ hoặc phương Tây sẽ thấy rất rõ điều này. Trường ĐH là một tổ chức đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ để có thể vận hành và thực hiện sứ mạng của nó, ít nhất là trong giai đoạn ban đầu. Nguồn vốn ban đầu ấy không từ trên trời rơi xuống. Vì vậy, đòi hỏi phải có các trường phi lợi nhuận trong khi hai điều kiện nói trên chưa hề tồn tại, là một đòi hỏi ảo tưởng và có thể sẽ chỉ kích thích những trường phi lợi nhuận giả hiệu.
Trở lại thực tế Việt Nam, sự ủng hộ của nhà nước đối với trường không vì lợi nhuận, thay vì thể hiện qua những chính sách khích lệ hiến tặng như miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản hiến tặng, miễn thuế cho trường phi lợi nhuận, cấp đất và cấp vốn đối ứng; thì lại được thể hiện thông qua chính sách bóp nghẹt khả năng tìm kiếm lợi nhuận của các trường vì lợi nhuận. Chính sách này trong thực tế đã buộc các trường lâm vào tình thế phải đối phó, và không khích lệ cạnh tranh lành mạnh cũng như tầm nhìn dài hạn.
Truyền thống hiến tặng trong văn hóa phương Tây dựa trên niềm tin vào những giá trị cốt lõi của trường ĐH với tư cách là cột trụ tinh thần của xã hội, dựa trên lòng biết ơn đối với những gì người ta nhận được từ nhà trường trong những năm tháng học ĐH, những thứ đã khiến thay đổi cả một cuộc đời. Nó dựa trên năng lực của nhà trường trong việc đóng góp cho sự phát triển của xã hội, giải quyết những vấn nạn của thực tại và nâng cao đời sống của người dân, thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phản biện chính sách, phục vụ cộng đồng. Truyền thống ấy dựa trên lòng tin về sự chính trực của nhà trường, rằng nhà trường đang bảo vệ và gìn giữ tới cùng những giá trị của nó, không nhân nhượng, không thỏa hiệp với bất cứ điều gì có thể hủy hoại những giá trị ấy. Nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát với những người đã tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam, có bao nhiêu người nghĩ về ngôi trường mình từng học với một niềm tin như vậy?
Hệ quả của cuộc tranh luận vì lợi nhuận – không vì lợi nhuận trong thực tế
Cuộc tranh luận giữa vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trên các phương tiện truyền thông thời gian qua đã làm mạnh thêm sự cay nghiệt của công luận đối với khu vực GDĐH NCL. Sự cay nghiệt này sẽ kích thích các trường giương ngọn cờ phi lợi nhuận để vừa lòng công chúng, trong lúc vẫn có thể dùng các thủ thuật để duy trì hoạt động của nhà trường như một cỗ máy kiếm tiền cho những người điều hành.
Hãy gọi sự vật bằng đúng tên của nó. Trường vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận đều tốt và đều cần thiết cho sự phát triển của cả hệ thống, bởi nó có đặc điểm khác nhau và sứ mạng khác nhau. Trong bối cảnh đại chúng hóa GDĐH và sụt giảm nguồn đầu tư công, nhà nước không có lựa chọn nào khác để phát triển giáo dục bậc cao, ngoài việc củng cố và xây dựng hệ thống trường NCL. Xu thế tư nhân hóa cũng đang là xu thế chủ đạo ở nhiều nước, đặc biệt là ở Châu Á[4]. So với những nước này, tỉ lệ 14% tổng số sinh viên và 19% tổng số trường của khu vực NCL ở Việt Nam là rất thấp, bởi tỉ lệ của các nước Hàn Quốc, Nhật, và Philippines lần lượt là 78% và 87%; 77% và 86%; 81% và 75%[5].
Để phát triển hệ thống trường NCL lành mạnh, các nhà làm chính sách cần tạo ra một hành lang pháp lý nhất quán, rõ ràng về sở hữu, minh bạch về trách nhiệm giải trình để khích lệ đầu tư vào giáo dục và bảo vệ người học qua những chính sách về kiểm định và bảo đảm chất lượng.
Nếu tình trạng hiện nay vẫn tiếp tục, hệ thống GDĐH NCL sẽ sụp đổ trước hết vì lòng tin của xã hội vốn đã thấp, nay lại càng thêm bị phá hủy. Có một thực tế là trường NCL mọc ra như nấm, nhưng những trường thực sự thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng kém chất lượng là kết quả trực tiếp của lối làm dựa trên tầm nhìn ngắn hạn, và tầm nhìn đó là hệ quả của chính sách bất cập. Trong bối cảnh đó, những trường thành công có thể là những trường có nguồn gốc sở hữu rõ ràng, không bị tranh chấp, như trường hợp FPT hay Duy Tân, nhờ đó họ có thể xây dựng tầm nhìn dài hạn và tập trung cho chất lượng.
Viết xong tại TPHCM ngày 26.08.2014
Ghi chú:
[1]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/da-co-ket-luan-ban-dau-vu-200-trieu-lay-duoc-bang-tien-si-y-khoa-933998.htm
[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/193858/bo-giao-duc-yeu-cau-bao-cao-vu–mua-diem–o-dh-quy-nhon.html
[3]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vu-nop-tien-chong-truot-thi-cao-hoc-bao-cao-co-quan-an-ninh-dieu-tra-933287.htm
[4] Xem thêm: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/622171/giao-duc-ngoai-cong-lap-nhung-nut-that-can-thao-go.html
[5] Nguồn: Kai-ming Cheng, 2014.
Recent Comments